Skip to content
Main Banner

Ước Mơ Và Hành Trình Của Phái Đoàn Phan Sinh Tại COP26

Administrator
2021-12-01 00:00 UTC+7 84

“Tôi khẩn khoản kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách thức chúng ta xây dựng một tương lai mới cho hành tinh của chúng ta. Chúng ta cần một cuộc trao đổi kết hợp chúng ta lại với nhau, vì sự thách đố của hoàn cảnh môi trường mà chúng ta đang sống, chú tâm và tiếp cận các căn cơ thuộc con người của môi trường này." (LS. 14) “Khí hậu là tài sản chung của mọi người và cho mọi người.” (LS. 23) “Việc đòi hỏi khẩn thiết để bảo vệ cho ngôi nhà chung của chúng ta, cũng đưa đến việc cả gia đình nhân loại phải kết hợp với nhau, tìm cách phát triển lâu dài và trọn vẹn, vì chúng ta biết, mọi vật đều có thể thay đổi.” (LS. 13) - ĐHG Phanxicô

Virus COVID-19 đã tàn phá hàng triệu người trên thế giới, gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế trên diện rộng. Các chính phủ trên khắp thế giới đã thực hiện các bước để bảo vệ cuộc sống và sinh kế. Mặt khác, biến đổi khí hậu đã kéo dài dai dẳng và hiện đang là mối đe dọa đối với sự sống trên trái đất. Trong nhiều thập kỷ, các cộng đồng tôn giáo đã tham gia vào công việc này, và thông điệp Laudato Si' đã có một tác động tinh thần đáng kể. Trong nhiều năm, Văn phòng JPIC Trung Ương OFM đã làm việc để thúc đẩy sự chuyển đổi sinh thái trong Dòng và gia đình Phan sinh, bằng cách tích cực tham gia Hội nghị các bên (COP) của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cùng với các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và xã hội dân sự.

Như một phản ứng liên tục đối với cuộc khủng hoảng khí hậu này, JPIC-OFM, do anh Angelito Cortez (OFM) đại diện, cùng với sự hỗ trợ của hai anh Billy Hoyne (OFM) và Gabriel Kinahan (OFM); Franciscan International do Budi Tjahjono và Thomas Kleinveld đại diện; và các anh em Phan sinh Anh giáo do anh Clark Berge (SSF) đại diện; đã cộng tác với nhau để tổ chức một phái đoàn tham dự COP26 tại Glasgow, Scotland. Các tu sĩ Phan sinh địa phương đã hỗ trợ họ ở Glasgow và các thành phố lân cận, chẳng hạn như sự hỗ trợ của Cộng đoàn Chân phước John Duns Scotus do anh Phụ trách George Smulski (OFM) hướng dẫn. Chúng tôi nỗ lực: nâng cao nhận thức về công bằng khí hậu và các hành động cụ thể; cung cấp cơ hội đào tạo về khủng hoảng khí hậu với các tu sĩ Phanxicô địa phương và toàn thể gia đình Phan sinh thông qua hội thảo trên web (webinar); thể hiện tình đoàn kết thông qua phong trào công lý khí hậu cùng với các nhóm tín ngưỡng khác và các tổ chức xã hội dân sự; quảng bá tinh thần các giáo huấn của thông điệp Laudato si'; đồng thời đưa tinh thần và sự hiện diện Phan sinh vào tất cả các hoạt động và đối thoại, cả chính thức và không chính thức.

Với những mục tiêu này, đoàn chúng tôi đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau tại COP26. Tuần đầu tiên rất căng thẳng, với các cuộc trò chuyện, hội nghị, cầu nguyện và các buổi lễ tôn giáo, cộng tác với Ủy ban Liên lạc Liên tôn tại UNFCCC (ILC). ILC hoạt động như một nền tảng cho các tổ chức dựa trên đức tin để tạo điều kiện cho đối thoại và hành động. Đây là cơ hội hợp tác để vận động cho tiếng nói của tôn giáo về khủng hoảng khí hậu, bao gồm tất cả các trụ cột của UNFCCC và Thỏa thuận Paris. Vào giữa hai tuần này, phái đoàn đã tham gia vào hai cuộc biểu tình đoàn kết lớn, những ngày hành động toàn cầu với các tổ chức giới trẻ và đức tin, chẳng hạn như Phong trào Laudato Si', Living Laudato Si',… để kêu gọi công lý khí hậu. Trong tuần thứ hai, nhóm Phan sinh tham gia “the People Summit”. Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp để thảo luận về tương lai tại COP26, “the People Summit” tìm cách tổng hợp sức mạnh của mọi người để cùng nhau thay đổi hệ thống. Diễn đàn đã tập hợp phong trào công lý khí hậu để thảo luận, học hỏi và lập chiến lược cho sự thay đổi hệ thống.

Với hành trình phi thường này, phái đoàn Phanxicô bày tỏ lời kêu gọi đối với các vấn đề chính sau đây, và được các nhà lãnh đạo của Giáo hội và thế giới, bao gồm cả những người có đức tin, giải quyết như một ước mơ chung: vận động chính sách; khả năng phục hồi và trao quyền; tài chánh; mất mát và thiệt hại; sự thích nghi; nhân quyền; sự chuyển tiếp; khoa học khí hậu; vấn đề người bản xứ; giới trẻ và quản trị toàn cầu.

Chúng tôi, với tư cách là những tu sĩ Phanxicô tham gia tích cực vào COP26, ước mơ, hy vọng và yêu cầu COP26 cho phép sự tham gia của các nhóm tín ngưỡng trong các cuộc đàm phán về khí hậu, và khuyến khích các nhà lãnh đạo giáo hội của chúng tôi nêu gương và thúc đẩy lối sống có lợi cho môi trường, chẳng hạn như loại bỏ nhiên liệu hóa thạch; cũng như yêu cầu COP26 tạo ra các chương trình có thể trang bị và trợ giúp mọi người về mặt tâm lý, thể chất và vật chất, nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu hiện nay. […]

Chúng tôi mơ ước, hy vọng và yêu cầu COP26 đưa ra các quyết định phù hợp với khoa học khí hậu của IPCC; bảo vệ quyền của người bản địa trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chú ý đến kiến thức và thế giới quan của người bản địa; cân nhắc quan điểm giữa các thế hệ khi đưa ra các quyết định giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo rằng những người trẻ được đại diện trong cuộc bàn luận về khí hậu; quá trình thiết kế và tạo lập các dự án toàn cầu cần chú ý đến khía cạnh đạo đức, với cam kết rõ ràng là chăm sóc lẫn nhau trong gia đình nhân loại, để thúc đẩy văn hóa lãnh đạo có đạo đức và trách nhiệm trong quá trình ra quyết định của UNFCCC, và thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong các quyết định về khí hậu của UNFCCC.

Khi trở về, mang theo tất cả những gì chúng tôi có được từ chuyến đi và ước mơ đến COP26 ở Glasgow, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình với tư cách là các tu sĩ Phan sinh chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, ghi nhớ sứ điệp của ĐGH Phanxicô cho COP26 “Thời gian không còn nhiều, cơ hội này không được lãng phí, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với sự phán xét của Chúa vì chúng ta đã không trở thành những người quản lý trung thành của thế giới mà Ngài đã giao phó cho chúng ta chăm sóc.”

(Nguồn: https://ofm.org/blog/the-franciscan-dream-and-journey-cop26-glasgow/)

Phần trích Thông điệp LS: Bản dịch của Linh mục Nguyễn Văn Trinh

Chia sẻ