Thư Các Tổng Phục Vụ Gửi Gia Đình Phan Sinh - Để tưởng nhớ Đức Thánh Cha Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em bình an và hạnh phúc!
Với lòng biết ơn chân thành và nỗi đau buồn sâu sắc, chúng tôi, các Tổng Phục vụ của Gia đình Phan Sinh, muốn chia sẻ với anh chị em lời từ biệt của chúng ta với Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã về nhà Cha trên trời.
Vào thời điểm này, khi Đức Thánh Cha Phanxicô yêu dấu của chúng ta đã rời xa chúng ta, chúng tôi cảm thấy được thúc giục phải suy gẫm về ý nghĩa sâu sắc về sự hiện diện của ngài giữa chúng ta, những con cái của Thánh Phanxicô thành Assisi. Chắc chắn không phải chỉ là điều ngẫu nhiên khi Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio chọn tên của Vị Thánh Nghèo (Poverello) thành Assisi cho triều đại Giáo hoàng của mình; ngay từ đầu, sự lựa chọn của ngài đã hé mở lối sống và sứ mạng mà ngài sẽ trung thành bước theo cho đến cuối đời.
Một vị Giáo hoàng hiện thực hóa đặc sủng Phan Sinh
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã sống tinh thần của Đấng Sốt Mến một cách sâu xa và ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể không nhớ lại những lời ngài đã nói trong chuyến viếng thăm Assisi vào ngày 04 tháng 10 năm 2013: “Từ nơi bình yên này, nơi Thánh Phanxicô đã sinh sống, tôi lặp lại với sức mạnh và sự dịu dàng của tình yêu mến: chúng ta hãy tôn trọng thụ tạo, chúng ta đừng trở thành công cụ hủy diệt! Chúng ta hãy tôn trọng mọi con người: hãy chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang đang làm trái đất đẫm máu, hãy im lặng tiếng súng, và ở bất cứ nơi đâu, hận thù hãy nhường chỗ cho tình yêu, xúc phạm nhường chỗ cho sự tha thứ và bất hòa nhường chỗ cho sự hiệp nhất.”
Đức Kitô là trung tâm, tình yêu dành cho Giáo hội, sự ưu tiên của lời cầu nguyện, con đường giản dị của Tin Mừng, sự gần gũi với người nghèo và những người thấp kém nhất, việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, cam kết hòa giải, hòa bình và đối thoại: đây là những trụ cột của đặc sủng Phan Sinh đã hướng dẫn sứ vụ Phêrô của ngài.
Tình huynh đệ phổ quát
Chúng tôi nhớ lại với niềm xúc động đặc biệt khi, trong sứ điệp gửi đến Gia đình Phan Sinh vào ngày 08 tháng 05 năm 2021, nhân dịp kỷ niệm một trăm năm tạp chí 'Thánh Phanxicô – Bổn mạng nước Ý', ngài đã khuyến khích chúng tôi, “Tiếp tục tiến về phía trước nhờ cảm hứng từ hình ảnh của Vị Thánh Nghèo thành Assisi, người biết cách sống căn tính của mình nhờ kết hợp nó với lòng thương xót đối với tất cả những người khác, đặc biệt là những người nghèo nhất và những người bị bỏ rơi. Hãy nỗ lực cụ thể hóa các giá trị Phan Sinh trong đời sống hằng ngày, và tiếp tục trở nên nhạy bén trước những ‘dấu chỉ của thời đại’.”
Thông điệp Fratelli Tutti của ngài, lấy cảm hứng nền tảng từ Đấng Sốt Mến của chúng ta, sẽ vẫn là một trong những lời kêu gọi mạnh mẽ nhất về tình huynh đệ phổ quát trong thời đại hôm nay, một lời mời gọi giúp nhận ra chính chúng ta, tất cả đều là anh chị em trong một thế giới bị xâu xé bởi chia rẽ và xung đột.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã củng cố lời kêu gọi này bằng giọng nói đầy sức mạnh nhằm nhắc nhở thế giới về trách nhiệm của mình trước sự hiện hữu và cuộc sống của anh chị em chung quanh, đặc biệt là những người di cư và tị nạn, nạn nhân của bạo lực và chiến tranh, người vô gia cư, tù nhân, một trong những nhóm “người vô hình” trong các thành phố của chúng ta.
Bằng cử chỉ và lời nói của mình, ngài đã thể hiện mình là một người anh em thực sự, kêu gọi mọi người không được làm ngơ trước trẻ em, người già và những người sống bên lề của một xã hội thường chạy theo lợi nhuận. Ngài cũng mạnh mẽ kêu gọi chú ý đến giá trị của phụ nữ, giúp xây dựng một tình bạn rộng lớn và vững chắc, một sự phong phú được thể hiện nơi từng con người.
Lời kêu gọi cùng nhau bước đi trong tư cách là một cộng đoàn Kitô hữu đã mang lại cho Giáo hội một diện mạo của tình huynh đệ, và cuộc gặp gỡ với các nền văn hóa cũng như với các tôn giáo khác đã đem lại một luồng sinh khí của hy vọng.
Chăm sóc Thụ tạo
Làm sao chúng ta có thể quên được nỗ lực mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành cho việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta với Thông điệp Laudato Si', vốn có nguồn gốc sâu xa trong linh đạo Phan Sinh? Thật tốt để ghi nhớ điều này khi chúng ta kỷ niệm 800 năm Bài ca Thụ tạo.
Vào ngày 04 tháng 11 năm 2020, khi nói chuyện với một trong những gia đình của chúng ta, ngài đã nói, “Thánh Phanxicô mời gọi chúng ta chiêm ngắm Thụ tạo với ánh mắt đầy kinh ngạc và lòng tri ân, chứ không phải với thái độ tham lam của những kẻ chỉ biết khai thác tất cả mà không hề biết kính trọng điều gì. Ước chi Vị Thánh Nghèo dạy anh em biết cách đồng cảm với mọi người, đặt sự sáng tạo của anh em vào việc phục vụ những người thấp kém nhất, cũng như chú tâm lành mạnh vào việc tìm kiếm chân lý và công lý cùng với bình an nội tâm”. Chúng ta đang sống trong một thực tại, nơi mà tất cả mọi sự đều được liên kết với nhau, nơi Thiên Chúa là trung tâm của các thụ tạo, nơi sự hiện hữu vượt xa những gì chúng ta có thể thấy, thực tại ấy vẫn đang chờ đợi được khám phá một cách đầy đủ và chuyển hóa thành những lựa chọn cụ thể trong đời sống của từng cá nhân và cộng đồng.
Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo
Ngay từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mơ về “một Giáo hội nghèo cho người nghèo”, noi theo bước chân của Thánh Phanxicô, người đã theo đuổi Bà Chúa Nghèo. Trong cuộc gặp gỡ cuối cùng của ngài với các anh em Phan Sinh, vào ngày 17 tháng 06 năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 800 năm Bản Luật của Thánh Phanxicô, ngài đã nói với chúng ta rằng: “Đức nghèo không phải là một lý thuyết xã hội học hay một mốt thời trang, nhưng là bước theo Đức Giêsu trên con đường khiêm hạ và từ bỏ mọi sự. Đó là một tình yêu cụ thể được thể hiện qua phục vụ và trao ban. Tôi tha thiết mời gọi anh chị em, hãy luôn là những chứng nhân vui tươi của sự nghèo khó theo Tin Mừng mà Thánh Phanxicô đã sống, từ bỏ mọi sự để theo Chúa”. Chúng tôi cảm nhận rằng sứ điệp này đã được tôi luyện qua các năm tháng trong thừa tác vụ Phêrô của ngài, và luôn hướng chúng ta trở về với điều cốt yếu. Chúng tôi nhìn nhận đây là một hoa trái chín muồi của Công đồng Vaticanô II – không chỉ truyền cảm hứng cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng còn nâng đỡ tiếng nói của ngài, bởi ngài đã kín múc từ đó một cách trọn vẹn nhất.
Mời gọi Tiến bước trên con đường Phan Sinh
Trong khi chúng ta thương tiếc vì sự ra đi của ngài, chúng ta hãy chào đón di sản tinh thần mà ngài để lại cho chúng ta như một kho báu quý giá cần được trân trọng và sinh hoa trái. Cách tốt nhất để tôn vinh ký ức về Đức Giáo hoàng Phanxicô là tiếp tục sống theo đặc sủng của Đức Thánh Cha Phanxicô với cam kết đổi mới, rao giảng Tin Mừng bằng đời sống trước khi bằng lời nói, phấn đấu trở thành công cụ của hòa bình trong một thế giới chia rẽ và sống tình huynh đệ phổ quát với tất cả các loài thụ tạo.
Vì thế, ngài đã dạy và mời gọi chúng ta rằng: “Và trong tất cả những điều này, anh chị em thân mến, anh chị em được mời gọi sống trong tình huynh đệ, cảm nhận mình là thành phần của đại gia đình Phan Sinh. Theo nghĩa đó, tôi nhắc lại ước nguyện của Thánh Phanxicô là toàn thể gia đình luôn hiệp nhất, trong khi tôn trọng sự đa dạng và tính tự chủ của từng thành phần cũng như của mỗi thành viên. Nhưng luôn duy trì một sự hiệp thông sống động với nhau, để cùng nhau mơ ước về một thế giới trong đó tất cả mọi người là - và cảm nhận mình là - anh chị em với nhau, và cùng nhau nỗ lực xây dựng thế giới ấy (x. Thông điệp Tất cả là anh em, số 8); là những người nam và những người nữ đấu tranh cho công lý, dấn thân cho một nền sinh thái toàn diện, cộng tác trong các dự án truyền giáo, trở thành những nghệ nhân của hòa bình và chứng nhân của các Mối Phúc.”
Chúng tôi kêu mời toàn thể Gia đình Phan Sinh dâng lời cầu nguyện cho linh hồn thánh thiện của Đức Giáo hoàng Phanxicô, xin Chúa đón nhận ngài vào Vương quốc ánh sáng và bình an của Người, nơi cuối cùng ngài sẽ có thể chiêm ngưỡng khuôn mặt của Đấng mà ngài đã phục vụ với tất cả lòng yêu mến nơi trần gian.
“Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi, vì chị Chết đang đợi chờ thân xác, phàm nhân không ai thoát khỏi.”
Với tình huynh đệ, trong sự hiệp thông liên kết tất cả chúng ta trong Đức Kitô,
Roma, ngày 22 tháng 04 năm 2025
Các Tổng Phục vụ và Chủ tịch đã ký
OFMVN/Nguồn ofm.org (26/04/2025)
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.