Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Có Thần Khí Chúa Trong Thời Kỳ Khủng Hoảng

Administrator
2023-05-28 00:00 UTC+7 250

Thư Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Của Anh Tổng Phục Vụ Gửi Anh Em Toàn Dòng

CÓ THẦN KHÍ CHÚA TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG

Các anh em được chúc lành của tôi,

Xin Chúa ban bình an cho anh em!

Dịp kỷ niệm bát bách chu niên Luật Dòng và Lễ Giáng Sinh tại Greccio nhắc chúng ta nhớ đến các Tu nghị dịp lễ Ngũ Tuần, nơi tất cả anh em tụ họp quanh anh Phanxicô. Chính tại đây, Luật Dòng dần dần có hình thức như hiện tại. Phanxicô thường nói về Chúa Thánh Thần như là Tổng Phục vụ đích thực của Dòng. Mặc dù Luật Dòng đã được phê chuẩn vào năm 1223, nhưng ngài luôn nghĩ đến việc đưa vào đó một câu để tuyên bố rõ ràng ý định ấy (x. 2Cel 193). Chúng ta hãy lắng nghe điều Thần Khí đang nói với gia đình chúng ta hôm nay.

“Có Thần Khí Chúa” là trọng tâm của Luật Dòng

Đối với anh Phanxicô, Luật Dòng tóm tắt thể thức sống theo Tin Mừng. Cốt lõi là “có Thần Khí Chúa” (Lsc 10,8), một chủ đề trung tâm trong kinh nghiệm của Phanxicô, động cơ để mọi sự trở nên sống động.

“Luật và đời sống Anh Em Hèn Mọn là tuân giữ thánh Phúc âm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, bằng cách sống vâng phục, không có của riêng và khiết tịnh” (Lsc 1,1): Cảm hứng Phúc âm này của Luật Dòng được thúc đẩy bởi tác động của Thần Khí, hiển nhiên xuyên suốt bản văn, bằng cả ngôn ngữ khuyến khích và luật pháp. Từ lời kêu gọi sống trong trong thế giới như những người hiền lành, những người kiến tạo hòa bình (x. Lsc 3,11), đến việc cấm nhận tiền bạc để trải nghiệm sự bất an thực sự của Tin Mừng (x. Lsc 4,1) như những kẻ lữ hành và khách lạ ở đời này (x. Lsc 6,2), đến lòng thương xót lẫn nhau khi anh em phạm tội (x. Lsc 7), cho đến việc được sai đi truyền giáo khi được “Chúa linh hứng” (x. Lsc 12,1-2).

Chúng ta biết rằng Phanxicô đã trải qua một hành trình dài để đưa đến cho anh em mình một bản văn trình bày về đời sống Tin Mừng và mang lại sự ổn định cho Huynh đệ đoàn. Có biết bao cố gắng trong lịch sử đầy khó khăn của chúng ta nhằm giảm thiểu Luật Dòng thành một loạt giới luật hoặc một cảm hứng mơ hồ! Luật đó còn lại cả trong chữ viết và đời sống, là những lời được viết với sự đơn sơ và trong sáng, để anh em hiểu và tuân giữ bằng hành động thánh thiện (x. DC 39).

Nghịch lý thay, tôi tin rằng ngày nay chúng ta có cơ hội làm sinh động hơn nữa ý nghĩa của thể thức sống mà Luật Dòng đã đề nghị bằng cách đi vào chính cuộc khủng hoảng đang diễn ra và điều đó dường như phá vỡ mọi quy chiếu. Cuộc khủng hoảng mang tính xã hội, giáo hội, cá nhân và cả đến Hội Dòng. Đó là một sự thay đổi đến mức nó không để lại gì như nó đã được tìm thấy, và buộc chúng ta phải khẳng định lại trong cuộc sống của mình điều gì mang lại cho chúng ta nền tảng và điều gì chúng ta không bao giờ có thể coi là đương nhiên hoặc có được một lần và mãi mãi. Trong một xã hội khó thâm nhập, “cuộc khủng hoảng, theo một cách nào đó, đóng vai trò như một mũi dùi công phá để phá vỡ những cánh cửa của các pháo đài đang giam hãm chúng ta”. (Ch. Singer, Du bon usage des crises, Paris 1996, 41-42.)

Ngôn sứ Êlia vượt qua cơn khủng hoảng

Tôi muốn nhắc đến câu chuyện của Êlia, câu chuyện về một cuộc khủng hoảng sâu sắc: Vị ngôn sứ của lửa, sợ hãi trước sức mạnh của con người, đã chạy trốn vào sa mạc để bảo toàn mạng sống. Bấy giờ ông ấy cảm thấy cô đơn và ông đã cầu xin Chúa cho mình được chết.

Chúng ta cũng thế, bản năng chạy trốn sẽ trổi dậy khi ta phải đối mặt với những hoàn cảnh phức tạp, những cuộc khủng hoảng cá nhân, huynh đệ hay sứ mệnh.

Êlia, ngay trong cơn nguy khốn, được nắm tay dẫn lên núi, nơi gặp gỡ Thiên Chúa.

Chúa biến cuộc khủng hoảng của ông từ trốn chạy thành lộ trình đức tin mới, như một tiếng gọi thứ hai: “Người nói với ông: ‘Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.’ Kìa Đức Chúa đang đi qua. Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlia lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: ‘Êlia, ngươi làm gì ở đây?’ Ông thưa: ‘Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Ítraen đã bỏ giao ước với Ngài, […]. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con.’ Đức Chúa phán với ông: ‘Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước, qua sa mạc cho tới Đamát mà về.’” (1V 19,11-15)

Căn nguyên cuộc khủng hoảng của Êlia là hình ảnh mà ông có về Thiên Chúa, một sự phóng chiếu quyền năng được thể hiện bằng trận động đất, bão tố và lửa, mà trên núi Sinai đã là những dấu hiệu về sự hiện diện của Thiên Chúa đối với Môsê. Êlia dường như tự nhốt mình trong hang một cách tượng trưng, như thể đang rơi xuống vực thẳm hoang mang của mình. Thật vậy, ông đã không lường trước được những gì sẽ xảy ra trên núi. Tại đây, vị ngôn sứ mất tinh thần bị đẩy ra khỏi hang động đó, khỏi thế giới đó, ngay cả thế giới tôn giáo quen thuộc của ông, để trải nghiệm một cuộc gặp gỡ khác thường. Cuối cùng ông đã có thể biết được khuôn mặt của Thiên Chúa trong im lặng chứ không phải trong sức mạnh. Bằng cách này, ông cũng khám phá ra một khuôn mặt mới của bản thân và sứ mệnh của mình.

Khủng hoảng và ý nghĩa ơn gọi của chúng ta

Nơi Êlia, chúng ta nhìn thấy cùng một lúc vị ngôn sứ táo bạo và đáng sợ, tin tưởng và nghi ngờ, đơn độc và đầy lòng trắc ẩn. Ông đặt câu hỏi về chính mình và về Thiên Chúa. Ông chạy trốn và sau đó quay lại trên chính các bước chân của mình. Có lẽ chúng ta ngạc nhiên. Vậy mà, nhiều người trong chúng ta cũng trải qua thời kỳ khủng hoảng theo những cách khác nhau khi tự đặt câu hỏi về ý nghĩa của thể thức sống chúng ta ngày nay. Chúng ta đừng sợ hãi. Chúng ta có thể vượt qua cuộc khủng hoảng này theo những cách khác nhau trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, qua đó mỗi chúng ta xây dựng lại ý nghĩa của cuộc hiện hữu và của Luật Dòng mà tất cả chúng ta đã tuyên khấn. Trên hành trình này, khủng hoảng là không gian sống còn, thiết yếu cho tăng trưởng. Đó không phải là một tai nạn đáng tiếc, mà là một khoảnh khắc chuyển tiếp cần thiết trong tiến trình trở thành một nhân vị. Nó là một phần của hành trình tiến bộ nhân bản hóa, là hoa trái duy nhất thực sự có thể kiểm chứng được do hoạt động của Thần Khí trong chúng ta.

Cuộc khủng hoảng có nhiều khuôn mặt: Nơi những người trẻ, cảm giác thất vọng về khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế. Ở tuổi trưởng thành, khó khăn để trở thành một người tự do và gắn kết hơn. Nơi các anh cao niên, thời điểm thuận tiện để hòa nhập những điều tốt đẹp đã nhận được với những cay đắng và thất bại không thể tránh khỏi từng trải qua.

Những anh em khác, khi gặp khủng hoảng ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, đơn giản là ra đi. Có nhiều lý do khác nhau. Dường như bây giờ chúng ta đã quen với việc một số anh em có thể ra đi, dù chỉ vài tháng sau khi tuyên khấn trọng thể. Một số ra đi và số khác ở lại. Tôi đang ở đâu?

Tiếng gọi thứ hai với anh Phanxicô

Khi chúng ta ghi nhớ Luật Dòng, giao ước nối kết và cốt lõi của Phúc âm, chúng ta có thể nắm lấy nó như một chiếc la bàn định hướng chúng ta trong thời kỳ khủng hoảng và cũng là thời gian phước lành! Chúng ta không thể không thừa nhận nó cùng với những mâu thuẫn của nó, là những mâu thuẫn cũng đang hiện hữu giữa chúng ta. Chúng ta không thể trú ẩn trong những khu vực được bảo vệ ngăn cách chúng ta khỏi cuộc khủng hoảng mà con người ngày nay đang trải qua. Không có công thức nào bảo vệ chúng ta khỏi những khó khăn hay cung cấp cho chúng ta mọi giải pháp.

“Có Thần Khí Chúa” là kim chỉ nam mà Luật Dòng đưa ra cho chúng ta trong cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi người ngày nay: Chẳng phải việc lắng nghe sự linh hứng của Ngài có nghĩa là chúng ta phải dừng lại, kiểm điểm bản thân một cách sâu sắc và đáp lại lời mời gọi gặp gỡ mới với Thiên Chúa hằng sống, điều mà chúng ta đã kể lại trong câu chuyện về Êlia sao?

Cuối cùng, đầu hàng Ngài là không gian cho tiếng gọi thứ hai. Ở đây, một lần nữa Chúa kêu gọi chúng ta “ở lại với Ngài và ra đi rao giảng” (x. Mc 3,14), ngay cả khi trải qua một hành trình bị tước đoạt mà chúng ta đã không tính đến. Một hành trình phá vỡ các khuôn mẫu của chúng ta và đưa chúng ta trở lại lộ trình, không lấy đi điều gì từ cuộc sống của chúng ta mà thay vào đó mang lại cho chúng ta một chiều kích nhân bản hơn. Để lại đằng sau những gì chúng ta đã chiếm đoạt, một cái gì đó hoặc một ai đó, là một sự cắt tỉa đau đớn: Điều đó có thể xảy ra nếu có một cuộc gặp gỡ yêu thương cá vị, cho phép sự sống tuôn trào trở lại trong chúng ta và xung quanh chúng ta.

Nhưng nếu chấp nhận một cuộc sống nhợt nhạt sẽ làm tổn thương chúng ta, cướp đi niềm vui của chúng ta và làm tê liệt sự phát triển của một trải nghiệm tâm linh lành mạnh. Thật vậy, điều này không làm suy giảm nhưng làm cho những gì thực sự là con người triển nở trong chúng ta theo bước chân Chúa Kitô, Đấng khó nghèo và chịu đóng đinh. Bất cứ ai theo Ngài, một con người hoàn hảo, đều trở nên người hơn (x. Gaudium et spes, 41), có khả năng tương quan và hy sinh mạng sống vì tình yêu.

Do đó, la bàn mà Luật Dòng trao cho chúng ta là một đức tin sống động, không chỉ chạm đến tính chính thống (khái niệm và giáo lý), cũng không chỉ chạm đến thói quen chính thống (hành vi, đạo đức), mà còn chạm đến thực hành chính thống, chạm đến trái tim để gặp gỡ Chúa của sự sống, Đấng biến đổi nhân tính chúng ta (x. Lc 24,32).

Thánh Phanxicô đã trải qua ơn gọi thứ hai này trong những năm tháng ở Fontecolombo để soạn thảo lần cuối Luật Dòng. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng đau đớn với Huynh đệ đoàn đang thay đổi của ngài, anh Phanxicô vẫn tiếp tục tìm kiếm Chúa của mình trong các hang động, cả hang động Greccio. Tại đây, Vị Thánh Nghèo đã muốn “diễn lại kỷ niệm về Hài Nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của mình nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh Hài Nhi nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa” (1Cel 84). Sau những vất vả soạn thảo Luật Dòng, dường như Phanxicô muốn dừng lại để chiêm niệm. Ngài ao ước để mình được Chúa chạm vào trong sự nhạy cảm rất nhân loại của bản thân, đến mức để chính mình bị thương tích không thể xóa nhòa tại La Verna. Ở đây Phanxicô chia sẻ nỗi đớn đau của Chúa Giêsu, một chặng đường cần thiết để “yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), cho phép ngài được biến đổi thành Đấng Yêu Dấu, đỉnh cao trong cuộc hành trình của ngài.

Đọc lại Luật Dòng giúp chúng ta định hướng bản thân trong thời kỳ khủng hoảng đầy phước hạnh này, chỉ giữ lại những gì thiết yếu cho cuộc sống và buông bỏ những thứ thừa thãi.

Kết luận

Hãy để Lễ Ngũ Tuần vang lên trong năm nay, năm kỷ niệm bát bách chu niên Luật Dòng và Lễ Giáng Sinh tại Greccio, một bản anh hùng ca sống động trong toàn Dòng để chúng ta thức dậy khỏi sự uể oải, khám phá lại sự ấm áp và vẻ đẹp trong tương quan của mình với Thiên Chúa, với anh em, với những người bé mọn và người nghèo, và với các thụ tạo. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi trong việc lặp lại tiếng xin vâng tuyệt vời của đức tin và ơn gọi bằng cách bước theo Chúa Giêsu. Huynh đệ đoàn chúng ta đang hiện diện ở nhiều châu lục, nhiều nền văn hóa và vùng nhạy cảm khác nhau. Năm nay mỗi người hãy cố gắng tự hỏi: Việc canh tân giao ước đời sống phúc âm có ý nghĩa gì đối với chúng ta, tại nơi chúng ta đang sống? Vì điều này chúng ta cùng nhau cầu nguyện:

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự xuống trên gia đình nhỏ bé của các anh em hèn mọn này, xin một lần nữa thắp lên trong chúng con ngọn lửa tình yêu Chúa, sức mạnh đức tin, đức cậy và đức mến, cùng mọi nhân đức thánh thiện.

Xin hãy làm bùng lên trong chúng con lòng nhiệt thành đối với giao ước và tình bạn với Chúa và với tất cả các thụ tạo của Ngài. Chúa là bồ câu hòa bình, xin ban cho chúng con niềm vui sống Tin Mừng hôm nay như những người nghèo, phục tùng mọi thụ tạo, được giải thoát khỏi quyền lực và được tự do yêu thương.

Lạy Đức Maria, Trinh Nữ trở thành Giáo hội, xin đồng hành với chúng con trên hành trình này, Mẹ là Đấng đã làm cho Chúa Uy Quyền trở thành một người anh em của chúng con (x. 2Cel 198).

Lạy thánh Phanxicô xin nhớ đến chúng con, các anh em của ngài, những kẻ đang đau khổ vì đánh mất ký ức về vẻ đẹp của ơn gọi, và xin giúp chúng con canh tân đời sống dâng hiến vì lợi ích của thế giới mà ngài rất yêu mến. Amen.

Anh em rất thân mến, tôi cầu chúc tất cả anh em một Lễ Ngũ Tuần tươi sáng với sức sống dịu dàng của Chúa Thánh Thần -vị Tổng Phục vụ đich thực của Dòng, và với vòng tay ôm hôn huynh đệ của tôi với tư cách là Tổng Phục vụ và tôi tớ.

 

Rôma, Trung Ương Dòng, ngày 13 tháng 5 năm 2023

Tu Massimo Fusarelli, ofm
Tổng Phục vụ

 

Prot. 112183/MG-15

(Nguồn: https://ofm.org/uploads/Pentecoste_Lettera_2023_IT.pdf)

Chia sẻ