Tất cả đều được tràn đầy Thánh Thần
Thư của Anh Tổng Phục vụ gởi cho toàn Dòng nhân dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Anh em thân mến
Nguyện xin Thiên Chúa ban bình an cho anh em!
Truyền thống luôn quy định rằng Tổng Tu nghị của Dòng trùng với Lễ Ngũ Tuần, phù hợp với mong ước được chính Thánh Phanxicô bày tỏ trong các bản văn như Luật không sắc chỉ (x. Lksc 18,2), và được nhắc lại trong bản Luật có sắc chỉ: “ Khi Anh Tổng Phục vụ qua đời, các anh Tỉnh Phục vụ và là những người gìn giữ anh em phải bầu người kế nhiệm tại Tu nghị dịp lễ Ngũ tuần. Các Tỉnh Phục vụ phải luôn luôn tham dự Tu nghị ấy ở nơi nào tùy Tổng Phục vụ ấn định.”(Lsc 8,2) Năm nay, vì những lý do mà tất cả chúng ta đều biết quá rõ, chúng ta đã buộc phải hoãn sự kiện quan trọng này đến tháng Bảy, hy vọng rằng các quy định và những đòi buộc của chính phủ sẽ cho phép nó diễn ra.
Anh em thân mến, tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội nói chuyện với tất cả anh em trong Ngày Lễ Hiện Xuống này, để chia sẻ với anh em những gì mà việc cử hành phụng vụ này khơi gợi trong lòng tôi. Đồng thời, tôi muốn dâng trả về cho Chúa, và cho tất cả các anh em, muôn vàn ân phúc mà tôi đã trải qua trong những năm phục vụ với tư cách là Tổng Phục vụ của Dòng Anh Em Hèn Mọn (x. Lksc 17, 17-18 ). Tôi muốn sự đền đáp này được thể hiện qua lòng biết ơn sâu sắc và chân thành của tôi đối với toàn thể Hội Dòng, đối với các Chị em nghèo Dòng thánh Clara, và Dòng Đức Mẹ Vô nhiễm, cũng như đối với Gia đình Phan Sinh rộng lớn hơn, về những cách thức qua đó Anh chị em đã giúp tôi thấy làm thế nào mà món quà của tình huynh đệ trở nên một phương thế mạnh mẽ và hiệu năng để lắng nghe tiếng nói của Chúa và thực hiện với lòng trung thành, sự kiên trì và tình yêu thương những gì được yêu cầu nơi chúng ta.
Mối quan hệ sâu sắc mà người Nghèo bé nhỏ thành Assisi đã vun đắp với con người của Chúa Thánh Thần là nguồn cảm hứng sâu sắc. Điều này có thể được nhìn thấy từ tần suất mà Ngôi thứ ba của Chúa Ba Ngôi được đề cập đến, cả trong các tác phẩm của Thánh nhân lẫn trong các nguồn sách Hạnh các thánh. (Xem Lksc 17,14; Lsc 10, 8-10; 2LtF 10,48; ĐTr 9,3, v.v.). Phanxicô cảm nhận được sự tuôn đổ và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần chặt chẽ đến nỗi ngài quy sự hướng dẫn và lãnh đạo của Dòng cho Chúa Thánh Thần, gọi Chúa Thánh Thần là Tổng Phục vụ của Dòng. Như Tôma Cêlanô nói với chúng ta: “Với Chúa, -[Phanxicô] sẽ nói-,“ không có sự thiên vị, và Chúa Thánh Thần, vị Tổng Phục vụ của Hội dòng, ngự trị cách bình đẳng trên những người nghèo và đơn sơ.” Phanxicô thực sự muốn đặt những từ này vào trong Luật Dòng, nhưng không thể được, vì bản luật đã được Đức Giáo hoàng đóng ấn.(2 Cel 145).
Tôi đặc biệt ấn tượng với nhận xét này của người viết tiểu sử bởi vì, theo một nghĩa nào đó, nó cho thấy một liên kết rất hàm xúc với cảnh tượng được mô tả trong sách Công vụ các Tông đồ, một trong những bản văn được dành cho Lễ trọng Ngũ tuần: “Sau đó, họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần.”(Cv 2:2-3).
Từ “tất cả”, xuất hiện sáu lần, là chìa khóa để chúng ta đánh giá cao ý định của tác giả nhằm nói lên một trải nghiệm bao trùm: đầy cả căn nhà (c.2) ; ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần (c.4); tất cả các quốc gia (c.5); tất cả những người không phải là người Galilê (c.7); chúng tôi nghe tất cả họ nói (c.11); ai nấy đều kinh ngạc (c.12). Hơn nữa, từ “mỗi người” được lặp lại ba lần, xác nhận ý tưởng mạnh mẽ về sự hòa nhập và ước muốn tham gia rộng rãi nhất có thể vào kinh nghiệm của Thánh Thần. Về phần mình, Phanxicô coi việc tuôn đổ Thánh Thần là một phước lành cho tất cả mọi người bởi vì… “với Thiên Chúa, không có bất cứ sự thiên vị nào”. (2 Cel 145)
Tôi muốn suy nghĩ thêm ý tưởng này, vì trong thời gian phục vụ với tư cách là Tổng Phục vụ, tôi đã có thể thấy rằng chúng ta cần phải tiếp tục làm việc không mệt mỏi để chống lại điều mà Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp “Laudato Si” gọi là văn hóa vứt bỏ. Điều này được kết nối trực tiếp với một chủ đề khác được diễn tả bằng cụm từ 'toàn cầu hóa của sự thờ ơ' (x. Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô dịp Lễ kỷ niệm lần thứ 49 Ngày Thế giới Hòa bình, ngày 1 tháng 1 năm 2016). Những hiện tượng này phát sinh và thúc đẩy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài ngoại và sự xuất hiện của các nhân vật dân túy tuyên bố rằng đây là thời kỳ thiên sai khi xã hội, như nó “phải là”, có thể được thiết lập. Cách nghĩ như vậy làm tôi vô cùng lo lắng, vì nó từ từ xâm nhập và bắt đầu xâm chiếm, như cỏ lùng giữa đám lúa mì (x. Mt 13, 24-52). Nó phá vỡ đáng kể không chỉ môi trường chính trị của các quốc gia của chúng ta mà còn đe dọa sự toàn vẹn của xã hội và gia đình của chúng ta. Nó thậm chí còn đến gõ cửa một số huynh đệ đoàn địa phương của chúng ta.
Đoạn văn tường thuật hành động phi thường của Chúa Thánh Thần trong sách Công vụ tông đồ làm sáng tỏ thực tại này bởi vì biến cố này diễn ra trong những hoàn cảnh hết sức đa dạng - đầy khác biệt, những bất đồng, nhiều sắc thái và những cách thức tồn tại không chấp nhận tính đồng nhất. Đây là một tình huống được đặc trưng bởi tính đa nguyên, đa dạng và chuyển động (tiếng ồn như gió thổi mạnh, câu 2). Không có gì là tĩnh lặng, mọi thứ đang chuyển động, một cái gì đó đang xảy ra, một ai đó đang đến. Tất cả những người được đầy dẫy Chúa Thánh Thần bắt đầu bày tỏ…. những gì Thánh Thần đã ban cho họ (x. câu 4).
Sự kiện Lễ Ngũ Tuần, ngoài việc gợi lên kịch bản đặc trưng của các cuộc thần hiện trong Cựu Ước, còn được liên kết với những thời điểm khác trong đó một nhân vật quan trọng được Thần Khí trợ giúp cách đặc biệt (ví dụ, Gioan Tẩy Giả, Lc 1:15; Elizabeth, Lc 1:41; Zacaria Lc 1:67; Phêrô, Công vụ 4: 8; Saolô, Công vụ 9:17; 13: 9). Tuy nhiên, sự tràn đầy Chúa Thánh Thần mà các tông đồ kinh nghiệm trong Công vụ 2: 4 được đặc trưng bởi một điểm đáng chú ý. Lễ Hiện Xuống đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ của Giáo hội, một phương thức mới đã được Chúa Giêsu công bố, theo đó Người sẽ hiện diện giữa các môn đệ hằng ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 16-20). Hành động do Chúa Thánh Thần thực hiện, tức là các lưỡi lửa “phân chia” và “ngự” trên mỗi người, ngay lập tức khiến chúng ta liên tưởng đến món quà “đặc sủng” mà các Tông đồ đã nhận được để thực hiện việc rao giảng và sứ mệnh của mình. Lửa, biểu tượng đặc sắc nhất của sự hiện diện thần thánh, biểu thị mong muốn của Thiên Chúa bao trùm - gần như xâm chiếm - toàn bộ cộng đồng hiện diện, thành công trong việc đánh bật mọi bóng tối của sự sợ hãi và ban cho một sức mạnh bên trong có khả năng biến đổi trái tim của những người hiện diện, và do đó tạo ra sự hiệp thông đích thực.
Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Khi khỏe mạnh và thoải mái, chúng ta quên đi những người khác (điều mà Thiên Chúa Cha không bao giờ làm): chúng ta không quan tâm đến vấn đề của họ, những đau khổ của họ và những bất công mà họ phải chịu đựng… Trái tim của chúng ta trở nên lạnh lẽo. Miễn là tôi tương đối khỏe mạnh và thoải mái, tôi sẽ không nghĩ gì về những điều kém hơn " (-nt- Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 49). Sau vụ giết hại kinh hoàng George Floyd ở Minnesota, Hoa Kỳ, vào ngày 20 tháng 5 năm 2020, một làn sóng phản ứng nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới. Nó đã dẫn đến các cuộc biểu tình công khai kéo dài từ Minneapolis (Mỹ) đến Manaus (Ba- tây), từ New York đến Johannesburg, từ Paris đến Jakarta. Thật không may, chúng ta phải công nhận rằng phân biệt chủng tộc có hệ thống, chủ nghĩa giai cấp, chế độ đẳng cấp và các hình thức loại trừ khác cũng đang hiện diện trong Hội dòng và trong Giáo hội của chúng ta.
Tôi đã đọc được một số tường trình do các anh em (trong Dòng) gửi cho tôi, trong đó họ nói về kinh nghiệm của họ về phân biệt chủng tộc hoặc sự loại trừ trong xã hội và trong chính Hội dòng. Họ kể lại những khoảnh khắc của sự sỉ nhục dữ dội, cảm giác bị phản bội, và sự rạn nứt sâu sắc trong kết cấu của sự hiệp thông huynh đệ. Những câu chuyện do anh em chúng ta kể cũng cho thấy một thực tế là có quá nhiều người trong chúng ta sẵn sàng làm ngơ trước những tình huống vi phạm trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhân phẩm. Lễ Hiện xuống mà chúng ta cử hành hôm nay thách thức chúng ta bằng những đòi hỏi triệt để. Nó kêu gọi chúng ta “thức tỉnh” trước những thực tại chung quanh và bên trong chúng ta, để ý thức hơn về những cấu trúc và sự kiện thể hiện thái độ trái ngược trực tiếp với ơn gọi con người, Kitô hữu và Phan Sinh của chúng ta. Thánh Thần thúc giục chúng ta phải trải qua một cuộc hoán cải hoàn toàn về tâm trí, con tim và hành động (xem Ep 4, 23-32) và nắm bắt tầm nhìn của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại và vũ trụ được tạo dựng. Lễ Ngũ Tuần nhắc nhở chúng ta rằng tất cả đều được chào đón, tất cả đều được tôn trọng, tất cả đều được mời gọi cống hiến những đóng góp độc đáo và riêng biệt của họ, tất cả đều có chung một phẩm giá và số phận. Ân ban của Thánh Thần là "một phúc lành cho tất cả mọi người bởi vì ... với Thiên Chúa, không có sự phân biệt!"
Anh em thân mến của tôi, tôi tin rằng việc kỷ niệm Lễ Ngũ Tuần sẽ khuyến khích chúng ta có những kinh nghiệm làm rung chuyển nền tảng an toàn của chúng ta và xua đuổi mọi nỗi sợ hãi nội tại mà chúng ta có thể có về việc luôn tìm đến sự trợ giúp ở những người khác. Lễ Ngũ Tuần sẽ giúp chúng ta mở mang tầm nhìn (xem Lc 24: 13-35) để đánh giá tính phong phú của sự khác biệt, để vui thích sự đa dạng tuyệt vời của các hình thái, màu sắc, những cách thức, não trạng, các cách tiếp cận, ý kiến và quan điểm. Nếu chúng ta vẫn còn sợ hãi việc bước ra khỏi vùng an toàn của chúng ta, hoặc tạo ra những khoảng không gian nơi đó chúng ta có thể tham gia vào những lối nhìn, các cách đánh giá và phán đoán khác nhau, thì bây giờ chính là lúc chúng ta nên mở lòng đón nhận “Thánh Khí của Chúa và hoạt động thánh thiện của Người ”(x. LR 10,8).
Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Tổng Tu nghị sắp tới của chúng ta, để Thánh Thần của Chúa, Vị Tổng Phục vụ thực sự của Dòng, có thể ban cho chúng ta một thời gian đầy ân sủng và nguồn cảm hứng cho lợi ích của Dòng, của Giáo Hội và thế giới mà chúng ta đang trú ngụ.
Chúc mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống!
Br. Michael A. Perry, OFM
Tổng Phục vụ và Tôi tớ