Bài thường huấn 2024-02: TU SĨ VÀ VIỆC SỬ DỤNG TIỀN CỦA
Bài thường huấn 02-2024
TU SĨ VÀ VIỆC SỬ DỤNG TIỀN CỦA
1/ Dẫn Nhập.
Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không nhằm trình bày các nguyên tắc sử dụng tiền của, hay hoạch định một kế hoạch tài chính. Nhưng chỉ muốn đề cập đến vai trò và những giá trị của tiền bạc ảnh hưởng đến đời sống đạo đức và luân lý con người nói chung và cách riêng đối với các tu sĩ dưới ánh sáng của Phúc Âm, hầu giúp chúng ta trung thành trong ơn gọi và là đầy tớ khôn ngoan và trung tín của Chúa trong việc sử dụng tiền của được Chúa giao phó. [1]
Thật vậy, tiền của vật chất có một giá trị nhất định, tiền có thể giúp con người biến ước mơ thành hiện thực đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là có nhiều tiền sẽ có cuộc sống hạnh phúc. Một danh nhân đã khảng định: “Tiền bạc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có tiền nhiều bao nhiêu càng muốn có nhiều bấy nhiêu”[2]. Có những điều tuyệt với trong cuộc đời mà ta không thể mua được bằng tiền đó là thời gian, tuổi trẻ, tình yêu, niềm tin. Một số người vì quá coi trọng đồng tiền mà bán rẻ lương tâm và nhân phẩm, đánh mất tình thân với mọi người. Tiền của có thể kiếm được, nhưng nhân phẩm và tình thân thì phải vun trồng gìn giữ. Tác giả sách Huấn Ca cho thấy những hệ lụy của tiền bạc ảnh hưởng đến con người thế nào: “Thức đêm vì của cải làm hao mòn thân xác, bận tâm về nó sẽ mất giấc ngủ ngon. Đã ham tiền không sao công chính được, chạy theo lợi lộc ắt sẽ lỗi lầm. Nó là cái bẫy cho ai say mê nó, hết mọi kẻ ngu si sẽ sa vào”[3]. Chúa Giêsu cũng đã cảnh tỉnh các môn đệ về sự ham mê tiền của, nó như con sâu đục khoét tâm hồn làm mờ đôi mắt khiến con người đánh mất kho tàng quý giá là Nước Trời: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất nơi mối mọt làm hư nát và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ kho tàng trên trời nơi mối mọt không làm hư nát và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó”.[4]
Thánh Phanxicô cũng rất nghiêm khắc khi nói về tiền bạc trong Luật Dòng rằng: Anh em không được nhận tiền bạc. Tôi cấm ngặt anh em nhận tiền bạc bằng bất cứ cách nào, do chính mình nhận, hoặc nhờ trung gian[5]. Đổi lại cộng việc mình làm, anh em có thể nhận mọi đồ vật cần thiết ngoại trừ tiền bạc[6]. Và nếu gặp tiền bạc ở đâu, chúng ta cũng đừng bận tâm, nó cũng như cát bụi dưới chân, vì “đó là phù vân trên mọi phù vân và tất cả là phù vân”(Gv1,2). Nếu anh em nào ước ao thu góp hay sở hữu tiền bạc (chỉ trừ trường hợp cần thiết cho người ốm đau), thì tất cả chúng ta hãy coi người ấy như một anh em giả, một kẻ phản bội, một tên trộm cướp, một kẻ giữ túi tiền, bao lâu kẻ ấy không một lòng hối cải. [7]
2/ Vai Trò và Giá Trị Tiền Của.
Ai cũng biết rằng trong đời sống thường ngày tiền của là một phương tiện không thể thiếu được, vì nhờ nó mà người ta đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu cuộc sống. Chẳng hạn: tiền mua lương thực thực phẩm, thuốc men chữa bệnh, mua sắm, xây dựng sửa chữa nhà cửa, đồ dùng cần thiết, phương tiện đi lại giao lưu, gặp gỡ, thăm viếng người thân, bạn bè, tổ chức cưới hỏi, ma chay, tiệc tùng, lễ mừng… Tắt một lời, tiền không phải là tất cả, nhưng hầu như tất cả mọi việc thì rất cần tiền, thậm chí là, “có tiền mua tiên cũng được”. Nói như thế để thấy rằng dường như tiền của có một sức mạnh đặc biệt, vì thế mới có câu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, hay “miệng nhà giàu có gang có thép”. Tuy nhiên, đồng tiền là tên đầy tớ trung thành nhưng lại là ông chủ gian ác[8]. Điều đó có nghĩa là nếu ta để cho đồng tiền làm chủ mình thì nó sẽ chỉ huy cả con người và cuộc sống mình theo ý hướng xấu của nó. Kinh nghiệm đời người cho thấy chữ “tiền” thì luôn đi đôi với “bạc”, tức là bạc tình, bạc nghĩa, bạc phúc, bạc ơn. Có thể nói, hơn phân nửa những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra hàng ngày đều xuất phát từ tiền bạc. Sức mạnh của đồng tiền thật là khủng khiếp, chính Chúa Giêsu đã so sánh nó với một ông chủ có khả năng cạnh tranh với chính Thiên Chúa: “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.[9]
Ở một góc nhìn khác, tiền của được xem là một thứ thần tài (Mammon)[10] đối nghịch với Thiên Chúa, bởi lẽ sự ham mê tiền của dễ làm cho người ta sinh ra thói kiêu căng bất tuân lời Chúa. Cuộc đời và những lỗi phạm của môn đệ Giuđa còn đó một bài học đắt giá với những ai để cho tiền của sai khiến. Cái giá của tình yêu, nhân phẩm, lòng trung thành đã bị đồng tiền làm biến chất, trong khi tiền bạc chỉ có giá trị tương đối như có người đã nói: “Tiền bạc có thể mua vỏ bọc ngoài của các sự vật nhưng không thể mua được điều cốt lõi của chúng được. Nó có thể đem đến cho bạn thức ăn nhưng không đem đến sự ngon miệng; có thể mang thuốc men nhưng không phải mang sức khỏe, mang sự quen biết nhưng không mang bạn bè, mang tôi tớ giúp việc nhà nhưng không phải là lòng trung tín, mang đến những ngày đầy lạc thú xác thịt, nhưng không phải là sự bình an và hạnh phúc”.[11]
Thật vậy, nếu chúng ta biết sử dụng tiền của như là một công cụ hỗ trợ cuộc sống, thì đó là một điều quý giá, tốt đẹp. Nhưng nếu chúng ta trở thành nô lệ cho tiền của, thì nó sẽ trở thành kẻ thù của ta. Tiền có thể làm cho con người trở nên tham lam và ích kỷ, chỉ tập trung vào bản thân, làm biến chất và khiến cho con người trở nên xấu xa. Vậy chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về tiền của, không nên phụ thuộc và trở thành nô lệ nó, nhưng hãy sống thanh cao, đạo đức và tỉnh táo. Đặc biệt là người tu sĩ, chúng ta hãy cảnh giác trước những cám dỗ, sự tha hóa phẩm chất đạo đức và niềm tin do tiền của gây ra, để xứng đáng với ơn gọi bước theo vết chân Đức Giêsu Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh.[12]
3/ Tiền Của và Những Cám Dỗ.
Khi nói đến tiền của người ta thường đổ cho nó là nguyên nhân của mọi sự dữ. Câu hỏi được đặt ra là phải chăng tiền của là gốc rễ của sự hư hỏng con người ? Không, tiền của cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng đồng tiền luôn có hai mặt: một mặt, tiền có thể đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con người, mặt khác, nó sai khiến người ta làm điều bất chính. Biết bao người vì mê tiền mà phải mạng vong, phải bán rẻ nhân phẩm và lương tri; vì tiền bạc mà nhiều người đã bất chấp luân thường đạo lý để có được. Có thể nói sự ích kỷ, vơ vét, tích trữ tiền của trái phép là nguyên nhân gây nên đói nghèo, chiến tranh, hận thù.
Kinh nghiệm cho thấy, ham mê tiền của là một cám dỗ không trừ một ai: càng có quyền hành, càng có địa vị, càng có chức tước càng dễ bị lôi kéo vào cơn mê tiền bạc. Đó chẳng những là một tính xấu nguy hiểm mà còn là một nguy cơ khiến chúng ta sống ngược lại với Tin Mừng của Chúa. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể rơi vào những cơn cám dỗ của tiền bạc, thói tham lam về tiền bạc dẫn ta đến những đổ vỡ khác, như đánh mất lương tri, thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân. Thánh Phaolo gọi tội tham lam của cải là tội thờ ngẫu tượng[13], và lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi; vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối.[14]
Mamom hay tiền bạc là một ngẫu tượng trong số rất nhiều thứ ngẫu tượng, nhưng nó là thứ ngẫu tượng trổi vượt nhất. Giống như tất cả các ngẫu tượng khác, tiền bạc quỷ quỵt điêu ngoa, nó hứa hẹn an ninh, nhưng thay vào đó nó lấy đi; nó hứa hẹn tự do, nhưng thực tế lại phá hủy tự do. Cha thánh Phanxicô với một mức độ nghiêm khắc, ngài đã mô tả giờ phút kết thúc cuộc đời của một người đã sống chỉ để làm tăng sự giàu có của mình, cho nên khi chết, người ấy sẽ không mang theo được gì, vì phải để tài sản lại cho thân bằng quyến thuộc, những kẻ này đã lấy chia nhau rồi lại còn nói: Đồ khốn! Lẽ ra nó đã có thể thu tích cho ta nhiều hơn thế nữa[15]. Đó cũng là điều Chúa Giêsu kể dụ ngôn người phú hộ trong trong Tin Mừng, vì ông ta cứ lo thu tóm của cải bất tận và nghĩ rằng phần còn lại của cuộc đời mình sẽ được an toàn: “Đồ ngu! Nội đêm nay mạng ngươi bị đòi lại, liệu những gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?”[16].
4/Tiền Của và Sự Tha Hóa Con Người.
Thông thường người ta tìm mọi cách để có tiền, nhưng sau đó thì bị đồng tiền thu hút và họ rơi vào vòng xoáy của cơn mê tiền bạc. Đúng như người xưa thường nói “Đồng tiền liền khúc ruột”, nghĩa là đối với người ta tiền bạc trở nên người bạn thiết thân không thể nào rời bỏ được; nó được xem là da thịt của mình, là máu mủ ruột rà của mình, là sự sống của mình. Tiền của gắn chặt người ta với thế gian tạm bợ như người thanh niên trong Tin Mừng. Anh ta muốn có sự sống đời đời, nhưng khi Chúa Giêsu đề nghị và chỉ cho anh, thì anh ta buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải, nên Chúa Giêsu nói: “kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” [17]. Anh ta nghĩ cái mình đang có thì vẫn hơn là cái mình chưa thấy. Thật vậy, khi người ta bị buộc chặt vào trần gian này thì ngươi ta cũng không thể nghĩ ra được nơi nào khác, quên cả sự sống vĩnh cửu. Đó là sự khôn ngoan kiểu thế gian, khác với sự khôn ngoan trong Nước Trời: là cho đi thì sẽ nhận lại, liều mất mạng sống thì sẽ cứu được mang sống.[18]
Trong Phúc âm, thánh sử Luca gán cho Satan là nguyên nhân khiến Giuđa phản bội Thầy Giêsu[19], nhưng theo Tin Mừng Matthêu và Gioan thì chính Giuđa phản bội Chúa để đổi lấy 30 đồng bạc[20] và cũng chính Giuđa là người giữ túi tiền chung của nhóm và đã thường ăn cắp tiền từ quỹ này[21]. Như vậy tiền của là nguyên nhân khiến Giuđa bán rẻ lương tâm của mình và thành kẻ lừa thầy phản bạn. Sự phản bội của Giuđa vẫn tiếp tục xuyên suốt trong lịch sử, vì Giuđa cũng có thể là hình ảnh có trong mỗi người chúng ta. Người ta có thể phản bội Chúa Giêsu không phải vì 30 đồng bạc, nhưng bằng những hình thức khác, như : vợ chồng phản bội nhau là phản bội Chúa Giêsu; Thừa tác viên của Chúa không trung thành với bậc sống của mình là phản bội Chúa Giêsu; bất cứ ai phản bội lương tâm mình, cũng là phản bội Chúa Giêsu. Ở nơi Giuđa có những tình tiết giảm nhẹ mà chúng ta không có, vì khi ông phản bội Chúa Giêsu, lúc ấy ông chưa biết rõ Ngài là ai, không biết Ngài là Con Thiên Chúa; còn chúng ta thì đã biết rất rõ điều đó[22], nhưng cũng khó mà cưỡng lại được sức mạnh vạn năng của tiền bạc, các tu sĩ là những người đã tự nguyện tuyên khấn từ bỏ mọi sử hữu tiền của thì vẫn có thể bị đồng tiền làm tha hóa, biến chất.
5/Tu Sĩ và Lời Khấn Khó Nghèo
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến ba cách thức sống nghèo trong đời sống của người Kitô hữu, trong đó ngài nhấn mạnh là người môn đệ phải sống nghèo với con tim không dính bén với giàu sang[23]. Ngài giải thích: Cách thức sống nghèo đầu tiên của người môn đệ là không dính bén với tiền bạc và sự giàu có. Đó là điều kiện để bắt đầu hành trình của người môn đệ. Nó bao hàm một “con tim khó nghèo”, đến nỗi nếu trong việc tông đồ cần những tổ chức và cơ cấu mà dường như cho thấy sự giàu có, hãy sử dụng chúng thật tốt, nhưng đừng dính bén. Người môn đệ không sợ nghèo khó, mà ngược lại, người ấy cần phải sống nghèo, vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì có ích gì.[24]
Lời khấn khó nghèo không phải là một lựa chọn riêng rẽ, tôi không sống khó nghèo để nghèo, mà tôi sống nghèo để nhằm đến sự hiệp thông mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, đặc biệt là người nghèo khó thấp hèn. Cũng vậy, sự khó nghèo của người thánh hiến phải đượm đầy tình yêu thương chứ không mang tính lý thuyết, nó phản kháng mạnh mẽ sự thờ ngẫu tượng tiền bạc[25]. Hơn nữa, sự nghèo khó không phải là lý do để loại trừ người nghèo, mà là nguyên nhân mở rộng trái tim của chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép : kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” [26]. Cho nên, một cộng đoàn tu sĩ phải là nơi mà người nghèo được ưu tiên, được đón nhận vào vương quốc của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, đối với người tu sĩ khi tuyên khấn khó nghèo, họ tuyên xưng rằng Thiên Chúa là kho tàng đích thực duy nhất, ý nghĩa và lý tưởng để họ sống thanh thoát khỏi vật chất, giúp họ gắn bó với Đức Kitô và chia sẻ với người nghèo một cách thong dong. Nhưng đối diện với một xã hội đề cao tiền của, chạy theo tiện nghi vật chất, hưởng thụ, người tu sĩ cũng dễ rơi vào những cám dỗ về phương tiện vật chất này. Cứ thế, họ bị bao phủ bởi những tiền của vật chất có được, khó lòng từ bỏ và hành trình theo Chúa trở nên nặng nề, bởi họ chất trên vai quá nhiều thứ cồng kềnh.
6/ Tu Sĩ và Việc Sử Dụng Tiền Của.
Mọi người bất kể là ai cũng đều có bổn phận làm việc kiếm tiền và sử dụng nó để nuôi thân, gia đình, hay cộng đoàn của mình. Đó là việc thường tình trong đời sống con người, vì như thánh tông đồ nói ai không chịu làm thì cũng đừng ăn[27]. Vấn đề ở đây là chúng ta sử dụng tiền của như thế nào, vì không phải ai cũng biết cách sử dụng “những nguồn tài chính hợp luân lý trong sự liên đời”[28]. Hầu như đa số các tu sĩ không được đào tạo kỹ năng về quản trị tài sản, tài chính kinh tế. Mặc dầu trên bình diện phổ quát, Giáo hội Công giáo đã có công bố và tổ chức các hội nghị liên quan đến kinh tế cho các Tu Hội đời sống thánh hiến và các Tu Đoàn đời sống tông đồ, để trở nên như những người quản lý tốt ân sủng đa dạng của Thiên Chúa (1Pr4,10)[29]. Trong Hội Dòng chúng ta cũng quan tâm đến điều này từ sớm, như Nghị quyết 54 của TTN 2009 của Dòng đã cập đến việc huấn luyện: “Một chương trình huấn luyện khởi đầu và thường huấn giúp huấn luyện các đơn vị của Hội Dòng trong lãnh vực tài chính, đặc biệt chú ý đến tính minh bạch, liên đới và luân lý”[30]. Trong tinh thần đó, từ năm 2012, Tình Dòng chúng ta đã có những bước cải tổ về quản trị tài chính, cũng đã tổ chức các buổi họp chuyên đề về quản lý tài chính kinh tế, quản lý các cộng đoàn. Đặc biết là chúng ta đã thồng nhất được các mẫu báo cao tài chính trong Tỉnh dòng, nguyên tắc tài chính trong thu chi sổ sách, kế hoạch tài chính hàng năm… Nhưng thực tế thì sự quan tâm cũng còn bất cập nên nhiều người phải đảm nhận công việc này một cách dè dặt và miễn cưỡng. Cũng có người thì suy nghĩ đơn giản có tiền là sử dụng, nhưng sử dụng lại không theo quy tắc chung, ảnh hưởng đến đời sống huynh đệ đoàn.
Ngoài ra, việc sử dụng tiền của một cách nào đó gắn liền với bản tính của mỗi người: người thì có tính hà tiện, kẻ thì rộng rãi thái quá! Người có tính hà tiện thường là người tham lam, vì tham lam nên hà tiện. Mỗi khi sử dụng tiền bạc, người tham lam chỉ muốn thu tích cho đầy túi chứ không muốn chia sẻ, giúp đỡ tha nhân hay làm việc công ích nào. Vì thế, họ trở nên thiếu bác ái với người nghèo, vô cảm với đồng loại như người phú hộ trong Tin Mừng đã xử tệ với người hành khất tên Ladarô[31]. Họ quên lời rao giảng của Tin mừng, vì Phúc âm không cho rằng giàu có của cải là tội lỗi, nhưng chắc chắn đó là một trách nhiệm. Thiên Chúa không nghèo, Người là Chúa của mọi sự, vì “Ngài vốn giàu sang phú quý lại tự nguyện trở nên nghèo khó vì anh em, để nhờ sự nghèo khó của Người mà anh em trở nên giàu có”[32]. Đây là điều mà người hà tiện keo kiệt không hiểu được. Thay vì họ là nguồn phúc lành cho nhiều người thì ngược lại, họ lại rơi vào ngõ cụt của bất hạnh và cuộc đời của người họ thật tồi tệ. Người khôn ngoan là người biết dùng của cải trần gian mà mua lấy Nước Trời, bởi vì “được cả thế giới mà mất linh hồn chẳng ích gì”[33]. Thánh Phaolo cũng nhắc “chúng ta đã không mang gì vào trần gian thì cũng chẳng mang gì ra được”[34].
Ngược lại với người có tính hạ tiện là người có tính rộng rãi thái quá. Đây cũng là một cám dỗ phổ biến xảy ra với các tu sĩ, vì phần lớn tiền của vật chất chúng ta có được là do các ân nhân trao tặng. Cho nên việc sử dụng tiền bạc dễ bị chi phối bởi tâm lý ỷ lại vào người khác, không vất vả luống công tốn sức, nên chi tiêu cũng dễ dàng và rộng rãi. Điều này xem ra không hợp lẽ công bằng tý nào. Ngay cả những gì chúng ta làm được nhờ tiền của ân nhân giúp đỡ, thì cũng không phải là công của mình mà có; nhưng đúng ra phải nói là do Chúa ban. Về điều này thánh Phanxicô đã dạy trong Di Chúc rằng: “chúng ta hãy chạy đến bàn ăn của Chúa bằng cách đi xin của bố thí từng nhà”[35]. Cha Thánh gọi “của bố thí” là của Chúa ban cho, nên những gì ân nhân giúp đỡ là của Chúa ban chứ không phải của mình làm ra, nên không tùy tiện tự quyết theo sở thích của mình được. Do đó, sẽ không thật sự thánh thiện khi chúng ta sử dụng tiền của ân nhân giúp đỡ một cách phung phí, không cân nhắc và không minh bạch.
Ham mê tiền của cũng là một trong ba thứ “dục vọng” tự nhiên của con người, đó là “thói cậy mình có của”[36]. Cho nên thành thật mà nói không ai trong chúng ta dám tự hào mà cho rằng, mình là người không bị giao lòng hay xao động trước lời mời gọi của tiền bạc. Đối với chúng ta, những người sống đời dâng hiến, tiền bạc cũng rất cần như bao người khác, nhưng chúng ta sống theo tinh thần của Phúc âm, nên sẽ có sự chọn lựa khác cho riêng mình. Đó là không ham mê tiền bạc, không tôn thờ tiền bạc và biết khôn ngoan trong sử dụng tiền bạc. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn hứa với chúng ta: “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho”[37]. Sống theo ưu tiên đó, chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu; nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Tìm kiếm sự công chính, là nỗ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hứa với “những người công chính” là Thiên Chúa sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là Ngài đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày, “Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” .[38]
7/ Tóm Kết.
Sự phản bội của môn đệ Giuđa trong Phúc âm vẫn là bài học đầy tính hiện sinh cho những ai muốn bước theo Chúa Giêsu. Giuđa đã dùng 30 đồng bạc đổi lấy mạng sống của thầy Giêsu. Cái giá của tình yêu, nhân phẩm và lòng trung thành đã bị đồng tiền tha hóa làm biến chất. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, hoặc ngươi ta vì nó mà không được cứu độ. Bằng chứng ông Giakêu là người giàu có nhất thành Giêricô, ông được cứu độ vì đã tiếp đón Chúa Giêsu, và biết chia sẻ của cải của mình cho người nghèo, “Hôm nay ơn cứu độ đến cho nhà này”[39]. Nhiều tiền của hay sự giàu có không phải là tội lỗi, nhưng là hiểm họa, vì nó khiến cho người ta khép kín chính mình, không mở ra với tha nhân, họ bị một thứ bệnh tự kỷ thiêng liêng. Hiểm họa ấy không phải nguy cơ nữa, nhưng nó là thực tế đối với mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Khi các phương tiện kỹ thuật thông minh đang chiếm lĩnh cuộc sống của chúng ta, khi nó làm chủ chúng ta, thì sẽ không còn thời gian và không gian cho Thiên Chúa và tha nhân nữa. Như thế, có nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hang chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hang đầu.[40]
Ước gì khi đối diện với ma lực của đồng tiền, chúng ta lắng nghe được lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong Phúc âm: “Các con hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả thì mạng sống của người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”[41]. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu đừng để tiền bạc của cải chiếm hữu chúng ta, nhưng trái lại, hãy học với Chúa: vốn giàu có đã trở nên nghèo, để làm cho chúng ta trở nên giàu có bằng sự khó nghèo của Người. Chính khi lắng nghe và thực thi lời Chúa dạy, chúng ta sẽ không rơi vào cám dỗ của đồng tiền mà làm những điều trái với luật Chúa và đánh mất đi sự bình an trong đời mình.
CÂU HỎI SUY GẪM
2/ Đâu là những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến việc sử dụng tiền của đối với đời sống huynh đệ trong các cộng đoàn của chúng ta ?
2/ Làm sao để chúng ta dùng tiền của, hoặc tài năng để giúp cho chính mình và nhiều người được bình an và hạnh phúc, được đến gần Thiên Chúa và gần với nhau hơn ?
[1] Mt 24,45
[2] Benjamin Franklin
[3] Hc 31,1-8
[4] Mt 6,19-21
[5] L 4,1
[6] Lksc 7,7
[7] Lksc 8,6
[8] Ngạn ngữ Pháp
[9] Lc 16,13
[10] Theo nghĩa Kinh Thánh là tiền bạc, sự giàu có của cải vật chất
[11] Henrirk Ibsen, Nhà Văn vĩ đại nhất của Na Uy
[12] L ksc 1,1-5
[13] Cl 3,5
[14] 1Tm 6,10
[15] Tth 12,72-85
[16] Lc 12,13-21
[17] Mc 10,17-22
[18] Lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô
[19] Lc 22,3-5
[20] Mt 26,14
[21] Ga 13,29
[22] Bài giảng tinh tâm của ĐHY Cantalamessa cho Giáo Triều Roma
[23] Bài giảng trong thánh lễ sáng ngày 18-10-2018 tại nhà nguyện thánh Marta,
[24] Mt 16,26
[25] Kinh tế, để phục vụ cho đặc sủng và sứ mệnh, Tr 23
[26] 2Cr 8,13-15
[27] 1Tx 3,10
[28] Tài liệu: Quản Trị Tài Chính Theo Tinh Thần Phan Sinh
[29] Xem tài liệu, Bộ các Tu Hội đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ “Kinh tế để phục vụ cho đặc sủng và sứ mệnh”(Roma 2/8/2014)
[30] Những Người Mang Quà Tặng Phúc Âm, Nghị quyết 54
[31] Lc 16,19-31
[32] 2 Cor 8,9b
[33] Mt 16,26
[34] 1Tm 6,7-10
[35] DC 22
[36] Dục vọng của xác thịt, của đôi mắt, và thói cậy mình có của (1Ga 2,16; GLHTCG 2514)
[37] Mt 6, 33
[38] X. Thiên Chúa hay thần tài, Lm Nguyễn Hồng Giáo, Ofm
[39] Lc 19.1-10
[40] Lc 13,30
[41] Lc 12,15