Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa
Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa
Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Mt 1,18-24 [1]
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.
***
1.- Ngữ cảnh
Phần Mở của Tin Mừng Matthew đi từ Chương 1,1 đến Chương 4,16. Về nội dung, trong Bốn Chương Mở Đầu này trước khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, có hai người khám phá ra Đức Giêsu là ai, theo hai đường song song và riêng tư: Giuse (Chương 1–2) và Gioan Tẩy Giả (Chương 3–4).
– Giuse thì được thiên thần Chúa báo tin trong giấc mơ rằng Đức Giêsu là con (cháu) vua David,
– còn Gioan thì được một tiếng từ trời cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Cả hai vị đều muốn tránh né ơn gọi đặc biệt các vị được mời đảm nhận trong liên hệ với Đức Giêsu, vị đầu sẽ đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua David, vị sau sẽ trở thành khí cụ để tấn phong làm Đấng Messiah trong phép rửa.
Trong cả hai trường hợp, cảm thức về sự bất xứng của hai vị đã là động lực khiến các vị có thái độ như thế (chính theo nghĩa này mà ta phải hiểu sự “bối rối” của Giuse). Nhưng sự băn khoăn bối rối của các vị đã được thiên thần hoặc chính Đức Giêsu đánh tan. Cuối cùng, cũng như Giuse, khi chấp nhận đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua David, đã kéo theo cuộc bách hại của vua Herod, Gioan Tẩy Giả, khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giêsu và tạo cho Người cơ hội được tấn phong làm Đấng Messiah, đã kéo theo những đợt tấn công của Satan.
Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là phân đoạn thứ hai thuộc nửa đầu của Phần Mở.
Bảng gia phả đã nói rằng, Đức Giêsu xuất thân từ nhà David và Abraham cũng như Người bén rễ sâu vào trong lịch sử Israel. Đồng thời bảng gia phả cũng khẳng định hoàn cảnh huyền bí của cuộc chào đời của Người (Mt 1,16).[2] Với cách bố trí cũng như những con số, bảng gia phả cho thấy rằng Đức Giêsu là cùng đích và sự hoàn tất của lịch sử này. Nhưng bảng gia phả lại không nói cho biết sự hoàn tất này hệ tại điều gì. Điều này bây giờ được nói rõ qua sứ điệp Thiên Chúa ban cho Giuse và được xác nhận qua cách xử sự của Giuse.
Trong câu 16 của Chương 1, tác giả bảo chúng ta rằng, Giuse là chồng của Maria, và Maria là mẹ của Đức Giêsu, nhưng Giêsu lại không phải là con của Giuse. Trong đoạn văn đọc hôm nay (Mt 1,18.20), tác giả liên tiếp nhắc lại rằng Chúa Thánh Thần ở tại nguồn của cuộc đời Đức Giêsu; đến cuối đoạn văn, tác giả nhắc lại lần thứ ba rằng, Giuse không can dự gì vào cuộc chào đời của con trẻ này (Mt 1,25). Nếu ở Mt 1,25, tác giả viết: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”, điều đó ông muốn nói rằng, cho đến khi Đức Giêsu chào đời, Giuse không hề có một quan hệ phu phụ nào với Maria; nhưng cũng không khẳng định rằng, sau đó Giuse đã bắt đầu có quan hệ này.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm năm phần:
1) Đầu đề của đoạn (1,18a);
2) Hoàn cảnh của Giuse và Maria (1,18b-19);
3) Thiên Chúa can thiệp (1,20-21);
4) Lời bình của tác giả (1,22-23);
5) Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (1,24-25).
3.- Chú giải
– Chung sống (18): “Synelthein”, “đến với, tham gia với”, có thể có nghĩa là quan hệ vợ chồng hoặc sống với nhau. Văn cảnh trực tiếp dường như hợp với nghĩa thứ nhất hơn. Người thiếu nữ Do Thái được đính hôn vào khoảng năm 12 tuổi, từ giã cha mẹ để về sống dưới sự bảo trợ của chồng vào khoảng năm 13-14 tuổi. Sự chuyển đi này mở đầu cho cuộc sống chung và cũng là việc kết hôn.
– Người công chính (19): Giuse không công chính theo nghĩa vâng phục lề luật, bởi vì không có khoản luật nào buộc phải bỏ vị hôn thê bị coi là ngoại tình (Đnl 22,13-21.23-27: liên hệ đến hôn nhân hoàn hợp; x. Đnl 24,1).[3] Vả lại, khi bỏ Maria một cách kín đáo (“lathra”), Giuse cũng chẳng vâng phục lề luật, bởi vì hành vi rẫy vợ chỉ có giá trị pháp lý nếu làm công khai (x. Đnl 22,15: tại cửa thành).[4] Một đàng, nếu hiểu đây là “sự công chính theo luật pháp”, chúng ta đứng trước một thế lưỡng nan. Quả vậy, nếu dưới mắt Giuse, Maria đã ngoại tình, ngài bỏ bà là chuyện dễ hiểu, nhưng ta không hiểu vì sao ngài lại tính bỏ bà “cách kín đáo”, bởi vì khi đó việc này sẽ không có hiệu quả pháp lý và thật ra bí mật cũng chẳng giữ được lâu. Còn nếu Giuse cho rằng Maria vô tội, ta không hiểu được là vì sao ngài lại nghĩ đến việc bỏ bà, vì luật không buộc như thế; đã thế, trong tư cách là hôn phu, ngài còn có nghĩa vụ bảo vệ hôn thê vô tội chống lại những ngờ vực vô căn cứ của kẻ khác. Vậy không thể hiểu sự công chính của ngài theo nghĩa pháp lý.
Đây là sự công chính tôn giáo. Chính sự công chính này buộc Giuse phải tôn trọng việc Thiên Chúa làm nơi Maria và ngăn cản ngài nhận lấy những công trạng từ một hành động của Thiên Chúa: tự mình, ngài nghĩ ngài không được phép đưa về nhà một người đã được Thiên Chúa dành riêng cho Ngài. Nếu làm như thế, ngài có vẻ chiếm đoạt một vai trò mà Thiên Chúa không trao cho ngài. Đứng trước mầu nhiệm này, ngài muốn rút lui, và vì tế nhị do đức công chính đối với Thiên Chúa, ngài đã để ý không “phổ biến” mầu nhiệm Thiên Chúa đang bao trùm Maria. Vấn đề nằm ở động từ “deigmatisai”: theo Origène (185-254 AD, Alexandria, Egypt) và Eusébios (260/265 – 339/340 AD, Caesarea), động từ này không hề hàm chứa một ý niệm ô nhục nào; cha Joušon dịch là “vén mở, tiết lộ”. Động từ “paradeigmatisai” mới là “trừng phạt để nêu gương; làm cho ô nhục, mất danh giá”. Giuse đã phản ứng như tất cả mọi người công chính trong Kinh Thánh khi nhận ra Thiên Chúa đang can thiệp vào trong lịch sử của họ: như Moses cởi dép khi đứng trước bụi gai cháy, như ngôn sứ Isaia kinh hoàng khi thấy vị Thiên Chúa ba lần thánh xuất hiện, như bà Elisabeth tự hỏi vì sao mẹ Đức Chúa của bà lại đến thăm bà, như viên đại đội trưởng trên đồi Sọ, như Phêrô khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng. Như “Aben người công chính” (Mt 23,36: người “công chính” duy nhất được tác giả Matthew nêu tên trong Tin Mừng. Chắc chắn Aben “công chính” không do lề luật, bởi vì lề luật chỉ được ban bố với Moses!), Giuse cũng tỏ ra là người trung thành thờ phượng Thiên Chúa.
Cách giải thích này được hỗ trợ bởi ngữ cảnh tổng quát của toàn Chương 1 của Tin Mừng Matthew. Trong bài đầu tiên (Mt 1,1-17),[5] tác giả Matthew đã trình bày gia phả của Đức Giêsu khởi đi từ tổ phụ Abraham và từ vua David ngang qua Giuse. Nhưng bảng gia phả này lại gặp ngay nơi Giuse một vấn đề hóc búa. Đó là vì Đức Giêsu không phải là con Giuse theo xác thịt. Vậy mục tiêu của đoạn văn này là để giải thích làm thế nào Đức Giêsu có thể thuộc về dòng dõi vua David, nếu Người không phải là con của Giuse. Lời giải thích nằm ở việc Giuse nhìn nhận Đức Giêsu làm con về pháp lý. Mục tiêu của bản văn Tin Mừng này, thay vì bảo vệ việc thụ thai đồng trinh, thì tìm các xác định do đâu Đức Giêsu có thể trở thành hậu duệ vua David và Đấng Messiah thuộc dòng tộc vua David cho dù có việc trinh thai. Vậy hai phần của Chương 1 của Tin Mừng Matthew làm thành hai cánh của cùng một việc chứng minh.
Một hỗ trợ khác nữa đến từ chính những lời của thiên thần (các câu 20-21): “Này ông Giuse là con cháu vua David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì quả thật (Hy Lạp, “gar”: car certes; for, indeed, certainly) điều được sinh thành (to gennéthen = đứa con) nơi bà là việc của Thánh Thần, nhưng (Hy Lạp, “de”) bà sẽ sinh một con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu; vì (gar) chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Dịch “gar” là “quả thật” (chắc chắn) là chuyện thông thường vào thời ấy (x. 1Cr 9,10; 2 Tx 2,20; Mt 18,7; 22,14; 24,6…).[6] Vậy khi nói như thế, thiên thần giả thiết Giuse đã biết chuyện thụ thai đồng trinh và chính chuyện này đã thúc đẩy ngài rút lui, vì thấy Thiên Chúa can thiệp vào cuộc đời Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã truyền cho ngài “dù sao” (“nhưng”) cũng cứ chấp nhận và đặt tên cho con, và khi đó, ngài đưa con tháp nhập vào trong dòng dõi vua David.
– Thiên thần Chúa (20): Như trong Cựu Ước, thuật ngữ này được dùng để nói tới sự can thiệp của Thiên Chúa (x. St 16,7.13; Xh 3,2),[7] chứ không có nghĩa là một trong các “thiên thần”.
– Giêsu (21): Trong Kinh Thánh, tên người còn chỉ chức năng Thiên Chúa quy định cho một người trong Lịch sử cứu độ. “Iésous” là dạng Hy Lạp của tên Hipri “Yehoshua” (x. Xh 24,13)[8] hoặc “Yeshua” (Nkm 7,7),[9] có nghĩa là “YHWH là sự cứu độ”, “YHWH ban ơn cứu độ”, “YHWH cứu độ”, “Ơn cứu độ của YHWH”.
– Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai (23): Tác giả trích Is 7,14 theo Bản Kinh Thánh Hy Lạp LXX,[10] bởi vì trong bản này có từ “parthenos”, “trinh nữ”, chứ trong bản Hipri, ta đọc là “almah”, “thiếu nữ”, có thể là một thiếu nữ hoặc một người vợ trẻ. Cũng vì dựa trên Is 7,14, Do Thái giáo Palestin không chờ đợi Đấng Messiah được sinh ra bởi một trinh nữ, nhưng chờ đợi Người là một con đầu lòng (x. Lc 2,7).[11]
– Emmanuel (Hipri: “Immanuel”): Tác giả không nêu ra một tên mới của Đấng Messiah, mà nêu lên ý nghĩa của bản thân và công trình của Người. Is 7,14 và 8,8 cũng không nhấn mạnh đến sự hiện diện của Thiên Chúa,[12] vì điều này được giả thiết có trong Kinh Thánh, nhưng nhấn mạnh đến sự diện diện năng động của Ngài để cứu giúp. Như thế, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài để trợ giúp và cứu độ họ. Lời hứa long trọng của Đức Kitô vinh hiển (“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” Mt 28,20) cho thấy lời loan báo ấy đã được thực hiện hoàn hảo. Tin Mừng Matthew mở ra và kết thúc với ý tưởng này: nơi bản thân Đức Giêsu, Thiên Chúa sẵn sàng đến hiện diện năng động, tích cực, với loài người.
– Ông không… cho đến khi… (25): Câu này hoàn toàn đúng với câu 23 cho thấy rằng, Maria là trinh nữ khi sinh con. Câu “ông không biết (= ăn ở với) bà, cho đến khi bà sinh một con trai” không chống lại việc sau đó Maria vẫn đồng trinh, cũng không ám chỉ điều này, mà cũng không cho phép kết luận rằng sau đó bà đã có những quan hệ vợ chồng với Giuse. Đàng khác, chúng ta ghi nhớ rằng mẫu tính đồng trinh của Đức Maria không có nghĩa sinh học, mà diễn tả niềm tin của Giáo Hội vào thần tính và nhân tính của Đức Giêsu.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đầu đề của đoạn (18a)
Với đầu đề (câu 18a), tác giả Matthew ngỏ lời với độc giả để xác định hoặc điều chỉnh cách thức họ hình dung cuộc chào đời của Đức Giêsu.
Đức Giêsu không phải là con của Giuse, nhưng là tạo thành của Chúa Thánh Thần. Nơi Người, lịch sử Israel đi đến chỗ hoàn tất, nhưng Người không phải là hoa trái tự nhiên hoặc kết quả thiết yếu của lịch sử này. Người không lệ thuộc vào và không chỉ xuất thân từ một chuỗi các thế hệ và những cuộc sinh hạ con người. Người là sự hoàn tất, nhưng là như một khởi đầu hoàn toàn mới. Khởi đầu cuộc sống của Người là do Chúa Thánh Thần, khởi đầu này trực tiếp gắn với hoạt động của quyền lực sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa gồm tóm nơi Người toàn thể lịch sử Israel, đồng thời thiết lập một khởi đầu mới mang tính sáng tạo. Không phải là loài người đã ban tặng Đức Giêsu cho nhau; Người là khởi đầu và là quà tặng hoàn toàn đến từ Thiên Chúa. Đó là nguồn gốc của Đức Giêsu (Mt 1,18), và nguồn gốc này cho thấy bản tính và ý nghĩa của đời Người.
* Hoàn cảnh của Giuse và Maria (18b-19)
Tuy thuộc nguồn gốc thần linh, Đức Giêsu lại được liên kết với lịch sử Israel. Mẹ Người là Maria đã đính hôn với Giuse, nhưng chưa về sống trong nhà Giuse. Theo luật lệ Do Thái, với lễ đính hôn, hai người nam nữ đã được coi là vợ chồng rồi. Vì thế, Giuse được gọi là chồng của Maria (Mt 1,16.19), còn Maria thì được gọi là vợ của Giuse (Mt 1,20.24). Chỉ một năm hay một năm rưỡi sau lễ đính hôn, vị hôn thê mới được đưa về nhà vị hôn phu và bắt đầu cuộc sống vợ chồng. Ở đây, tác giả Matthew cũng không cung cấp một thông tin nào đặc biệt về Giuse và Maria, ngài nói về hai đấng như những nhân vật rất quen thuộc với độc giả. Vậy mục tiêu của ngài không phải là cung cấp tài liệu, mà là huấn giáo. Trong thời gian giữa lễ đính hôn và cuộc chuyển về nhà chồng, Giuse nhận ra rằng Maria đã có thai. Đọc câu 18b cách bình thản, ta thấy dường như tác giả gợi ý rằng Giuse có biết việc Maria mang thai là do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Giuse quyết định bỏ Maria kín đáo vì tế nhị đối với sự can thiệp của Thiên Chúa nơi Maria.
* Thiên Chúa can thiệp (20-21)
Giuse đang toan tính như thế trong lòng, thì được Thiên Chúa can thiệp qua việc một thiên sứ đến báo mộng để khẳng định với ngài là quả thật con trẻ sắp chào đời thuộc nguồn gốc thần linh; nhưng ngài có nhiệm vụ đón Maria về và đặt tên cho con trẻ. Ngài phải duy trì dây liên hệ với Maria và như thế, nhìn nhận trước luật pháp rằng con trẻ ấy là con của ngài. Do nhiệm vụ Thiên Chúa giao, Giuse trở thành cha của hài nhi về mặt luật pháp và cũng trước luật pháp, Giêsu trở thành con và đương nhiên là người thừa kế của ngài. Hệ quả là Đức Giêsu được tháp nhập hợp pháp vào gia phả của Giuse. Như thế, Đức Giêsu đi vào trong dòng dõi xuất thân từ các vị tiền nhân ấy và trở thành đích điểm và sự hoàn tất của dòng dõi ấy. Như vậy, tác giả Matthew không nhắm thỏa mãn óc tò mò của chúng ta. Tất cả những gì ngài muốn chúng ta hiểu là: con của bà Maria là người được Thiên Chúa hứa cho thừa kế ngai vàng vua David, như các ngôn sứ đã từng loan báo.
Còn Đức Giêsu thực hiện vị trí và nhiệm vụ ấy như thế nào, thì chính tên của Người cho thấy, tên mà Thiên Chúa đã chọn cho Người và Giuse phải đặt cho Người. Thiên Chúa đã đổi tên cho người trước đây được gọi là Abram và ban cho ông tên mới là Abraham, “vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (x. St 17,5). Sự tuyển chọn của Thiên Chúa được diễn tả ra và xác nhận bằng việc đổi tên. Vì trao một nhiệm vụ mới và với nhiệm vụ này là một đời sống mới, Ngài ban cho một tên mới. Điều đó càng đúng hơn nữa với Đức Giêsu, con cháu tổ phụ Abraham. Cùng với cuộc đời, Người đã được Thiên Chúa ban cho ngay từ đầu tên và nhiệm vụ. Tên của Người là “Yeshua” hay là “Yehoshua”, có nghĩa là “Thiên Chúa là sự cứu độ”; Người giải thoát khỏi tội lỗi (Mt 1,21; x. Tv 130,8).[13] Với nhiệm vụ này, Đức Giêsu có quyền năng Thiên Chúa và ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho ta nhờ trung gian Người. Tin Mừng Matthew sẽ cho thấy Đức Giêsu là Đấng Messiah, là Đức Vua và Vị Mục tử, Người săn sóc dân Người và đưa họ đến sự sống viên mãn.
* Lời bình của tác giả (22-23)
Đến đây tác giả viết lời bình. Với biến cố này, đã thực hiện điều mà Thiên Chúa đã loan báo qua miệng các ngôn sứ. Trong dự phóng của Ngài, chính Thiên Chúa muốn có cuộc chào đời và hài nhi này. Khi khẳng định rằng lời Thiên Chúa được ứng nghiệm, một lần nữa tác giả muốn nói rằng đàng sau biến cố này, có Thiên Chúa như là Đấng quy định và hướng dẫn mọi sự. Khi cho biết Đức Giêsu cũng chính là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, tác giả cho biết đặc tính của biến cố Người đến, cũng như đặc điểm của sự hiện diện và công trình của Người: nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Đức Giêsu là sự hiện diện năng động của Thiên Chúa gần kề chúng ta; nơi Người, vị Thiên Chúa từ bi thương xót tỏ mình ra, vị Thiên Chúa trợ giúp và cứu độ, cũng như tỏ hiện dự phóng của Ngài đối với loài người. Nơi Người, Thiên Chúa ở cùng chúng ta và chúng ta đến được với Thiên Chúa (x. Mt 28,20).[14]
* Giuse thi hành lệnh Thiên Chúa (24-25)
Khi đã biết rõ ý Thiên Chúa, Giuse thi hành ngay: ngài “đón vợ về nhà”. Câu văn tiếp theo cho biết là ngài không có quan hệ phu thê với Maria, và như thế hài nhi Giêsu không phải là con của ngài. Nhưng câu văn này cũng không hề ám chỉ là sau đó Giuse có quan hệ vợ chồng với Maria. Với lại tác giả không quan tâm đến vấn đề này. Ông còn đang cho thấy là Giuse thi hành chính xác lệnh Thiên Chúa truyền: “ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu”.
+ Kết luận
Tại hai cực của lịch sử Lời Hứa, có hai ơn gọi hướng về nhau và hoàn tất lẫn nhau: ơn gọi của Abraham, tổ phụ đón nhận Lời Hứa, và ơn gọi của Giuse, người đã vâng lệnh Chúa truyền nên đã tạo điều kiện cho Lời Hứa được thực hiện, đó là biến cố Đấng Emmanuel ngự đến. Kể từ nay, nhờ đã được Giuse đưa tháp nhập vào trong dòng dõi vua David, Đức Kitô có quan hệ trực tiếp với mỗi người con người cháu của tổ phụ Abraham, dù họ có đông như sao trên trời không thể đếm nổi (x. St 15,5).[15] Công trình của Người không liên hệ đến một lãnh vực nào của cuộc sống loài người, nhưng đi đến tận gốc rễ và thay đổi tương quan với Thiên Chúa. Người sẽ chiến thắng sự bất phục tùng và thái độ nổi loạn, sẽ tha thứ tội lỗi và tái lập sự hiệp thông vào đời sống với Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu là cùng đích và sự hoàn tất của lịch sử Israel, là như một khởi đầu mới phát xuất từ Thiên Chúa. Như thế, Thiên Chúa không bỏ mặc dân Ngài xoay xở bằng sức lực riêng, phó mặc con người cho sức mạnh của lịch sử. Đức Giêsu là quà tặng chân thật Thiên Chúa ban cho dân Ngài. Nơi Người, công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất và sự hiệp thông mật thiết nhất giữa Thiên Chúa và loài người được thiết lập: Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
2. Đức Giêsu là con cháu vua David, nhưng không theo nghĩa là Người có một quyền lực chính trị hoặc quân sự, hoặc Người là một nhà giải phóng chính trị theo nghĩa trần thế. Người sẽ giải thoát loài người khỏi tội lỗi, sẽ đưa con người thoát khỏi tình trạng xa cách với Thiên Chúa và đưa họ về hiệp thông trọn vẹn với Ngài.
3. Bởi vì biết là Thiên Chúa đang can thiệp vào cuộc đời Maria cách đặc biệt mà lại không thấy Ngài giao phó cho mình sứ mạng gì đặc biệt, Giuse tìm cách âm thầm rút lui. Ngài chứng tỏ ngài có một cảm thức sắc bén về Thiên Chúa, một lòng tôn trọng thẳm sâu đối với mầu nhiệm của Thiên Chúa và mầu nhiệm thánh ý Ngài. Người Kitô hữu được mời gọi học nơi Giuse bài học này: tôn trọng đối với các dự phóng của Thiên Chúa nơi mình và nơi kẻ khác, nhạy bén đối với sự cao cả thẳm sâu và sự hiện diện gần gũi của Ngài trong những biến cố lớn nhỏ thuộc cuộc sống hằng ngày.
4. Đức Giêsu chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn khi đọc Tin Mừng Matthew cho đến hết (Mt 28,20). Hôm nay Người là Emmanuel để tiếp tục hỗ trợ chúng ta trong hành trình trần thế, trong nỗ lực loan báo Tin Mừng “cho muôn dân” và cứu độ chúng ta bằng quyền năng của Đấng “đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất”.
[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Mt 1,16: 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
[3] Đnl 22,13-21.23-27: Liên hệ đến hôn nhân hoàn hợp: 13 Khi một người đàn ông lấy vợ và ăn nằm với nàng, rồi ghét bỏ nàng, 14 vu khống và bôi xấu danh dự nàng mà nói: “Tôi đã lấy người đàn bà này, đã gần gũi với cô ấy và không thấy dấu nào chứng tỏ cô ấy còn trinh”, 15 thì cha mẹ cô gái sẽ lấy những dấu chứng tỏ cô gái còn trinh và đưa ra cửa thành cho các kỳ mục thành ấy. 16 Người cha cô gái sẽ nói với các kỳ mục: “Tôi đã gả con gái cho người đàn ông này, nhưng anh ta ghét bỏ nó; 17 bây giờ anh ta vu khống nó và nói: “Tôi không thấy những dấu chứng tỏ con gái ông còn trinh.” Vậy đây là những dấu chứng tỏ con gái tôi còn trinh”. Họ sẽ mở chiếc áo choàng ra trước mặt các kỳ mục trong thành. 18 Các kỳ mục trong thành sẽ bắt người chồng và sửa phạt: 19 họ sẽ bắt người ấy nộp phạt một trăm thỏi bạc, và sẽ trao số bạc đó cho người cha cô gái, vì người ấy đã bôi xấu danh dự của một trinh nữ Ít-ra-en. Nàng sẽ là vợ người ấy và suốt đời người ấy không thể rẫy nàng. 20 Nhưng nếu điều đó có thật, nếu người ta không tìm thấy nơi cô gái những dấu chứng tỏ cô còn trinh, 21 thì họ sẽ lôi cô gái ra cửa nhà cha nàng; người trong thành của nàng sẽ ném đá nàng cho chết và nàng sẽ phải chết, vì nàng đã làm điều đồi bại trong Ít-ra-en, khi làm điếm trong nhà cha mình. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em). 23 Khi một cô gái còn trinh đã đính hôn với một người đàn ông, mà một người đàn ông khác gặp cô trong thành và nằm với cô, 24 thì anh (em) sẽ lôi cả hai ra cửa thành ấy và ném đá, và chúng sẽ phải chết: cô gái, vì lý do ở trong thành mà đã không kêu cứu, và người đàn ông, vì lý do đã cưỡng bức vợ người đồng loại. Anh (em) phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh (em). 25 Nhưng nếu người đàn ông gặp ở ngoài đồng cô gái đã đính hôn, bắt lấy nàng và nằm với nàng, thì chỉ một mình người đàn ông đã nằm với nàng sẽ phải chết; 26 còn cô gái, thì anh (em) đừng làm gì nàng, nàng không có tội đáng chết. Trường hợp cũng như một người xông vào người đồng loại để giết người ấy: 27 vì người đàn ông kia đã gặp cô ngoài đồng; cô gái đính hôn đã kêu mà không ai cứu.
x. Đnl 24,1: 1 Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.
[4] x. Đnl 22,15: 15 thì cha mẹ cô gái sẽ lấy những dấu chứng tỏ cô gái còn trinh và đưa ra cửa thành cho các kỳ mục thành ấy.
[5] Mt 1,1-17: 1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: 2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6 ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. 12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. 17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.
[6] x. 1Cr 9,10: 10 Hay cũng vì chúng ta mà Người phán như vậy? Phải, chính vì chúng ta mà có lời chép: Khi cày, thợ cày phải mong được chia phần; và khi đạp lúa, kẻ đạp lúa phải mong được chia phần.
x. 2Tx 2,2: 2 nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ.
x. Mt 18,7; 22,14; 24,6: 7 Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã. 22 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”. 24 6 Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng.
[7] x. St 16,7.13: 7 Sứ thần của ĐỨC CHÚA gặp thấy nàng gần một suối nước trong sa mạc, suối ở trên đường đi Sua. 13 Nàng gọi tên ĐỨC CHÚA, Đấng phán với nàng, là: “Ngài là Thiên Chúa, Đấng thấy tôi”, vì nàng nói: “Phải chăng nơi đây tôi đã nhìn thấy, sau khi Người nhìn thấy tôi?”.
x. Xh 3,2: 2 Thiên sứ của ĐỨC CHÚA hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Mô-sê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi.
[8] x. Xh 24,13: 13 Ông Mô-sê đứng lên cùng với người phụ tá là ông Giô-suê, rồi ông Mô-sê lên núi của Thiên Chúa.
[9] Nkm 7,7: 7 Họ về cùng với các ông: Dơ-rúp-ba-ven, Giê-su-a, Nơ-khe-mi-a, A-dác-gia, Ra-am-gia, Na-kha-ma-ni, Moóc-đo-khai, Bin-san, Mít-pe-rét, Bích-vai, Nơ-khum, Ba-a-na. Đây là số những người thuộc dân Ít-ra-en.
[10] Is 7,14: 14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en.
[11] x. Lc 2,7: 7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.
[12] Is 7,14; 8,8: 14 Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en. 8 8 Nó sẽ ùa vào Giu-đa, sẽ phủ, sẽ ngập, sẽ dâng lên tới cổ. Cánh nó dang ra sẽ bao trùm khắp chiều rộng của đất ngươi, hỡi Em-ma-nu-en!.
[13] x. Tv 130,8: 8 Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
[14] x. Mt 28,20: 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
[15] x. St 15,5: 5 Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không”. Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”.