Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Con Người -- trong tư tưởng của Thánh Phanxicô và Thánh Clara thành Assisi (I)

BTT OFMVN 01
2024-02-09 07:42 UTC+7 916

CON NGƯỜI-- TRONG TƯ TƯỞNG CỦA THÁNH PHANXICÔ VÀ THÁNH CLARA THÀNH ASSISI

 

Phanxicô và Clara thành Assisi là những người bạn sau khi cảm thức biến đổi trong thâm tâm (hoán cải) đã cùng rời bỏ cuộc sống đầy hứa hẹn với danh vọng và của cải để “bước theo chân vết chân Đức Giêsu.” Có nhiều điểm tương đồng trong phương cách họ am hiểu về con người và mối liên kết giữa Thiên Chúa, con người và toàn thể tạo vật.

Cả Phanxicô lẫn Clara cũng đã chịu tác động bởi ảnh hưởng của giai đoạn lịch sử mà họ đang sống. Theo cuộc cải tổ của Đức Giáo Hoàng Gregôriô và các chỉ thị của Công Nghị Rôma (1059), trong suốt hai thế kỷ 11 và 12 có rất nhiều phong trào tôn giáo lẫn xã hội lan tràn khắp Âu châu nhấn mạnh sự trở về của con người bình thường với lối sống Tin Mừng canh tân. Các phong trào này kêu mời quần chúng trở về với Kinh Thánh, từ bỏ của cải vật chất và thậm chí trong vài trường hợp, sống đời sống cộng đoàn. Một trong số các nhóm này thì có nhóm Carthari, gồm những Kitô hữu lạc giáo chấp nhận chủ thuyết nhị nguyên xem tất cả những gì thuộc về vật chất đều là xấu và những gì thuộc về tinh thần đều là tốt. Nhóm Carthari biện luận (trái ngược với giáo lý Công giáo về Nhập thể) rằng: Đức Giêsu, vì là thần linh (tinh thần), không thể vừa thật sự là con người (vật chất). Thật vậy, họ cho rằng tất cả gì do xác thịt hay vật chất mà ra đều là xấu, kể cả thân xác con người, hôn nhân và việc thụ thai chẳng hạn. Khu vực Assisi là cái “nôi” của tà phái Carthari, và năm 1203 một thành viên của phong trào này được bầu làm thị trưởng thành phố.

Chắc chắn là Phanxicô và Clara, lúc còn tuổi trẻ, đã biết về nhóm Carthari và quan điểm coi rẻ thân xác con người của họ. Thêm vào đó hầu chắc Phanxicô cũng ý thức được việc giáo hội, tại Công Đồng Lateranô Thứ Tư (1215) đã lên án chủ thuyết nhị nguyên của Carthari là “lạc giáo.” Các học giả Phan sinh đồng ý rằng, có lẽ vì các ảnh hưởng này và nhiều điểm tương tự giữa hai lối sống của Carthari và anh em Phan sinh ban đầu, cả Phanxicô lẫn Clara đã nhấn mạnh một số khía cạnh của tín lý Kitô và cẩn thận xin giáo quyền chấp nhận các luật dòng của họ.  Quả thật, có chứng cứ cho thấy rằng John of St. Paul, một quan chức giáo quyền đề cử Phanxicô lên giáo triều Roma và giúp Phanxicô xin phê chuẩn bản luật dòng đầu tiên, đã ý thức rõ về nhu cầu của giáo hội trong việc để cho Anh Em Phan sinh rao giảng và làm chứng cho sự am hiểu trung thành về Đức Giêsu và nhân tính. Phanxicô và Clara, không muốn bị nhầm lẫn với nhóm Carthari và các nhóm lạc giáo khác, đã nhấn mạnh một số quan điểm tín lý sau đây: Thiên Chúa đã ban cho con người cả thân xác và lẫn linh hồn; Đức Giêsu được sinh ra từ cung lòng Đức Maria, một người mẹ trần thế; Đức Giêsu đã đổ máu con người thật sự trong cuộc khổ nạn của ngài.

Phanxicô và Clara cũng đã chịu ảnh hưởng lối hiểu biết chung về linh đạo thực hành mà thời đó gọi là “chủ nghĩa khổ hạnh.” Trong nổ lực muốn đến gần hơn với Thiên Chúa và trở thành Kitô hữu tốt hơn, người ta ăn chay, chọn những việc thể xác nặng nhọc không cần thiết, hoặc ngay cả việc hành hạ thân xác. Lối thực hành này được xem như là những phương cách toàn thiện hóa con người hơn là một sự từ bỏ thân xác con người. Ý niệm chung là Kitô hữu không nên sống buông thả trong đam mê dục vọng, nhưng đúng hơn phải để tâm vào những việc thiêng liêng và đời sống Kitô hữu.

Chúng ta cũng có thể thấy đôi khi Phanxicô và Clara dường như chấp nhận một số thực hành hơi cực đoan và mâu thuẫn với những gì các ngài dạy về “khổ hạnh.” Tuy nhiên, sự mâu thuẩn này không những không đem lại nghi nghờ về việc chứng tá của các vị thánh, mà thật sự còn tăng thêm niềm tin tưởng về các ngài. Sự cân bằng của các chứng cứ cho thấy nổ lực của các ngài muốn trung thành với các giáo lý về Tạo dựng, Cứu chuộc và Nhập thể như là nền tảng cho việc tuyên xưng thân xác con người là sự tốt lành.

Ngoài sự việc Phanxicô và Clara chịu ảnh hưởng của văn hóa và lối hành đạo trong thời đại và bối cảnh của các ngài, cả hai càng tỏ ra trung thành triệt để với Tin Mừng và giáo huấn của giáo hội về con người.  Cả hai tôn trọng và duy trì các khía cạnh và đặc điểm của những gì đích thực là con người. Bốn điểm chính yếu mà chúng ta sẽ tham khảo ở đây là:

 Con người được tạo dựng theo hình ảnh và chân dung của Thiên Chúa, và vì thế mỗi người mang một phẩm giá bất khả xâm phạm.

 Nhân tính chân thực đòi hỏi rằng phẩm giá này phải cụ thể và biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày.

 Mặc dù con người có một nhân phẩm bất khả xâm phạm, con người vẫn là tạo vật sống giữa các thụ tạo khác trên mặt đất.

 Chết về thể lý là một phần của đời sống con người.

Trước tiên chúng ta sẽ tham khảo bốn khía cạnh này từ quan điểm của Phanxicô rồi sẽ quan sát tương tự các điểm này trong tư tưởng của Clara.

 

PHANXICÔ THÀNH ASSISI VÀ CON NGƯỜI

Điều làm cho Phanxicô thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa thời đại của ngài chính là cảm nghiệm cá nhân của ngài về Đức Giêsu. Từ các sáng tác của chính ngài và các tập tiểu sử do Thomas Celanô và Bonaventura viết về ngài, chúng ta có thể góp nhặt được hai chủ đề chính, xuất phát từ kinh nghiệm này và đã giúp hình thành quan điểm của Phanxicô về ý nghĩa của nhân tính. Thứ nhất, Phanxicô đã thực sự say mê sự khiêm hạ hết sức sâu sắt của Thiên Chúa, tỏ bày qua mầu nhiệm Nhập thể--Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người và sống giữa chúng ta (1C 84). Thứ hai, đối với Phanxicô, cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đã minh chứng cách mạnh mẽ nhất tình yêu vô biên, vĩnh cửu và vô điều kiện của Thiên Chúa đối với con người và cả thế giới. Như cha mẹ không bỏ rơi đứa con hư hỏng của mình, Thiên Chúa không từ bỏ loài người khi họ phạm tội. Thiên Chúa không phá vỡ cam kết giữa Thần Linh và con người. Thay vào đó, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã tự nguyện chịu đau khổ và chết trên thập giá.

 

Nhập thể và Nhân Phẩm

Sự khiêm hạ trong mầu nhiệm nhập thể đã quy hướng Phanxicô theo một cách am hiểu rất đặc thù về nhân tính. Bởi vì Thiên Chúa đã trở thành con người qua Đức Giêsu Kitô, tất cả mọi người đều được thần-hoá (deificet), có nghĩa là được Chúa ban ân sủng và được trở nên giống-Chúa. Phanxicô xem Đức Giêsu như là mô mẫu cho con người, Đấng đã thiết lập tiêu chuẩn và mở đường cho nhân loại qua hành trình của cuộc sống thường ngày hướng đến cuộc sống viên mãn trong Thiên Chúa. Óc tưởng tượng của con người có thể nắm lấy triển vọng về cuộc sống với Thiên Chúa qua sự kết hiệp của Đức Giêsu với Abba--Thiên Chúa Cha. Rõ ràng Đức Giêsu giống chúng ta và chúng ta như con người cũng có thể thấy điều gì đó về mình có thể giống như Đức Giêsu. Làm sao mà hiểu thấu một quà tặng như thế cho nhân loại đang bị sa ngã! Món quà tặng này đã hồi phục một cách thâm thúy phẩm giá con người. Trong sự khôn ngoan vô biên của Thiên Chúa, Ngài đã chọn nhân phẩm của chính loài người như là công cụ để truyền đạt tình yêu cao cả của Thiên Chúa cho chúng ta. Như Phanxicô đã giải thích: Dẫu Ngài là giàu sang, Ngài vẫn muốn cùng với Đức Nữ Trinh Đầy Ân Phúc, Mẹ của Ngài, chọn trên cả mọi sự cuộc sống khó nghèo ở trần gian.” (2LtF 5). Có con người nào mà lại không có cảm xúc trước vẻ đẹp và sự trong trắng của một trẻ thơ? Như một nghệ sĩ biết tác phẩm của mình một cách mật thiết, thì cũng thế, Thiên Chúa biết cách hơn tất cả cách truyền đạt tình yêu vô điều kiện của Ngài cho con người.

Như thế, trong hang lừa Bê-lem, các sự vật cụ thể trong thế giới con người bắt đầu chuyển thông tình yêu sâu đậm của Thiên Chúa cho chúng ta. Hình hài và sự hiện thể thiếu thốn của một trẻ thơ nơi máng cỏ đã tác động mãnh liệt và cung cấp cho Phanxicô một lối am hiểu sâu sắc nhất về tình yêu kỳ diệu của Thiên Chúa. Điều đó đã giúp cho Phanxicô nhận ra khả năng của nhân tính, như được thần hoá và tôn trọng bởi sự khiêm hạ của Thiên Chúa qua mầu nhiệm nhập thể, hầu để tiếp tục loan truyền câu chuyện Tình Yêu trên địa cầu này. Cảm thức của Phanxicô về chính nhân phẩm của mình bắt nguồn từ tình yêu phong phú và toàn mỹ của Thiên Chúa, tỏ bày qua Nhập thể, sau này đã thúc đẩy ngài rao giảng như sau:

Tất cả chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã và đang trao ban cho mỗi chúng ta thân xác, linh hồn và toàn cuộc sống. Ngài đã tác tạo, cứu chuộc và phục hồi chúng ta chỉ vì tình yêu thương của Ngài. Ngài đã và đang làm mọi điều tốt lành cho chúng ta là những kẻ bất hạnh và bất lương, sa đoạ và gian trá, vô ơn và tội lỗi. Vì thế, chúng ta đừng khao khát và ao ước điều gì khác ngoài một mình Thiên Chúa là Tạo Hoá, là Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ, chính Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài là sự trọn lành toàn hảo, tất cả là trọn lành, mọi sự là trọn lành, một sự trọn lành chân thực và tối cao. Chỉ mình Ngài là trọn lành, khoan dung, nhân hậu, khoái lạc và ngọt ngào. Chỉ mình Ngài là là thánh thiện, công bằng, chân thật và công chính. Chỉ mình Ngài là hiền hậu, vô tội, trong sạch, và từ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, mọi thứ tha, mọi ân sủng và mọi vinh quang của tất cả hối nhân và kẻ công chính cũng như tất cả những kẻ được ân phúc đang cùng nhau ca mừng trên thiên quốc (ER 8b-9).

Vì thế, Phanxicô muốn tổ chức mừng Giáng Sinh sống động đầu tiên tại thị trấn Greccio để giúp dân chúng, ngay trong cuộc sống và trong thời gian và không gian của họ, nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đã thể hiện như thế nào và mức độ Người đã dấn thân hầu để phục hồi phẩm giá con người (1C84-6). Qua biến cố Greccio chúng ta không những thấy tình yêu bao la của Thiên Chúa tỏ hiện cách cụ thể mà còn cả khả năng trổi vượt của nhân tính—chỉ một đứa trẻ ngây thơ--cũng có thể truyền đạt tình yêu đó. Cũng như cha mẹ đã vì yêu thương nên chấp nhận đau khổ với con cái và cho con cái để đứa con được lớn lên với sức năng đạt đến sự trưởng thành trọn vẹn, thì như thế Thiên Chúa đã chọn yêu thương con người với tất cả tấm lòng chân thành của Người.

Chính vì thế, Phanxicô mới cho rằng con người là tạo vật tốt lành và được Thiên Chúa yêu thương cách độc đáo duy nhất, mang hình ảnh và chân dung của thần linh cùng với một nhân phẩm bất khả xâm phạm ngay từ giây phút tạo dựng. Hình ảnh của Thiên Chúa được phản ánh nơi tất cả mọi người. Điều đã khơi dậy nơi Phanxicô một sự kính trọng sâu sắc cho mọi sự sống con người chính là lòng tôn kính cho sự sống của Thiên Chúa tiềm tàng nơi mỗi người, và thực tại Đức Giêsu đã đến với chúng ta qua hình dạng con người. Ngài viết, nhắn nhủ các môn đệ:

Hãy biết rằng, Thiên Chúa đã sắp đặt cho các con cách tuyệt vời, vì Ngài đã tác tạo và nhào nắn các con theo như hình ảnh của Con Yêu Dấu Ngài về thân xác và như chân dung của Ngài qua Chúa Thánh Thần (Adm 5:1).


Khổ nạn và Nhân Phẩm

Tuy vậy tình yêu Thiên Chúa vẫn tạo dựng con người với sự tự do, và điều luôn luôn có thể xảy ra là họ sẽ phá đổ mối liên hệ yêu thương với Thiên Chúa. Thực sự, điều đó đã xảy ra khi con người phạm tội (Gen.3). Mặc dù con người được phú bẩm với một nhân phẩm bất khả xâm phạm, lẫn lộn trong đó cũng có khả năng hướng về điều tốt cũng như điều xấu. Phanxicô đã nhận ra điều này như ngài tiếp tục khuyên bảo trong bài huấn giáo:

Tất cả các tạo vật dưới vòm trời này thờ phượng, nhận biết và vâng phục Đấng Tạo Hoá, mỗi loài theo bản tính của nó, tốt hơn các Anh Em. Và ngay cả ma quỷ cũng đã không đóng đinh Đức Giêsu, nhưng chính Anh Em đã cùng với ma quỷ đóng đinh và vẫn còn đóng đinh Người bằng những đam mê trong thói hư và tội lỗi (Adm 5:2-3).

Theo quan niệm của Phanxicô, sa ngã vào tội lỗi có liên hệ đến ý muốn tự do của con người. Vì thế, con người đáng bị trừng phạt (Adm 2:3-5). Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không trừng phạt con người đáng theo tội của họ, thay vào đó đã khởi sự một kế hoạch cứu độ. Lịch sử cứu độ qua Kinh thánh cho thấy, con người dù tái phạm nhiều lần nhưng Thiên Chúa vẫn thứ tha tội nhân hối lỗi và luôn cho họ một cơ hội khác. Lý chứng mạnh mẽ nhất của tình yêu này chính là hình ảnh của Đức Giêsu chịu đóng đinh. Phanxicô diễn tả niềm hân hoan sâu xa và lòng biết ơn đối với quà tặng của tình yêu Thiên Chúa bằng những thuật ngữ như sau: “Ôi linh thiêng và đáng yêu, hài lòng, khiêm hạ, cho đi an bình, ngọt ngào, cao siêu của tình yêu và trên hết mọi sự ta ao ước: có được một người Anh, người Con, như Đức Chúa Giêsu Kitô, người đã hy sinh mạng sống cho đàn chiên Ngài” (1LtF 1:13). Đối với Phanxicô, đây là một nhân đức vâng phục, lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói với chúng ta qua Thánh Kinh, qua tất cả môi trường và tạo vật trong tạo thành, điều này giúp chúng ta trở về và bám rễ sâu vào cuộc sống với Thiên Chúa (SalV 14).

 

Bí Tích Thánh Thể và Nhân Phẩm

Tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa và sự khẳng định về phẩm giá của loài người bị sa ngã vẫn còn được tiếp tục trao ban cho chúng ta qua cách thức tuyệt vời và mật thiết của Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể có thể được hiểu như là sự tiếp nối của mầu nhiệm Nhập Thể và là hoa trái liên tục của cuộc khổ nạn. Trong mỗi thánh lễ, người Kitô hữu tin là Đức Giêsu đang hiện diện với chúng ta. Qua việc tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được liên kết với Đức Giêsu và chia sẻ cách mật thiết tình yêu và sự cứu rỗi của Thiên Chúa. Bánh, rượu và con người--mỗi thứ theo cách thức riêng được thánh hiến và trở nên trọn vẹn qua sự hiện diện của Đức Kitô. Mỗi người chịu lễ đều được xác nhận và ban ân sủng để sống theo phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban. Theo quan niệm của thánh Phanxicô, đánh mất lòng tôn kính xứng đáng cho sự hiện diện của Đức Kitô trong Thánh Thể hay sự hiện diện của Ngài nơi con người thì cũng không khác gì với thóa mạ tha nhân. Phanxicô diễn tả sự thán phục tuyệt đối về khải hiện diệu kỳ của tình yêu Thiên Chúa theo như sau:

Ôi sự cao quý tuyệt vời và phẩm gía kỳ diệu! Ôi sự khiêm hạsiêu phàm! Ôi sự siêu phàm khiêm hạ! Chúa tể của vũ trụ, Thiên Chúa và Con Thiên Chúa quá hèn mọn đến nỗi vì sự cứu rỗi của chúng ta, Ngài ẩn mình trong hình bánh tầm thường (LtOrd 27).

Thánh Phanxicô đã nhận ra một tình yêu tự huỷ (kenosis), cũng chính là ảnh hưởng cốt lõi của Đức Kitô trên con người. Nhân phẩm được thiết lập qua mầu nhiệm Nhập thể, tái xác định qua cuộc Khổ nạn và dưỡng nuôi trong Thánh Thể.

 

Nhân Phẩm được hiện thân: Bước theo dấu chân Đức Giêsu.

Đối với Phanxicô, Nhập thể, cuộc Thương khó và Bí Tích Thánh Thể không phải là những niềm tin vu vơ. Trái lại, đó là những sự cố đích thực hàm chứa sự hiện thân của nhân phẩm qua các hành động và thái độ cụ thể. Phanxicô được lôi cuốn “bước theo dấu chân Đức Giêsu” và ngài đã cảm thức được chiều sâu của nhân phẩm qua sự khoan dung của Thiên Chúa.

Đức Giêsu không buộc hay cưỡng ép ai đi theo Ngài. Đúng hơn, Ngài chỉ yêu một cách chân thật và dứt khoát, buông thả quyền lực cá nhân để người khác có thể nhận ra sức mạnh của họ. Có lẽ khía cạnh đáng lưu ý nhất trong cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu là Ngài không bỏ thì giờ tìm kiếm danh vọng, nhưng luôn đối thoại với những con người rất bình thường, đặc biệt là những kẻ nghèo bất lực, các bà goá và con trẻ trong thời của ngài. Trong tự do, con người có khả năng lựa chọn đáp trả hay khước từ tình yêu. Điều nghịch lý là, như Phanxicô đã học được khi bước theo Đức Giêsu, khi con người phó thác cho tình yêu, họ trở nên vững mạnh và tự do hơn hết.

 

Nhân Phẩm và Thiên Chúa Nhân từ

Thật ra, làm người tức là bị giới hạn trong nhiều mặt. Tuy nhiên, lòng nhân từ của Thiên Chúa đã biến đổi và ban sức năng giúp cho con người Khó Nghèo (the Poverello) vượt lên trên những giới hạn này. Đức Giêsu khó nghèo đã lôi cuốn Phanxicô ngay từ buổi ban đầu của cuộc đời hoán cải. Bị vỡ mộng bởi ảnh hưởng của chiến tranh và khát vọng về quyền lực giữa Assisi và Perugia, Phanxicô giờ đây kiếm tìm những gì chàng phải làm cho cuộc đời mình. Chỉ lúc Phanxicô gặp gỡ và cảm nghiệm sự thôi thúc ôm hôn người bị phung hủi với một hình hài ốm yếu và hèn hạ hối thối, lúc ấy Phancicô mới thật sự được cải hóa. Sau này Phanxicô giải thích:

Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phanxicô, ơn bắt đầu cuộc đời hoán cải như thế này: khi tôi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người phung, tôi kinh tởm lắm. Nhưng Chúa đã đưa tôi đến với họ và tôi lấy lòng thương xót cho họ. Và khi tôi rời họ, những gì trước đây làcay đắng giờ đây cho tôi đã trở nên dịu ngọt trong tâm hồn cũng như thể xác (Test 1-2).

Rõ ràng Thiên Chúa chính là công cụ đã thúc đẩy Phanxicô ôm hôn chính con người mà lúc còn trai trẻ ngài đã từng khinh miệt. Giờ đây qua ân sủng của Thiên Chúa, Phanxicô hiểu được rằng không phải sắc đẹp thể lý, của cải vật chất, sức mạnh quân sự hay ảnh hưởng chính trị đem lại nhân phẩm cho con người. Đúng hơn, chính hình ảnh Thiên Chúa mà mỗi người mang trong mình như một tạo vật dựng được yêu vô điều kiện và được cứu chuộc qua Đức Kitô mới quyết định giá trị của con người. Chúng ta có bổn phận tôn trọng nhân phẩm này bằng hành động và thái độ mà hiện thân một cách cụ thể sự kính trọng cho mỗi cá nhân.

Sau đó, Phanxicô bước theo Đức Kitô nghèo khó và khiêm hạ, ngài dành nhiều thời gian sống với những kẻ như người bị phung, những phần tử bị xã hội thời đó ruồng bỏ. Qua mọi cách thức có thể được, Phanxicô sống như Đức Kito đã sống. Cũng như Đức Kitô trên thập giá vì tình yêu bao la cho nhân loại đã khiêm nhường phục vụ con người, thì Phanxicô cũng đã “làm những việc khiêm hạ và nhân đạo cho người phung hủi trong một sự mộ mến dịu dàng. Ngài thăm viếng nhà họ thường xuyên, quảng đại phân phát của từ thiện, và với lòng trắc ẩn vô biên, ngài hôn lên tay và miệng họ” (LMj 1:6). Theo gương Đức Kitô, Đấng thực sự là người và đã mặc lấy xác phàm và sự yếu hèn con người, Phanxicô cũng sẵn sàng tiếp xúc, đụng chạm và ôm lấy những gì mà trên bình diện thể lý không thể tiếp xúc ở thời đó, bởi vì ngài tin rằng tất cả mọi người đều đáng được kính trọng. Qua những bình diện này, Phanxicô đã thực sự là hiện thân nhân phẩm.

Phanxicô cũng cho chúng ta nhận thấy rằng nhân loại tiếp tục mang Đức Kitô đến cho thế giới qua các sự cố thường ngày của đời sống. Ngày nay, trong xã hội ảo và bài-nhân tính của chúng ta, nhiều khi chỉ cần qua những “hành động ân cần ngẫu nhiên” hay lên tiếng trên danh nghĩa của kẻ thấp cổ bé miệng, ta có thể chuyễn hóa cuộc sống, bởi vì đó là những cơ hội mà nhân phẩm được cụ thể hóa. Có lẽ, đối với đa số chúng ta, sự hiện diện của Thiên Chúa đang cần thiết nhất qua các sự cố thường lệ và thế tục. Chúng ta có thể theo gương sáng của Phanxicô, nên tìm các phương cách thông thường để làm hình ảnh Thiên Chúa (imago Dei) và tình yêu của Người được chiếu tỏa trong chúng ta và cho mọi người.

 

Nhân Phẩm và Người nghèo

Cũng như Phanxicô, tất cả mọi Kitô hữu cần tìm sự công lý cho người nghèo bởi vì họ có quyền có một nhân phẩm căn bản. Phanxicô biết rõ đây là điều mà rằng người nghèo không cần minh chứng rằng họ “đáng được.” Đúng hơn, như Phanxicô khẳng định:

Của bố thí là phần gia nghiệp và công lý thích đáng với người nghèo mà Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, đã thủ đắc cho ta. Anh em nào chịu khó nhọc đi xin bố thí, sẽ được ân thưởng bội hậu và cũng giúp những người bố thí đạt được và tích trử ân thưởng như thế; bởi vì mọi sự người ta để lại trần gian sẽ bị hư nát, còn về việc bác ái và của bố thí họ đã làm thì họ sẽ được Thiên Chúa ban thưởng (LKsd 9, 8-9)

Thực tế, trái ngược với một vài thành kiến ở thời ngài (ví dụ, người nghèo là vì họ phạm tội và sự nghèo khó của họ là hình phạt do Thiên Chúa). Phanxicô đã bảo vệ người nghèo như là những người chính thức có quyền thụ hưởng tình yêu của chúng ta một cách đặc biệt, vì họ chính là sự nhắc nhở sống động cho chúng ta về Đức Kitô nghèo khó. Vì vậy, theo Tôma Cêlanô:

Phanxicô đã từng nói: “Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo thì nhục mạ Đức Kitô vì chính người nghèo đang mang lấy biểu ngữ cao quí của Ngài, vì lẽ Đức Kitô chính mình đã trở nên nghèo khó vì chúng ta”. Đó cũng là lý do tại sao, khi ngài gặp kẻ nghèo gồng gánh với khúc gỗ hay mang vác nặng nề ngài sẵn sàng giúp họ với đôi vai yếu ớt của mình. Con người thánh thiện này luôn tràn trề với thần linh của bác ái, mang trong ngài có một cảm thức sâu xa quan tâm không chỉ đến những người cần giúp đỡ mà còn cả những súc vật thinh lặng hay hung ác: côn trùng, chim trời, và tất cả các tạo vật khác bất kể có giác quan hay không (1 Cel 76-77)

 

Ôm ấp Nhân Phẩm của “Kẻ khác”

Nhưng có nhiều cách nhân phẩm giá bị đàn áp, và không có hai người nào tương tự như nhau. Trong sự đa dạng mênh mông của tạo thành, luôn luôn có những người ta dễ thân thiện hơn những kẻ khác. Rất dễ bị lôi cuốn vào hoàn cảnh hay mối tương quan cạnh tranh và tìm cách làm nổi mình và hạ thấp tha nhân. Trong một vài mức độ, cạnh tranh có thể đem ra khả năng tiềm tàng trong chúng ta. Tuy nhiên khi chúng ta cảm thấy chính mình đang buông rơi viễn ảnh về nhân phẩm con người--hình ảnh và chân dung thần linh nơi mỗi một người--thì cạnh tranh không còn đáng cho chúng ta tham dự vào. Phương cách chúng ta đối xử với người “khác” với chúng ta có thể trở nên nền tảng cho tình bằng hữu gắn bó, hay cũng có thể trở thành cơ hội gây nên chiến tranh. Kẻ “khác” tối hậu chính là “kẻ thù” của chúng ta. Phanxicô đã thử thách một cách rõ ràng môn đệ của Ngài, bằng lời Ngài nói và việc ngài làm, nhận thức cho được nhân tính chung nơi các người khác và dùng những kinh nghiệm tiêu cực như cơ hội để trưởng thành, thay vì tìm kiếm sự hận thù. Phanxicô đòi hỏi:

Hõi tất cả anh em, chúng ta hãy lắng nghe Chúa nói : Hãy yêu mến kẻ thù và làm ơn cho những người oán ghét các con; vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng mà chúng ta phải bước theo vết chân, đã gọi kẻ phản bội mình là bạn hữu và sẳn sàng trao thân cho kẻ đóng đinh. Vậy bạn hữu của ta là những người vô cớ mà gieo ưu phiền và lo lắng, sỉ nhục và lăng mạ, đau đớn và cực hình, tử đạo và sự chết. Chúng ta phải yêu mến họ hết lòng, chúng ta được sẽ sống đời đời vì những gian truân mà họ gây ra cho chúng ta. (LKsd 22,1-4)

Bí mật giúp cho Phanxicô cởi mở với tha nhân chính là sự an toàn mà ngài đã cảm thức được qua liên hệ của Ngài với Đức Kitô. Thực vậy, đây là nhân tố chủ yếu để hiểu mối quan hệ gần gũi của ngài với mọi tạo vật. Trực kiến của ngài về sự tương quan ba chiều--con người và Thiên Chúa, Thiên Chúa và tạo vật, con người và tạo vật—rất là độc đáo. Mối tương quan chung của cả loài người và các loài tạo vật với Thiên Chúa làm cho loài người và mọi loài tạo vật trở nên chị em, anh em--và điều đó tạo nên một sự khác biệt toàn thể!

 

Nhân phẩm và Tính chất Tạo vật của Con Người

Lúc ngài viết phần đầu của Bài Ca Tạo Vật, Phanxicô đã được nhận năm dấu thánh, một dấu hiệu cho thấy mức độ mật thiết sâu trong sự đồng cảm của ngài với Đức Giêsu. Khi gần từ giã cõi đời, yếu ớt, và đau đớn vì bệnh đau mắt hột làm cho ngài rất nhạy cảm với ánh sáng và hầu như mù hẳn, Thomas Murtaugh kết luận : “Chính từ tình trạng đau đớn và bình an mà Bài Ca Tạo Vật gây nên cảm xúc; đau đớn, vì nó có thể thanh luyện và rửa sạch mọi thứ cặn bã và những thứ không cần thiết, và để lộ những điều căn bản; bình an, bởi vì không có bình an trong lòng thì làm sao có ai mà đang đau đớn lại có thể sáng tác nên những dòng văn trong suốt và nhiệt thành mãnh liệt đến như vậy.”

Eric Doyle cho chúng ta thấy tiến trình và năng động trong hành trình của Phanxicô hướng về một thực tại có quan hệ gần gủi với mọi loài tạo vật. Như Doyle đã lưu ý, Phanxicô, một nhà thơ bí nhiệm, đã dùng ngôn ngữ theo cách thức mà “point beyond” vược ra ngoài những ý nghĩa thông thường được ấn định cho chúng. Trong Bài Ca Tạo Vật chúng ta không chỉ có vẻ đẹp nên thơ của lời ca ngợi Thiên Chúa từ mọi tạo vật, nhưng còn là một “diễn đạt cho thái độ Kitô giáo chân thực, đó là chấp nhận và yêu thương tạo vật như chính chúng là tạo vật.” Tất cả hữu thể được tác tạo là biểu lộ cho sự thiện và tình yêu của Thiên Chúa. Trong bản tính tạo vật của chúng ta, loài người chúng ta cùng bình đẳng với tất cả các tạo vật khác. Thực vậy, trong Giao Ước, Thiên Chúa đã có chủ ý thiết lập mối tương quan không chỉ với loài người, nhưng còn với mọi loài thụ tạo sống động (St 9,12-13). Tương tự với con người có nhân phẩm đến từ Thiên Chúa, các tạo vật khác cũng là những phản ảnh đặt thù của Thiên Chúa và sự thiện của Ngài. Như Thiên Chúa yêu thương mỗi một tạo vật một cách độc nhất vô nhị, nên chúng ta cũng phải yêu như vậy. Phanxicô có thể tiếp cận cách thức thần linh này bởi vì ngài trước tiên đã có một sự kết hợp trầm tư với Thiên Chúa; Ngài nhận biết Thiên Chúa trong và qua các hữu thể khác và mọi thành phần của tạo thành. Trong sự kết hợp với Thiên Chúa và mọi tạo vật, Phanxicô đã khám phá cá tính độc nhất của mình như một con người, căn nguyên hơn nữa--một hữu thể với một phẩm giá bất khả xâm phạm.

Cảm thức của Phanxicô về cá tính độc nhất của mình giữa muôn loài thụ tạo và sự tương đồng với chúng như kẻ lãnh nhận tình yêu của Thiên Chúa chính là nguồn mạch của lòng mến dạt dào nơi ngài đối với công trình tạo thành của Thiên Chúa. Suy tưởng về sự chìm đắm trong tình yêu này là gặp gỡ Mầu nhiệm, “hiện hữu của chúng ta không phải là lời cuối cùng.” Con người luôn đi tìm và kiếm “cái gì đó hơn nữa.” Mỗi nỗ lực của chúng ta thỏa mãn cái “hơn nữa” kết thúc bằng việc muốn tìm hơn nữa. Viễn tượng con tim của Phanxicô đã cho ngài biết rằng ngài đã tìm ra “cái hơn” trong Thiên Chúa; và Thiên Chúa thì luôn hiện diện tại đây và lúc này và chung quanh ngài.

Lời lẽ của Bài Ca Các Tạo Vật diễn tả một sự dung hòa phát xuất từ tận đáy lòng của Phanxicô. Như Doyle lý luận: “tất cả những lời lẽ và nhạc điệu tuyệt mỹ phát xuất từ mầu nhiệm của nhân tính, tuôn trào lên từ chiều sâu nội tâm. Điều này chẳng khác thường nơi Phanxicô, dù mù lòa, vẫn có thể sáng tác nên một bài ca về vẻ đẹp và sự thuần nhất của tạo thành. Ngài đã làm một với chính mình và với thế giới, và thế giới đã trở nên một với ngài.” Sự hài hòa này đã đem lại cho Phanxicô tự tin nội tâm và phương thuốc cho sự tha hóa, muốn lánh xa những kẻ “khác” mà có thể trở nên mối đe dọa cho ngài. Con đường đưa đến sự hài hòa như thế đối với Phanxicô là một con đường của cầu nguyện khởi sự bằng bước đầu tiên của việc từ bỏ chính mình.

Tiểu sử của Phanxicô kể lại câu chuyện về nổ lực của ngài muốn ôm lấy nghèo hèn như là cách thế mở rộng chính mình để được tự do cho Thiên Chúa và cho tất cả tạo vật. Qua mối tương giao của ngài với Thiên Chúa trong kinh nguyện, ngài học được cách yêu như Thiên Chúa yêu, và yêu điều Thiên Chúa yêu. Yêu chân thực là chấp người khác và mọi tạo vật trong giới hạn của chúng. Đặc biệt có ý nghĩa cho thế giới đang bị đe dọa về môi sinh của chúng ta là Phanxicô đã có thể tìm thấy chính ngài và sự bình an và hài hòa thực sự, không bằng vũ khí và sự giàu sang nhưng qua các khí cụ tinh thần. Ngài chiêm ngưỡng Đức Kitô và ý thức sự nối kết của Thiên Chúa biểu lộ trong tạo thành. Để đương đầu với tình trạng bất ổn tinh thần của thời đại của chúng ta, việc cầu nguyện và thực hành tâm linh cần thiết để giúp đảo ngược chiến tranh, khủng bố và sự tàn phá của hành tinh. Đây này không phải là sự thoát ly, nhưng là bước tiến vào chiều sâu của nhân tính chúng ta. Chúng ta cần đối diện với chân lý sâu thẳm nhất trong nhân tính, có nghĩa là, chúng ta là những tạo vật đứng trong vị thế tương quan với Thiên Chúa, với gia đình nhân loại và với mọi loài tạo vật trên trái đất. Một khi chúng ta ý thức chúng ta không cô độc, nhưng được bao phủ bởi những sự biểu lộ kỳ diệu của tình yêu và chăm sóc của Thiên Chúa, sự hòa hợp trong cá nhân có thể xảy ra và tha hóa có thể tan biến.

 

Chào Đón Chị Chết Như Là Một Phần Trong Cuộc Sống Con Người

Hiểu được mối liên hệ của loài người với mọi tạo vật qua kinh nguyện và chiêm niệm cũng là một hành vi có tính cách chính trị. Sống trong mối tương quan tình yêu với mọi người và mọi tạo vật là chấp nhận một sự mạo hiểm có thể bị thúc đẩy ra tay hành động để che chở và bảo vệ người mình yêu. Chúng ta không thể khoan nhượng những bất công và lạm dụng về con người và môi trường của họ vì tất cả tạo vật là anh chị em của chúng ta. Khi chúng ta được thúc đẩy che chở người khác, mục tiêu chúng ta đổi từ chính mình sang người khác. Bị thúc đẩy thì là một sự mạo hiểm; đó là một chuyển hướng về sự khó nghèo, thật vậy, có lẽ đức khó nghèo tuyệt đối qua việc đánh mất cuộc sống của chính mình vì người khác.

Hoàn toàn có ý nghĩa, và trong cách cá biệt hơn, Phanxicô lại còn gọi cái chết là “Chị” vì ngài đã hiểu sự chết như một phần dung hóa với đời sống con người. Quả thực, chết là chuyến hành trình cuối cùng đi vào khó nghèo, để lại mọi của cải kể cả chính cuộc sống (LMj 14,2). Một khi phó thác hoàn toàn cuộc đời của mình cho Đức Kitô, Phanxicô chẳng còn gì phải sợ cái chết. Chết đối với Ngài là cuộc lữ hành của con người đi về sự toàn mỹ của cuộc sống trong Đức Kitô. Lo âu của chúng ta ngày nay về những “cái chết nhỏ” trong cuộc đời, như là những giới hạn cá nhân hay bất lực trong việc thủ đắc giàu sang hoặc địa vị, thường gây nên bất hòa, lạm dụng, hay những hình thức bạo hành khác. Chúng ta có thể học hỏi nhiều từ việc Phanxicô đón nhận cái chết như một “Chị,” là người mở lối đi đến một cuộc sống mới vượt ngoài tầm tưởng tượng của chúng ta. Liệu rằng tất cả chúng ta, giống như Phanxicô, có thể đón lấy Chị Chết trong ca ngợi hân hoan khi chúng ta đang được gọi trở về nơi chính trái tim của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và đã yêu một cách trọn vẹn (AC 99).


Chia sẻ