Ký Ức Tỉnh Dòng - Dấu Ấn Áo Nâu
Chiều ngày 19/05/2019, nhân dịp anh em Phan Sinh Việt Nam kỷ niệm 90 năm ngày Thánh Bộ Tu Sĩ ban phép thiết lập một Nhà Dòng Anh Em Hèn Mọn theo Giáo luật tại thành phố Vinh trong xứ An-nam (20/05/1929 -20/5/2019), anh em Nhà Tìm hiểu đã có cơ hội học tập về lịch sử hình thành Tỉnh dòng Thánh Phanxicô tại Việt Nam tại nhà thờ Thánh Antôn, tọa lạc tại 18 Phan Văn Trường, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong những cộng đoàn đầu tiên mà anh em Phanxicô hiện diện trên mảnh đất Sài Gòn sau một thời gian vắng bóng. Giáo xứ Antôn - Cầu Ông Lãnh được thành lập vào năm 1975. Ngôi nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng từ năm 1925. Trước khi trở thành Xứ Đạo, nơi đây vốn là một trung tâm xã hội từ thiện rồi thành tu viện và nhà nguyện của các anh em Phan Sinh. Linh mục chánh xứ hiện nay là cha Giuse Phạm Văn Bình, OFM.
Buổi thuyết trình có sự tham dự của Quý cha, Quý thầy Dòng Phanxicô, anh em Nhà Tìm hiểu, Dòng Ba Phan Sinh cùng đông đảo giáo dân trong giáo xứ và một thành phần không thể thiếu đó là Thuyết trình viên: Tu sĩ linh mục Têphanô Nguyễn Xuân Dinh, OFM. Trước khi diễn ra buổi thuyết trình là tiết mục nhảy “Fight song” của anh em Nhà Tìm hiểu đã làm cho bầu khí được vui tươi và sôi động hơn. Kế đó, anh em đã được nghe giới thiệu về những con người làm nên lịch sử đi kèm với đó là quá trình đầy gian khó, hiểm nguy và thử thách. Với hơn một thế kỉ (từ 1719-1834) hiện diện Dòng Phan sinh đã thiết lập hàng trăm giáo xứ mới tại miền Trung và miền Nam.
Trong phần chia sẻ về “Dấu ấn” tại miền Nam, nhất là khu vực Sài Gòn, màu áo nâu đã ghi đậm nét trên Họ đạo Chợ Quán, Bến Nghé, Cầu Kho, Lái Thiêu, Trảng Bàng hay Vàm Cỏ, Cửu Long. Tiêu biểu trong số đó là công lao của Cha José Garcia OFM, (1687-1761), được mệnh danh là “Tông đồ Phaolô” của vùng đất Sài Gòn - Cửu Long. Cha đến Việt Nam thực hiện sứ vụ thừa sai Phan sinh từ năm 1723. Ngài đã lập nên họ đạo cổ xưa nhất vùng Sài Gòn - họ đạo Chợ Quán, cái nôi Công giáo đầu tiên ở vùng Sài Gòn, mở đầu cho công việc phục vụ kéo dài hơn 100 năm, qua thời các cha José Garcia, Diago Jumila, Julian de Pilar, Fernando de Olmedilla,...Năm 1739 cha Garcia còn xây dựng một nhà thờ tại Cà Hon, thuộc vùng Thủ Ngữ, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Sau đó cha Manuel de Vallenmoso, cha Francesco Del Finochietto, thành lập họ đạo Thủ Ngữ, mở rộng ra Cái Mơn, Cái Nhum, Ba Giồng. Vì lịch sử có những biến động nên Dòng Phan Sinh đã vắng bóng trên dải đất Việt Nam gần 1 thế kỷ sau đó do bị bắt bớ, bị giết…Đến năm 1928, Cha Maurice Bertin (người Pháp) và một số anh em Phan Sinh mới đến Việt Nam.
Mỗi anh em Tìm hiểu cảm thấy vô cùng tự hào về những đóng góp của các vị Thừa sai “Áo Nâu” khi đem Tin Mừng đến cho dân tộc Việt Nam và tỏ lòng trân quý những dấu ấn của tiền nhân trên dòng thời gian ấy. Qua buổi học tập về lịch sử Tỉnh dòng, anh em Tìm hiểu - những tu sinh trẻ thấy càng yêu mến Tinh thần và Ơn gọi Phan Sinh hơn; đồng thời nỗ lực sống hết mình, làm chứng cho tinh thần ấy.
Để tỏ lòng tri ân đến các vị tiền bối theo sự hướng dẫn của Cha Giuse, toàn thể hội trường đã dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho các vị đã qua đời cũng như những người còn sống. Và kết thúc buổi thuyết trình là lời cảm ơn cùng những giải đáp thắc mắc của Linh mục chánh xứ về linh đạo và việc gia nhập gia đình Phan Sinh dành cho mọi lứa tuổi. Sau cùng, anh em ra về trong vui tươi và bình an.