Skip to content
Main Banner

Tất cả để Chúa lo liệu

Administrator
2008-08-26 00:00 UTC+7 72

Xây Nhà Thờ Họ Đạo “Xong hay không xong, chúng ta cũng mời Đức Cha về để làm phép lại nhà thờ vào ngày mười sáu tháng tám”. Đó là lời Anh Quản xứ nói với quý chức trong Hội đồng Giáo xứ vào một buổi họp.

Một lời như chiếu chỉ vua ban! Câu nói chất chứa một khối gồm những nỗi ưu tư của Ban Hành Giáo, quyết đoán của “Cố Đạo” và cả những mối dằn vặt nào đó đang đeo đuổi Cha - Con trong họ đạo.

“Chú Hai” khởi công xây dựng nhà thờ đã hơn sáu tháng và ngài dự kiến sẽ kết thúc việc xây dựng trước ngày mười sáu tháng tám năm nay. Thế nhưng, vật tư thì leo thang, bổn đạo thì nghèo mạt, “Chú Hai” bươn chải đến kiệt lực cũng không đủ để chi tiêu. Hơn nữa, chủ thầu thường vắng đâu không thấy, thợ thì ít ỏi, bổn đạo góp công cũng chẳng là bao.

Tuy vậy, “Chú Hai” vẫn bình an cái thân - cái hồn, như anh vẫn thường nói với anh em: “Việc Chúa làm mà, cớ gì mình phải quá lo lắng!”. Anh quản xứ bình an, anh kêu gọi mọi người cũng hãy bình an. Vì, ngày lễ sắp tới, Đức Cha sẽ về viếng thăm mục vụ giáo xứ. Ngài không đến để khánh thành nhà thờ; nhà thờ chỉ sửa lại và Đức Cha chỉ làm phép lại nhà thờ mà thôi.

Thế đó, anh quản xứ bình an, anh tin vào việc Chúa làm. Việc Chúa làm nào ai ngờ tới! Anh quản xứ khởi sự sửa sang lại nhà thờ với hai bàn tay trắng. Chính anh cũng không biết mình sẽ tìm sự trợ giúp ở đâu. Anh chỉ biết một điều: có Thiên Chúa và có anh em trong Dòng sẽ hỗ trợ thêm cho anh trong việc này. Như đã được sửa soạn trước, anh quản xứ chỉ còn nghe theo lệnh Chúa mà thi hành mà thôi.

Tạo bầu khí cho anh em

Bên cạnh việc sửa sang lại nhà thờ cho họ đạo, anh quản xứ còn xây thêm một chỗ ở kế bên cho anh em trong nhà. Anh muốn dành cho anh em trong cộng đoàn một chỗ sinh hoạt riêng. Chỗ riêng ấy phải làm sao cho hợp với lối sống tu trì như tinh thần Dòng đã truyền dạy. Phía bên kia nhà thờ, anh quản xứ sẽ tạo cho giáo xứ có đủ các điều kiện căn bản, để thuận tiện cho các nhóm làm việc và sinh hoạt.

Thao thức giáo dục dân trí trên "Cồn Ông Cha”

Hiện nay, dù bận rộn việc xây cất, nhưng anh quản xứ vẫn luôn trăn trở và tìm cách đào tạo thế hệ trẻ Cồn En. Trước hết, anh đã đầu tư và nâng cấp thư viện, các thể loại sách báo được thêm phong phú và đủ cho các giới tham khảo. Ngoài việc đầu tư sách báo, anh còn mời gọi những nhà giáo dục từ các nơi về để dạy học cho các em trong cồn.

Đầu mùa hè năm nay, anh quản xứ đã kêu gọi sự giúp đỡ của các Frère Lasan về họ đạo Cồn Én. Các Frère đã tăng cường kiến thức sư phạm giáo lý, kỹ năng sinh hoạt và cầu nguyện cho giáo lý viên trong họ đạo. Sau đợt các Frère huấn luyện giáo lý viên, cha xứ còn mời các sinh viên tình nguyện “không chính thức do nhà trường” về Cồn Én. Đây là những sinh viên học ở các trường ĐH sư phạm An Giang và ĐH sư phạm Đồng Tháp. Những sinh viên này đã khơi lên bầu khí vui hè thực sự nơi Cồn Én bé nhỏ này.

Những ngày đầu, mỗi lớp chỉ trên dưới mười em. Khoảng hai tuần sau, mỗi lớp tăng lên trên mười đến gần ba mươi em. Các em đi học đông, động lực chính cũng là niềm vui. Vui vì có bạn có thầy, có cô giáo hát có ngày đi chơi. Các sinh viên còn đào luyện cho một số em dự bị đại học năm nay. Đó là những niềm vui mà thầy cô mang lại cho trò. Ngược lại, trò cũng mang lại cho thầy cô niềm vui là sự hiếu học của mình. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, trò cũng tặng cho một vài cô giáo trẻ những món quà khó quên, đó là sự quậy phá của tuổi học trò. Cô giáo đón nhận món quà ấy bằng những giọt nước mắt trước lớp. Sau lần thí nghiệm mời sinh viên tình nguyện về giúp hè tại Cồn Én, anh quản xứ hài lòng về tinh thần tự nguyện và dấn thân vì người nghèo của các bạn sinh viên; và các em học sinh cũng chịu khó đào luyện lại kiến thức căn bản của mình.

Giáo lý hè

Mùa hè hàng năm, giáo xứ Cồn Én đi vào đợt cao trào sinh hoạt giáo lý. Năm nay, vì có nhiều hoạt động khác nữa, cho nên sinh hoạt giáo lý và việc vui chơi cũng giảm bớt. Vui chơi thì giảm, nhưng giáo lý lại tăng cường thêm các buổi sáng và buổi tối hàng ngày. Hai anh em học viện và hai anh em tìm hiểu đã ráo riết đồng hành với các em, để chuẩn bị cho các em lãnh nhận các phép bí tích vào ngày 16/08/2008 sắp tới.

Anh em trong nhà

Các hoạt động của giáo xứ thì nhiều và chồng chất lên nhau. Nhưng không vì thế, anh em để mình bị các hoạt động lôi kéo rời xa tổ ấm huynh đệ. Ngược lại, dầu đảm nhận những công việc khác nhau, nhưng mỗi người được các anh em khác hỗ trợ và trông chừng ở hậu phương. Người đứng đầu để dẫn đường là chú hai Thưởng, người đứng ở hậu phương cũng là chú hai Thưởng, người sát cánh chú hai là anh Tài. Anh Tài như con thuyền nhỏ lúc nổi lúc chìm trên sông nước. Có lẽ bởi chưa có một vị thế rõ ràng, mà kẻ anh tài còn phải long đong cho đến khi thuyền cập bến vững neo. Ngoài hai anh linh mục trụ cột ở Cồn Én, còn có thêm hai anh em Học viện và hai anh em Tìm hiểu thuộc cộng đoàn Thủ Đức cũng về đây thực tập dịp hè.

Cuộc sống ở cái cồn nhỏ bé này quả là nhiều niềm vui! Nhưng bên cạnh niềm vui cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Hôm qua, ngày 09/08, phiên anh Tài chủ sự lễ cưới cho hai anh chị và thánh lễ được dự định cử hành vào lúc năm giờ sáng. Thế nhưng sau khi cộng đoàn đọc kinh xong, chờ hoài vẫn chưa thấy cô dâu xuất hiện. Cộng đoàn lần tiếp thêm một chuỗi Mân Côi nữa, cô dâu vẫn còn chưa đến. Bấy giờ, chú rể thẫn thờ người ra, nét mặt căng thẳng và chàng chẳng buồn nói chuyện với bất cứ một ai. Cộng đoàn bắt đầu ra về, ca đoàn cũng ra về.

Tới lúc này, anh em trong nhà mới sực nhớ lại những lời nói đùa tối hôm trước rằng: “Nếu ngày mai có chuyện gì xảy ra, thì anh Tài làm lễ, người chịu phép hôn phối là đôi tân hôn, còn anh Lệ hát lễ và anh Thanh đàn lễ”. Và khi cộng đoàn đã ra về gần hết, thì lúc bấy giờ cô dâu mới được đưa đến một cách vội vã bằng một chiếc xe gắn máy. Thánh lễ vẫn được cử hành sốt sắng như thường lệ; đặc biệt, một bài giảng rất công phu của anh Tài đã làm đôi bạn được an ủi phần nào.

Cũng trong ngày 09/08/2008, các anh em Học viện và các em “lính triều đình” (những em được giáo xứ nuôi và cho ăn học) ráp tấm mica trên mái nhà thờ. Một anh em Học viện đang cuộn dây thép đính vào thanh sắt để chuẩn bị hàn, thì một “lính triều đình” đóng cầu dao điện; người anh em Học viện bỗng được nhấc bổng lên cao và thần khí đưa anh ra ngoài khỏi mái tôn nhà thờ. Điều lạ lùng là anh đã không bay xuống mà lại bay lên và rụng xuống trên mái tôn. Anh ngồi ngơ ngác trên đó mà chẳng hiểu tại sao.

Điều làm cho anh em Học viện thích nhất là bầu khí êm đềm của Cồn En. Đường sá và nhà cửa thì đơn sơ, các dấu vết của văn minh đô thị chưa làm biến dạng môi trường sống bao nhiêu. Vì vậy, chiều Chủ Nhật hàng tuần, anh em dành thời gian đi trên những con đường rất ư là thôn dã để đến thăm những người nghèo trong cồn.

Phạm Xuân Thanh

Chia sẻ