Hội Nghị Các Trung Tâm Nghiên Cứu Và Học Vấn OFM
Từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 7/2023, tại Trung ương Dòng ở Rôma, Văn phòng Tổng Thư ký HL&HV đã tổ chức Đại hội các Trung tâm Nghiên cứu và Học vấn OFM, quy tụ đại diện của các đơn vị cấp đại học và trung tâm nghiên cứu khoa học cấp cao của Dòng.
Anh Darko Tepert, Tổng Thư ký HL&HV, cho biết: Cuộc họp này bắt nguồn từ mong muốn của Tổng Tu nghị 2015 là tổ chức một hội nghị để thúc đẩy sự cộng tác giữa các trung tâm nghiên cứu của chúng ta. Vì đại dịch Covid, năm 2020 không thể tổ chức, nhưng Hội đồng Dòng hiện tại đã chấp thuận đề xuất của Văn phòng Thư ký chúng tôi để tiếp tục chương trình này. Do đó, chúng tôi đã xúc tiến và cập nhật các vấn đề liên quan đến căn tính Phan sinh từ các trung tâm nghiên cứu và học vấn, chẳng hạn như việc thúc đẩy di sản Phan sinh, hệ sinh thái toàn diện, mà chúng tôi sẽ cố gắng xem xét từ quan điểm kinh thánh và thần học, và chủ đề hợp tác: trên thực tế, mong muốn là xây dựng một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu và học vấn của chúng ta, nhằm khuyến khích sự hợp tác trong các vấn đề quan trọng đối với Dòng và đối với đoàn sủng Phan sinh.
Trong bài phát biểu chào mừng của mình, anh Tổng Phục vụ Massimo Fusarelli đã nhắc lại cách Tổng Tu nghị năm 2021 tập trung sự chú ý vào chủ đề canh tân căn tính Phan sinh và đời sống huynh đệ. Anh dẫn Văn kiện chung kết: “Nhiệm vụ canh tân căn tính Phan sinh của chúng ta đòi hỏi sự phân định, nghiên cứu, huấn luyện và hành động” (số 10). Việc phân định, nghiên cứu, huấn luyện và hành động này cũng liên quan đến các tổ chức học thuật của chúng ta, vốn phải tìm cách tiếp cận với các dấu chỉ của thời đại ngày nay, trong đó, đối với các Anh em Hèn mọn chúng ta, thân phận của những người bé nhỏ, của những di dân và những người bị gạt ra bên lề - những người bị hệ thống kinh tế hiện tại từ chối, có một vị trí đặc biệt (x. GC 66).
Sau đó, Anh nói tiếp: “Vấn đề hệ sinh thái toàn diện, không chỉ liên quan đến triều đại giáo hoàng hiện tại, mà còn đến căn tính Phan sinh chúng ta, như một hình thức hành động quan trọng của chúng ta trong thế giới ngày nay. Chúng ta có thể nhận ra một trong những sứ mạng của mình là giúp thế giới thay đổi các mô hình, điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong môi trường khoa học và văn hóa cũng như trong toàn bộ lĩnh vực kinh tế xã hội, để thiết lập sự liên kết giữa tự nhiên và văn hóa”.
Anh Massimo cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một mạng lưới giữa các Trung tâm Nghiên cứu và Học vấn: “Tôi hy vọng rằng Hội nghị này có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu này, mục tiêu có thể truyền động lực mới và kích thích trong giới học thuật của Dòng chúng ta”.
Tham dự viên đến từ các quốc gia và các viện: Brasil, Colombia, Jerusalem, Spain, USA, Ecuador, Indonesia, Zambia, DR Congo, Institute of Ecumenical Studies, Pontificia Accademia Mariana Internationalis, Antonianum, Seraphicum, Scotist Commission.
(Nguồn: https://ofm.org/congresso-dei-centri-di-studio-e-di-ricerca-ofm.html)