Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Những đức tính cần thiết cho người phục vụ

Administrator
2008-08-31 00:00 UTC+7 294

Khi nhấn mạnh tới các đức tính nhân bản, chúng ta hoàn toàn không coi nhẹ sự tối cần thiết của các nhân đức Kitô giáo và đặc biệt là các đức siêu nhiên, cũng như chúng ta không loại chức vụ bề trên ra khỏi viễn tượng đức tin để chỉ coi đó là một nhu cầu của xã hội.

Nhưng siêu nhiên chẳng những không loại trừ, mà còn cần đến tự nhiên nữa. Thực tế có nhiều khó khăn - hoặc không giải quyết nổi hoặc do chính bề trên gây ra - chỉ tại vì người có trách nhiệm đã ít tinh thần siêu nhiên rồi lại còn thiếu cả một số đức tính tự nhiên cần thiết nữa.
Công đồng Vaticanô II khi nói về chức vụ linh mục, đã nêu ra một số “đức tính mà xã hội loài người kính chuộng cách chính đáng (nơi linh mục) như : từ tâm (bonté), thành thật (sincénrité), dũng cảm (force morake), kiên nhẫn (persévérance), say mê công chính (công bằng, công lý) (passion pour la justice), tế nhị (délicatesse) và những đức tính khác…” (sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống linh mục, số 3).
Trong sắc lệnh về đào tạo linh mục, Công đồng cũng nhấn mạnh những đức tính nhân bản cần có nơi các chủng sinh là những người lãnh đạo tinh thần mai sau : Tính cương nghị (stabilité dans le caractère), khả năng quyết định chính chắn (capacité de prendre des décisions réfléchies), óc phê phán xác đáng (jugement droit), làm chủ tính khí mình (dominer leur tempérament), tinh thần quả cảm (force de caractère), lòng thành thực (loyauté), thường xuyên quan tâm tới đức công bình (Continnuel souci de la justice), trung tín giữ lời cam kết (fidélité aux engagements), lịch thiệp (manières polies), ăn nói khiêm tốn và bác ái (langage modeste et charitable).
Vậy khi nhấn mạnh các đức tính nhân bản ở đây, chúng ta cũng không đi ra ngoài tinh thần của chính Vatican II.
Sau đây, chúng tôi chỉ sẽ gợi ý mà không có kỳ vọng đề cập một cách đầy đủ đề tài nêu trên. Chúng tôi dựa vào : tập sách vai trò linh hoạt cộng đoàn của cha J.Galot, cuốn sách Sáu cánh thiên thần của thánh Bonaventura và buổi trao đổi của các bề trên dòng tu giáo phận thành phố Hồ Chí Minh ngày 15.3.1985.

1. TỪ TÂM.
Một bác sĩ cần có từ tâm mới làm tốt nhiệm vụ của mình được. Một linh mục chăm lo cho phần rỗi của tha nhân, phải là một mục tử “nhân lành” (bon pasteur). Một người bề trên được giao cho nhiệm vụ phục vụ anh em mà cứng cỏi, hẹp hòi, ích kỷ, chua cay, hay xét nét…, nghĩa là thiếu lòng yêu thương, thông cảm, quảng đại và trắc ẩn (thương xót), thì làm sao phục vụ được?
Thi hành quyền bính là một cách diễn tả tình yêu (Perfectae Caritatis, 14). Tình yêu đối với anh chị em thuộc quyền phải được diễn tả ra qua cử chỉ, thái độ và ý hướng.
Lòng nhân hậu (từ tâm) sẽ đặc biệt cần thiết đối với những người đau yếu thể xác và tinh thần. Thánh Bonaventura phân chia ra 3 loại người đau yếu thể xác : đau ốm bệnh tật, mới khỏi bệnh, yếu ớt (tật nguyền, già nua, yếu ớt bẩm sinh). Về linh hồn, thánh Bonaventura cũng chia ra 3 loại người đau yếu : yếu nhược dễ sa ngã (pusillanimes), mỏng dòn : có thiện chí song dễ chán nản khi bị khiển trách (fragiles), và thiếu kiên tâm (inconstants). Lúc này, người bề trên phải là một thứ thầy thuốc rất tinh tế và kiên tâm.
Biên bản thảo luận của các bề trên ở thành phố Hồ Chí Minh ghi : “Bề trên phải thật tình yêu thương anh chị em mình, tín nhiệm họ, không ngại hỏi ý kiến họ dù có thể bị chống đối; bình tỉnh, độ lượng (tránh hẹp hòi, hay lên án)”.
Thánh Bonaventura viết rằng : đối với hết mọi người, bề trên phải thông cảm, không được nghi ngờ hoặc cứng cỏi và phải làm sao cho anh chị em yêu mến mình chứ không phải sợ hãi mình.
G. Courtois trong cuốn “Thủ lãnh tự truyện” (1954) viết : “Tại sao bạn giữ khuôn mặt sắt đá ấy, dáng điệu lạnh lùng ấy, cặp mắt ngờ vực ấy, giọng nói xuyên tạc ấy khi bạn nói chuyện với người khác? Làm gì cái môi nhạo báng ấy, cái vui trào lộng ấy khi bạn chỉ bảo cái lầm lỗi cho ai? Mọi sự đều được thập toàn trong bản thân bạn sao, mà bạn dám đóng vai tuồng “kẻ cả”?… Hãy tập luyện xem xét những người cùng sống và cùng làm việc với bạn với cặp mắt hiền từ và khoan nhân”.

2. TẾ NHỊ.
Tế nhị đòi hỏi phải biết quan tâm tới kẻ khác, tới từng người trong những gì riêng tư của họ (tính tình, sở thích, các khó khăn…), cả những điều nhỏ mọn nhất, để rồi biết dùng lời nói và cách cư xử thích hợp làm vui lòng người ta. Những người thô lỗ, bộp chộp và ích kỷ không thể tế nhị được. Họ dễ dàng nói ra những lời đau xót đối với kẻ khác mà có khi không hay.
Cha Jean Galot viết đại khái : Bề trên nên cố gắng đóng vai trò của người mẹ gia đình, để ý tới bầu khí, tạo cho đời sống được dễ chịu bằng sự tế nhị, bằng sự chú ý nhỏ nhặt. Bề trên cố gắng chú ý tới từng người : ngày lễ bổn mạng, ngày lễ kỷ niệm… Nhất là đối với những người bệnh tật và già nua. Một lời hỏi han, một chút quà nhỏ có thể làm vui anh chị em và khích lệ họ nhiều. Và Cha Thánh Phanxicô cũng muốn các anh phục vụ cư xử với anh em với tâm tình của người mẹ hiền.

3. CÔNG BẰNG.
Bề trên không được thiên vị người này người kia, nhóm này nhóm khác và không được kỳ thị. Cũng vậy, bề trên không được yên trí ai, để rồi vô tình hay hữu ý, thiên lệch trong phê phán hay cư xử. Bề trên phải biết quên các lỗi lầm của bề dưới, đừng đóng khung họ lại trong quá khứ của họ. Đối với những người có lỗi, đừng quên các điểm tốt của họ. Thánh Bonaventura căn dặn phải tránh xa những người tâng bốc mình cũng như người bôi nhọ kẻ khác.
Mấy ý kiến sau đây trích ở cuốn “Thủ lãnh tự truyện” của G.Courtois có thể giúp ta suy nghĩ thêm :
“Ăn ở công bằng là ban phát lời khen và tiếng chê một cách có biện biệt phân minh, là biết nhìn cái thiện ý của mọi người… An ở công bằng là chẳng khi nào hứa hẹn điều chi mà mình không có sức thi hành nổi, là không tư vị người nào, không để cho lòng thiện cảm vô cớ điều khiển mình…
Ăn ở công bằng là thành thật nhìn nhận sự lầm lỗi của mình và không tìm cách đổ lỗi cho kẻ khác, nhất là cho kẻ tùy tùng, khi họ đã tận tâm thi hành những huấn lệnh mập mờ hoặc bất toàn của mình…”
4. KIÊN NHẪN.
Không có cộng đoàn nào trên trần gian là hoàn hảo. Anh chị em vẫn là những người tội lỗi, mặc dù có thiện chí tiến tới đức ái hoàn hảo. Phải coi là bình thường những thiếu sót và yếu đuối, những va chạm làm tổn thương lòng tự ái. Mang gánh nặng của nhau (Gal 6,2) đó là lòng kiên nhẫn. Thay vì chê bai lên án, người tu sĩ hãy vác gánh nặng của kẻ tội lỗi bằng lòng bao dung, thông cảm. Người bề trên càng phải noi gương thái độ cứu thế của Chúa Giêsu, để không trường phạt, nóng giận, gắt gỏng, ngã lòng đối với người có lỗi, nhưng yêu mến và tìm mọi cách cứu với họ.
Thánh Bonaventura nêu ra 3 lý do cho thấy sự cần thiết của tính kiên nhẫn: vì trách nhiệm bề trên có khi bận bịu, mệt mỏi, vì sự chậm chạp ù lì của bề dưới, vì sự vô ơn của bề dưới, hay càm ràm chê bai, và có khi chống đối bề trên. Thánh nhân viết tiếp : lòng kiên nhẫn sẽ được bộc lộ ra trong sự tự chủ (ôn hòa, chín chắn), trong thái độ hòa bình (không hiềm thù đối với kẻ xúc phạm tới mình) và trong sự hăng say chu toàn nhiệm vụ.

5. KÍN ĐÁO. (DISCRÉTION).
Nghĩa là biết giữ kín những gì cần phải giữ, đặc biệt những gì anh chị em thuộc quyền chia sẻ riêng với mình trong tư cách là bề trên. Một bề trên hay nói quá, cứ bô bô hết mọi chuyện và thích đi tâm sự với kẻ khác sẽ đánh mất tin tưởng (đó cũng là nhận định của Madelaine Delbrêl về linh mục).

6. LẮNG NGHE VÀ BIẾT ĐỐI THOẠI.
Bề trên phải biết hỏi ý kiến kẻ khác. Bây giờ thì Công đồng đã qui định những cơ cấu để bề trên thi hành quyền bính trong tinh thần đồng trách nhiệm. Nhưng ngay thời thánh Bonaventura, ngài đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nhờ tới người khác, vì “con mắt thấy được mọi sự, nhưng nó không thấy chính mình” (Sáu cánh,ch.6,số 18). Nói cách khác, bề trên phải khiêm nhường, tự biết giới hạn của mình.
Thánh Bonaventura nêu ra 3 trường hợp thông thường người bề trên cần được kẻ khác góp ý :
- Để học hỏi (sinstruire) và tìm hiểu (sinformer) về những gì mình không nắm chắc.
- Để củng cố uy quyền của mình, bởi vì khi quyết định của mình được kẻ khác chấp thuận - nhờ trao đổi trước-thì nó sẽ thêm phần vững chắc.
- Để bảo đảm sự hòa thuận trong cộng đoàn, không ai còn viện lý để càm ràm.
Nói như thế cũng có nghĩa là phải tránh những quyết định độc đoán. Không những bề dưới phải lắng nghe bề trên mà bề trên cũng phải biết lắng nghe bề dưới, tạo điều kiện cho họ góp ý thoải mái (coi chừng trù dập!).
ĐỐI THOẠI : khả năng đối thoại là một đức tính rất quan trọng đối với chức vụ bề trên. Đối thoại là một sắc thái của sự cộng tác và của bác ái.
· Một cuộc đối thoại chân thành là :
- Khi Bề trên quên mình là bề trên, thực sự có thái độ huynh đệ để cho người kia nói cách thong dong.
- Khi có bầu không khi tìm kiếm ý Chúa.
- Khi có ý kiến ngược ý mình thì không vội nóng giận, song nghiêm chỉnh tự hỏi mình có lầm chăng?
· Một cuộc đối thoại chân thành đòi hỏi :
- Lòng tin tưởng ở kẻ khác (họ cũng có cái hay, họ cũng được Chúa soi sáng)
- Thái độ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến của kẻ khác.
- Thành thật : nếu mình có lỗi, phải can đảm và khiêm tốn nhận lỗi. Uy tín của bề trên phải được đặt trên cơ sở sự thật, chứ không phải trên cái vỏ bề ngoài. Và phải nói thật, nhưng nói thật trong lòng bác ái.
Khi cần phải quyết định một mình người bề trên phải có can đảm lãnh trách nhiệm về quyết định của mình; một sự do dự quá đáng hoặc luôn luôn chỉ dựa theo kẻ khác, cũng là một thiếu sót.
Bản đúc kết cuộc trao đổi của các bề trên ở thành phố Hồ Chí Minh ghi : “Khi ra lệnh, nên giải thích để cho ý của mình được hiểu rõ, có trao đổi chứ không phải phán dạy, cho hiểu lý do của mệnh lệnh được chừng nào hay chừng nấy, tìm hiểu các khó khăn của bề dưới khi thi hành mệnh lệnh… Nếu có gay cấn quá giữa bề trên và bề dưới, thì có thể nhờ tới người khác…”

7. KHÔN NGOAN.
Chúng tôi mượn lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ I để gợi ý cho anh em suy nghĩ :
“Những nguyên tắc lớn lao phải được khuôn đúc trong cuộc sống của con người. Nhưng con người không ai hoàn toàn giống ai, do văn hóa, tính tình, gia đình, hoàn cảnh, trạng thái tâm hồn khác nhau.
Vậy hãy lưu ý đến hoàn cảnh cùng trạng thái tâm hồn. Nếu chúng thay đổi, cũng phải thay đổi cách thức áp dụng các nguyên tắc (đó là khôn ngoan). Tuy nhiên, tùy tiện thay đổi một cách quá đáng không phải là khôn ngoan. Nghệ thuật dung hòa và thích ứng khác hẳn chủ nghĩa tùy thời (opportunisme). Cũng không được gọi là khôn ngoan thái độ ương ngạnh, cố chấp của một người không chịu ghi nhận những thực tại rõ ràng trước mắt, cứ khư khư bảo thủ và bảo hoàng hơn vua. Cả những người sau đây cũng chẳng khôn ngoan gì hơn. Đó là những người chu du tít trên tầng tĩnh khí và được trang bị hoàn toàn với khoa học trong sách vở, không biết tách khỏi sách vở ít rá là một lần, những người hay sinh sự, luôn luôn sẵn sàng phân tích, lúc nào cũng tìm tòi tỉ mỉ.
Có được những nguyên tắc và áp dụng chúng vào thực tế, đó là bước đàu của sự khôn ngoan” (Những lá thư của Đức giáo hoàng, tr 137-138).
Có thể tóm tắt : người khôn ngoan là người biết phê phán đúng, rồi biết phải làm gì thích hợp và biết cách làm sao cho thật tốt.






KẾT LUẬN.

Chắc chắn những điều gợi ý trên đây còn thiếu sót nhưng có thể đủ để vạch đường cho anh em trao đổi góp ý tiếp.
Trên đây là một số đức tính của người bề trên lý tưởng, nhưng chắc không ai dám nghĩ mình đã có đầy đủ. Dù sao ý thức về sự thiếu sót của mình là điều kiện đầu tiên của sự tiến bộ.








Fr Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo.

Chia sẻ