Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Người Trộm Lành - Phút thứ năm mươi lăm của giờ thứ mười một

BTT OFMVN 00
2025-04-14 19:48 UTC+7 61
Chúng ta không biết gì về anh ta ngoài tội ác của anh: “cướp”. Nhưng từ này bao hàm những gì? Phải chăng anh ta là một người bị kết án theo luật thông thường, một tên trộm và một kẻ cướp đường, như những kẻ mà những ai đi hành hương đến Giêrusalem đều sợ hãi?

Người Trộm Lành chiếm rất ít chỗ trong Tin Mừng: bốn câu trong thánh Luca, một câu trong thánh Mátthêu, nửa câu trong thánh Máccô, không có câu nào trong thánh Gioan. Và còn hơn thế nữa! Máccô và Mátthêu trộn lẫn hai tội nhân với đám đông lăng mạ Chúa Giêsu và không có sự phân biệt nào giữa họ. Luca, “ca sĩ của lòng thương xót Chúa”, nói theo lời của Dante, người luôn quan tâm đến những kẻ bé mọn và tội nhân, đã sắp xếp lại mọi sự cho đúng chỗ của chúng: nhờ ngài mà một trong hai tên côn đồ sẽ xứng đáng được mang danh hiệu “ Người Trộm Lành” cho đến ngày cùng tận.

Chúng ta không biết gì về anh ta ngoài tội ác của anh: “cướp”. Nhưng từ này bao hàm những gì? Phải chăng anh ta là một người bị kết án theo luật thông thường, một tên trộm và một kẻ cướp đường, như những kẻ mà những ai đi hành hương đến Giêrusalem đều sợ hãi? Phải chăng anh ta là một “chính trị gia”, một du kích chống lại đế quốc La Mã? Các chính quyền thường dễ dàng coi đối thủ của họ như những tên cướp... Anh ta có phải là thành viên của băng đảng Barabbas không? Chúng ta không biết gì về các điều đó cả.

 Phải đợi đến những truyền thuyết muộn màng đặt cho anh ta một cái tên. Sau đó, người ta đặt cho anh ta cả chục cái tên, bao gồm cả cái tên Dismas, đồng thời người ta nghĩ ra và gán cho anh ta một số hành động tốt để sau này biện minh cho việc anh ta được vào Thiên đàng một cách không tương xứng. Chúng ta luôn ngỡ ngàng trước phát minh đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng biến cái rốt hết thành trước hết.

 Trong Giáo hội Latinh, anh ta có phần nào bị quên lãng. Tuy nhiên, có một thánh lễ tôn vinh anh trong giáo phận Lyon, nhưng các chuyên gia phụng vụ bĩu môi khi được yêu cầu khuyến khích và mở rộng việc tôn sùng Người trộm lành: nhưng dù sao, anh vẫn được đích thân Đức Giêsu phong thánh!

Mặt khác, Chính thống giáo Đông phương lại dành cho anh ta một vị trí rộng lớn. Trong các nhà thờ, anh thường được trình bày trên một trong những “cánh cửa hoàng gia” dẫn vào thánh đường. Trên một số bức tượng, trong khi Đức Giêsu phục sinh đang giải phóng các người Công chính trong Cựu Ước, chúng ta thấy anh, một mình, trong Thiên đường vẫn còn trống trải. Đức Giêsu đưa Ađam ra khỏi mộ, Eva vẫn còn quỳ gối, vươn mình về phía Đấng Cứu Độ của bà, trong khi đó, đoàn các nhà tiên tri tiến lên, mỗi người cầm trên tay một biểu ngữ có ghi một trong những lời tiên tri nổi tiếng nhất của họ. Dẫn đầu là Gioan Tiền hô. Về phần Người Trộm Lành, anh ta đã ở sẵn đó, đầu tiên và trước tất cả những người khác, giữa những cái cây tượng trưng cho Thiên đường. Anh thậm chí còn chưa có thời gian để mặc chiếc váy cưới của những người được chọn: anh ta vẫn còn mang chiếc khố của kẻ bị cực hình, nhưng bây giờ chiếc khố ấy trắng chói lọi làm sao!

   Chúng ta hãy tôn trọng sự tế nhị của các Tin Mừng. Nó hoàn toàn phù hợp với nhân vật của chúng ta và vì tiểu sử của anh ta quá ngắn nên chúng ta hãy đọc lại đầy đủ trong thánh Luca:

      Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng:”Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm. Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo:”Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói:”Nếu ông là vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi!”Phía trên đầu Người, có bản án viết:””Đây là vua người Do thái.”

        Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người:”Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”Nhưng tên kia mắng nó:”Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu:”Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”” Và Người nói với anh ta:”Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

 (Lu-ca, 23, 33-43)

  Bản văn này, ai mà không biết? Nhưng, chẳng phải chúng ta đã đọc nó quá nhanh sao? Người thợ của phút thứ 55 của giờ thứ 11, người đang dần chết, nhìn chăm chú vào Chúa Kitô, Người cũng đang hấp hối, có thể đưa chúng ta đi xa hơn những gì chúng ta nghĩ.  Các tác giả đầu tiên của Giáo hội cổ đại, Hippolytus thành Rome, Origen, đã nghiên cứu bản văn này một cách cẩn thận. Sau này, thánh Gioan Chrysostôm của những người Đông phương nói tiếng Hy Lạp, thánh Lêô Cả và thánh Augustinô của thế giới Latinh đã dành nhiều bài giảng hay nhất của các ngài cho người tội phạm hối cải. Và những nhà giảng thuyết sau này, cho đến và kể cả Bossuet, đều lấy cảm hứng từ các bài giảng của các ngài mà không thêm thắt gì nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau lắng nghe các vị Giáo phụ này.

Thứ Sáu Tuần thánh, ngày tang chế?

Trong những thế kỷ đầu tiên, người ta giảng về Người Trộm Lành vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tuy nhiên, đối với các Kitô hữu thời đó, phụng vụ ngày này giống như một phụng vụ lễ hội hơn là một phụng vụ an táng: sự khải hoàn của Chúa Giêsu vượt xa sự tang tóc. Tại sao? Thực vậy, trong gần ba trăm năm mươi năm, cho đến khi hình thức tra tấn này được chính thức bãi bỏ, các Kitô hữu đã tận mắt chứng kiến ​​bao người bị kết án chết trên thập tự giá, do đó, việc gợi lên một cách hiện thực các nỗi thống khổ không thể chịu đựng nổi này là điều vượt quá sức chịu đựng của họ. “Đối với các Kitô hữu đầu tiên, việc trình bày những cảnh Phúc Âm liên quan đến cuộc đời của Chúa Kitô được dừng lại ở việc xuất hiện trước Philatô[1].” Vì vậy, họ đã chỉ tìm kiếm khía cạnh ẩn giấu và vinh quang của mầu nhiệm, khía cạnh mà chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho những người hành hương Emmau, rồi cho Mười Một Tông đồ: “Người phải chịu đau khổ để vào vinh quang” (Lc 24,26). Vượt lên trên sự tra tấn của khổ hình thập giá, người ta đã tôn vinh sự khải hoàn của nó: gỗ thánh giá trở thành “vương trượng quyền năng của Chúa Kitô..., chiến tích của chiến thắng..., dấu chỉ của ơn cứu độ được trao ban cho những ai tôn thờ, trong mọi vương quốc..., vinh quang của các dân tộc", như lời của Thánh Lêô Cả [2].

Đối với Thánh Gioan Chrysostôm, thánh giá cũng là một bàn thờ:  Bàn thờ thánh giá, một bàn thờ mới và lạ, cần thiết cho một hy lễ mới, nhưng không kém phần kỳ lạ! Cùng một người, Chúa Giêsu, vừa là linh mục vừa là lễ vật và thập giá là bàn thờ [3].

     Vì vậy, Thứ Sáu Tuần Thánh là một ngày trọng đại và vinh quang, nơi đó được ứng nghiệm lời Chúa Giêsu nói với Cha của Người: Con đã làm xong công việc Cha giao phó cho Con, bây giờ, lạy Cha, xin Cha tôn vinh con. (Ga, 17, 4-5)

Vào ngày khải hoàn tiến vào Giêrusalem, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Đã đến giờ Con Người phải được tôn vinh”, nhưng Người liền nói thêm rằng sự tôn vinh của Người sẽ là hạt giống được gieo xuống đất, chết đi để sinh hoa kết quả. (Ga 12, 23-24). Đó là ánh sáng của sức mạnh và vinh quang đã soi sáng, vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, Tin Mừng về sự đóng đinh. Cần phải đợi một ngàn năm, đến thế kỷ thứ 11, để Thánh Bênađô học cách chiêm ngưỡng Chúa Kitô bị biến dạng và bị tra tấn bằng cái nhìn đầy cảm thương dịu dàng. Thánh Phanxicô Assisi, qua việc nhìn thấy Cây Thánh Giá của Thánh Đamianô, sẽ có cùng quan điểm về Chúa Giêsu và sẽ mang lại cho anh em của ngài ước muốn được đặt mình vào những vết thương của Chúa Kitô: chính bản thân ngài sẽ nhận được các dấu thánh.

Tuy nhiên, nếu các Kitô hữu ở những thế kỷ đầu tiên không muốn nhìn và trình bày cây thánh giá theo như kiểu chúng ta được biết, thì tên tội phạm đã có trước mắt hắn một cái nhìn độc đáo. Kẻ bất nhân bất nghĩa này là người đầu tiên ứng nghiệm những lời bí ẩn của Chúa Kitô: “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga, 12, 32).

Chúng ta phải đợi tên lưu manh này, ngày giờ này, mới hiểu được sự kiện Chúa Giêsu đã nói tiên tri trong câu này. Thật vậy, Chúa Giêsu trên thập giá là Đấng mà Môsê đã hình dung trước khi ông dựng lên, theo lệnh của Thiên Chúa, một con rắn bằng đồng trên một cây cột trong sa mạc. Những ai nhìn vào biểu tượng này với đức tin đều được chữa lành khỏi vết cắn chết người của rắn lục cát. Sách Khôn Ngoan nói rằng họ đã được cứu “không phải bởi vật thể được nhìn thấy, mà bởi Ngài, Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ hoàn vũ” (16, 7). Nhưng bây giờ, vào giờ này, trước mắt Tên Trộm, Chúa Giêsu, Đấng bị “nhìn”, Đấng đã sống lại trên cây thánh giá và “Đấng Cứu Thế hoàn vũ,” cả hai trở nên một trong một danh tính hoàn hảo. Cây thánh giá được trồng ở Calvariô một lần nữa trở thành “cây sự sống” của Sách Khởi nguyên, và Chúa Giêsu là lương thực và hoa trái của sự bất tử.

 “Lạy Cha, xin tha cho họ”: đây là lời đầu tiên mà Chúa Giêsu nói trên thập giá: nó không phải là sự tha thứ đầu tiên và trực tiếp mà Chúa Giêsu ban cho những kẻ hành quyết Người, mà là một lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha: đó là sự tha thứ của Chúa Cha cho loài người, sự thứ tha mà Chúa Giêsu cầu xin. Về điều này, tên cướp chuyên nghiệp này là nhân chứng đầu tiên và là người được hưởng lợi đầu tiên: ánh sáng, trong chốc lát, sẽ đến chiếu vào tâm hồn hắn là dấu hiệu cho thấy sự tha thứ của Chúa Cha được ban cho những ai nhìn lên Chúa Giêsu: “Ai nhìn vào đó sẽ được cứu sống,” Đức Chúa Trời đã phán với Môi-sê (Dân số 21, 2).

Những đặc điểm của Chúa Giêsu Kitô trên thập tự giá

   Kẻ Trộm không chỉ hài lòng khi được xem là người đầu tiên tiết lộ sự ứng nghiệm của những lời tiên tri bí ẩn. Từ người thầy bất ngờ này, chúng ta sẽ học cách nhìn bằng đôi mắt mới, thậm chí là chiêm ngưỡng, cây thánh giá. Chính anh ta, trước cả thánh Phaolô, dạy chúng ta “ngôn ngữ của thập giá” mà thánh Tông Đồ sẽ không ngừng cống hiến cho những ai bị mê hoặc bởi những suy nghĩ khác:

 Hỡi những người Galát ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt? (Gl 3,1)

Một từ để diễn tả ngôn ngữ này: “Ngài đã yêu tôi, Ngài đã hiến mạng sống vì tôi,” thánh Phaolô đã nhận được các lời này từ truyền thống: “Chúa Giêsu, ngay trong đêm bị nộp, đã cầm lấy bánh, bẻ ra…” và chính ngôn ngữ này đã duy trì cho đến hôm nay hy tế thập giá trong Bí tích Thánh Thể của chúng ta.  Tất cả những điều này, người Trộm không hề hay biết, nhưng khi nhìn con người Giêsu này, một cách bí ẩn và hiện thực, anh quên đi nỗi đau khổ của chính mình. Anh ta không biết nói như thế nào và có rất ít thời gian để làm điều đó, nhưng sự hiện diện của người đang đau khổ và chết bên cạnh anh, giống như anh, ở bên anh, khiến anh yên tâm. Ngay cả khi điều đó có vẻ vô lý đối với  tội phạm còn lại...

Sau đó, một từ phát ra từ miệng anh - một tiếng kêu? một tiếng rên rỉ? -dù sao đi nữa, một từ khó có thể nghĩ đến trong hoàn cảnh này: “Ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi khi Ngài đến với tư cách là vua. »

Trong số tất cả những lời cầu đã được các bậc thầy cầu nguyện vĩ đại để lại cho chúng ta, không có lời cầu nguyện nào ngắn gọn hay hoàn hảo đến thế: mỗi lời đều có giá trị, mỗi lời đều có ý nghĩa, mỗi lời đều không thể thay thế được!

 

Trước hết là từ “Giêsu”, từ thiết yếu trong mọi lời cầu nguyện của Kitô giáo, bởi vì “không có danh nào khác mà chúng ta có thể nhờ đó mà được cứu” (Cv 4,12). Điều đáng ngạc nhiên là chính hắn, Tên Trộm, là người đầu tiên và duy nhất trong toàn bộ Tin Mừng, không thêm một tước hiệu nào cho tên gọi “Giêsu”: không phải từ “Chúa”, cũng không phải từ “Con vua Đavít…” Hắn gọi Ngài như một người bạn gọi cho một người bạn của mình, hay nói đúng hơn, như một người bạn kêu “Cứu ”. Nhưng cái tên đầu tiên này, cái tên do Đức Maria và Thánh Giuse đặt cho Hài nhi theo lệnh Thiên thần, tự nó hàm chứa sứ mạng của Con Thiên Chúa: “Thiên Chúa cứu độ”, kế hoạch vĩnh cửu của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tên Trộm sử dụng nó ngay giữa tất cả những kẻ lăng mạ, những kẻ cũng chỉ có từ “cứu” trên môi, nhưng là để chế nhạo Chúa Giêsu: đám đông, những nhà lãnh đạo thao túng nó, những người lính La Mã, những kẻ làm ác khác... Giữa tất cả những câu “Hãy tự cứu mình đi”, “Hắn ta đã cứu các người khác”, chỉ có Tên Trộm mới thật sự có niềm tin vào người có thể cứu anh ta và niềm tin này hoàn toàn gói gọn trong từ “ Giêsu”.

 

 Sau đó đến trên đôi môi của anh ta là cụm từ “Hãy nhớ đến tôi” Anh ta không yêu cầu gì ngoài việc xin nhớ đến anh: hãy giữ anh trong ký ức của trái tim Ngài. “Đừng quên tôi”: đây chẳng phải là tiếng kêu, lời cầu xin của người đang yêu và sắp phải xa cách người mình yêu sao?

“Khi nào Ngài đến…” Ai đã cho người đàn ông này trực giác phi thường rằng người bị đóng đinh này, kẻ bị mọi người xúc phạm, một ngày nào đó sẽ quay trở lại? Khi nào, ở đâu, như thế nào?... Anh ta không biết, cũng như không cố gắng tìm hiểu chúng. “Ngài sẽ trở lại”: trước cái chết cận kề, liệu ông Giêsu vẫn còn sống không?

  Và không chỉ còn sống, mà còn sống “với tư cách là vua”. Đây còn là chủ đề lớn để chế nhạo Đấng Bị Đóng Đinh! Tấm bảng đầy mĩa mai mà quan Philatô ra lệnh đóng phía trên đầu Giêsu, nằm trong tầm nhìn của người Trộm: “Người này là Vua dân Do thái.” Còn các người lính thì mặc cho Giêsu áo choàng đỏ cùng nhạo báng rằng:”Vạn tuế Đức Vua dân Do thái!” Họ đã quàng trên đầu Ngài vòng gai nhọn, nhưng anh không nghi ngờ gì về vương quốc này. Anh ta nhìn nhận nó và loan báo nó một cách công khai. Thánh Gioan Chrysostôm ngạc nhiên về điều này:

 Thật là một điều kỳ lạ, khó tin! Thập giá ở trước mắt bạn và bạn nói về hoàng triều! Vậy điều gì khiến bạn nhớ đến phẩm giá hoàng gia? Một người bị đóng đinh, bầm dập, đầy rẫy những lời chế giễu và buộc tội, đầy nước bọt, bị đánh đòn, có phải nhờ những dấu hiệu như vậy mà bạn nhận ra một vị vua không [4]?

Nhưng Kẻ Trộm không dừng lại ở vẻ bề ngoài, anh nhìn bằng con mắt đức tin.

Như vậy, đức tin của người này – không thể giải thích được và trái ngược với mọi vẻ bề ngoài – là bằng chứng về vinh quang của Chúa Kitô chịu đóng đinh, Đấng, bằng quyền năng của mình, biến đổi tâm hồn sa đọa của người này. Thánh Augustinô, người trở lại đạo, ngây ngất thốt lên:

Ôi niềm tin vĩ đại ! Đối với niềm tin này, tôi thấy không có thể thêm được gì nữa.  Những người đã trông thấy Đấng Kitô sống lại từ cõi chết  thì sửng sốt, còn anh, anh đã tin vào Đấng mà anh thấy bị treo trên cây giá bên cạnh. Ngay cả khi họ chao đảo, anh vẫn tin. Thật là một trái cây đẹp đẻ mà tên cướp này đã hái được từ khúc gỗ khô [5]!

Thánh Augustinô thường xuyên nhắc lại điều này: Phêrô từ chối Thầy mình vì sợ người hầu gái, Tên trộm nói lên đức tin của mình giữa cơn cực hình mà chính Chúa Kitô phải chịu. Tên trộm bị treo trên thập giá tuyên xưng đức tin của mình, trong khi các môn đệ trên đường đi Emmaus vẫn sẽ còn nghi ngờ, ngay cả sau lời chứng đầu tiên của các bà thánh thiện.

Bằng vài lời, Thánh Augustinô đã tóm tắt cuộc đời tàn khốc của Tên Trộm: “Từ kẻ sát nhân đến quan tòa, từ quan tòa đến thập giá, từ thập giá đến Thiên đường! » Và ngài bị thu hút bởi ý tưởng này đến nỗi ngài lặp lại câu này nhiều lần và ngài sẽ coi đức tin của Kẻ Trộm Lành trở thành lời bình luận sống động về đoạn văn khó nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma:

Người công chính sống nhờ đức tin (Rom 1:17), nhưng chính Đức Kitô là Đấng  làm cho kẻ không tin nên công chính. Và khi nào thì Người làm cho người ấy nên công chính, nếu không phải là khi người ấy tin trong lòng và xưng ra bằng miệng” (Rom 10:10). Đây là cách Kẻ Trộm của Tin Mừng tin vào lòng mình và tuyên xưng đức tin bằng miệng[6].

      Người ta thường nói rằng sự tồn tại của cái ác trên thế giới ngăn cản chúng ta tin , và đúng là tên cướp kia nói phạm thượng. Nhưng chúng ta không được quên rằng Kẻ Trộm Lành đã tìm thấy đức tin của mình ở đó:

   Mọi chi thể của anh bị tê liệt, tay bị đóng đinh, chân bị đâm, toàn thân bị treo vào thập giá: chỉ có cái lưỡi và trái tim của anh ta là tự do: anh ta tin bằng trái tim và xưng nhận bằng miệng[7].

   Ở đây Người Trộm Lành là thầy của chúng ta, anh cho chúng ta thấy đức tin tuyệt hảo là gì: một món quà từ Thiên Chúa, đáp lại sự khiêm nhường của trái tim con  người và tạo ra một sự thay đổi hoàn toàn trong trái tim này. Thánh Tôma Aquinô nói rằng trái tim con người hoán cải như thế là một điều phi thường hơn cả việc tạo dựng nên trời và đất. Và, trên thực tế, các Giáo phụ sẵn sàng so sánh các dấu hiệu vũ trụ xung quanh cái chết của Chúa Kitô – đá vỡ, động đất – và trái tim này, cứng hơn đá, mở ra cho ân sủng.

Từ thập tự giá, anh ta lao về phía thiên đàng, thánh Chrysostôm nói, anh ta không quên nghề trộm của mình và đánh cắp, thông qua lời xưng thú tội của mình, Vương quốc Thiên đàng[8].

         Lời tuyên xưng này phải được hiểu một cách trọn vẹn: đó là lời tuyên xưng đức tin của một người mới tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, như chúng ta đã thấy, nhưng cũng là lời tuyên xưng của một hối nhân nhận lỗi: “Đối với chúng ta, thật là công bằng, chúng ta nhận lấy những gì mà hành động của chúng ta đáng phải nhận,” anh nói với người bạn của mình. Anh ta mong đợi mọi sự nơi Chúa Giêsu, nhưng đồng thời, anh ta trở về với tâm hồn mình, ăn năn, hoán cải.

        Về vấn đề này, Thánh Gioan Chrysostôm nhận xét rằng Người Trộm Lành không thiếu sự sáng suốt cũng như sự khéo léo trong trái tim: anh ta khiển trách người đồng phạm của mình, một tội đồ, vì tội xúc phạm một người bạn bất hạnh cũng phải chịu đựng sự tra tấn tương tự. Không, điều này không được xảy ra!

Chúng ta cũng đang ở trên thập tự giá. Những lời lăng mạ bạn ném vào anh ấy sẽ đến với bạn trước tiên. Cũng thế, bất cứ ai ném vào mặt người khác những tội lỗi mà lương tâm họ trách móc thì họ tự lên án mình trước; tương tự như vậy, bất cứ ai đổ lỗi cho người khác về những bất hạnh mà bản thân họ phải gánh chịu sẽ là người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi những lời xúc phạm của chính họ[9] .

Người Trộm Lành đã nhận ra lỗi lầm của mình; anh ấy mong đợi tất cả mọi thứ từ Chúa Giêsu trên thập giá này và anh ấy đã tìm thấy từ ngữ thích hợp: “Hãy nhớ đến tôi”, người bạn đồng hành của Ngài trong đau khổ, đừng quên tôi “khi Ngài đến trong vương quốc của Ngài”. Ở đâu? Khi nào ? Bao lâu nữa? Không quan trọng : Anh ta chỉ hy vọng vào sự cứu rỗi của mình từ xa, anh ta bằng lòng đón nhận nó với một tương lai lâu dài, và ở đây, anh ta nghe thấy câu trả lời, “Chính ngày hôm nay”: “Hôm nay bạn sẽ ở với tôi trên Thiên đàng »[10].

Với tôi, trên thiên đàng

 

Câu trả lời của Chúa Giêsu cũng rất ngắn gọn: đối với Người, thời gian cũng được đo lường: “Quả thật, tôi nói cho anh biết, hôm nay, với tôi, anh sẽ ở trên Thiên đàng. » Mỗi lời của Chúa Giêsu đáp lại lời cầu nguyện – không chính xác nhưng hoàn toàn tin tưởng – của Người Trộm Lành, bằng cách vượt xa nó một cách vô tận. Đầu tiên là chữ “Quả thật”, chữ “Amen” này là chữ gốc tiếng Aramaic mà Chúa Giêsu đã nói và các dịch giả đầu tiên của Kinh thánh đều giữ nguyên vẹn; tiếng “Amen” này là tiếng mà Chúa Giêsu chỉ sử dụng trong những lời khẳng định trang trọng nhất, những lời tuyên bố mạnh mẽ nhất của Người, những lời cam kết tuyệt đối đối với Người và không được để lại chút nghi ngờ nào. Thánh Gioan sẽ lấy tên đó để gọi Chúa Giêsu: “Đấng Amen, Chứng nhân trung thành và chân thật phán thế này” (Kh 3,14).

" Hôm nay”. Một nhà bình luận gợi ý chữ “hôm nay” này chứa đựng những gì:

Tôi sẽ không cần phải lục lại trí nhớ; chỉ bây giờ thôi. Tôi sẽ không phải nhớ anh, cũng không phải tìm anh đâu đó: Tôi đem anh đi, chúng ta sẽ cùng đi với nhau[11] .

“Với Tôi,” Chúa Giêsu tiếp tục. Và thánh Gioan Chrysostôm bình luận: “Thật là một vinh dự lớn khi được vào Thiên đường, nhưng còn là một vinh dự lớn hơn nữa khi được vào đó với Chúa »

Tuy nhiên, để hiểu được sức mạnh của câu “Anh sẽ ở cùng tôi”, chúng ta phải trải qua nhiều thế kỷ và đặt câu hỏi với một bậc thầy về khoa chú giải đương thời, Cha Grelot. Trong một bài viết trên Revue Biblique, Phêrô Grelot lưu ý rằng trong tiếng Hy Lạp, chữ: “với” tôi này có thể được sử dụng cho hai cách diễn đạt. Một, hơi tầm thường, diễn tả sự đồng hành đơn giản: “đi dạo với ai đó”; cách thứ hai, mạnh mẽ hơn nhiều, có nghĩa là “sự liên kết chặt chẽ, cuộc sống sẻ chia, sự hiệp thông trong cùng một số phận”. Bây giờ, chính từ “với” theo nghĩa mạnh mẽ này mà Chúa Giêsu sử dụng ở đây, và cũng chính từ “với” này mà Ngài đã gọi mười hai môn đồ của mình “để họ luôn ở với Ngài” (Mc 3:14); cùng một từ đó. Ngài cũng đã nói với các tông đồ của mình vào đêm trước Cuộc Khổ Nạn: “Thầy rất ao ước được ăn Lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu đau khổ” (Lc 22,15). Câu “với con” này còn ở cuối lời cầu nguyện vĩ đại của Chúa Giêsu: “Lạy Cha,” ngài nói, “những ai Cha đã ban cho con, con muốn con ở đâu thì họ cũng ở đó với con” (Ga 17, 24) .

Cựu Ước đã chuẩn bị thực tại phi thường và khó lường này, “Ở với Thiên Chúa”,“Có Người ở bên mình”, đó chính là đối tượng của những lời hứa thần linh. Khi Môsê sợ hãi, rút ​​lui khỏi sứ mạng của mình, Thiên Chúa chỉ trả lời: “Ta sẽ ở cùng con. » Lời hứa này, vốn là quà tặng của chính Thiên Chúa, chỉ có đức tin mới có thể nhận được. Trong suốt lịch sử của mình, những bậc thầy cầu nguyện của Israel đã đào sâu ý nghĩa của nó.

Chẳng hạn, tác giả Thánh Vịnh tự vấn mình trước tai tiếng về sự thành công của kẻ ác, nhưng ông khám phá ra đâu là giá trị thiết yếu của một đời sống, đó là tình bạn của Thiên Chúa.

“Còn tôi, tôi luôn ở bên bạn, bạn đã nắm lấy tay phải của tôi, bạn sẽ dẫn dắt tôi bằng lời khuyên của bạn, sau đó bạn sẽ đưa tôi vào vinh quang”. Và tác giả kết luận: “Với bạn, tôi không còn ham muốn gì trên trái đất này nữa.”[12]

Chẳng phải chính Đức Giêsu là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, đã được Isaia tiên báo (7, 14) và được thiên thần loan truyền cho Giuse, người thợ mộc khiêm nhường ở Nazareth sao? (Mt, 1, 23)

Ở đây một lần nữa, Người Trộm Lành là người đầu tiên: trước thánh Phaolô, anh ta đã có thể nói: “Tôi muốn ra đi để về với Chúa Kitô” (Pl 4, 23); hoặc một lần nữa: “Chúng ta sẽ ở với Chúa mãi mãi”. » Nơi anh, một lần nữa lời Chúa Giêsu được ứng nghiệm: “Những kẻ thu thuế và gái mại dâm sẽ là những người đầu tiên trong Nước Thiên Chúa. » Chúa Giêsu, bị mọi người khinh miệt, được tôn vinh bởi người Trộm Tốt lành; Chúa Giêsu bị đóng đinh, một vấp phạm cho mọi người, lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với tên cướp này.

Đúng là tên cướp, nhưng cũng là đứa con hoang đàng mà Chúa Giêsu, giống như người cha nhân lành của Tin Mừng, ban cho anh ta nhiều hơn những gì anh ta dám nài xin: “Hãy nhanh chóng mang chiếc áo đẹp nhất ra đây”, chiếc áo của trường sinh bất tử . Bữa tiệc đã được chuẩn bị, bữa tiệc Nước Trời, nơi sẽ có nhiều niềm vui vì một tội nhân ăn năn trở lại này hơn là chín mươi chín người công chính.

Con người bị đóng đinh này, người nhận ra nơi Đức Giêsu Nazareth, bị đóng đinh với mình, vị vua Messia, mà không được so sánh với ai sao? Và mỗi lần so sánh như thế thì có lợi cho anh ta! Chẳng hạn, thánh Augustinô đặt anh ngang hàng với Maria Mađalêna; tuy nhiên cô nghe thấy Chúa Kitô gọi tên cô, trong khi đó Chúa Giêsu không bắt chuyện với Người Trộm lành trước; với Thánh Phaolô, nhưng ngài, trên đường đến Đamát, được bao quanh bởi ánh sáng và cũng nghe thấy tiếng gọi tên ngài: “Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ Ta? » Đối với Người Trộm lành, mọi chuyện đều diễn ra bên trong. Ánh sáng chiếu thẳng vào trái tim anh. Và chính vì điều này mà các Giáo Phụ đã lưu ý rằng thập giá không còn là giá treo cổ ô nhục mà đã là ngai quyền năng của Thiên Chúa:

Lời hứa của Chúa Giêsu: “Quả thật, Tôi bảo anh, từ hôm nay anh sẽ ở với Tôi trên Thiên Đàng”, vượt xa thân phận con người. Nó được ban bố từ gỗ thánh giá ít hơn là từ đỉnh ngai quyền lực. Từ đỉnh cao này, đức tin của Người Trộm Tốt lành nhận được phần thưởng cùng lúc với món nợ của nhân loại tội lỗi được xóa bỏ.[13]

Qua cử chỉ toàn năng này của Chúa Kitô, ngay giữa lúc bị tra tấn, Thánh Lêô ngưỡng mộ mức độ mà “thần tính bất khả xâm phạm và bản chất con người đau khổ, mỗi thứ đều giữ được trong Chúa Giêsu những đặc điểm của mình trong sự hiệp nhất”. Chúa Giêsu mạc khải mình là Thiên Chúa có quyền tối thượng, đồng thời là một con người đích thực vì Người sắp chết.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu yêu mến “kẻ trộm Thiên đường” này và giao phó kẻ sắp bị chém là Franzini cho hắn. Nhà thần học lỗi lạc này, không có sách vở hay nghiên cứu nào khác ngoài ân sủng, đã có đủ khả năng để hiểu con người này, người mà mọi sự đều diễn ra nhờ ân sủng và sự khiêm nhường:

Chúa nhân lành không cần nhiều năm để thực hiện công việc của mình trong tâm hồn: một tia sáng từ trái tim của Người có thể ngay lập tức làm cho bông hoa của Người nở hoa mãi mãi.

Pascal vĩ đại, một cách trí thức hơn, nhưng không kém phần nhân văn, đã viết:

Để biến một người thành thánh thì đó phải là ân sủng, và ai nghi ngờ điều này thì không biết thánh nhân là ai và con người là gì.

Tất cả những nhà bình luận về đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca này - và Cha Grelot nhấn mạnh điều này trong phần kết luận - đều trích dẫn những lời của Thánh Ambrôsiô, những lời sẽ có tác động lớn lao trong suốt truyền thống:

Ví dụ tuyệt vời về sự hoán cải mà chúng ta phải tìm kiếm, bởi vì sự tha thứ được ban cho Kẻ Trộm quá nhanh chóng và ân sủng vượt quá lời cầu nguyện của hắn - bởi vì Chúa luôn ban nhiều hơn những gì chúng ta cầu xin Người. Trên thực tế, anh ta đã yêu cầu Chúa nhớ đến anh ta khi Người đến vương quốc của mình, và Chúa đã nói với anh ta: “Quả thật, thực sự, tôi nói với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên đường» Sự sống là ở với Chúa Kitô, vì Chúa Kitô ở đâu, Nước Trời ở đó.[14] .

Người Trộm lành không chỉ được tôn vinh bởi các Giáo phụ và các nhà thuyết giáo cổ điển vĩ đại. Những người khác đã tiếp quản và gần đây, một loạt bài giảng chưa được xuất bản từ thế kỷ thứ 4 lấy bối cảnh ở Trung Đông đã được khai quật. Chúng là tác phẩm của những nhà thuyết giáo bình dân, những người không thiếu trí tưởng tượng cũng như thơ ca [15]. Chắc chắn họ thấy mình đứng trước những thính giả gặp khó khăn trong việc chấp nhận, ngoại trừ lý thuyết và từ xa, lời Tin Mừng ở đó những người cuối cùng trở thành trước tiên, nơi những kẻ vô lại bằng xương bằng thịt đi trước hàng người tốt! Trong những lời rao giảng đầy màu sắc này, chính Tổng lãnh thiên thần Kêrubin, người đã trục xuất Adam và Eva khỏi Vườn Địa Đàng, đã thế chỗ cho những người phản đối trong dụ ngôn về những người thợ của giờ thứ mười một: “Làm thế nào? Những người mới đến này chỉ làm việc trong một giờ, ông lại đối xử với họ như chúng tôi, những người phải chịu đựng gánh nặng trong ngày và cái nóng khắc nghiệt không? » (Matthêu, 20, 12).

“Làm thế nào kẻ trộm kho báu tuyệt vời nhất là sự sống vĩnh cửu này lại vào được Thiên đường?”, các nhà thuyết giảng của chúng ta tự hỏi. Đây là Tên Trộm, người được Chúa Kitô trao chìa khóa Thiên đường, người mở cửa và ngạc nhiên thốt lên: “Thật là một nơi tuyệt vời và không thể diễn tả được! Nhưng cư dân của nó ở đâu nhĩ ? » Anh ta vẫn chưa yên tâm lắm: không có ai, đáng lo quá! Nhưng Kêrubin với thanh kiếm lửa đã đến:

Bạn đang làm gì ở đây, hỡi kẻ trộm trần thế và làm thế nào bạn, vốn là phàm nhân, lại đến được đây, vùng đất của những người sống? Và làm thế nào, và bằng sức mạnh nào, bạn dám mở cửa và bước vào? Phải gõ cửa trước! Và bạn đến đánh cắp cái gì?

Vì, thiên thần tiếp tục, chưa có ai bước vào khu vườn Địa đàng này kể từ khi ta đuổi Adam và Eva đi ra khỏi đó. Nhiều người đã xuất hiện, Abel và Noê, Abraham, Isaac, Giacóp, David, Gióp và rất nhiều người khác... “Hãy ra ngoài với họ!” » Và với một tiếng kêu mạnh mẽ, vị thần Kêrubin gọi các đạo binh thiên quốc: “Đây là một người con của trần thế được Chúa chúng ta gửi đến đây..., và anh ta có một tờ giấy từ Chúa Kitô và các chìa khóa của Thiên đường! »

Chú ý quan sát, các thiên thần sau đó nhận thấy rằng bàn chân của Người trộm lành thậm chí còn không dính bụi và họ rất ngạc nhiên. Người trộm giải thích:

Đấng đã rời khỏi nơi ở huy hoàng và không thể diễn tả được của quý bạn để đến sống trên quả đất của chúng tôi, Đấng ấy đã đến để nghe lời thú tội và niềm tin của tôi đối với Người: Tôi là con chiên lạc và Người là người mục tử đến tìm con chiên ấy và đặt nó trên vai. .. Tôi không thể biện minh cho các công việc của chính tôi làm ra... Tôi chỉ nói một lời và Chúa Kitô đã trả lời tôi điều gì Người thấy phù hợp.

Và anh ta đưa cho Vị Tổng lãnh Thiên thần dễ nóng giận này tờ giấy đã được đưa cho anh ta:

Ta, Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa vô hình, Đấng đến từ lòng Cha bất tử, Đấng từ trời xuống, làm người và chịu đóng đinh trên thập giá để cứu Ađam tạo thành đầu tiên, mời gọi các Tổng lãnh thiên thần, các quyền thần và các thiên sứ, những người gác cổng Thiên đường và những người giữ lửa, những người cầm thanh kiếm rực lửa,  đưa Người trộm vào Thiên đường, kẻ đã bị đóng đinh cùng với Ta, kẻ đã nhận được từ thiên tính của Ta sự thứ tha khỏi tội lỗi và đã mặc lấy một thân xác không thể hư nát.

[Sau đó,] cúi đầu trước Tên trộm đã đánh cắp một kho báu như vậy từ thập giá, vị Tổng lãnh thiên thần cho phép anh ta tiến tới và đi khắp Thiên đường, để anh ta có thể tận hưởng mà không bị hạn chế những niềm vui trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Và, trong khi Kẻ trộm thông báo cho tất cả mọi người sự việc “những tôi tớ tốt lành của Chúa, những người nhiệt thành và tuân giữ các điều răn của Người" sắp đến nơi ở vĩnh cửu", thì tất cả các Thiên thần "lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu Kitô cùng với Chúa Cha từ vô thủy". và Thánh Thần hoàn toàn thánh thiện và ban sự sống, bây giờ và mãi mãi.”

Đây là cách các nhà thuyết giảng của chúng ta giải thích với giáo dân của họ rằng trong Chúa, lòng thương xót luôn được ưu tiên hơn công lý và một lời cầu nguyện khiêm nhường là chìa khóa không thể sai lầm dẫn đến Thiên đường.

Hỡi Thần Chết, chiến thắng của ngươi đâu?

Vào thời Chúa Giêsu và hai tên trộm, việc đóng đinh là tập tục dễ dàng, nhưng đó là tục lệ của người La Mã chứ không phải của người Do Thái. Đóng đinh là một hình thức tra tấn chưa được biết đến trong Cựu Ước. Nếu chúng ta đang nói về những nạn nhân bị tra tấn “treo trên cây gỗ” và những người phải được tháo ra trước khi màn đêm buông xuống, thì đây là những tù nhân bị kết án và đã bị hành quyết; đó là dấu hiệu của sự ô nhục và là một tấm gương răn đe.

Đối với người La Mã, họ thực hiện hình thức tử hình bằng cách đóng đinh, đặc biệt đối với những nô lệ chạy trốn, nhưng, trong trường hợp nổi dậy ở các tỉnh do họ thống trị, các sử gia của họ đã đưa ra những con số khổng lồ: trong cuộc chiến chống lại người Do Thái, người ta nói, Titus, tướng quân La Mã đã đóng đinh một số tù nhân, nhiều đến mức, cuối cùng, số gỗ dùng để đóng đinh, đã cạn kiệt.

Tuy nhiên, với những con người nghiêm ngặt và gắn liền với các hình thức pháp lý, họ đã quy định - trong thời bình - kiểu hành quyết này. Những gì chúng ta đọc trong Tin Mừng - đầu tiên là đánh roi, sau đó là đập gãy chân - không phải là những biện pháp man rợ bổ sung: đó chỉ là vấn đề đẩy nhanh sự kết thúc của những người bị kết án, những người nếu không có điều này thì sẽ kéo dài cái chết trên thập tự giá hàng giờ, hàng ngày liền. .

Những thủ tục này dường như xa vời, nhưng những hoàn cảnh khiến người bạn đồng hành khốn khổ của Chúa Giêsu trở thành một hình mẫu vẫn chưa biến mất: tra tấn và hành quyết liên tục vẫn là một tai họa đối với nhân loại. Nhưng, hôm nay cũng như ngày hôm qua, sự vĩ đại của con người vẫn có khả năng tự khẳng định và niềm tin xuất hiện vào lúc chúng ta ít mong đợi nhất.

Sẽ không phải là lạc đề khi tập trung trước tiên vào một hiện tượng có thật: chỉ trong vòng ba mươi hoặc bốn mươi năm, trước mắt chúng ta, mọi thứ đã được thực hiện để che đậy cái chết như một thực tế khó coi. Về điểm này, phương Tây và phương Đông đến với nhau. Một cuốn sách gần đây có tựa đề hai chương liên tiếp: “Xác trong tủ phương Đông”, “Xác trong tủ phương Tây”. [16]

 

Điều này nói về cái gì vậy? Ở phương Đông, đối với hệ tư tưởng Mátxít chính thức, nơi mọi thứ phải là một cuộc tuần hành từ lịch sử đến tiến bộ, trong một hệ thống tư tưởng mà mọi mâu thuẫn, đau khổ và buồn phiền sẽ được khắc phục trong thế giới không giai cấp của ngày mai, cái chết là một thất bại, một thử thách, thậm chí là một sự khiêu khích. “Cái chết là tư sản,” một nhà tư tưởng Mátxít viết, và nếu, đối với ông, con người chết, thì chủng loại sẽ bất tử và sự tiến bộ của nó là vô thời hạn.

Thái độ của các nước phát triển quá mức – được gọi là “tiên tiến” – cũng tương tự, ngay cả khi các lập luận khác nhau: đó là vấn đề che giấu cái chết. Vittorio Messori trích dẫn những chỉ dẫn tuyệt đối của người sáng lập tạp chí đa quốc gia Play Boy và áp đặt cho vô số ấn bản nước ngoài:

Trong Play Boy không được phép nói về trẻ em, nhà tù, những điều bất hạnh, người già, bệnh tật, nhưng trên hết là nghiêm cấm nói về cái chết.

Tất nhiên, chúng ta không ngại khi nghe về hàng ngàn cái chết ở một đất nước xa xôi - và thậm chí nhìn thấy chúng trên tivi - nhưng cái chết của chính chúng ta và của những người xung quanh phải được giữ im lặng càng nhiều càng tốt. Trên thực tế, chúng ta không còn chết ở nhà mà ở phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện nào đó, và các cháu không còn chứng kiến ​​​​ông bà qua đời nữa.

Thái độ sợ hãi đối với cái chết này là một hiện tượng gần đây mà hàng giám mục Đức đã phân tích trong một trong những tài liệu của mình:

Khó khăn lớn nhất trong việc giúp đỡ người hấp hối là ở chỗ cái chết của một người đòi hỏi người giúp đỡ phải chấp nhận đối mặt với cái chết của chính mình.

Cái chết trở thành điều cấm kỵ: “Hai trăm triệu người đã mất hy vọng”, Pierre Chaunu viết với một thái độ khiêu khích có chủ ý, và ông giải thích sự rạn nứt xảy ra – một cách đột ngột ở Pháp nhưng ở khắp mọi nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ – trong những năm 1960-1970:

200 triệu người trong 10 năm đã mất hết sự hiểu biết về ý nghĩa của cuộc sống. Họ đã bỏ hết hy vọng hay nói đúng hơn là hy vọng đã bỏ rơi họ. [17]

Một sự thay đổi chưa từng có xảy ra khi sự hiểu biết mà thế hệ trước để lại cho thế hệ tiếp theo đã biến mất:

Năm 1964, 55-60% người Pháp, vẫn chiếm đa số, có quan điểm Kitô giáo về cái chết dù có chút mơ hồ.

Năm 1970, 60% trở thành 30%. Và thậm chí 30% này còn không biết cho rõ lắm quan điểm này nữa.

Tại sao? Có lẽ đó như là một phản ứng chống lại các bậc làm cha làm mẹ hoặc ông bà của họ bị cáo buộc đã trốn thoát quá dễ dàng khỏi thực tại trần thế bằng cách mời gọi các nạn nhân của sự bất công nhìn lên bầu trời. Nhưng việc thu hẹp thực tại của con người vào khoảng thời gian giữa sự sinh ra và cái chết sẽ dẫn đến một sự vong thân thậm chí còn triệt để hơn: cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Giống như một người mắc chứng mất trí nhớ, con người không còn biết mình là ai và sẽ đi đâu. Vậy thì sự tự do của anh ta để làm gì?

Đổi lại, sự minh mẫn mẫu mực của Người Trộm lành mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy và một cách nghịch lý ở nơi những người đang sống cách mãnh liệt, thấy mình phải đối mặt với một cái chết đã được chính thức lên kế hoạch và ấn định thời gian: những “phát súng lúc bình minh” này kêu gọi chúng ta đến sự vĩ đại đích thực của con người khi đối mặt với cái chết, và một số người đạt đến niềm hy vọng cao nhất.

Ở Pháp, từ năm 1940 đến năm 1963, rất nhiều máu đã đổ ra. Các phòng giam cũng nhìn thấy những bức vẽ trên tường với tên của những người đa dạng nhất, bị kết án và bị bắn vì những lý do đối lập: phản kháng, hợp tác, sau này là Algerie thuộc Pháp. Tuy nhiên, hầu hết những lá thư hoặc những lời cuối cùng của những người này là một bài học không thể chối cãi về sự vĩ đại và sáng suốt: “Tôi sẽ rút ngắn lời chia tay cuối cùng này, vì tôi muốn giữ hết can đảm cho thời điểm quan trọng này,” một người nói. “Tôi đã sẵn sàng ngay từ ngày đầu tiên. Tôi tha thứ cho những kẻ thù của tôi”, người khác viết.

Nếu, trong khi một số người trong họ để lại năm con nhỏ ở nhà, những người khác lại mới bước vào tuổi hai mươi:

Cha mẹ yêu quý,

Con sẽ bị bắn vào buổi trưa:  9 giờ 15 sáng, niềm vui và cảm xúc đan xen...

10h15 sáng, con bình tĩnh, thanh thản. Con bắt tay với các người lính canh - rất hân hạnh - con sẽ gặp cha sở - niềm vui vô bờ bến - Chúa thật tốt lành.

10h20 tôi bơi trong thanh thản

Tại Dijon, bốn sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm và một công nhân trẻ bị bắn như những con tin vào ngày 7 tháng 3 năm 1942. Tổng cọng, họ chưa đầy một trăm tuổi. Trong chiếc áo khoác mà một trong số họ mặc, chúng tôi tìm thấy một dòng chữ do một trong những người bạn đồng hành của anh ta viết và ký tên với biệt danh mà anh ta mang khi được thăng chức:

Trời ơi, thế là xong rồi; vĩnh biệt, hãy dũng cảm lên.

Chúng tôi sẽ không đau khổ. [Đã ký] Diệt ruồi [18](18).

Ở nơi khác, một bài thơ ngắn:

 Là người sáng nay đi về phía định mệnh của mình và hét lên:

Xin chào! Hãy can đảm lên !

Họ nói với anh ấy: “Chúc một chuyến đi vui vẻ. »

Tôi không biết ai đã khóc.

Một người lính lê dương sẽ rời khỏi phòng giam của mình, bước đi trên “đầu ngón chân”, để cấp trên của anh ta, ở phòng giam bên cạnh, cũng bị kết án tử hình, không bị đánh thức: “Hãy làm nhẹ nhàng,” anh ta nói với các quan chức hành quyết anh ta. Ông ấy có thể nghĩ nó là dành cho ông ta. »

Với những con người của giờ cuối cùng, những anh hùng hay những người có quá khứ đầy nghi vấn, dù có tin vào thiên đường hay không, cái chết, khi được nhìn thẳng vào mặt nó, đã lột bỏ những tưởng tượng của nó; hai lời nói của Chúa Giêsu: “Sự Thật sẽ giải thoát các con”, “Ai thực thi Sự Thật sẽ đến với Ánh Sáng”, chứng tỏ là đúng trên bình diện tâm lý và nhân bản cũng như trên bình diện tâm linh và thần bí.

“Cho những ai còn như tôi trong quá khứ”

Tuy nhiên, một số người của giờ bình minh này đã đi xa hơn: họ lập lại những gì mà con người của Tin Mừng đã trải qua. Giống như anh ấy, họ cho chúng ta thấy sự đảo ngược kỳ diệu đang diễn ra bên trong họ. Với họ và qua họ, chúng ta chứng kiến ​​sự trào dâng mãnh liệt của đời sống thần bí làm cho cây cột gỗ khô cằn mà họ bị cột vào đó được tỏa hoa. Đối với họ, đó không phải là vấn đề sợ hãi hay lo lắng, càng không phải là bất kỳ vụ cá cược nào “trong trường hợp có điều gì đó xảy ra sau đó” và vì thế, việc hòa giải với vị Thẩm phán tối cao là điều thích hợp. Nhưng khi thời gian không còn nhiều, họ vội vã đi gặp vị Thiên Chúa mà họ chưa từng biết đến này, và ngay lập tức, họ tiến rất xa trong đức tin và tình yêu. Thiên Chúa đảo lộn cuộc sống của họ và biến đổi cái chết của họ.

Trong số những “người trộm lành” này của mọi thời đại và của thời đại chúng ta, một người trong số họ, tiếp tục giữ thái độ như vậy của con người của Tin Mừng, đã cố gắng lý luận với những người bạn không có niềm tin của mình. Trong một cuốn sổ tay vài trang, anh ấy đề cập đến “những người vẫn còn giống như tôi đã là”[19]. Đây là Jean Luchaire, người Paris, dưới sự chiếm đóng của Đức, chủ tịch Ủy ban Báo chí Paris và do đó, là một trong những người cộng tác với các ông chủ thời đó.

Đây là con người của anh ta được một trong những người bạn tù của anh ta ở Fresnes giới thiệu với chúng ta [20](20):

Jean Luchaire, bị tòa án Seine kết án tử hình và bị bắn tại chiến hào Montrouge, là sản phẩm thuần túy của chủ nghĩa duy lý. Mẹ anh cũng như cha anh, đã lớn lên trong một môi trường đã loại bỏ mọi mầm mống tôn giáo.

Cuộc sống của anh hoàn toàn tự nhiên là cuộc sống của một thanh niên trưởng giả có học thức thuộc một nhóm trí thức không có đức tin, và càng có khuynh hướng nếm trải những niềm vui trần thế vì anh không thể tưởng tượng được điều gì khác.

Chính Jean Luchaire này, người bị bắt ở Đức và bị buộc tội phản quốc, một ngày nọ, trong lúc buồn chán, đã nhờ vị tuyên úy Fresnes cho mượn vài cuốn sách... Điều chắc chắn là một ngày nọ, một người hoài nghi ủy mị đã xin được rửa tội, rước lễ lần đầu, muốn cuộc hôn nhân dân sự của mình được hợp thức hóa trước mặt Chúa và sống như một Kitô hữu, với nụ cười thanh thản..

Trong cuốn sổ anh để lại, người mới cải đạo vào giờ cuối cùng này ghi lại những lý do để tin và những lý do để nghi ngờ. Anh ấy muốn - anh viết cho một người bạn đồng hành tưởng tượng-, đi lại con đường mà anh ấy đã đi từng bước một:

Tôi muốn khám phá nó một lần nữa, không chỉ để dẫn bạn đến niềm vui mà giờ đây là của tôi, mà còn để xác minh tính hợp lệ của các bước đi của tôi. Thế là xong. Tôi không có gì để loại bỏ hoặc sửa chữa.

Anh ta bắt đầu đặt ra vấn đề vốn là của mình:

Bạn là một người không có niềm tin, bạn nói cho tôi biết như thế..., bạn chỉ có thể tin vào những gì bạn nhìn thấy, những gì bạn chạm vào, vào những sự thật được lý trí của bạn xác minh... Vì vậy, chúng ta hãy lý luận xem.

Thế là anh hỏi như thể anh đang tự hỏi mình:

Bạn biết các giác quan của bạn không đầy đủ, khiếm khuyết. Chúng mang lại cho bạn sự chắc chắn. Đừng nói rằng chúng đưa tất cả cho bạn. Lý trí của bạn? Đó là một hướng dẫn viên vô cùng chắc chắn. Hãy sử dụng nó. Nếu bạn muốn, chỉ cần sử dụng nó mà thôi .

Anh đi ngược lại lịch sử lâu dài của tạo dựng và sự sống:

 

Dù lý luận đến đâu, bạn cũng đi đến câu hỏi hợp lý này: “Ai đã tạo ra trái đất hoặc tinh vân mà từ đó trái đất hình thành?”

 

Và ở đó, lý trí của bạn dừng lại. Bởi vì trả lời: “Vật chất luôn tồn tại” không phải là câu trả lời. Đó là một thừa nhận sự bất lực.

Đối mặt với những từ đánh thức ý tưởng về vô cực, trong thời gian, vĩnh cửu, trong không gian, cái không giới hạn, bạn nhận ra rằng:

Âm tiết của chúng ở trên môi bạn, ý nghĩa của chúng không đi vào tâm trí bạn. Bạn phải kết luận: “Tôi không biết. »

Qua kinh nghiệm, biết được những nơi ẩn náu, nơi mà lý trí sẽ nép mình để không đi đến chỗ cuối cùng của vấn đề, bạn quả quyết:

Bạn có thể tự an ủi sự bất lực của mình bằng cách nói thêm: “Điều mình không biết thì con cháu xa xôi của mình sau này một ngày nào đó cũng sẽ biết?” "... Không, nhân loại vẫn sẽ nói khi đối mặt với những bí ẩn cơ bản: "Tôi không biết.”

Do đó, đối mặt với những câu “Tôi không biết” khiến anh không có câu trả lời trước số phận của mình, Luchaire đi đến “giả thuyết về Chúa”; Chắc chắn không thể nắm bắt được Chúa, nhưng nếu Ngài là câu trả lời...! Anh tự trách mình:

Bị mù, bạn có thể từ chối thừa nhận ánh sáng, nhưng sau đó bạn đồng ý là vẫn bị tàn tật. Tôi đã từ chối điều đó.

Cùng với người bạn đồng hành của mình trong sự hoài nghi, anh ta đối mặt với “giả thuyết về Thiên Chúa” của anh bằng những chuyển động nội tâm to lớn của trái tim, của lương tâm anh:

Bạn đã yêu, bạn đang yêu. Tại sao, ngoài bản năng duy nhất của nam giới, ... bạn, tôi và những người cùng trang lứa của chúng ta có cảm thấy nhu cầu dai dẳng về một người bạn đồng hành thường xuyên không? Và nếu đôi khi chúng ta tìm kiếm người bạn đồng hành đó qua hàng trăm cuộc khám phá đầy thử thách, thì tại sao?

Giọng nói bên trong này đến từ đâu mà nói với bạn "Thật tệ", "Thật tốt"..., mà tại một số thời điểm nhất định có thể lấn át cả bản năng tự bảo vệ bản thân dù lớn hay nhỏ của bạn?... Và nếu giọng nói này đến từ nơi khác và được gọi là Thiên Chúa?

Như thế, phần đầu tiên này kết thúc với kết luận sau:

Chúa vẫn chỉ là một lời giải thích hợp lý cho bạn, do không có lời giải thích nào khác đầy đủ hơn, nhưng chẳng phải điều đó đã tốt hơn gấp nghìn lần so với câu “Tôi không biết” ban đầu của bạn, hay khi bạn thốt ra lời nói nhục nhã cho phẩm giá của mình, “ngẫu nhiên”? Bạn đã tiến được một bước lớn, bạn vẫn còn một bước nữa để thực hiện. Bạn phải chuyển từ lôgích sang niềm tin, từ chứng minh đến Niềm tin.

Giờ đây, bạn gạt bỏ đi những khúc mắc của lý trí để nghe “các nhịp đập của tâm hồn”:

Ở đây, tôi để bạn ở một mình, đo lường con tim bạn, chất vấn những hồi hộp của tâm hồn bạn. Trong im lặng thiền định, hãy cố gắng giao tiếp với Chúa. Nếu bạn không thể làm được điều đó, thì không có nghĩa là không có Chúa, nhưng Chúa chưa muốn nói chuyện với bạn vì bạn chưa sẵn sàng lắng nghe Ngài... Nhưng nếu bạn sẵn sàng, hãy bình tĩnh và niềm tin sáng ngời sẽ thấm sâu vào bạn: bạn sẽ tin!

Người mù đến với ánh sáng – xác tín về Chúa ở trong người đó. Vì thế:

Bạn hiểu cuộc sống, bạn không còn sợ chết vì bạn không còn tin vào cái chết. Bạn cảm nhận được Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai của bạn. Bạn không mất gì về những gì bạn từng nghĩ mình sở hữu trước kia và bạn đã có được một sự giàu có mới và phi thường: bạn vẫn là bạn, nhưng bạn đặt mình vào tay Người. Ý chí của bạn đã trở thành lệ thuộc vào ý chí của Người. Bạn tin tưởng vào Người, cho bạn, cho các người thân của bạn, cho toàn thể nhân loại.

Theo cách riêng của mình, Người trộm lành tuyên bố “Lạy Chúa, xin nhớ đến con khi Ngài ở trong vương quốc của Ngài”. Có nhiều thời gian hơn người tiền nhiệm ở Golgotha ​​một chút, ông chia sẻ cho chúng ta nghe về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu:

Chúa Giêsu, Đấng đến trần gian chỉ để nhắc nhở, để chứng minh Thiên Chúa và để chỉ cho con người biết Thiên Chúa phải được hiểu biết và phục vụ như thế nào. Chúa Giêsu, mà con gái là Giáo hội, và sự bền vững và tăng trưởng của nó tự thân là một phép lạ thường trực và thuyết phục.

Trong phút chốc , anh ta lật đổ những sự phản đối và đến với Giáo hội:

Kể từ giây phút này trở đi, Thiên Chúa, Chúa Giêsu và Giáo hội không thể hòa tan trong bạn, bởi vì ai tin nửa vời hoặc dè dặt thì không tin... Vì chắc chắn có điều gì đó mang tính con người trong Giáo hội, hãy cẩn thận tôn trọng quyền phê phán và cải cách của bạn đối với yếu tố con người này,. Nhưng bạn không còn có thể thực thi quyền này đối với mọi thứ trong Giáo hội vốn có bản chất thần linh, nghĩa là lời của Chúa Giêsu hoặc của các môn đệ trực tiếp của Ngài. Những gì Thiên Chúa đã ban bố là thần thiêng; hãy giữ mình càng gần với lời này càng tốt và bạn sẽ ở trong sự thật...

                                                         Fresnes, ngày 7 tháng 2 năm 1946.

Đơn xin khoan hồng bị bác bỏ. Được kể lại bởi vị tuyên úy đã giúp đỡ anh ta, ngay lập tức được người bạn tù của anh ta chép lại, đây là những khoảnh khắc cuối cùng của anh ta, vào ngày 22 tháng 2:

Vào ngày mất, anh lên chiếc xe tải đặc biệt cùng với một thanh niên dân quân hai mươi tuổi cũng vừa mới rước lễ. Đó là một buổi sáng mùa xuân, mát mẻ và trong xanh. Thiếu niên nói cách máy móc: “Sáng nay thời tiết thật đẹp! » Luchaire đặt một bàn tay thân thiện lên vai anh và mỉm cười với anh: “Rồi em sẽ thấy, em yêu quí. Nó sẽ còn đẹp hơn nữa trong mười phút tới, ở Thiên đường. »

Dòng dõi cao quý của Các Người Trộm Lành không hề bị tuyệt chủng...

-----------

n Trong cuốn “La vie à l’écoute des grands priants

Của Jacques Loew, Librairie Arthème Fayard-Mame, 1986, trang 13-42

Người dịch: Alexis Trần Đức Hải ofm

 



[1] Dictionnaire d’’ Archeologie, art. Croix, col 3049

[2] Saint Leon le Grand: Sermons pour la Passion, Sources Chretiennes, n. 74, tome 3, p. 111

[3] Saint Jean Chrysostome: Premiere homelie sur la croix et le Bon Larron. Oeuvres completes, Bareille, editions Vives, tome IV, p.28

[4] Saint Jean Chrysostome: Discours sur la Genese, op. cit., tome VIII, p. 370

[5] Saint Augustin: Sermons de Paques, Sermon 232, Sources Chretiennes, n.116, p.273

[6] Saint Augustin: Discours sur les Psaumes, Ps 34, editions Vives, tome XII, p. 114

[7] Ibid. Ps 39, p.280

[8] Saint Jean Chrysostome: Deuxieme homelie, op. cit., tome IV, p.33

[9] Ibid., p.35

[10] Saint Augustin: Discours sur les Psaumes, Ps 39, tome XII, p. 280

[11] R. Bernard, Le Mystere de Jesus, tome II, p.502

[12] Pierre Grelot, dans Revue biblique, avril 1967

[13] Saint Leon le Grand: Deuxieme sermon sur la Passion du Seigneur, Sources chretiennes, n.74, tome 3, p.28

[14] Revue biblique, p.213

[15] M. Van Esbroeck: Une homelie inédite éphrémienne sur le Bon Larron en grec, georgien et arabe

[16] Vittorio Messori, Pari sur la mort, Mame

[17] Pierre Chaunu, L’Historien dans tous ses etats, Perrin

[18] Les Quatre Normaliens de Dijon, edite par l’Ámicale des anciens eleves de l’École normale d’’instituteurs de Dijon, 1968, 66 pages

[19] On trouvera le texte complet de Jean Luchaire dans :”’La mort en face””, Les Dossiers du Clan, no 3, Aout 1967. Les diverses citations des condamnes a mort sont egalement extraites de cet ouvrage.

[20] Divers details, concernant la detention de Jean Luchaire in Xavier Vallat, Feuilles de Fresnes

Chia sẻ

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.