Ga 11,1-45: Chính Thầy Là Sự Sống Lại Và Là Sự Sống
Ga 11,1-45: Chính Thầy Là Sự Sống Lại Và Là Sự Sống
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Ga 11,1-45 [1]
1 Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”.
5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.
6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê!”. 8 Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?”. 9 Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!”.
11 Nói những lời này xong, Người bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. 12 Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại”. 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!”.
17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. 23 Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại!” 24 Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. 25 Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?”. 27 Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”.
28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. 29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu?”. Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem”. 35 Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”. 37 Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?”. 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi”. Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày”. 40 Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?”. 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”. 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”.
45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
***
1.- Ngữ cảnh
Với biến cố Đức Giêsu cho Lazarus sống lại, chúng ta sang phần II của Tin Mừng thứ IV, gọi là “Sách về Giờ của Đức Giêsu” (Ga 11,1–20,29). Phân đoạn Ga 11,1–12,50 là “phân đoạn làm cầu nối”, ghi lại “Dấu lạ cao điểm và sự kiện ‘Giờ’ của Đức Giêsu đến”.
Bản văn đọc trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay (Chúa Nhật V Mùa Chay năm A) trích từ Ga 11,1-54 là phân đoạn nói về “Dấu lạ Đức Giêsu cho Lazarus sống lại”, nói về sự sống lại và sự sống, và quyết định của Thượng Hội Đồng là tìm cách giết Đức Giêsu.
Biến cố Đức Giêsu làm cho Lazarus sống lại được đặt vào cuối sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Đây không chỉ là hành vi quyền lực (= dấu lạ) cuối cùng, nhưng là hành vi lớn lao nhất, bởi vì Người không chỉ giới hạn vào việc chữa lành một chứng bệnh, nhưng đưa một người từ cõi chết trở lại với cuộc sống. Đây là dấu lạ quan trọng nhất được nêu lên trong cuộc xét xử giữa ánh sáng và bóng tối.
Những nét tiêu biểu của phép lạ này là: Người thực hiện hành vi ấy cho một người bạn và giữa vòng các bạn hữu, nhưng có nhiều người khác chứng kiến và các chứng nhân này có tham gia vào hành vi của Người. Trong các trường hợp khác, trước tiên Đức Giêsu làm dấu lạ, rồi sau đó, trong những đối thoại, Người mới đưa người ta đến chỗ hiểu ý nghĩa của dấu lạ. Còn ở đây, với nhiều lời công bố, Người đã cho các môn đệ, các thân nhân và dân chúng thấy trước ý nghĩa của hành vi quyền lực sắp được thực hiện và là điểm cao nhất trong các hành vi quyền lực. Mọi sự đều đưa tới chỗ chứng minh cho thấy là Người có quyền trên sự chết.
Sự kiện này xảy ra sau khi các đối thủ của Người đã tìm cách bắt Người (Ga 10,39).[2] Đức Giêsu lui về vùng phía đông sông Jordan. Tại đây, Người nhận được tin bạn của Người là anh Lazarus đau ốm (Ga 11,1-6). Sự việc này mở ra với bài diễn từ cáo biệt và cuộc Thương Khó, bởi vì chính sự việc này đưa đến chỗ Thượng Hội Đồng kết án tử đối với Đức Giêsu.
Đọc bản văn này, độc giả cũng nên lưu ý đến tài nghệ tuyệt luân của tác giả khi vận dụng các yếu tố “sai thời gian” (anachronie) cũng như “nhắc lại” (analepse), “báo trước” (prolepse), để nhằm giới thiệu các điểm giáo lý sâu sắc được chứa đựng trong bản văn. Chúng ta sẽ nói đến điểm này trong phần “Ý nghĩa của bản văn”.[3]
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm năm phần:
– 1) Đức Giêsu biết tin Lazarus đau ốm (11,1-6);
– 2) Đức Giêsu chuẩn bị các môn đệ (11,7-16);
– 3) Đức Giêsu gặp hai chị em (11,17-38a);
– 4) Đức Giêsu cho Lazarus sống lại (11,38b-44);
– 5) Kết luận: Ghi chú về đức tin (11,45).
3.- Vài điểm chú giải
– Lazarus (1): Tên La‘zar là cách gọi tắt tên Eleazar (Éléadarò), một tên rất quen thuộc vào thời Tân Ước. Eleazar có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Tác giả Tin Mừng thứ IV không giải thích ý nghĩa của tên này.
– Bethania (1): Có một số người cho rằng đây là một tên có ý nghĩa tượng trưng, phát sinh từ tên “Bet-‘anya”, “nhà của nỗi phiền sầu”. Làng Bethania gần Jerusalem được mọi người biết như là nơi Đức Giêsu trú ngụ khi lên Jerusalem (x. Mc 11,11; 14,3).[4] Ngày nay, làng được gọi là El ‘Azariyeh, một tên phát sinh từ “Lazarus”.
– Làng của hai chị em cô Marta và Maria (1): Sự kiện tác giả Gioan xác định Bethania là làng của Marta và Maria khiến có thể hiểu là các độc giả quen biết hai cô.
– Là người sau này sẽ xức dầu thơm (2): Đây là một chi tiết rất đặc biệt dành cho việc nhận diện Maria: “là người sau này sẽ xức dầu thơm (dịch sát: “đã xức dầu thơm”) cho Chúa, và lấy tóc lau (dịch sát: “đã lấy tóc lau”) chân Người”.[5] Đây là một lời có hàm ý vừa nhắc lại và cũng vừa đón trước: việc xức dầu ở Bethania chỉ xảy ra ở chương sau (Ga 12,1-11),[6] tại sao lại nhắc trước (“đã”) một hành vi chưa được bản văn nói đến? Ở đây, tác giả không đứng trên bình diện truyện kể, nhưng trên bình diện dàn dựng câu truyện, và ngỏ lời trực tiếp với độc giả. Độc giả đã biết Maria đóng vai trò nào vào đầu truyện Thương Khó; vai trò này được ghi nhớ rất rõ trước cả khi Tin Mừng thứ IV được soạn thảo. Tác giả nại đến ký ức của độc giả nên mới nói về Maria như ở quá khứ (thì quá khứ hoàn thành). Như thế, lời nhắc vận hành trong trí độc giả, còn ở bình diện truyện kể, nó mang sắc thái một lời đón trước.
– Thưa Thầy (3): Từ ngữ “Kyrios” được dùng ở hô-cách (vocative); Kyrie có thể dịch là “Thưa Ngài”. Tác giả R.E. Brown cho rằng, có thể dịch là “Lạy Chúa”, bởi vì ở đây những người tin đang lên tiếng (x. Ga 11,21.32).
– Thêm hai ngày (6): Một vài tác giả gợi ý rằng, có một sự kết nối với phép lạ thứ hai ở Cana, cũng là một phép lạ ban sự sống và xảy ra sau khi Đức Giêsu đã ở lại Samari hai ngày (Ga 4,40.43).[7] Có những tác giả khác thì lại cho rằng, có một sự tương đồng với sự phục sinh của Đức Giêsu, vì biến cố này xảy ra vào ngày thứ ba (x. 1Cr 15,4).[8] Đức Giêsu cũng đã chờ hai ngày trước khi lên Jerusalem để dự lễ Lều (Ga 7,8-10).[9] Với lại, ở tiệc cưới Cana, Đức Giêsu đã không đáp ứng ước nguyện của Đức Maria ngay. Không một ý kiến, một nguyện ước nào của loài người, cho dù đúng đắn, lại có thể chỉ cho Người cách xử sự; chỉ có ý muốn của Chúa Cha mới có quyền điều khiển Người mà thôi (Ga 4,34; 7,18; 8,29).[10] Người nói và hành động vì vinh quang của Chúa Cha, để thực hiện chương trình cứu độ. Và ơn cứu độ Thiên Chúa ban sẽ được hoàn tất vào thời Ngài đã định; không một ai có thể thúc bách Ngài tiến hành trước giờ. Người ta không thể bắt Đức Giêsu hay ném đá Người bao lâu giờ của Người chưa đến (Ga 7,30; 8,20; x. 9,4; 10,17-18).[11]
– Thưa Rabbi (8): Đây là lần cuối cùng các môn đệ thưa với Đức Giêsu bằng danh hiệu Rabbi. “Rabbi” cũng được dùng ở Ga 9,2-5.[12] Có thể so sánh để thấy những điểm tương đồng giữa Ga 9,2-5 và Ga 11,8-10.
– Ánh sáng mặt trời (9): Dịch sát là “ánh sáng của thế gian này”. Như thế, công thức này có nghĩa là “mặt trời”. Nhưng trên bình diện Thần học, đây là một quy chiếu về Đức Giêsu (Ga 8,12; 9,5).[13]
– Đang yên giấc (11): Trong tiếng Hipri và Hy Lạp (tiếng Hy Lạp dân gian cũng như hy-ngữ của Bản LXX), “ngủ” là một uyển ngữ (euphemism) để chỉ cái chết (x. Mc 5,39; Cv 20,10).[14] Nhưng các môn đệ lại không hiểu. Trong Kinh Thánh, chết là hậu quả của tội lỗi, và như thế là hình phạt thê thảm nhất (x. St 2,7; Kn 1,15).[15] Tuy nhiên, cái chết mất phần nào tích cách bi đát khi nó đóng ấn một cuộc đời hạnh phúc vẫn tiến đi trong tình nghĩa với Thiên Chúa (các tổ phụ: St 25,7; 35,29;[16] vua David: 1V 2,10;[17] người công chính: Kn 3,1-3)[18]. Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, sẽ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Chính vì thế, trong Tân Ước, những ai chết mà vẫn tin vào Đức Kitô, thì chỉ là yên nghỉ (= ngủ; 1Tx 4,14; x. Cv 7,60; Mt 27,52),[19] vì Đức Kitô là hoa trái đầu mùa của những ai đã yên giấc (1Cr 15,20).[20]
– Được bốn ngày rồi (17): Chi tiết này được ghi nhận để chứng thực là Lazarus đã chết. Có một ý kiến trong giới kinh sư cho rằng, linh hồn bay là là gần thân xác trong ba ngày; sau đó thì không còn hy vọng hồi sinh nữa.
– Maria thì ngồi ở nhà (20): Các phụ nữ có tang thường ngồi trên nền nhà (x. Ed 11,14tt).[21] Do câu 29, ta đoán là Maria không được báo cho biết là Đức Giêsu đã đến.
– Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa (27): Câu này tương tự lời tuyên xưng của Phêrô ở Mt 16,16.[22]
– Thầy (28): Từ ngữ Hy Lạp “didaskalos” tương tự với “Rabbi” ở Ga 1,38 và 20,16.[23] Đức Giêsu sử dụng ở Ga 3,2.10; 13,13.14.[24]
– Thổn thức trong lòng và xao xuyến (33): “Thổn thức trong lòng” là dạng “aorist middle” (dạng trung bình) của động từ “embrimasthai” (x. câu 38). Động từ này được dùng với công thức “tò pneumati”, “trong tinh thần”, còn ở câu 38, động từ ấy lại được dùng với “en heautò”, “trong chính mình”. Đây là những công thức người Semite dùng để diễn tả các cảm xúc bên trong. Công thức thứ hai, “xao xuyến”, dịch từ cụm từ “tarassein heauton”. “Tarassein” hàm ý một sự xáo trộn sâu xa; ở đây dùng với đại từ phản hồi, có nghĩa chữ là “bối rối, luống cuống”. Các học giả đã tự hỏi ý nghĩa của các tình cảm này là gì. Có những người thấy đây là cơn giận của Đức Giêsu nhằm chống lại cái chết và tác giả của nó là Satan; có những người khác thì cho rằng đây là cơn giận của Người khi đứng trước sự cứng lòng của người Do Thái. Rất có thể là như thế, bởi vì cái chết và sự cứng lòng đều do Satan; và trong thực tế, đặc biệt trong Tin Mừng Marco, Đức Giêsu tỏ ra giận dữ vào lúc Người trừ quỷ, nghĩa là khi Người đối diện với Satan. Tuy nhiên, trong Tin Mừng thứ IV, ý nghĩa còn sâu sắc hơn.
Ngoại trừ một lần động từ “tarassein” được dùng ở Ga 5,7 để nói về nước hồ bị khuấy động và dùng ở đây,[25] động từ này chỉ được dùng trong khung cảnh cuộc Thương Khó: 2 lần dùng cho Đức Giêsu (Ga 12,27; 13,21)[26] và 2 lần cho các môn đệ (Ga 14,1.27).[27] Nỗi xao xuyến và sợ hãi của Đức Giêsu, được các Tin Mừng Nhất Lãm kể lại trong cuộc hấp hối tại vườn Gethsemane, dường như được tác giả Gioan chuyển vào truyện này và vào cuộc gặp gỡ với người Hy Lạp (Ga 12,27). Cái chết của Lazarus được Đức Giêsu cho thấy như là lời loan báo về cái chết của Người và cuộc chiến thắng nhất thời trên bóng tối. Đối với tác giả Gioan, cuộc Thương Khó và cái chết của Đức Giêsu chủ yếu là công trình của Satan và cuộc sống lại của Người là chiến thắng trên Satan và cái chết.
– Đức Giêsu khóc (35): Đức Giêsu đã có một thái độ hết sức nhân bản khi đứng trước nỗi đau của người khác. Người ta hiểu là Đức Giêsu thật sự quý mến Lazarus. Ở đây, tác giả Gioan dùng một động từ để chỉ việc Đức Giêsu “khóc” (dakryò, “[để cho] nước mắt tuôn trào”: câu 35) khác với động từ để chỉ người ta “khóc” (klaiò, “khóc một cách tuyệt vọng”: x. các câu 31.33), mà động từ này lại giống với động từ tác giả Luca dùng để nói về việc Đức Giêsu khóc khi nhìn thấy Jerusalem (x. Lc 19,41: klaiò).[28] Tuy nhiên, trong Tin Mừng Gioan, người ta thường chỉ hiểu các lời nói và các cử chỉ của Đức Giêsu theo chiều kích bên ngoài và hời hợt. Nếu Đức Giêsu sắp cho bạn của Người sống lại, tại sao Người còn khóc? Như thế, rất có thể ở đây Đức Giêsu khóc còn vì sự không tin của người Do Thái và thái độ bán tín bán nghi của Marta (câu 39) cũng như của Maria.
– Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại (38): Mộ đứng như cái giếng thì thông dụng hơn mộ nằm ngang. Tảng đá giữ thi hài khỏi bị thú vật xâm phạm. Nơi an táng ở ngoài thành, vì nếu không, những người sống có thể bị ô uế do tiếp xúc với thi hài người chết.
– Đức Giêsu ngước mắt lên (41): Cử điệu ngước mắt nhìn lên là một cách mở đầu tự nhiên cho việc cầu nguyện (x. Lc 18,13; Ga 17,1).[29]
– Người kêu lớn tiếng (43): Động từ “kraugazein” chỉ được dùng 8 lần trong toàn Kinh Thánh bản Hy Lạp (Bản LXX), mà có đến 6 lần ở trong Tin Mừng Gioan. Ở Tin Mừng Gioan chương 18 và chương 19, động từ này được dùng 4 lần để nói về tiếng la hét của đám đông đòi đóng đinh Đức Giêsu. Như vậy, dường như có thể rút ra một sự tương phản giữa tiếng kêu lớn của đám đông nhằm đưa cái chết đến cho Đức Giêsu và tiếng kêu lớn của Đức Giêsu nhằm đưa sự sống đến cho Lazarus. Thật ra, giải thích như thế cũng không bảo đảm, vì ở Ga 12,13,[30] động từ này diễn tả tiếng la của đám đông nhằm hoan hô Đức Giêsu.
– Chân tay còn quấn vải (44): Có người hỏi là làm thế nào mà bị quấn như thế mà Lazarus vẫn có thể đi được. Câu hỏi này không đúng chỗ vì đặt ra trong một bài tường thuật minh nhiên giả thiết có chuyện siêu nhiên. Có thể do một lý do Thần học mà tác giả đã nhắc đến những thứ khăn liệm. Ở Ga 20,6-7,[31] chúng ta biết rằng các khăn và vải liệm Đức Giêsu đã bị bỏ lại trong mồ, có thể với ngụ ý là Người chẳng bao giờ cần đến chúng nữa, bởi vì Người không bao giờ chết nữa; còn Lazarus thì đi ra với khăn vải liệm, bởi vì anh còn chết lần nữa. Cách giải thích này nhiều gợi ý, nhưng không chắc là tác giả có nghĩ đến số phận tương lai của Lazarus.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Câu chuyện đưa ta đến gặp một gia đình đặc biệt: chỉ có các chị em mà thôi. Thế rồi có những chi tiết khiến phát sinh những câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu cố tình đến chậm? Làm thế nào Marta và Maria biết là Đức Giêsu đang đến? Làm thế nào Đức Giêsu có thể nói được rằng bất cứ kẻ nào tin vào Người thì sẽ không phải chết bao giờ? Tại sao Đức Giêsu lại khóc khi đã biết rằng Người sắp cho Lazarus trỗi dậy từ cõi chết?
* Đức Giêsu biết tin Lazarus đau ốm (1-6)
Đức Giêsu đã lui về mạn đông sông Jordan để tránh các đối thủ đang tìm cách bắt Người. Tại đây người ta báo tin cho Người là Lazarus đau ốm; ông này “quê ở Bethania, làng của hai chị em cô Marta và Maria” (Ga 11,1). Lazarus, “em của cô bị đau ốm” (câu 2). Maria được giới thiệu bằng một câu đón trước: “là người sau này đã xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Người” (câu 2). Còn Marta được giới thiệu trước tiên như một người bạn (câu 5), rồi như một môn đệ của Đức Giêsu (“Thưa Ngài, Kyrie”: câu 21). Gia đình không cha mẹ, vợ chồng hoặc con cái này khiến ta có thể hiểu đây là một ám chỉ đến cộng đoàn Kitô hữu, nơi chỉ có các anh em chị em thôi.
Cũng như Đức Maria tại tiệc cưới Cana (Ga 2,3),[32] các chị của Lazarus đã không trực tiếp bày tỏ một lời thỉnh cầu. Các cô không muốn truyền lệnh cho Người bất cứ điều gì. Biết đâu các cô cũng đang nghĩ tới nguy hiểm có thể xảy ra cho Người nếu Người đến gần Jerusalem (x. Ga 11,8). Các cô chỉ đơn giản báo cho Người biết tình trạng của Lazarus và nhắc Người nhớ rằng anh là bạn Người. Tại Cana, Đức Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới của một gia đình bằng hữu; rồi Người đã làm những hành vi quyền lực khác cho những người mà Người không quen biết. Lần này những điểm được nhấn mạnh là tình yêu thương và tình bằng hữu vẫn liên kết Người với các chị em Bethania (x. Ga 11,3.5.11.36): tình yêu thương và tình bằng hữu diễn tả sự ân cần riêng tư của Đức Giêsu đối với chúng ta là loài người. Người không theo đuổi một chương trình vật chất nào, trong đó kết quả thống kê quan trọng hơn những con người. Người coi chúng ta, những con người, là như những nhân vị mà Người quan tâm chiếu cố.
Dọc theo bài tường thuật, bằng nhiều cách diễn tả, tác giả cứ nhắc đi nhắc lại là Đức Giêsu không có mặt (các câu 6.17.19.21.32.37). Mục đích là nêu bật tình trạng tăm tối, không hiểu, của dân chúng trước cách xử sự của Đức Giêsu: theo kiểu nhìn của loài người, Đức Giêsu đã phải can thiệp mà cứu chữa Lazarus khi ông này còn sống mới phải. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào giải thích được sự kiện là các bạn của Đức Giêsu cũng chết mà Người không can thiệp gì?
Tác giả dùng thêm ba lời đón trước để cho thấy ý nghĩa của cái chết của Lazarus, hoặc cho thấy sự cương quyết của Đức Giêsu và lúc bạn Người chết (các câu 4.11.16). Ba lời đẩy vào tương lai gần như thế nêu bật sự khác biệt trong nhận thức của Đức Giêsu, là người biết rõ chương trình của Thiên Chúa, và các môn đệ, đầy sợ hãi và không hiểu gì.
* Đức Giêsu chuẩn bị các môn đệ (7-16)
Trước hết, Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận hành vi quyền lực Người sắp thực hiện. Sau dấu lạ Cana, tác giả Tin Mừng thứ IV đã nhận định: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galiee và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Đức Giêsu hiểu đâu là mục tiêu của chứng bệnh của Lazarus (x. Ga 9,3): “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 11,4). “Vinh quang của Thiên Chúa” không phải là một vinh dự ích kỷ dâng lên Thiên Chúa, bất kể tình trạng của các thọ tạo. Trong Cựu Ước, mỗi khi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài thì luôn luôn là để cứu độ loài người, những kẻ Ngài yêu thương. Vinh quang này của Chúa Cha sẽ được thể hiện qua việc tôn vinh Đức Giêsu qua các phép lạ (Ga 2,11; 12,41),[33] nhưng nhất là khi Người chịu giương cao trên thập giá, rồi Người chết và sống lại (Ga 12,23-32).[34]
Khi để cho Lazarus chết, Đức Giêsu muốn bảo chúng ta rằng Người không đến để ngăn chặn cái chết thể lý: công việc của Người không phải là phá vỡ dòng lưu chuyển tự nhiên của đời sống con người. Cuộc sống có một điểm chấm dứt, chứ không kéo dài mãi mãi. Người không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu, nhưng để ban cho chúng ta một đời sống khác không có cùng tận. Nhất là Người đã tuyên bố cho biết đâu là mục tiêu của chứng bệnh của Lazarus: “để anh em tin” (Ga 11,15). Tất cả các hành vi quyền lực của Đức Giêsu đều được thực hiện để Thiên Chúa được rạng rỡ vinh quang, được tỏ mình ra và nên khả thị. Nhờ những hành vi này, chính Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải trong bản tính trừu tượng của Ngài, nhưng trong cách cư xử ân cần cụ thể đối với loài người chúng ta. Thiên Chúa tỏ mình ra là “Ta là Đấng Ta là” và cho thấy điều này đúng với chúng ta đến mức độ nào. Trong tư cách là hành vi của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện, hành vi quyền lực này cũng mạc khải cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Chúa Cha đã sai phái đến với chúng ta và nhờ Người mà chúng ta có thể biết Thiên Chúa (x. Ga 1,18).[35] Tương ứng với hành vi tự mạc khải của Đức Giêsu, là hành vi các môn đệ tin vào Người. Hành vi Đức Giêsu làm cho Lazarus phải củng cố các môn đệ trong đức tin và cho họ thấy chính xác hơn họ có thể chờ đợi gì nơi Đấng mà họ đã tin tưởng. Đức Giêsu đã hai lần mời họ đi theo Người về miền Judea (Ga 11,7.15). Họ biết điều gì sẽ có thể xảy ra cho Người, và cả cho họ nữa. Họ tín nhiệm nơi Người và trở thành những chứng nhân về cách Đức Giêsu, mặc dù có nguy hiểm đến tính mạng Người, đã làm cho Lazarus đã chết được sống lại.
Các môn đệ đã linh cảm là giờ kết thúc bi thương cuộc đời Đức Giêsu đã gần kề: “Người Do Thái hiện đang tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đi tới nơi ấy sao?” (câu 8). Đối với Đức Giêsu, cứu Lazarus sẽ là đi gặp chính bản án tử hình của Người. Vinh quang do phép lạ sẽ là dấu chỉ cuộc tôn vinh Người trên thập giá. Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng tất cả đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, thuộc về “Giờ” của Thiên Chúa. Nhưng dường như Người không đánh tan được nỗi lo lắng, vì Tôma lại đại diện anh em mà nói: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy!” (câu 16).
* Đức Giêsu gặp hai chị em (17-38a)
Hoàn cảnh của Đức Giêsu tại Bethania được mô tả bằng hai đặc điểm: Lazarus đã ở trong mồ được bốn ngày và có nhiều người quen biết đến với hai chị em. Theo quan niệm thời đó, chết được ba ngày thì cũng chưa hoàn toàn chết; chỉ đến ngày thứ tư thì sự sống mới hoàn toàn tắt mất. Tác giả muốn chúng ta biết rằng Lazarus đã chết thật rồi.
Tất cả những người quen biết gia đình đã ở đó mà đành chịu bất lực khi đứng trước cái chết, và chỉ còn biết an ủi cách yếu ớt (Ga 11,19.31). Đức Giêsu chính là Đấng duy nhất có thể thật sự thay đổi điều gì đó trong tình cảnh này và có thể đưa lại sự nâng đỡ đích thực bằng quyền lực thần linh của Người. Marta đã đến găp Người và nói: “Thưa Ngài, nếu có Ngài ở đây thì em con đã không chết!” (Ga 11,21). Dường như hai chị em đã lặp đi lặp lại câu này trong những lúc khóc em (x. Ga 11,32.37). Qua lời này, hai chị biểu lộ niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng có thể chữa lành những người đau ốm, nhưng cũng biểu lộ nỗi thất vọng là Người đã không đến đúng lúc. Nhưng rồi Marta đã cho thấy rằng chị tin vào việc sống lại của kẻ chết. Khi bày tỏ niềm tin vào việc kẻ chết sẽ sống lại trong tương lai cánh chung, Marta đã chứng tỏ là một môn đệ và đại diện cho các Kitô hữu thế kỷ đầu tiên đang tập sống niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh trong hiện tại. Chỉ có tin vào Đức Giêsu, người ta mới có thể vượt qua sự chết mà vào sự sống.
Nhưng Đức Giêsu cho các chị thấy rằng, sự sống lại là do Người ban: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Cho đến nay, Đức Giêsu đã tự xưng mình là bánh, nước, ánh sáng và người mục tử nhân hậu; Người đã quy chiếu về chính mình Người những thực tại mà nhất thiết cuộc sống trần thế của chúng ta phải lệ thuộc vào. Nay cũng bằng cách đó, Người khẳng định rằng chúng ta lệ thuộc vào Người để được sống muôn đời. Nơi Người, Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta (“Ta là Đấng Ta là”) như là Đấng lôi kéo chúng ta khỏi cái chết và đưa chúng ta vào trong cuộc sống bất tử của Người. Cuộc phục sinh giả thiết có cái chết và có nghĩa là trỗi dậy thoát khỏi tình trạng nằm dài cứng ngắc của cái chết; sống là kết hợp với Thiên Chúa. Hai điều này được Đức Giêsu ban cho chúng ta và được liên kết với nhau trong đức tin. Đức Giêsu ban sự sống này cho ai tin vào Người. Sự sống được Đức Giêsu ban đây phải đi qua cái chết, nhưng không bị dập tắt. Sự kết hợp với Thiên Chúa do Đức Giêsu ban cho không biết đến kết thúc hoặc tình trạng hoàng hôn. Trong tình cảnh này Đức Giêsu đã khóc, vì thương Lazarus, nhưng cũng còn là vì thái độ không tin và thái độ nửa tin nửa ngờ của Marta (câu 39) và của Maria.
Điều mà Đức Giêsu làm cho Lazarus là một dấu chỉ (dấu lạ). Lazarus đã chết, Đức Giêsu gọi anh ra khỏi mồ, nhưng đưa anh trở lại với cuộc sống trần thế, từ đó anh lại đi tới cái chết. Bằng hành vi này, Đức Giêsu chứng minh cho thấy là cái chết không phải là một giới hạn đối với Người, nhưng Người có quyền trên cái chết. Tuy nhiên, ân ban đích thực của Người không phải là một cuộc sống trần thế được kéo dài mãi mãi, mà là cuộc sống trong sự hiệp thông vĩnh cửu với Thiên Chúa.
Đức Giêsu muốn đưa cả Marta, cũng như các môn đệ Người, đến với đức tin. Cô hiểu, cô tin và nói lên một lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta chỉ gặp ở cuối Tin Mừng Gioan (Ga 20,28.31)[36] và là lời được hàm chứa trong lời tuyên bố của Phêrô (Ga 6,69)[37] và của anh mù được chữa lành (Ga 9,38).[38] Với cô, Đức Giêsu đạt mục tiêu mà công trình của Người đã nhắm tới trước: mắt của cô đã mở ra. Marta hoàn toàn ở thế ngược lại với các đối thủ của Đức Giêsu, những người đã trách Người là nói phạm thượng chống lại Thiên Chúa. Cô nhận biết Người là Đấng Thiên Chúa dùng để thực hiện công trình cứu độ cho loài người (“Đức Kitô”) và là Đấng sống trong một sự hiệp thông không có khởi đầu cũng không có kết thúc với Thiên Chúa, trong sự bình đẳng tuyệt đối với Người (“Con Thiên Chúa”). Và cũng như Đức Giêsu, Marta nêu bật tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha: Người đã đến trong trần gian bởi vì được Chúa Cha sai phái đi; đàng sau tất cả những gì Người làm, chính là Chúa Cha làm (x. Ga 11,42; 16,28).[39]
* Đức Giêsu cho Lazarus sống lại (38b-44)
Đức Giêsu bảo người ta dẫn Người ra mộ Lazarus. Hai người chị và nhiều người khác đã đến để săn sóc hai cô cùng đi với Người. Chung quanh Người, vang lên tiếng than khóc của đoàn người bất lực trước sức mạnh tàn nhẫn của cái chết. Có hai cách khóc. Có cách khóc của những người chắc chắn rằng cái chết là sự chấm dứt mọi sự (klaiò). Cũng có cách Đức Giêsu khóc (dakryò) tại mộ Lazarus, bình lặng và chứng tỏ con người có phẩm cách. Mất một người thân là điều rất đau lòng; nhưng sẽ rất là ích kỷ nếu muốn giữ người ấy lại cho riêng mình, trong khi người đó đang đi vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trước.
Đức Giêsu cho cất tảng đá che mộ đi. Tảng đá có đó để ngăn cách thế giới người sống với thế giới kẻ chết, nhưng đối với những ai tin vào Đức Giêsu, sự chia cách này không còn nữa. Thế rồi Người quay hướng về Chúa Cha khi cầu nguyện, đây là điều Người chưa bao giờ làm trong những hành vi quyền lực trước đây. Đây là lời cầu nguyện đầu tiên của Người được tác giả Gioan nhắc lại (x. Ga 12,27-28; 17,1-26).[40] Trước tiên, Người tạ ơn Chúa Cha vì Ngài đã lắng nghe lời Người. Về phần Người, Đức Giêsu tuyệt đối chắc chắn về sự kết hợp của Người với Chúa Cha, nên không cần phải chứng minh cho Người bằng một hành vi quyền lực. Nhưng điều mà Người nhấn mạnh là để cho người ta tin. Chỉ khi người ta tin vào Người, Đức Giêsu mới có thể thực hiện công trình của Người hầu cứu độ loài người. Ở đây, câu 42 là lời nhắc lại để nêu bật tư cách Đức Giêsu là sứ giả Chúa Cha sai phái: Đức Giêsu bình luận các lời nói của chính Người để giúp đám đông hiểu rằng Người là sứ giả của Thiên Chúa.
Đối với Lazarus, người ta phải lăn tảng đá và cởi khăn và vải cho anh, còn trong việc Đức Giêsu sống lại, các phụ nữ chỉ có thể chứng kiến sự kiện: tảng đá đã được lăn ra một bên, và khăn liệm đã được đặt riêng ra (Ga 20,1-7);[41] các thiên thần có mặt chỉ là để giúp các môn đệ ý thức về sự kiện.
* Kết luận: Ghi chú về đức tin (45)
Tất cả mọi người trong câu chuyện đều chứng tỏ họ thiếu đức tin cách nào đó. Nay “có nhiều kẻ đã tin vào Người” (câu 45). Trọng tâm của đức tin, cũng như lâu nay, là tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha. Loài người phải tin rằng Chúa Cha đã sai phái Đức Giêsu và đàng sau tất cả những gì Đức Giêsu thực hiện và nhận là của mình, chính là Chúa Cha. Cả hành vi quyền lực to lớn này của Đức Giêsu cũng là một trợ giúp niềm tin.
+ Kết luận
Là con người, chúng ta sẽ phải chết. Mỗi người, từ thuở bắt đầu cuộc hiện sinh, đều đi về cái chết. Đứng trước cái chết, chúng ta cảm nhận một giới hạn tuyệt đối và một sự bất lực hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta có thể trì hoãn cái chết, chứ không thể tránh nó được. Và chúng ta không thể nào đưa được một người đã chết trở lại với cuộc sống được. Trái lại, Đức Giêsu đã làm cho cái chết trở thành nhất thời và tạm bợ giống như giấc ngủ. Người sẽ làm cho chúng ta trỗi dậy khỏi cái chết và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Muốn thế, chúng ta phải tránh thái độ cứng lòng của người Do Thái, cả thái độ nửa tin nửa ngờ của hai chị em Marta và Maria, để tin hoàn toàn vào Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Câu truyện chúng ta đọc hôm nay cho thấy là mục tiêu của Con Thiên Chúa nhập thể không phải là giải quyết những vấn đề trước mắt, như cái ăn cái mặc, các chứng bệnh. Người có làm các phép lạ để giải quyết các vấn đề đó, nhưng để các phép lạ đó trở thành dấu chỉ đưa người ta đến đức tin. Chỉ khi người ta tin vào Người, các vấn đề ấy mới được giải quyết tận căn, vì Người sẽ ban cho người ta sự sống đời đời.
2. Khi hình dung ra rằng tôi cũng đang đi trên con đường đưa đến cái chết, tức khắc tôi nhận ra được giá trị của mỗi sự việc tôi đang đảm nhận, mỗi sự vật tôi đang sở hữu. Tôi biết điều gì là quan trọng thật, cái gì là tương đối. Tôi hiểu rằng tôi phải tìm chỗ tựa bảo đảm đưa tôi đến cuộc sống vĩnh cửu. Hôm nay điểm tựa ấy được giới thiệu: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin vào Người, tôi nhận thấy cái chết không còn là một sức mạnh bách chiến bách thắng, một định mệnh bi đát mà con người phải gánh chịu nữa. Cái chết lúc đó chỉ có tính cách tạm thời, như một cửa ngõ đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu.
3. Ngày hôm nay, chúng ta có thể ghi nhận biết bao dấu chỉ cho thấy sự chết đang tìm cách lan tràn, nhưng sự sống cũng vẫn mạnh mẽ vươn lên. Dựa vào mình, sống theo tính ích kỷ và kiêu ngạo, con người sẽ rơi vào thất vọng khi trải nghiệm tất cả những giới hạn của thân phận thọ tạo. Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt quá những giới hạn này, nhờ có Thánh Thần chan hòa trong lòng, bằng cách lắng nghe giáo huấn của Người và đưa ra thực hành, bằng cách sống và chết như Người.
4. Sự can thiệp của Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng Vô Biên xa vời, không hề quan tâm đến các thọ tạo của Người. Thiên Chúa đã nhập thể để làm người, mang một trái tim loài người. Người có thể cảm động, xao xuyến. Người yêu thương các bạn hữu của Người. Nhưng Người cũng bung quyền năng của Người ra để cho Lazarus sống lại, hầu chỉ cho chúng ta con đường sống thật.
5. Đức Giêsu đã cho Lazarus sống lại, vì Người là Lời tạo dựng của Thiên Chúa. Thế nhưng một ngày kia, Người sẽ chết, để rồi các đối thủ có thể chế nhạo đủ cách. Nhưng đó là vì Đức Giêsu không muốn cứu lấy một mình Người. Khi đảm nhận thân phận con người chúng ta cho đến chết, Lời ban sự sống của Người không còn ở bên ngoài chúng ta nữa. Người thắng cái chết bằng cách đi xuyên qua nó. Nhờ đó, Người cứu được tất cả mọi người.
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Ga 10,39: 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
[3] Xem thêm: Lê Minh Thông, O.P., “Ga 11,1-54: “Chết” và “sống””, Phân tích thuật chuyện và phân tích cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư, Trung Tâm Học Vấn Đaminh, 2008, tr. 141-179, để ghi nhận cách áp dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu trúc vào bản văn.
[4] x. Mc 11,11; 14,3: 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai. 14 3 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.
[5] Xem: Thánh Kinh, Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ
[6] Ga 12,1-11: 1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”. 9 Một đám đông người Do-thái biết Đức Giê-su đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giê-su, nhưng còn để nhìn thấy anh La-da-rô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 10 Các thượng tế mới quyết định giết cả anh La-da-rô nữa, 11 vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giê-su.
[7] Ga 4,40.43: 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 43 Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê.
[8] x. 1Cr 15,4: 4 rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.
[9] Ga 7,8-10: 8 Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi”. 9 Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê. 10 Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật.
[10] Ga 4,34; 7,18; 8,29: 34 Đức Giê-su nói với các ông: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 7 18 Ai tự mình giảng dạy, thì tìm vinh quang cho chính mình. Còn ai tìm vinh quang cho Đấng đã sai mình, thì là người chân thật, và nơi người ấy không có gì là bất chính. 8 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người”.
[11] Ga 7,30; 8,20: 30 Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến. 8 20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.
x. Ga 9,4; 10,17-18: 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 10 17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. 18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.
[12] Ga 9,2-5: 2 Các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. 3 Đức Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”.
[13] Ga 8,12: 9,5: 12 Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống”. 9 5 “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian”.
[14] x. Mc 5,39: 39 Người bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”.
x. Cv 20,10: 10 Ông Phao-lô xuống, cúi mình trên nó, ôm lấy và nói: “Đừng xôn xao nữa, vì nó sống mà!”.
[15] x. St 2,7: 7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.
x. Kn 1,15: 15 Quả vậy, đức công chính thì trường sinh bất tử.
[16] St 25,7; 35,29: 7 Ông Áp-ra-ham sống thọ một trăm bảy mươi lăm tuổi. 35 29 Rồi ông I-xa-ác tắt thở. Ông qua đời và được về sum họp với gia tiên, khi đã cao niên và no đầy tuổi tác. Các con ông là Ê-xau và Gia-cóp chôn cất ông.
[17] 1V 2,10: 10 Vua Đa-vít đã an nghỉ với tổ tiên ông, và được chôn cất trong Thành vua Đa-vít.
[18] Kn 3,1-3: 1 Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa. 2 Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ gặp phải điều vô phúc. 3 Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra, họ đang hưởng an bình.
[19] 1Tx 4,14: 14 Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su.
x. Cv 7,60: 60 Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ.
x. Mt 27,52: 52 Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy.
[20] 1Cr 15,20: 20 Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.
[21] x. Ed 11,14tt: 14 Mỗi sinh vật có bốn mặt: mặt thứ nhất là mặt thần hộ giá, mặt thứ hai là mặt người, mặt thứ ba là mặt sư tử và mặt thứ bốn là mặt phượng hoàng.
[22] Mt 16,16: 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
[23] Ga 1,38; 20,16: 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?”. 20 16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
[24] Ga 3,2.10; 13,13.14: 2 Ông đến gặp Đức Giê-su ban đêm. Ông nói với Người: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy”. 10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy!. 13 13 Anh em gọi Thầy là ‘ Thầy ‘, là ‘ Chúa ‘, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.
[25] Ga 5,7: 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!”.
[26] Ga 12,27; 13,21: 27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 13 21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.
[27] Ga 14,1.27: 1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
[28] x. Lc 19,41: 41 Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương.
[29] x. Lc 18,13: 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’.
x. Ga 17,1: 1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha”.
[30] Ga 12,13: 13 họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Ít-ra-en!.
[31] Ga 20,6-7: 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
[32] Ga 2,3: 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi”.
[33] Ga 12,41: 41 Ngôn sứ I-sai-a nói những lời đó, vì đã thấy vinh quang của Đức Giê-su, và ông đã nói về Người.
[34] Ga 12,23-32: 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”. 27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!”. 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!”. Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!”. 30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.
[35] x. Ga 1,18: 18 Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
[36] Ga 20,28.31: 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
[37] Ga 6,69: 69 “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.
[38] Ga 9,38: 38 Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.
[39] x. Ga 16,28: 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”.
[40] x. Ga 17,1-26: 1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô. 4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con. 9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. 11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. 20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con. 24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa”.
[41] Ga 20,1-7: 1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.
============
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Ga 1,1-18: Ngôi Lời Đã Làm Người
Ga 1,6-8.19-28: Ông Gioan – Người Làm Chứng
Ga 1,35 – 42: Các Môn Đệ Đầu Tiên
Ga 2, 13 – 25: Đức Giêsu Thanh Tẩy Đền Thờ
Ga 3,13-17: Chính Nơi Thập Giá, Thiên Chúa Nói Với Chúng Ta Mọi Sự
Ga 3,14-21: Một Tình Yêu Vượt Quá Tầm Suy Nghĩ Của Con Người
Ga 3,16-18: Một Tình Yêu Không Thể Tin Được
Ga 4,5-42: Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
Ga 6,1-15: Đức Giêsu Hóa Bánh Ra Nhiều
Ga 6,24-35: Tôi Là Bánh Ban Sự Sống
Ga 6,35-40: Tôi Sẽ Cho Họ Sống Lại
Ga 6, 41-51: Tôi Là Bánh Hằng Sống Từ Trời Xuống
Ga 6,51-58: Sự Sống Xuất Phát Từ Hành Động Trao Ban Sự Sống
Ga 6,54a.60-69: Bỏ Đi Hoặc Ở Lại
Ga 8,1-11: Đức Giêsu Và Người Phụ Nữ Ngoại Tình
Ga 9,1-41: Ánh Sáng Cho Người Mù
Ga 10,1-10: Đức Giêsu Là Cửa Ràn Chiên