Ga 13,31-33a.34-35: Điều Răn Mới
Ga 13,31-33a.34-35: Điều Răn Mới
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Ga 13,31-33a.34-35 [1]
31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33 Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do-thái:’Nơi tôi đi, các người không thể đến được’, bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”.
***
1.- Ngữ cảnh
Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay thuộc về phân đoạn 1 của Phần II, “Sách về Giờ của Đức Giêsu” (Chương 13–20).
Sau khi Giuđa bỏ bàn tiệc đi ra (Ga 13,30),[2] có lẽ sau rửa chân và trước khi lập Bí tích Thánh Thể, bắt đầu các biến cố đưa tới việc Đức Giêsu bị bắt, bị kết án và bị xử tử thập giá. Ngọn thủy triều của sự từ khước, đã dâng lên dần dần từ lâu, nay đổ ập xuống trên Đức Giêsu. Cứ nhìn từ bên ngoài, Người đã bị hủy diệt tan tành; bản thân Người và công trình của Người đã tiêu tan thành mây khói. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói cho các môn đệ biết, dù bề ngoài tình hình ngặt nghèo như thế, chuyện gì thực sự đang xảy và đâu là nhiệm vụ chính yếu của các ông khi các ông không còn thấy Người hiện diện hữu hình giữa các ông nữa.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
– 1) Cuộc tôn vinh (13,31-32);
– 2) [Chuẩn bị] ra đi (13,33[a]);
– 3) Điều răn Yêu thương (13,34-35).
3.- Vài điểm chú giải
– Con Người đã được tôn vinh (31): Đức Giêsu quá chắc chắn là sẽ tìm được sự sống trong cái chết, và tìm được danh dự trong ô nhục, đến độ Người nói về việc tôn vinh Người như một sự kiện đã được thực hiện: “Con Người đã được tôn vinh (edoxasthê)”. Ta có thể giải thích thì quá khứ aorist tác giả dùng để diễn tả một điều còn thuộc về tương lai như sau: Đức Giêsu tín nhiệm vào tính hữu hiệu của những định đoạt của Cha Người hơn là vào những hậu quả kể từ nay không thể tránh được do cuộc phản bội của Giuđa.
– Con Người (31): Tác giả cố tình dùng danh xưng “Con Người” này. Một đàng, danh hiệu này vẫn có ý nghĩa thiên sai của các Tin Mừng Nhất Lãm; một đàng, lại có một nghĩa chính xác hơn khi được tác giả Gioaa vận dụng: Trong 10 đoạn có danh xưng này, luôn luôn do Đức Giêsu nói ra (Ga 1,51; 3,13.14; 5,27; 6,27; 6,53.62; 8,28; 12,23; 13,31 – Bốn câu cuối liên hệ đến thập giá);[3] danh xưng này luôn hàm chứa một gợi ý đến vinh quang đang chờ Ngôi Lời nhập thể, nhằm đáp lại việc Người đã hạ mình là “một người con của loài người”, dù là người con tuyệt vời nhất.
– Thiên Chúa được tôn vinh nơi Con Người (31): Câu này có thể hiểu bốn cách:
+ (a) Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đang được loài người tôn vinh;
+ (b) Thiên Chúa được Đức Giêsu tôn vinh, chẳng hạn, bằng sự vâng phục của Người;
+ (c) Thiên Chúa đã nhận được danh dự cho mình nơi Đức Giêsu;
+ (d) Thiên Chúa đã mạc khải vinh quang của Ngài ra nơi Đức Giêsu.
Vinh quang luôn hàm ý việc tỏ bày hữu hình sự uy hùng của Thiên Chúa ra nơi các hành vi quyền lực. Cả hai điểm này đều được ghi nhận nơi cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu, vì đó là một hành vi thuộc quyền riêng của Người (x. Ga 10,17-18).[4] Tuy nhiên, vì quyền lực của Đức Giêsu cũng đồng thời là quyền lực của Thiên Chúa, ta có thể thấy ý nghĩa đầy đủ của câu này là một tổng hợp nghĩa hai và bốn trên đây. Như thế, nơi Đức Giêsu, trong cái chết của Người trên thập giá, “Thiên Chúa được tôn vinh”, nghĩa là Thiên Chúa được mạc khải ra như là Cha.
– Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình (32): Nếu Thiên Chúa đã được tôn vinh nơi Đức Giêsu (trong cuộc Thương Khó và trong cuộc trở về với Cha Người xuyên qua cái chết; x. Ga 7,39; 12,16.23),[5] đáp lại, Đức Giêsu cũng sẽ được tôn vinh nơi chính Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu tôn vinh Thiên Chúa qua cái chết của Người, thì Thiên Chúa, tác giả của mạc khải, cũng sẽ tôn vinh Đấng Mạc khải, tức Con của Ngài.
– Sắp (32): “Tức khắc” (euthys). Cuộc Thương Khó, cái chết và Thăng thiên được coi như một hành vi ngắn ngủi duy nhất (x. câu 33: “một ít lâu nữa thôi”) đưa tới vinh quang tương lai trước nhan Chúa Cha.
– Những người con bé nhỏ (“Teknia”; 33): Kiểu gọi này xuất hiện 7 lần trong thư 1Ga, nhưng chỉ 1 lần ở đây. Đây là kiểu gọi của Đức Giêsu hay là một sáng tạo của tác giả? Chúng ta không thể trả lời dứt khoát, nhưng biết rằng một vị thầy Do Thái có thể gọi học trò của mình là “con”. Trong Tin Mừng Marco (10,24),[6] Đức Giêsu đã gọi các môn đệ là “các con tôi” (“tekna”, thay vì kiểu giảm nhẹ “teknia”); còn trong Tin Mừng Matthew (18,3; 19,14),[7] Đức Giêsu khuyên các môn đệ hãy sống như các em bé.
– Một ít lâu nữa thôi (33): Xem thêm Ga 7,33; 12,35;14,19; 16,16.[8] Đây là một công thức Cựu Ước được các ngôn sứ sử dụng để nói bằng giọng lạc quan rằng chỉ còn một thời gian ngắn nữa là ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến (x. Is 10,25; Gr 51,33).[9]
– Điều răn (34): Đề tài “điều răn” thường được đề cập đến trong Bài Diễn từ cuối cùng (6-7 lần) và trong các Thư Gioan (18 lần).
– Yêu thương nhau (35): Để nói về tình yêu giữa các môn đệ Đức Giêsu với nhau, tác giả Gioan luôn luôn dùng động từ “agapaô”, “yêu thương” cùng với sự hy sinh, tự hiến. Nhưng trong Tin Mừng thứ IV, từ này chỉ được dùng 36 lần (so với “pisteuô” là 98 lần). Do đó, vì từ “agapaô” được dùng trong Tin Mừng thứ IV nhiều lần hơn các Tin Mừng Nhất Lãm (Marco 5 lần; Matthew 8 lần và Luca 13 lần), nên tuy có thể gọi Tin Mừng thứ IV là “Tin Mừng về tình yêu” khi so với các Tin Mừng Nhất Lãm, ta vẫn phải ưu tiên gọi Tin Mừng này là “Tin Mừng về đức tin” khi xét về nội dung.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cuộc tôn vinh (31-32)
Sau khi Giuđa ra đi, Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết những điều hệ trọng, một điều vang lên như một tin chiến thắng: “Giờ đây”, đã đến “Giờ” Người đạt tới đích điểm của cuộc đời của Người. Trong tất cả những gì Người đã làm, Đức Giêsu luôn nêu bật dây liên kết giữa Cha và Con, giữa Đấng sai phái và Đấng được sai phái: các lời nói và các việc làm của Con đều đến từ Cha và cho thấy dây liên kết Con với Cha. Điều này cũng đúng cho cuộc Thương Khó và cái chết của Người. Các biến cố này không cho thấy rằng Đức Giêsu bị tách khỏi Cha và bị Cha bỏ rơi, nhưng chúng mạc khải dây liên kết hỗ tương giữa Đức Giêsu và Cha, nay đã đến đỉnh cao. Con tôn vinh Cha và Cha tôn vinh Con. Trong hành vi Đức Giêsu hiến dâng mạng sống cùng với những hậu quả của hành vi này, Cha và Con trở nên hữu hình trong quan hệ hỗ tương giữa hai Đấng với nhau và quan hệ của hai Đấng với loài người. Đây là đặc tính chân thật của cái chết của Đức Giêsu, và ta cần phải nhận ra như thế nhờ đức tin.
Con Người được tôn vinh vào lúc Người hy sinh mạng sống. Không phải bằng lời nói, nhưng xuyên qua biến cố thực hữu và tuyệt đối hệ trọng này, Người tỏ mình ra như là Con được liên kết với Cha bằng một niềm tín thác vô biên. Đối với Người, cái chết này là hành vi quay về với Cha (Ga 13,1).[10] Đức Giêsu không bám víu vào điều gì cả, Người ngoan ngoãn phó thác cho Cha, ngay cả vào lúc Người phải đương đầu với cái chết. Ngay vào lúc đó, Người bày tỏ tình yêu vô biên của Người đối với loài người (Ga 13,1), như người mục tử nhân lành, không giữ lại gì cho mình, nhưng ban tặng chính mạng sống cho chúng ta. Nhưng nơi Con Người, Chúa Cha cũng được tôn vinh. Xuyên qua hành vi của Con, Thiên Chúa tự mạc khải như là Cha, Đấng đáng được ta tin tưởng, và là Đấng duy nhất ta phải tin tưởng. Và hành vi Đức Giêsu trao hiến mạng sống cho thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với thế gian (Ga 3,16).[11] Tiếp hành vi mạc khải của Đức Giêsu là hành vi Thiên Chúa tôn vinh Đức Giêsu. Sau khi chết, Con Thiên Chúa được Cha đón vào đời sống thần linh, trong vinh quang mà Người đã thuộc về trước muôn thuở (Ga 17,5).[12] Nhưng Đức Giêsu còn được Cha tôn vinh do Người tỏ mình ra như là Đấng được treo cao trên thập giá, trong sức mạnh cứu độ hữu hiệu của Người. Từ Người, tuôn trào các dòng sông ban nước sinh sống. Người ban Thánh Thần, là sức mạnh đưa đến sự sống đời đời (Ga 7,38-39),[13] và lôi kéo mọi người về với Người (Ga 12,32).[14]
* [Chuẩn bị] ra đi (33[a])
Chỉ vào lúc này, khi sắp từ biệt các môn đệ, Đức Giêsu mới gọi các ông là “các con bé nhỏ”, một giọng điệu phải nói là chan hòa sự ân cần chăm sóc yêu thương như mẹ hiền. Cho tới nay, Người vẫn ở giữa các ông và che chở các ông (Ga 17,12);[15] bây giờ Người đi đến cái chết. Như thế, chấm dứt sự hiệp thông của các ông với Người về phương diện hữu hình. Các ông không đi theo Người vào cái chết và vào trong vinh quang ngay lúc này được (x. Ga 13,26; 21,18-19).[16] Người muốn chuẩn bị các ông cho thời gian xa cách bên ngoài.
* Điều răn Yêu thương (Ga 13,34-35)
Với điều răn “Anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34), Đức Giêsu để lại cho các môn đệ ý muốn cuối cùng và di chúc của Người: Người sẽ nhắc lại thêm hai lần nữa (x. Ga 15,12.17).[17] Người cho các môn đệ thấy một cách thức theo đó Người sẽ tiếp tục hiện diện giữa các ông và Người quy định cách sống của các ông. Các môn đệ phải quy hướng bản thân về tình yêu của Người, là tình yêu mà mỗi ông đã trải nghiệm. Trong tình yêu này, mỗi ông phải là Giêsu cho người khác, phải chấp nhận người khác, giúp đỡ người ấy, quan tâm đến điều thiện hảo của người ấy, như chính Đức Giêsu đã làm. Như thế, các ông sẽ làm cho Đức Giêsu hiện diện cho nhau trong cái đặc điểm tiêu biểu của Người: tình yêu. Các môn đệ được ngỏ lời với như là một cộng đoàn, các ông phải định hướng đời mình theo sự hiệp thông đời sống mà các ông đã có thể có với Đức Giêsu.
Thật ra, trong Cựu Ước, đã có một điều răn được diễn tả tương tự: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,18). Nhưng nếu nói đến kinh nghiệm từ đó phát xuất ra điều răn của Đức Giêsu, cũng là kinh nghiệm nâng đỡ điều răn này, kinh nghiệm giúp đo lường điều răn này, thì phải nói điều răn của Đức Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chỉ các môn đệ của Đức Giêsu mới trải nghiệm tình yêu của Người, và chỉ trong cái chết của Đức Giêsu, tình yêu của Đức Giêsu và tình yêu của Thiên Chúa mới được mạc khải ra trọn vẹn (Ga 13,1.31).[18] Trên nền tảng là tình yêu các ông nhận được từ Chúa Cha và Chúa Con, các môn đệ phải yêu thương nhau. Đức Giêsu không ban cho các ông một điều răn thuần túy và đơn giản, nhưng trước tiên cống hiến cho các ông kinh nghiệm về tình yêu của chính Người và tạo ra cho các ông một không gian sống mới, bằng cách ban tặng chính sự sống của Người và mạc khải cho thấy tình yêu của Thiên Chúa. Nếu mở lòng ra với tình yêu và với việc tôn vinh của Đức Giêsu, các môn đệ có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương các ông. Như thế các ông càng chứng tỏ các ông đúng là môn đệ của Người hơn. Nhờ tình yêu hỗ tương giữa các ông với nhau, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện giữa các ông, và hướng dẫn các ông sống và cư xử.
+ Kết luận
Sự hiệp thông hữu hình cho đến nay giữa Đức Giêsu và các môn đệ, bây giờ đến lúc chấm dứt. Chính điểm kết thúc này lại cho thấy rõ ràng Đức Giêsu gắn bó với các môn đệ và yêu thương các ông đến độ nào. Người từ biệt các ông, nhưng không bỏ các ông. Người sẽ ở lại với các ông nhờ tình yêu của các ông đối với nhau, và các ông sẽ tiếp tục gắn bó với Người. Đức Giêsu dạy các môn đệ đừng yêu thương người khác bởi vì những người ấy xứng đáng với tình yêu của họ, nhưng bởi vì những người ấy cần tình yêu của họ. Tuy nhiên, điều thật sự mới mẻ trong điều răn này là Đức Giêsu là người đầu tiên thành lập một “hội” dựa trên nguyên tắc yêu thương như Người đã yêu thương.
5.- Gợi ý suy niệm
1/. Sau khi Giuđa đi rồi, ở lại phòng tiệc, chỉ còn những người bạn thân tín nhất của Đức Giêsu. Người tâm sự về lẽ sống của Người: Người sống hết mình cho Chúa Cha và cũng hết mình cho các môn đệ. Đây là mẫu gương người mục tử tốt lành. Và đấy cũng là vinh quang của Người, bởi vì trong Kinh Thánh, “vinh quang” có nghĩa là phẩm chất của con người, tầm mức quan trọng, giá trị, sự uy dũng: Người được như thế do Người hoàn toàn chấp nhận thánh ý của Chúa Cha, vì yêu mến Chúa Cha và vì yêu thương loài người. Mỗi Kitô hữu, khi thực hiện chương trình của Thiên Chúa về mình, cũng đạt được “trọng lượng”, tầm quan trọng, giá trị, sự cao cả.
2/. Không phải là chỉ với Đức Giêsu, người ta mới được kêu gọi yêu thương nhau. Với sách Lê Vi và Đệ Nhị Luật, Dân Chúa đã được kêu gọi yêu thương nhau rồi. Nhưng điều răn yêu thương Đức Giêsu ban, có thể được gọi là “mới”, do chỗ nó mô phỏng cụ thể tình yêu của Đức Giêsu, cũng là tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện nơi Đức Giêsu. Như thế, khi yêu thương, người Kitô hữu tỏ bày Thiên Chúa ra cho loài người. Và nói ngược lại, nếu không yêu thương nhau, các Kitô hữu đã làm biến dạng gương mặt của Đức Giêsu và của Thiên Chúa.
3/. Tình yêu được diễn tả qua động từ “agapaô” (x. “agapê”) là tình yêu quảng đại, hàm chứa sự tự hiến, sự hy sinh. Chính Đức Giêsu đã làm chứng về tình yêu này khi Người cúi xuống rửa chân các môn đệ và ra đi chịu chết cho các ông và mọi người. Các Kitô hữu được mời gọi bắt chước Người mà yêu thương như Người. Tình bác ái là sự nối dài trong lòng ta tình yêu của Đức Kitô đối với chúng ta (“như Thầy đã yêu thương anh em”) và tình yêu của chúng ta đối với Đức Kitô (“ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”).
4/. Kể từ nay, Đức Giêsu cư ngụ trong các môn đệ như là tình yêu, Người sẽ yêu thương trong các ông. Người không chỉ ban cho các ông một lời để tuân giữ, nhưng Người ban chính mình. Với việc ban điều răn mới, Đức Giêsu ban chính sự hiện diện của Người. Cũng như bí tích Thánh Thể, điều răn mới chính là sự hiện diện thực hữu của Đức Giêsu.
5/. Một điều răn là một sự áp đặt? Hẳn là chúng ta sẽ không nghĩ như thế, khi hiểu rằng điều răn của Đức Giêsu chỉ cho chúng ta cách tìm ra hạnh phúc tại đây và lúc này. Thế giới sẽ ra sao, nếu như tất cả mọi người đều sống theo điều răn này? Hẳn là các gia đình sẽ đoàn tụ; mọi người sống hài hòa với nhau; các cộng đoàn Kitô hữu sẽ thân thiện và vui tươi; xã hội sẽ được biến đổi.
6/. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thập giá không phải là một dấu hiệu thất bại đối với Đức Giêsu. Ngược lại, nó biểu lộ sự chiến thắng của Thiên Chúa đối với tội lỗi và bóng tối. Chiến thắng đó đã được khởi sự nhưng dưới con mắt của những người quan sát bất cẩn, những gì đang xảy ra cho Đức Giêsu lại có vẻ là sự thất bại. “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người”. Trong Tin Mừng Gioan, Thiên Chúa luôn được đặt tại vị trí trung tâm, là Nhân Vật chính trong vở kịch. Vì thế, điều sắp xảy đến cho Đức Giêsu sẽ là một mặc khải trọn vẹn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế giới. Dầu vậy, những biến cố sẽ xảy đến vẫn cứ là nguyên nhân gây đau khổ và phá vỡ mọi niềm hy vọng của các môn đệ. Đức Giêsu sẽ bị tách ra khỏi họ. Chỉ dẫn của Người trước lúc ra đi là họ phải yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương họ; tình yêu thương của họ sẽ là dấu hiệu cho mọi người biết họ là môn đệ của Đức Giêsu.
Những lời trăn trối của các bậc vĩ nhân không bao giờ nhắm những chuyện nhỏ nhặt, vặt vãnh. Đúng hơn, chúng thường là những giáo huấn cốt lõi tóm lược toàn bộ cuộc đời của những vĩ nhân đó. Vì vậy, những lời từ biệt của Đức Giêsu cũng là những lời trọng tâm – đó là điều Người muốn các môn đệ nhớ về Người và tiếp tục thực hiện trong danh Người. Người nói với các môn đệ rằng, cái chết của Người sẽ tỏ lộ cho mọi người biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Khi đó, chúng ta phải phản ánh tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và bằng việc yêu thương nhau, tất cả mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Đức Giêsu (Siciliano).
[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Ga 13,30: Sau khi ăn miếng bánh, Giu-đa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối.
[3] Ga 1,51; 3,13.14; 5,27; 6,27; 6,53.62; 8,28; 12,23; 13,31: 51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người”. 3 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy. 5 27 lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. 6 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận”. 53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 62 Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? 8 28 Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 12 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! 13 31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.
[4] x. Ga 10,17-18: 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.
[5] x. Ga 7,39; 12,16.23: 39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh. 12 16 Lúc đầu, các môn đệ không hiểu những điều ấy. Nhưng sau khi Đức Giê-su được tôn vinh, các ông mới nhớ lại là Kinh Thánh đã chép những điều đó về Người, và dân chúng đã làm cho Người đúng y như vậy. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!
[6] Mc 10,24: Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!
[7] Mt 18,3; 19,14: 3 Đức Giêsu bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. 19 14 Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng”.
[8] Ga 7,33; 12,35;14,19; 16,16: 33 Vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Tôi còn ở với các ông ít lâu nữa thôi, rồi tôi đi đến cùng Đấng đã sai tôi. 12 35 Đức Giê-su bảo họ: “Ánh sáng còn ở giữa các ông ít lâu nữa thôi. Các ông hãy bước đi, bao lâu các ông còn có ánh sáng, kẻo bóng tối bắt chợt các ông. Ai bước đi trong bóng tối, thì không biết mình đi đâu. 14 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 16 16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”.
[9] x. Is 10,25: “Vì chỉ còn chút ít, chút ít nữa thôi, Ta sẽ hết giận ngươi, nhưng cơn thịnh nộ của Ta sẽ tiêu diệt nó”; Gr 51,33: Quả vậy, ĐỨC CHÚA các đạo binh, Thiên Chúa Ít-ra-en phán như sau: Cô gái Ba-by-lon như sân phơi, vào thời đạp lúa; chẳng còn bao lâu, mùa gặt sẽ đến với cô.
[10] Ga 13,1: Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
[11] Ga 3,16: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
[12] Ga 17,5: Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.
[13] Ga 7,38-39: 38 Đức Giê-su đứng trong Đền Thờ và lớn tiếng nói rằng: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. 39 Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.
[14] Ga 12,32: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”.
[15] Ga 17,12: Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.
[16] x. Ga 13,26; 21,18-19: 26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy”. Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. 21 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy”.
[17] x. Ga 15,12.17: 12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.
[18] Ga 13,1.31: 1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 31 Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.
============
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Ga 1,1-18: Ngôi Lời Đã Làm Người
Ga 1,6-8.19-28: Ông Gioan – Người Làm Chứng
Ga 1,35 – 42: Các Môn Đệ Đầu Tiên
Ga 2, 13 – 25: Đức Giêsu Thanh Tẩy Đền Thờ
Ga 3,13-17: Chính Nơi Thập Giá, Thiên Chúa Nói Với Chúng Ta Mọi Sự
Ga 3,14-21: Một Tình Yêu Vượt Quá Tầm Suy Nghĩ Của Con Người
Ga 3,16-18: Một Tình Yêu Không Thể Tin Được
Ga 4,5-42: Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
Ga 6,1-15: Đức Giêsu Hóa Bánh Ra Nhiều
Ga 6,24-35: Tôi Là Bánh Ban Sự Sống
Ga 6,35-40: Tôi Sẽ Cho Họ Sống Lại
Ga 6, 41-51: Tôi Là Bánh Hằng Sống Từ Trời Xuống
Ga 6,51-58: Sự Sống Xuất Phát Từ Hành Động Trao Ban Sự Sống
Ga 6,54a.60-69: Bỏ Đi Hoặc Ở Lại
Ga 8,1-11: Đức Giêsu Và Người Phụ Nữ Ngoại Tình
Ga 9,1-41: Ánh Sáng Cho Người Mù
Ga 10,1-10: Đức Giêsu Là Cửa Ràn Chiên
Ga 10,11-18: Tôi Là Mục Tử Nhân Lành
Ga 10,27-30: An Toàn Trong Tay Thiên Chúa