Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO – DIGNITATIS HUMANAE

BTT OFMVN
2023-12-11 08:55 UTC+7 173
Ngày hôm nay, con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức hơn về nhân phẩm,1 và luôn gia tăng số người đòi hỏi cho con người khả năng hành động theo sự chọn lựa của chính mình và trong tinh thần trách nhiệm hoàn toàn tự do, không bị một áp lực nào chi phối, nhưng được hướng dẫn bởi ý thức về bổn phận của con người. Cũng vậy, họ đòi hỏi phải có một giới hạn pháp lý đối với việc thực thi quyền bính của chính quyền để cho phạm vi tự do chân chính, dù thuộc cá nhân hay tập thể, không bị ...

PHAO-LÔ GIÁM MỤC

TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA

HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO – DIGNITATIS HUMANAE

Ngày 7 tháng 12 năm 1965

 

TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO – DIGNITATIS HUMANAE  

QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÁ NHÂN VÀ ĐOÀN THỂ LÀ MỘT QUYỀN LỢI XÃ HỘI VÀ DÂN SỰ  

I. QUAN ĐIỂM TỔNG QUÁT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO  

II. TỰ DO TÔN GIÁO DƯỚI ÁNH SÁNG MẠC KHẢI 

Chú thích 

 

QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÁ NHÂN VÀ ĐOÀN THỂ LÀ MỘT QUYỀN LỢI XÃ HỘI VÀ DÂN SỰ

1

Ngày hôm nay, con người thời đại chúng ta càng ngày càng ý thức hơn về nhân phẩm,1 và luôn gia tăng số người đòi hỏi cho con người khả năng hành động theo sự chọn lựa của chính mình và trong tinh thần trách nhiệm hoàn toàn tự do, không bị một áp lực nào chi phối, nhưng được hướng dẫn bởi ý thức về bổn phận của con người. Cũng vậy, họ đòi hỏi phải có một giới hạn pháp lý đối với việc thực thi quyền bính của chính quyền để cho phạm vi tự do chân chính, dù thuộc cá nhân hay tập thể, không bị hạn hẹp quá đáng. Sự đòi hỏi quyền tự do này trong xã hội nhân loại cách chính yếu nhằm tới những đặc quyền của tinh thần con người và, trước tiên là quyền tự do hành đạo trong xã hội. Vì ân cần quan tâm đến những khát vọng tinh thần ấy và nhằm tuyên nhận đó là những điều phù hợp với chân lý và công bình, nên Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô này tìm hiểu kỹ càng thánh truyền và giáo thuyết của Giáo Hội để từ đó đưa ra những điều mới nhưng luôn luôn hòa hợp với những điều cũ.

Vì thế, trước hết Thánh Công Đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, qua đó, khi phụng thờ Ngài, con người có thể được cứu rỗi trong Chúa Ki-tô và đạt tới hạnh phúc thật. Chúng tôi tin rằng tôn giáo chân thật duy nhất này hiện hữu trong Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền, Giáo Hội mà Chúa Giê-su đã ủy thác nhiệm vụ phải truyền bá cho mọi người, khi Người phán cùng các Tông Đồ: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con” (Mt 28,19-20). Thật vậy, mọi người đều phải tìm kiếm chân lý, nhất là những chân lý liên quan tới Thiên Chúa và Giáo Hội của Ngài, và khi đã nhận biết, phải tin nhận và tuân giữ.

Cũng thế, Thánh Công Đồng tuyên bố rằng những bổn phận ấy có liên quan và mang tính bó buộc đối với lương tâm con người, và chân lý chỉ áp đặt bằng sức mạnh của chính chân lý, sức mạnh ấy thấm vào các tâm hồn một cách vừa êm dịu vừa mãnh liệt. Hơn nữa, vì quyền tự do tôn giáo mà con người đòi hỏi trong khi thi hành nhiệm vụ phụng thờ Thiên Chúa, liên quan tới sự miễn trừ khỏi mọi áp chế trong xã hội dân sự, nên sự tự do đó bảo toàn được nguyên vẹn giáo lý truyền thống công giáo về bổn phận luân lý của con người cũng như của các đoàn thể đối với tôn giáo chân thật và đối với Giáo Hội duy nhất của Chúa Ki-tô. Vả lại, khi bàn về tự do tôn giáo, Thánh Công Đồng muốn khai triển học thuyết của các vị Giáo Hoàng gần đây nhất về những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người cũng như về cơ cấu pháp lý của xã hội.

I. QUAN ĐIỂM TỔNG QUÁT VỀ TỰ DO TÔN GIÁO

2

Thánh Công Đồng tuyên bố con người có quyền tự do tôn giáo. Sự tự do này được hiểu là tình trạng con người không bị xâm phạm bởi một áp chế nào từ các cá nhân, đoàn thể xã hội hay bất cứ quyền bính nhân loại nào khác, để trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù hành động đó là riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với người khác, trong những giới hạn chính đáng. Hơn nữa, Thánh Công Đồng còn tuyên bố rằng tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, theo như Lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết.2 Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ chế pháp lý của xã hội phải được thừa nhận với những giá trị của một điều luật dân sự.

Xét theo phẩm giá, vì là những nhân vị, nghĩa là có lý trí và ý chí tự do, vì thế cũng có trách nhiệm cá nhân, nên tất cả mọi người, do bản tính tự nhiên thúc đẩy và bổn phận luân lý đòi buộc, luôn kiếm tìm chân lý, nhất là chân lý liên quan đến tôn giáo. Họ cũng luôn gắn bó với chân lý đã nhận biết, và điều hướng toàn thể đời sống mình theo những đòi hỏi của chân lý ấy. Tuy nhiên, con người chỉ có thể chu toàn bổn phận đó cách phù hợp với bản tính của mình, nếu, ngoài sự tự do tâm lý, họ cũng không bị chi phối bởi một áp chế bên ngoài nào. Như vậy quyền tự do tôn giáo đặt nền tảng trên chính bản tính nhân loại, chứ không phải trên thái độ chủ quan của con người. Vì thế, quyền bất khả xâm phạm này này vẫn tồn tại ngay cả nơi những người không chu toàn bổn phận tìm kiếm và gắn bó với chân lý, và việc thực thi quyền này không thể bị ngăn cản, miễn là trật tự công cộng chính đáng vẫn được bảo đảm.

3

Những điều trên đây sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chấp nhận rằng tiêu chuẩn tối thượng của đời sống con người chính là thiên luật mang tính vĩnh cửu, khách quan và phổ cập, qua luật này Thiên Chúa xếp đặt, hướng dẫn và điều khiển toàn thể hoàn vũ cũng như hướng đi của các cộng đồng nhân loại trong ý định khôn ngoan và đầy yêu thương của Ngài. Thiên Chúa cho con người được tham dự vào lề luật của Ngài, để nhờ sự an bài ưu ái của ơn quan phòng, con người ngày càng có thể nhận biết sâu sắc hơn về chân lý vĩnh hằng. Vì thế, mỗi người đều có bổn phận, và do đó có quyền tìm kiếm chân lý trong lãnh vực tôn giáo, nhờ vậy có thể dùng những phương tiện thích đáng để khôn ngoan tìm thấy những phán đoán đúng đắn và chân thật theo lương tâm.

Tuy nhiên, phải thực hiện việc tìm kiếm chân lý theo cách thế xứng hợp với phẩm giá và bản tính xã hội của con người, nghĩa là bằng việc tự do tìm kiếm, bằng cách học hỏi hoặc nhờ người hướng dẫn, bằng cách trao đổi và đối thoại, nhờ đó con người bày tỏ cho nhau biết chân lý mà mình tìm được hay nghĩ là đã tìm được, để giúp nhau trong việc khám phá chân lý; khi đã tìm thấy, mỗi người phải kiên quyết gắn bó với chân lý bằng cả niềm xác tín cá nhân.

Thật ra, chính qua trung gian lương tâm mà con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của thiên luật; con người phải trung thành tuân theo lương tâm trong mọi hành động để đạt tới cùng đích đời mình là chính Thiên Chúa. Vì thế, không ai bị cưỡng bách hành động trái với lương tâm, cũng như không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Thật vậy, tự bản chất, việc thực hành tôn giáo hệ tại trước tiên ở những hành vi nội tâm tự nguyện và tự do, qua đó con người trực tiếp hướng về Thiên Chúa : không một quyền bính thuần nhân loại nào có thể ép buộc hay ngăn cản những hành vi ấy.3 Đàng khác, chính bản tính xã hội đòi hỏi con người phải diễn tả những hành vi tôn giáo trong tâm hồn ra bên ngoài, cũng như cần có những trao đổi với người khác về vấn đề tôn giáo, và tuyên xưng tôn giáo của mình dưới hình thức cộng đoàn.

Như vậy, chối bỏ quyền tự do hành đạo của con người trên bình diện xã hội, trong khi trật tự công cộng vẫn được bảo đảm, tức là nhục mạ con người và trật tự mà Thiên Chúa đã ấn định cho nhân loại.

Hơn nữa, theo bản chất, những hành vi tôn giáo, dù riêng tư hay công khai, qua đó con người tự ý hướng tới Thiên Chúa, đều vượt trên phạm vi trần thế và thời gian hữu hạn này. Vì thế, quyền bính dân sự với mục đích riêng biệt là phục vụ công ích trần thế, phải nhìn nhận và nâng đỡ đời sống tôn giáo của người công dân, nhưng quyền bính này sẽ vượt quá giới hạn của mình nếu tìm cách điều khiển hay ngăn cản hành vi tôn giáo.

4

Quyền tự do hay quyền bất khả áp chế trong lãnh vực tôn giáo đối với từng cá nhân, cũng phải được thừa nhận khi họ hoạt động chung với nhau. Thật vậy, bản tính xã hội của con người cũng như của tôn giáo đều đòi phải có những cộng đồng tôn giáo.

Vì thế, miễn sao không phương hại đến những yêu cầu chính đáng của trật tự công cộng, các cộng đồng tôn giáo phải được quyền tự do để hoạt động theo những quy định riêng, để công khai phụng thờ Đấng Tối Cao, giúp các tín hữu thực thi đời sống tôn giáo đồng thời luôn được củng cố trong giáo lý, cũng như để phát triển các tu hội, trong đó các thành viên cùng nhau tổ chức một nếp sống đặc thù theo những nguyên tắc tôn giáo của cộng đoàn.

Các cộng đồng tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp hay hành pháp thuộc chính quyền dân sự không được ngăn cản họ trong việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, trong việc liên lạc với giáo quyền và những cộng đồng tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, trong việc thiết lập các cơ sở tôn giáo cũng như sở hữu và quản trị những tài sản thích hợp.

Các cộng đồng tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản. Nhưng trong khi truyền bá đức tin tôn giáo và trình bày những phương thức hành đạo, phải luôn tránh mọi hành động có tính cách ép buộc, dụ dỗ cách không ngay chính hay thiếu trung thực, nhất là đối với những người chất phác và nghèo túng. Hành động như thế là lạm dụng quyền hạn của mình và xâm phạm quyền lợi của người khác.

Ngoài ra, tự do tôn giáo còn có nghĩa là các cộng đồng tôn giáo không bị ngăn cản trong việc tự do chứng tỏ giá trị riêng biệt của mỗi giáo thuyết trong việc tổ chức xã hội và làm sống động các sinh hoạt nhân văn. Sau cùng, xã hội tính của con người cũng như chính bản chất của tôn giáo là nền tảng căn bản để cho con người, khi được cảm thức tôn giáo thúc đẩy, có quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hóa, từ thiện và xã hội.

5

Mỗi gia đình, với tư cách là một cộng đồng xã hội được hưởng một quyền lợi đặc thù và căn bản, phải được tự do trong việc tổ chức đời sống tôn giáo tại gia dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Cha mẹ có quyền xác định đường hướng giáo dục con cái theo tôn giáo mình tin tưởng. Vì thế, quyền bính dân sự phải công nhận quyền tự do thực sự của cha mẹ trong việc lựa chọn trường học và những phương tiện giáo dục khác, và không được bắt ép họ phải chịu những gánh nặng bất công trực tiếp hay gián tiếp vì đã được tự do chọn lựa. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái bị cưỡng bách theo học những môn học không thích hợp với tín ngưỡng của cha mẹ, hay bị bó buộc phải theo một hệ thống giáo dục độc đoán hoàn toàn loại bỏ chương trình đào tạo tôn giáo.

6

Công ích xã hội bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống cộng đồng nhằm giúp con người có thể đạt tới sự hoàn hảo của chính mình cách đầy đủ và dễ dàng hơn; công ích ấy hệ tại trước tiên ở việc bảo toàn những quyền lợi và nghĩa vụ của con người,4 vì thế, việc quan tâm bảo vệ quyền tự do tôn giáo chính là trách nhiệm của các công dân, đoàn thể xã hội, quyền bính dân sự cũng như của Giáo Hội và các cộng đồng tôn giáo khác, tùy theo cách thế và khả năng riêng, dựa trên nghĩa vụ của tất cả đối với công ích.

Nhiệm vụ thiết yếu của quyền bính dân sự là bảo vệ và phát huy những quyền lợi bất khả xâm phạm của con người.5 Do đó, quyền bính dân sự phải bảo vệ cách hữu hiệu quyền tự do tôn giáo của mọi công dân bằng những đạo luật chính đáng và những phương tiện thích hợp khác, cũng như phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành đời sống tôn giáo, để các công dân có thể thực sự hưởng dụng những quyền lợi và chu toàn các bổn phận tôn giáo, đồng thời để xã hội được hưởng nhờ những thiện ích của công lý và hòa bình, kết quả từ sự trung thành của con người đối với Thiên Chúa và thánh ý Ngài.6

Những dân tộc, nếu vì những hoàn cảnh đặc thù đã dành riêng cho một cộng đồng tôn giáo nào đó sự công nhận dân sự đặc biệt trên bình diện pháp lý của xã hội, thì cùng lúc cũng cần phải công nhận và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của tất cả các công dân và các cộng đồng tôn giáo khác.

Sau cùng, quyền bính dân sự phải giám sát cẩn thận để quyền bình đẳng trên phương diện pháp lý của các công dân, một quyền lợi gắn liền với công ích xã hội, không bao giờ bị xâm phạm dù cách công khai hay kín đáo vì những lý do tôn giáo, cũng như phải tránh mọi phân biệt đối xử giữa các công dân.

Do đó, công quyền không được dùng bạo lực, sự đe dọa hay những phương thế khác để bắt buộc người dân phải tuyên xưng hay chối bỏ bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đồng tôn giáo. Huống chi, nếu công quyền sử dụng bạo lực dưới bất cứ hình thức nào để tiêu diệt hay cấm đoán một tôn giáo, hoặc trong toàn thể nhân loại, hoặc trong một miền hay trong một nhóm người, đó sẽ là một hành động trái ngược với thánh ý Thiên Chúa và vi phạm những quyền lợi thiêng liêng của cá nhân cũng như của gia đình các dân tộc.

7

Quyền tự do trong lãnh vực tôn giáo được thực thi trong xã hội loài người, vì thế việc sử dụng quyền này cần phải dựa theo một vài quy tắc hướng dẫn.

Trong việc sử dụng các quyền tự do, nguyên tắc luân lý về trách nhiệm cá nhân và xã hội luôn phải được tuân giữ: luật luân lý buộc từng người và cả tập thể xã hội khi sử dụng những quyền lợi của mình phải quan tâm đến quyền lợi của người khác, đến nghĩa vụ của mình đối với tha nhân và lợi ích chung của mọi người. Phải đối xử với mọi người theo lẽ công bình và tình nhân ái.

Ngoài ra, vì xã hội dân sự có quyền tự bảo vệ chống lại những lạm dụng có thể nẩy sinh dưới chiêu bài tự do tôn giáo, nên chính công quyền dân sự phải bảo đảm cho quyền tự vệ này; tuy nhiên không được hành động cách độc đoán hay thiên vị một phe phái nào, nhưng phải dựa trên những tiêu chuẩn pháp lý phù hợp với trật tự luân lý khách quan, những tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ hữu hiệu và dàn xếp ôn hoà quyền lợi của mọi công dân, để chăm lo đầy đủ cho sự an bình công cộng vốn chỉ có được khi mọi người biết cùng sống với nhau trong công chính đích thực, và để bảo vệ được nền luân lý nơi cộng đồng. Tất cả những điều đó là yếu tố chính tạo nên công ích và đóng góp vào nền trật tự công cộng. Ngoài ra, cần phải duy trì nguyên tắc chung về việc bảo đảm tự do toàn vẹn trong xã hội, theo đó, quyền tự do dành cho con người phải được công nhận đến mức tối đa và chỉ bị hạn chế khi cần thiết và trong mức độ cần thiết mà thôi.

8

Con người thời đại chúng ta thường phải chịu nhiều thứ áp lực và có nguy cơ không còn được hành động theo phán đoán tự do của bản thân. Nhưng trong khi đó, nhiều người lại dựa vào chiêu bài tự do, để rồi như muốn chối bỏ mọi sự lệ thuộc quyền bính và coi nhẹ bổn phận vâng lời chính đáng.

Vì thế, Công Đồng Va-ti-ca-nô này kêu gọi tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang thực thi sứ mạng giáo dục, hãy chú tâm vào việc đào tạo những con người biết phục tùng quyền bính hợp pháp khi tuân theo trật tự luân lý, đồng thời biết quí chuộng tự do đích thực; những con người biết tự mình thẩm định các sự việc dưới ánh sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và cố gắng đạt được những gì là chân thật và công chính, bằng cách luôn luôn sẵn lòng cộng tác với người khác.

Như vậy, tự do tôn giáo phải đem lại kết quả và đạt đến mục đích giúp đỡ con người, khi chu toàn những bổn phận của mình trong đời sống xã hội, luôn hành động với ý thức trách nhiệm sâu sắc hơn.

II. TỰ DO TÔN GIÁO DƯỚI ÁNH SÁNG MẠC KHẢI

9

Phẩm giá của con người chính là nền tảng cho những điều Công Đồng Va-ti-ca-nô này tuyên bố về quyền tự do tôn giáo của con người, và trải qua kinh nghiệm của bao thế hệ, lý trí nhân loại,ngày càng thấy rõ những đòi hỏi của nhân phẩm ấy. Hơn nữa, giáo thuyết về tự do tôn giáo bắt nguồn từ Mạc Khải của Thiên Chúa, nên người Ki-tô hữu càng phải thành kính tuân theo. Thật vậy, mặc dù không minh nhiên xác nhận quyền bất khả xâm phạm đối với mọi áp chế bên ngoài trong những điều liên quan đến tôn giáo, nhưng Mạc Khải đã cho biết về nhân phẩm trong tất cả mọi chiều kích, đã cho thấy sự quan tâm của Chúa Ki-tô đối với sự tự do mà con người phải có để chu toàn bổn phận tin vào lời Chúa, và cũng đã dạy chúng ta về tinh thần mà những môn đệ đã chọn Người làm Thầy phải hiểu biết và noi theo trong các hoạt động của mình. Tất cả những điều trên làm sáng tỏ những nguyên tắc chung được đặt làm nền tảng cho giáo thuyết về tự do tôn giáo của bản Tuyên Ngôn này. Điều đáng nói hơn cả là quyền tự do tôn giáo trong xã hội hoàn toàn phù hợp với thái độ tự do của hành vi đức tin Ki-tô giáo.

10

Điểm chính yếu của học thuyết công giáo, được chứa đựng trong Lời Chúa và từng được các Giáo phụ giảng dạy,7 là con người phải bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa cách tự nguyện. Do đó, không ai bị cưỡng bách phải chấp nhận đức tin trái với ý muốn.8 Thật vậy, tự bản chất, hành vi đức tin là một hành vi tự ý, vì khi đã được cứu chuộc nhờ Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế và được mời gọi trở nên dưỡng tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô,9 con người chỉ có thể đến với Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải nếu, khi được Chúa Cha lôi cuốn,10 họ tin phục Thiên Chúa với cả lý trí và tự do. Vì vậy, trong lãnh vực tôn giáo, việc loại trừ mọi thứ áp chế đối với con người là điều hoàn toàn phù hợp với bản chất của đức tin. Bởi đó, chủ trương tự do tôn giáo sẽ góp phần không nhỏ vào việc tạo nên hoàn cảnh thuận lợi giúp cho con người có thể dễ dàng được mời gọi đến với đức tin Ki-tô giáo, tự ý đón nhận và tuyên xưng đức tin ấy cách nhiệt thành trong cả cuộc sống.

11

Thiên Chúa mời gọi con người phụng thờ Ngài trong tinh thần và chân lý, và con người chấp nhận gắn bó với Ngài bằng cả ý thức chứ không hề bị cưỡng bách. Thật vậy, Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá của những con người do chính Ngài tạo nên, những người phải sống theo phán đoán của chính mình và phải được tự do. Điều này được tỏ hiện cách tuyệt vời nơi Đức Ki-tô Giê-su, nơi Người, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và những đường lối của mình cách trọn hảo. Chúa Ki-tô là Thầy và là Chúa chúng ta,11 Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng,12 chính Người đã kiên nhẫn dìu dắt và mời gọi các môn đệ.13 Quả thật, Người đã chứng thực và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ để khơi dậy và kiện cường lòng tin của những kẻ đang nghe Người, chứ không phải để tạo áp lực cưỡng ép họ.14 Rõ ràng Người đã khiển trách những kẻ nghe mà không tin, tuy nhiên Người vẫn dành quyền luận phạt cho Thiên Chúa trong ngày phán xét.15 Khi sai các Tông Đồ đi khắp thế gian, Người phán: “Ai tin và chịu phép Rửa, sẽ được cứu rỗi, còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,16). Nhưng khi thấy cỏ lùng được gieo lẫn vào lúa, Người lại bảo cứ để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt vào ngày thế mạt.16 Không muốn là một vị Thiên Sai tham gia chính trường để thống trị bằng quyền lực,17 Người thích tự xưng là Con Người, đến “để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Là người Tôi Trung hoàn hảo của Thiên Chúa,18 Người “không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, không nỡ vùi tắt tim đèn còn khói” (Mt 12,20). Người thừa nhận quyền bính và luật pháp dân sự khi bảo phải nộp thuế cho Xê-da, nhưng cũng khuyến cáo rõ ràng phải tôn trọng lề luật tối thượng của Thiên Chúa: “Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Sau cùng, khi thực hiện công trình cứu chuộc trên thánh giá để mang lại ơn cứu rỗi và tự do đích thực cho con người, Người đã hoàn tất mạc khải. Người đã làm chứng cho chân lý,19 nhưng Người không muốn dùng sức mạnh để ép buộc những kẻ chống đối Người. Thật vậy, Nước Người không cần được bảo vệ bằng bạo lực,20 nhưng được xây dựng bằng việc làm chứng và lắng nghe chân lý, được tăng triển nhờ tình yêu, với tình yêu đó Chúa Ki-tô chịu treo trên thập giá đã kéo mọi người đến với Người.21

Được dạy bảo bằng lời nói và mẫu gương của Đức Ki-tô, các Tông Đồ cũng đã đi theo con đường ấy. Từ thời Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Đức Ki-tô đã không dùng hành động cưỡng bách và những thủ đoạn bất xứng với Phúc Âm, nhưng trên hết, các ngài dùng sức mạnh của lời Chúa để dẫn đưa con người trở về tuyên xưng Đức Ki-tô là Chúa.22 Các ngài đã mạnh dạn loan truyền cho mọi người biết ý định của Thiên Chúa Cứu Chuộc, “Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4); nhưng đồng thời các ngài vẫn tôn trọng những người yếu đuối, dù họ đang sống trong lầm lạc, và như thế, tỏ cho họ thấy “mỗi người chúng ta đều phải trả lẽ về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14,12),23 và phải luôn sống đúng theo lương tâm. Cũng như Chúa Ki-tô, các Tông Đồ luôn chú tâm làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa, đầy can đảm trước mặt dân chúng và nhà cầm quyền để “mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31).24 Quả thật, các ngài xác tín rằng Phúc Âm thực sự là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu rỗi tất cả những ai có lòng tin.25 Vì thế, từ khước mọi “khí giới thuộc xác thịt”,26 noi gương hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Ki-tô, các ngài rao giảng lời Chúa với tất cả lòng tin tưởng vào sức mạnh thần linh của lời có khả năng phá tan các quyền lực chống lại Thiên Chúa,27 và giúp mọi người trở về tin kính và vâng phục Chúa Ki-tô.28 Như Thầy mình, các Tông Đồ cũng nhìn nhận chính quyền hợp pháp: “Thật vậy, không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa”, thánh Phaolô nói lời đó khi nhắc nhở: “Mọi người hãy tùng phục quyền trên…. ai chống đối quyền bính tức là chống lại trật tự Thiên Chúa đã đặt ra” (Rm 13,1-2).29 Nhưng đồng thời các ngài cũng không sợ hãi khi phải phản đối những quyền bính đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29).30 Trải qua bao thế hệ và khắp nơi trên trái đất, biết bao vị tử đạo và tín hữu đã đi theo con đường ấy.

12

Như vậy, trung thành với chân lý Phúc Âm, Giáo Hội đi theo con đường của Chúa Ki-tô và các Tông Đồ khi nhìn nhận và bênh vực nguyên tắc tự do tôn giáo như một nguyên tắc phù hợp với phẩm giá con người và với mạc khải của Thiên Chúa. Qua dòng thời gian, Giáo Hội vẫn duy trì và truyền dạy giáo thuyết đã nhận lãnh nơi Thầy Chí Thánh và các Tông Đồ. Mặc dầu trong đời sống của Dân Thiên Chúa, trải qua những thăng trầm của lịch sử nhân loại, đôi khi cũng đã có những phương cách hành động ít thích hợp, thậm chí trái với tinh thần Phúc Âm, tuy nhiên, giáo thuyết của Giáo Hội luôn dạy rằng không ai bị ép buộc phải tin.

Như thế, men Phúc Âm đã hoạt động lâu dài trong các tâm hồn và đóng góp rất nhiều cho nhân loại, để rồi qua dòng thời gian, con người nhận biết sâu xa hơn về phẩm giá của mình, và càng thêm xác tín rằng trong xã hội, không ai được cưỡng bách con người về những gì liên quan đến tôn giáo.

13

Trong số những điều gắn liền với thiện ích của Giáo Hội cũng như của xã hội trần thế, những điều dù ở đâu hay vào thời nào luôn phải được tôn trọng và bảo vệ khỏi mọi xâm phạm, thì chắc chắn điều quan trọng nhất là Giáo Hội phải được tự do hành động theo như đòi hỏi của sứ mạng đem ơn cứu rỗi cho mọi người.31 Thật vậy, đây là một sự tự do mang tính thánh thiêng, do người Con duy nhất của Thiên Chúa ban cho Giáo Hội mà Người đã cứu chuộc bằng chính Máu mình. Tự do này dành riêng cho Giáo Hội cách đặc biệt đến nỗi nếu ai xâm phạm là đã chống lại ý định Thiên Chúa. Quyền tự do của Giáo Hội là nguyên tắc căn bản cho mọi liên lạc giữa Giáo Hội và chính quyền cũng như toàn thể cơ cấu dân sự.

Trong xã hội loài người và đối với bất cứ công quyền nào, Giáo Hội đòi cho mình quyền tự do với tư cách mình là một quyền bính thiêng liêng do Chúa Ki-tô thiết lập, và thừa lệnh Thiên Chúa, lãnh nhiệm vụ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm cho mọi tạo vật.32 Giáo Hội cũng đòi cho mình quyền tự do vì Giáo Hội cũng là một cộng đồng gồm những người có quyền sống trong xã hội dân sự theo những giới luật của đức tin Ki-tô giáo.33

Thế nên, nơi nào thể chế tự do tôn giáo được đề cao, không những được tuyên bố bằng lời nói hay được phê chuẩn qua các đạo luật nhưng còn được đem ra thi hành cách thực tâm, thì ở đó, trên nguyên tắc cũng như trong thực tế, Giáo Hội mới có được những điều kiện vững chắc khả dĩ bảo đảm sự độc lập cần thiết để chu toàn sứ mệnh của Thiên Chúa, sự độc lập mà giáo quyền luôn cấp thiết đòi hỏi phải được thực thi trong xã hội.34 Đồng thời các Ki-tô hữu cũng như những người khác đều được hưởng quyền tự do không bị ngăn cản hành động theo lương tâm trong đời sống của mình. Như thế, sự tự do của Giáo Hội tương hợp với quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi phải được thừa nhận cho mọi người và mọi cộng đồng cũng như phải được phê chuẩn trong thể chế pháp lý.

14

Để tuân hành mệnh lệnh Chúa truyền: “Hãy dạy dỗ muôn dân” (Mt 28,19), Giáo Hội Công Giáo phải luôn nỗ lực hoạt động “để lời Chúa được phổ biến mau chóng và được tôn vinh” (2 Ts 3,1).

Vì thế, Giáo Hội tha thiết xin các con cái mình, trước hết “hãy van nài, cầu nguyện, khấn xin và tạ ơn cho tất cả mọi người… đó là điều tốt lành và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng Cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,1-4).

Tuy nhiên, trong việc huấn luyện lương tâm, các Ki-tô hữu phải luôn chú trọng đến giáo lý thánh thiện và vững chắc của Giáo Hội.35 Thật vậy, theo ý định của Chúa Ki-tô, Giáo Hội Công Giáo là thầy dạy chân lý có nhiệm vụ loan báo và giảng dạy cách xác thực chân lý là chính Chúa Ki-tô, đồng thời có thẩm quyền công bố và xác nhận những nguyên tắc trong lãnh vực luân lý, phát xuất tự chính bản tính con người. Ngoài ra, khi đến với những người còn ở bên ngoài Giáo Hội, các Ki-tô hữu, với thái độ khôn ngoan, “trong Chúa Thánh Thần, trong đức ái không giả dối, trong lời chân lý” (2 Cr 6,6-7), phải cố gắng chiếu tỏa ánh sáng sự sống với trọn niềm xác tín,36 với lòng can đảm của người tông đồ, cho dù phải đổ máu.

Vì đối với Chúa Ki-tô, Thầy Chí Thánh của mình, người môn đệ có bổn phận quan trọng là phải luôn tìm cách thấu hiểu chân lý mà Người đã trao ban, phải trung thành loan truyền và can đảm bảo vệ, nhưng không được dùng những phương cách trái với tinh thần Phúc Âm. Đồng thời, vì tình yêu Chúa Ki-tô thúc bách, hãy lấy tình yêu thương, sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn để đối xử với những kẻ còn sống trong lầm lạc hoặc chưa nhận biết đức tin.37 Vì thế, vừa phải quan tâm đến những bổn phận đối với Chúa Ki-tô, Lời ban sự sống, Lời phải được loan truyền, vừa phải chú ý đến những quyền lợi của con người cũng như mức độ ơn thánh mà Thiên Chúa, nhờ Chúa Ki-tô ban cho những ai được mời gọi để tự ý nhận lãnh và tuyên xưng đức tin.

15

Ngày nay, điều hiển nhiên là con người mong muốn được tự do tuyên xưng tôn giáo cách riêng tư cũng như công khai. Hơn nữa, quyền tự do tôn giáo đã được Hiến pháp của phần lớn các quốc gia công bố như một quyền dân sự và được các văn kiện quốc tế long trọng công nhận.38

Tuy nhiên, có nhiều chế độ, dù quyền tự do phụng tự đã được thừa nhận trong Hiến Pháp, nhưng chính các cơ quan công quyền lại luôn tìm cách bắt người dân phải xa lìa tôn giáo họ tin theo và làm cho đời sống các cộng đồng tôn giáo trở nên vô cùng khó khăn và bấp bênh.

Trong khi vui mừng trước những dấu chỉ tốt đẹp của thời đại này, nhưng cũng phải đau lòng nói lên những sự kiện đáng buồn ấy, Thánh Công Đồng khuyến khích những người công giáo và cũng xin tất cả mọi người hãy quan tâm nhận định kỹ lưỡng về sự cần thiết của quyền tự do tôn giáo, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình nhân loại.

Thật vậy, điều có thể nhận thấy rõ ràng là các dân tộc ngày càng hợp nhất hơn, con người với những nền văn hóa và tôn giáo khác biệt ngày càng liên kết với nhau chặt chẽ hơn, đồng thời mỗi cá nhân cũng ý thức hơn về trách nhiệm của mình. Do đó, để thiết lập và củng cố giữa nhân loại mối tương giao an hòa và thuận hảo, điều cần thiết là khắp nơi trên hoàn cầu, quyền tự do tôn giáo phải được thừa nhận nhờ sự bảo đảm hữu hiệu của luật pháp, cũng như những bổn phận và quyền lợi tối thượng của con người trong việc sống đạo giữa xã hội phải được tôn trọng.

Nguyện xin Thiên Chúa là Cha mọi người, ban cho gia đình nhân loại, qua việc cẩn thận tuân giữ thể chế tự do tôn giáo trong xã hội, được đạt tới tự do cao cả và vĩnh cửu “trong vinh quang của con cái Thiên Chúa” (Rm 8,21), nhờ ân sủng Chúa Ki-tô và quyền năng Chúa Thánh Thần.

Tất cả và từng điều được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều đã được các Nghị phụ Thánh Công Đồng chấp thuận. Và, với thẩm quyền tông truyền nhận được từ Chúa Ki-tô, hợp nhất với các Nghị phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, quyết nghị và xác lập, và những gì đã được xác lập theo thể thức Công Đồng, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Rô-ma, tại Đền Thánh Phê-rô, ngày 7 tháng 12 năm 1965

Tôi, PHAO-LÔ, Giám mục Giáo Hội Công giáo

(Tiếp theo là chữ ký của các Nghị phụ)

Chú thích

1 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 279; nt., tr. 265; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh 24.12.1944: AAS 37 (1945), tr. 14.

2 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 260-261; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh, 24.12.1942, AAS 35 (1943), tr. 19; PI-Ô XI, Thông điệp Mit brennender Sorge, 14.3.1937: AAS 29 (1937), tr. 160; LÊ-Ô XIII, Thông điệp Libertas Praestantissimum, 20.6.1888; Acta Leonis XIII, 8 (1888), tr. 237-238.

3 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 270; PHAOLÔ VI, Sứ điệp truyền thanh , 22.12.1964: AAS 57 (1965), tr. 181-182.

4 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Mater et Magistra, 15.5.1961: AAS 53 (1961), tr. 417; nt., Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 273.

5 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 273-274; PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh, 1.6.1941: AAS 33 (1941), tr. 200.

6 x. LÊ-Ô XIII, Thông điệp Immortale Dei, 1.11.1885: AAS 18 (1885), tr. 161.

7 x. LACTANTIUS, Divinarum Institutionum, V, 19: CSEL 19, tr. 463-464; Pl 6,614 và 616 (ch 20); T. AMBRÔSIÔ, Epistola ad Valentianum Imp, Ep 21: Pl 16, 1005; T. AUGUSTINÔ, Contra litteras Petiliani, c. II, ch. 83: CSEL 52, tr. 112; PL43, 315; x. C. 23, q. 5, c. 33 (xb. Friedberg, cột 939); nt., Epist. 23: PL 33, 98; nt., Epistola 34: PL33, 132; nt., Epistola 35: PL 33, 135; T. GRÊGÔRIÔ CẢ, Epistola ad Virglitum et Theodorum episcopos Massiliae Galliarum, Registrum Epistolarum, I, 45: MGH, Ep., 1, tr. 72: PL 77, 510-511 (I, ep. 47); nt., Epistola ad Ioannem Episcopum Constantinopolitanum, Registrum Epistolarum, III, 52: MGH Ep. I tr. 210; PL 77, 649(III, ep. 33); x. D 45, ch 1 (xb. Friedberg cột 160); CĐ TOLET. IV, ch 57; Mansi 10,633; x. D. 45, ch. 5 (xb. Friedberg, cột 161-162); CLÊMENTÊ III: X., V, 6,9 (xb. Friedberg, cột 774); INNÔCENTIÔ III, Epistola ad Arelatensem Archiepiscopum, X., III, 42, 3 (xb. Friedberg, cột 646).

8 x. Giáo Luật 1351; PI-Ô XII, Huấn từ cho các vị Giám chức cũng như các viên chức và tuỳ viên của Tòa Thượng Thẩm Rô-ma, 6.10.1946: AAS 38 (1946), tr. 394; nt. Thông điệp Mystici Corporis, 29.6.1943: AAS 35 (1943), tr. 243.

9 x. Ep 1,5.

10 x. Ga 6,44.

11 x. Ga 13,13.

12 x. Mt 11,29.

13 x. Mt 11,28-30; Ga 6,67-68.

14 x. Mt 9,28-29; Mc 9,23-24; 6,5-6; PHAO-LÔ VI, Thông điệp Ecclesiam suam , 6.8.1964, AAS 56 (1964), tr. 642-643.

15 x. Mt 11,20-24; Rm 12,19-20; 2 Ts 1,8.

16 x. Mt 13,30 và 40-42.

17 x. Mt 4,8-10; Ga 6,15.

18 x. Is 42,1-4.

19 x. Ga 18,37.

20 x. Mt 26,51-53; Ga 18,36.

21 x. Ga 12,32.

22 x. 1 Cr 2,3-5; 1 Ts 2,3-5.

23 x. Rm 14,1-23; 1 Cr 8,9-13; 10,23-33.

24 x. Ep 6,19-20.

25 x. Rm 1,16.

26 x. 2 Cr 10,4; 1 Ts 5,8-9.

27 x. Ep 6,11-17.

28 x. 2 Cr 10,3-5.

29 x. 1 Pr 2,13-17.

30 x. Cv 4,19-20.

31 x. LÊ-Ô XIII, Thư Officio sanctissimo, 22.12.1887), AAS 20 (1887) tr. 269; nt., Thư Ex litteris, 7.4.1887: AAS 19 (1886), tr. 465.

32 x. Mc 16, 15; Mt 28, 18-20; PI-Ô XII, Thông điệpSummi Pontificatus, 20.10.1939: AAS 31 (1939), tr. 445-446.

33 x. PI-Ô XI, Thư Firmissimam Constantiam, 28.3.1937: AAS 29 (1937), tr. 196.

34 x. PI-Ô XII, Huấn từ Ci riesce, 6.12.1953: AAS 45 (1953), tr. 802.

35 x. PI-Ô XII, Sứ điệp truyền thanh, 23.3.1952: AAS 44 (1952), tr. 270-278.

36 x. Cv 4,29.

37 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 299-300.

38 x. GIO-AN XXIII, Thông điệp Pacem In Terris, 11.4.1963: AAS 55 (1963), tr. 295-296.

 


Chia sẻ