Skip to content
Main Banner

Dự án Nagasaki

Administrator
2021-05-10 00:00 UTC+7 63

“Dự án Nagasaki” là một Cộng đoàn Phan sinh Quốc tế vì Hòa bình, với ý tưởng sáng lập là truyền bá và thúc đẩy hòa bình lâu dài ở thành phố Nagasaki và trên thế giới.

Đó là suy nghĩ đầu tiên của Anh cựu Tổng Phục vụ José Rodríguez Carballo, OFM khi Anh đến thăm Nagasaki trong cuộc họp Hội đồng Đông Á tại Nhật Bản vào tháng 9 năm 2010. Những trải nghiệm cuả Anh trong thời gian lưu trú ngắn ngủi tại đây đã tạo nguồn cảm hứng cho ước mơ về một Cộng đoàn Tu sĩ Quốc tế ở Nagasaki, để xây dựng một tuyên ngôn sống động về hòa bình và hòa giải. Anh cũng đề nghị Tỉnh dòng Phan sinh Nhật Bản tổ chức Cộng đoàn Quốc tế này.

Nagasaki được chọn cho sứ mạng mới của Dòng vì chính nơi đây vào năm 1945, quả bom nguyên tử đã được thả xuống, khiến hàng trăm nghìn người -bao gồm cả trẻ em vô tội- thiệt mạng. Vụ đánh bom gây ra sự tàn phá, nỗi đớn đau và lòng căm thù.

Ngoài ra, Nagasaki là nơi bị bách hại và tử đạo nặng nề trong suốt ba thế kỷ (thế kỷ 16-19). Các Kitô hữu ở đây đã thể hiện lòng trung thành với Chúa Kitô bằng cách hy sinh mạng sống mình, chẳng hạn như hai mươi sáu vị Tử đạo Nhật Bản (1597), bao gồm cả những thừa sai đầu tiên của dòng Phanxicô, thánh Phêrô Baotixita và các bạn, và tất cả những người khác đã đi theo họ.

Tỉnh dòng Phan sinh Các thánh Tử đạo Nhật Bản sau nhiều năm phân định kỹ lưỡng, cuối cùng đã thành lập Cộng đoàn Quốc tế như được đề xuất. Và để bắt đầu Cộng đoàn Quốc tế mới này, Hội đồng Đông Á OFM (OFM East Asian Conference) đã được đề nghị hợp tác. Cuối năm 2018, hai anh em Francis Furusato (Tỉnh dòng Nhật Bản) và Antonio Kim (Tỉnh dòng Hàn Quốc), cả hai đều đang sống ở Nhật Bản đã ký tên, và chính thức được giao nhiệm vụ mới, Dự án Nagasaki.

Năm 2020, hai anh em khác tham gia Dự án Nagasaki: Anh Berardo Yang (Hạt dòng Trung Quốc) và Alberto Marfil (Tỉnh dòng Philippine). Các anh em hiện đang tháp nhập vào Cộng đoàn Nagasaki, nơi ba anh em khác đang làm công tác quản trị giáo xứ và trường mẫu giáo.

Cuộc sống thường nhật trong huynh đệ đoàn của anh em chính là cơ sở và chìa khóa cho Dự án. Sống như một huynh đệ đoàn chiêm niệm cho sứ vụ Tin Mừng. Họ ủng hộ chiến dịch xóa bỏ vũ khí hạt nhân thông qua sự hiện diện của Cộng đoàn Phan sinh tại Nagasaki. Các anh em đã hợp tác với văn phòng EAC-JPIC trong những hoạt động cho hòa bình, và với các tổ chức khác có cùng chủ trương.

Hiện tại, các anh em đang trong giai đoạn đầu của tổ chức và hoạt động. Họ sử dụng tiếng Nhật và tiếng Anh làm ngôn ngữ chung. Hai anh em đến sau dùng thời gian để học tiếng Nhật tại Tokyo, và thêm các buổi học riêng với một anh em Nhật tại Nagasaki để nâng cao kỹ năng ngôn ngữ. Họ gặp gỡ chung với nhau ba lần một tuần để đọc, suy ngẫm và chia sẻ các tác phẩm của thánh Phanxicô, là cách thức để xây dựng họ thành một cộng đoàn vì hòa bình. Sau đó, họ sẽ học hỏi chung về lịch sử Kitô giáo và các khám phá ở Nhật Bản, về cách tiếp cận sứ mệnh của các tu sĩ Phanxicô đầu tiên ở Nhật Bản -thành công và thất bại, và về kinh nghiệm bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai của những nạn nhân còn sống sót.

Sau đây là một số dự án khả thi của Cộng đoàn:

  1. Chia sẻ với những người xung quanh, giáo dân, tu sĩ và linh mục về cuộc đời, tác phẩm và lời cầu nguyện của thánh Phanxicô Assisi, một con người và một khí cụ của hòa bình, thông qua các cuộc nói chuyện, hồi ức và gặp gỡ.
  2. Hình thành một Viện linh đạo Phan sinh, tập trung vào hòa bình, đối thoại và hòa giải. Học tập thánh Phêrô Baotixita và các bạn tử đạo về kinh nghiệm truyền giáo, cách tiếp cận và chiến lược truyền giáo ở Nhật Bản vào thế kỷ 16.
  3. Kêu gọi hòa bình: chia sẻ kinh nghiệm của những người đã chịu đau đớn bi thảm do cuộc ném bom nguyên tử; cộng tác và tham gia chiến dịch chống vũ khí hạt nhân theo cách thức Phan sinh. Một tài khoản Facebook “Nagasaki Franciscan” đã được thành lập để phục vụ như một nơi truyền đạt sứ mệnh của Dự án Nagasaki.
  4. Đón tiếp các anh em quan tâm Dự án Nagasaki đến thăm và lưu trú trong thời gian ngắn từ ba đến sáu tháng, để trải nghiệm hoặc nghỉ phép Sabato.
  5. Tiếp đón khách hành hương, trong và ngoài nước, theo bước chân truyền giáo của thánh Phêrô Baotixita và các bạn tử đạo từ Kyoto, Osaka đến Nagasaki; hoặc để tìm hiểu các đền thánh và các địa điểm ẩn trú của các Kitô hữu đầu tiên ở Nagasaki. Chúng tôi có một ngôi nhà đơn sơ cho năm đến bảy khách hành hương nằm trong khuôn viên của giáo xứ thánh Phêrô Baotixita, cũng là nơi đặt Cộng đoàn Nagasaki.

Để đảm bảo sự thành công của Dự án Nagasaki, chúng tôi cần thêm nhiều anh em. “Cộng đoàn Dự án Nagasaki” chào đón anh em từ mọi miền trên thế giới. Anh em nào quan tâm đến dự án để trở thành thành viên sẽ phải ở lại tối thiểu sáu năm. Hãy đến và tham gia Dự án Nagasaki!

(Nguồn: https://ofm.org/blog/nagasaki-project-what-is-it/)

Chia sẻ