NHỮNG VĂN KIỆN VỀ LINH MỤC TỪ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
NHỮNG VĂN KIỆN VỀ LINH MỤC TỪ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
1. Với Công Đồng Vatican II, một luồng gió mới của Chúa Thánh Thần đã thổi vào Giáo Hội. Công Đồng đã xác định rằng việc canh tân Giáo Hội “phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ Linh Mục”, từ đó Công Đồng tuyên bố “việc đào tạo Linh Mục là việc vô cùng quan trọng”:
“Mọi người mong ước canh tân toàn thể Giáo Hội, Thánh Công Đồng ý thức rõ ràng như thế, và công cuộc canh tân này phần lớn tùy thuộc việc thi hành chức vụ Linh Mục đã được Thần Linh Chúa Kytô thúc đẩy, do đó Thánh Công Đồng tuyên bố việc đào tạo Linh Mục là việc vô cùng quan trọng” (OT 1).
2. Chính vì tầm quan trọng của linh mục trong đời sống, trong sự canh tân và phát triển của Giáo Hội, mà các Nghị Phụ đã dành trọn 2 sắc lệnh trong số 16 văn kiện của Công Đồng để bàn về linh mục:
- Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Các Linh Mục - Presbyterorum Ordinis - được công bố ngày 7 tháng 12 năm 1965.
- Sắc Lệnh về Đào Tạo Linh Mục - Optatam Totius - được công bố ngày 28 tháng 10 năm 1965.
3. Vào ngày 8 tháng 12 năm 1965, Công Đồng Vatican II đã kết thúc trong một nghi thức long trọng. Nhưng trước đó, vào ngày 15 tháng 9 năm 1965, Đức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI, qua tự sắc “Apostolica Sollicitudo” đã thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới nhằm mục đích áp dụng những hoa trái của Công Đồng Vatican II vào cuộc sống cụ thể của Dân Chúa tại một thời điểm nào đó. Như trong đoạn khởi đầu tự sắc “Apostolica Sollicitudo” lập THĐGMTG Đức Phaolô VI đã nói: “Công Đồng Chung đã chính là nguyên nhân để chúng ta chọn một giải pháp ổn định: một ban cố vấn đặc biệt gồm các giám mục; qua đó Dân Chúa có thể tiếp tục hưởng được những thành quả tốt lành phong phú của Công Đồng.” [1]
4. Từ 30 tháng 9 cho đến 28 tháng 10 năm 1990, Khóa Họp thông thường lần thứ 8 của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đã được tổ chức với đề tài: “Việc Huấn Luyện Linh Mục trong những hoàn cảnh ngày nay.” Và kết quả của Khóa Họp thông thường lần thứ 8 này được các nghị phụ đúc kết lại thành 41 đề nghị (propositions) gởi lên Đức Thánh Cha. Ngày 27 tháng 10 năm 1990, Đức Cha Henryk Muszynski, Giám mục giáo phận Wloclawek (Ba Lan) là thư ký đặc biệt của Thượng Hội Đồng Giám Mục, đã trình bày cho công chúng tóm tắt 41 đề nghị xoay quanh 3 trục chính [2]:
* Những nhận xét về hoàn cảnh hiện nay.
* Những khía cạnh thần học liên quan đến căn tính và linh đạo của linh mục.
* Những hướng dẫn cụ thể về “những môi trường” trong đó ơn gọi linh mục phát triển, cùng với những hướng dẫn về việc đào tạo tại Chủng Viện và về việc đào tạo trường kỳ sau Chủng Viện.
Với 41 đề nghị này, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã soạn thành Tông Huấn Pastores Dabo Vobis về “Việc Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay”, ban hành ngày 25 tháng 3 năm 1992.
5. Tiếp theo Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, từ năm 1992 cho đến năm 2002, có thêm 5 văn kiện nữa là những Chỉ Nam và Huấn Thị khai triển chi tiết và cụ thể hóa đường hướng của Công Đồng và của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới Khóa 8 về chức vụ và đời sống của các linh mục.
Nói cách khác, 8 văn kiện mới nhất của Giáo Hội về Linh Mục có thể chia làm hai nhóm:
a) 3 Văn kiện nền tảng về Linh Mục:
(1) Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Các Linh Mục - Presbyterorum Ordinis - Công Đồng Vatican II – 1965
(2) Sắc lệnh về Đào Tạo Linh Mục Optatam Totius - Công Đồng Vatican II - 1965
(3) Tông huấn về Việc Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay - Pastores Dabo Vobis - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II - 1992
b) 5 Văn kiện hướng dẫn cụ thể dành cho các Linh Mục:
(4) Chỉ Nam Linh Mục - Bộ Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc - 1989
(5) Chỉ Nam Cho Thừa Tác Vụ Và Đời Sống Linh Mục - Bộ Giáo Sĩ - 1994
(6) Linh Mục Và Thiên Niên Kỷ Kitô Giáo Thứ Ba - Thầy Dạy Lời Chúa - Thừa Tác Viên Các Bí Tích - Và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn - Bộ Giáo Sĩ - 1999
(7) Huấn thị Ecclesiae De Mysterio về một số vấn đề liên quan đến sự hợp tác của người giáo dân với thừa tác vụ của các linh mục – Huấn thị Liên Bộ: 8 Bộ - 1997
(8) Huấn thị: Linh Mục, Mục Tử Và Lãnh Đạo Cộng Đoàn Giáo Xứ - Bộ Giáo Sĩ - 2002
Vài hướng dẫn quan trọng về việc đào tạo linh mục hôm nay
6. Từ những Văn Kiện trên, một cách tổng quát, có thể khám phá ra 3 hướng dẫn và xác định quan trọng của Giáo Hội về việc đào tạo linh mục:
* Mục đích đào tạo tại Chủng Viện
* Linh đạo linh mục triều: nên thánh trong mục vụ
* Đức Ái mục tử, “nguyên lý nội tại” của đời sống tâm linh và mục vụ của linh mục
1) Mục đích đào tạo tại Chủng Viện:
Theo Tông Huấn PDV, mục đích đào tạo tại Chủng Viện là đào tạo những “nhà rao giảng tin mừng mới trong tư cách là mục tử” (nouvel évangélisateur en tant que pasteur).
“Thật vậy, vì tương lai của công cuộc phúc âm hóa nhân loại, việc chuyên chăm đào tạo các linh mục tương lai …, được Giáo Hội nhìn nhận như là một trách vụ có tầm quan trọng đặc biệt” (PDV 2&4).
“Giáo Hội cũng được khích lệ … bởi sự cần thiết tuyệt đối phải làm cho công cuộc “phúc âm hóa mới” có được những “nhà phúc âm hóa mới”, đầu tiên là các linh mục. (PDV 2&6).
“Tất cả các linh mục đều được mời gọi truy nhận tính khẩn cấp đặc biệt nơi việc đào tạo của họ trong thời buổi hiện tại: “công cuộc phúc âm hóa mới” cần có những nhà rao giảng mới, những linh mục dấn thân sống chức linh mục như một con đường nên thánh.
Lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm cho Giáo Hội của Ngài không phải có được bất cứ những mục tử nào nhưng những mục tử “như lòng Ngài mong ước”. (PDV 82&7-8).
Cùng với xác định trên của Tông Huấn PDV, trong chương I của Văn Kiện “Linh mục và thiên niên kỷ Kitô giáo thứ ba: Thầy dạy Lời Chúa, Thừa tác viên các Bí Tích và Người lãnh đạo cộng đoàn”, ban hành vào tháng 3 năm 1999, Bộ Giáo Sĩ cũng đã khẳng định rằng 3 nhiệm vụ của Linh mục (Thầy dạy lời Chúa, Thừa tác viên các bí tích và người lãnh đạo cộng đoàn) đều hướng đến mục đích “Phúc âm hóa”:
“Phúc âm hóa bao gồm những việc: công bố, làm chứng, đối thoại và phục vụ.
Công cuộc đó đặt nền trên ba yếu tố không thể tách rời: rao giảng Lời Chúa, thừa tác vụ bí tích và hướng dẫn tín hữu.
Rao giảng sẽ vô nghĩa nếu không bao hàm việc đào tạo trường kỳ cho người tín hữu và việc tham dự các bí tích.
Tương tự như thế, tham dự các bí tích mà không có sự hoán cải chân thành của con tim, không có sự chấp nhận đầy đủ đức tin và các nguyên tắc luân lý Kitô giáo thì cũng vô nghĩa.
a) Xét từ viễn tượng mục vụ, hành động Phúc âm hóa đầu tiên là rao giảng.
b) Tuy nhiên xét từ viễn tượng ý hướng thì yếu tố đầu tiên của Phúc âm hóa phải là cử hành các bí tích, nhất là bí tích Sám hối và Thánh Thể. Tuy nhiên tính toàn diện của công việc mục vụ của linh mục được tìm thấy trong sự hài hòa của hai nhiệm vụ trên.”
Như vậy, hai yếu tố căn bản trong việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay là đào tạo “người loan báo Tin Mừng mới” và “người mục tử” cho hôm nay.
- Ý niệm “loan báo Tin Mừng” đặt người linh mục trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội;
- Ý niệm “mục tử” phân biệt người linh mục với người giáo dân: người giáo dân cũng có sứ vụ phải loan báo Tin Mừng, nhưng trong tư cách là “thành viên”, là “chi thể” của nhiệm thể Chúa Kitô.
Thực vậy, bản chất và sứ vụ của linh mục chỉ có thể hiểu được trong sứ vụ của Giáo Hội, một Giáo Hội được nhấn mạnh qua 3 đặc tính: “Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Truyền Giáo” (x. PDV 12)
a. Tất cả các ơn gọi, đặc biệt ơn gọi linh mục, là một hồng ân Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và trong Giáo Hội (x.PDV 35). Nói cách khác, bản chất và sứ vụ của người linh mục chỉ được hiểu trong sứ vụ của Giáo Hội. Giáo Hội được thiết lập để tiếp nối sứ vụ Loan Báo Tin Mừng của Chúa Kitô (x. Mt 28,18-20).
b. Sau THĐGM ngoại thường 1985, ba đặc tính của Giáo Hội thường được nhấn mạnh: Giáo Hội là Mầu Nhiệm (Mystère), Hiệp Thông (Communion) và Truyền Giáo (Mission).
Ở đây, đặc biệt trong số 12 của Tông Huấn PDV, 3 đặc tính của Giáo Hội là Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Truyền Giáo được nhắc lại nhằm nhấn mạnh đến sứ vụ của Giáo Hội là phục vụ và loan báo Chúa Giêsu Kitô cho Thế giới ngày hôm nay; một thế giới thường được đề cập đến với 3 đặc tính tiêu biểu: Tục hoá (sécularisé), Phân rẽ (divisé) và Có nhiều người không biết đến Chúa Kitô (tant d'hommes ignorent le Christ). [3]
2) Linh đạo linh mục triều: nên thánh trong mục vụ
a. Người linh mục giáo phận nên thánh trong công tác mục vụ:
“Thành tâm và kiên nhẫn thi hành chức vụ của mình trong tinh thần Chúa Kitô là phương pháp riêng giúp các linh mục theo đuổi sự thánh thiện.” (PO 13).
b. “Chủ đích mục vụ” trong việc đào tạo linh mục:
Khi nói đến việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hôm nay, Tông Huấn PDV luôn nhấn mạnh đến việc đào tạo toàn vẹn được xoay quanh 4 trục chính. Bốn chiều kích huấn luyện này liên kết chặt chẽ với nhau (x. PDV 51§1):
- Huấn luyện đời sống nhân bản: nền tảng (fondement) của việc đào tạo linh mục (x. PDV 43§1)
- Huấn luyện đời sống tâm linh: linh hồn của việc đào tạo linh mục, với “đức ái mục tử” là nguyên lý nội tại (x. PDV 23§1).
- Huấn luyện đời sống tri thức: phương tiện của việc đào tạo linh mục, giúp linh mục hiểu biết về Thiên Chúa và về con người nhằm chu toàn sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay” (x. PDV 51§2; 52§3)
- Huấn luyện đời sống mục vụ: chủ đích mục vụ (finalité pastorale) giúp thống nhất và đem lại nét đặc trưng (unifier et spécifier) cho việc đào tạo linh mục (x. PDV 57§2)
Trong sắc lệnh Đào Tạo Linh Mục, công đồng cũng đã khẳng định thật rõ về “chủ đích mục vụ” trong việc đào tạo linh mục:
“Các Đại Chủng Viện cần thiết để đào tạo các linh mục. Việc giáo dục toàn diện chủng sinh phải nhằm huấn luyện cho họ thực sự trở thành những người chăn dắt các linh hồn...
Vì thế, mọi phương thức huấn luyện tu đức, học vấn, kỷ luật phải cùng quy hướng về mục đích mục vụ (la fin pastorale) này...” (OT 4)
3) Đức Ái mục tử, “nguyên lý nội tại” của đời sống tâm linh của linh mục (x. PDV 23§1)
a. Khi nói về căn tính linh mục, Tông huấn PDV đã đưa ra một xác quyết rõ ràng rằng, nhờ Chúa Thánh Thần, người linh mục được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô và được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành. Và chính tình yêu của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành dành cho đoàn chiên (đức ái mục tử của Chúa Kitô) đã trở thành gương mẫu, sức mạnh và sự nâng đỡ cho đời sống và sứ vụ của người linh mục:
“Nhờ việc xức dầu trong bí tích Truyền Chức Thánh, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên đồng hình dạng, bằng một tước hiệu mới và loại biệt, với Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, Chúa Thánh Thần làm cho họ nên thích ứng tự bên trong và thôi thúc họ bằng đức ái mục tử của Ngài” (x. PDV 15§5).
Chính đức ái mục tử là nguyên lý nội tại của đời sống tâm linh của người linh mục, vì thế điểm căn bản trong việc huấn luyện đời sống tâm linh chính là làm sao có được những tâm tình, thái độ của Chúa Kitô Mục Tử:
“Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục, xét như đã nên đồng hình dạng với Đức Kitô là Đầu và Mục Tử, chính là đức ái mục tử, thông phần vào đức ái mục tử của Đức Kitô Giêsu: đó là ơn nhưng không của Chúa Thánh Thần và, đồng thời về phía linh mục, là sự dấn thân và lời mời gọi để đáp trả tự do và có trách nhiệm” (PDV 23§1).
b. Đào tạo “tâm hồn tông đồ”:
Nhìn vào Lịch sử truyền giáo, người ta khám phá thấy hai cuộc chuyển mình trong việc đào tạo tông đồ, đặc biệt sau Công Đồng Vatican II:
- Từ “kỹ thuật tông đồ” sang chính “con người tông đồ”: kỹ thuật, phương tiện tông đồ (như sách báo, nâng đỡ đời sống vật chất ...) chưa phải là thiết yếu, cần có sự hiện diện cụ thể của những con người tông đồ để loan báo Tin Mừng.
- Từ chính “con người tông đồ” (với tài năng, đức tính...) sang “tâm hồn tông đồ”: huy động và qui tụ nhiều người làm công tác tông đồ cũng chưa phải là điều chính yếu, điều chính yếu chính là đào tạo “tâm hồn tông đồ” (qua sự gắn bó với Chúa Kitô, vị ‘Tông Đồ” mà Chúa Cha đã sai đến để loan báo Tin Mừng) để có được những thao thức, những tâm tình của Chúa Kitô.
Hình ảnh một nhóm nhỏ các tông đồ với những khả năng rất giới hạn, hoặc hình ảnh những thừa sai rất giới hạn về mọi mặt (ngôn ngữ, khả năng...), nhưng tràn đầy “lòng nhiệt thành tông đồ” là những minh chứng sống động về sự quan trọng và cần thiết phải có “tâm hồn tông đồ”.
Tóm lại, đào tạo đời sống tâm linh, đào tạo tâm hồn tông đồ, đào tạo để có được những tâm tình, thái độ như Chúa Kitô, Mục Tử Nhân Lành (yêu mến chiên, biết chiên, bảo vệ chiên, chăm sóc chiên, hy sinh vì chiên) là điểm quan trọng nhất trong việc đào tạo người linh mục, đào tạo người tông đồ, đào tạo người loan báo Tin Mừng.
Hình ảnh của người linh mục Á Châu hôm nay
7. Ngoài những định hướng nền tảng cũng những những hướng dẫn cụ thể của Giáo Hội về chức vụ và đời sống linh mục, riêng tại Á Châu, Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) cũng có những hướng dẫn cụ thể cho việc đào tạo linh mục.
Từ những cuộc hội thảo nhóm của Đại Đại Hội Lần VII – Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) – họp tại Thái Lan 3–12/1/2000, các Giám mục Á Châu đã đề nghị một hình ảnh sống động của người Linh mục Á Châu hôm nay với 4 đặc tính [4]:
– Linh mục, con người trưởng thành (a man of maturity)
– Linh mục, con người của sự thiêng thánh (a man of the sacred)
– Linh mục, con người của đối thoại (a man of dialogue)
– Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ (a man of humble service)
a. Chính đặc tính thứ hai (Linh mục, con người của sự thiêng thánh) là trọng tâm, là linh hồn của những đặc tính khác. Linh mục được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, được nên giống Chúa Kitô, có được những tâm tình, thái độ của Chúa Kitô... Chính đây là sự thánh thiện của người linh mục. Người linh mục đang họa lại nơi cuộc đời của mình hình ảnh của vị Mục tử Nhân lành Giêsu Kitô. Càng gắn bó với Chúa Kitô, đặc biệt qua đời sống cầu nguyện, càng giống Chúa Kitô qua việc sống Lời Chúa, người chủng sinh linh mục càng thuộc về Chúa Kitô, càng tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Kitô, càng trở nên con người của sự thiêng thánh.
Thật vậy, người dân Á Châu rất nhạy cảm với sự thiêng thánh được bộc lộ trong cuộc sống của người chủng sinh, linh mục. Họ mong muốn tìm thấy nơi người chủng sinh, linh mục cách sống, cách ăn mặc, nói năng, tác phong... không đượm nét “trần tục”, nhưng tỏa ra một nét gì đó là “siêu thoát”, là “thiêng thánh”, là “chân thành, nhân từ, yêu thương...”
b. Giờ đây, xin trở lại đặc tính thứ nhất “Linh mục, con người trưởng thành”: trưởng thành trong lý trí (phán đoán theo tinh thần Phúc âm) và trưởng thành trong ý chí, tình cảm (độc thân linh mục).
Tinh thần Phúc Âm ngược hẳn với tinh thần thế tục. Tinh thần thế tục hôm nay thường dựa trên hai tiêu chuẩn cơ bản: hiệu năng (efficacité) và hưởng thụ vật chất ích kỷ (jouissance matérielle et égoiste). Con người hôm nay sẽ chọn lựa, sẽ phán đoán dựa trên 2 tiêu chuẩn này:
- Cái gì đạt được hiệu năng, kết quả cao là có thể làm dù đó lừa dối, gian lận....
- Hoặc tôi chỉ chọn cái gì qua đó tôi có thể đạt được một sự hưởng thụ; từ đó những gì phải “hy sinh, từ bỏ...” sẽ không có trong những tiêu chuẩn chọn lựa của tôi.
Và tinh thần Phúc Âm chỉ có được nhờ đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa. Như thế đọc, suy gẫm và sống Lời Chúa sẽ là phương thế vô cùng quan trọng trong việc huấn luyện đời sống tâm linh của người linh mục.
c. Tiếp theo đó, Linh mục là con người của đối thoại. “Vào thời sau hết, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua người con” (Dt 1,1). Linh mục được sai đến với những con người trong hoàn cảnh cụ thể hôm nay. Họ phải có khả năng đối thoại với hết mọi người (trẻ em, thanh niên, cụ già, người không công giáo...), có khả năng trao đổi với họ, có thể dùng ngôn ngữ của họ để loan báo Chúa Kitô cho họ.
Sự đối thoại chân thành và thực sự rất phức tạp, khó khăn này... sẽ được hướng dẫn và nâng đỡ nhờ cuộc đối thoại hằng ngày giữa người linh mục và Thiên Chúa trong cầu nguyện.
d. Cuối cùng, Linh mục là con người khiêm tốn phục vụ. Như Đức Kitô đến để phục vụ, sự khiêm tốn phục vụ của người linh mục sẽ trở thành một lời loan báo Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa một cách sống động nhất, hiệu quả nhất, đặc biệt trong bối cảnh nghèo của Á Châu.
Tóm lại, có thể nói 4 đặc tính trên là những biểu lộ sống động của một đời sống tâm linh vững chắc. Một đời sống tâm linh gắn bó với Chúa Kitô, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, có được những tâm tình, thái độ của Chúa Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành được sai đến để săn sóc, loan báo cho đoàn chiên về Nước Thiên Chúa và dẫn đoàn chiên vào đồng cỏ “Nước Thiên Chúa”.
–––––––––––––––
1. Aloisio LORSCHEIDER, “Les réformes nécessaires pour transformer le Synode en instrument efficace”, p. 101, in: Synode. Rome 1990. La formation des prêtres, Paris: Centurion/Le Cerf (coll. “Documents d’Eglise”), 1990.
2. cf. Henryk Muszynski, “Liste finale des Propositions”, pp. 319-323, in: Synode. Rome 1990. La formation des prêtres, Paris: Centurion/Le Cerf (coll. “Documents d’Église”), 1990
3. Dans un monde sécularisé, le prêtre est, par sa consécration et sa fonction, témoin du Mystère (Lineamenta).
Dans un monde divisé, le prêtre est serviteur de la communion dans la foi de l’Église et dans la charité du Christ (Lineamenta).
Dans un monde où tant d'hommes ignorent le Christ, le prêtre est au service de la mission de l’Église pour l'évangélisation du monde. (Lineamenta).
4. FABC, “Orientations for priestly formation in Asia”, Education and Youth, Vol., XI, No. 2, January 2000
Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Nguồn: Giới thiệu và gợi ý giúp đọc những Văn kiện của Giáo Hội về Linh mục (tgpsaigon.net)