Skip to content
Main Banner

Lc 12,32-48: Tỉnh Thức Để Sẵn Sàng Đón Chúa

BTT OFMVN 01
2024-03-12 16:21 UTC+7 1066
Tục ngữ có câu: “Xa mặt, cách lòng”. Chúng ta luôn cần có sự hiện diện của người khác, cần liên tục gặp gỡ người khác, để có một tương quan bền chặt và sống động với người ấy. Để sống trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta phải luôn hướng về Người bằng sự tỉnh thức và sẵn sàng. Cuộc sống của chúng ta phải luôn là một nỗ lực quy hướng về Người. Người có “xa mặt”, nhưng Người vẫn ở với “lòng” chúng ta; trái tim chúng ta phải “đầy” Người.

Lc 12,32-48: Tỉnh Thức Để Sẵn Sàng Đón Chúa

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 12,32-48 [1]

32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

33 “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. 34 Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

35 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. 36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. 37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. 38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. 39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. 40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

41 Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 42 Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? 43 Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. 44 Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. 45 Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, 46 chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

47 “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. 48 Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”.

***

1.- Ngữ cảnh

Cuộc hành trình lên Giêrusalem đang tiếp diễn, đến Lc 12,22, Đức Giêsu lại ngỏ lời với các môn đệ trong đám đông. Đề tài của những lời Người nói nhắm đến các của cải trần thế (Lc 12,22-32).[2] Có thể nói phân đoạn 12,22-32 là bài bình luận Dụ ngôn Ông phú hộ. Bản văn Phụng vụ đọc hôm nay giữ lại câu 32: ta thấy Đức Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé” và trấn an họ. Điều này hé cho thấy ý thức của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận, để sống hiệp nhất với nhau.

Lời khuyến khích ngỏ với các môn đệ lại được tiếp nối bằng một lời khuyên triệt để về cách sử dụng của cải trần thế hầu có được một kho báu trên trời (Lc 12,33-34).

Sau đó, trong bản văn Luca, Đức Giêsu thay đổi đề tài. Từ mối quan tâm đến các của cải trần thế, Người chuyển sang đề tài sự tỉnh thức và trung thành (Lc 12,35-46). Sự tỉnh thức và trung thành liên hệ với kho báu trên trời và ý nghĩa của cuộc sống ở chỗ chính những thái độ này giúp đạt tới kho báu ấy. Để nêu bật đề tài sự tín nhiệm và trung thành, Đức Giêsu lại nói đến biện pháp được đề ra để xử những tôi tớ không chu toàn nhiệm vụ.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

– 1) Lời khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (Lc 12,32-34);

– 2) Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (Lc 12,35-48):

    a) Dụ ngôn 1 (câu 35-38),

     c) Dụ ngôn 2 (câu 39-40),

     d) Dụ ngôn 3 (câu 41-48).

3.- Vài điểm chú giải

– Đoàn chiên nhỏ bé (32): Hình ảnh này có thể là một gợi ý tới Is 41,14 trong bản LXX.[3] Ở câu 32, có một sự đối lập giữa cộng đoàn nhỏ bé gồm các môn đệ Đức Giêsu và ân huệ lớn nhất Thiên Chúa hứa ban cho họ (“Nước của Người”).

– Hãy bán tài sản của mình đi (33): Lý do của hành vi này được diễn tả ở Lc 12,21,[4] hầu trở nên “giàu có trước mặt Thiên Chúa”. Xem Lc 18,22; Mt 19,21.[5]

– Bố thí (33): Xem Lc 11,41; Tb 4,7-11; Hc 35,2.[6]

– Một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời (33): Xem Lc 16,9c; 18,22e.[7]

– Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó (34): Câu này có nghĩa là: Nếu anh em đặt kho tàng của anh em trên trời, thì lòng (trái tim) của anh em cũng sẽ hướng về những sự trên trời.

– Anh em hãy thắt lưng cho gọn (35): Lời huấn thị này có thể gợi tới lệnh được ban cho con cái Israel khi cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên (Xh 12,11.22-23).[8] Nhưng sau này, ở trong Cựu Ước, công thức trở thành một lời huấn dụ quen thuộc về sự sẵn sàng hoặc về việc phục vụ (x. 1V 18,46; 2V 4,29; 9,1; G 38,3; 40,7).[9]

– Thắp đèn cho sẵn (35): Hình ảnh các đèn cháy sáng nói lên sự tỉnh thức. Xem Lc 8,16; 11,33.[10]

– Canh hai hoặc canh ba (38): Đây là cách chia thời gian của đêm (từ 6g00 chiều đến 6g00 sáng) theo người Rôma: thành bốn khoảng (“canh”, phylakai) đều nhau (6g-9g, 9g-12g, 12g-3g, 3g-6g); mà cũng có thể là cách chia của người Hy Lạp và Do Thái: thành ba canh (6g-10g, 10g-2g, 2g-6g). Theo Công Vụ Tông Đồ, tác giả Luca dường như xác định bốn canh (Cv 12,4).[11]

– Khoét vách nhà mình (39): Các vách nhà Palestin được trét đất, nên trộm có thể khoét thủng.

– Ông sẽ loại hắn ra (46): Dịch sát là “ông sẽ xẻ đôi hắn ra” (dichotomeô, “xẻ đôi, cắt đôi; trừng phạt dữ tợn”). Có lẽ sự trừng phạt này liên hệ đến hai đòi hỏi nơi người quản lý, “trung tín và khôn ngoan”.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Lời khuyến khích của Đức Giêsu về cách sử dụng của cải (12,32-34)

Đức Giêsu gọi các “môn đệ” là “đoàn chiên nhỏ bé”. Điều này hé cho thấy ý thức của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi về bản thân qua cuộc đấu tranh để được nhìn nhận, để sống liên kết và hiệp nhất. Đức Giêsu trấn an họ: “Đừng sợ!”, cho dù họ chỉ là một nhóm bé nhỏ. Điều này khiến độc giả nhớ lại những đoạn tóm rất lý tưởng về đời sống của cộng đoàn tiên khởi trong sách Công Vụ Tông Đồ (2,42-47; 4,32-35).[12]

Sau đó, Đức Giêsu nêu ra một cách sử dụng triệt để các của cải vật chất. Các môn đệ phải “bán” chúng đi và cho đi như “của bố thí”. Chỉ bằng cách đó, họ mới sắm được cho mình “những túi tiền” không hề cũ rách và tích lũy được “một kho tàng” không thể hao hụt ở trên trời. Đức Giêsu sẽ trở lại với đề tài này ở Lc 16,13.[13]

Trong bài Lc 12,13-21,[14] chúng ta đọc truyện Nhà phú hộ. Ông này phạm hai sai lầm: ông đã không làm giàu cho mình “trước mắt Thiên Chúa” và ông để cho cái chết đến bắt cách bất chợt ông. Đức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ cách trở nên giàu có trước mắt Thiên Chúa: chia sẻ những gì mình có với những người kém may mắn hơn. Còn để tránh bị cái chết bất chợt, Người kể ba câu truyện (câu 35-38; câu 39-40; câu 41-48).

* Những dụ ngôn của Đức Giêsu về tỉnh thức và trung thành (35-48)

Sự ẩn mình và vẻ bề ngoài vắng mặt hoàn toàn của Thiên Chúa luôn luôn là một gánh nặng và một thử thách cho các tín hữu. Thiên Chúa có vẻ xa vời và yếu đuối. Từ đó, chúng ta sống buông thả, vô trách nhiệm. Với các dụ ngôn sau đây, Đức Giêsu gây ý thức cho các môn đệ về những mối nguy đang rình rập họ, và cho thấy là Người vẫn đang có đó, Người biết và Người sẽ ban thưởng.

Yếu tố chung của các dụ ngôn là sự vắng mặt của ông chủ. Các bản văn này dạy các tôi tớ biết phải làm gì khi ông chủ đi vắng. Bổn phận dầu tiên của họ là tỉnh thức và sẵn sàng. Theo phong tục thời ấy, ai đã tháo dây lưng và cởi áo khoác, là ngưng làm việc để đi nghỉ. Còn ai thắt áo khoác bằng dây lưng thì sẵn sàng làm việc hoặc sẵn sàng lên đường. Với ngọn đèn cháy sáng, người ta có thể làm một công việc đột xuất ngay ban đêm. Như thế, người ta được yêu cầu là phải sẵn sàng mọi giờ. Đoạn văn kế tiếp so sánh chuyện Chúa đến cũng đột xuất và bất ngờ như là việc trọm đến; nghĩa là không có lúc nào mà ta không phải sẵn sàng tính sổ với Người.

Các dụ ngôn đặc biệt cho thấy rằng giữa người đi vắng và những người có mặt có một tương quan bậc trên – lệ thuộc. Những người hiện diện không phải là những chủ nhân tự do của chính mình. Họ phải điều chỉnh cách sống và cư xử theo ý của ông chủ. Để cho tương quan giữa ông chủ và các tôi tớ không bị buông lỏng, các dụ ngôn yêu cầu phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, tức là luôn ra sức quy hướng về Chúa. Cho dù Người có xa cách theo tầm nhìn, Người vẫn phải luôn ở trong tim các tôi tớ.

Bản văn lại cho thấy phản ứng lạ lùng của ông chủ khi trở về mà thấy các tôi tớ sống như vậy. Ông sẽ thế chỗ họ. Ông đảm nhận nhiệm vụ tôi tớ và xử với họ như với các ông chủ: cho họ ngồi vào bàn ăn và phục vụ họ. Cách xử sự của ông chủ khiến các môn đệ Đức Giêsu hiểu rằng ông chủ đánh giá cao cách sống của họ, ông thât sự vui mừng và ông diễn tả ra lòng biết ơn đối với họ. Dĩ nhiên ông vẫn là ông chủ – nhưng chính vì thế, việc phục dịch của ông mới đáng kể – và họ vẫn là các tôi tớ – nhưng chính vì thế, vinh dự ông chủ ban cho họ thật là to lớn. Nhưng ta thấy rằng tương quan chủ–nô này không có gì là bất nhân và phi ngã cả. Ông chủ ước mong các tôi tớ của ông liên kết bền vững với ông theo cách riêng tư và thân tình và ông biết đánh giá cách sống này theo cách rất riêng tư. Các tôi tớ phải luôn mang ông chủ vắng mặt trong tim và phải để cho ý muốn của ông luôn hướng dẫn mình. Nhưng họ cũng có thể tin chắc rằng ông chủ cũng dành trái tim cho họ.

Tất cả các tôi tớ đều phải tỉnh thức khi ông chủ trở về. Nhưng sau câu hỏi của Phêrô, ta thấy có những tôi tớ có một trách nhiệm đặc biệt. Ông chủ đã giao cho những người này một nhiệm vụ điều hành và lãnh đạo các tôi tớ khác. Điều này hàm chứa một nguy cơ đặc biệt và do đó, họ có trách nhiệm đặc biệt. Họ chỉ là những người quản lý, chứ không phải là những lãnh đạo theo đúng lý. Họ phải trung thành làm theo những bố trí của ông chủ và phải tỏ ra bén nhạy. Họ phải coi sóc và phục vụ các tôi tớ khác. Họ không được tìm cách thoát ra khỏi dây liên kết với ông chủ vắng mặt, nhưng phải sống dây liên kết này một cách đặc biệt mạnh mẽ. Nếu họ lạm dụng địa vị và cư xử với các bạn cách độc tài, họ sẽ bị trừng phạt đặc biệt (“xẻ đôi”); còn nếu họ tỏ ra trung tín, ông chủ sẽ bày tỏ lòng biết ơn và sự tín nhiệm của ông đối với họ.

+ Kết luận

Chính vì Chúa Cha đã sẵn sàng ban sự sống đời đời (Nước Ngài) cho chúng ta, chúng ta phải biết cách sống theo chiều hướng đó. Vì thế Đức Giêsu dạy chúng ta vừa phải biết sử dụng của cải vừa phải biết điều hành cuộc sống của chúng ta theo chiều hướng đó. Đức Giêsu chính là Đấng đến bày tỏ cho chúng ta biết ý muốn đó của Thiên Chúa và giúp chúng ta thi hành. Rồi ngày nào đó, Người sẽ thay mặt Thiên Chúa đến kiểm chứng về cách sống của chúng ta. Đến đây chúng ta phải ghi khắc rằng không thể nào phủ nhận dây liên kết với Đức Giêsu và sự trung thành phải có đối với nhiệm vụ Người đã giao phó. Các đòi hỏi trong các dụ ngôn thật ra không phải là những mệnh lệnh độc đoán. Chúng cho thấy những điều dứt khoát phải làm, phải sống, để chuẩn bị đón Chúa đến và sống với Người, để đi vào hiệp thông trọn vẹn với Người.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Mãi mãi Giáo Hội của Đức Kitô là một “đoàn chiên bé nhỏ”. Do đó, Giáo Hội phải luôn tin tưởng vào Vị Mục Tử của mình là Đức Kitô cũng như vào Chúa Cha. Sự tin tưởng đó phải được diễn tả ra bằng việc kiên trì sử dụng của cải vật chất mà tậu cho mình kho tàng đích thực trên trời.

2. Những con người, những tương quan, những sức mạnh thiên nhiên, các bệnh tật, các biến cố trong lịch sử… can thiệp dứt khoát vào cuộc sống của chúng ta và tìm cách chế ngự chúng ta. Đứng trước những sức mạnh và thế lực mà chúng ta cảm nhận rất rõ ấy, Thiên Chúa dường như ở xa và lại yếu đuối nữa. Chúng ta dám có thể cảm thấy mệt mỏi; dây liên kết chúng ta với Ngài ngày càng nên mong manh hơn, ngày càng ít ảnh hưởng trên đời sống chúng ta hơn. Chúng ta rất có thể để sang một bên nhiệm vụ mà Ngài đã giao phó cho ta và xử sự vô trách nhiệm theo tính ngẫu hứng. Hôm nay, Đức Giêsu lưu ý về những mối nguy ấy và cho biết Người sẽ ban gì cho những ai tỉnh thức và trung thành.

3. Tục ngữ có câu: “Xa mặt, cách lòng”. Chúng ta luôn cần có sự hiện diện của người khác, cần liên tục gặp gỡ người khác, để có một tương quan bền chặt và sống động với người ấy. Để sống trong tương quan mật thiết với Chúa Giêsu, chúng ta phải luôn hướng về Người bằng sự tỉnh thức và sẵn sàng. Cuộc sống của chúng ta phải luôn là một nỗ lực quy hướng về Người. Người có “xa mặt”, nhưng Người vẫn ở với “lòng” chúng ta; trái tim chúng ta phải “đầy” Người.

4. Hôm nay, bằng nhiều cách, Chúa Giêsu vẫn hiện diện: trong bánh và rượu là Mình và Máu Người; trong Lời Người; trong những người túng quẫn (x. Mt 25,31-46);[15] trong mọi con người mà Người đã nắn đúc nên theo hình ảnh Người, mà càng ngày họ càng nên như thế do gặp gỡ sống động với Người. Chúng ta có thể và phải sống gắn bó mật thiết với Người. Khi đó, chúng ta đang tỉnh thức và sẵn sàng.

5. Chúa Giêsu không bắt chúng ta gắn bó với Người như những tên nô lệ, dù tư cách chúng ta đúng là như thế. Sự gắn bó với Người sẽ đưa tới niềm vui và hạnh phúc Người ban cho sau này. Người muốn chúng ta sống theo ý Người chỉ là để ban cho chúng ta tất cả.

6. Các thủ lãnh của cộng đoàn cũng được mời gọi suy nghĩ về cách mình đang chu toàn trách nhiệm. Các ngài phải “trung tín và khôn ngoan” trong khi thi hành bổn phận: Chúa Giêsu đã đặt các ngài lên coi sóc những người ở dưới quyền của Chúa để phục vụ họ. Đây là một trách nhiệm nặng nề vì đòi hỏi luôn luôn đúng giờ và trung tín; nếu họ lạm quyền, họ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Chúng ta cầu nguyện nhiều cho các ngài.

 

[1] Bản Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 12,22-32: 22 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; 23 vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. 24 Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao! 25 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay? 26 Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? 27 Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 28 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 29 Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm. 30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. 31 Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho. 32 “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.

[3] Is 41,14: 14 Đừng sợ, hỡi Gia-cóp, loài sâu bọ, hỡi Ít-ra-en, kẻ mọn hèn. Chính Ta phù trợ ngươi – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Ít-ra-en”.

[4] Lc 12,21: 21 “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

[5] Lc 18,22: 22 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

Mt 19,21: 21 Đức Giê-su đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

[6] Lc 11,41: 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.

Tb 4,7-11: Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tùy con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít. Như thế là con tích trữ một vốn liếng vững chắc cho những ngày gian nan. 10 Thật vậy, việc bố thí cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty. 11 Vì trước nhan Đấng Tối Cao, của bố thí là một lễ vật quý giá cho những ai làm việc bố thí.

Hc 35,2: Tỏ lòng biết ơn là dâng bột tinh hảo, làm việc bố thí là dâng lễ ngợi khen.

[7] Lc 16,9c; 18,22e: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 18 22 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông: “Ông chỉ còn thiếu có một điều, là hãy bán tất cả những gì ông có mà phân phát cho người nghèo, và ông sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”.

[8] Xh 12,11.22-23: 11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA. 22 Anh em sẽ lấy một bó hương thảo, nhúng vào máu trong chậu và lấy máu từ trong chậu bôi lên khung cửa; và không ai trong anh em sẽ ra khỏi cửa nhà mình cho đến sáng. 23 ĐỨC CHÚA sẽ rảo khắp Ai-cập để đánh phạt, và khi thấy máu trên khung cửa, ĐỨC CHÚA sẽ vượt qua trước cửa và không để cho Thần Tru Diệt vào nhà anh em mà đánh phạt.

[9] x. 1V 18,46: 46 Tay ĐỨC CHÚA đặt trên ông Ê-li-a; ông thắt lưng và chạy trước vua A-kháp cho tới lúc vào Gít-rơ-en.

2V 4,29; 9,1: 29 Ông Ê-li-sa bảo Giê-kha-di: “Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại. Ngươi sẽ đặt gậy của ta trên mặt cậu bé”. 9 Ngôn sứ Ê-li-sa gọi một người trong nhóm anh em ngôn sứ và bảo: “Hãy thắt lưng và cầm theo lọ dầu này, mà đi tới Ra-mốt Ga-la-át.

G 38,3; 40,7: Như dũng sĩ, hãy thắt chặt đai lưng, Ta sẽ tra hỏi ngươi và ngươi hãy trả lời. 40 Hãy thắt chặt đai lưng như dũng sĩ, Ta sẽ tra hỏi ngươi, và ngươi hãy trả lời.

[10] Lc 8,16; 11,33: 16 “Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 11 33 “Chẳng có ai đốt đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hoặc dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng”.

[11] Cv 12,4: Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng.

[12] Cv 2,42-47; 4,32-35: 42 Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. 43 Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. 44 Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. 45 Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. 46 Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 47 Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ. 4 32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. 33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. 34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, 35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.

[13] Lc 16,13: 13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

[14] Xem: Mức độ của đời sống như là giá trị lớn nhất https://catechesis.net////index.php/thanh-kinh/tan-uoc/cac-sach-tin-mung/tm-luca/3538-lc-12-13-21-muc-do-cua-doi-song-nhu-la-gia-tri-lon-nhat

[15] x. Mt 25,31-46: 31 “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.

=======

CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ

Lc 1,1-4; 4,14-21: Đức Giêsu Tại Nazareth

Lc 1,26-38: Ơn Gọi Của Đức Trinh Nữ Maria 

Lc 1,39-45: Đức Maria Viếng Thăm Bà Elisabeth

Lc 2,1-20: Máng Cỏ Và Vinh Quang Thiên Quốc

Lc 2, 22 – 40: Dâng Đức Giêsu Trong Đền Thánh

Lc 2,41-52: Đức Giêsu Tại Đền Thờ

Lc 3, 1-6: Gioan Tẩy Giả Rao Giảng

Lc 3,10-18: Hãy Sinh Những Hoa Quả Hối Cải

Lc 3,15-16.21-22: Đức Giêsu Chịu Phép Rửa

Lc 4,1-13: Con Thiên Chúa Và Đối Thủ Của Thiên Chúa

Lc 4,21-30: Đức Giêsu Thất Bại Tại Nazareth

Lc 5,1-11: Đức Giêsu Và Vị Tông Đồ Đầu Tiên

Lc 7,11-17: Con Trai Bà Góa Nain Sống Lại

Lc 7,36–8,3: Đức Giêsu Tha Thứ Cho Người Phụ Nữ Tội Lỗi

Lc 9,11b-17: Đức Giêsu Hóa Bánh Ra Nhiều

Lc 9,18-24: Phêrô Tuyên Xưng Đức Tin Và Đức Giêsu Tiên Báo Cuộc Thương Khó Lần Đầu

Lc 9,28b-36: Đức Giêsu Hiển Dung

Lc 9,51-62: Tự Giải Thoát Và Tự Ràng Buộc

Lc 10,1-12.17-20: Sứ Mạng Của Bảy Mươi [Hai] Môn Đệ

Lc 10,25-37: Ai Là Người Thân Cận Của Tôi?

Lc 10,38-42: Người Khách Muốn Gì?

Lc 11,1-13: Lời Kinh Của Chúa – Hình Ảnh Của Thiên Chúa

Lc 12,13-21: Mức Độ Của Đời Sống Như Là Giá Trị Lớn Nhất

 


Chia sẻ