Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Mt 4,12-23: Chương Trình Hoạt Động Của Đức Giêsu

BTT OFMVN 01
2024-03-15 15:08 UTC+7 371
“Hãy theo tôi”. Tiếng gọi của Đức Giêsu nhằm mời gọi các môn đệ đầu tiên cũng là một lời mời hoán cải liên tục. Chúng ta được mời gọi lấy một quyết định cương quyết đầu tiên, đôi khi là một đoạn tuyệt đau đớn nào đó, rồi ngày qua ngày, kiên trì bước theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ thực hiện những bước hối cải mới để càng trở nên môn đệ hơn.

Mt 4,12-23: Chương Trình Hoạt Động Của Đức Giêsu

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

Bản Văn Tin Mừng: Mt 4,12-23 [1]

12 Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. 13 Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, 14 để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: 15 Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! 16 Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

17 Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

23 Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

***

1.- Ngữ cảnh

Nói tổng quát, bốn Chương đầu của Matthew là Mở đầu cho toàn Tin Mừng thứ I.

Về ngữ cảnh của đoạn văn chúng ta đọc hôm nay, chúng ta có thể xác định như sau: Trong Chương 1–2, sau khi đã dùng một thứ Diễn văn ngôn sứ rút ra từ Cựu Ước mà cho thấy làm thế nào Lời Chúa đưa lại ý nghĩa cho “xuất xứ của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua David, con cháu tổ phụ Abraham” (Mt 1,1-17) [2] và thực hiện chương trình của Người xuyên qua lịch sử loài người (Mt 1,18-25),[3] sang Chương 3–4, Matthew cho chúng ta thấy rằng, khi đến tuổi trưởng thành, Đức Giêsu đã đảm nhận trách nhiệm về sứ mạng của Người trước nhan Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai phái Người. Những gì Kinh Thánh đã nói về Người, Người sẽ hoàn tất cách ý thức và tự do. Được đầy Thánh Thần, Người sắp được Chúa Cha bổ nhiệm làm Đấng Messiah chân chính đi đáp ứng nỗi niềm chờ mong của dân chúng.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

    1) Galilee, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu (4,12-16);

     2) Đối tượng chính của lời Đức Giêsu rao giảng (4,17);

     3) Những người đầu tiên được nhận lời rao giảng (4,18-22);

     4) Các hình thái chính của hoạt động của Đức Giêsu (4,23).

3.- Vài điểm chú giải

– Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp (12): Trong các đoạn Mt 10,4; 17,22; 20,18-19; 26,2,[4] tác giả cũng nói rằng Con Người “bị nộp” (paredothé); như thế, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu có chung một số phận. Dạng bị động hàm ý biến cố thuộc về ý muốn của Thiên Chúa: chương trình của Thiên Chúa đã được hoàn tất trong cuộc đời Gioan, cũng như sau này, sẽ được hoàn tất trong cuộc đời Đức Giêsu. Hơn nữa, hai sứ vụ được liên kết với nhau trong chương trình của Thiên Chúa: Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai vào lúc Thiên Chúa cho chấm dứt sứ vụ của Gioan.

– Người lánh qua [anachoreo, “lui về”] (12): Miền Judea là pháo đài của Do Thái giáo chính thức, với hai nhóm bảo vệ là Pharisee và Sadoc. Đã bắt được Gioan, hẳn là họ sẽ tìm cách loại trừ cả Đức Giêsu. Vì thế, Người quyết định khởi đầu sứ vụ tại miền Galilee, nơi mà ảnh hưởng của Thượng Hội Đồng và của nhóm Pharisee không mạnh bao nhiêu. Khi sử dụng động từ “anachoreo” ở đây như ở Mt 2,12 (x. Mt 9,24; 12,15; 15,21;…),[5] rất có thể Matthew cho hiểu rằng chính thái độ cứng tin của miền Judea (dưới ảnh hưởng của phái Pharisee, tỏ ra bằng việc loại trừ Gioan) đã khiến Đức Giêsu phải ngỏ lời với “Galilee, miền đất của dân ngoại”.

– Bỏ Nazareth (13): Không phải là Người bỏ rơi, nhưng là không chọn Nazareth làm khởi điểm cho sứ vụ. Đức Giêsu chọn Capharnaum: Matthew chuẩn bị đưa vào sấm ngôn Is 8,23–9,1. Capharnaum chính là miền đất xưa kia hai chi tộc Dơvulun và Náptali đã cư ngụ (x. Gs 19,10-16.32-39).[6] Matthew trích sấm ngôn Isaia này là để trả lời vấn nạn vì sao Đức Giêsu chọn miền Galilee làm nơi sân khấu chính để khởi đầu hoạt động của Người: điều đó nằm trong chương trình của Thiên Chúa (như sấm ngôn Isaia đã loan báo).

– Dơvulun … Náptali (15-16): Hai chi tộc này chiếm phần lớn miền Galilee, đã bị đế quốc Átsua thôn tính vào năm 734, và sau đó bị Hy Lạp-hóa vào thời các triều vua dòng họ Sêlêukhô. Từ đó họ đã bị Dân Ngoại tràn ngập. Ngôn sứ Isaia (Chương 8 và 9) đã loan báo ngày giải phóng. Matthew thấy chính Đức Giêsu sẽ giải phóng họ, không phải về phương diện chính trị quân sự, mà là về tôn giáo.

– Galilee, đất của dân ngoại (15): Đối lại với Judea tinh tuyền về giống nòi, Galilee trở thành biểu tượng của cuộc quy tụ phổ quát: đây là Đất Hứa đang mở ra với Đức Giêsu, là Israel chân chính, sau khi Người đã ở trong hoang địa và vượt qua sông Jordan. Chúng ta gặp một đề tài quen thuộc của Matthew: Đức Giêsu ngỏ lời trước tiên với các chiên lạc nhà Israel (x. Is 10,6; 10,24).[7]

– Một ánh sáng huy hoàng (16): Ánh sáng này sẽ xuất hiện ra với các môn đệ vào cuộc Hiển Dung (x. 17,2) và còn xuất hiện huy hoàng rực rỡ hơn nữa vào Ngày Phục Sinh.

– Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần (17): Công thức này tương tự với công thức ở Mt 3,2 (Gioan Tẩy Giả) và Mt 10,7 (các môn đệ). Bằng cách đó, tác giả Matthew khẳng định sự tiếp nối của các sứ mạng: việc rao giảng của Gioan chuẩn bị cho việc rao giảng của Đức Giêsu, và việc rao giảng của các môn đệ nối dài sứ điệp của Đức Giêsu.

– Nước Trời (17): Đây là cách Matthew nói quanh để tránh gọi tên Thiên Chúa, nên “Nước Trời” chính là “Nước Thiên Chúa” (nhưng cũng có bốn lần ông dùng cụm từ “Nước Thiên Chúa”: Mt 12,28; 19,24; 21,31.43).[8] Basileia có thể dịch ra là “triều đại, vương quyền, vương quốc”. Còn “trời” (tôn ouranôn) không có nghĩa là “Nước” này thuộc về thiên giới, nhưng có nghĩa là Đấng đang ở trên trời (Mt 5,48; 6,9; 7,21)[9] thì đang trị vì trên thế giới. Do bởi trung thành với truyền thống Cựu Ước, Matthew biết rằng vương quyền luôn luôn thuộc về Thiên Chúa (x. Tv 22,29; 103,19; 145,11-13).[10] Đây là sứ điệp chính của Đức Giêsu: Người loan báo “Nước” (Triều Đại) này đang/đã đến và chính Người thực hiện trong tư cách là Con Người (x. Mt 26,64; Đn 7,13-14 [Bản Hy Lạp LXX]: Mt 28,18).[11] Trong Marco và Luca, có những chỗ Đức Giêsu đã công bố Nước Thiên Chúa như là một thực tại thuộc về tương lai (x. Mc 14,25; Lc 11,2;…),[12] và có những chỗ Người lại bảo đó là một thực tại đang có trong hiện tại nơi sứ vụ và nơi bản thân Người (x. Lc 7,18-23; 10,23t…).[13] Do dựa trên loạt bản văn thứ nhất hoặc thứ hai mà có hai lý thuyết ở hai đối cực: “thời cánh chung đã đến” và “thời cánh chung đang đến”.

– Đã đến gần (engiken, 17)“Engiken” là thì hoàn thành của động từ “engizo”“đến gần”. Đây là một từ vẫn đang gây nhiều tranh luận. Các bản dịch khá khác nhau: “est tout proche” (BJ), “s’est approché” (TOB), “is at hand” (King James 1611; NAB 1988), “is fast approaching” (để nêu bật tính cấp bách),[14] “is near, is at hand” (Zerwick). C.H. Dodd cho rằng, “engiken” được dịch từ một động từ Aram có nghĩa là “đạt tới; đến”. Vì thế, ông dịch là “Nước Trời đã đến”. Nhưng “engizo” (do tính từ “engys”, “gần”) có nghĩa là “đến sau; tiến lại gần”; do đó, đa số các nhà chú giải chọn cách dịch là “Nước Trời đã gần (đến)”.

– Các câu 16-22: Truyện Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên được kể theo mẫu các ơn gọi ngôn sứ trong Cựu Ước (x. Elisa: 1V 19,19).[15] Bài này không nói đến chiều kích tâm lý, nhằm làm nổi bật lời kêu gọi của Đức Giêsu và lời đáp gắn bó bằng đức tin hơn. Lược đồ này diễn tả tương quan tiêu biểu giữa Đức Giêsu và người môn đệ lý tưởng: Thầy vừa lên tiếng gọi, môn đệ bỏ mọi sự mà đi theo ngay, không lưỡng lự, không thắc mắc. Đức Giêsu chỉ yêu cầu các ông đi theo Người và sống với Người, và chỉ sai phái các ông đi loan báo Tin Mừng sau Phục Sinh (khác với Mc 6,12-13 và Lc 9,6).[16] Khi viết như thế, có lẽ Matthew muốn ưu tiên nêu thật rõ dung mạo có một không hai của Thầy.

– Những kẻ lưới người như lưới cá (19): Phải chăng đây là một ám chỉ đến sách Ezekiel (47,10)? Bản dịch TOB bảo hiểu Mt 4,19 và Lc 5,10 theo Mc 1,17 (chú thích c): hình ảnh tiêu cực và như đe dọa (x. Kb 1,15.17; Gr 16,16)[17] để diễn tả rằng các tông đồ sẽ đi rao giảng Tin Mừng hầu quy tụ người ta lại mà chịu phán xét và được vào Nước Thiên Chúa (x. Mt 13,47-50).[18] Nhưng nếu hiểu theo Lc 5,10, thì ý nghĩa tích cực hơn nhiều: động từ “zogreo” (do bởi “zoos”, “sống”, và “agreo”, “bắt”) có nghĩa là “bắt (mà cứu sống)” (Zerwick). Có lẽ cũng nên hiểu Mt 13,47-50 theo hướng này.

Dù sao, có thể nói rằng Nước Trời như đã được thiết lập khi Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ, bởi vì Nước Trời chủ yếu là một cộng đoàn gồm những con người quy tụ quanh Đức Giêsu trong sự hiệp thông với Chúa Cha.

– Khắp miền Galilee (23): Đức Giêsu đến nhắm ngỏ lời với toàn thể dân Người trong khắp xứ (chứ không như các kinh sư Do Thái).

– Giảng dạy… chữa… (23): “Đức Giêsu đi khắp miền Galilee / các thành thị, làng mạc / giảng dạy (“didaskon”, participle) trong các hội đường của họ, rao giảng (“kérysson”, part.) Tin Mừng Nước Trời, và chữa (“therapeuon”, part.) hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân” (Mt 4,23 và 9,35).[19] Câu này đóng khung khối từ Chương 5 đến Chương 9. Năm chương này làm thành một đơn vị về văn chương và đề tài. Nội dung của đơn vị này sẽ nhắc lại và triển khai ba phân-từ (participle) chứa trong câu tổng hợp này.

Giáo huấn của Bài Giảng trên núi (Chương 5–7) và những cuộc chữa bệnh (Chương 8–9: trình thuật 10 phép lạ) là hai hình thái của Tin Mừng về Nước Trời. Đức Giêsu công bố Nước Trời bằng lời nói (Chương 5–7) và bằng hành động (Chương 8–9). Bài Giảng trên núi minh họa đặc biệt những điều kiện để gia nhập và phát triển trong Nước Trời. Có thể nói Bài Giảng này nối dài câu “Anh em hãy sám hối (hoán cải)”, Bài Giảng này như là lời đáp của con người khi Nước Trời đến (x. Mt 4,23).

– Chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân (23): Nền văn chương khải huyền thời Đức Giêsu (x. Các Thánh vịnh Salomon) đầy những ý tưởng về Thiên Chúa là Đấng che chở người công chính và tránh cho họ khỏi bệnh hoạn và những nghịch cảnh. Hoạt động chữa bệnh của Đức Giêsu đáp ứng một niềm chờ mong nơi dân chúng, nhất là thực hiện lời sấm Isaia về Người Tôi Trung của Đức Chúa mang lấy bệnh tật của dân (x. Is 53,4),[20] mà ông đã áp dụng cho Đức Giêsu (x. Mt 8,17).[21]

Còn toàn bộ Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giêsu không chọn nguyên tắc là chữa tất cả các bệnh nhân, y như thể Người muốn cho người ta hưởng nhờ tối đa khả năng làm phép lạ của Người. Người chỉ thực hiện một số phép lạ chữa bệnh có ý nghĩa liên hệ đến Nước Trời và quyền bính của riêng Người.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Galilee, địa bàn hoạt động của Đức Giêsu (12-16)

Đức Giêsu đã đến sông Jordan để được Gioan ban phép rửa cho; Người đã dừng lại ở phía nam Thánh Địa (x. Mt 3,13–4,11). Thế rồi tại sao Người lại trở về để hoạt động tại miền Galilee, là miền không được coi là quê hương của Đấng Messiah (x. Ga 7,41.42.52)?[22] Tại sao Người không ở lại miền Judea và Giêrusalem, là trung tâm của dân Thiên Chúa? Matthew cho biết là Đức Giêsu rút lui (lánh đi), Người cảm thấy bị đe dọa và nhường bước cho áp lực của những hoàn cảnh bên ngoài. Sự đe dọa đã khiến cha nuôi Người phải đổi chỗ ở vào đầu đời Người (Mt 2,13.14.22)[23] và sẽ còn bó buộc Người liên tục rút lui cả trong thời gian hoạt động công khai (Mt 12,15; 14,13).[24] Với các môn đệ sau này, Người dạy họ trốn sang thành khác, khi bị bách hại (Mt 10,23).[25] Cũng như Người, họ phải bố trí đời sống dựa theo những hoàn cảnh bên ngoài. Nơi số phận của Gioan, đã bị vua Herod cho bắt và sẽ cho giết chết theo ngẫu hứng (x. Mt 14,3-12),[26] kết cục cuộc đời Đức Giêsu đã được loan báo: Người cũng sẽ bị giao nộp vào tay loài người (Mt 17,22),[27] cho sự gian tà và độc ác của họ. Như thế, ngay trên bước khởi đầu hoạt động của Đức Giêsu, bóng tối của kết cục bi thảm đã được trương ra. Hoạt động của Người được triển khai dưới dầu chỉ là cuộc Khổ Nạn của Người. Tuy nhiên, tất cả những điểm này đều thuộc về chương trình của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã để cho Gioan và sẽ để cho Đức Giêsu “bị nộp”; sự kiện Gioan bị nộp là như tín hiệu Thiên Chúa dùng để báo cho Đức Giêsu biết đã đến lúc Người hoạt động.

Cũng như Người đã đến cư ngụ tại Nazareth (Mt 2,22tt),[28] nay Đức Giêsu đến hoạt động tại Galilee và Capharnaum, do bị bó buộc bởi các biến cố bên ngoài. Trong cả hai trường hợp, tác giả ghi nhận là như thế, ý muốn của Thiên Chúa do các ngôn sứ loan báo được thể hiện. Cho dù nhiều lần phải điều chỉ do các bó buộc bên ngoài, hành trình của Đức Giêsu vẫn hoàn toàn ở dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Người đi về vùng ngoại biên Israel, vào “Galilee, đất của dân ngoại”, tại đó cũng có người ngoại cư ngụ và chung quanh là các miền đất Dân ngoại. Hoạt động của Người nhắm đến dân Israel (Mt 15,24),[29] nhưng tại đây cũng lan tỏa ra các Dân ngoại và được họ nhận biết (x. Mt 4,24tt).[30] Điều đã được loan báo bởi cuộc viếng thăm của các hiền sĩ (Mt 2,1-12)[31] và điều sẽ được công bố trong sứ mạng cuối cùng của các môn đệ trong liên hệ với muôn dân (Mt 28,19),[32] nay cũng được tỏ hiện tại các nơi chính mà Người hoạt động: Người cũng là ánh sáng cho Dân ngoại nữa. Tại nơi đã chỉ có bóng tối của tử thần, đã bừng lên một ánh sáng. Đối với loài người chúng ta, mặc dù chúng ta biết nhiều, kết cục và ý nghĩa của đời sống hoàn toàn vô phương dò thấu và mờ mịt. Bằng sứ điệp của Người về Thiên Chúa, Đức Giêsu mang ánh sáng và khai mở sự sống viên mãn.

* Đối tượng chính của lời Đức Giêsu rao giảng (17)

Các lời “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” tóm tắt toàn thể sứ điệp của Đức Giêsu. Tiếng gọi đi trước, nhưng hoàn toàn lệ thuộc lời loan báo, vì dựa trên lời này (“vì”). Thuật ngữ “Nước Trời” chỉ có trong Matthew, tương ứng với “Nước Thiên Chúa” trong phần còn lại của Tân Ước. Theo cách dùng của người Do Thái, họ tránh từ “Thiên Chúa” và thay thế bằng “trời” (x. Mt 21,25; Lc 15,18).[33] “Nước Trời” chính là triều đại hoặc quyền chủ tể của Thiên Chúa như là vua. Tất cả hoạt động của Đức Giêsu quy chiếu về Triều Đại. Triều Đại không có nghĩa là một điều gì khác và tách biệt với Thiên Chúa, nhưng là chính Thiên Chúa trong tư cách Chúa Tể và Vua của dân Người, cùng với các hậu quả của quyền chủ tể trên dân. Dân thì luôn luôn thuộc về nhà vua; quyền chủ tể vương giả có nghĩa là dấn thân với lòng tốt và sự quan tâm mà lo lắng cho đời sống của dân, như một mục tử lo lắng cho đời sống của đàn chiên (x. Tv 23,1).[34]

Triều Đại này đã đến gần, chứ chưa hoàn toàn hiện diện. Đức Giêsu sẽ dạy họ cầu nguyện “xin triều đại Cha ngự đến” (Mt 6,10). Tuy nhiên, Triều Đại này đã đến gần vĩnh viễn. Thiên Chúa đã quyết định giương cao Vương quyền này trước mặt tất cả các thế lực khác và thực hiện Vương quyền này cách công khai và hết sức hữu hiệu. Không còn có thể quay lui, mà chỉ có thể bước tới cho đến khi Triều Đại này được tỏ hiện trọn vẹn. Thiên Chúa sẽ không trì hoãn và cứ ẩn mình mãi. Người sẽ không bỏ rơi loài người cho các thế lực của thiên nhiên và lịch sử, cũng như cho hoàn cảnh trong đó họ phải quy phục lẫn nhau. Người sẽ chấm dứt tất cả các thế lực này và chính Người sẽ trực tiếp là Vua và Chúa. Đức Giêsu sẽ làm sáng tỏ bản chất của Triều Đại này đặc biệt trong sứ điệp của Người về Thiên Chúa như là Cha và trong hoạt động bác ái của Người để chữa lành và giúp đỡ.

Trước lời công bố là lời mời gọi: “Hãy hối cải!”. Đức Giêsu mời các thính giả quay về với Thiên Chúa. Họ phải quay mặt về Người, chăm chú lắng nghe, với lòng tin tưởng và hy vọng. Con người chỉ có thể hoán cải nếu Thiên Chúa quay về cách nhưng-không với con người. Tuy nhiên, lời kêu gọi hoán cải được đặt ở đầu, bởi vì lời đáp của chúng ta với Thiên Chúa là điều tuyệt đối cần thiết, và có thể thất bại nếu không được nói ra. Hành động của Thiên Chúa thì đã chắc chắn; vì thế, Đức Giêsu đã nhấn mạnh nhiều trên sự cần thiết phải hoán cải.

* Những người đầu tiên được nhận lời rao giảng (18-22)

Một trong những điều kiện căn bản đề Đức Giêsu có thể hoạt động là Người có quanh mình một số người để họ đi đường với Người thường xuyên, thiết lập với Người một sự hiệp thông đời sống và có thể trải nghiệm trọn vẹn hoạt động của Người. Đức Giêsu không hoạt động tùy hứng hay theo ngẫu nhiên, cũng không bắt hoạt động của Người lệ thuộc những cuộc gặp gỡ tình cờ và chóng qua. Người có một cộng đoàn môn đệ bao quanh. Lời kêu gọi “Hãy hối cải!” được nhắc lại và được làm sáng tỏ bởi tiếng gọi “Hãy đi theo tôi!”. Đức Giêsu đã gọi bốn môn đệ đầu tiên là Simôn và Anrê, Giacôbê và Gioan đi theo Người. Ta sống sự hoán cải trong khi đi theo Đức Giêsu. Ai theo Người thì tin tưởng vào Người, bởi vì Người biết kết cuộc và biết con đường phải theo. Ai đi theo Người thì gắn bó với Người và chấp nhận được Người hướng dẫn. Khi đi theo Người, các môn đệ được đưa vào trong sứ điệp về Nước Trời và vào trong việc hoán cải như là câu trả lời đúng đắn với sứ điệp này.

Những ai đi theo Đức Giêsu thì phải ra khỏi hoàn cảnh sống trước đó và gắn bó với Người. Tuy nhiên, dây liên kết này không tách họ khỏi những người khác, trái lại phải chuẩn bị họ cho một nhiệm vụ mới nơi loài người. Đức Giêsu gọi đi theo Người, đồng thời cho biết ý định của Người: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Xuyên qua cuộc cộng đồng sinh tử với Người, Đức Giêsu chuẩn bị họ tiếp nối sứ mạng của Người, trong tư cách là những sứ giả của Người (x. Mt 9,36–10,42; 28,16-20).

* Các hình thái chính của hoạt động của Đức Giêsu (23)

Hoạt động của Đức Giêsu được triển khai khắp miền Galilee và được thực hiện qua giáo huấn, lời giảng và các phép lạ chữa bệnh (Mt 4,23). Lời dạy về sự hoán cải đúng đắn, lời loan báo và giải thích Tin Mừng về Nước Trời, và sự xác nhận các điều đó nhờ các cuộc chữa bệnh là những điểm chìa khóa của hoạt động của Đức Giêsu.

+ Kết luận

Là vị Tiền Hô của Đấng Messiah, Gioan đã dừng chân tại hoang địa và ở tại sông Jordan mà làm phép rửa cho những ai đến với ông. Còn Đức Giêsu, Đấng Messiah, đã sống đời “du thuyết”; Người rảo khắp miền Galilee mà công bố rằng Nước Trời đang đến. Ngay từ đầu, Người đã tỏ ra là vị Mục Tử tốt lành đi tìm “các chiên lạc của nhà Israel”. Và vì quan tâm bảo đảm cho hoạt động của Người được hữu hiệu lâu dài, Người đã quy tụ các “ngư phủ lưới người” đầu tiên, để họ sống với Người và với nhau. Sau này, các ông sẽ nối tiếp Người, đi loan báo Nước Trời khắp nơi, không phải chỉ cho dân Israel, mà cho mọi người thuộc mọi thời đại.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Vào ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn còn công bố sứ điệp về Nước Trời giữa lòng cộng đoàn cử hành Phụng vụ. Lời Người vẫn cấp bách như thuở nào: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. Thiên Chúa vẫn đang tìm cách hiển trị trong đời sống chúng ta một cách rõ nét hơn; Người có thể áp đảo chúng ta, nhưng Người không muốn, vì Người tôn trọng tự do của chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi xét lại tâm hồn mình, bỏ đi những trở ngại khiến trái tim chúng ta không mở rộng ra được với các viễn tượng phổ quát của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không loại bỏ được những trở ngại đó, là chúng ta như đang bị bệnh tật. Khi đó, chúng ta có thể xin với Đức Giêsu và Người sẽ chữa chúng ta lành.

2. Các hoàn cảnh bên ngoài không phải chỉ là những bó buộc, nhưng thường cũng là những chỉ dẫn Thiên Chúa ban để chúng ta đi đúng đường lối của Người. Đức Giêsu đã chứng tỏ như thế. Các thánh cũng đã hiểu như thế, qua các cuộc mò mẫm tìm kiếm ý Chúa. Hôm nay, chúng ta được mời gọi lưu ý đến các hình thái này mà Thiên Chúa đang dùng để hướng dẫn chúng ta.

3. “Hãy hối cải!”. Loài người không được quay lưng lại với Thiên Chúa, rời xa Người và tìm hạnh phúc và ơn cứu độ ở chỗ khác. Hành động Thiên Chúa đến với loài người đòi buộc họ đáp trả bằng cách di chuyển về phía Thiên Chúa. Họ không thể được Người đến gặp và nhận được các phúc lành của Triều Đại Người, nếu họ quay về với những người khác. Ngay từ đầu, lời rao giảng của Đức Giêsu đã nêu bật hai đề tài chính này: Người nói rõ là chúng ta có thể chờ đợi gì nơi Nước Thiên Chúa và đồng thời, Người trình bày cho thấy đâu là các hình thái của sự hối cải chân thật. Cả hai yếu tố này được trình bày rõ ràng trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12).[35]

4. Đức Giêsu xuất hiện là đưa lại ánh sáng và niềm vui. Hôm nay, chúng ta có nhận ra Người vẫn đang hiện diện trong thế giới, giữa lòng cuộc sống chúng ta, để chúng ta tiếp tục đón nhận được niềm vui và ánh sáng? Đàng khác, chúng ta đã được chọn để nối tiếp sứ mạng của Người. Chúng ta đang chu toàn sứ mạng đó thế nào? Đức Kitô vẫn đang đến gặp chúng ta ngay giữa những sinh hoạt, những niềm vui và những nỗi phiền sầu của chúng ta, để mời gọi chúng ta đi theo Người. Có lẽ Người không lôi kéo chúng ta theo Người về mặt thể lý cho bằng về mặt thiêng liêng: chúng ta được thúc bách rời bỏ chính mình, bỏ tính ích kỷ, bỏ đi sự cứng cỏi, để sống với Người mỗi ngày trong sự từ bỏ và trong tình yêu.

5. “Hãy theo tôi”. Tiếng gọi của Đức Giêsu nhằm mời gọi các môn đệ đầu tiên cũng là một lời mời hoán cải liên tục. Chúng ta được mời gọi lấy một quyết định cương quyết đầu tiên, đôi khi là một đoạn tuyệt đau đớn nào đó, rồi ngày qua ngày, kiên trì bước theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ thực hiện những bước hối cải mới để càng trở nên môn đệ hơn.

[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Mt 1,1-17: Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham: Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; ông Gie-sê sinh Đa-vít. Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon. 12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. 17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.

[3] Mt 1,18-25: 18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. 25 Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

[4] Mt 10,4; 17,22; 20,18-19; 26,2: Ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 17 22 Khi thầy trò tụ họp ở miền Ga-li-lê, Đức Giê-su nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời. 20 18 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy”. 26 “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá”.

[5] x. Mt 2,12; Mt 9,24; 12,15; 15,21: 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. 9 24 “Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Nhưng họ chế nhạo Người. 12 15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 15 21 Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn.

[6] x. Gs 19,10-16.32-38: 10 Con cái Dơ-vu-lun, theo các thị tộc của họ, bắt thăm được phần đất thứ ba. Ranh giới phần gia nghiệp của họ đi đến tận Xa-rít, 11 đi lên về phía tây, theo hướng Mác-a-la, gặp Đáp-be-sét, rồi gặp suối đối diện với Gióc-nơ-am. 12 Từ Xa-rít, ranh giới đó trở về hướng đông, phía mặt trời mọc, cho đến ranh giới Kít-lốt Ta-bo, tiến về Đa-vơ-rát và lên Gia-phia. 13 Từ đó, ranh giới qua hướng đông, phía mặt trời mọc, ở Gát Khê-phe, ở Ít-ta Ca-xin, đi tới Rim-môn và lượn về Nê-a. 14 Rồi ranh giới quay sang phía bắc Khan-na-thôn và dừng lại ở thung lũng Gíp-tác Ên. 15 Ngoài ra, còn có Cát-tát, Na-ha-lan, Sim-rôn, Gít-a-la và Bê-lem: đó là mười hai thành và làng mạc của các thành ấy. 16 Các thành ấy và làng mạc của các thành ấy là phần gia nghiệp của con cái Dơ-vu-lun, chia theo các thị tộc của họ. 32 Con cái Náp-ta-li, theo các thị tộc của họ, bắt thăm được phần đất thứ sáu. 33 Ranh giới của họ khởi đầu từ Khê-lép, từ cây Sồi ở Xa-a-nan-nim, đi qua A-đa-mi Ha Ne-kép và Giáp-nơ-ên cho đến Lắc-cum, và dừng lại ở sông Gio-đan. 34 Rồi ranh giới đó quay về phía tây, đi qua Át-nốt Ta-vô, và từ đó đi tới Khu-cốc, gặp phần đất của Dơ-vu-lun ở phía nam, gặp phần đất của A-se ở phía tây và sông Gio-đan ở phía mặt trời mọc. 35 Các thành luỹ kiên cố là: Hát-xít-đim, Xe, Kham-mát, Rắc-cát, Kin-ne-rét, 36 A-đa-ma, Ra-ma, Kha-xo, 37 Ke-đét, Ét-re-i, Ên Kha-xo, 38 Giếc-ôn, Mích-đan Ên, Kho-rem, Bết A-nát, Bết Se-mét: đó là mười chín thành và làng mạc của các thành ấy. Các thành ấy và các làng mạc của các thành ấy là phần gia nghiệp của chi tộc con cái Náp-ta-li, chia theo các thị tộc của họ.

[7] x. Is 10,6; 10,24: Ta sai nó đến với một dân tộc vô luân, Ta truyền cho nó đến với một dân chọc giận Ta, để tha hồ cướp bóc, tha hồ tước đoạt, để giày đạp dân ấy như bùn đất ngoài đường. 24 Vì vậy, ĐỨC CHÚA các đạo binh là Chúa Thượng phán thế này: “Hỡi dân Ta đang sống ở Xi-on, đừng sợ Át-sua, kẻ đánh ngươi bằng roi và giơ gậy đập ngươi như người Ai-cập thuở trước”.

[8] Mt 12,28; 19,24; 21,31.43: 28 Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 19 24 Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. 21 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.

[9] Mt 5,48; 6,9; 7,21: 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. 6 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển”. 7 21 “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.

[10] x. Tv 22,29; 103,19; 145,11-13: 29 Bởi vì CHÚA nắm quyền vương đế, Người thống trị chư dân. 103 19 CHÚA đặt ngai báu trên trời cao thẳm, quyền đế vương bá chủ muôn loài. 145 11 Nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, 12 để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang. 13 Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu, vương quyền Ngài vạn đại trường tồn. Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.

[11] x. Mt 26,64: 64 Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”.

x. Đn 7,13-14: 13 Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. 14 Đấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

x. Mt 28,18: 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”.

[12] x. Mc 14,25: 25 Thầy bảo thật anh em: “chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa”.

x. Lc 11,2: Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”.

[13] x. Lc 7,18-23; 10,23t

[14] x. Albright trong Anchor Bible

[15] 1V 19,19

[16] Mc 6,12-13 và Lc 9,6

[17] x. Kb 1,15.17; Gr 16,16

[18] x. Mt 13,47-50

[19] Mt 4,23 và 9,35

[20] x. Is 53,4

[21] x. Mt 8,17

[22] x. Ga 7,41.42.52

[23] Mt 2,13.14.22

[24] Mt 12,15; 14,13

[25] Mt 10,23

[26] x. Mt 14,3-12

[27] Mt 17,22

[28] Mt 2,22t

[29] Mt 15,24

[30] x. Mt 4,24tt

[31] Mt 2,1-12

[32] Mt 28,19

[33] x. Mt 21,25; Lc 15,18

[34] x. Tv 23,1

[35] Mt 5,3-12

=======

CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ

Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa

Mt 2,1-12: Dân Ngoại Đứng Trước Đức Vua Của Người Do Thái

Mt 3,1-12: Lời Loan Báo Của Gioan Tẩy Giả

Mt 4,1-11: Cám Dỗ Tại Hoang Địa

 

 

 


Chia sẻ