Lc 1,26-38: Ơn Gọi Của Đức Trinh Nữ Maria
Lc 1,26-38: Ơn Gọi Của Đức Trinh Nữ Maria
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 1,26-38 [1]
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”.
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
***
1.- Ngữ cảnh
Câu truyện thứ hai của Tin Mừng Luca trong phân đoạn gọi là “Tin Mừng về thời thơ ấu” (Lc 1,5–2,52) song song với câu truyện thứ nhất: cũng như cuộc chào đời lạ lùng của Gioan Tiền Hô được loan báo cho cha là Zacharias (Lc 1,5-25),[2] cuộc chào đời lạ lùng của Đức Giêsu sẽ được loan báo cho mẹ của Người là Đức Maria (Lc 1,26-38). Cũng giống như trong lời loan báo cuộc chào đời của Gioan, ở đây cũng có một cái khung gồm năm yếu tố thuộc về thể văn loan báo các cuộc chào đời trong Cựu Ước (xem các cuộc chào đời của Ishmael, Isaac, Samson, Samuel):
– a) Sứ thần đi vào (1,28),
– b) Đức Maria bối rối (1,29),
– c) Sứ điệp của trời cao (1,30-33),
– d) Vấn nạn của Đức Maria (1,34bc),
– e) Sứ thần trấn an và cho dấu chỉ: bà Elisabeth có thai (1,35b-37).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
– 1) Khung cảnh và các nhân vật (1,26-27);
– 2) Cuộc đối thoại giữa Sứ thần Gabriel và Đức Maria (1,28-37):
+ a) Sứ thần truyền tin (câu 28-33),
+ b) Câu hỏi trung tâm (câu 34),
+ c) Sứ thần giải thích (câu 35-37);
– 3) Sự chấp thuận của Đức Maria (1,38).
3.- Vài điểm chú giải
– Gabriel (26): Tác giả Luca nhận ra rằng, “Sứ thần của Chúa” là Sứ thần thuộc lời sấm của sách Daniel Chương 9 về bảy mươi tuần; ngài đã đến với Daniel “vào lúc dâng lễ vật ban chiều” (Đn 9,21; x. 8,16).[3] Cùng với Michael (Đn 10,13; 12,1)[4] và Raphael (Tb 3,17),[5] Gabriel là một trong ba Sứ thần được nêu tên rõ ràng trong Cựu Ước. Tên “Gabrý-’èl” có nghĩa là “Thiên Chúa là anh hùng” hay “Thiên Chúa là chiến sĩ của tôi”.
– Nazareth (26): Nazareth không được nhắc đến cả trong Cựu Ước lẫn trong các tác phẩm của sử gia Phl. Joshep hoặc các tác phẩm chú giải của các kinh sư. Chúng ta biết đến thôn làng này nhờ một mảnh bản văn khắc bằng tiếng Hippri tìm ra năm 1962 ở bờ biển Caesarea, trong đó liệt kê hai mươi bốn nhóm tư tế (x. Lc 1,5) và các làng hoặc thành phố nơi các nhóm ấy cư trú. Nhóm thứ mười tám là nhóm Happozzez được ghi là cư trú tại Nsrt, “Nazareth”. Bản văn khắc này thuộc về cuối thế kỷ III hoặc đầu thế kỷ IV sau Đức Giêsu Giáng Sinh. Ở đây, tên Hy Lạp được ghi là “Nazareth”, nhưng ở Lc 4,16,[6] tên được ghi là “Nazara” (cũng như ở Mt 4,13).[7]
– Thành hôn (27): Thuật ngữ “thành hôn” hay “đính hôn” (Hy Lạp: emnèsteumenèn) ở đây là dạng “perfect participle passive” của động từ “mnèsteuò”, “đính hôn”, “betroth”. Dạng ngữ pháp này có nghĩa là việc đính hôn đã xảy ra và vẫn còn tồn tại. Giáo sư Fitzmyer (chuyên về truyền thống Luca) đã dịch “emnèsteumenèn” là “engaged to a man”; Bản dịch Đại kết (TOB) dịch là “accordée en mariage à un homme”; Bản dịch của École de Jérusalem (BJ) dịch là “fiancée à un homme”. Dường như toàn câu văn Luca lấy từ Bản LXX của Đnl 22,23:[8] “parthenos memnèsteumenè andri, “khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông” (x. Mt 1,18).[9] Ở bên Palestin, việc kết hôn của người con gái diễn ra thành hai giai đoạn:
+ (1) Lễ “cam kết” (Hippri: “èrusin” = Latin “sponsalia”), hay là việc trao đổi về hình thức sự ưng thuận kết hôn trước mặt những người chứng (x. Ml 2,14)[10] và trả khoản “mòhar”, “giá cô dâu” (là một khoản tiền trả cho cha mẹ cô gái; x. St 34,12; Xh 22,16; 1Sm 18,25);[11]
+ (2) Chính lễ “thành hôn” (Hippri: “nissuin”) hoặc là lễ “mang (rước)” cô gái về nhà chàng trai (x. Mt 1,18; 25,1-13).[12]
Lễ “cam kết” đã cho chàng rể có những quyền pháp lý trên cô gái, và cô gái này đã có thể được gọi là “vợ” (Hy Lạp: “gynè”, x. Mt 1,20.24) của anh.[13] Việc cam kết chỉ bị phá hủy khi anh ta ly dị cô. Do đó, bất cứ hành vi nào của cô vi phạm các quyền làm chồng của anh đều bị coi là ngoại tình. Sau lễ nghi cam kết, người con gái thường vẫn ở tại gia đình mình khoảng một năm trước khi được mang (rước) về nhà chồng.
Như vậy, vào lúc được truyền tin tại Nazareth, cô Maria đã cam kết thành hôn với anh Giuse rồi, có nghĩa là đã kết hôn đúng pháp lý với anh Giuse, đã thật sự là “vợ” của anh; cô chỉ chưa được rước về nhà anh Giuse thôi. Với lại, chúng ta thấy khi đọc Lc 2,5:[14] Dù lúc đó cô Maria đã về chung sống với anh Giuse rồi, tác giả Luca vẫn gọi Maria là “emnèsteumenè”. Ở đây, Fitzmyer cứ dịch sát là “his fiancée”; bản TOB dịch thẳng ra là “épouse”; còn bản BJ cũng dịch là “sa fiancée”. Dù sao, dựa vào bản Luca Hy Lạp, chúng ta có thể hiểu “hứa hôn” cũng là “thành hôn”. Bản Nova Vulgata đã dịch là “desponsatam”, “hứa hôn”, nhưng đến Lc 2,5, bản văn đã dịch và thêm từ ngữ “uxor” (vợ) để giải thích từ “desponsata” thành một câu như sau: “cum Maria desponsata sibi, uxore praegnante”, “cùng với Maria đã đính hôn với ông, vợ đang có thai”. Như thế, bản Nova Vulgata vừa giữ từ ngữ có nghĩa “đính hôn”, vừa giải thích theo nghĩa truyền thống Hippri: “đính hôn” đây có nghĩa là “vợ” về pháp lý.
– Giuse (27): Hầu như chắc chắn đây là dạng gọi tắt của tên “Yòsýp-yah”, có nghĩa là “ước gì Đức Chúa thêm cho” [các đứa con khác ngoài đứa con vừa chào đời] (x. Er 8,10; St 30,24).[15]
– Maria (27): Đây là tên của chị ông Moses (Hippri: “Miryam”; Xh 15,20).[16] Bản LXX thường viết là Mariam, cũng như Luca ở đây, nhưng cách đọc tốt hơn là Maria, được chứng thực trong các bản văn ngoài Kinh Thánh (x. Lc 2,19).[17] Miryam (và Mariam) là một tên Semite, có nguồn gốc Canaan, có liên hệ với danh từ “mrym” (Ugarít và Hippri) nghĩa là “độ cao, đỉnh cao”.
– Mừng vui lên (28): Chaire (đọc là khai-rê) là kiểu chào thông thường trong văn chương Hy Lạp và được cả người Semite dùng trong Tân Ước (x. Mt 26,49; 28,9).[18] Nhưng theo nhiều nhà chú giải, kiểu chào Semite quen thuộc hơn, là “eirènè” (Lc 10,5; 24,36; Ga 20,19.21.26),[19] dịch từ tiếng Hippri “shalòm” hay tiếng Aram “shelàm”. Dạng mệnh lệnh chaire (do động từ chairein), “Mừng vui lên” xuất hiện bốn lần trong Bản LXX (Xp 3,14; Ge 2,21; Dcr 9,9; Ac 4,21).[20] Ba ví dụ đầu là một lời sấm ngỏ với Israel hoặc Jerusalem để nói về cuộc tái thiết Dân Thiên Chúa: “Thiếu nữ Sion”, tức Dân Chúa, được mời gọi vui lên, vì được Đức Chúa đến viếng thăm. Rất có thể Luca đang quy chiếu về Xp 3,14-17,[21] và như thế ám chỉ Đức Maria là “thiếu nữ Sion”, cũng với cùng một lý do: “Đức Chúa ở cùng bà”.
– Hỡi Đấng đầy ân sủng (28): Công thức này chính là một tên riêng Sứ thần đặt cho Đức Maria (x. Tl 6,12),[22] trong tiếng Hy Lạp là “kecharitòmenè” (ở thì pf. pass. ptc). Từ ngữ này cho thấy Đức Maria giống như một bình chứa đựng sự sủng ái của Thiên Chúa; do đó, nên dịch là “Đấng [đã và vẫn còn đang] được [Thiên Chúa] sủng ái” (vì “được sủng ái” nên cũng “đầy ân sủng” như là kết quả của sự sủng ái [Bản Nova Vulgata dịch là “gratia plena”]). Câu này sẽ được giải thích bởi câu 30, “vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” [“người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa”][23] (x. St 6,8; 18,3).[24] Trong Tân Ước, từ “charis” trước tiên có nghĩa là “lòng sủng ái” của Thiên Chúa tỏ ra nơi hành vi thi ân giáng phúc một cách nhưng-không.
– Đức Chúa ở cùng bà (28): Công thức này được dùng thường xuyên trong Cựu Ước, nhưng dưới dạng lời chào thì chỉ có hai lần (R 2,4; Tl 6,12).[25] Trong trường hợp ở sách Rut (2,4) là một lời cầu chúc; còn trong sách Thủ Lãnh (6,12) là một tuyên bố. Do Lc 1,28 tương tự Tl 6,12, nên chúng ta có thể hiểu đây là một tuyên bố.
– Người sẽ nên cao cả (32): x. St 16,11-12.[26]
– Đấng Tối Cao (32): Có thể danh hiệu này liên hệ đến danh hiệu Hippri [‘Elyòn] hoặc danh hiệu Aram [‘Illày], “Đấng Cao cả, Đấng được tôn dương”.
– Tôi không biết đến việc vợ chồng (34): Dịch sát là “vì tôi không biết một người nam (hoặc: một người chồng; Hy Lạp: “andra”)”. Động từ “ginòskein”, “biết”, thường được dùng như một uyển ngữ để chỉ quan hệ vợ chồng (St 19,8; Tl 11,39; x. Mt 1,25).[27]
– Thánh Thần (35): Sự song đối giữa “Thánh Thần” và “quyền năng Đấng Tối Cao” khiến chúng ta hiểu là hai công thức này giải thích lẫn nhau: Thần Khí được hiểu theo nghĩa Cựu Ước, là quyền lực sáng tạo và năng động của Thiên Chúa hiện diện nơi các con người.
– Ngự xuống (35): “eperchesthai”. Câu văn có nghĩa là con trẻ sẽ sinh ra sẽ là một “quà tặng” của Thiên Chúa theo nghĩa viên mãn.
– Sẽ rợp bóng (35): Động từ “episkiazein” được dùng trong Xh 40,35 để chỉ về đám mây vinh quang Thiên Chúa tràn đầy Lều Tạm trong sa mạc.[28]
– Không có gì là không thể làm được (37): Câu này nhắc đến St 18,14 (Bản LXX) liên hệ đến Sarah, vợ son sẻ của Abraham.[29]
– Xin Người thực hiện cho tôi như lời Thiên sứ nói (38): Tác giả Luca dùng thể opt. genoito, diễn tả một nguyện ước có thể đạt được.
Các điểm gặp nhau giữa Lc 1 và 2Sm 7:[30]
2 Sm 7
Lc 1
câu 9: “một danh lớn”
câu 32: “Ngài sẽ làm lớn”
câu 13: “ngai vương quyền nó”
câu 32: “ngai David cha Ngài”
câu 14: “nó sẽ là con Ta”
câu 32: “Con Đấng Tối cao”
câu 16: “nhà ngươi, vương quyền của ngươi”
câu 33: “vua trên nhà Yacob cho đến đời đời”
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Khung cảnh và các nhân vật (26-27)
Tác giả Luca cho thấy vẫn là Sứ thần Gabriel, đấng đã đến gặp ông Zacharias, loan báo cuộc chào đời của Đức Giêsu. Khung cảnh thời gian là “tháng thứ sáu” rõ ràng phản ánh bút pháp của Luca, vì nhằm nối kết truyện này với phần kết của truyện Gioan Tẩy Giả (Lc 1,24b-25). Zacharias đã được loan báo về cuộc chào đời và nhiệm vụ của con ông là Gioan. Nay đến lượt Đức Maria được loan báo về cuộc chào đời và định mệnh của Đức Giêsu, người con của Mẹ.
Đức Maria được giới thiệu là “trinh nữ” hai lần, còn Giuse được gọi là vị hôn phu chứ không phải là chồng (x. Mt 1,18-20) thuộc nhà David. Nơi chốn là Nazareth; tác giả Luca đã gọi bằng tên Hy Lạp cao quý “polis” (thành phố), nhưng đây chỉ là một thôn làng nhỏ bé. Đây cũng là nơi Đức Giêsu sẽ sống mười hai năm đầu đời (Lc 2,39-40)[31] và là thành chứng kiến tuổi trưởng thành của Đức Giêsu, bởi vì tại đây, Người sẽ quy phục Đức Maria và Thánh Giuse và sống trước nhan Thiên Chúa (Lc 2,51-52)[32] để trở nên một người lớn. Đây là thành của Người, vì từ đây, Người được gọi là “người Nazareth” (Lc 4,34; 18,37; 24,19).[33]
* Cuộc đối thoại giữa Sứ thần Gabriel và Đức Maria (28-37)
– a) Sứ thần truyền tin (28-33)
Tin Mừng nói về Maria như là “trinh nữ làng Nazareth”. Nazareth là một thôn làng không quan trọng (x. phản ứng của Natanaen: Ga 1,46).[34] Đây không phải là khung cảnh của Đền Thờ Jerusalem, với các lễ dâng, với hương khói (x. Lc 1,8-9) vào một ngày đại lễ. Maria là “trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,27).
Nếu đối chiếu câu truyện truyền tin cho Zacharias (Lc 1,5-20), chúng ta sẽ thấy nổi lên những điểm sau: Sứ thần Gabriel là sứ giả loan báo những điều quan trọng và chính ngài liên kết hai bài tường thuật, bằng cách luôn luôn đưa độc giả về với Đấng sai phái; Gioan là lời hứa ban cho Zacharias và Elisabeth; “Con Đấng Tối Cao”, Đấng ngự trên “ngai vàng vua David, tổ tiên Người”, Đấng trị vì mãi mãi trên nhà Jacob, là nội dung sứ điệp ban cho Maria. Vị Tiền Hô trong Đền Thờ của Luật cũ; Đấng Mesiah tại Hòm Bia Giao ước. Một người đàn ông, một tư tế, có một gia phả rõ ràng (thuộc nhóm Avia), được mạc khải là sắp có một cuộc chào đời lạ lùng do Thiên Chúa can thiệp; một người thiếu nữ, không hề nổi tiếng về dòng tộc, được báo cho biết là sẽ có con trong khi vẫn là trinh nữ.
Maria được Thiên Chúa kêu gọi và được làm cho có khả năng trở thành mẹ. Mẹ được tháp vào trong chuỗi những người đặc biệt được Thiên Chúa kêu gọi, đã nhận được từ nơi Thiên Chúa một nhiệm vụ đặc biệt nhằm đưa lại sự thiện hảo cho Dân Thiên Chúa. Trong lời chào của Sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28), khung cảnh ơn gọi của Đức Maria được xác định, đó là: niềm vui, ân sủng và sự trợ giúp của Thiên Chúa. Lời đầu tiên của Sứ thần thường được dịch ra thành một lời chào chung chung: “Kính chào bà!”. Khi xuất hiện trong bối cảnh là những bước khởi đầu của Đức Giêsu, vị Sứ thần của Chúa luôn luôn đưa lại niềm vui lớn lao: cho Zacharias (Lc 1,14) và các mục đồng (Lc 2,10).[35] Tất cả có đó để cho thấy rằng, nét tiêu biểu của sứ điệp trung tâm và quan trọng hơn của ngài là niềm vui; do đó, lời đầu tiên của ngài có nghĩa chính xác là “Chaire”, “Hãy vui lên!”. Điều đầu tiên Đức Maria nhận được từ Thiên sứ của Thiên Chúa là: “Bà có mọi lý do để vui lên. Điều tôi có nhiệm vụ đến nói cho bà thì liên hệ đến bản tính thâm sâu nhất của bà. Hãy vui lên!”. Công thức này sẽ được nhắc lại dưới dạng phủ định và tiêu cực: “Xin đừng sợ”.
Đức Maria được mô tả là “Đấng đầy ân sủng/Đấng được sủng ái”, được chọn làm Mẹ của Đấng được chào là Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô, Đức Chúa (Lc 2,11).[36] Yếu tố này của mẫu tính nơi Đức Maria sẽ lại xuất hiện trong Tin Mừng thứ III (Lc 8,19-21; 11,27-28)[37] và trong Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,14).[38] Đức Maria không trả lời ngay với niềm vui chan hòa. Mẹ bị đánh động, Mẹ suy nghĩ, xin một lời giải thích, rồi chấp nhận nhiệm vụ với niềm tin. Chỉ trong cuộc gặp gỡ với bà Elisabeth, niềm vui của Mẹ mới bung mở ra, trong bài thánh ca ngợi khen Magnificat (Lc 1,46-55).[39]
Câu nói thứ hai của Sứ thần là “bà được sủng ái”, cho hiểu lý do của niềm vui này: “Bà được sủng ái, nghĩa là Thiên Chúa đã ban cho bà cách vĩnh viễn ân sủng của Người, sự sủng ái của Người, sự bằng lòng của Người. Tình yêu đầy nhân ái của Người được ngỏ với bà”. Sứ thần nói tiếp: “Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30); câu này diễn tả ý nghĩa của cụm từ “bà đầy ân sủng”. Đặc điểm này nơi Đức Maria nổi bật đến nỗi Sứ thần đã chào người không bằng tên riêng “Maria”, mà bằng “Bà-được-sủng-ái” như một tên riêng mới. Quan hệ của Thiên Chúa với Mẹ được diễn tả ra như thế. Nền tảng ơn gọi của Đức Maria và của mọi niềm vui được xác định như thế. Hầu như có thể nói, “Maria” là tên Mẹ đã nhận được từ cha mẹ; còn “Bà-đầy-ân-sủng/được-sủng-ái” là tên đã được Thiên Chúa ban cho Mẹ.
Sứ thần lại nói: “Đức Chúa ở cùng bà”, câu này nhắm tới sự giúp đỡ của Thiên Chúa. Đây không phải là một sự hiện diện tổng quát (và mơ hồ) của Thiên Chúa, nhưng là sự trợ giúp thực sự, hữu hiệu. Lời đảm bảo này chỉ được ban cho những vĩ nhân được kêu gọi trong lịch sử dân Thiên Chúa (Jacob, Moses, Josue, Gihon, David). Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào việc kêu gọi, rồi bỏ mặc người ta, nhưng đồng hành với họ và làm cho họ có khả năng chu toàn nhiệm vụ. Người đảm bảo là Người hiện diện và trợ giúp họ thường xuyên. “Đức Chúa ở cùng bà” sẽ được chứng thực bằng cuộc chào đời của con trẻ.
Đức Maria đã phản ứng lại lời chào của Sứ thần vừa trên bình diện cảm xúc, vừa trên bình diện lý trí: Maria ngạc nhiên (“rất bối rối”) và suy nghĩ (“tự hỏi”). Maria mở ra với sứ điệp này và cố gắng hiểu sâu xa hơn. Sứ thần liền trình bày nhiệm vụ của Mẹ: “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Trên nền tảng là khả năng tự nhiên của Mẹ là phụ nữ, Đức Maria được gọi đưa lại sự sống cho Đức Giêsu, phải đón nhận cuộc sống con người của Đức Giêsu vào lòng. Đức Maria cũng phải cho Người một cái tên, rồi trước và hơn những người khác, phải dành hết thì giờ và trọn bản thân mà chăm sóc Người cả về thân xác lẫn tinh thần trong nhiều năm.
– b) Câu hỏi trung tâm (34)
Khi hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (câu 34), Đức Maria xin thêm một lời giải thích nữa. Maria đón nhận các lời của Sứ thần trọn vẹn, không đòi bổ sung, cũng không góp vào những suy tư riêng. Đức Maria tuyên bố về tình trạng của mình là không có khả năng chu toàn nhiệm vụ được ký thác (x. Gr 1,6tt).[40] Câu hỏi được đưa ra với hàm ý: Đức Maria thiếu khả năng là một bản lề trong cuộc đối thoại của Mẹ với Sứ thần, đã đưa đến một mạc khải rõ ràng hơn: Sứ thần đã loan báo sự chào đời của Đấng Mesiah, bây giờ ngài phải loan báo về thể thức trinh khiết của cuộc chào đời ấy. Sứ thần cho biết sự trợ giúp quyền năng của Thiên Chúa: chính quyền lực tác sinh, sáng tạo của Thiên Chúa sẽ làm cho Đức Maria có khả năng phục vụ cuộc sống của Đức Giêsu.
– c) Sứ thần giải thích (35-37)
Lời loan báo chính thức bắt đầu với lời chào của Sứ thần Gabriel. Lời này gồm hai tuyên bố về đặc tính lạ thường của con trẻ Người sẽ cho chào đời và về sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa trong cuộc đời con trẻ.
Cũng như nỗi bất hạnh của bà Elisabeth đã được cất đi do sự can thiệp của Thiên Chúa nơi một người con trai sẽ trở thành “nhân viên” của Đức Chúa (Yhwh), một ngôn sứ trước khi Người đến, thì tình trạng đồng trinh của Đức Maria sẽ được ảnh hưởng của Thiên Chúa tận dụng để Mẹ mang thai một người con trai, người này sẽ là thừa kế vua David và là Con Thiên Chúa. Người sẽ là “Cao Cả” (một danh hiệu dành riêng cho Đức Chúa trong Bản LXX), sẽ được chào là “Con Đấng Tối Cao”, và sẽ ngự trên ngai vàng David để trị vì tới muôn đời. Đây là tầng ý nghĩa thứ nhất (câu 32-33). Ở tầng ý nghĩa thứ hai (câu 35), “Con Đấng Tối Cao” được xác định là Đấng Thánh, Con Thiên Chúa. Nếu sự thành thai của Gioan đòi hỏi một phép lạ, thì sự thành thai của Đức Giêsu, được trình bày song song, cần có một phép lạ lớn hơn, đó là sự thụ thai do một trinh nữ.
Sự thành thai Đức Giêsu xảy đến do bởi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Mẹ (Lc 1,35); kết quả là Đức Giêsu sẽ là Con Thiên Chúa. Các động từ “eperchesthai” và “episkiazein” đều có nghĩa bóng, diễn tả sự can thiệp huyền bí của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa, đưa tới kết quả là vai trò của Đức Giêsu trong dòng tộc David và tư cách Con Thiên Chúa của Người.
Trong cả hai tuyên bố cho Đức Maria, Đức Giêsu được xác định là thuộc dòng dõi David và vai trò của Người là Đấng Mesiah theo lời sấm của Nathan trong 2Sm 7 (so sánh 2Sm 7,9.13-14.16 với Lc 1,32-33). Tuy nhiên, bởi vì không có chỗ nào trong nền văn chương Do Thái tiền Kitô giáo ghi rằng: Đấng Mesiah được mong đợi có tên “Con Thiên Chúa” cách minh nhiên, chúng ta hiểu rằng: danh hiệu “Con Thiên Chúa” không được hiểu theo nghĩa thiên sai. Như vậy, nếu Đức Giêsu là Đấng Mesiah thuộc dòng tộc David (x. câu 32-33), Người không chỉ là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa thiên sai; không chỉ là Đấng Mesiah nhà David, Người còn là Con Thiên Chúa nữa.
Ở tầng thứ hai, một cấu trúc song song được vận dụng để nói rằng: Đức Maria sẽ thụ thai nhờ can thiệp của Thiên Chúa, và do đó, con của người sẽ là Con Thiên Chúa: “Thánh Thần” đến trên người và “quyền năng Đấng Tối Cao” rợp bóng trên người là những công thức song song để nói về can thiệp của Thiên Chúa.
* Sự chấp thuận của Đức Maria (38)
Đối với Luca, Đức Maria là kiểu mẫu cho người tín hữu, được loan báo là có phúc; Và bởi vì đã được sủng ái, Đức Maria sẽ được tuyên bố là có phúc bởi mọi thế hệ (Lc 1,48).
Trong Cv 1,14, Đức Maria ngồi giữa các tín hữu để chờ đợi Thánh Thần mà Đức Giêsu đã hứa. Một điểm quan trọng hơn nữa, đó là Đức Maria là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Ở đây, tác giả Luca báo trước cách ngài sẽ mô tả Đức Maria trong Tin Mừng, đặc biệt ở Lc 8,19-21:[41] Mẹ sẽ là người “nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. Còn ở Lc 1,38: Đức Maria tỏ ra như là người cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Khi cho Sứ thần gọi Đức Maria là “đầy ân sủng”, Thiên Chúa đã cho Maria biết đâu là tương quan của Người với Maria. Nay tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria diễn tả đâu là tương quan của Mẹ với Thiên Chúa. Đức Maria nhìn nhận mình được gọi phục vụ Thiên Chúa. Đức Maria muốn lắng nghe Thiên Chúa và đi theo ý muốn của Ngài. Trong toàn bộ Kinh Thánh, không có một phụ nữ nào, ngoại trừ Đức Maria, được gọi là “nữ tỳ của Chúa”.
+ Kết luận
Đức Maria được ký thác một nhiệm vụ đặc biệt. Hẳn là chúng ta phải nhìn nhận ơn gọi của Mẹ là một ơn gọi đặc biệt và vui mừng với Mẹ. Nhưng xuyên qua nhiệm vụ của Mẹ, chúng ta có thể ghi nhận các đặc tính tổng quát của mọi ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Ơn gọi đến từ lòng nhân từ và sủng ái của Thiên Chúa và có kèm theo sự trợ giúp hữu hiệu của Người. Con người phải dấn thân trọn vẹn và tận dụng hết thì giờ để phục vụ Đức Giêsu. Khi đó, ơn gọi sẽ đưa lại niềm vui, niềm vui phát xuất từ việc phục vụ ấy.
Nhưng điểm còn quan trọng hơn nữa, đó là giáo huấn của tác giả Luca về Đức Giêsu: Người là Đấng Mesiah và là Con Thiên Chúa. Danh hiệu này, không phải là Đức Giêsu sẽ chinh phục được, nhưng thuộc về Người theo quyền ngay khi Người đến trần gian.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Để có thể thực sự hiểu Đức Maria đầy ân sủng và Thiên Chúa bày tỏ lòng thương yêu Mẹ có nghĩa là gì, ta cần phải trước tiên hiểu Thiên Chúa là ai. Đọc Tv 8,[42] chúng ta nhận ra sự ngỡ ngàng kinh ngạc của tác giả khi đứng trước công trình của Thiên Chúa và sự cao cả uy hùng của Người được bày tỏ ra trong đó: “Con người là ai mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải chăm lo?”. Mỗi ơn gọi có đặc điểm là người được gọi càng lúc càng để cho tiếng gọi nắm bắt lấy mình sâu xa hơn. Họ mở cả bản thân ra với tiếng gọi và tìm cách hiểu hết ý nghĩa của nó.
2. Sứ mạng của Đức Maria nối dài và kết thúc sứ mạng của Israel. Mẹ là “thiếu nữ Sion” sẽ mang Đấng Mesiah trong lòng. Mẹ là “nữ tỳ của Chúa” để đảm nhận và làm trọn ơn gọi của dân Thiên Chúa, là tôi tớ của Thiên Chúa, cũng như ơn gọi của những tôi tớ trứ danh của Thiên Chúa trong Cựu Ước (Abraham, Jacob, Moses, David, Salomon, Isaia và Người Tôi Tớ của Đức Chúa ở Is 40–55).
3. Khi nghe loan báo Gioan Tiền Hô sẽ chào đời, ông Zacharias đã yêu cầu một dấu chỉ chứng tỏ sứ điệp đáng tin. Còn Đức Maria thì tin ngay sứ điệp, không đòi hỏi dấu chỉ. Câu hỏi của Mẹ không phải là dấu chứng tỏ một sự hoài nghi, nhưng là một lời xin ánh sáng để soi sáng đức tin của Mẹ. Chính những giải thích sau đó của Sứ thần Gabriel xác nhận điều này. Thánh Anselmo đã nói: Tin là lý trí đi tìm sự hiểu biết. Nhưng rồi Sứ thần đã cho một dấu chỉ: Bà Elisabeth có thai được 6 tháng rồi.
4. Là nữ tỳ của Chúa, Đức Maria gắn bó với chương trình của Thiên Chúa và diễn tả ao ước được thấy chương trình đó được thể hiện. Mẹ đón nhận ơn gọi của mình không mù quáng cũng không theo cách chẳng đặng đừng, nhưng với ý thức sáng suốt về nhiệm vụ của mình và tự do quyết định đi theo ý muốn của Thiên Chúa. “Trong các công trình của Người, Thiên Chúa luôn muốn sử dụng các dụng cụ… Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta có ý chí tự do, muốn rằng chúng ta phục vụ Người cách tự do trong tư cách là những dụng cụ, bằng việc ý chí của ta ưng thuận ý muốn của Người, giống như cách của Mẹ rất thánh khi Mẹ nói: ‘Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời Thiên sứ nói’” (Thánh Maximiliano Kolbe).
5. Lời đầu tiên được ngỏ với Maria trong Tân Ước là một lời mời gọi vui tươi: “Mừng vui lên!”. Một lời chào như thế được liên kết với biến cố Đấng Cứu Thế ngự đến. Với Maria là người đầu tiên được loan báo một niềm vui sau đó sẽ được loan báo cho toàn dân; Mẹ tham dự vào đó theo một cách thức và trong một mức độ phi thường. Nơi Mẹ, niềm vui của Israel cũ được tập trung và được viên mãn; nơi Mẹ, niềm hạnh phúc thời đại thiên sai dứt khoát nổ tung ra. Niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria đặc biệt là niềm vui của “phần dư tồn” Israel (Is 10,20t),[43] là những người nghèo đang chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa và trải nghiệm lòng trung thành của Người (Thánh Gioan Phaolô II).
[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Lc 1,5-25: 5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a ; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. 8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”. 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”. 19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”. 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời”.
[3] x. Đn 8,16; 9,21: 16 Và tôi nghe có tiếng người từ giữa hai cánh cổng U-lai kêu lên rằng: “Gáp-ri-en, hãy cho người này hiểu thị kiến”. 9 21 Tôi còn đang dâng lời cầu nguyện, thì Gáp-ri-en, nhân vật tôi đã thấy trong thị kiến ban đầu, bay sà xuống sát bên tôi vào lúc dâng hiến lễ ban chiều.
[4] Đn 10,13; 12,1: 13 Thiên sứ lãnh đạo vương quốc Ba-tư đứng chống lại ta hai mươi mốt ngày. Và này Mi-ca-en, một trong các thiên sứ lãnh đạo cao cấp, đã đến trợ lực ta. Ta để người ở đó, bên cạnh các vua Ba-tư. 12 1 “Thời đó, Mi-ca-en sẽ đứng lên. Người là vị chỉ huy tối cao, là đấng vẫn thường che chở dân ngươi. Đó sẽ là thời ngặt nghèo chưa từng thấy, từ khi có các dân cho đến bây giờ. Thời đó, dân ngươi sẽ thoát nạn, nghĩa là tất cả những ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa.
[5] Tb 3,17: 17 Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai. Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa ; còn cô Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên, thì được kết duyên với cậu Tô-bi-a, con trai ông Tô-bít, và được thoát khỏi tay ác quỷ Át-mô-đai-ô. Quả vậy, trong tất cả những người muốn lấy Xa-ra, Tô-bi-a có quyền ưu tiên. Cùng lúc ấy, ông Tô-bít từ ngoài sân trở vào nhà, còn Xa-ra, con gái ông Ra-gu-ên, thì từ lầu trên đi xuống.
[6] Lc 4,16: 16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.
[7] Mt 4,13: 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.
[8] Đnl 22,23: 23 Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô.
[9] x. Mt 1,18: 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần.
[10] x. Ml 2,14: 14 Các ngươi nói: Tại sao vậy? Bởi vì ĐỨC CHÚA là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Chính ngươi đã phản bội nó, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi.
[11] x. St 34,12: 12 Bác và các anh thách sính lễ quà cáp bao nhiêu, cháu cũng xin nộp như bác và các anh đòi, chỉ xin gả cô gái cho cháu”.
Xh 22,16: 16 Nếu cha nàng nhất định không chịu gả, người ấy sẽ phải nộp một số tiền tương đương với tiền cưới một người con gái.
1Sm 18,25: 25 Vua Sa-un nói: “Các ngươi hãy nói với Đa-vít-thế này: Nhà vua không đòi sính lễ nào khác ngoài một trăm bao quy đầu người Phi-li-tinh, để trả thù quân địch của nhà vua”. Vua Sa-un tính dùng tay người Phi-li-tinh mà hạ ông Đa-vít.
[12] x. Mt 25,1-13: 1 “Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” 9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. 10 Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11 Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” 12 Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” 13 Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
[13] x. Mt 1,20.24: 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
[14] Lc 2,5: 5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.
[15] x. Er 8,10: 10 dòng dõi Ba-ni: có Sơ-lô-mít, con của Giô-xíp-gia, và cùng với ông có một trăm sáu mươi đàn ông con trai.
St 30,24: 24 và bà đặt tên cho nó là Giu-se, bà nói: “Xin ĐỨC CHÚA thêm cho tôi một đứa con trai khác”.
[16] Xh 15,20: 20 Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống ; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa.
[17] x. Lc 2,19: 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
[18] x. Mt 26,49; 28,9: 49 Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: “Ráp-bi, xin chào Thầy!”, rồi hôn Người. 28 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.
[19] Lc 10,5; 24,36: 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này!”. 24 36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”.
Ga 20,19.21.26: 19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”.
[20] Xp 3,14: 14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.
Ge 2,21: 21 Hỡi đất đai, đừng sợ, hãy hoan hỷ vui mừng, vì ĐỨC CHÚA đã làm những việc lớn lao.
Dcr 9,9: 9 Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
Ac 4,21: 21 Sin! Hãy vui lên, hãy nhảy mừng, hỡi thiếu nữ Ê-đôm đang cư ngụ trong miền đất Út: chén lôi đình rồi cũng đến lượt ngươi phải uống, say ngất say ngư, ngươi sẽ tự lột trần.
[21] Xp 3,14-17: 14 Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi. 15 Án lệnh phạt ngươi, ĐỨC CHÚA đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, chính là ĐỨC CHÚA. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. 16 Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giê-ru-sa-lem: “Này Xi-on, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời”. 17 ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng.
[22] x. Tl 6,12: 12 Thần sứ ĐỨC CHÚA hiện ra với ông và nói: “Chào chiến sĩ can trường! ĐỨC CHÚA ở với ông”.
[23] Kinh Thánh, Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ
[24] x. St 6,8; 18,3: 8 Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng ĐỨC CHÚA. 18 3 và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài.
[25] R 2,4: 4 Và kìa ông Bô-át từ Bê-lem đến, nói với thợ gặt: “Xin ĐỨC CHÚA ở cùng các anh!” Họ nói: “Xin ĐỨC CHÚA giáng phúc cho ông!”.
[26] x. St 16,11-12: 11 Sứ thần của ĐỨC CHÚA nói với nàng: “Này đây ngươi đang có thai, sắp sinh hạ con trai và sẽ đặt tên là Ít-ma-ên, vì ĐỨC CHÚA đã nghe thấu nỗi khổ của ngươi. 12 Con người đó đúng là một con lừa hoang, nó giơ tay chống mọi người, mọi người giơ tay chống nó, nó sẽ luôn đối đầu với tất cả anh em nó”.
[27] St 19,8: 8 Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em ; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi”.
Tl 11,39: 39 Hết hai tháng, cô trở về với cha, và ông thi hành cho cô lời ông đã khấn hứa. Cô chưa biết đến việc vợ chồng.
x. Mt 1,25: 25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.
[28] Xh 40,35: 35 Ông Mô-sê không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu trên đó, và vinh quang ĐỨC CHÚA đầy tràn Nhà Tạm.
[29] St 18,14: 14 Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức ĐỨC CHÚA? Vào độ này sang năm, Ta sẽ trở lại thăm ngươi, và Xa-ra sẽ có một con trai”.
[30] Bản văn Kinh Thánh theo Nguyễn Thế Thuấn chuyển ngữ
[31] Lc 2,39-40: 39 Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
[32] Lc 2,51-52: 51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
[33] Lc 4,34; 18,37; 24,19: 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. 18 37 Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. 24 19 Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.
[34] Ga 1,46: 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!”.
[35] Lc 2,10: 10 Nhưng Sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân”.
[36] Lc 2,11: 11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa”.
[37] Lc 8,19-21; 11,27-28: 19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”. 11 27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!” 28 Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”.
[38] Cv 1,14: 14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
[39] Lc 1,46-55: 46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. 53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.
[40] x. Gr 1,6tt: 6 Nhưng tôi thưa: “Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói!”.
[41] Lc 8,19-21: 19 Mẹ và anh em Đức Giê-su đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20 Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy”. 21 Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
[42] Tv 8: 1 Phần nhạc trưởng. Có hoạ đàn thành Gát. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít. 2 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. 3 Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. 4 Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, 5 thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? 6 Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, 7 cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: 8 Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, 9 nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. 10 Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!
[43] Is 10,20t: 20 Đến ngày đó, những người Ít-ra-en sống sót và những kẻ trong nhà Gia-cóp thoát nạn, sẽ không còn dựa vào người đánh nó nữa, nhưng sẽ dựa vào ĐỨC CHÚA, Đức Thánh của Ít-ra-en, với lòng thành tín.
=======
CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ
Lc 1,1-4; 4,14-21: Đức Giêsu Tại Nazareth