Skip to content
Main Banner

Thư anh Giám Tỉnh tháng 12/2008

Administrator
2008-12-15 00:00 UTC+7 91

Đakao, ngày 13 tháng 12 năm 2008

Kính gửi toàn thể anh chị em trong Đại Gia Đình Phan sinh Việt-Nam


Anh chị em thân mến,


Viết những dòng thư này trong ngày lễ thánh Luxia, vị thánh nữ có tên là "ánh sáng", tôi cầu chúc toàn thể anh chị em, dù không có tên "ánh sáng", cũng luôn đón nhận được ánh sáng là Đức Giêsu (x. Ga 12,46), đặc biệt trong ngày lễ Giáng Sinh, đại lễ của ánh sáng, và luôn mang ánh sáng đến cho người khác.

Là con cái của cha thánh Phanxicô, đang ở trong Năm Thánh Phaolô, lại mới mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê, tôi có một vài ý tưởng về hành trình bước theo Đức Kitô trong cuộc đời các ngài, xin được chia sẻ với anh chị em.

Nhìn vào cuộc đời Đấng Thánh Bổn mạng các xứ truyền giáo, tôi thấy gì? Khi còn trẻ, còn gì hơn là công danh sự nghiệp? Do đó, Phanxicô Xaviê đã vận dụng trí tuệ để đạt được những học vị cao tại Đại Học Paris, và sức mạnh của cơ bắp để đoạt giải trong các cuộc tranh tài điền kinh. Nhưng khi đã nhận ra tiếng gọi của Đức Kitô (x. Mt 19,16) qua trung gian thánh Inhã, chàng trai đầy ắp mộng công danh đã bỏ mọi sự để sẵn sàng dấn thân vào việc mở mang Nước Chúa. Dù chỉ biết trước có đúng một tiếng đồng hồ để lên tàu đi vào một hành trình suốt đời, ngài cũng vẫn sẵn sàng. Thế rồi ngài đã dọc ngang nhiều miền đất Châu Á, để rồi vào giờ phút cuối đời, mặt hướng về lục địa Trung Hoa, ngài lắp bắp: "Lạy Chúa, Mas! Mas! Thêm nữa! Thêm nữa!". Vì sao Phanxicô Xaviê tha thiết với công việc truyền giáo đến thế?

Ngược dòng thời gian, đi về Assisi vào những năm 90 của thế kỷ XII, tôi gặp chàng trai Phanxicô con ông Phêrô Bênađônê, khi mới 14 tuổi đã là thành viên của Hiệp hội Thương gia Assisi, đang bung sức trẻ hăng hái làm việc tại cửa hàng buôn vải của thân phụ, và rồi chiều chiều, "bày trò" cho nhóm bạn vui chơi. Rồi một hôm, nghe tiếng rao mộ binh, nghĩ rằng có thể đạt được thành tích để trở thành hiệp sĩ, chàng trai con nhà Bênađônê đã lập tức lên đường. Cho rằng lý tưởng cuộc đời nằm ở nơi công danh sự nghiệp và của cải giàu sang, chàng trai lao về phía đó. Thế nhưng Đức Kitô đã can thiệp. Và rồi đã xảy ra một cú quay ngược ngoạn mục. Cú quay ngược này lại đưa ngài băng băng lao đi trên một con đường của đức nghèo tuyệt đối, mong xây dựng Hội Thánh cách hữu hiệu nhất. Vậy mà đến thời gian cuối đời, khi trên thân mình đã mang năm dấu thánh, có lần ngài còn bảo anh em: "Nào anh em, chúng ta hãy bắt đầu phục vụ Chúa là Thiên Chúa chúng ta, vì cho đến nay chúng ta đã làm quá ít" (Đại Truyện 14,1). Do đâu cha thánh lại cứ mong ước được bắt đầu lại như vậy?

Lại đi lên nữa cho đến thời khai nguyên Kitô giáo, tôi gặp một thầy Pharisêu trẻ tuổi sôi sục nhiệt huyết, thầy Saul, hay là Phaolô. Được giáo dục "đúng phép đạo" từng tí một (x. Pl 3,5-6), Phaolô đã nghĩ rằng phải chứng tỏ lòng nhiệt thành với Lề Luật Đức Chúa bằng cách tiêu diệt các Kitô hữu (Gl 1,13). Nhưng khi đã gặp Đức Kitô trên đường Đamát, tất cả lòng nhiệt thành của ngài được dồn vào việc đi theo hầu đáp trả mối tình của Đức Kitô đối với ngài: "quên chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước" (Pl 3,13). Thế rồi khi đã hoàn tất công việc truyền giáo tại Đông phương (Tiểu Á), qua lá thư gửi tín hữu Rôma, ngài cho thấy ngài đã đưa mắt nhìn sang Tây phương, ngài tính đi tới Tây-ban-nha, và sẽ ghé thăm giáo đoàn Rôma (Rm 15,24), ngài vẫn muốn lao tới nữa. Vì sao Phaolô lại cứ muốn ra đi mãi, không ngơi nghỉ?

Ba vị thánh này có điểm giống nhau, là lúc nào cũng dấn thân trọn vẹn; biết được bao nhiêu, có được những gì, các ngài vận dụng tất cả. Lúc nào các ngài cũng chạy, cũng lao tới, như thể vội vã vì sợ không kịp. Thậm chí đến khi sắp kết thúc cuộc đời, các ngài vẫn sẵn sàng dấn thân, như thể vì chỉ có cách này, các ngài mới diễn tả được phần nào tâm tình cảm mến biết ơn đối với Tinh Yêu đã làm cho các ngài sống thật. Khi đã gặp Đức Kitô, cuộc đời các ngài có ý nghĩa trọn vẹn và có hướng đi chắc chắn. Vì cuộc đời các ngài có hướng đi chắc chắn, không một trở ngại nào có thể ngăn chặn đà lao của các ngài. Vì cuộc đời của các ngài có ý nghĩa trọn vẹn, ta có thể "đọc" cuộc đời các ngài mà học được nhiều điều về con người và cả về Thiên Chúa nữa.

Nếu các ngài đã sống như thế, đơn giản là vì Thầy của các ngài, Đức Giêsu Kitô, đã sống như thế, từ khi đi vào trần gian cho đến khi xa rời trần gian. Rõ ràng lương thực nuôi sống các ngài cũng là lương thực đã từng nuôi sống Đức Giêsu (x. Ga 4,34). Đức Kitô đã phả vào các ngài một làn hơi nhiệt thành không bao giờ cạn kiệt, khiến cho các ngài đã sống một nghịch lý: chỉ bình an khi liên tục ra đi, chỉ vui sướng khi đương đầu với gian khổ vì "Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi" (Pl 3,8). Có thể coi tâm tình của thánh Phaolô cũng là tâm tình của các vị kia, một tâm tình rất dịu dàng tha thiết: Đức Kitô là Chúa của mọi người, thật thế, nhưng cũng là Chúa của riêng tôi! Còn gì tuyệt vời hơn?

Thưa anh chị em,

Chúng ta sắp mừng lễ Giáng Sinh, nhưng không phải là mừng đại lễ này lần đầu. Vậy lễ Giáng Sinh năm nay nhắc nhở chúng ta điều gì, trong hành trình làm môn đệ Đức Giêsu? Lễ Giáng Sinh năm nay đề nghị với anh chị em chúng ta điều gì? Có là điều gì đi nữa, thì cũng vẫn là để cho đời chúng ta có ý nghĩa trọn vẹn và có hướng đi chắc chắn. Bởi vì bôn ba trong nhiều chuyến hành trình, không đương nhiên là cuộc đời đã là có hướng đi. Lăn xả vào nhiều việc chưa hẳn cuộc đời đã đạt được ý nghĩa tròn đầy. Chiều hướng và ý nghĩa của đời ta, ta chỉ đạt được khi đã khép mình vào "quy luật Giêsu" là "đường, sự thật và sự sống" (Ga 14,6), để Người hướng dẫn và giúp đỡ trong hành trình ơn gọi, đúng theo "kế hoạch" đã được khắc ghi trong tâm can chúng ta.

Một lần nữa, xin cầu chúc cho toàn thể anh chị em một lễ Giáng Sinh chan hòa ánh sáng, bình an và vui tươi.

Thân mến,


ts FX Vũ Phan Long, OFM
Giám Tỉnh

Chia sẻ