Skip to content
Main Banner

Sứ điệp cho tháng Ramadan 2019

Administrator
2019-05-17 00:00 UTC+7 64

Kính gởi: Quý Anh Chị em Hồi giáo của chúng tôi trên khắp thế giới:

As-salaamu ‘alaykum! Bình an ở cùng Anh chị em!

Nhân danh Ủy ban đặc biệt Đối thoại với Hồi giáo của Dòng Anh em Hèn mọn, tôi rất hân hạnh một lần nữa gởi đến Anh chị em lời chào mừng vào lúc bắt đầu tháng Ramadan. Đây là một thời gian thánh khi anh chị em tưởng nhớ và cử hành việc Thiên Chúa mạc khải sách Qur’an như một hướng dẫn cho nhân loại (al-Baqara 2.185). Đây là thời gian của những tương phản lớn: nghiêm ngặt ăn chay trong ngày và bửa ăn thịnh soạn (Iftar) vào lúc chiều tối, khi các món ăn được chuẩn bị cách kỹ càng và các món tráng miệng tương phản với vị ngọt đơn giản của những quả chà là và sự tinh khiết của nước mà anh chị em dùng để cắt chay; khi hàng ngàn người tụ họp lại với nhau để cầu nguyện trong các giáo đường, và mỗi người cầu nguyện trong sự tĩnh lặng của tâm hồn “để anh chị em có thể ý thức hơn (taqwa) về Thiên Chúa (al-Baqara 2.183). Đây là một thời gian chia sẻ đặc biệt với chính gia đình của anh chị em, với bạn hữu, và đây còn là một thời gian khi những người xa lạ được mời chia sẻ bữa ăn; một cách đặc biệt là trong tháng ăn chay tinh túy Hồi giáo này, các người Hồi giáo đón tiếp những người thuộc mọi niềm tin để chia sẻ iftar vào cuối ngày.

Năm nay, trong những tháng trước tháng Ramadan, người Hồi giáo đã tỏ ra hiếu khách và quảng đại tiếp đón Đức Giáo hoàng Phanxicô trong các chuyến công du của ngài đến Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất vào tháng hai, Vương quốc Morocco vào tháng Ba, cũng như trong các chuyến công du của ngài trước đó đến Đất Thánh, Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hòa Trung Phi và Ai cập. Trong các chuyến viếng thăm này, Giáo hoàng Phanxicô thường nói đến ước muốn của ngài noi theo gương của thánh Phanxicô Assisi là người mang “một sứ điệp hòa bình và huynh đệ” khi đến Ai Cập vào năm 1219, ở đó ngài được Quốc vương al-Malik al-Kamil tiếp đón cách nồng hậu. Giống như trường hợp của thánh Phanxicô và Quốc vương trước kia, các cuộc thăm viếng này đã cung cấp cho Giáo hoàng Phanxicô và các nhà lãnh đạo Hồi giáo những cơ hội minh chứng tình huynh đệ mà Thiên Chúa ước mong cho các Kitô hữu và Hồi giáo như “các hậu duệ của cùng một cha chung là Abraham.”(Yết kiến chung, ngày mồng 03 tháng 04, 2019)

Thật vậy, như Ngài Muhammad VI, Quốc vương của Moroccô, nhắc nhở cho chúng ta trong chuyến viếng thăm gần đây của Đức Giáo hoàng: tình huynh đệ được chia sẻ bởi các Kitô hữu và những người Hồi giáo đã có từ thời kỳ đầu của Hồi giáo. Nhiều năm trước Hijra*, khi các người Hồi giáo trải qua cuộc bách hại ở Mecca, Tiên tri Muhammad đã gởi họ sang ẩn náu với Negus, vị vua Kitô giáo của Abyssinia, người đã che chở họ.

Bi thảm thay, trong thế giới hôm nay, cả người Hồi giáo lẫn các Kitô hữu vẫn còn bị bó buộc tháo chạy khỏi quê hương của họ do bách hại, chiến tranh và bất công. Kể cả những người đã trốn chạy khỏi những vùng chiến sự vẫn không hoàn toàn an thân như chúng ta thấy xảy ra cách bi thảm ở những biến cố mới đây tại Christchurch, Tân-Tây-Lan và tại Sri Lanka. Trong những chuyến viếng thăm đến các Tiểu Vương quốc và Moroccô, Đức Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nói nhân danh các di dân và những người dễ bị tổn thương của thế giới. Tại Moroccô, ngài cổ vũ cộng đồng Kitô hữu: “tiếp tục là những người láng giềng đối với những ai thường bị bỏ rơi phía sau, những kẻ bé mọn và nghèo khổ, các tù nhân và di dân,” bằng các việc bác ái như “một con đường của đối thoại và hợp tác với các anh em và các chị em Hồi giáo, và với tất cả mọi người thiện chí(Rabat, ngày 31 tháng 03, 2019). Sự quan tâm đến người nghèo, những người túng thiếu và những di dân, lẽ dĩ nhiên, thì căn bản đối với Hồi giáo, như được nhấn mạnh cách rõ ràng trong Qur’an:

Không đúng việc ngươi quay mặt hướng về phía Tây hoặc phía Đông; nhưng là một sự việc đúng khi tin vào Thiên Chúa, vào ngày Tận thế, vào Cuốn Sách và các Sứ giả; việc hết lòng yêu mến Người, yêu mến các người thân của ngươi, các kẻ mồ côi, những người túng thiếu, những khách đi đường, những ai xin ngươi, và tiền chuộc các nô lệ (al-Baqara 2.177)

Chúng ta thấy các giá trị mà người Hồi giáo và Kitô giáo cùng chia sẻ, cũng như các mối quan tâm chung của họ trong văn kiện đáng lưu ý, được ký bởi Đại Giáo trưởng của al-Azhar, Ahmad al-Tayyeb và Giáo hoàng Phanxicô ở Abu Dhabi vào tháng Hai. Trong bản văn lịch sử này, có đề tựa: “Một văn kiện về tình huynh đệ giữa con người cho Hòa bình Thế giới và Chung sống với nhau,” các tín hữu – cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo - được gọi là “những người tin”, và cùng được khích lệ trong việc bảo vệ tạo thành và nâng đỡ mọi người, đặc biệt các người nghèo, những kẻ túng thiếu, những người sống bên lề xã hội, và những người đang cần sự giúp đỡ, bao gồm các kẻ mồ côi, góa phụ, tị nạn, những người lưu vong và các nạn nhân của chiến tranh và tra tấn, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ. Trong khi xác nhận các vấn đề và những thách đố mà các người Hồi giáo và các Kitô hữu cùng đối mặt trong thế giới – chính trị, kinh tế, kỹ thuật và môi trường - văn kiện này, hoa trái của huynh đệ đoàn Hồi giáo - Kitô giáo, có thể giúp thúc đẩy sự đối thoại một cách đáng kể “giữa những người tin và người không tin, và giữa mọi người có thiện chí.”

Một trong những hình ảnh tồn tại lâu nhất mà tôi có về Ramadan, đó là iftar, bữa ăn được mong chờ nhất vào lúc cuối của một ngày giữ chay. Tôi thích thú nhớ lại những lời mời cắt chay, không chỉ từ những người bạn - nhưng từ những người hoàn toàn xa lạ, giữa viên cảnh sát đang làm nhiệm vụ và những chủ tiệm ở Cairô. Khắp nơi trên thế giới, các anh em và các chị em Phan Sinh, và các giáo hữu của mọi tôn giáo được mời dùng bữa cách quảng đại trong những thánh đường và những gia đình Hồi giáo. Như thế bàn ăn iftar trở thành biểu tượng của sự hội tụ “các kẻ tin.”

Thành phố Giêrusalem cũng có thể được dùng như một nơi quy tụ các người tin, những người con của Abraham – Hồi giáo, Kitô giáo, Do thái giáo - mỗi tôn giáo với lòng mộ đạo và nhiệt thành như nhau. Trong ý hướng này, khi ở Moroccô, Giáo hoàng Phanxicô đã cùng với Ngài Quốc vương Muhammad VI ký một bản văn kêu gọi bảo vệ và đề cao Giêrusalem (al-Quds):

“như di sản chung của nhân loại và, cách đặc biệt đối với những tín đồ của ba tôn giáo độc thần, như một nơi gặp gỡ và như một biểu tượng cho sự chung sống hòa bình, ở đó sự tôn trọng lẫn nhau và sự đối thoại có thể được vun trồng.”(Rabat, ngày 30 tháng 03, 2019)

Những cuộc gặp gỡ giữa các vị đại diện khác nhau của các cộng đồng và các quốc gia Hồi giáo với Giáo hoàng Phanxicô là một tiêu biểu cho tình huynh đệ sâu đậm mà các người Hồi giáo và các Kitô hữu có thể trải nghiệm bất kể những khác biệt đã phân định chúng ta trong một thời gian quá dài. Trong tháng Ramadan này, chúng tôi cầu nguyện cho sự bình an và an toàn của các cộng đồng của anh chị em, và ước mong rằng thời gian này có thể đem lại một cuộc gặp gỡ đầy ân phúc với Thiên Chúa và một cuộc gặp gỡ an hòa với tất cả những ai có thể thừa hưởng từ đức tin và tình huynh đệ của anh chị em. Như sách thánh Qur’an nhắc nhủ chúng ta:

Mỗi người đều có một hướng đi để theo đuổi. Hãy ganh đua nhau trong các việc thiện. Bất kỳ anh chị em ở đâu, Thiên Chúa đem các anh chị lại với nhau. Đúng là Thiên Chúa thì toàn năng trên hết mọi sự.”(al-Baqara 2.148)

Chúng tôi chúc anh chị em một Ramadan đầy ân phúc. Ramadan Mubarak! Ramadan Kareen!

 

Br. Michael D. Calabria, OFM

Trợ lý đặc biệt cho Ủy ban Đối thoại với Hồi giáo

 

Các thành viên của Ủy ban Đối thoại với Hồi giáo :

Br. Manuel Corullon, OFM

Br. Ferdinand Mercado, OFM

Br. Jamil Albert, OFM

*Cuộc di tản đến Abyssinia, hoặc Hegira (Hijra) đầu tiên, là cuộc di tản của 83 người đầu tiên theo Muhammad đến vương quốc của Aksum (trước kia được gọi là Abyssinia) năm 615 dương lịch, để tránh cuộc bách hại ở Mecca.

AH. Dịch

Chia sẻ