Skip to content
Main Banner

Về Câu Luật Dòng:"Quia verbum abbreviatum"

Administrator
2008-07-11 00:00 UTC+7 88

NB.Bài báo sau đây, tôi đã viết và đăng trong “Chia sẻ” số 101, tháng 12-1989, tr.11-14. Sau đó tôi đã đưa cách dịch mới vào trong quyển “Bút tích thánh Phan-xi-cô At-xi-di” ra mắt năm 1992.

Trong tờ “Chia sẻ” số tháng 6-2008 vừa qua, trang 17-18, anh F.X đặt lại vấn đề cách dịch câu Luật Dòng này.Vì thế có người anh em đề nghị tôi lên tiếng trong báo “Chia sẻ” “để soi sáng cho anh em sau bài viết của Anh Vũ-phan-Long”.

Bài viết của Anh Long dừng lại nơi cách hiểu của Thánh Irênê (thế kỷ II) về thuật ngữ “Verbum abbreviatum”, tức là “Tin Mừng như là lời ngắn gọn, ngược lại với sự rườm rà của Torah”. Rồi anh tự hỏi “ Nếu như thế, phải chăng Cha Thánh Phan-xi-cô đã đón nhận kết quả cuối cùng khi viết câu Luật trên đây? Và nếu vậy hẳn nên dịch lại câu L 9,4 là “…lấy lời ngắn gọn nói cho họ về nết xấu và các nhân đức, hình phạt và vinh quang, vì Chúa đã làm/nói một lời ngắn gọn ở trần gian”.

Vì bài viết của tôi đã được đăng cách đây khá lâu ( gần 20 năm rồi!), nên tôi xin đăng lại, với một vài tu chỉnh. Tôi chỉ muốn xin lưu ý là sau thánh I-rê-nê còn có cả chục giáo-phụ và tác giả khác giải thích kiểu nói “Verbum abbreviatum” này và nêu ra nhiều ý nghĩa khác nữa.

Vấn đề là cần xem xét tác giả nào sống gần với thánh Phan-xi-cô và có nhiều cơ may ảnh hưởng trên Người ).N.K.

Theo bản dịch cũ, chúng ta đọc trong bản Luật có sắc chỉ, ở chương 9, câu 2, lời khuyên của Thánh Phan-xi-cô với những anh em làm công tác giảng thuyết như sau: “Tôi lại khuyên và răn các anh em đó … lấy lời vắn tắt nói cho họ (dân chúng) về các nết xấu và nhân đức, hình phạt và vinh quang, vì Chúa đã nói lời vắn tắt khi ở thế gian” .

Các bản dịch bằng tiếng Pháp (của D.Vorreux, A.Masseron, Willibrord, P.Gratien), tiếng Đức (của K.Esser), tiếng Anh (của B.Fahy và P.Hermann), tiếng Ý (của G.Sabatelli) đều đã theo cách hiểu bình thường, tức là Chúa đã giảng dạy vắn tắt. Nhưng cách hiểu này gặp một khó khăn lớn: trong các sách Tin Mừng có chỗ nào nói là Chúa Giê-su đã giảng dạy một cách vắn tắt? Trái lại chúng ta thấy Chúa giảng dạy đến quên ăn, quên nghỉ (Mc 4,20; 6,31). Nhiều lần Mác-cô ghi lại là “Đức Giê-su đã dạy dỗ họ (dân chúng) nhiều điều” (Mc 4,2.33; 6,34). Vậy có cách nào khác để hiểu các tiếng “verbum abbreviatum” trong bản Luật của thánh Phan-xi-cô hay không ?

Trong một bài báo được viết năm 1929, cha Etienne Bihel cung cấp cho chúng ta nhiều chỉ dẫn quý báu . Theo ngài, câu nói của thánh Phan-xi-cô được trích từ Rm 9,29: "Quia verbum abbreviatum faciet Dominus super terram”.Ở chỗ này thánh Phao-lô đã trích dẫn Isaia 10,23: “Quả vậy án tận tuyệt, điều đã phân định, Đức Chúa Gia-vê các cơ binh đang thi hành ở giữa toàn cõi đất” (bản dịch của cha Nguyễn-thế-Thuấn). Trong tiếng Do-thái động từ được dùng là “haratz”, có nghĩa là “cắt, quyết định”; bản dịch hy-lạp là “syntemnôn” (bản LXX) thường có nghĩa là “cắt”.Trong các bản La-ngữ, dịch từ bản Hy-lạp, chúng ta có “verbum abbreviatum”, hoặc “consummationem enim abbreviationem” (bản Phổ thông). Dẫu sao thì trong bản Do-thái của Isaia và của thánh Phao-lô, câu văn có nghĩa là “lời đã phán quyết”.

Tuy nhiên từ những thế kỷ đầu, các giáo phụ hy-lạp (dưới ảnh hưởng của từ “syntemnôn”) và la-tinh (dưới ảnh hưởng của từ “abbreviatum”), rồi nhiều tác giả sau đó đã giải thích kiểu nói “verbum abbreviatum” theo nhiều nghĩa:

1. Đức Giê-su là “Ngôi Lời đã thu nhỏ mình lại”, nghĩa là đã hạ mình xuống và làm người thấp hèn.Theo cách hiểu này có thánh giáo hoàng Anacleto, thánh Siprianô, thánh Giê-rôm, và sau này là Anxenmô thành Laon, P.Lombarđô, thánh Bênađô.

Thánh Irênê cũng đã có ý tưởng như thế khi nói: “Khi (Nhôi Lời) nhập thể, thì thâu tóm (recapitulavit) nơi bản thân mình tất cả loài người”

2.Tin Mừng của Đức Giê-su là bản tóm tắt của Cựu-ước, vì Lề luật và các ngôn-sứ đã được tóm lại trong hai giới răn. Theo cách hiểu này có Tertulianô, Origien, thánh Euxêbiô, thánh Baxiliô, thánh Âu-tinh.

Nhiều vị chấp nhận cả hai cách hiểu trên.

Theo chiều hướng này, “verbum abbreviatum” nhiều khi còn được giải thích là điều răn bác ái, vì giới răn này tóm tắt mọi giới răn, hoặc là Kinh Lạy Cha, vì đó là bản tóm tắt của mọi lời kinh (Siprianô).

3.Thời gian vắn vỏi trong đó Chúa Kitô đã thực hiện các sấm ngôn, đó là cách giải thích của Haymon d’Aberstadt (thế kỷ X).

E.Bihel dừng lại nơi các tác giả trước thánh Phan-xi-cô. Nhưng chúng ta biết thêm là về sau Thánh Bonaventura, khi giải thích kiểu nói Verbum abbreviatum, thì chỉ nhắc lại ba nghĩa trên của truyền thống. Nhưng ngài thường giải thích kiểu nói “verbum abbreviatum” theo nghĩa Ngôi Lời nhập thể, vì Người đã sống cuộc đời vắn vỏi ở trần gian.Thánh nhân phân biệt Ngôi Lời bất tạo (Verbum increatum), Đấng đã hiện diện từ đời đời bên cạnh Chúa Cha, Ngôi Lời Nhập thể, Đấng đã sống cuộc đời rất ngắn ngủi (Verbum abbreviatum) ở trần gian và Ngôi Lời đầy Thần-Khí (Verbum inspiratum), Đấng đã sống lại, được Chúa Cha ban đầy Thần Khí và nay đang hiện diện trong lòng các tín hữu bằng quyền năng của Thần Khí ấy.

Rất tiếc là sau khi đã nêu ra ba lối giải thích qua các thời đại về kiểu nói Verbum abbreviatum, cha E.Bihel liền kết luận : “Ý nghĩa theo đó thánh Phan-xi-cô dùng câu văn không thích hợp chút nào với mạch ý trong đó có các kiểu nói tương tự”. Sở dĩ cha E.Bihel đã kết luận như thế, vì ngài đã hiểu các từ “cum brevitate sermonis” và “verbum abbreviatum” trong câu nói của thánh Phan-xi-cô theo nghĩa đen bình thường ( “Anh em hãy lấy lời vắn tắt mà nói cho họ về các tật xấu và nhân đức, vì Chúa đã nói vắn tắt khi ở thế gian).

Chúng tôi nghĩ chẳng lẽ thánh Phan-xi-cô không biết gì về một trong những ý nghĩa của “Verbum abbreviatum” theo truyền thống? Và nếu hiểu, thì ngài đã theo nghĩa nào?

Để tìm hiểu ý nghĩa câu nói của thánh Phan-xi-cô, chúng ta cần phải quan tâm tới hai điểm sau đây:

1. Lý tưởng của thánh Phan-xi-cô là “bước theo vết chân của Đức Giê-su Kitô” như đã được trình bày ngay ở câu đầu tiên của hai bản Luật (x. L ksc 1,1; L 1,1).Trong chương 6 của bản luật này, khi dạy anh em phải sống khó nghèo và khiêm nhường, ngài đưa ra lý do : “Vì Chúa đã làm người nghèo khó ở thế gian này vì chúng ta” (L.6,3). Bởi thế các tiếng “cum breviatate sermonis” phải diễn tả cùng một ý nghĩa như “Verbum abbreviatum”, vì anh em phải noi gương Chúa .

2. Kiểu nói Verbum abbreviatum cần phải được hiểu không phải theo nghĩa của Kinh thánh ( Isaia hay Phao-lô) hay theo nghĩa đen bình thường, nhưng theo những nghĩa đặc biệt của truyền thống các văn-sĩ trong Giáo-hội, mà thánh Phan-xi-cô có rất nhiều cơ may biết tới nhờ lời rao giảng của các giáo-sĩ.

Bây giờ chúng ta đặt thêm hai câu hỏi quan trọng: trong ba cách giải thích của truyền thống, cách nào diễn tả một thái độ cụ thể của Chúa để thánh Phan-xi-cô noi gương và muốn cho anh em mình noi gương? Cách giải thích nào được phổ biến nhất trong thế kỷ 12 và 13 là thời kỳ mà Cha Thánh sống?

Để trả lời các câu hỏi trên chúng tôi không thể không nghĩ tới nhà thần học nổi tiếng P.Lombarđô (1100-1160) và nhất là thánh Bênađô: đó là những tác giả đã sống phần lớn cuộc đời vào cuối thế kỷ 12 (1091-1153) và đã gây một ảnh hưởng rất lớn trên Giáo-hội đương thời, đặc biệt là thánh Bênađô, người đã thường giảng dạy không chỉ cho các đan sĩ, mà còn cho cả giáo dân. Chính ngài đã tiếp nối truyền thống khởi đi từ Anaclêtô, rồi tới thánh Siprianô và thánh Giê-rôm, để giải thích Verbum abbreviatum là “Ngôi Lời bé mọn”.

Sau thánh Bênađô, chân phước Guerric d’Igny, một đệ tử danh tiếng của thánh nhân, cũng đã phổ biến lối giải thích này. Như vậy cách hiểu này không xa lạ gì vào thế kỷ 12 và 13.

Dựa trên hướng giải thích của thánh Bênađô, chúng tôi đề nghị dịch chương 9, câu 2 của bản luật hiện hành chúng ta như sau:

“ANH EM HÃY LẤY LỜI KHIÊM TỐN MÀ NÓI CHO HỌ

VỀ CÁC TẬT XẤU VÀ NHÂN ĐỨC, HÌNH PHẠT VÀ VINH QUANG, VÌ CHÚA ĐÃ TRỞ THÀNH NGÔI LỜI BÉ MỌN Ở THẾ GIAN”.

Chúng tôi nghĩ cách dịch này rất phù hơp với mạch ý của toàn chương 9. Trong những câu trước thánh Phan-xi-cô đã khuyên dạy anh em giảng thuyết phải khiêm tốn, tức là tuân phục đức giám-mục giáo phận nơi mình đến giảng, và tuân phục Anh Tổng phục vụ, chấp nhận để cho Anh ấy khảo sát và sai đi. Bây giờ đối với thính giả, nhất là trong trường hợp phải nói cho họ về các tật xấu và các nhân đức, người anh em đi giảng lại cần phải tỏ ra khiêm tốn, đừng cho ai nghĩ rằng mình đi tu là đã là người có nhân đức, có thể lên lớp cho kẻ khác.Thánh Phan-xi-cô cũng đã có lời khuyên tương tự cho anh em là những người đã chọn lối sống nghèo khó: “Tôi nhắc nhở và khuyên anh em đừng khinh dể và phê phán những người trang phục xa hoa, sặc sỡ, và ăn uống cao lương mỹ vị, nhưng tốt hơn mỗi người hãy tự phê phán và khinh dể chính mình” (L.2,17). Trong Di-chúc, khi đề cập đến vấn đề đi giảng, thánh Phan-xi-cô còn có một câu nói diễn tả tâm tình khiêm nhường của người, ngay cả đối với những linh mục thấp hèn và tội lỗi: “Dù tôi có khôn ngoan như vua Salomon, nếu tôi gặp các linh mục thấp kém ở thế gian này, tôi cũng không muốn giảng dạy trong giáo xứ của các ngài, nếu các ngài không chấp thuận…Tôi không muốn xem xét tội lỗi của các ngài…” (DC. 7-9).

Vậy điều mà thánh Phan-xi-cô muốn noi gương ở đây và khuyên bảo các anh em giảng thuyết hãy làm như thế, đó là thái độ tự hủy của Chúa Kitô “ Ngôi Lời bé mọn ở trần gian”, chứ không phải việc Người “ đã nói vắn tắt”, điều mà chúng ta chẳng bao giờ nghe nói trong Phúc-âm. Từ những sự kiện nêu ra trên kia, chúng ta đã có thể kết luận như vậy chưa ?

Norbertô NGUYỄN-VĂN-KHANH

Thanh-hải 29-6-2008.

Chia sẻ