Chúa Nhật 28TNB: Ba Thái Độ Đối Với Tiền Bạc
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện chàng thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, nhưng đã bỏ qua lời khuyên của Chúa để nên trọn lành, là hãy về bán hết của cải, phân phát cho người nghèo, rồi đến theo Chúa. Chàng đã buồn rầu bỏ đi vì chàng rất giàu có tiền bạc. Ta hãy mượn bài gợi ý của Đgm Bùi Tuần để suy gẫm về tiền.
Tiền không biết nói, nhưng bao giờ cũng có tiếng nói về đồng tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình không có những người nghĩ đến tiền, dù chỉ trong một buổi.
Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường không đủ. Không đủ nên mới lại cần; cái vòng lẩn quẩn đó dắt con người làm quen với tiền. Từ quen tới quen thuộc. Từ quen thuộc tới quen thân, cứ thế đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường mọi ngả.
Đồng tiền là vật chất nhưng nó không như sự vật khác. Dù rách, dù hôi nó vẫn được quí. Dù đẹp dù xấu nó vẫn được yêu. Dù mới tinh còn thơm mùi mực in hay cũ kỹ nhầu nát, nó vẫn được cất giữ. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt ?
Ta có thể kể ra 3 tương quan :
1- CON NGƯỜI CẦN TIỀN.
Con người cần tiền không phải vì tiền. Mà con người cần tiền vì tiền cho những trị giá : cho những trị giá vật chất và cho cả trị giá tinh thần. Trị giá vật chất là tôi cần ăn, tiền cho tôi những ký gạo. Tôi cần uống, tiền cho tôi chai nước cam. Tôi cần mặc, tiền cho tôi quần áo. Tôi cần nơi ở, tiền cho tôi mái nhà… Trị giá tinh thần là khi tôi cầm tiền trao cho một người túng thiếu, tôi không mua được cái gì vật chất, nhưng tôi có niềm vui vì đã giúp đỡ. Trị giá tinh thần là khi tôi mua một cuốn sách: sách kiến thức mở mang tâm trí tôi, sách thiêng liêng, dạy tôi kết hợp với Chúa hơn. Sách nhân bản giúp tôi sống xứng đáng là người nhất. Một con người hơn con vật nhờ tinh thần. Linh ư vạn vật
Trị giá tinh thần cũng có thể là những ngày nghỉ ngơi, những giờ giải trí, những phút vui chơi, tạo thảnh thơi tâm hồn. Phải có tiền mới có những giá trị đó. Dùng tiền để mua những nhu cầu, những cái cần thiết cho cuộc sống: đó là thái độ thông thường nhất của những con người trong tương quan với tiền. Con người cần tiền.
Nhưng người ta cũng thường nói: 'Được voi đòi tiên', Muốn được tiên, phải có tiền. Có tiền mua tiên cũng được. Vì thế, từ “cần tiền”, con người khi thấy mãnh lực hấp dẫn của nó sẽ dễ dàng chuyển sang mê tiền.
2- CON NGƯỜI MÊ TIỀN.
Khi thấy đồng tiền không chỉ mua được những trị giá vật chất và tinh thần cần thiết, mà còn có thể mua được nhiều cái hơn thế nữa, nhất là trong xã hội tư bản, chuộng đồng tiền, thì người ta mê tiền, khi mê thì ca tụng nó:
Đồng tiền là tiên là phật – Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khoẻ cuả tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Ôi đồng tiền, hết ý.
Rồi nhìn vào xã hội, thấy người có nhiều tiền được kính nể. Nghề có nhiều tiền được coi là nghề quí. Người khéo làm ra tiền được coi là người giỏi… vì thế mà đồng tiền lôi cuốn người ta theo nó. Con người trở thành kẻ mê tiền, để, có tiền thì được kính nể, được khen là người giỏi, nhanh nhẹn tháo vát thành công. Để được gọi là ông : “Còn tiền còn bạc còn đệ tử – Hết cơm hết gạo hết ông tôi” (N.B.Khiêm)…
Con người cần tiền để giải quyết các nhu cầu. Mà nhu cầu thì diễn ra hàng ngày. Do đó con người có thói quen dùng tiền. Mà thói quen nào cũng có thể chuyển thành đam mê. Quen chơi bài thành mê bài bạc. Quen chọi gà thành mê đá gà. Quen dùng tiền, thấy tiền tiện lợi, bỏ túi được, đưa cho ai họ cũng nhận không trả giá kỳ kèo như khi trao đổi đồ vật – thì mê tiền. Mê đến cực độ thì mù quáng. Ta gọi đó là tương quan thứ ba:
3- CON NGƯỜI THỜ TIỀN.
Đam mê cái gì quá mức thì tôn thờ cái đó: trở thành mù với tất cả mà chỉ sáng thấy với cái mình thờ. Người ta nói đâm mê sắc dục thì mù quáng nhất. Nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém. Người đam mê sắc dục tới độ nào đó sẽ biết mình lỗi lầm, hối hận. Còn người mê tiền thì có thể mơ đến nó suốt đêm, bàn đến nó suốt ngày, vơ vét nó suốt tháng và tích trữ nó cả năm mà vẫn không thấy (mù quáng) vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần xét lại. Họ tự phụ trong cái mê đó. nhiều khi còn mặc cho nó chiếc áo đạo đức: tôi kiếm tiền như thế mới giúp đỡ kẻ khó, mới mở rộng Nước Chúa được, mới đủ điều kiện giáo dục con cháu.
Bây giờ thử hỏi chúng ta có phải là kẻ mê tiền không thì chắc gần như 99% ta sẽ trả lời là không, huống hồ là câu hỏi ta có thờ tiền không – thì càng trăm phần trăm “no way”. Vì trên bàn thờ của ta trong gia đình vẫn là Trái Tim Chúa chứ đâu có đồng bạc nào. Ta đâu có thờ nó.
Nhưng ta không để tiền trên bàn thờ mà để trong lòng trong trí ta hầu lúc nào cũng nhớ đến nó, –thì còn thờ nó hơn 100 lần ta để trên bàn thờ. Mà có cái lạ là càng giàu càng nghĩ tới nó. Thử làm một quan sát nhỏ : Mỗi tuần có một thánh lễ Chủ nhật, tạm gọi là giờ thờ phượng Chúa đúng nghĩa. Nhưng thử xem ai là kẻ đến trễ, ai là kẻ về sớm, ai là kẻ không đi ? Hình như xã hội, lớp người càng khá giả ra, càng làm ra tiền thì càng xa Chúa hơn. Ấy là chưa nói thánh lễ giờ kinh ngày thường.
Đồng tiền là khúc ruột. Đụng tới tiền bạc là đụng tới khúc ruột của nhiều người. Muốn đụng tới mà không đau, cần phải có nhiều giờ để rào trước đón sau, diễn giải dẫn dụ, nhưng điều đó lại không làm được trong giờ phút ngắn ngủi chia sẻ Lời Chúa này vì cũng còn phải kết thúc sớm đặng về lo làm ăn kiếm tiền –dù hôm nay là CN nữa chứ !
Nhưng ta nhớ rằng Chúa Giêsu nói không ai có thể thờ hai chủ : vừa thờ Thiên Chúa vừa thờ Tiền ! Cái nguy cơ là ta thờ tiền mà ta không biết. Xin cho lời kinh Tin Kính mà ta sắp tuyên xưng trong đó ta tuyên xưng chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất, chỉ tin kính mình Ngài, luôn ở mãi trong tâm trí ta, để dù bận rộn làm ăn, ta vẫn không đặt Chúa bên lề, đặt tiền trên cao. Amen
Anphong Nguyễn Công Minh
(lấy gần như toàn bài của Đgm Bùi Tuần)
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.