Skip to content
Main Banner
Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10) - Đức Mẹ Mân Côi (06/10) - Thánh Têrêsa Giêsu (15/10) - Thánh Ignhatiô (17/10) - Thánh Luca (18/10) - Thánh Phêrô Ancăntara (PS) (19/10) - Thánh Gioan Capestranô (PS) (23/10) - Tinh thần Assisi (27/10) - Thánh Simon Giuđa (28/10) - Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

“Vì giá trị thành sự của bí tích, các công thức và chất thể không thể bị thay đổi”

BTT OFMVN 01
2024-02-06 06:03 UTC+7 199
Đối diện với tình trạng lạm dụng phụng vụ kéo dài, với Bản lưu ý “Gestis verbisque” (cử chỉ và lời nói), Bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại rằng những lời và yếu tố được thiết lập trong nghi thức thiết yếu của mỗi bí tích không thể bị thay đổi, nếu không bí tích sẽ không thành sự.

Vatican News

Bản lưu ý của Bộ Giáo lý Đức tin được ban hành vào Thứ Bảy ngày 3 tháng 2 có tựa đề Gestis Verbisque. Một văn bản, được các hồng y và các thành viên giám mục thảo luận và phê chuẩn trong Phiên họp toàn thể gần đây của Bộ và do đó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, trong đó nhắc lại rằng các công thức và các yếu tố chất thể được thiết lập trong nghi thức thiết yếu của bí tích không thể bị thay đổi tuỳ ý nhân danh sự sáng tạo. Thực tế, khi làm như vậy, chính bí tích không thành sự.

Phần trình bày của ĐHY Fernández

Trong phần trình bày tài liệu, Đức Hồng Y Victor Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, giải thích nguồn gốc của Bản lưu ý, cụ thể là do “sự gia tăng của các tình huống trong đó các bí tích đã được cử hành bị buộc phải xác định là vô hiệu”, với những sửa đổi “dẫn đến sự cần thiết phải tìm những người liên quan để lặp lại nghi thức của bí tích Rửa tội hoặc Thêm sức và một số lượng đáng kể các tín hữu đã bày tỏ sự lo lắng của họ một cách chính đáng”.

Ví dụ những thay đổi trong công thức của bí tích Rửa tội như: “Tôi rửa tội cho anh/chị nhân danh Đấng Tạo Hóa...” và “Nhân danh cha và mẹ..., chúng tôi rửa tội cho anh/chị”. Các trường hợp cũng liên quan đến “một số linh mục đã được rửa tội bằng những công thức thuộc loại này, và họ đã phát hiện cách đau khổ sự vô hiệu của bí tích Truyền chức thánh và các bí tích được họ cử hành cho đến thời điểm đó”. Đức Hồng Y giải thích rằng “trong khi ở các lĩnh vực khác của hoạt động mục vụ của Giáo hội có không gian rộng rãi cho sự sáng tạo”, thì trong bối cảnh cử hành các bí tích, điều này lại “biến thành một ‘ý định lèo lái’”. Đức hồng y Fernández kết luận bằng cách nhắc lại rằng “các thừa tác viên chúng ta được yêu cầu phải có sức mạnh để vượt qua cám dỗ coi mình là chủ nhân của Giáo hội” và ngài cũng nhắc rằng “các tín hữu có quyền đón nhận các bí tích như Giáo hội quy định”.

Ưu tiên cho hành động của Chúa

Bản lưu ý tín lý viết: “Với những sự kiện và lời nói được nối kết mật thiết, Thiên Chúa mặc khải và thực hiện kế hoạch cứu độ của Người cho mọi người nam nữ”. Thật không may “cần lưu ý rằng việc cử hành phụng vụ, đặc biệt là các bí tích, không phải lúc nào cũng diễn ra hoàn toàn trung thành với các nghi thức do Giáo hội quy định”. Tài liệu nhắc lại rằng “Giáo hội, kể từ khi thành lập, đã đặc biệt quan tâm đến nhựa sống được kín múc cho sự tồn tại và chứng tá của mình: Lời Chúa, được xác nhận bởi Thánh Kinh và Thánh Truyền, cũng như các Bí tích được cử hành trong phụng vụ, qua đó Giáo hội liên tục được đưa trở lại với mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô”. Vì lý do này, sự can thiệp của Huấn quyền vào các vấn đề bí tích “luôn được thúc đẩy bởi mối quan tâm nền tảng về sự trung thành với mầu nhiệm được cử hành. Thật vậy, Giáo hội có nhiệm vụ đảm bảo quyền ưu tiên cho hành động của Thiên Chúa và bảo vệ sự hiệp nhất của Thân Mình Chúa Kitô trong những hành động không có gì sánh bằng, bởi vì chúng thánh thiêng “trổi vượt” với hiệu quả được bảo đảm bởi hành động tư tế của Đức Kitô”. Giáo hội cũng “nhận thức rằng việc quản lý ân sủng của Thiên Chúa không có nghĩa là chiếm hữu nó, nhưng là trở thành một công cụ của Chúa Thánh Thần trong việc thông truyền hồng ân của Chúa Kitô Phục sinh. Đặc biệt, Giáo Hội biết rằng năng quyền của Giáo Hội liên quan đến các bí tích dừng lại trước bản chất của các bí tích” và rằng “trong các cử chỉ bí tích, Giáo Hội phải bảo vệ những cử chỉ cứu độ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho Giáo Hội”.

Chất thể và mô thức

Do đó, Bản Lưu ý giải thích rằng “vấn đề của bí tích hệ tại ở hành động con người qua đó Chúa Kitô hành động. Nơi đó, đôi khi một yếu tố chất thể hiện diện (nước, bánh, rượu, dầu), đôi khi là một cử chỉ đặc thù (làm dấu thánh giá, đặt tay, dìm mình, ưng thuận, xức dầu)”. Tính hữu hình “không thể thiếu được vì bí tích bắt nguồn không chỉ trong lịch sử nhân loại, mà còn, một cách nền tảng hơn, trong trật tự biểu tượng của Công trình Sáng tạo và dẫn nó trở lại mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Lời và Ơn Cứu chuộc do Người thực hiện”. Về mô thức của bí tích, nó “được cấu thành bởi lời nói, mang lại ý nghĩa siêu việt cho chất thể, biến đổi ý nghĩa thông thường của yếu tố chất thể và ý nghĩa thuần túy nhân bản của hành động được thực hiện. Lời nói này luôn được gợi hứng ở nhiều mức độ khác nhau từ Kinh thánh, có nguồn gốc từ Truyền thống sống động của Giáo hội và đã được Huấn quyền của Giáo hội xác định một cách chính thức”. Do đó, chất thể và mô thức không bao giờ phụ thuộc, “cũng không thể phụ thuộc vào ý chí của một cá nhân hay một cộng đồng”.

Không thể thay đổi

Tài liệu nhắc lại rằng “đối với tất cả các bí tích, trong mọi trường hợp, việc tuân giữ chất thể và mô thức luôn luôn được yêu cầu để việc cử hành được thành sự, với ý thức rằng những sửa đổi tùy tiện đối với điều này và/hoặc điều kia – mà mức độ nghiêm trọng và tính vô hiệu phải được xác minh theo từng trường hợp – sẽ gây nguy hiểm cho việc trao ban ân sủng bí tích một cách hiệu quả, gây thiệt hại minh nhiên cho các tín hữu”. Những gì đọc trong các sách phụng vụ đã ban hành phải được tuân giữ một cách trung thành, không được “thêm, bớt hay thay đổi bất cứ điều gì”. Bởi vì nếu lời nói hoặc chất thể thay đổi thì bí tích không thành. Về vấn đề này, trong ghi chú 34 của tài liệu, có một sự phân biệt đáng kể giữa tính hợp pháp và tính hiệu lực, khi giải thích rằng “bất kỳ sửa đổi nào đối với công thức bí tích luôn là một hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng” ngay cả khi đó là một điều tối thiểu không làm thay đổi ý nghĩa nguyên thuỷ và không làm cho bí tích trở nên vô hiệu. Sự thay đổi về các yếu tố thiết yếu cho việc cử hành bí tích cũng đưa đến “sự nghi ngờ về ý định thực sự của thừa tác viên, làm vô hiệu tính thành sự của bí tích được cử hành”.

Nghệ thuật cử hành

Phụng vụ cho phép có sự đa dạng nhằm bảo vệ Giáo hội khỏi “sự đồng nhất cứng nhắc”, như đã nêu trong Hiến chế Công đồng Sacrosanctum Concilium. Nhưng sự đa dạng và tính sáng tạo này giúp nghi thức dễ hiểu hơn và sự tham gia tích cực của các tín hữu không thể liên quan đến điều thiết yếu trong việc cử hành các bí tích. Bản lưu ý khẳng định: “Việc phát triển một nghệ thuật cử hành dường như ngày càng cấp thiết, trong khi tránh cả chủ nghĩa cứng nhắc lẫn chế tác phóng khoáng, phải dẫn đến một kỷ luật cần được tôn trọng, để trở nên những môn đệ đích thực”.

Bảo vệ sự phong phú của các bí tích

“Chúng tôi… lại đựng kho tàng ấy những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cor 4:7). Trong phần kết luận, tài liệu của Bộ Giáo lý Đức tin trích dẫn những lời của Thánh Phaolô, một phản đề được sử dụng “để nhấn mạnh sự cao cả của quyền năng Thiên Chúa được bộc lộ như thế nào qua sự yếu đuối của thừa tác vụ của ngài với tư cách là một người loan báo và cũng mô tả rõ ràng những gì xảy ra trong các bí tích. Toàn thể Giáo hội được kêu gọi bảo vệ sự phong phú chứa đựng trong đó, để tính ưu việt của hành động cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử không bao giờ bị lu mờ, ngay cả qua sự trung gian mong manh của các dấu hiệu và chính những cử chỉ của bản tính con người”.

Đọc bài viết gốc tại đây

Chia sẻ