Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Các Môn Đệ Vui Mừng Vì Được Thấy Chúa

Administrator
2019-04-20 00:00 UTC+7 259

Anh em thân mến,

Xin Chúa ban bình an cho Anh em!

Năm nay, tôi muốn gởi thông điệp này đến với tất cả anh em, khi chúng ta đang kỷ niệm 800 năm ngày Thánh Phanxicô Assisi gặp vua Hồi Giáo al-Malik al-Kamil của nước Ai Cập. Lễ kỷ niệm ấy cung cấp cho Giáo Hội và Hội Dòng một cơ hội đặc biệt để suy tư và học hỏi về đề tài đối thoại với Hồi Giáo với thái độ hoán cải và trân trọng, dĩ nhiên là cũng đối thoại với các tôn giáo khác.

Tôi muốn mời gọi anh em hãy sống mầu nhiệm Thương Khó, Tử Hình và Phục Sinh của Chúa, bằng cách suy ngẫm về biến cố ấy dựa trên những gì mà tôi đã viết trong thư đề ngày mùng 7 tháng Giêng,  gởi cho toàn Dòng về lễ kỷ niệm quan trọng đó. Ngày kỷ niệm ấy thúc đẩy chúng ta buông bỏ s hãi và mở rộng cánh cửa tâm trí của chúng ta, để cho Thiên Chúa hoạt động cách lạ lùng trong lòng những người nam người nữ thiện chí, đang đấu tranh một cách vô tư để c võ công bằng xã hội, thiện ích, hòa bình và tự do vì lợi ích của mọi người  (x. Nostra Aetate 3).

Vậy, hãy cho phép tôi nhắc đến đoạn Tin Mừng mà chúng ta sẽ nghe trong Chúa Nhật II Phục Sinh. Đó là một trong những lần Chúa Giêsu Phục Sinh không chỉ hiện ra với một vài môn đệ, nhưng hiện ra với tất cả các môn đệ tụ họp trong căn phòng trên lầu, “vào chiều ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần”, như thánh Gioan thuật lại (x. Ga 20:19-31). Đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra hai lần, cách nhau tám ngày. Tôi nghĩ rằng, hai thời điểm ấy sẽ giúp chúng ta xác định một bối cảnh, không những để hiểu rõ hơn sự tiến triển của đức tin nơi thánh Tôma, mà cũng hiểu rõ hơn sự tiến triển đức tin của toàn thể các môn đệ, là những người được diễm phúc nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh bằng chính đôi mắt của mình. 

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra lần thứ nhất

Cánh cửa đóng kín, vì sợ người Do Thái.

Đoạn Tin Mừng bắt đầu như sau: “Vào chiều ngày hôm ấy”. Không phải tình cờ mà câu này được đặt ở đây, nhưng là một phần trong lối văn kể chuyện của tác giả Tin Mừng, vì người muốn mô tả những khung cảnh tự nhiên trái ngược. Trong trường hợp này, chúng ta có thể hình dung ra một căn phòng không mấy sáng sủa và người ta khó nhận ra khuôn mặt của người khác, ngay cả khuôn mặt của người gần nhất. Câu đó có thể biểu thị cho tâm trạng bất an, chán nản và nỗi sợ hãi mà những người quy tụ trong căn phòng ấy phải đối diện. Họ sợ tương lai, sợ sự khác biệt, sợ nguy hiểm, sợ thay đổi, và có lẽ họ nghĩ rằng mình có thể đánh mất một điều gì đó, nên họ phải “đóng kín các cửa”. Tâm trạng của các môn đệ là điều có thể hiểu được, vì họ đã chứng kiến những gì Chúa Giêsu đã chịu trên Thánh Giá. Có lẽ họ cần thêm thời gian để tiêu hóa những điều ấy hay cần một điều gì đó thúc đẩy họ muốn được giải thoát, ra đi, tìm kiếm ánh sáng, muốn biến ngày thứ nhất trong tuần sắp kết thúc thành lời tạ ơn liên tục vì niềm hy vọng mới mà họ chưa thể thấy. “Đóng cửa” là dấu chỉ cho thấy chính hoàn cảnh của con người nhằm bảo vệ một ít sự an toàn mà họ đang có, và cũng biểu thị cho chính bản chất của con người.   

Chúa Giêsu đến và đứng giữa các môn đệ

Không bàn đến những cuộc tranh luận của khoa thần học hay khoa chú giải Kinh Thánh về việc Chúa Giêsu hiện ra, đi xuyên qua bức tường với một thân xác có những đặc điểm độc đáo, tôi lại nghĩ đến quyền năng của Chúa Giêsu khi người “đi vào” nơi ấy, dù cửa đang đóng kín. Trong trình thuật này cũng như trong nhiều trình thuật khác, chúng ta thấy cách thức tác giả Tin Mừng mô tả một tình huống đã thay đổi, thể hiện qua việc thay đổi hoàn cảnh, thường là do sáng kiến của Thiên Chúa. Sau khi thuật lại việc Chúa nói “Bình an cho anh em” và cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn, Tin Mừng nhấn mạnh rằng nỗi buồn phiền và sợ hãi bao phủ các ông đã biến thành niềm vui, khi họ nhìn thấy Chúa (c. 20). Đoạn Tin Mừng này là một bản văn đẹp đến mức trở thành một thứ bản đồ dẫn đường cho ai bắt đầu hành trình đức tin. Chúa Giêsu đã có thể chọn một thời điểm khác để hiện ra, thậm chí là Người có thể hiện ra trong những hoàn cảnh khác. Thế nhưng, Chúa đã chọn một thời điểm mà các tông đồ đang còn sợ hãi và Tôma, một trong các môn đệ không có mặt. Tôma sẽ là một trong những nhân vật chính yếu trong đoạn Tin Mừng và tôi muốn dừng lại một chút để suy ngẫm về Tôma, khi chúng ta phân tích việc Chúa Giêsu hiện ra lần thứ hai.

Chúa Giêsu hiện ra lần thứ hai

Tám ngày sau! Tại sao Chúa Giêsu lại chờ nhiều ngày sau rồi mới hiện ra? Tại sao Người không hiện ra vào một thời điểm sớm nhất để xua tan mọi nỗi nghi nan, ngõ hầu Tôma không nghi ngại khi nghe các môn đệ khác nói rằng: Chúng tôi đã thấy Chúa? Tên gọi “Tôma” có nghĩa là anh em sinh đôi. Tác giả Tin Mừng đã dùng từ Điđymô trong tiếng Hy Lạp để dịch từ  Ta’oma trong tiếng Aram. Đàng sau kiểu dịch thuật thường xuất hiện trong Tin Mừng thứ tư, tác giả còn nhắm đến mục đích thần học. Điđymô có nghĩa là sinh đôi. Sinh đôi là một cặp, người này giống với người kia; và trong trình thuật này, Tôma đóng một vai trò được thể hiện vào hai thời điểm khác nhau: Thoạt tiên, ông bị tác động bởi sự ngờ vực, nhưng sau đó thì mối ngờ vực ấy đã tiêu tan, khi ông gặp được Chúa. Ông Tôma là anh em sinh đôi của chúng ta, vì trong câu chuyện nói trên, ông trực tiếp đại diện cho chúng ta. Chính ông là người có thể nhân danh chúng ta mà gặp Chúa Phục Sinh diện đối diện sau giai đoạn hoài nghi, rồi tuyên xưng đức tin một cách mạnh mẽ như Tin Mừng Gioan đã ghi lại: Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa cuả tôi. Tôma đã nhìn thấy và chạm vào các vết thương của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng nói đến những dấu đinh; Đấng Phục Sinh có một thân xác mang những dấu vết của câu chuyện Người đã chịu đau khổ và đã chết. Do đó, Tôma là anh em sinh đôi của chúng ta, ông chạm đến những vết thương nơi thân xác Chúa Giêsu và nhìn nhận rằng Người không chỉ là một con người mạnh khỏe, nhưng đích thị là Thiên Chúa.

Lịch sử về nỗi đau khổ và chết chóc được lặp lại, mỗi khi con người không có khả năng nhìn nhận sự khác biệt và vẻ đẹp của sự đa dạng. Đó là một lịch sử mang dấu vết của não trạng thống trị, nhân danh Thiên Chúa để tự khẳng định và cho mình là kho tàng chứa đựng chân lý tuyệt đối về Thiên Chúa, thậm chí công kích và tiêu diệt người khác để bảo vệ quan điểm về đạo lý. Đó là một thảm cảnh trong thời Trung Cổ, khi chúng ta đối đầu với Hồi Giáo, và điều đáng buồn là hiện nay chúng ta vẫn còn thấy thảm trạng ấy nơi một số quốc gia, mà thành phần thiểu số chưa được quan tâm. 

Chúng ta hãy lắng nghe lời của Đức Thánh Cha Phanxicô

Nhiều người hẳn nghĩ rằng một kiểu suy tư như thế hay những cách tiếp cận đầy ý nghĩa mà Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thực hiện, thì không tương ứng với thực trạng khắc nghiệt vẫn còn tồn tại nơi một số quốc gia mà Kitô hữu và tín hữu Hồi Giáo đang sống chung với nhau. Có người nghĩ rằng, nói về đối thoại và thể hiện sự cởi mở trong cuộc gặp gỡ chung cuộc, là dấu hiệu của sự nhu nhược và thiếu khả năng tái khẳng định căn tính của chúng ta. Có những thành phần nhất định trong Giáo Hội đã cực lực chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi người biểu lộ sự cởi mở đối với các tôn giáo khác, vì họ cho rằng sự nhu nhược ấy làm lu mờ hình ảnh và tiếng tăm của Giáo Hội và Kitô hữu nói chung.    

Về những ý kiến như thế, tôi chỉ muốn khẳng định rằng cử chỉ đơn sơ nhằm thể hiện sự hiệp nhất và cởi mở, thì mạnh mẽ và hùng hồn, hiệu quả và có tính ngôn sứ hơn    ước muốn tự phô trương, thường dựa trên tính quy ngã.

Nói đến chuyến tông du vừa thực hiện tại Marốc, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đâu cần phải sợ hãi vì sự khác biệt giữa các tôn giáo, nhưng điều chúng ta phải sợ chính là tình trạng thiếu tình huynh đệ giữa các tôn giáo     (Tiếp kiến chung, ngày mùng 3 tháng 4, tại Quãng Trường Thánh Phêrô). Như anh em đều biết, Đức Thánh Cha muốn tham gia tích cực vào Lễ Bát Bách Chu Niên, kỷ niệm việc Thánh Phanxicô gặp gỡ Vua Hồi Giáo al-Malik al-Kamil, và chuyến tông du đến Marốc cũng như Tiểu Vương Quốc Ả Rập, là một ví dụ rõ ràng của điều đó. Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi chúng ta hãy đối thoại, xây dựng một xã hội cởi mở, đa dạng và thông cảm, và đối phó với cơn khủng khoảng nghiêm trọng về di dân; đó là những đề tài chủ yếu trong các sứ điệp của Người. Đức Thánh Cha  mạnh mẽ kêu gọi chúng ta bước đi với nhau, để giúp nhau khắc phục những mối căng thẳng và hiểu lầm, bằng cách cởi mở đón nhận tinh thần hợp tác với thái độ tôn trọng và sinh ích cho nhau (X. Diễn văn của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ với người dân, chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn ngày 30 tháng 3 năm 2019).

Vì vậy, tôi muốn mời gọi các anh em thân thương hãy cử hành Lễ Chúa Phục Sinh năm nay dưới ánh sáng của sự kiện đáng chú ý mà chúng ta đã nói trên đây. Đúng là sự chọn lựa mà Đức Giáo Hoàng đề xuất có thể chứa đựng một sự liều lĩnh nhất định, đồng thời cũng có thể gây ra sợ hãi và bất an, một điều mà các tông đồ đã cảm nghiệm khi tụ tập trong căn phòng đóng kín nằm trên lầu. Tuy nhiên, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Giáo Hoàng đã khích lệ chúng ta: “Tôi muốn thấy một Giáo Hội bị bầm dập, tổn thương và lem luốc vì đã có mặt trên các nẻo đường, hơn là một Giáo Hội ốm yếu vì bị giam hãm và giữ chặt sự an toàn của mình” (EG 49). Tôi mạo muội mời gọi tất cả anh em trong Hội Dòng, chị em Clara yêu quý và chị em Clara Đức Mẹ Vô Nhiễm, cũng như mọi người nam nữ có thiện chí và gắn bó với linh đạo của vị thánh thành Assisi. Chúng ta hãy ra đi, chúng ta hãy đi gặp những gì khác biệt với chúng ta, chúng ta hãy mở cửa để tiếp nhận luồng không khí mới, tức là hơi thở của Thần Khí (x. Ga 20:22), Đấng muốn làm cho mắt chúng ta nhìn thấy một thực tại mới và cũng hấp dẫn. Anh chị em đừng nghĩ rằng, đó là dấu hiệu của sự nhu nhược hay bác bỏ những niềm xác tín của mình; trái lại, anh chị em hãy tin rằng thế giới đa dạng của chúng ta rất cần những dấu chỉ hùng hồn và có tính ngôn sứ, khả dĩ mời gọi con người sống chung với nhau một cách lành mạnh và văn minh.   

Người Nghèo thành Assisi là một dấu chỉ cho thời đại của mình và sau tám thế kỷ, người vẫn còn là dấu chỉ trong thời đại chúng ta. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể bằng lòng với việc kỷ niệm một biến cố như thế, nếu chúng ta không mở lòng đón nhận kinh nghiệm của người khác. Khi cử hành lễ Vượt Qua năm nay, chúng ta sẽ đi theo lộ trình được đề nghị trong Tin Mừng Gioan. Không phớt lờ tâm trạng bối rối và muốn đóng kín cửa vì sợ hãi, Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy rằng biến cố Chúa Kitô Phục Sinh có thể biến nỗi buồn phiền của chúng ta thành niềm vui (x. Ga 16:16) và biến nỗi sợ hãi thành lòng can đảm, ngõ hầu chúng ta dùng lời nói và cuộc sống mà tuyên xưng Chúa Giêsu đã sống lại, Người là Chúa và là Thiên Chúa của chúng ta  (x. Ga 20:28).

 

Kính chúc tất cả anh chị em một Đại Lễ Chúa Phục Sinh thánh thiện và hạnh phúc!

Roma, ngày 14 tháng 4 năm 2019

Lễ Lá

 

Ts. Michael Anthony Perry, OFM

Tổng Phục Vụ và Tôi Tớ

Antôn Nguyễn Ngọc Kính, OFM, dịch

Chia sẻ