Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Bồng lai tiên cảnh!

Administrator
2008-12-09 00:00 UTC+7 196

Đến năm 2010 Giáo phận Long Xuyên sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Nhân dịp này Giáo phận xin mọi giáo xứ, mọi giáo hạt cũng như mọi Dòng tu trình bày đôi điều về thời kỳ thành lập cũng như các hoat động tông đồ đang thực hiện.

Đây là một dịp để đọc lại lịch sử của mảnh đất Cù lao giêng, một mảnh đất đã được gọi bằng 11 cái tên  khác nhau. Tên gọi "Cù lao giêng" được giải thích nhiều cách, nhưng cách giải thích được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận hiện nay là chữ "Giêng" do chữ Doanh đọc trại mà ra. Người  địa phương không quen uốn lưỡi để phát âm cho đúng chữ Doanh, nên cứ đọc trại mãi thành Dinh rồi Diêng, rồi Giên và Giêng[1]. Quả vậy, Cù lao Giêng trong các sách sử viết bằng tiếng Hán được gọi là Cù lao Doanh Châu. Doanh Châu  theo điển tích là một trong ba thắng cảnh  thần tiên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu mà tục truyền là nơi có nhiều tiên nữ ở.  Vào khoảng năm 1700,  thời Quan Chưởng cơ Nguyễn hữu Cảnh được Chúa Nguyễn phái vào đây kinh lược và sau đó khởi binh đánh bại người Cao Miên, thì Cù lao Giêng được những di dân miền trung vào đây lập nghiệp đánh giá là bồng lai tiên cảnh, mặc dầu hồi đó hòn đảo nhỏ này hãy còn rất hoang sơ, trên bờ thì  cọp dữ đi thành đàn và dưới sông  thì cá sấu nhung nhúc bơi lội. Chỉ những người di dân có võ từ Bình Định vào đây mới có gan  lập nghiệp trên mảnh đất Cù lao này.

Giáo xứ Cù lao Giêng xưa được gọi là giáo xứ "đầu nước". Đã có nhiều nhà thừa sai đến đây giảng đạo. Một linh mục thừa sai làm công tác mục vụ tại đây, đã bị nước cuốn trôi đang lúc tắm ngoài sông. Một linh mục thừa sai khác, không biết có phải vì đau dạ dày hay vì thành kiến gì đó mà suốt mấy mươi năm làm mục vụ người chỉ ăn chuối mà  sống, chứ không thể dùng các thức ăn khác. Nhà thờ Tu viện Cù lao Giêng bây giờ, xưa kia là một cơ sở đào tạo chủng sinh. Một vị thừa sai đã có công xây dựng nhà thờ hiện đang an nghỉ giữa nhà thờ ngay lối đi lên rước lễ. Vào thời Pháp thuộc, các tàu buôn, từ Sai gon lên Nam Vang, bắt buộc phải ghé bến Cù lao Giêng để chuyển thư liên lạc với các thừa sai và các quan chức trong vùng.

Trở về với cộng đoàn Cù lao Giêng, hiện cộng đoàn đang chịu khá nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Giá cá Diêu hồng cung cấp cho thương lái đang ở mức 26 ngàn/ký bỗng hạ xuống còn 18 hay 20 ngàn đồng.  Trong lúc đó giá thức ăn cho cá vẫn ở mức cao và chỉ hạ xuống nhỏ giọt, khiến việc nuôi cá, tính sòng phẳng, chỉ có thể lỗ hoặc huề vốn mà thôi. Trong năm nay mười hai công đất ruộng của cộng đoàn tương đối trúng cả ba vụ nhưng lại gặp cảnh gạo lúa vùng Cửu Long rớt giá nên "gặt thì nhiều mà bán chẳng được bao nhiêu". Tháng ba năm nay xoài khá sai  trái, tiếc một điều là chỉ bán đươc khoảng hai ngàn đồng/ ký  nên chỉ bán được một số ít, phần còn lại đành mời các đệ tử Dòng Chúa Quan Phòng, vốn thích ăn chua,  mang càng xé sang hái về ăn chơi.

Công bằng mà nói thì Cù lao Giêng vẫn tích cực và chủ động trong việc làm ăn. Lại còn có thêm mục "kinh tế vườn". Các anh em đi trước đã có công trồng chuối, trồng chanh, trồng đu đủ nhưng kể từ dạo đàn bò tăng số thì các cây ăn trái thường bị bò dẫm đạp, ăn hết đọt non... khiến anh em sau bữa ăn không có gì tráng miệng. Nhân dịp dựng lại hàng rào nội vi, anh em đã làm hàng rào ngăn chặn, không để đàn bò phá hại cây ăn trái, đồng thời phát cỏ, làm vệ sinh cây, bón phân để mỗi ngày có  chuối, đu đủ, mít xoài, và  có thêm rau muống, mồng tơi và rau đay để nấu với cua bắt ngoài ao cá. Đất ở đây tương đối tốt, lại có nhiều phân bò, nên rau đay mọc quá đầu người, ăn không kịp, phải mời hàng xóm  tiếp tay.

Trong thời gian qua, cũng có ít nhóm đăng ký tại nhà tĩnh tâm Tuy nhiên trong tháng 11, anh em phải đi tĩnh tâm với các linh mục giáo phận, lại do có sự căng thẳng  đây đó, nên không dám nhận các khóa mới mà chỉ tổ chức được một khóa mà thôi. Trong tình hình đó anh em đẩy mạnh việc đi thăm viếng các huynh đệ đoàn Phan sinh tại thế, tham dự các ngày lễ bổn mạng cũng như lễ khấn tại các đoàn. Tại nhà thờ Tu viện, anh em đã tổ chức được ba ngày hành hương cho anh em P.S.T.T của các HĐĐ lân cận, lần thứ nhất có trên ba trăm, lần thứ hai và thứ ba, mỗi lần có khoảng một trăm anh chị em  tham dự. trong số đó có các nữ tu và các đệ tử Dòng Chúa Quan Phòng. Đối với vùng Cửu Long sông nước, đi lại khó khăn, mà anh chị em cũng sốt sắng tới tham dự thánh lễ, nghe giải thích về ý nghĩa hành hương, sau đó tổ chức rước chung quanh nhà thờ, vừa đi, vừa hát các Thánh vịnh Lên Đền, rồi vào nhà thờ, sám hối tập thể, sau đó mới đọc các kinh cần thiết để hưởng ân xá.  Anh chị em được gợi ý về những quan tâm hàng đầu của Đức đương kim Giáo hoàng và sau đó cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng. Sau lễ là "lạt". Lần đầu anh chị em cùng ăn cơm hộp. Lần sau đó anh chị em dùng mì tôm và lần cuối cùng thì chỉ ăn bánh ngọt và uống trà Lai Châu. Ăn uống đơn sơ nhưng thắm tình huynh đệ. Về phía  công  đoàn, anh em mỗi người một viêc, đã giúp cho các ngày hành hương này được thành công tốt đẹp.

Cộng đoàn Cù lao Giêng xin kính chúc an, h Giám tỉnh và tất cả anh chị em trong Đại Gia đình Phan sinh một ngày lễ Giáng sinh vui tươi và một năm Kỷ Sửu đạt được nhiều tiến bộ mới trên đường tiến đức.

 

Phan Phảng.

 


 

[1] Nguyên Hùng : Đệ nhất Cù Lao. Nxb.Văn nghệ, Tp/HCM,1995; Sơn Nam : Tìm hiểu Đất An Giang. Nxb Tổng Hợp An Giang,1988

Chia sẻ