Tinh thần đồng trách nhiệm
I. NGUYÊN TẮC ĐỒNG TRÁCH NHIỆM
Đồng trách nhiệm có nghĩa là cùng trách nhiệm với những người khác.
1. Nhắc lại vài khái niệm về trách nhiệm.
Trách nhiệm thường được hiểu theo hai nghĩa chính :
· Nghĩa hướng về quá khứ : là bổn phận phát sinh từ một lời hứa hay một lời cam kết. Tiếng Pháp là responsabilite gồm có tiếng đầu ngữ re (quay trở lại) và sponsis (sponxi : vợ chồng, vợ chồng cam kết với nhau).
Theo nghĩa này, người ta định nghĩa trách nhiệm là đặc tính của kẻ có bổn phận phải trả lẽ với quyền trên về các hành động của mình, nghĩa là nhìn nhận các hành động ấy là của mình và chấp nhận các hiệu quả.
Theo nghĩa này, trách nhiệm còn gọi là qui trách.
· Nghĩa hướng về tương lai : như khi ta bảo cùng người nào : anh chịu trách nhiệm về tương lai của anh hay lớp đàn anh có trách nhiệm về lớp đàn em; lẽ cố nhiên là không phải về quá khứ nhưng là về tương lai của họ. Theo nghĩa này trách nhiệm là phận sự bảo đảm đạt tới một cùng đích đáng ước muốn bằng phần chủ động của riêng mình. Theo nghĩa này ta thường nói : người này có tinh thần trách nhiệm, nghĩa là coi cùng đích chung là của mình và tích cực chủ động để đưa mình và tập thể đến cùng đích chung. Còn người vô trách nhiệm là người thiếu tinh thần chủ động để đưa mình và tập thể đến cùng đích chung.
Tham gia, cộng tác đi đôi với trách nhiệm : người có tinh thần trách nhiệm về ích chung, cùng đích của xã hội, sẽ tích cực chủ động tham gia để đạt tới cùng đích. Thật ra hành động chân chính là hành động có trách nhiệm theo hai nghĩa này, vì con người có trí khôn và ý chí tự do.
Công đồng Vaticanô II nói rằng : Trên toàn thế giới, ngày càng gia tăng ý thức tự lập cũng như trách nhiệm. Đó là điều rất cần để nhân loại trương thành trên bình diện tinh thần và luân lý…. Chúng ta là chứng nhân của sự hình thành một nền nhân bản mới trong đó con người được định nghĩa trước hết như là có trách nhiệm đối với anh em và đối với lịch sử (MV số 55). Ta phải hiểu trách nhiệm đây trước hết theo nghĩa thứ hai : là trách nhiệm về tương lai; rồi phải hiểu theo nghĩa thứ nhất : là phải trả lẽ về những gì mình đã làm cho anh em mình và cho lịch sử.
Công đồng yêu cầu huấn luyện nên những con người biết hành động trong tinh thần trách nhiệm : “Thánh Công Đồng Vaticanô này khuyến khích mọi người cố gắng đào tạo nên những con người, biết tự phán đoán các sự việc dưới ánh sáng chân lý, biết hành động với tinh thần trách nhiệm và cố gắng theo đuổi những điều chân thật và công bằng, bằng cách tự ý cộng tác với người khác” (Tự do tôn giáo, 8).
Có lẽ vì thế mà Công đồng Vaticanô II nói đến rất nhiều về trách nhiệm tham gia, đồng lao (collaboration) công tác (coopération), bổ trợ (subsidiarité) khi đề cập đến mầu nhiệm Giáo Hội cũng như hoạt động của Giáo Hội trong thế giơí ngày nay.
2. Tại sao ta lại đồng trách nhiệm trong đời sống tu trì ?
Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II nói nhiều đến trách nhiệm, hay một tiếng ít gặp hơn nhưng rất ý nghĩa là tiếng bổ trợ (subsidiarité) là do ý thức mới của Giáo Hội về chính mình. Giáo Hội là thân thể sống động của Chúa Giêsu đang sống. Giáo Hội là xã hội thì Giáo Hội cũng là hiệp thông, đồng sứ mệnh cộng tác, đồng trách nhiệm: Bí tích Thanh tẩy đem lại cho người ta phẩm tước Kitô hữu cơ bản và cao cả làm cho người ta trở nên thành phần Dân Chúa được thông phần vào sự tư tế của Chúa Giêsu, được dâng Người làm của lễ và tiếp nhận Người trong bí tích Thánh Thể. Do bí tích Thanh tẩy, mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh (Chương V), mời gọi làm thừa sai … Vì Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô nên Giáo Hội có tính tập đoàn (collégialité); tập đoàn là một cơ cấu cơ bản của Giáo Hội ở nhiều bình diện khác nhau. Giáo hoàng và Giám mục (truyền chức Giám mục); Giám mục và Linh mục (truyền chức linh mục), linh mục và giáo dân (giống Chúa Kitô trong bí tích Thanh tẩy và sứ vụ tông đồ trong Bí tích Thêm sức) được liên kết với Giáo Hội bằng một bí tích. Từ tập đoàn tính phát sinh nguyên tắc có tính cách xã hội là nguyên tắc bổ trợ, phăt sinh trách nhiệm.
Theo nguyên tắc bổ trợ, mỗi thành phần của một cộng đoàn phải thi hành nhiệm vụ riêng của mình và có thể, nhưng chỉ khi nào mình không thể làm cách khác, nhờ kẻ khác thay thế mình, và người này có bổn phận thay thế kẻ không làm nhiệm vụ của mình được. Nguyên tắc bổ trợ bao hàm đồng trách nhiệm. Bổ trợ và đồng trách nhiệm đó là nguyên tắc chi phối đời sống và sinh hoạt của Giáo Hội ở mọi cấp, trong mọi cộng đoàn. Nguyên tắc này cũng phải chi phối cộng đoàn tu sĩ chúng ta : cộng đoàn toàn dòng, cộng đoàn tỉnh dòng, cộng đoàn miền và cộng đoàn địa phương hay cộng đoàn tu viện.
¨ Đồng trách nhiệm diễn tả trách nhiệm của hết thảy mọi thành viên vào lợi ích của hội dòng, của Tỉnh Dòng, của miền hay của cộng đoàn.
Bổ trợ còn thêm ý nghĩa này là : tất cả những gì có thể làm được ở cấp dưới thì không cần cấp trên đảm nhận. Nói cách khác, cấp lãnh đạo của Tỉnh Dòng, cấp lãnh đạo trung ương không phải là tâm điểm duy nhất của sức sống tu trì. Đồng trách nhiệm của các thành viên trong đời sống tu trì được biểu lộ qua việc tham gia vào dự phóng đời tu của dòng, vào việc thực hành các lời khấn vâng lời,nghèo khó, khiết tịnh để đạt tới đức Ai hoàn hảo vào đời sống chung huynh đệ, vào hoạt động của Dòng.
Việc tham gia này có những hình thức riêng trong phạm vi đời sống nghèo khó và vâng lời :
· Trong phạm vi đời sống nghèo khó : Chia sẻ (PC 13)
Các Tỉnh cũng như các Nhà của Hội Dòng hãy san sẻ của cải cho nhau, để nơi dư thừa giúp đỡ nơi thiếu thốn.
· Trong phạm vi đời sống vâng lời : đối thoại – tham khảo – tham gia cộng tác với quyền bính (PC-14).
Hãy hướng dẫn các tu sĩ biết cộng tác với tinh thần vâng lời tích cực và trách nhiệm trong những bổn phận phải chu toàn và những sáng kiến cần có. Nên các bề trên hãy sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cọng tác mưu lợi ích của Hội dòng và của Giáo Hội. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì quyền ấn định và truyền dạy những gì phải làm.
Các tu nghị và các Hội dòng phải trung thành chu toàn bổn phận quản trị đã được uỷ thác và tuỳ theo cách thức riêng mà phản ánh sự tham gia và lo âu của mọi tu sĩ đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn.
Cộng tác trong việc thực thi quyết định : Hãy hướng dẫn các tu sĩ biết cộng tác với tinh thần vâng lời tích cực và trách nhiệm, trong những bổn phận phải chu toàn và những sáng kiến cần có. Vậy trước hết chúng ta có trách nhiệm theo nghĩa thứ hai, nghĩa hướng về tương lai : là phải chủ động đạt tới cùng đích chung của Dòng, chủ động cố gắng sống nếp sống Anh em Hèn mọn. Trong cụ thể là :
– Sống vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh theo cách thức của Cha thánh Phanxicô ;
– Noi giữ tinh thần và ý hướng của Cha thánh Phanxicô cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, di sản của Dòng;
– Trong cộng đoàn huynh đệ.
Thứ đến, chúng ta còn có trách nhiệm theo nghiã thứ nhất, nghĩa hướng về quá khứ, là chúng ta phải trả lẽ với Giáo Hội và với Dòng về những gì chúng ta đã làm để thể hiện dự phóng đời tu của ta.
– Phải trả lẽ với Chúa, vì Chúa đã ban nhưng không ơn huệ đời sống thánh hiến cho ta và ta đã cam kết chấp nhận; phải trả lẽ với Giáo Hội vì Chúa đã ban ơn huệ ấy cho ta qua Giáo Hội và ta đã cam kết với Chúa qua Giáo Hội và trong Giáo Hội.
– Phải trả lẽ với Dòng, đặc biệt là với Cha thánh vì ta đã cam kết noi gương và chấp nhận sự giúp đỡ của bao thế hệ anh em trong Dòng và của bao ân nhân đã vì Giáo Hội, vì Cha thánh giúp ta về phần tinh thần và vật chất để ta có khả năng đáp trả ơn huệ của Chúa.
II. THƯC HÀNH TINH THẦN ĐỒNG TRÁCH NHIỆM.
1. Ở cấp Tu viện :
Trách nhiệm ở cấp tu viện, nời đầu tiên mà đời tu được thể hiện, là biểu dương một cách vững bền và hữu hình mầu nhiệm thông hiệp trong Đức Kitô – thông hiệp với Chúa Cha và thông hiệp với anh em – theo cách thức của thánh Phanxicô. Mỗi tu sĩ phải góp phần vào và bình thường thì phải sống dưới quyền của một Bề trên. Đó là cùng đích của Tu viện.
Cụ thể thì người tu sĩ :
– Phải sống đời sống chung : “Bình thường đời sống chung bao gồm sự tham gia vào cuộc sống hằng ngày : tham gia vào lời cầu nguyện, vào công việc, các bữa cơm, những lúc giải trí, thông phần vào một tinh thần với những quan hệ thân tình, tham gia vào cùng một sứ vụ tông đồ cũng như nâng đỡ nhau trong cuộc sống đã chọn để theo Chúa sát gót hơn” (Những điểm chính yếu trong giáo huấn của Giáo Hội vê Tu hội tông đồ, số 19).
– Phải lấy ích chung, cùng đích chung làm của mình và tất cả mọi nỗ lực đều phải quy về ích chung đó.
– Tham gia hội nghi tu viện : tham gia một cách tích cực : phải góp phần của mình, nghiã là phải sẵn sàng nói lên những gì mà mình nghĩ rằng là có ích cho cộng đoàn, ý của mình có được đa số anh em tán thành hay không là chuyện khác. Khi mình phát biểu ý kiến, thao thức của mình là đã đóng góp, tham gia theo đúng trách nhiệm của mình.
Nhưng trách nhiệm của ta không giới hạn vào tu viện ta đang ở, nhưng nó phải bao cả Miền, cả Tỉnh Dòng, cả Dòng, vì dự phóng đời tu mà ta thể hiện tại tu viện ta là dự phóng mà các anh em khác cũng đang thể hiện ở những nơi khác. Ngày nay vì nhân sự của tu viện không còn thay đổi như trước và sự liên lạc với các cộng đoàn khác khó khăn hơn, nên ta có thể sa chước cám dỗ, coi tu viện ta đang ở như là một đan viện tự trị (Monasterium aui juris) nghĩa là ngoài Bề trên đang điều khiển nhà không còn bề trên nào khác, và ta muốn rằng mọi việc trong nhà anh em sẽ sắp xếp với nhau – Ta nên nhớ rằng Dòng chúng ta có một cơ cấu tổ chức khác với các Dòng chiêm niệm. Trong các dòng chiêm niệm theo luật thánh Bênêdictô, các đan viện chỉ liên hệ với nhau về tinh thần, còn về phần tổ chức mỗi đan viện đều tự trị. Dòng chúng ta lại chia thành nhiều tỉnh, mỗi tỉnh chia thành nhiều nhà nhưng các nhà trong tỉnh đều ở dưới quyền của vị Giám tỉnh.
Nói rằng đồng trách nhiệm tức là cùng trách nhiệm cùng với các người khác trong cộng đoàn đặc biệt là với bề trên, nhưng trách nhiệm của bề trên và trách nhiệm của các anh em khác trong cộng đoàn không ngang nhau. Đồng trách nhiệm không có nghĩa là cá đối bằng đầu, ai cũng như ai, nhưng bề trên là người chịu trách nhiệm như là một bề trên cộng đoàn, còn các người khác chịu trách nhiệm như là thành viên của cộng đoàn, mỗi người ở mỗi cương vị : “Các Bề trên phải sẵn sàng lắng nghe các tu sĩ và khuyến khích họ cộng tác mưu lợi ích của Hội dòng và của Giáo Hội, tuy nhiên vẫn phải duy trì quyền ấn định và truyền dạy những gì phải làm” (PC 14).
2. Đồng trách nhiệm ở cấp Miền :
Miền là một cơ cấu riêng của Tỉnh Dòng chúng ta mà ta đã lập với sự đồng ý của Trung ương Dòng để đáp lại nhu cầu mà hoàn cảnh đặt ra cho chúng ta. Miền liên kết với các cộng đoàn cùng ở trên mặt địa bàn, trước thì cốt để cho anh Đại diện Giám hạt nay là Đại diện Giám tỉnh thay thế cha Giám tỉnh trong một vài phận sự, nay thì còn để phối hợp và năng động sinh hoạt các cộng đoàn trong Miền.
Do nguyên tắc bổ trợ, ta cũng có trách nhiệm đối với các cộng đoàn khác của Tỉnh Dòng và trước hết là các cộng đoàn ở gần chúng ta nghĩa là các cộng đoàn trong Miền.
Tinh thần trách nhiệm đó dựa trên cơ sở tình liên đới của những người cùng thuộc một cộng đoàn lớn hơn là cộng đoàn Tỉnh Dòng.
Tinh thần trách nhiệm ấy được diễn tả qua việc tương trợ nhau và chia sẻ cho nhau như là anh em của cùng một cộng đoàn Tỉnh dòng chứ không phải là cộng đoàn tu viện. Giúp nhau để giải quyết những vấn đề chung ; chia sẻ cho nhau của cải tinh thần và vật chất. Công đồng Vaticanô II dạy rằng : “Các nhà của Hội dòng hãy san sẻ của cải cho nhau để nơi dư thừa giúp đỡ nơi thiếu thốn” (PC 13). Theo ý của Công đồng, thì san sẻ như vậy nhà dòng san sẻ cho nhà khác còn làm chứng tập thể về đức nghèo khó ; Công đồng nói : “Các Hội dòng, tuỳ hoàn cảnh địa phương, hãy nỗ lực nhưng tập thể làm chứng về đức nghèo khó, hãy sẵn lòng trích một phần của cải để cung ứng cho những nhu cầu khác của Giáo Hội ….” San sẻ như vậy thì tốt hơn là để cho chuột tha, chuột bốn chân hay chuột hai chân cũng thế !
3. Tinh thần trách nhiệm ở cấp tỉnh dòng
Ta có thể xét đến vấn đề trách nhiệm ở hai bình diện :
· Bình diện trách nhiệm của cấp Tỉnh Dòng đối với anh em trong Tỉnh Dòng .
Ở bình diện này, các anh em thuộc ban lãnh đạo Tỉnh Dòng có trách nhiệm làm thế nào để anh em trong Tỉnh Dòng :
– Trung thành với đời sống thánh hiến phan sinh : trung thành với Đức Kitô trong Giáo Hội, trung thành với Cha thánh Phanxicô và trung thành với con người trong Đức Kitô.
– Hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô, xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất, đó là mục đích của việc quản trị đời tu. Công Đồng Vaticanô II dạy rằng : “… Các Hội Dòng phải trung thành chu toàn bổn phận quản trị đã được uỷ thác và tùy theo cách thức riêng mà phản ảnh sự tham gia và lo âu của mọi tu sĩ đối với lợi ích của toàn thể cộng đoàn” (PC 14). “Các vị cố vấn không thực thi quyền bính nào với tư cách là bề trên, nhưng cộng tác với bề trên và giúp bề trên bằng các phiếu tư vấn hoặc quyết định, chiếu theo giáo luật và các hiến chương của tu hội”.(Giáo huấn về Tu hội tông đồ số 49). Các cố vấn phải trung thành chu toàn bổn phận đã được uỷ thác, phải thực hành trách nhiệm của mình là cộng tác với Giám tỉnh theo các điều khoản của Hiến chương.
· Bình diện trách nhiệm của anh em trong Tỉnh Dòng đối với Tỉnh Dòng :
Anh em trong Tỉnh Dòng có trách nhiệm :
– Cần mẫn tuân giữ Luật dòng và Hiến chương cùng các quyết định của Tu nghị Tỉnh Dòng để Tỉnh Dòng là một cộng đoàn những người tìm và theo Đức Kitô cùng hoạt động cho Đức Kitô.
– Lo góp sức mưu cầu ích chung của Tỉnh Dòng, “dùng tất cả năng lực trí tuệ, ý muốn cũng như năng khiếu và ơn Chúa ban để thi hành các lệnh truyền và chu toàn những phận vụ đã được uỷ thác cho mình” (PC số 14,6).
– Góp ý với Tỉnh Dòng, ngoài Tu nghị và nhất là trong Tu nghị Tỉnh Dòng, về những gì mình xét là hữu ích cho Tỉnh Dòng, cũng như về những gì mà mình xét là gây tổn hại tinh thần và vật chất cho Tỉnh Dòng. Phê bình xây dựng đó cũng là một khía cạnh tinh thần trách nhiệm. Cha Thánh đã trao quyền đó cho anh em trong Dòng, và anh em có bổn phận thi hành quyền đó không những là đối với các anh em ngang hàng mà còn đối với Bề trên nữa :” Hết mọi anh em thuộc quyền các vị Phục vụ và Đầy tớ hãy khôn ngoan và cẩn thận xem xét hành động các vị Phục vụ và đầy tớ ấy. Nếu anh em thấy một vị nào đó theo đường xác thịt chứ không đi theo đường tinh thần… và sau ba lần cảnh cáo mà họ không chịu sửa mình thì tại Tu nghị dịp lễ Hiện xuống anh em hãy tố cáo với vị Phục vụ và đầy tớ của toàn Huynh đệ đoàn, đừng để ai ngăn cản. Và bất cứ ở đâu, khi có ai trong anh em muốn sống theo đường xác thịt chứ không theo đường tinh thần thì các anh em gần gũi hãy nhắc nhở, giáo huấn và sửa dạy người anh em ấy cách khiêm nhường và tận tình. Nếu sau ba lần cảnh cáo, đương sự không chịu sửa mình, anh em hãy gửi họ tới vị Phục vụ và đầy tớ – hoặc báo cáo với Ngài – càng chóng càng hay” (LKsd 5,5-8). Phê bình tự kiểm, đó cũng là thước để đo lường tinh thần trách nhiệm trong Tỉnh Dòng.
Thi hành trách nhiệm mà tôi tạm phác ra trên đây, chúng ta mới thực sự sống trong Tỉnh Dòng như là Tỉnh Dòng của mình, coi vận mệnh của Tỉnh Dòng là vận mệnh của mình, và chúng ta mới cảm thấy mình phải luôn luôn vươn mình, ra sức đắp xây cơ nghiệp mà Cha Thánh chúng ta đã để lại. Ôn lại lịch sử năm mươi lăm năm của Tỉnh Dòng, ta thấy cha anh chúng ta đã rất sáng tạo để tồn tại : ta cứ nhớ lại sự kiện anh Bonaventura Mân được chịu chức linh mục khi mới học được hai năm thần học. Ngày nay ta cũng được mời gọi sáng tạo để tồn tại. Nhưng ta chỉ sáng tạo khi ta tha thiết với sự sinh tồn của Tỉnh Dòng Việt Nam chúng ta.
Hôm nay cha anh chúng ta có lẽ sẽ mượn lời Cha thánh Phanxicô đã nói với các anh em tiên khởi trước khi lìa trần mà nói với chúng ta rằng : “Tôi đã hoàn tất trách nhiệm của tôi. xin chúc Thánh Linh giúp anh em chu toàn trách nhiệm của anh em”.
Xin đề nghị với anh em chúng ta trao đổi với nhau về hai điểm này :
1. Nói chung, anh em chúng ta đã tha thiết quan tâm đến ích chung của Tỉnh Dòng đủ chưa, hay “niềm tây là trọng lẽ công sá gì” ?
2. Chúng ta có thể làm gì để sống tinh thần đồng trách nhiệm trong Miền TP/HCM ? Ghi chú : Bài này được soạn ra để học tập trong dịp Hạt dòng trở thành Tỉnh Dòng năm 1984.
Fr. Agnello Vũ Văn Đình