Skip to content
Main Banner

Thư Anh Tổng Phục Vụ Nhân Ngày Thế Giới Vì Người Nghèo Lần Thứ VI

Administrator
2022-11-13 00:00 UTC+7 131

THƯ ANH TỔNG PHỤC VỤ NHÂN NGÀY THẾ GIỚI VÌ NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VI

Chúa nhật XXXIII thường niên - ngày 13 tháng 11 năm 2022

Gửi Đến Tất Cả Anh Em Trong Dòng Anh Em Hèn Mọn

Anh em thân mến,

Xin Chúa ban bình an cho anh em!

Vào đề

Ngày Thế giới vì người nghèo đã trở lại - đây là lần thứ sáu ngày mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập, và tôi muốn nhắc lại cho anh em Sứ điệp mà chính Đức Giáo hoàng đã viết vào ngày 13 tháng 6 vừa rồi dịp lễ thánh Antôn Padova, người anh em và là bạn của người nghèo. Chúng ta hãy đọc nó trong tư cách cá nhân và trong huynh đệ đoàn, với giáo dân và với các cộng tác viên của chúng ta, “để kiểm thảo lương tâm cá nhân và cộng đoàn, và tự hỏi xem sự nghèo khó của Chúa Giêsu Kitô có phải là người bạn đồng hành trung tín của chúng ta trong cuộc sống hay không”. (Sứ điệp, số 10)

Chìa khóa mở cổng: Lễ kỷ niệm Phan sinh

Trên thực tế, chúng ta đang chuẩn bị khai mạc các lễ Kỷ niệm Phan sinh từ năm 2023-2026 và ĐGH Phanxicô, trong buổi tiếp kiến vào ngày 31 tháng 10 vừa qua, mở cửa nhà của ngài cho 300 đại diện của Gia đình Phan sinh, đã nói rất rõ ràng rằng “các lễ Kỷ niệm Phan sinh sắp tới sẽ chỉ là những cử hành bì phu, nếu nó không diễn tả được việc noi gương Chúa Kitô và tình yêu đối với người nghèo”. Đây là một lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những cử hành chỉ đơn thuần mang tính kỷ niệm, nếu chúng ta không tỉnh thức, hậu quả sẽ là những lễ lạt thái quá. Tôi muốn nhấn mạnh đến một số yếu tố làm nền cho các lễ Kỷ niệm Bản luật ở Fonte Colombo và Giáng sinh ở Greccio (1223-2023).

Thánh Phanxicô nói trong Luật có sắc chỉ: “Anh em không được chiếm hữu gì hết, nhà cửa, nơi chốn hoặc bất cứ của gì. Như những kẻ lữ hành và khách lạ ở đời này, phụng sự Chúa trong nghèo khó và khiêm nhường, anh em hãy đi xin của bố thí với lòng tin tưởng, không được hổ thẹn, vì Chúa đã làm người nghèo khó ở thế gian này vì chúng ta.” (chương VI, 1-3) Và trong Luật không sắc chỉ, ngài thúc giục: “Anh em phải vui mừng khi sống với những người hèn hạ và bị khinh dể, nghèo khó và đau ốm, tàn tật và phong cùi, cũng như những kẻ ăn xin dọc đường.” (chương IX, 2)

Đối diện với những lời này của Bản luật, cốt tủy từ Phúc âm, chúng ta cùng tự vấn:

- Làm thế nào để hôm nay những lời ấy tiếp tục lên tiếng và đánh động ký ức ơn gọi của chúng ta? “Không chiếm hữu gì hết” có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với chúng ta ngày nay?

- Chúng ta có kinh nghiệm gì về những lời trên, đồng thời chúng ta có cảm thấy khoảng cách quá xa với những lời ấy?

- Chúng ta có nhận thức được tình trạng lãng phí của xã hội ngày nay? Chúng ta đã thực hiện được bước đi nào hướng tới những người nghèo khó thực sự, để chia sẻ thời gian, năng lực và sự gần gũi với họ?

Vào ngày 29 tháng 11 năm 1223, ĐGH Hônôriô III đã phê chuẩn Bản luật và chưa đầy một tháng sau, thánh Phanxicô đã lên Greccio để cử hành một lễ Giáng sinh hết sức đặc biệt. Ngài muốn tận mắt chứng kiến cảnh nghèo khó mà Chúa Giêsu đã muốn sinh ra và ở đó Người luôn đến với chúng ta “dưới hình dạng nhỏ bé của tấm bánh” (Lord II, 27) trong Bí tích Thánh Thể và trong nhân vị của những người nghèo. Phanxicô biết rằng “Chúa Giêsu Kitô [...] đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em” (2Cor 8,9), nghĩa là nên nhỏ bé và “hèn mọn” vì chúng ta.

Tạo sự thật trong lối sống của chúng ta

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Nhập thể, Ngày Thế giới vì Người nghèo một lần nữa thức tỉnh chúng ta xác định lối sống của mình như những anh em và người hèn mọn: Hiến chương nói với chúng ta rằng “khi sử dụng áo quần và giày dép, anh em phải để ý đến đức nghèo khó, khiêm tốn và phải tránh tất cả những gì có vẻ xa hoa” (48 §2), như Luật có sắc chỉ đã dạy (x. chương II, 14-15). Sống một cuộc đời chân thật, ngôn hành như nhất.

Hiến chương nói thêm: “Anh em phải nhớ rằng đức nghèo khó tột độ bắt nguồn từ Chúa Kitô và Mẹ nghèo khó của Người, và nghĩ tới lời Phúc âm: ‘Hãy đi bán những gì ngươi có và đem cho người nghèo’, để từ đó cố gắng chia sẻ số phận của người nghèo.” (8 §2), “và anh em hãy diễn tả tất cả những điều này một cách rõ ràng, trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn, kể cả bằng những hình thức mới mẻ” (8 §3), học cách chia sẻ những của cải được giao phó cho chúng ta để sử dụng cho lợi ích của người nghèo (x. 72 §3).

Nghèo khó không phải là một ý thức hệ! Nó mang bộ mặt của người nghèo, và đối với chúng ta, bộ mặt của những người hèn mọn: Chúng ta biết rằng có những anh em và những huynh đệ đoàn trong Dòng gặp gỡ người nghèo để học cách trở thành người hèn mọn. Đồng thời, chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng mình vẫn còn xa họ, xa đến nỗi chúng ta thường khó được nhận ra như là những anh em và người hèn mọn. Chúng ta đang cố gắng tìm những cách thức để làm cho cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa trong thời điểm này: Chắc chắn việc lắng nghe Phúc âm và gặp gỡ Chúa Giêsu là trung tâm. Bằng cách nào? Một linh đạo nhập thể đồng hành với chúng ta trong việc thu hẹp khoảng cách với người nghèo. Trước mắt chúng ta có biết bao nhiêu người là nạn nhân từ hệ thống kinh tế và thậm chí từ cả chiến tranh. Họ là thầy dạy chúng ta. Chúng ta đừng ngại gặp họ nhưng hãy cho phép mình được tiếp cận. Chúng ta hãy lắng nghe họ với lòng bác ái chân thành và sự tôn trọng, sẵn sàng học hỏi từ họ cũng như từ mọi người (x. THC 93). “Người nghèo là đối tượng giúp giải thoát chúng ta khỏi những àng buộc của lo âu và hời hợt” (Sứ điệp, số 8). Đây chẳng phải là kinh nghiệm của thánh Phanxicô sao? Từ người phong cùi đến San Damiano.

Chúng ta cùng tự vấn:

- Chúng ta có nhận thấy mối liên hệ giữa việc “dừng lại” trong chiêm niệm, trong cầu nguyện, để rồi sau đó tiếp tục ra đi làm chứng cho Chúa Kitô?

- Chúng ta có thể “làm nhiều điều” cho người nghèo và bảo vệ quyền lợi của họ, mà không cần xắn tay áo và liên hệ trực tiếp với họ như những người hèn mọn, vượt qua sự thờ ơ đối với người nghèo và đặt câu hỏi về cách sống của chúng ta (x. Sứ điệp, số 8)?

- Chúng ta có thể thử xem xét lại những lối sống mà ngày nay chúng ta coi là đương nhiên hoặc không thể tránh khỏi được cho là phát xuất từ nhiều nhu cầu khác nhau, khiến chúng ta trở nên “nổi trội” hơn là “hèn mọn” hơn không? Có bao giờ chúng ta thử đo lường mức sống của người dân nơi chúng ta đang sống, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng kinh tế lan rộng như hiện nay không? Làm thế nào để cùng nhau giám sát về quy mô của các tòa nhà chúng ta, về phương tiện chúng ta sử dụng, về việc dễ dàng tiếp cận với một số hàng hóa và sự đảm bảo, về các nhu cầu mà thường thì lúc nào chúng ta cũng được dễ dàng đáp ứng, về nhân viên trong nhà chúng ta, về việc làm - không chỉ về mục vụ - đối với tất cả các anh em như một phương tiện sinh sống bình thường? 

- Mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc là gì? Nó có làm lóa mắt chúng ta không? Chúng ta có phụ thuộc vào nó không? Chúng ta có giữ nó cho riêng mình không? Chúng ta có còn cố gắng học cách phó thác bản thân cho Chúa Quan Phòng và trả lại của cải cho người nghèo?

Tôi gửi đến anh em những chất vấn này trong sự bối rối, mà trước hết tôi cảm thấy cần được giải đáp cho bản thân - điều mà tôi biết là không hề dễ dàng. Nó không phải là những câu trả lời của một bài kiểm tra. Nó là một lời cảnh báo về cách sống của chúng ta, là một từ đánh thức chúng ta khỏi trạng thái thư giãn và lười biếng cam chịu nào đó, là một lời nhắc nhở về vẻ đẹp của cuộc sống, mà tôi chắc chắn, đã từng ít nhất một lần đốt cháy mỗi người chúng ta. Vì thế, cho dù ở thời đại này, chúng ta vẫn có thể sống như những anh em và những người hèn mọn. Chúng ta hãy dám liều hơn nữa!

Một cử chỉ hèn mọn

Giống như năm ngoái, tôi mời gọi mỗi anh em, ít nhất với một anh em khác hoặc nhiều hơn, hãy thực hiện một cử chỉ hèn mọn, phó thác cho Chúa Quan Phòng, phục vụ và chia sẻ với người nghèo. Đó là sự chuẩn bị tốt nhất cho lễ kỷ niệm phê chuẩn Luật dòng và Giáng sinh ở Greccio. Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin, với sự khẩn cầu không ngừng của Thần Khí Chúa - vị Tổng Phục vụ của Dòng, thổi sức mạnh để nhóm lại trong chúng ta ngày nay ngọn lửa đặc sủng được Đức Kitô trao ban, đặc sủng giúp chúng ta là những anh em có khả năng quan tâm lẫn nhau. Anh em nào muốn, vui lòng cho tôi biết nghĩa cử anh em đã làm, bằng văn bản ([email protected]). Nó sẽ là một bằng chứng, một sự chia sẻ của cải mà tôi sẽ thông tin cho mọi người.

Anh em thân mến, chúng ta hãy làm cho mình xứng đáng với phước lành của những người nhỏ bé và những người khiêm tốn, và từ những người hèn mọn chúng ta sẽ trở nên phước lành cho nhiều người. Xin Thánh Maria, Mẹ nghèo khó của huynh đệ đoàn chúng ta, gìn giữ chúng ta trung thành lắng nghe Tin Mừng, và xin Thánh Phanxicô đồng hành với chúng ta trên hành trình này.

Với lời chào huynh đệ và trìu mến của tôi.

Br. Massimo Fusarelli, ofm

Tổng Phục vụ và tôi tớ

 

 

Prot. 111742

(Nguồn: https://ofm.org/lettera-del-ministro-generale-per-la-vi-giornata-mondiale-dei-poveri.html)

 

Chia sẻ