Phần truyền phép chính xác gồm những gì? Nói thêm về các cú và lắc khi xông hương
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: “Phần truyền phép” là từ điểm nào và đến điểm nào trong Thánh lễ, thưa cha? Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), số 43, đoạn 3, nói rằng "Họ (tín hữu) sẽ quỳ, khi truyền phép Mình Thánh, Máu Thánh...". Liệu phần truyền phép là từ sau kinh tung hô Thánh Thánh Thánh (Sanctus) cho đến cuối Kinh nguyện Thánh Thể trong câu Vinh tụng ca (doxology) kết thúc, với lời đáp “Amen” tuyệt vời của các tín hữu, hay liệu từ Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis) đến trình thuật thiết định với việc nâng chén thánh? Để chắc chắn, cần hiểu rõ rằng "ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và trước khi rước lễ khi linh mục đọc “Đây Chiên Thiên Chúa” (Ecce Agnus Dei), thì đó là điều đáng khen nên duy trì”. Tuy nhiên, con hỏi câu này cho những người ở một số vùng của Philippines, do họ không có thói quen quỳ trong suốt Kinh nguyện Thánh Thể, và họ cũng giống như con, đang thắc mắc về phần nào chính xác là phần truyền phép trong Thánh lễ. - J. Z., Tandag, Philippines.
Đáp: Nói chung ngưởi ta hiểu rằng phần truyền phép, mà trong đó mọi người nên quỳ gối trừ khi họ đã quỳ xuống, là phần của Kinh nguyện Thánh Thể, vốn đi từ Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis), khi linh mụcdang hai tay trên lễ phẩm và khẩn cầu Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần đến thánh hóa lễ phẩm, cho đến khi linh mục mời mọi người hát hoặc đọc lời tung hô sau truyền phép, sau khi linh mục công bố trình thuật thiết định với việc nâng cao chén thánh.
Tuy nhiên, lời mời gọi và lời tung hô sau truyền phép không nằm trong phần truyền phép.
Cách giải thích này có thể được xác nhận bởi Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma như sau:
“151. Sau khi truyền phép, vị tư tế nói: "Ðây là mầu nhiệm đức tin, Mysterium Fidei", giáo dân tung hô theo một trong các công thức có sẵn” (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang)
Vào các dịp hiếm hoi khi một linh mục cử hành Thánh lễ một mình, hoặc đồng tế với chỉ một linh mục khác nữa, lời mời gọi và câu tung hô sau truyền phép được bỏ qua, và phần truyền phépkết thúc khi linh mục nói "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy", và bái gối thờ lạy. Thánh Lễ tiếp tục ngay lập tức với phần của Kinh nguyện Thánh Thể được gọi là Kinh hồi niệm (anamnesis), mà trong đó linh mục công bố điều mà chúng ta làm để tưởng niệm việc Chúa Kitô chịu chết, sống lại, lên trời…Theo cách này, chúng ta có thể nói rằng trong phần Kinh nguyện này, Thánh Lễ định nghĩa nó là gì.
Sau bài trả lời của tôi ngày 10-4 về các lắc khi xông hương, có hai độc giả nói tiếp như sau.
Một người viết: “Con có thể nói rằng theo kinh nghiệm của con ở Ireland là rằng tập tục gần như phổ biến là sử dụng ba cú và ba lắc, khi Mình Thánh được trưng ra chầu, hoặc trong lúc truyền phép (vốn là hiếm hơn trong thời gian gần đây)”.
Người khác nhận xét: “Bài báo của cha trích dẫn tác giả Peter Elliott khi nói: 'ba cú hai lắc được thực hiện để xông hương… cho thi hài ngưởi đã chết”. Liệu thi hài phải được xông hương bằng cách này thay vì xông hương quan tài chứa thi hài, trong khi đi xung quanh quan tài, tức là xông hương theo từng lắc đơn? Hơn nữa, nếu tập tục đi xung quanh thi hài trong quan tài vẫn còn duy trì, liệu thi hài được xông hương theo ngược chiều kim đồng hồ, như tập tục trước đây, hoặc thường được thực hiện bởi các linh mục không được huấn luyện trong phong cách cũ, tức theo chiều kim đồng hồ?”
Về số lượng cú và lắc, các quy định đã được nhắc tới là lấy từ Sách Lễ Nghi Giám mục, số 92, vốn cũng nói xông hương ba cú hai lắc cho người đã chết.
Tuy nhiên, một số Hội đồng Giám mục đã tìm và nhận được sự cho phép của Tòa Thánh để tiếp tục sử dụng ba lắc cho Mình Thánh Chúa. Tôi không biết liệu Ireland nằm trong số này chăng, nhưng có thể là đúng vì người dân Celtic chúng tôi thường gắn bó với cách thức cũ.
Về tang lễ, mặc dù Sách Lễ Nghi Giám mục cung cấp một tiêu chí phổ quát và hợp lý, các sách phụng vụ vể nghi thức tang lễ có xu hướng chiều ý theo tập tục địa phương trong nhiều chi tiết. Nếu tập tục xông hương trong khi đi xung quanh quan tài là phổ biến rộng rãi, thì không có lý do để loại bỏ nó.
Tập tục gần như phổ quát liên quan đến việc xông hương là di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, đặc biệt là khi xông hương bàn thờ.
Tuy nhiên, nếu vì một lý do rất tốt, hướng ngược lại được xem là cần thiết (có lẽ do một số trở ngại trong cung thánh), hướng này có thể được thực hiện. (Zenit.org 1-5-2018)
Nguyễn Trọng Đa dịch