Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

“Trên Hết, Hãy Ao Ước Có Được Thần Linh Chúa Hiện Diện Và Tác Động Nơi Mình”

Administrator
2020-09-18 00:00 UTC+7 269

Vào 9g sáng, thứ Năm, ngày 17/9/2020, tại cộng đoàn Thủ Đức, như thường lệ Tỉnh dòng Thánh Phanxicô Việt Nam lại vui mừng tổ chức thánh lễ tuyên khấn trọng thể cho các anh em Phan sinh trẻ. Thánh lễ năm nay có 10 anh em tuyên khấn. Trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19, các khấn sinh phải hạn chế số lượng khách mời. Tiệc mừng cũng được gói gọn lại trong những căn phòng nhỏ riêng tư hơn. Anh em trong Tỉnh dòng về hiệp thông cầu nguyện cũng ít hơn mọi năm. Dù vậy, bầu khí thánh lễ vẫn thật trang nghiêm, thánh thiện. 

Những giới hạn khách quan, bên ngoài dường như lại là cơ hội cho những ao ước trong lòng trở nên chân thật và mãnh liệt hơn. Anh em tuyên khấn trọng thể hôm nay có dịp thật đặc biệt để ngẫm suy về câu ý lực mà mình đã chọn: “Trên hết mọi sự [anh em] hãy ao ước có được Thần Linh Chúa hiện diện và tác động nơi mình”.

Trong lời chúc mừng cuối thánh lễ, anh Giám tỉnh đã nhắc nhớ cho anh em khấn sinh về việc tuyên khấn trọng thể như một dấu mốc quan trọng nhất trong đời sống thánh hiến của người tu sĩ. Anh em đã hoàn tất giai đoạn huấn luyện khởi đầu. Giai đoạn ấy có thể khá dài (khoảng 10 năm), nhưng cuộc đời thánh hiến của anh em mới thực sự bắt đầu cho một hành trình huấn luyện dài hơi hơn nữa, huấn luyện thường xuyên, huấn luyện bản thân suốt đời. Đó là điều cần thiết đối với người Anh Em Hèn Mọn thực sự biết khát khao sự hiện diện của Chúa Thánh Linh và tác động thánh của Người.

ANTÔN

Bài chia sẻ của anh Phụ trách Cộng đoàn Thủ Đức

“Trên hết mọi sự, AE hãy ao ước có được tác động thánh của Người” (L 10,8). 

Kính thưa CĐ Phụng vụ, hôm nay, chúng ta quy tụ trong ngôi nhà nguyện này để mừng lễ kính Cha Thánh Phanxicô được in Năm Dấu Thánh và cầu nguyện cho 10 AE tuyên khấn trọng thể trong Dòng. Biến cố Cha Thánh được lãnh nhận Năm Dấu Thánh như một sự chuẩn nhận rằng cuộc đời của ngài luôn hướng trọn về Chúa Kitô, Đấng mà ngài phải hết lòng yêu mến và phụng sự. Phải nói cuộc đời của Cha Thánh đã họa lại trọn vẹn cuộc đời của Con Thiên Chúa đến nỗi ngài đã được trở nên đồng hình đồng dạng với Con Chí Ái. Cử hành thánh lễ hôm nay, chắc chắn chúng ta đều xác tín phần nào ý nghĩa và luôn lấy đó làm điểm tựa cho cuộc đời của mình. Cuối cùng, tôi rất xác tín rằng, nhờ ơn Chúa Thánh Thần 10 AE tuyên khấn đã khám phá ra giá trị đích thực có vẻ “điên rồ” của mầu nhiệm thập giá và các giá trị của linh đạo Phan sinh mà hôm nay AE công khai nói lên sự chọn lựa dấn thân suốt đời của mình trong Dòng. Để từ nay, cuộc đời của AE được Thần Khí Chúa tác động và hoạt động qua cuộc đời của AE. Như thế, chúng ta có đầy đủ những lý do để tạ ơn Chúa và vui mừng với ngày lễ hôm nay.

Kính thưa ACE, Lời Chúa trong BĐ1 (Is 61,1-3a) nói nên ơn gọi chính yếu của ngôn sứ. Ngôn sứ là người được Thiên Chúa chọn, thánh hiến và sai đi, đến với Dân Chúa. Lúc bấy giờ, dân Do thái đang sống trong cảnh lưu đày, lầm than vất vả, làm tôi cho Ai cập và Babylon. Họ bị khinh thường, phải lao động cực khổ, đào đất đóng gạch xây cung điện cho vua. Vì thế, đoàn dân luôn khao khát mong chờ một Đấng giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ. Ngôn sứ được sai đến và tiên báo cho dân Chúa một niềm hy vọng thời của ơn cứu độ. Ngài khẳng định mình lãnh nhận thần khí để chu toàn sứ mạng : đem TM cho người nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức và công bố một năm hồng ân của Chúa. Ơn cứu độ của Thiên Chúa trong sứ mạng tông đồ hay loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa để giúp cho thế giới ngày một tốt đẹp hơn, AE chúng ta đã tin tưởng đặt niềm tin và lòng tín thác của chúng ta nơi Thiên Chúa. Niềm hy vọng cuối cùng của chúng ta về ơn cứu độ đặt trọn vẹn nơi Đức Giêsu, Đấng đã được Chúa Cha sai đến thế gian, thì Người cũng thánh hiến và sai chúng ta đến với thế giới để trở thành hiện thân của ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Cũng một cách thế như vậy, bài TM Chúa Giêsu (Lc 9,23-26) mời gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người phải biết hy sinh và từ bỏ. Tôi nghĩ tất cả những ai đang sống đời thánh hiến tu trì đều có những kinh nghiệm hy sinh và từ bỏ này. Chúng ta phải từ bỏ nhiều thứ lắm ! Từ bỏ những thứ rất thân thiết với ta, ràng buộc tình cảm thiêng liêng nhất như tình cảm đối với cha mẹ, anh chị em ruột thịt... có những trường hợp đòi buộc phải hy sinh, buông bỏ tận căn. Chẳng hạn ngày 22/8 chúng ta có cử hành lễ khấn Lần Đầu. Cứ theo lẽ thường, chúng ta có một thánh lễ long trọng và AE được cha mẹ, người thân đến dự lễ, rồi sau đó được về thăm gia đình. Nhưng vì dịch bệnh chúng ta cử hành nội bộ cách âm thầm, sau đó về lại học viện chuẩn bị cho năm học; hoặc là thánh lễ Truyền chức Linh mục 29/8 vừa rồi cũng ở trong trường hợp tương tự. Tất cả AE đều đón nhận và về hòa nhập cùng cộng đoàn Thủ Đức vui vẻ.

Tôi nghĩ đấy là một sự đòi hỏi hy sinh và từ bỏ cách triệt để của người môn đệ của Chúa. Sự từ bỏ rất triệt để ấy để rồi tu sĩ chỉ còn quan tâm đến một điều duy nhất là thực hiện thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Mối tình thâm sâu của người môn đệ được biểu tượng bằng hình ảnh thập giá. Thập giá đã liên kết vận mệnh của người môn đệ với mệnh mệnh của Thầy Giêsu. Lời mời gọi của Chúa Giêsu từ bỏ và vác thập giá mà bước theo sau Người làm môn đệ. Từ bỏ triệt để cũng là để gỡ mình khỏi những ràng buộc của thế gian, để được thanh thoát dưới ân sủng của Thần Khí Chúa. Trong cuộc sống có nhiều công việc bổn phận phải lo chu toàn, có những xung khắc và giằng co khi AE phải đối diện với thực tế đời sống sứ vụ hàng ngày, thì AE cũng nhớ điều mà chúng ta đã tâm niệm : “Trên hết mọi sự, AE hãy ao ước có được tác động thánh của Người” (L 10,8). 

Sống đời người môn đệ của Chúa đôi khi có những lúc cũng day dứt và giằng co lắm nhưng vẫn thấy vui vì chúng ta đang đáp trả lại sự tín nhiệm của Chúa, hãnh diện vì đang được mang thương tích vì Chúa. Đó chính là tâm tình của thánh Phaolo trong BĐ2 (Gl 6,14-18). Thánh Phaolo không  xấu hổ vì những dấu tích mà ngài mang trên mình vì ĐKT. Thậm chí, ngài còn tự hào về nó, “vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của ĐKT” (Gl 6,18). Những dấu tích, những vết thẹo mà thánh nhân mang trên mình đó là những gian nan thử thách, bệnh tật đòn vọt, bắt bớ... “tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức” (Cl 1,24-25) của tất cả người môn đệ phải trả giá vì phục vụ Đức Kitô. Hiểu được ý nghĩa cao quý của thập giá, chúng ta bước theo Thầy Giêsu với thập giá hàng ngày và hãnh diện mà thưa lên như thánh Phaolo “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14).

Khi Cha Thánh Phanxicô được ơn hoán cải, ngài thường lui tới những nơi thanh vắng để cầu nguyện và tìm kiếm thánh ý của Chúa. Cuộc gặp gỡ của Phanxicô trước tượng thánh giá tại nguyện đường thánh Đamianô đã làm cho ngài tràn ngập niềm vui và được ánh sáng chiếu soi rõ ràng đến mức thánh nhân cảm thấy trong tâm hồn đích thực là Chúa Kitô chịu đóng đinh đã nói với mình. Và đỉnh cao của sự trọn lành của một đời trọn vẹn hướng về Chúa Kitô chịu đóng đinh. Bằng cách in các dấu thánh lên thân thể Phanxicô, Chúa Kitô đã chứng thực giá trị cuộc đời ngài, một đời hướng về Chúa, một cuộc đời mà Cha Thánh hằng ước ao trên hết mọi sự là được tinh thần Chúa chiếm hữu.

Xin Chúa ban cho chúng con luôn biết mở rộng lòng ra để Thần Khí Chúa tác động và hoạt động qua cuộc đời chúng con, để toàn thân chúng con hướng về Chúa và thuộc trọn về Chúa và được tham dự cách thiết thân với Đấng Chịu đóng đinh trong mầu nhiệm tình yêu Chúa. Amen.

Đaminh Phạm Văn Đổng, OFM

 

Chia sẻ