Skip to content
Main Banner

Khủng hoảng Coronavirus – Một bước ngoặt - Một lối nhìn Phan sinh về Covid19

Administrator
2020-08-19 00:00 UTC+7 52

Kể từ sau Thế chiến lần thứ hai, không có sự kiện nào gây ra cho thế giới nhiều bất ổn, lo lắng và xung đột như đại dịch coronavirus đang nhấn chìm tất cả các quốc gia. Điều mà khó có ai có thể tưởng tượng được đã lan rộng khắp thế giới như một trận cháy rừng. Một loại vi-rút khiến nhân loại - những người tự coi mình là loài siêu việt - nhận thức được điểm yếu của mình và đưa ra ánh sáng tính dễ bị tổn thương cũng như tính hay chết của con người. Thiên nhiên giờ đây đang dạy con người một cách đau đớn rằng nó mạnh hơn ảo tưởng của chúng ta về những khả năng vô hạn của chúng ta, cũng như niềm tin của chúng ta vào sự tiến bộ trường cửu. Hơn nữa, vi-rút phá hủy “giáo điều kinh tế” về sự gia tăng lợi nhuận lũy tiến cần thiết, với những kết quả tàn khốc. Nó chỉ cho thấy rằng một học thuyết kinh tế và tiến bộ đã được áp đặt cho một thế giới nhưng bây giờ không thể đối phó với vi-rút. Ảo ảnh của sự thịnh vượng đứng trên những đụn cát dịch chuyển. Trong đại dịch này, có vẻ như những hệ thống có định hướng xã hội tốt hơn những hệ thống dựa trên lý thuyết tân tự do.

Trong những tuần gần đây, -và có lẽ sẽ kéo dài thêm nhiều tháng,- mọi người trên khắp thế giới buộc phải “ăn chay”, cho dù họ có muốn hay không. Hạn chế nhập cảnh, đóng cửa trường học, nhà trẻ và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Coronavirus buộc mọi người phải bỏ qua niềm vui, sự tiêu thụ và sự tự do di chuyển. Thay vào đó, cần phải có "sự giãn cách xã hội" và cách ly. Tệ hơn nữa, vi-rút này còn đe dọa công ăn việc làm và làm gia tăng những bất công xã hội trên toàn thế giới. Tất cả những điều này khiến nhiều người sợ hãi và phá hủy niềm tin của họ vào các thể chế và chính trị. Tính bất an đang lan rộng và các biện pháp ngăn ngừa càng kéo dài thì sự phản kháng của những người chỉ quan tâm đến tự do và lợi ích của họ càng gia tăng. Vật tế thần được tìm kiếm và những khuôn mẫu cũ lại xuất hiện. Vì không có câu trả lời dễ dàng cho tình hình phức tạp, tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu lại tiếp tục xuất hiện. Tính phi lý kết nối những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu với các hệ tư tưởng cánh tả và những người theo chủ nghĩa tôn giáo cứng rắn. Trong tình huống này, chúng ta phải kiên nhẫn, hiểu biết và trung thực.

Định hướng tinh thần cũng có thể cung cấp cho chúng ta một hướng đi. Trong bối cảnh này, chúng ta có thể lấy cảm hứng từ những người đi theo sự hướng dẫn của Phanxicô và của Clara Átxidi. Trong khi họ sống ở một thế kỷ khác và đối mặt với các cuộc khủng hoảng, các vấn đề xã hội và dịch bệnh khác, công việc của họ vẫn có thể định hình hành động hiện tại của chúng ta. Theo chính các lời của ngài trong Di chúc, Phanxicô tìm thấy con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng đời sống cá nhân này bởi vì, bằng tình bạn và tình liên đới, ngài đã dám vượt qua sự “giãn cách xã hội” đối với những người phong cùi, giãn cách do xã hội và giáo hội lúc bấy giờ áp đặt. Điều này được thực hiện trên cơ sở y tế, nghĩa là để tránh lây nhiễm, nhưng nó cũng được thực hiện bởi vì người phong cùi được coi là tội nhân theo quan điểm thần học. Chưa hết, nữ quý tộc Clara không tuân theo các quy tắc của giai cấp của mình và chăm sóc những người nghèo và những người bị xã hội loại trừ. Cuộc gặp gỡ với đau khổ và sự khốn cùng cũng đặt ra câu hỏi về Thiên Chúa và hình ảnh bản thân của mỗi người. "Bạn là ai và tôi là ai?" là những câu hỏi hiện sinh được truyền lại từ Phanxicô. Trong cả hai trường hợp, hình ảnh của Thiên Chúa thay đổi khi chúng ta đối mặt với sự khốn cùng của con người và sự mong manh của cuộc sống. Phanxicô và Clara tìm thấy Thiên Chúa “tốt lành”, cảm thông và không trừng phạt, giữa những người nghèo và những người phung vốn là những người bị bệnh tật hành hạ và kề cận với cái chết trong phần lớn cuộc đời của họ. Điều này đã hình thành nhận thức của các ngài về bệnh tật và cái chết. Các ngài muốn những anh chị em bị bệnh được hưởng lợi từ sự giúp đỡ và cứu trợ lớn nhất có thể tại thời điểm đó. Đồng thời, các ngài khuyến khích mọi người chấp nhận bệnh tật với sự kiên nhẫn tích cực như một phần của cuộc sống, trong khi coi bệnh tật là cơ hội cho sự phát triển và trưởng thành của con người. Cái chết không là một bí mật cũng như không bị loại bỏ theo bất kỳ cách nào. Đối với các ngài, đó là một phần của cuộc sống khiến họ không sợ hãi vì nó không thể phá hủy những mối quan hệ đích thực của tình yêu và sự thuộc về. Vì mối nguy hiểm không nằm trong cái chết mà nằm ở trong tính bất hảo của sự ích kỷ. Bị các cơn khủng hoảng, bệnh tật, khoảng cách xã hội và sự bất công thách thức, cũng như bị thúc đẩy bởi sự thay đổi hình ảnh về Thiên Chúa, các ngài tạo ra một lối sống huynh đệ tương phản hoàn toàn với xã hội và giáo hội có giai cấp. Lối sống này, cũng dựa trên tôn giáo - tất cả mọi người là anh chị em trong Đức Giêsu Kitô và đều là thọ tạo của cùng một Đức Chúa - mang tính phổ quát. Quan trọng hơn, điều này cũng bao gồm các tín đồ và tất cả các thụ tạo khác. Kinh nghiệm về nghèo đói, bệnh tật và bị loại trừ sẽ giúp họ khám phá ra một Thiên Chúa quan tâm đến mọi tạo vật và nuôi dưỡng sự sống. Hơn nữa, việc nhận thức rằng một cuộc sống hạnh phúc phát sinh từ món quà của mối quan hệ nhân ái và cảm thông, và không thể có được bằng tiền bạc, tài sản hay quyền lực, đã biến đổi cách nhìn của họ về con người và thế giới. Thay vì "Con người kinh tế” (Homo Economicus), họ tập trung vào " Con người Anh / Chị” (Homo Fraternus / Sororius"), tạo ra các hiệu ứng xã hội và kinh tế. Thay vì dấn thân vào nền kinh tế tiền tệ tiền-tư-bản mới nổi lên, họ ưu tiên lao động chân tay để đảm bảo rằng hoạt động kinh tế của người dân được gắn liền với các mối quan hệ xã hội. Làm như vậy, họ vượt qua một nền kinh tế vì lợi nhuận, một nền kinh tế phải trả giá bằng con người và thiên nhiên, để quay trở lại với nền kinh tế quà tặng là nền kinh tế biết xác định các giá trị xã hội, văn hóa và đạo đức bên cạnh các giá trị tiền tệ. Với nhân sinh quan và thế giới quan của “Con người Anh / Chị” (Homo Fraternus / Sororius”) và với nền kinh tế quà tặng, họ được chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng không thể lường trước và có thể đối phó với chúng trong một quá trình học hỏi.

Như thế, chúng ta có thể học hỏi được gì từ cuộc khủng hoảng coronavirus của chúng ta, được truyền cảm hứng từ Phanxicô, Clara và truyền thống Phanxicô-Clara? Dưới đây là một vài gợi ý: “Khoảng cách vật lý” cần thiết hiện nay nên được thực hiện thông qua một “sự gần gũi xã hội” có trách nhiệm với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất: người nghèo, người già, người bệnh và những người đang mất kế sinh nhai. Để duy trì khoảng cách cần thiết vì lý do sức khỏe thông qua các hình thức gần gũi, chăm sóc và liên đới mới, chúng ta phải áp dụng trí tưởng tượng, tính linh hoạt tự phát, trực giác và tính nhân văn độc đáo.

Thay vì cho phép các công ty lớn trả cổ tức thông qua quỹ thuế, mục tiêu bây giờ là sử dụng quỹ để cứu mạng sống, xóa đói giảm nghèo và duy trì việc làm. Thay vì quay trở lại “bình thường” lợi nhuận của nền kinh tế tân tư bản chủ nghĩa, điều chúng ta cần bây giờ là can đảm chuyển đổi nền kinh tế thành nền kinh tế thị trường xã hội thực sự. Cuộc khủng hoảng của đại dịch này đã cho thấy rõ ràng rằng thực tiễn trước đây của chủ nghĩa tư bản không thể chịu được tình trạng như vậy. Rõ ràng, đã đến lúc phải đặt câu hỏi về hệ thống kinh tế tân tự do và các giáo điều về tăng trưởng vĩnh cửu của nó, và xem xét các cấu trúc và cơ chế khác một cách nghiêm túc. 

Chúng ta phải hiểu cuộc khủng hoảng này như một nhiệm vụ phải thay đổi hướng đi, kẻo chúng ta cố gắng tiếp tục xây dựng tương lai của nhân loại trên cát dịch chuyển. Đã có những cách tiếp cận đối với vấn đề này, ví dụ, trong nền kinh tế quà tặng, trong nền kinh tế liên đới và nhiều hơn nữa. Kinh doanh bền vững và hướng tới tương lai hiện là mệnh lệnh của thời đại. Tương tự như vậy, chúng ta nên làm điều gì đó nhiều hơn và nhanh hơn bây giờ để bảo vệ sự cân bằng của thiên nhiên và do đó để bảo tồn tạo thành, ngôi nhà chung của chúng ta. 

Phải từ chối các yêu cầu làm dịu bớt những quyết định vốn đã không đủ để bảo vệ thiên nhiên. Chúng ta không thể và không được quay trở lại quan điểm “hãy để tiền luôn chảy”. Nếu vậy, chúng ta sẽ không học được gì từ cuộc khủng hoảng này. Các thái độ đạo đức và luân lý cơ bản để định hình sự chung sống, nền kinh tế và đối phó với sự sáng tạo phải được thảo luận và thực hiện từ bây giờ.

Đại dịch này cũng kéo theo sự nghi ngờ của các tín hữu về hình ảnh của Chúa và về việc thực hành tôn giáo của họ. Câu hỏi mang tính thần học lại nảy sinh: tại sao Thiên Chúa cho phép điều này xảy ra? Những hình ảnh về Thiên Chúa được rút gọn thành những ý tưởng về sự toàn năng, về tính hoàn hảo, tính bất biến hoặc sự vô cảm (apatheia), cũng như những ý tưởng mang tính máy móc hoặc nhân quả, là những điểm khá khó khăn. Trong những cuộc khủng hoảng lớn, những người được linh đạo của Phanxicô và Clara hướng dẫn cũng mở lòng đón nhận Thiên Chúa, Đấng tỏ ra yêu sự tự do giữa những người nghèo, những người bệnh tật, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và giữa những người chấp nhận cuộc sống như một món quà quý giá. Hình ảnh này của Thiên Chúa tạo nên một cam kết hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới trong đó hòa bình, công lý và một cách tiếp cận hướng tới tương lai của tạo thành  có cơ hội được thực hiện.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến một thế giới tốt đẹp hơn đòi hỏi chúng ta phải bỏ lại phía sau con đường trên. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này bây giờ mở ra những con đường khác. Điều này đặt ra câu hỏi rằng điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta, điều gì thực sự đáng giá đối với chúng ta và điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của chúng ta, ngôi nhà chung của chúng ta? Để trả lời những câu hỏi như vậy cần có sự kiên nhẫn, vốn là một trong những đức tính Phan sinh. Tất cả chúng ta giờ đây cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn, và điều đó không chỉ có nghĩa là sự chịu đựng thụ động, gánh nặng và sợ hãi chờ đợi. Nếu không, các dây thần kinh sẽ sớm bị bóc trần. Sự kiên nhẫn cũng là động lực tích cực của sự kiên trì và tự tin trong thời điểm khó khăn, kết cục của nó vẫn chưa nhìn thấy. Khi kết hợp với tín thác và đức tin, kiên nhẫn là thái độ cơ bản để có được sự tự tin trong cuộc sống. Những người được ban tặng cho sự kiên nhẫn không chỉ đơn giản là cảm thấy thương xót trước các cuộc khủng hoảng mà còn đối mặt với những thách thức được tìm thấy trong những cơn bão và hạn hán thảm khốc, biết rằng khủng hoảng cũng mang lại cơ hội học hỏi và trưởng thành. Kiên nhẫn dõi theo ánh sáng le lói cuối đường hầm tăm tối và biết rằng một ngày sẽ tiếp nối mỗi đêm. Chắc chắn, nó không chỉ xóa sạch nỗi sợ hãi mà còn giúp bạn không bị tê liệt trầm cảm và hoảng sợ không cần thiết. Đó là sức mạnh cần thiết, có lẽ là một sự đau đớn, để thực hiện các bước hướng tới mùa hè sắp tới. Tất nhiên, sự kiên nhẫn mà chúng ta cần bây giờ có cái giá của nó: tuân thủ các kỷ luật cần thiết và thể hiện tình đoàn kết với các nhóm có nguy cơ lây nhiễm và người bệnh trên toàn thế giới. Với sự kiên nhẫn như vậy, chúng ta không chỉ vượt qua được cuộc khủng hoảng này mà còn hy vọng định hình một tương lai đáng sống cho tất cả mọi người với sự trưởng thành của con người, sự gia tăng kiến ​​thức và kỹ năng mới.

Br. Johannes B. Freyer, OFM
Missionszentrale der Franziskarner
Bonn, Germany

Chia sẻ