Skip to content
Main Banner

Anh Tổng Phục Vụ: Chiến Tranh Là Một Từ Giúp Chúng Ta Hoán Cải

Administrator
2022-05-27 00:00 UTC+7 67

Văn phòng Truyền thông của Hội Dòng có bài phỏng vấn anh Tổng Phụ vụ Massimo Fusarelli sau chuyến viếng thăm-hành hương liên tôn của Anh đến Romania, Ukraine và Ba Lan từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 4 năm 2022.

Thưa anh TPV, hành trình của Anh bắt đầu từ đâu?

Vào Chủ nhật Lễ Lá chúng tôi đến Suceava, Romania, trên biên giới với Ukraine. Hành trình vượt qua biên giới giữa Romania và Ukraine để lại những hình ảnh đau lòng tại thực địa: Dòng người tị nạn lũ lượt rời bỏ Ukraine, nhưng cũng có những người quay trở lại, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em và người già. Tại biên giới giữa Ba Lan và Ukraine cho đến tuần trước, có khoảng 25 đến 30.000 người mỗi ngày. Rất nhiều người ra đi chỉ với chiếc vali và ít tài sản. Hậu quả chiến tranh đã thực sự chạm vào trái tim của chúng tôi. Vào ngày 11 tháng 4, tại biên giới Ukraine, chúng tôi đã gặp gỡ các đại diện khác của cuộc hành hương liên tôn, thời điểm trọng tâm sẽ là cuộc họp vào ngày hôm sau. 

Tham gia vào cuộc hành hương liên tôn này là một trong những lý do quan trọng cho chuyến đi của Anh?

Vâng, ở đó tôi đã có cơ hội gặp gỡ những thành viên khác nhau trong cuộc hành hương này: Tổng giám mục danh dự Canterbury của Anh giáo, Rowan Williams, Tổng giám mục Chính thống giáo Hy Lạp của Tòa thượng phụ Constantinople ở Anh, nhưng cũng là Giám mục người Ukraine của Giáo hội Chính thống Kiev, sau đó là đại diện của thế giới Hồi giáo (cựu Grand Mufti của Bosnia), đại diện của Do Thái giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo. Chúng tôi tất cả có mười hai người.

Vào sáng ngày 12 tháng 4, chia thành ba nhóm nhỏ, chúng tôi đến thăm trung tâm tị nạn và một trại mồ côi. Đây là khoảng thời gian đau đớn nhất và khó khăn nhất trong cuộc hành hương của tôi. Có 200 trẻ em và thanh thiếu niên ở trung tâm này, trong đó có khoảng 80 trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi do cha mẹ mất tích trong chiến tranh. Một số em đã phải chịu bạo lực tâm lý và nhiều hình thức lạm dụng khác nhau. Tôi thú nhận rằng tôi đã khóc khi rời khỏi đó. Tôi đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con. Lạy Chúa, xin hãy tỏ mình ra. Xin cho mọi người nhận biết Chúa, vì nỗi khổ của trẻ thơ thật khủng khiếp”. Nhưng tôi phải nói rằng, cùng với nỗi khổ đau này, ngoài những trẻ vị thành niên tương lai mờ mịt ở các trung tâm tị nạn, tôi còn gặp thấy niềm vui nơi những đám trẻ con. Đặc điểm của cuộc thăm viếng những người tị nạn luôn là thế này: đau đớn và hy vọng, nước mắt và tiếng cười cùng nhau. Nó khiến tôi nghĩ rằng Lễ Phục sinh thực sự là như thế này: cái chết và sự sống.

Vào buổi chiều, cuộc họp liên tôn đã diễn ra, tâm điểm của cuộc hành hương, rất căng thẳng. Nhà hát chật kín người: đây là sự kiện công cộng đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Vì vậy, đó cũng là một khoảnh khắc quan trọng và đẹp đẽ của sự chia sẻ.

Trong bức thư của Đức Giáo hoàng được đọc vào ngày 12 tháng 4 tại Černivci, Ngài viết: “Chiến tranh đã gây đau khổ cho rất nhiều người yếu thế và không có khả năng tự vệ; hàng loạt thường dân bị thảm sát và những nạn nhân trẻ tuổi, vô tội; cuộc chạy trốn tuyệt vọng của phụ nữ và trẻ em... Tất cả những điều này làm rung chuyển lương tâm chúng ta và buộc chúng ta không được im lặng, không được thờ ơ trước bạo lực của Cain và tiếng kêu của Abel, nhưng phải mạnh mẽ lên tiếng để cầu xin, nhân danh Chúa, chấm dứt những hành động ghê tởm đó. Anh đã nói về thánh Phanxicô Assisi trong buổi cầu nguyện. Vậy thưa Anh, làm thế nào chúng ta có thể lên tiếng hôm nay?

Đức Giáo hoàng đang lên tiếng. Ngài nói rất nhiều về chống chiến tranh, không giống bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Nhưng đối với một số người, điều này là chưa đủ, bởi vì họ muốn Đức Giáo hoàng có lập trường. Tuy nhiên, việc lên tiếng không chỉ là vấn đề chỉ ra thủ phạm mà còn là vấn đề tố cáo sự tàn ác của chiến tranh, không giữ thái độ trung lập, khi nói rằng chiến tranh ngày nay có thể biến thành xung đột hạt nhân. Không có cuộc chiến tranh nào có thể được cho là chính nghĩa, ngay cả khi con người có quyền tự vệ. Tôi lên tiếng để làm điều Đức Giáo hoàng đang làm. Đến đó, tôi cũng muốn nói với anh em trong Dòng và tất cả anh chị em Kitô hữu rằng chúng tôi đang ở đó, chúng tôi không thờ ơ với những gì đang xảy ra.

Tình hình các anh em OFM nơi Anh đến thăm như thế nào?

Tôi đã gặp anh em tại các nhà khác nhau. Trong mỗi tu viện tôi cũng gặp những người tị nạn: những người chạy trốn khỏi miền đông của đất nước. Tôi phải nói rằng 5 ngày sau chuyến thăm của tôi, bom rơi ở nơi chúng tôi đã đi qua, Lviv, và 7 thường dân đã chết. Vì vậy, ngày nay chúng ta biết rằng không có khu vực nào là an toàn ở Ukraine, bởi vì chiến tranh bất ngờ ập đến với tất cả mọi người.

Cho đến nay, không có anh em nào hay tu viện nào của chúng ta bị ảnh hưởng về vật chất. Anh em tu sĩ chúng ta ở với mọi người: Đó là ơn gọi của họ. Chắc chắn rằng trong chuyến thăm của tôi, tôi cũng đã nhìn thấy những vết thương, sự căng thẳng, sợ hãi của anh em. Họ có gia đình và những người thân yêu của họ đang hứng chịu đạn bom. Giống như những người khác, họ cảm thấy không an toàn và do đó họ cũng cần được hỗ trợ. Họ rất vui với chuyến thăm của chúng tôi, vì họ thoát khỏi cảm giác căng thẳng, bị đóng cửa. Từ tất cả anh em trong Dòng, họ không chỉ nhận được rất nhiều sự liên đới về vật chất, mà còn sự gần gũi qua điện thoại, e-mail. Điều này giúp họ cảm thấy mình là thànhphần của một gia đình rộng lớn hơn.

Anh muốn để lại thông điệp gì cho anh em và thế giới sau chuyến hành hương này, thưa anh TPV?

Thông điệp là những gì Đức Giáo hoàng đã nói: Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta phải cảm thấy rằng một cuộc chiến như vậy là một vết thương cho tất cả mọi người. Có kẻ xâm lược và có người bị tấn công. Nhưng chúng ta biết rằng chúng ta mang trong mình mầm mống bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta phải rất cẩn thận về điều này. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta không nuôi cuộc chiến này. Ủng hộ hay chống lại ai đó không phải là ơn gọi của chúng ta, đặc biệt với tư cách là người Anh em Hèn mọn, người Kitô hữu. Và chúng ta làm việc vì hòa giải, hòa bình. Chúng ta phải giúp mọi người vượt qua vết thương của cuộc chiến này.

Ngày nay nói về hòa bình có nghĩa là gì?

Có điều gì đó đã thay đổi sâu sắc: Châu Âu và toàn thế giới không còn như trước chiến tranh. Chúng ta như đang ở trong một ảo ảnh, trong một nền hòa bình có phần giả tạo. Ngày nay, chúng ta thấy rằng hòa bình là rất mong manh và cần phải có cam kết lớn hơn để bảo vệ và thúc đẩy hòa bình. Trong tư cách một người có đức tin, một Kitô hữu, tôi sẽ nói: Thiên Chúa Quan phòng muốn chúng ta thấy gì qua cuộc chiến này? Tôi thấy đó là một lời mời gọi nghiêm túc để hoán cải, để khám phá lại niềm tin và sự hiểu biết sâu sắc về điều then chốt của cuộc sống. Tôi tin rằng Đức Giáo hoàng, khi đề nghị chúng ta dâng mình cho Đức Trinh Nữ Maria, Ngài muốn chỉ ra cách giải thích này. Chiến tranh là một từ giúp chúng ta hoán cải. Cá nhân tôi trong chuyến hành hương này đã cảm nhận sâu sắc điều ấy.

(Nguồn: https://ofm.org/it/blog/ministro-generale-la-guerra-e-una-parola-per-la-nostra-conversione/)

Chia sẻ