Skip to content
Main Banner

Thư anh Giám Tỉnh tháng 08/2008

Administrator
2008-08-13 00:00 UTC+7 68

Đakao, ngày 11 tháng 8 năm 2008

 

Kính gửi toàn thể anh chị em trong Đại Gia Đình Phan sinh Việt-Nam

 

Anh chị em thân mến,

Trong tuần qua, từ các bài Tin Mừng của ngày trong tuần đến bài Tin Mừng của ngày lễ Hiển Dung, thánh Phêrô được nhắc đến nhiều; song song với thánh Phêrô là ngôn sứ Giêrêmia. Hai dung mạo vĩ đại của Cựu và Tân Ước ấy giúp tôi nhớ lại các giáo huấn về ơn gọi và suy nghĩ nhiều tới hành trình ơn gọi. Hôm nay, tôi xin được chia sẻ với anh chị em những ý tưởng đó.

Lời mời gọi của Thiên Chúa là lời mời gọi ta cảm thấy rõ dần với thời gian. Lời đó không kể đến giá trị và công nghiệp của con người: Giêrêmia chỉ là một người trẻ nhút nhát; Phêrô là một con người bộc trực, nhưng cũng sợ dư luận; Phanxicô Assisi, một chàng trai lãng mạn và có tài buôn bán; Clara, một thiếu nữ quý tộc ở trong những khung cảnh chật hẹp… Những con người đa dạng, có tài nhiều khả năng và cũng có nhiều giới hạn, sống trong những hoàn cảnh giới hạn.

 

Ngẫm nghĩ về cuộc đời thánh Phêrô, tôi thấy ngài gần gũi. Ngài đã tuyên xưng đức tin chính xác vào Đức Giêsu, rồi sau đó lại nói những lời ngăn cản Đức Giêsu đi theo con đường sứ mạng. Lên núi cao, được chứng kiến vẻ uy hùng của Đức Giêsu, ngài lại có những lời đề nghị rất “lạc đề”. Lúc nào cũng là Đức Giêsu, “Con Thiên Chúa hằng sống” ở đó, với ngài, nhưng ngài phản ứng cứ ra bên lề! Trong đời sống chúng ta, rất nhiều khi chúng ta cũng không hiểu ngay được những điều đang xảy ra cho mình. Toàn thể thực tại được trao ban cho ta, nhưng các yếu tố dường như còn hoà trộn vào nhau, không rõ ràng gì cả. Để có thể hiểu rõ đường đi của mình, phải chấp nhận đi qua những đêm tối, và có khi còn trải qua những phủ nhận, chối từ hèn nhát nữa. Đức Giêsu vẫn ở đó, vẫn hướng dẫn, vẫn hỗ trợ, nhưng ta phải sử dụng tự do mà quyết định. Ai bảo rằng tin vào Thiên Chúa là chỉ việc “cầu nguyện” rồi chờ Người làm cho mọi sự như “chờ sung rụng”, thì đúng là không biết Thiên Chúa của Kinh Thánh! Thiên Chúa quá yêu loài người đến nỗi chấp nhận “trò chơi” tự do, để con người có thể lên ngang tầm với Người. do đó, chúng ta phải tập nhìn lại, cứ đánh giá các quãng đường đã đi, và liên kết các đoạn đường đó lại với nhau, để nhận ra một lộ trình, bởi vì qua những quãng đường đó, Thiên Chúa có một cách hướng dẫn tôi không giống người khác. Khi đã nhận ra được như thế, tôi tập đáp trả Người ngày một vững vàng hơn, bằng bản lãnh riêng, không dựa dẫm người khác, không nấp sau lưng người nào.

Điều quan trọng là có cầu nguyện, có suy nghĩ, bàn hỏi trước khi quyết định. Điều quan trọng là chắc chắn rằng Thiên Chúa muốn như thế vào lúc này! Những điều sẽ xảy ra sau này không thuộc về chúng ta, nên không cần băn khoăn lúc này. Nhưng nếu không biết mình hiện đang có gì và không có gì, làm sao có thể quyết định chín chắn, làm sao dám quyết định? Khi đó quyết định dấn thân không phải do một xác tín vào ơn gọi, nhưng do một cái nhìn rất trần tục, đó là chỉ thấy nếp sống này là một sự may mắn hay một sự rủi ro. Nếu như thế, làm sao có sự dấn thân quảng đại và trung thành? Khi đó, lịch sử hẳn lại tái diễn thật bi đát: nếu ngày xưa, chỉ có một mình Đức Giêsu “quả cảm”, nghĩa là làm cho mặt mình chai ra như đá, mà lên Giêrusalem (x. Lc 9,51), vì Người biết rõ ý Chúa Cha: những gì đang chờ Người là đau thương nhất, nhưng cũng là vinh quang nhất; còn các môn đệ đi theo sau Người thì “kinh hoàng sợ hãi” (Mc 10,32) hoặc “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,34), nghĩa là chỉ thấy có “cái tôi” mà thôi, hôm nay cũng đang có những “Giêsu” ra sức làm cho mặt mình chai như đá, mà tiến ngược dòng, để đưa lại sức sống cho thế giới, trong khi những người khác, cũng là môn đệ Đức Giêsu, thì ra sức bấu víu lấy một mẩu quyền lợi cỏn con của mình! Thế mà mỗi anh chị chúng ta, trong khi được kêu gọi làm môn đệ Đức Giêsu, thì cũng được gọi làm Giêsu hôm nay…

Hành trình làm môn đệ được dệt nên bởi biết bao lần dừng lại, “nhớ lại” để ngẫm nghĩ, rút bài học, - chứ không phải là “ngoái lại đàng sau” mà nuối tiếc “củ hành củ tỏi”, - rồi điều chỉnh hướng đi và lại lên đường. Đây chính là lãnh vực của “kinh nghiệm”, làm cho một đời người ngày càng nên phong phú, như thánh Phaolô đã viết: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới” (2 Cr 4,16). Nhưng chúng ta có dám chắc rằng đời mình đang tiến đi theo một chiều hướng như thế chăng, hay là càng thêm tuổi càng thêm mong manh và nghèo nàn?

Các môn đệ của Đức Giêsu đã học biết những đòi hỏi của cuộc hành trình, và đã gửi lại kinh nghiệm trong các trang Tin Mừng. Thánh Phanxicô đã ghi lại từng yếu tố của cuộc hành trình ơn gọi trong các Bút tích của ngài. Thánh Clara, người môn đệ ưu việt của thánh Phanxicô đã dám bước theo Tin Mừng đến cùng và cũng đã ghi lại các kinh nghiệm trong các Bút tích của ngài. Ước gì mỗi anh chị em chúng ta âm thầm, khiêm tốn và chuyên chú học các bài học đó, để đời mình trở thành mối phúc lành cho mọi người chúng ta gặp gỡ.

 

 

Thân mến,

 

 

ts FX Vũ Phan Long, OFM

Giám Tỉnh

Chia sẻ