Skip to content
Main Banner

Bài thường huấn 2024 - 03: TU SĨ VÀ LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

BTT OFMVN 00
2024-03-24 07:03 UTC+7 423
Suốt quãng thời gian kể từ Công đồng Vaticano II đến nay, đời sống thánh hiến, nhờ được yêu thương, chăm sóc, huấn giáo bởi nhiều văn kiện sâu sắc, khôn ngoan của Giáo hội, vẫn bước đi trên hành trình mặc dầu có những đoạn đường gai góc, nguy hiểm tưởng chừng như quỵ ngã bởi những vụ lạm dụng tính dục ảnh hưởng trực tiếp đến sự thánh thiện của Giáo hội nói chung và lời khấn khiết tịnh nói riêng.

Bài thường huấn 03-2024

TU SĨ VÀ LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH

Suốt quãng thời gian kể từ Công đồng Vaticano II đến nay, đời sống thánh hiến, nhờ được yêu thương, chăm sóc, huấn giáo bởi nhiều văn kiện sâu sắc, khôn ngoan của Giáo hội, vẫn bước đi trên hành trình mặc dầu có những đoạn đường gai góc, nguy hiểm tưởng chừng như quỵ ngã bởi những vụ lạm dụng tính dục ảnh hưởng trực tiếp đến sự thánh thiện của Giáo hội nói chung và lời khấn khiết tịnh nói riêng. 

I. ĐỜI SỐNG KHIẾT TỊNH 

1. Dưới ánh sáng của các văn kiện 

a. Lumen Gentium

Với hiến chế Tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, Ánh sáng Muôn Dân, 21/11/1964, công đồng Vaticano II đã có cái nhìn “mới mẻ và đặc biệt”[1] về đời tu, khi cho rằng đời sống thánh hiến không liên hệ đến cơ cấu phẩm trật, nhưng gắn chặt với đời sống thánh thiện của Giáo hội[2]. Theo đó, bậc sống tu trì là một ân huệ, là sáng kiến của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là nhu cầu đáp ứng một đòi hỏi nào đó trong cơ cấu của Giáo Hội. Vì thế, đời sống thánh hiến có sức thu hút, một sự hấp dẫn, khơi dậy nơi các tín hữu nam nữ lòng khao khát nên trọn lành và tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm trong khi bước theo Đức Kitô nghèo khó và chịu đóng đinh[3]

Khi được tự nguyện chấp nhận theo ơn gọi riêng của mỗi người, các lời khuyên phúc âm sẽ góp phần không ít vào việc thanh luyện tâm hồn và phát huy tự do thiêng liêng, không ngừng thôi thúc sống bác ái nhiệt thành, nhất là có sức làm cho người Kitô hữu ngày càng thích hợp hơn với đời sống trinh khiết và khó nghèo mà Chúa Ki-tô đã chọn cho mình, và Đức Trinh Nữ Thánh Mẫu của Người đã sống, cũng như gương lành của bao vị thánh sáng lập đã chứng tỏ[4].

Nhờ đó, đời sống thánh hiến không chỉ là chứng tá thu hút, truyền cảm hứng cho mọi chi thể của Giáo hội chu toàn bổn phận người kitô hữu, đồng thời qua việc thực hiện nếp sống mà Đức Giêsu đã sống, đời tu còn là dấu chỉ cho mọi người thấy rằng quê hương đích thực của chúng ta không thuộc về thế gian này, nhưng ở trên trời. Vì thế, trong quan điểm đó, 

Đừng ai nghĩ rằng việc tận hiến làm cho các tu sĩ trở nên xa lạ với mọi người hoặc trở thành vô dụng đối với xã hội trần thế. Dù đôi khi không trực tiếp hiện diện bên cạnh những người đồng thời, nhưng các tu sĩ lại hiện diện cùng họ cách sâu xa hơn trong lòng Đức Kitô và cộng tác một cách thiêng liêng với họ, để việc xây dựng xã hội trần thế luôn đặt nền móng nơi Chúa và luôn hướng về Người, để những người xây dựng xã hội trần thế sẽ không làm việc luống công[5].

b. Perfectae Caritatis

Để canh tân và thích nghi đời tu với hoàn cảnh thế giới hiện đại, Sắc lệnh Perfectae Caritatis, 28/10/1965, đã kêu gọi các dòng tu không chỉ chăm chú vào việc canh tân, mà còn tham gia tích cực vào việc đó bằng những dự phóng dấn thân cụ thế. Vì thế, khiết tịnh vì Nước Trời là một chọn lựa, một lời đáp trả cho một tình yêu dám chết vì người mình yêu. Đó thực sự là một hành vi tự hiến vì Chúa và vì tha nhân. Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4, 20). Do đó, mục đích của việc tu trì là nên thánh giữa đời thường. Điều này phản ánh sự thánh thiện của Giáo hội không chỉ là thực tại siêu việt, mà còn gần gũi cụ thể với kiếp nhân sinh. 

Đức khiết tịnh ‘vì Nước Trời’ (Mt 19,12) đã được các tu sĩ khấn giữ, phải được quý trọng như một hồng ân cao cả. Thật vậy, đức khiết tịnh mang lại tự do cho trái tim con người theo một cách thế đặc biệt (x. 1 Cr 7,32-35) để mến Chúa và yêu thương mọi người nồng nàn hơn, đồng thời trở thành dấu chỉ đặc biệt của hạnh phúc thiên đàng, và cũng là phương cách thích hợp nhất để các tu sĩ hân hoan hiến thân phụng sự Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Những con người khiết tịnh nhắc tất cả các Kitô hữu nhớ đến cuộc tình duyên tuyệt vời do Thiên Chúa khởi xướng và sẽ được tỏ hiện trọn vẹn ở đời sau, khi Giáo Hội kết hợp với Chúa Kitô là Đấng Phu Quân duy nhất của mình[6].

c. Vita Consecrata

Tông huấn Vita Consecrata được Đức Gioan Phaolô II ban hành vào ngày 25/3/1996 đã trở thành một văn kiện quan trọng đối với đời sống thánh hiến hôm nay. Theo Tông huấn, bằng việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, những người nam nữ sẽ tự hiến đời mình cho Thiên Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ[7]. Trong viễn ảnh đó, lời khấn khiết tịnh có một ý nghĩa nổi bật so với lời khấn khó nghèo và vâng phục, bởi sự liên hệ thâm sâu của nó với bản ngã của con người như Tông huấn đã nhấn mạnh rằng lời khấn khiết tịnh không chỉ là một sự từ bỏ có tính tiêu cực, mà còn là một chọn lựa tích cực giúp người tu sĩ có thể yêu thương trọn vẹn hơn và rộng mở hơn[8].

            2. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô 

a. Niềm vui thánh thiện của đời sống thánh hiến 

Dưới ánh sáng của những lời giáo huấn nêu trên, đời tu sẽ tươi đẹp và ý nghĩa khi biết dấn thân phục vụ mọi người như thể dấn thân phục vụ Chúa. Điều này nghe có vẻ cao cả, nhưng không phải là lớn lao để rồi nói là không thể. Một việc nhỏ bé, nhưng làm với tình yêu, chứ không chỉ vì bổn phận, thì đó là bí quyết của niềm vui nên thánh[9].

Trong một bài giảng tại quảng trường thánh Phêrô vào tháng 12 năm 2013, ĐGH Phanxicô nói rằng: “Một cộng đoàn không có niềm vui là một cộng đang hấp hối. Dân chúng thời nay đang mong đợi những lời an ủi, lòng sẵn sàng tha thứ và niềm vui tươi đích thực. Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi chia sẻ niềm vui với tấm lòng mẫu tử, như những người trợ giúp chứ không phải những người nắm quyền kiểm soát”.

Có được niềm vui trong đời sống thánh hiến phải kể đến vai trò của đức khiết tịnh. 

b. Vai trò của đức khiết tịnh 

Đức khiết tịnh làm cho trái tim người thánh hiến được mở ra với hết mọi người, nhất là những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, những người di dân, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, giới tính, quan điểm, và thậm chí với cả muôn loài thụ tạo. Theo tinh thần của Đức Phanxicô, “tất cả là anh em” trong một nền linh đạo “Laudato Sì”.

Trong viễn ảnh đó, không chiếm hữu, không lợi dụng, biết tôn trọng và hy sinh cho mọi người, đó tình yêu của một tâm hồn khiết tịnh. Trong buổi phỏng vấn trả lời cho một bản trẻ về niềm vui cuộc sống, ĐGH Phanxicô nói: “Trong thế giới chạy theo chủ nghĩa khoái lạc, nơi khoái lạc chiếm hết sân khấu, cha mong muốn các con sống khiết tịnh. Tất cả chúng ta đều trải qua những thời điểm thật khó để giữ nhân đức này, nhưng đây là bài thử cho tình yêu đích thực, một tình yêu có thể đem lại sự sống, chứ không phải tìm kiếm người khác vì lạc thú riêng mình, một tình yêu làm cho đời sống của người khác trở nên thánh thiêng. Cha mong các con hãy có nỗ lực để sống một tình yêu trong sạch, bởi yêu thương là phục vụ người khác”[10].

Hãy sống khiết tịnh và đi ngược với trào lưu của thời đại. Đó là dấu chỉ nhận ra giữa dòng người chen chúc bước đi, ai là môn đệ thực sự của Chúa.

c. Cảnh báo về khủng hoảng căn tính khiết tịnh

ĐGH Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một đời sống toàn diện và chân thực, bao gồm những vấn đề liên quan đến đời sống độc thân và khiết tịnh của các linh mục, tu sĩ. Ngài luôn quan tâm tới tình trạng những giáo sĩ không trung tín với những lời cam kết của mình và ngài chống lại mọi hình thức đạo đức giả.

Giữa những tranh luận về vấn đề độc thân của linh mục trước áp lực của tình trạng thiếu thốn linh mục trầm trọng hiện nay, ĐGH Phanxicô cho thấy ngài vẫn chủ trương ủng hộ giáo huấn truyền thống của Hội Thánh Công Giáo về đời sống khiết tịnh, cách riêng cho các giáo sĩ. Mặc dầu vậy, ngài vẫn mở ra để đón tiếp những ý kiến khác nhau, tranh luận và nghiên cứu về một số khía cạnh liên quan vấn đề độc thân linh mục và kỷ luật của Giáo Hội La Tinh.

            3. Đối với thánh Phanxicô

Thánh Phanxicô là người sống trung tín với đức nghèo khó, đơn sơ và khiêm hạ. Ngài đón nhận một lối sống mang dấu ấn của sự nghèo khó và từ bỏ của Tin Mừng. Theo thánh Phanxicô và trong truyền thống Phan Sinh, đức khiết tịnh được xem như một cam kết sống đời độc thân để có thể kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và tận tình phục vụ những người khác một cách vô vụ lợi. 

Thánh Phanxicô xem đức khiết tịnh như là một phương cách giải thoát con người khỏi những ràng buộc trần thế và làm cho con người mở ra với những công trình của Thiên Chúa. Lòng mộ mến của Ngài dành cho Bà Chúa Nghèo giúp ngài thoát khỏi những ràng buộc của cải vật chất và các mối quan hệ, trong đó có hôn nhân. “Phúc thay ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn thất Thiên Chúa” (Mt 5,8). Để bảo vệ đức trinh khiết, thánh Phanxicô đã từng lăn mình trong những lớp tuyết dày[11].

Trong khi thánh Phanxicô không đưa ra một công thức rõ ràng về các lời khấn như những dòng tu khác sau này thực hiện, nhưng lối sống và lời dạy của ngài đã đặt nền tảng cho những cam kết của anh em Phan Sinh thực thi các lời khấn nghèo khó, khiêm hạ và khiết tịnh. 

“Phúc thay ai có có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (x. Mt 5,8). Người thực sự có tâm hồn trong sạch là người khinh chê các thực tại trần thế, tìm kiếm các thực tại thiên quốc và, với long thanh trí sạch, họ không ngừng thờ phượng và nhìn ngắm Chúa là Thiên Chúa hằng sống và chân thật”[12].

Khi chúng ta nghe nói đến ba lời khấn: khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh, chúng ta có thể cảm nhận điều gì đó tiêu cực, giống như là chúng ta thiếu thốn tiền bạc, thiếu thốn tự do và thiếu thốn tình yêu. 

Nhưng nếu chúng ta hiểu những lời khấn là những ơn huệ mang tính chất tích cực, chúng ta có thể cảm nhận chúng làm cho chúng ta cảm thấy phấn chấn và đầy ắp niềm vui. Vì thế, đối với những ai được mời gọi sống đời khiết tịnh, lời khấn này mang đến cho họ thật nhiều tình yêu, và ngay cả một cách thức yêu thương mới mẻ. Trọng tâm của lời khấn khiết tịnh là tình yêu, đặt nền tảng trên tình yêu bao la và sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mọi loài.

Chúng ta là những “người anh em”. Đó là căn tính của chúng ta. Khi chúng ta sống khiết tịnh, lời khấn này làm cho chúng ta trở thành những “người anh em” thực sự của mọi người, giống như Chúa Giêsu; chúng ta cam kết chúng ta là con cái của Thiên Chúa và là anh em của mọi người.

4. Suy gẫm 

- Trong cách thức đặc biệt của mình, đức khiết tịnh bao hàm hai chiều kích của tình yêu vừa cao cả vừa gần gũi. Cao cả là bởi vì nếu phục vụ với tình yêu, chứ không chỉ vì bổn phận, đó là một điều thánh thiêng. Gần gũi là bởi vì tất cả chúng ta đều được tạo ra trong hình ảnh của Chúa để yêu và được yêu.

- Tôi sống khiết tịnh không phải vì tôi không thể sống đời hôn nhân, nhưng bởi lòng khao khát mãnh liệt yêu và được yêu. Đó là một tình yêu không dựa trên luận chứng ngoại tại, nhưng là một cảm nghiệm sâu xa từ bên trong, từ chính nguồn cội xuất phát Tình Yêu, đó là Thiên Chúa, và từ đó nhận biết sứ mệnh mà Chúa muốn mình thực hiện. 

- Đức khiết tịnh không chú trọng tới những gì chúng ta từ bỏ mà tới những gì chúng ta chia sẻ cho anh em. Nó giải thoát chúng ta khỏi sự vị kỷ để chúng ta có thể sẵn sàng phục vụ những nhu cầu của Dòng, của Giáo Hội. Nhờ đó, chúng ta có thể yêu thương rộng rãi hơn. Và đó chính là chứng từ cho mọi người biết rằng chúng ta hướng trọn lòng mình cho việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian này.

- Với một tình yêu không chia sẻ, đức khiết tịnh làm cho chúng ta có thể ôm lấy cả gia đình nhân loại với lòng thanh trí sạch. Tình yêu ấy không bị giới hạn vào một người hay một nhóm người thân thiết, nhưng hoàn toàn tự do trao ban cho mọi người, đặc biệt, những ai nghèo khổ và sống bên lề xã hội. Đó là một lời chứng có sức thu hút và dẫn đưa những người khác đến với Thiên Chúa. Đó cũng là một sứ điệp ngôn sứ loan báo Vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động ở giữa chúng ta.

- Lý do sâu xa của việc sống độc thân khiết tịnh không phải để thuận lợi cho công việc dấn thân phục vụ, nhưng là vì một ý thức sâu thẳm rằng Chúa mời gọi chúng ta sống và yêu trong một cách mới mẻ và đặc biệt.

II. MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN KHỦNG HOẢNG KHIẾT TỊNH

1. Cảm thức đức tin

Có những thời khắc chúng ta gặp khủng hoảng đức tin, mất bình an, sa sút đời sống tâm linh. Những tình huống có thể xảy ra:

- không thể kết hợp với Chúa bằng lời cầu nguyện; 

- không có một lòng tin thực sự nơi Chúa; 

- không thực sự cảm thận được sự thu hút của Chúa Giêsu và Tin Mừng;

- không ý thức rằng lời khấn khiết tịnh trên hết là một lời mời gọi yêu thương; 

- có những nghi ngờ về ơn gọi hay về ý nghĩa của các lời khấn;

- và có thể còn có những lý do khác...

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đừng đánh mất niềm hy vọng và hãy kiên trì cầu nguyện, duy trì đều đặn phút hồi tâm, viếng Chúa, suy gẫm Lời Chúa, đọc sách thiêng liêng, lần hạt, thinh lặng thánh, tĩnh tâm tháng v.v... Sự kiên trì làm cho chúng ta nên thánh, gắn bó hơn với lời khấn khiết tinh, bởi vì tất cả chúng ta thuộc về Giáo hội thánh thiện đang kiên trì chiến đấu[13].

2. Đời sống huynh đệ

Tình trạng cô đơn và tách biệt là một thách đố không nhỏ cho cuộc sống độc thân khiết tịnh của người tu sĩ. Cẩn trọng với những hoàn cảnh bất khả kháng, khiến anh em phải sống tách biệt hoặc hoạt động một mình nơi những điểm truyền giáo hoặc nhà con.

Sự nâng đỡ của cộng đoàn huynh đệ bao giờ cũng là một yếu tố quan trọng trong việc sống đời độc thân khiết tịnh. Rất cần một bầu khí đón nhận, cảm thông, tôn trọng, nâng đỡ lẫn nhau và chan hòa tình yêu thương huynh đệ trong cộng đoàn anh em.

Đời sống cộng đoàn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc sống đời độc thân khiết tịnh: có thể hỗ trợ và khích lệ anh em trên con đường nên thánh, nhưng ngược lại, cũng có thể  gây khó khăn, thử thách cho anh em, cách riêng trong nỗ lực sống độc thân khiết tịnh. Khuyến khích nhau làm gương sáng và tránh mọi hình thức gương mù gương xấu giữa anh em.Và trung tín thực hiện 4 chung: bữa ăn chung, việc nhà chung, phụng vụ chung và tu nghị chung.

3. Trưởng thành

Cần có sự trưởng thành toàn diện:

Về phương diện cảm xúc, cần có khả năng nhận biết và làm chủ cảm xúc của mình; 

Về nhận thức bản thân, cần có ý thức, động lực, khao khát mãnh liệt sống đời khiết tịnh;

Về khả năng thực thi lời cam kết, cần có khả năng sống các lời khấn trong mọi hoàn cảnh;

Về đời sống tâm linh, sẵn sàng đáp lại lời Chúa mời gọi, kết hợp mật thiết với Chúa và yêu thương phục vụ mọi người.

Quả thực, độc thân khiết tịnh là một đời sống dành cho những người trưởng thành. Họ có thể tiếp xúc, tương quan với những người khác một cách trưởng thành và lành mạnh.

4. Kỷ luật đời tu

Một trong những ơn huệ của Chúa Thánh Thần là kỷ luật bản thân: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5,24).

Tránh xa các cám dỗ, không để cho mình sa đà vào những tình huống và cơ hội có thể dẫn đến những hành vi tính dục không lành mạnh từ những hình ảnh, những trang web, những lời hai ý, những tương quan, tiếp xúc thiếu sự trong sáng v.v… Đó là những cám dỗ chúng ta phải nhận ra và cố gắng xa lánh. 

Hơn nữa, không chỉ bằng lòng với giờ giấc nghiêm túc, kìm hãm ngũ quan, tổ chức quy củ, mà kỷ luật đời tu đúng nghĩa phải đưa đến sự biến đổi con người thực sự, sâu xa và toàn diện. Để thực hiện được điều này, cần phải trở thành con người biết phân định mọi sự theo thánh ý Chúa.

5. Nhận thức tình yêu lệch lạc

Cảnh giác mọi thứ tình yêu mang tính chất chiếm hữu, nhằm thỏa mãn tính dục hay quyền lực; chống lại tình trạng lạm dụng tính dục, phim ảnh khiêu dâm, buôn bán tình dục, và mọi hình thức xâm phạm phẩm giá con người. Chúng ta ý thức sự sống của mỗi ngưới mang tính chất thánh thiêng, bởi vì mọi sự đều phát xuất bởi Chúa và thuộc về Người.

III. ĐỐI DIỆN THÁCH ĐỐ VỀ ĐỨC KHIẾT TỊNH

1. Vấn đề khủng khoảng

Trong phạm vi của bài thường huấn, chúng tôi chỉ nhắc lại sự kiện mà những thập niên gần đây Giáo hội đang phải đối mặt và anh em chúng ta ít nhiều cũng đã biết đến. Giáo hội đang đứng trước cơn khủng hoảng nghiêm trọng liên quan tới đức khiết tịnh của tu sĩ nói chung. Đó là nạn lạm dụng tình dục trẻ em vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, do các giáo sĩ và tu sĩ gây ra. 

Những lỗi phạm này thường gây nên những tổn thương nghiêm trọng, rất khó chữa lành về mặt thể lý cũng như tinh thần cho các nạn nhân, trong đó có các trẻ em, các gia đình của nạn nhân và cho toàn thể xã hội. Những lỗi phạm này cũng đang gây ra cho toàn Giáo hội một vết thương đau đớn và sâu đậm. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người cảm thấy bối rối, hoang mang và ngờ vực về lòng tin nơi Thiên Chúa và sự thánh thiện của Giáo Hội. 

2. Phản ứng của Giáo hội và của Dòng

Để giải quyết vấn đề nghiêm trọng này, Tòa Thánh đã nhiều lần lên tiếng và đưa ra những hướng dẫn, chỉ thị cụ thể để mỗi người và mọi tổ chức, đơn vị trong Hội Thánh nghiêm túc thực hiện.

Với tư cách là những người anh em Phan Sinh trong lòng Hội Thánh, Ủy ban Bảo vệ trẻ em vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương của Dòng đã nhắc nhở chúng ta rằng: Là “những người anh em của mọi người”, anh em Phan Sinh được mời gọi tôn trọng phẩm vị và giá trị của mỗi người, trong đó có các trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương. 

Ủy ban lãnh nhiệm vụ giúp anh em hiểu biết và giúp những người anh em phục vụ hiểu biết về nỗi đau đớn, mức tác hại khôn lường và nỗi khốn khổ tột cùng kéo dài suốt cả đời mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục phải gánh chịu; ân cần lắng nghe và nhanh chóng hành xử ngay khi có lời tố cáo chống lại một anh em có hành vi lạm dụng tính dục; nỗ lực ngăn ngừa nạn lạm dụng tính dục trẻ em và những người trưởng thành dễ bị tổn thương, và điều này được được áp dụng ngay trong quá trình tuyển lựa ứng viên và các giai đoạn huấn luyện khởi đầu cũng như thường xuyên.

3.  Bước đi giữa cơn thử thách

Chúng ta cố gắng thực hiện nghiêm túc chương trình bảo vệ những đối tượng mà Giáo hội và Dòng đề ra, là trẻ vị thành niên và người trưởng thành dễ bị tổn thương. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu những tài liệu hướng dẫn của Giáo Hội, Giáo phận, Dòng và Tỉnh dòng để biết cách ứng xử và thực hiện sao cho thích đáng khi xảy ra vấn đề lạm dụng. 

Cũng như mọi thành viên trong toàn Dòng, chúng ta nhận thức tầm quan trọng của chương trình bảo vệ, một mặt nhắm đến việc phòng ngừa, tức là nhờ ý thức về mối nguy cơ và hiểm họa cho trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương mà chúng ta hết sức cẩn trọng trong các hành vi, ứng xử của mình; mặt khác, khi xảy ra vấn đề lạm dụng, chương trình bảo vệ giúp chúng ta biết cách phải ứng xử như thế nào và phải làm gì cho thích đáng[14].

Một số điều cần lưu ý:

- Ưu tiên quan tâm đến nỗi đau đớn của các nạn nhân và việc đồng hành hỗ trợ các nạn nhân và những người liên quan. 

- Bày tỏ sự cảm thông và tình huynh đệ đối với người anh em phạm lỗi. 

- Cương quyết lên án, chống lại các hành vi xâm phạm đến những quyền cơ bản của trẻ em và người trưởng thành dễ bị tổn thương, đồng thời đi ngược lại với đời sống thánh hiến và các lời khấn Phúc Âm của chúng ta. 

- Lắng nghe những chỉ dẫn của Giáo hội. 

Giữa cơn khủng hoảng bi đát và cuộc chiến đấu gay go này, ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn về tương lai với tất cả lòng tín thác. Ngài đã kêu mời các Giám mục nước Pháp trong cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục tệ hại của Giáo hội tại nước này: Hãy vác lấy thập giá khủng hoảng lạm dụng tính dục với lòng tin tưởng và niềm hy vọng; hãy ân cần an ủi và chăm sóc các nạn nhân và hãy đến với rất nhiều linh mục vẫn luôn trung tín với ơn gọi của mình. 

Trong một lá thư gửi cho các Giám mục Pháp, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết:

Tôi chắc chắn rằng, cùng nhau và dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, anh em sẽ tìm ra phương cách để tôn trọng và an ủi các nạn nhân; để khuyến khích mọi tín hữu ăn năn và hoán cải trong tâm hồn; để thực hiện những bước cần thiết làm cho Hội Thánh trở thành một mái ấm an toàn cho mọi người; và để mang lấy sứ vụ với tất cả niềm vui và kiên vững nhìn về tương lai”.

 

V. KẾT LUẬN

Trên đây là một ít cảm nghĩ và ghi nhận, xin chia sẻ vói anh em khi đề cập đến lời khấn khiết tịnh và người tu sĩ, cách riêng người tu sĩ Phan Sinh, trong hoàn cảnh hiện nay. 

Đức khiết tịnh là một ân sủng đặc biệt, quý giá và thánh thiêng. Làm sao để chúng ta có thể hân hoan sống đời khiết tịnh với những mục đích cao đẹp của nó. Cam kết yêu thương hết lòng và trao ban trọn vẹn chắc chắn sẽ làm cho cuộc sống người tu sĩ ngày càng triển nở và ngập tràn niềm vui.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đấng trinh khiết vẹn toàn, ban cho chúng ta ơn trung tín với lời khấn khiết tịnh, cùng với những lời khuyên Phúc Âm được xem như là trung tâm, cốt lõi của đời sống thánh hiến của người anh em hèn mọn.

CÂU HỎI THẢO LUẬN 

1)    Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhiều lần nhắc đến niềm vui của người tu sĩ, anh có cảm nhận được niềm vui khi sống lời khấn khiết tịnh không? 


2)    Nếu một người nào đó không cùng niềm tin với chúng ta, hỏi chúng ta rằng: “Tại sao anh cũng như các linh mục, tu sĩ bên đạo sống độc thân?”, anh sẽ trả lời họ như thế nào?


[1] CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Lumen Gentium (LG), 44. 

[2] x. LG, 44.

[3] x. LG, 43

[4] LG, 46.

[5] LG, 46

[6] CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Perfectae Caritatis (PC), 12

[7] GIOAN PHAOLÔ II, Vita Consecrata (VC), 1.

[8] x. VC, 21.

[9] x. MẸ TÊRÊSA, Trên Cả Tình Yêu, tr. 61-62

[10] https://phanxico.vn/2015/06/22/hay-song-khiet-tinh-va-di-nguoc-dong-nuoc/

[11] 2 Cel 82, 117

[12] Thánh Phanxicô, Huấn ngôn 16

[13] x. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Hãy vui mừng hoan hỉ, số 7.

[14] Trích Báo cáo Tu nghị Tỉnh dòng 2023 của Giám Tỉnh.

Lưu ý

Nội dung bài viết mà bạn đang xem đã được giới hạn. Bạn vui lòng ĐĂNG NHẬP để có thể xem toàn bộ nội dung bài viết.
Chia sẻ