Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Mt 5,1-12a: Đức Giêsu Loan Báo Các Mối Phúc

BTT OFMVN 01
2024-03-15 15:12 UTC+7 476
Các Mối Phúc công bố những thái độ và cách xử sự con người phải theo để được thuộc về Nước Trời, tức để được sống dưới quyền lãnh đạo của Thiên Chúa. Dựa theo thứ tự các Mối Phúc, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được mời gọi luôn mở ra với Thiên Chúa (Mối Phúc 1, 2 và 3) và cương quyết thực hiện thánh ý Ngài (Mối Phúc 4), để có thể sống các Mối Phúc dấn thân phục vụ tha nhân (Mối Phúc 5, 6 và 7). Khi chấp nhận chịu bách hại (Mối Phúc 8) vì kiên trì sống theo đường lối của Thiên Chúa,..

Mt 5,1-12a: Đức Giêsu Loan Báo Các Mối Phúc

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mt 5,1-12[1]

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

***

1.- Ngữ cảnh

Bốn chương đầu của Tin Mừng Matthew là phần mở đầu (chính xác là đến Mt 4,16). Với chương 5, chúng ta bắt đầu thấy Đức Giêsu đi hoạt động công khai. Một câu hỏi được nêu lên: Đức Giêsu có gì cống hiến cho nhân loại? Khởi đầu hoạt động công khai là một câu trả lời cho câu hỏi ấy.

“Đức Giêsu đi khắp miền Galilê/ các thành thị, làng mạc / giảng dạy (didaskôn, participle) trong các hội đường của họ, rao giảng (kêryssôn, part.) Tin Mừng Nước Trời, và chữa (therapeuôn, part.) hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân” (Mt 4,23; 9,35). Câu này đóng khung khối từ chương 5 đến chương 9. Năm chương này làm thành một đơn vị về văn chương và đề tài. Nội dung của đơn vị này sẽ nhắc lại và triển khai ba phân-từ (participle) chứa trong câu tổng hợp này. Giáo huấn của “Bài Giảng Trên Núi” (chương 5–7) và những cuộc chữa bệnh (chương 8–9: 10 phép lạ) là hai hình thái của Tin Mừng về Nước Trời. Đức Giêsu công bố Nước Trời bằng lời nói (chương 5–7) và bằng hành động (chương 8–9)“Bài Giảng Trên Núi” minh họa đặc biệt những điều kiện để gia nhập và phát triển trong Nước Trời. Có thể nói, Bài Giảng này nối dài câu “Anh em hãy sám hối (hoán cải)”, Bài Giảng này như là lời đáp của con người khi Nước Trời đến (x. Mt 4,23).

Chắc chắn Bài Giảng trên núi cũng diễn tả Tin Mừng về Nước Trời: đề tài Nước Trời là một trong những điểm nhấn mạnh của Bài Giảng. Ngay ở câu đầu của Bài Giảng, ta đã được đặt trong quan hệ với Nước Trời, với Mối Phúc đầu tiên.[2] Bài “Huấn giáo” này (tức Bài Giảng trên núi) là một phần nối dài của kêrygma về Nước Thiên Chúa.

Bài Giảng trên núi bắt đầu với 8 Mối Phúc.[3] Các Mối Phúc này xác định chiều hướng hoạt động của Đức Giêsu.

2.- Bố cục

Đoạn văn này chỉ là phần mào đầu đưa vào Bài Giảng trên núi (chương 5–7). Từ “dikaiosynê” (“đức công chính”) cắt các Mối Phúc thành hai nhóm (ở câu 6 và câu 10), mỗi nhóm 4 Mối Phúc. Do đó, ta thể phân chia bố cục cho bản văn hôm nay như sau:

a/. Mở (Mt 5,1-2);

b/. Nhóm thứ nhất các Mối Phúc (Mt 5,3-6);

c/. Nhóm thứ hai các Mối Phúc (Mt 5,7-10);

d/. Diễn nghĩa cho Mối Phúc cuối cùng (Mt 5,11-12).

3.- Vài điểm chú giải

– Phúc thay (3)“Makarios” (“có phúc”, blessed) dịch từ ngữ Híp-ri ’ashrê của bản Kinh Thánh Híp-ri (45 lần). Khác với từ ngữ Híp-ri “bơrakhah” (“phúc lành”, blessing) là một lời hướng về tương lai để thực hiện điều nó diễn tả, “mối phúc” (beatitude), được diễn tả bởi một câu bắt đầu bằng “makarios” (hay ’ashrê), là một tuyên bố về hạnh phúc trong hiện tại. Điểm này còn được hỗ trợ bởi ngữ pháp. Trong vế thứ nhất của các Mối Phúc trong Tin Mừng, không có động từ: trong Hy-ngữ, một câu như thế chỉ có thể có một ý nghĩa ở hiện tại mà thôi.

– Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó (ptochoi tô pneumati, 3): Câu này có nghĩa là “nghèo khó về phương diện tinh thần”. Đây là những người nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, nên cũng biết phó thác trọn vẹn cho Người (tương tự các ânâwim trong Cựu Ước). Chúng ta có những điển hình là chính Đức Giêsu và các trẻ em.[4] Có thể nói Matthew chương 5 và Matthew chương 23 là hai chương ở thế song đối, đối nghĩa.[5]

– Phúc thay ai hiền lành (praeis, 4): Câu này có ý nghĩa tương tự Mối Phúc thứ nhất. Trong Tv 37,11, từ ngữ “praeis” được dùng để dịch từ Híp-ri “ânâwim”.[6] Từ ngữ “praüs” diễn tả sự hạ mình, sự khiêm nhường của Đấng Mêsia.[7] Vậy đây vẫn là một cách thức sống trước nhan Thiên Chúa, trước khi là cách thức sống các tương quan với người khác. Mối Phúc này không phải chỉ lặp lại Mối Phúc đầu, nhưng thêm vào một vài sắc thái mới: người hiền lành thì không nổi giận, không gây áp lực với Thiên Chúa, bình thản, chấp nhận thì giờ và cách thức của Thiên Chúa. Đây cũng là một người đầy nghị lực.

– Phúc thay ai sầu khổ (penthountes, 5): Đây là những người đang sống một nỗi buồn sầu lớn lao (penthos, “một nỗi đau buồn rất lớn”) trong thái độ tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đặt liên kết với Mt 9,15,[8] câu này còn có thể có nghĩa là: họ đau buồn vì thấy trong xã hội, Đức Kitô và Thiên Chúa còn “vắng mặt”; hoặc: họ đau buồn vì thế giới chúng ta quá ít mở ra với những giá trị thiêng liêng, những giá trị của Nước Trời.

– Phúc thay ai khát khao nên người công chính (6): Mối Phúc này được diễn tả dưới hai dạng (câu 6 và 10) và chia tám Mối Phúc đầu thành hai đoạn, mỗi đoạn bốn câu. Từ ngữ “dikaiosynê” cũng là một từ ngữ quan trọng trong Bài Giảng. Dựa theo năm chỗ khác trong Matthew nói đến “đức công chính”,[9] ta thấy rằng đức công chính đây là một cách xử sự của con người phù hợp với những gì Thiên Chúa muốn. Thực thi đức công chính là sống phù hợp với ý muốn của Chúa Cha như Đức Giêsu giảng dạy.[10] Và sự công chính phải thực thi vừa liên hệ tới các tương quan với Thiên Chúa và tương quan với kẻ khác.

– Phúc thay ai xót thương người (eleêmones, 7): Trong tiếng Híp-ri, “re[k]hem” có nghĩa là “dạ mẹ” và “lòng thương xót”“Có lòng thương xót” là đau “lòng” trước một hoàn cảnh tiêu cực. Những người có lòng thương xót là những người thực sự mở lòng ra với kẻ khác và làm những cử chỉ để xoa dịu nỗi cùng quẫn của họ. Có hai cách xoa dịu:

+ Trợ giúp cảnh túng quẫn (x. 25,31-46): Sáu hoàn cảnh khốn cùng cần được trợ giúp theo quan điểm Do Thái giáo, tượng trưng cho mọi cảnh khốn cùng;[11]

+ Tha thứ (x. 18,23-35, đặc biệt c. 27): “Đau lòng”, “chạnh lòng thương”.[12] Xem thêm Mt 9,13; 12,7, và nhất là Mt 23,23 (Mối Phúc “ngược”).[13]

– Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch (katharoi tê kardia, 8): Công thức của Mối Phúc thứ sáu này dường như phát xuất từ Tv 24,4-6.[14] Đây là những người trong lòng không có sự xảo trá gian tà, luôn tìm kiến điều thiện hảo, ngay thẳng và chân thật đối với Thiên Chúa và tha nhân. Đây là những người sống một sự hài hòa giữa những gì họ nghĩ, nói và làm, tức những người “trung thực”: Họ vừa “chân thành” vừa ra sức tìm kiếm chân lý và sự ngay thẳng trong các tương quan với Thiên Chúa và với những người khác, vừa tìm cho có sự trong suốt trong lối sống và trong hành động.

– Phúc thay ai xây dựng hòa bình (eirênopoioi, 9): Công thức “làm hòa bình” chỉ xuất hiện một lần trong Cựu Ước,[15] nhưng rất thông dụng trong các tác phẩm của Do Thái giáo. Đây là làm việc để giao hòa những người đang xung đột với nhau. Ngược lại, danh từ “shâlôm” (“hòa bình”) được sử dụng rộng rãi trong Cựu Ước, không chỉ với ý nghĩa là “sự ổn định chính trị”, mà còn có nghĩa là “sự phát triển toàn diện con người và các tập thể”. Vì thế, từ ngữ này được dùng để diễn tả kỷ nguyên thiên sai, và còn được dịch là “ơn cứu độ”.[16] “Những người xây dựng hòa bình” không có nghĩa là những người có tính khí an hòa, nhưng là những người “tích cực thiết lập hoặc tái lập hòa bình tại những nơi đang có chia rẽ”.[17] Có hai cách:

+ Mời gọi giao hòa;[18]

+ Cổ võ nên công lý nhân bản toàn diện (nghĩa xã hội): không chỉ cố gắng kiến tạo một xã hội vắng bóng chiến tranh, chia rẽ, nhưng còn là một xã hội trong đó mỗi người được hưởng những điều kiện thuận lợi mà tăng trưởng về nhân bản và tinh thần.

– Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính (10-11): Mối Phúc cuối cùng này được trình bày dưới hai hình thức (câu 10 và 11-12), tuyên bố rằng phúc cho những ai chịu bách hại vì dấn thân sống phù hợp với những gì Thiên Chúa muốn. Hình thức thứ nhất áp dụng cho bất cứ người nào đang bị bách hại vì những xác tín tôn giáo của mình. Hình thức thứ hai, dài hơn, dành cho các môn đệ của Đức Giêsu đang bị bách hại nhiều cách:[19] họ có phúc không do bị bách hại, nhưng do trung thành với Đức Giêsu khi phải chịu đau khổ vì Người.

4.- Ý nghĩa của bản văn

Mỗi Mối Phúc có ba phần. Phần đầu là lời công bố Mối Phúc. Phần hai nói về người được đón nhận Mối Phúc. Và phần ba là nền tảng của Mối Phúc (= Mối Phúc ấy dựa trên điều gì?). Nền tảng này luôn luôn là một hành động của Thiên Chúa, được khẳng định vững vàng và được đoan hứa chắc chắn. Còn người được hưởng Mối Phúc chính là những người thực hiện một cách sống hay một thái độ được quy định trong Mối Phúc. Họ được tuyên bố là “phúc thay”, bởi vì hành động kia của Thiên Chúa chắc chắn được dành cho họ.

Đức Giêsu không diễn tả các Mối Phúc theo kiểu tình cờ. Người trình bày nền tảng cụ thể của mỗi Mối Phúc. Như chúng ta đã nói, phần thứ ba của mỗi Mối Phúc nói về hành động của Thiên Chúa. Mối Phúc đầu tiên và Mối Phúc thứ tám có cùng một nền tảng: “vì Nước Trời là của họ”. Matthew nói về Nước Thiên Chúa chỉ trong một vài đoạn; thông thường tác giả dùng thành ngữ “Nước Trời” là kiểu nói của người Do Thái thời đó. “Nước Thiên Chúa” và “Nước Trời” có ý nghĩa như nhau: không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được tỏ bày ra trực tiếp rõ ràng. Vậy “Nước Trời là của họ” có nghĩa là Thiên Chúa với quyền chúa tể là của họ; đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Người sẽ chứng tỏ rằng Vương quyền của Người vượt trên mọi thế lực hiện đang thống trị. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Người, còn Người, đầy quyền năng và nhân ái, Người sẽ là của họ. Mối Phúc hoàn toàn dựa trên sự hiện diện trong uy quyền và nhân ái của Thiên Chúa. Chính vì thế thành ngữ “Nước Trời” được nói đến ở Mối Phúc đầu và Mối Phúc cuối như một lời mở và kết luận, và có giá trị cho tất cả các Mối Phúc khác.[20]

Trong phần thứ ba của các Mối Phúc khác, Đức Giêsu diễn tả cho thấy sự hiện diện ấy của Thiên Chúa được bày tỏ ra thế nào, hành động với chúng ta thế nào để ban hạnh phúc cho chúng ta. “Họ được an ủi” có nghĩa là: Thiên Chúa sẽ an ủi họ. Tiếp theo là một loạt những hành động của Thiên Chúa nhằm ban ân huệ cho chúng ta và thỏa mãn mọi ước muốn của chúng ta: Thiên Chúa, như Người Cha của họ, sẽ ban cho họ đất hứa làm gia nghiệp. Thiên Chúa sẽ cho họ được thỏa lòng. Thiên Chúa sẽ thương xót họ. Thiên Chúa sẽ cho họ được trực tiếp nhìn thấy Người. Thiên Chúa sẽ gọi họ là con cái, sẽ đón tiếp họ vào gia đình của Người. Sứ điệp về các Mối Phúc trước tiên là một sứ điệp về Thiên Chúa. Trên nền tảng là sự hiểu biết của Người về Thiên Chúa, Đức Giêsu loan báo cho chúng ta cách thức Thiên Chúa sẽ hành động với loài người. Chúng ta càng tin và hiểu Thiên Chúa là ai và cách thức Ngài hành động với loài người, chúng ta càng cảm nghiệm được sức mạnh tuyệt vời của Tin Mừng này.

Nhưng Thiên Chúa không muốn chúng ta thụ động; Ngài không muốn rằng đối với chúng ta chuyện gì cũng vậy thôi, hướng theo chiều nào cũng thế cả, sống theo cách nào cũng như nhau! Bởi thế, trong phần thứ hai của mỗi Mối Phúc, Đức Giêsu chỉ cho con người cách sống đúng đắn mà họ cần theo, cách thức họ phải mở ra với hành động của Thiên Chúa để hành động ấy có thể đến được với họ. Từ sự nghèo khó trong tâm hồn đến những bách hại vì sống công chính, Người nói đến những thái độ giúp cho con người sẵn sàng đón lấy hành động cứu độ của Thiên Chúa.

Yếu tố quyết định là ở lại trong hành động của Thiên Chúa. Đây là đối tượng của Tin Mừng mà Đức Giêsu loan báo; mỗi Mối Phúc đều dựa trên nền tảng này. Nhưng để đón tiếp được hành động này của Thiên Chúa, cần phải có những thái độ và phong cách mà Đức Giêsu đã nói đến.

+ Kết luận

Đức Giêsu đã loan báo hạnh phúc trọn vẹn và niềm vui hoàn hảo tám lần liên tục; tám lần không có nghĩa là tám lần lặp đi lặp lại, mà là “sự đầy đủ hoàn toàn”. Như vậy, Đức Giêsu không bắt đầu sứ vụ của Người bằng một giáo huấn hay bằng một lệnh truyền, nhưng đơn giản, bằng sứ điệp về “Hạnh phúc trọn hảo”.

Lời loan báo một hạnh phúc tròn đầy là niềm vui khôn tả và vô biên ùa vào chiếm trọn tâm hồn con người. Đức Giêsu cho các thính giả hiểu rằng niềm vui của họ sẽ trọn vẹn và vô biên, nếu nó phát xuất từ hành động nhân ái của Thiên Chúa. Khi đó con người sẽ cảm thấy mình được đáp ứng đúng bản tính của mình, ngoài mọi ước mơ và toan tính. Khi đó sẽ biến mất mọi chán nản mệt nhọc, sẽ không còn có cuộc sống vô ý nghĩa và thất vọng, sẽ không có tình trạng buông xuôi và cay đắng, đau thương và mất mát, khổ sở và buồn phiền. Khi đó chỉ còn có hạnh phúc, sự hài hòa chan chứa và sự đồng tâm vô điều kiện, niềm hân hoan vô bờ và niềm vui sướng dạt dào. Niềm hạnh phúc này không do con ngươi tạo ra và không chấm dứt trong nỗi chán chường thất vọng. Niềm hạnh phúc này cũng không dựa trên ảo vọng và không biến mất khi phải đối diện với thực tại. Đây là niềm hạnh phúc chân thật, vì phát xuất từ Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Bất cứ ai sống trên trần gian đều mong ước có hạnh phúc. Đó là điều người ta cũng thường xuyên cầu chúc cho nhau (vào các dịp đại lễ, dịp đầu Năm Mới,…). Đức Kitô đã đến để chỉ cho người ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thật sự hạnh phúc ở đời này. Không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách, mà là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại,… mới hạnh phúc thật. Chẳng phải là Người muốn phá đổ các tiêu chí quen thuộc của loài người để gây chú ý đâu. Người chỉ muốn khẳng định lại cách sống con người phải theo để trở lại đúng với hình ảnh họ đã đánh mất khi phạm tội, để Thiên Chúa lại trở thành tất cả cho con người.

2. Sứ điệp của các Mối Phúc trước tiên là một sứ điệp về Thiên Chúa. Đây là điều Đức Giêsu nhắm khi loan báo lúc bắt đầu sứ vụ công khai: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). Sứ mạng của Đức Giêsu là giúp các thính giả nhận biết vị Thiên Chúa chân thật và quay về với Ngài. Các Mối Phúc cho thấy Thiên Chúa là Đấng nào, Ngài hành động ra sao, Ngài chờ đợi điều gì nơi con cái Ngài.

3. Các Mối Phúc công bố những thái độ và cách xử sự con người phải theo để được thuộc về Nước Trời, tức để được sống dưới quyền lãnh đạo của Thiên Chúa. Dựa theo thứ tự các Mối Phúc, chúng ta nhận ra rằng chúng ta được mời gọi luôn mở ra với Thiên Chúa (Mối Phúc 1, 2 và 3) và cương quyết thực hiện thánh ý Ngài (Mối Phúc 4), để có thể sống các Mối Phúc dấn thân phục vụ tha nhân (Mối Phúc 5, 6 và 7). Khi chấp nhận chịu bách hại (Mối Phúc 8) vì kiên trì sống theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta nên giống Đức Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, và Thiên Chúa sẽ hài lòng về chúng ta như vẫn hài lòng về Con yêu dấu của Ngài.[21] Thật ra, các Mối Phúc chỉ quy về có một Mối: trở nên giống Đức Kitô, bởi vì Người đã sống trọn các Mối Phúc này.

4. Mỗi Mối Phúc có một ý nghĩa và một tầm mức riêng, nhưng kết hợp với nhau như các yếu tố của một bản giao hưởng, làm nên chương trình sống cho người Kitô hữu. Như những ánh đèn tỏa sáng và hướng dẫn trong đêm tối, các Mối Phúc là những nẻo đường hy vọng cho nhân loại.

5. Hôm nay chúng ta mừng các thánh nam nữ là dịp để nhắc nhở ơn gọi của chúng ta là nên thánh. Ai cũng phải nên thánh. Nên thánh trong bổn phận. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận thánh ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là điều rất khó nhưng không phải là không có thể.

Nếu nên thánh là để lại cho đời những gương sáng, những hy sinh, những khước từ ham muốn tầm thường. Con đường nên thánh không khó. Vì nên thánh chỉ đơn giản là làm theo ý Chúa. Ý Chúa dạy chúng ta phải trung thành với bổn phận. Ý Chúa dạy chúng ta đừng để danh lợi thú sai khiến mình làm hại tha nhân. Ý Chúa bảo chúng ta đón nhận mọi sự với niềm tín thác nơi Chúa. Ý Chúa mời gọi chúng ta vui sống với phận mình. Và chắc chắn nên thánh luôn là con đường hoàn thiện mình trên con đường của tám mối phúc, của một lối sống để cho ý Chúa luôn thể hiện trong cuộc đời của mình.

 

[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Về Nước Trời. Mt 5,3: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.; Mt 5,10.19: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.; Mt 6,10.33: “Triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.; Mt 7,21: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.

[3] Hoặc có thể là 9 Mối Phúc, nếu đếm các cụm từ “Phúc thay”; nhưng thật ra “Mối Phúc thứ 9” chỉ diễn nghĩa thêm cho Mối Phúc thứ 8

[4] Xc. Mt 11,29: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.; Mt 18,4: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.

[5] Chương 5 là bài diễn từ đầu tiên của Matthew, còn Chương 23 là bài diễn từ cuối cùng.

[6] Xc. Tv 25,8-9: “CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người”.; Tv 34,3: “Linh hồn tôi hãnh diện vì CHÚA xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên”.; Tv 76,10: “khi Chúa Trời đứng lên xét xử, cứu mọi kẻ nghèo hèn chốn dương gian”.; Tv 147,6: “Kẻ thấp hèn, CHÚA nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen”.; Tv 149,4: “Bởi vì CHÚA mến chuộng dân Người, ban cho kẻ nghèo hèn được vẻ vang chiến thắng”.

[7] Xc. Mt 21,5: “Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”.

[8] Động từ “penthein”“chịu phiền sầu” trong Mt 9,15: “Đức Giê-su trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở lại với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”.

[9] Mt 3,15: “Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người”.; Mt 5,20: “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.; Mt 6,1.33: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”.; Mt 21,32: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

[10] Có thể liên kết “làm [poiein] sự công chính” [Mt 6,1: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”.] với “làm [poiein] ý Cha Thầy” [Mt 7,21: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.] và “làm [poiein] các lời của Thầy” [Mt 7,24: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”.].

[11] Xc. Mt 25,31-46: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thủa tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.

[12] Xc. 18,23-35 (đặc biệt câu 27): “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

[13] Mt 9,13: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế’. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”.; Mt 12,7: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội”.; Và nhất là Mt 23,23: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”.

[14] Tv 24,4-6: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối. Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp”.; Xc. Tv 15,1-2: “Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa, được ở trên núi thánh của Ngài? Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy”.; Tv 51,12: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ”.; Tv 73,13: “Lạy Chúa, như thế là con đã uổng công giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch!”.

[15] Cn 10,10 (Bản LXX): “Kẻ nháy mắt sẽ gây ra đau khổ, người thẳng thắn rầy la sẽ đem lại an hòa”.

[16] Đấng Mêsia được gọi là “Hoàng Tử Hòa Bình”. Xc. Is 54,10: “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, ĐỨC CHÚA là Đấng thương xót ngươi phán như vậy”.; Is 9,5-6: “Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, ĐỨC CHÚA các đạo binh sẽ thực hiện điều đó”.; Xc. Mk 5,4: “Chính Người sẽ đem lại hòa bình. Khi Át-sua xâm nhập xứ sở và giày đạp đất nước chúng ta, chúng ta sẽ đặt bảy mục tử và tám thủ lãnh chống lại chúng”.; Dcr 9,10: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất”.

[17] J. Dupont

[18] Xc. Mt 5,23-24: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

[19] Xc. Mt 10,17-25: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em”. “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”. “Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ít-ra-en, thì Con Người đã đến”. “Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà”.; Mt 24,9: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy”.

[20] Đây là kiểu hành văn “đóng khung”: tất cả bản văn nằm giữa hai thành ngữ ấy phải được giải thích dưới ánh sáng của thành ngữ ấy.

[21] X. Mt 3,17: Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.

=======

CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ

Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa

Mt 2,1-12: Dân Ngoại Đứng Trước Đức Vua Của Người Do Thái

Mt 3,1-12: Lời Loan Báo Của Gioan Tẩy Giả

Mt 4,1-11: Cám Dỗ Tại Hoang Địa

Mt 4,12-23: Chương Trình Hoạt Động Của Đức Giêsu

 

 

 


Chia sẻ