Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

THƯ ANH TỔNG PHỤC VỤ VÀ BAN TỔNG CỐ VẤN

Administrator
2023-10-02 00:00 UTC+7 477

Anh chị em thân mến,
nguyện xin Chúa ban bình an cho anh chị em!

Chúng ta sắp cử hành lễ kính cha và anh Phanxicô của chúng ta, cũng là ngày khai mạc Đại hội Thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, với chủ đề “Hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ” (phiên họp đầu tiên). Chủ đề, phương pháp và tiến trình được ĐGH Phanxicô đề xuất cho Thượng Hội đồng đề cập đến các vấn đề như: Trung thành với Thánh Thần, cùng nhau bước đi, lắng nghe, đối thoại, phân định.

Sự phân định, thông qua lắng nghe và đối thoại, không xa lạ với truyền thống linh đạo và cội nguồn của chúng ta, như thánh Bônaventura đã chứng minh qua mô tả Phanxicô là người “đã học được những điều vĩ đại từ vị Thầy Chí Tôn”, nhưng vẫn là người “luôn khiêm nhường để học hỏi những điều nhỏ bé từ những người thấp kém hơn mình. Ngài không ngừng tìm kiếm – vị Tiến sĩ sốt mến cho biết thêm – với lòng nhiệt thành cần mẫn, con đường và cách thức phục vụ Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn theo đúng ý muốn của Người. Đây là thao thức và mong muốn khôn nguôi của ngài, chừng nào ngài còn sống, là hỏi bậc thông thái và người bình dân, bậc trọn lành và kẻ bất toàn, bậc cao niên và người trẻ tuổi, để tìm ra con đường đạt tới đỉnh trọn lành cách hữu hiệu hơn cả.”[1]

Nhân dịp này, chúng tôi muốn đào sâu hơn chủ đề lắng nghe, một chủ đề rất quan trọng trong đời sống và sứ mệnh của chúng ta. Thật vậy, đặc sủng của chúng ta được sinh ra từ Tin Mừng mà Phanxicô đã nghe tại Porziuncola. Việc lắng nghe Tin Mừng ngay lập tức trở thành việc lắng nghe Giáo Hội, thể hiện ở việc vị linh mục giải thích ý nghĩa của những lời đó cho chàng trai trẻ Phanxicô. Trong gần mười lăm năm, thể thức sống ban đầu, khởi đi từ cuộc hạnh ngộ với Tin Mừng, đã được điều chỉnh qua việc lắng nghe các anh em và các dấu chỉ thời đại, được thực hiện trước hết trong các Tu nghị. Bằng cách này, qua những cuộc biện phân huynh đệ của Phanxicô và các anh em ngài, đặc sủng Phan sinh dần dần đạt được hình thức văn bản, rồi cuối cùng được phê chuẩn cách đây 800 năm trong Luật có sắc chỉ.

Một chiều kích rất thời sự của việc lắng nghe, mà chúng tôi muốn đặc biệt đào sâu, đó là sự cởi mở với nhau trong huynh đệ đoàn, chấp nhận món quà anh em, lời nói và nhu cầu của anh em, sự phong phú và mong manh của anh em, làm sao cho mối tương quan huynh đệ của chúng ta trở thành một hành trình hiệp thông trung thành với Tin Mừng.

Thực sự là trong các chuyến thăm của chúng tôi tới các Đơn vị và trong các cuộc gặp gỡ khác nhau mà chúng tôi đã kinh qua với tư cách là Tổng Phục vụ và Tổng Cố vấn, cũng như qua các báo cáo do các Giám tỉnh và các Tổng Kinh lý gửi về, chúng tôi đã có thể chứng thực rằng Chúa vẫn tiếp tục làm không biết bao nhiêu điều thiện hảo thông qua chứng tá sống động và công việc hỉ xả của anh em. Tuy thế, chúng tôi nhận ra rằng có một số yếu tố khiến việc lắng nghe nhau dựa trên sự tin tưởng trong các huynh đệ đoàn của chúng ta trở nên khó khăn hơn.

Một trong những yếu tố có thể là do nhiều thay đổi và thách thức trong những năm gần đây (số hóa, đại dịch Covid, hiện tượng nóng lên toàn cầu, v.v.) đòi hỏi phải thích ứng liên tục và nhanh chóng khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, không còn đủ năng lượng để đầu tư vào đời sống huynh đệ.

Trong những tình huống khác, chúng ta sống trong một bối cảnh phân cực đến mức việc mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc hơn giữa chúng ta dường như là một mối đe dọa đối với đời sống cộng đoàn. Trong một số bối cảnh, chính mối quan hệ căng thẳng giữa các thế hệ là một thách thức thực sự đối với việc lắng nghe lẫn nhau trong huynh đệ đoàn.

Một hiện trạng phổ biến là hầu hết chúng ta hiện đang sống đồng thời trong thế giới thực và ảo với nguy cơ phải xử lý quá nhiều thông tin cùng một lúc. Không gì phải ngạc nhiên khi còn rất ít không gian trong thế giới thực để lắng nghe những anh chị em luôn có bên cạnh chúng ta. Chúng ta đang phải tập trung vào bản thân và tìm cách vượt qua những thách thức hiện tại. Trong tài liệu Đời Sống Như Một Cuộc Đối Thoại Theo Gương Thánh Phanxicô, một suy tư về việc lắng nghe có chất lượng như con đường hiệu quả dẫn đến đối thoại, đã được đề xuất cách đây vài năm. Trước hết, cần nhấn mạnh rằng sự hiện hữu của chúng ta bắt đầu từ lời kêu gọi lắng nghe:

“Sự hiện hữu của chúng ta được sinh ra từ một lời kêu gọi. Lời của người khác luôn luôn đi trước chúng ta; trên hết, Ngôi Lời - Đấng gọi tên chúng ta - luôn đi trước chúng ta: tên của mỗi người trong sự nghèo khó và phẩm giá không thể thay thế của họ. Chúng ta là anh em vì chúng ta được kêu gọi và được ‘trao tặng’, nhưng cũng vì chúng ta đã chấp nhận trở thành lời và ‘quà tặng’ cho người khác.[2] Huynh đệ đoàn là một cuộc đối thoại không bắt đầu từ chúng ta và chúng ta không được ngắt quãng; cuộc đối thoại được thể hiện ở việc: trao đổi, lắng nghe, tin tưởng, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng người khác, biện phân Thần Khí và các thần khí, làm sáng tỏ và hòa giải những xung đột.”[3]

Sự lắng nghe trong chiều sâu này, có khả năng vượt qua những khác biệt và phân cực của thời đại chúng ta, là nền tảng ơn gọi của chúng ta, như Tổng Hiến chương Dòng cũng nhắc nhở: “Với tình bác ái không giả tạo, anh em phải lắng nghe cách kính cẩn những người khác, vui lòng học hỏi những người mà anh em chung sống, đặc biệt hơn nơi những người nghèo là chủ và thầy của chúng ta. Anh em cũng phải sẵn sàng đối thoại với mọi người”[4].

Để không mất liên lạc với chính mình và với người khác trong thời đại có xu hướng khiến chúng ta khép kín, việc lắng nghe nhau là điều kiện không thể thiếu để thực hiện một tiến trình hoán cải và canh tân đích thực trong huynh đệ đoàn. Chúng ta cần ân sủng để hoán cải tâm hồn và tạo ra những động lực tương quan, qua đó tiếng nói của toàn thể huynh đệ đoàn có thể vang vọng trong vẻ đẹp độc đáo và nguyên tuyền của nó. Chính trải nghiệm về vẻ đẹp này sẽ tạo ra những suy tư mang tính xây dựng và những quyết định chung.

Dẫu biết rằng không có một công thức dễ dàng nào để học hoặc ôn lại cách lắng nghe nhau, chúng tôi muốn cung cấp cho anh chị em vài suy tư có thể hướng dẫn để đưa ra một số quyết định thực tế:

-Việc lắng nghe với lòng bác ái và sự tôn trọng chân thành đòi hỏi trước hết phải có sự sẵn sàng chú ý đến cách chúng ta lắng nghe người khác: “Chỉ bằng cách chú ý đến người mà chúng ta lắng nghe, điều và cách chúng ta lắng nghe, chúng ta mới có thể phát triển nghệ thuật giao tiếp, mà trung tâm của nó không phải là lý thuyết hay kỹ thuật, mà là ‘khả năng của trái tim khiến cho sự gần gũi trở nên khả thi’”.[5]

-Khả năng học cách lắng nghe nhau có liên quan chặt chẽ với việc sẵn sàng đưa những khoảnh khắc chia sẻ thường xuyên vào lịch trình của huynh đệ đoàn, trong đó việc lắng nghe ở chiều sâu có thể xuất hiện, cho phép chúng ta thực sự tham gia vào cuộc sống của nhau. Vì lý do này, sẽ là điều thích hợp nếu thường xuyên phản tỉnh và chia sẻ trong huynh đệ đoàn cách thức chúng ta quản lý thời gian và cụ thể là lịch trình của mình. Điều này áp dụng ở cấp độ lập kế hoạch cho các tu nghị địa phương và các cuộc họp cộng đoàn, là những việc cần được ưu tiên hơn các cam kết khác.

-Thường thì sự trao đổi của chúng ta trong huynh đệ đoàn không thể làm sáng tỏ kịp thời mọi hiểu lầm, nghi ngờ và xung đột giữa anh em. Chúng ta đừng lờ đi hoặc tránh né những khó khăn đến từ chiều kích đa văn hóa và từ những khác biệt về sắc tộc cũng như “khu vực” của nhiều huynh đệ đoàn, vốn ảnh hưởng đến việc giao tiếp và lắng nghe. Đây là nơi xuất phát câu hỏi của chúng tôi: Trong các tu nghị ở cấp địa phương và các cuộc gặp gỡ chia sẻ khác, chúng ta có sẵn sàng đề cập đến các vấn đề “thực tế” trong đời sống hàng ngày của cộng đoàn, hay chúng ta chỉ giới hạn ở việc trao đổi các thông tin quan trọng nhưng không đủ để đào sâu sâu hơn vào mối tương quan giữa chúng ta?

-Đức Phaolô VI định nghĩa đối thoại là “một nghệ thuật giao tiếp thiêng liêng”[6]. Vì vậy thật hữu ích khi để cho lắng nghe và đối thoại cùng đồng hành với nhau trong các cuộc gặp gỡ của huynh đệ đoàn. Thật sự thì khi lắng nghe nhau, chúng ta có dành đủ không gian cho sự giúp đỡ mà đức tin và đặc sủng Phan sinh có thể mang lại không? Liệu chúng ta có thể làm được điều này đồng thời với thiện chí lắng nghe những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và sắc tộc?

-Con đường đồng nghị mà Giáo hội đang thực hiện mời gọi chúng ta mở rộng việc lắng nghe và đối thoại để vượt qua ranh giới của huynh đệ đoàn hoặc gia đình Phan sinh, và cởi mở để lắng nghe thế giới với các nền văn hóa và thực tại ngày càng phức tạp của nó. Tóm lại là học cách lắng nghe những người “bên ngoài” (những giáo dân xung quanh chúng ta, những cộng tác viên truyền giáo, những người trẻ, những người không tin và những người được gọi là “thờ ơ”, những người nhập cư, người lao động và người cao niên, những chất vấn của thụ tạo,...). Những khoảnh khắc nào trong huynh đệ đoàn sẽ mở ra cho việc lắng nghe 360° này? Chúng ta có thể bắt đầu thực hiện những bước cụ thể nào để học cách hiểu, giải thích và trải nghiệm thực tế xung quanh mình tốt hơn mà không cô lập mình khỏi thực tế đó?

Chúng tôi muốn kết thúc bằng một hình ảnh từ Gương Trọn Lành để minh họa cho tầm quan trọng của cách nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa: Cộng đoàn được xây dựng dựa trên sự đa dạng và lắng nghe nhau, trong đó người Anh em Hèn mọn không thể là anh em một mình. Thánh Phanxicô nói rằng “một Anh em Hèn mọn tốt lành là người kết hợp trong mình cuộc sống và đức độ” của nhiều anh em khác[7]: Chỉ nhờ đức tin và tình yêu nghèo khó, sự đơn sơ và lòng nhân hậu, cảm thức chung và lời cầu nguyện, sự kiên nhẫn và lòng bác ái của các anh em ấy... bạn mới có thể trở thành một Anh em Hèn mọn đích thực, theo Chúa Kitô trên dấu chân thánh Phanxicô, và chắc chắn không bao giờ đơn độc.

Trong niềm hân hoan mừng ngày sinh nhật trên trời của Cha thánh Phanxicô, đặc biệt dịp kỷ niệm đệ bát bách chu niên hồng ân Luật dòng và Lễ Giáng sinh ở Greccio, chúng tôi thân ái chúc anh chị em luôn kiên trì xây dựng một tình huynh đệ sống động, và xin Cha Thánh chí ái ban tràn phúc lành cho anh chị em trong ngày Đại Lễ tươi đẹp nhất của toàn thể Gia đình Phan Sinh chúng ta!

Với tình huynh đệ chân thành,

 

Rôma, Trung ương Dòng, ngày 17 tháng 9 năm 2023

Lễ Kính Thánh Phanxicô Năm Dấu

 

Fr. Massimo Fusarelli, OFM, Tổng Phục vụ

Fr. Ignacio Ceja Jiménez, OFM, Phó Tổng Phục vụ

 

Các Tổng Cố vấn:

Fr. Konrad Grzegorz Cholewa, OFM

Fr. John Wong, OFM

Fr. Joaquin Echeverry, OFM

Fr. Victor Luis Quematcha, OFM

Fr. Jimmy Zammit, OFM

Fr. Cesare Vaiani, OFM

Fr. Albert Schmucki, OFM

Fr. César Külkamp, OFM

 

 

Prot. 112547

(Nguồn: https://ofm.org/uploads/LetteraSanFrancesco2023%20IT.pdf)

 

[1] Leggenda Maior 12,2.

[2] cf. Testamento 14.

[3] OFM Servizio per il Dialogo 1, La Vita come Dialogo sulla scia di S. Francesco, Segreteria dell’Evangelizzazione e Segreteria della Formazione e degli Studi, Roma 2002, p. 154.

[4] Tổng Hiến chương 93 §1.

[5] Papa Francesco, LVI Giornata Mondiale delle Comunicazioni Sociali, 24 gennaio 2022.

[6] Paolo VI, Ecclesiam Suam, n. 83.

[7]  cf. Specchio di perfezione, n. 85.

Chia sẻ