Skip to content
Main Banner

Giữa Tổ Ấm Và Con Đường: Ý Nghĩa Của Đời Sống Tu Trì Và Đời Sống Phan Sinh Ngày Nay

Administrator
2022-03-21 00:00 UTC+7 68

(Bài viết của anh Tổng Phục vụ Massimo Fusarelli trên nhật báo L’Osservatore Romano, ngày 4 tháng 2 năm 2022)

Cách đây vài ngày, tôi hỏi một anh em trẻ trong Dòng rằng anh ta nghĩ gì về ý nghĩa của đời sống tu trì ngày nay. Ngập ngừng suy tư một lúc, anh trả lời: “Biết mình có một chỗ đứng để khẳng định bản thân.” Tôi đã nghĩ về cách mà tôi sẽ trả lời, trong trường hợp như anh ấy, hơn ba mươi năm trước... Có lẽ tôi đã nói rằng tôi thực sự muốn sống theo Phúc âm, làm điều gì đó có ích cho người khác. Những cách cảm nhận khác nhau về đời sống tu trì và đặc biệt là ơn gọi Phan sinh, đã thúc đẩy tôi suy ngẫm.

Đã có những lúc mà một số điều chắc chắn xem ra như đã rõ ràng, và các nhu cầu cá nhân dường như ít được chú ý đến. Người ta có thể tìm thấy một ý nghĩa, tức là, một phương hướng, một định hướng cho cuộc hành trình. Một vài câu hỏi được đặt ra: Tôi là ai? Thế giới là gì? Tôi sống vì ai và sống để làm gì...? - Những câu hỏi như vậy vẫn còn đó, ngay cả khi chúng bị trộn lẫn với những cảm xúc khác.

Tôi tua lại đoạn băng câu chuyện đời mình và nhận ra rằng những câu hỏi đó thực sự quan trọng trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi. Ngay cả lúc này chúng vẫn tiếp tục vang lên trong tôi, mặc dù theo một cách thức mới do các trải nghiệm và độ lùi của thời gian. Bây giờ, đối với tôi, ơn gọi Phan sinh xuất hiện ra như một dự án rõ ràng và “luân phiên” trong ý nghĩa Phúc âm của thuật ngữ đó: Giống như người lắng nghe Lời và từ đây nhìn thấy một cuộc sống mới được tạo ra, được định hình bởi các Mối Phúc, một cuộc sống không đối nghịch với thế giới nhưng thường xuyên phải đương đầu với nó.

Thánh Phanxicô cho chúng ta thấy rằng sống các Mối Phúc là việc khám phá và gặp gỡ Thiên Chúa của lòng thương xót, Đấng đến gặp chúng ta qua những người phong cùi, những anh chị em, những người dễ bị tổn thương, nói gọn, là những người lân cận của chúng ta. Đó là sự tự do theo quan điểm hạn hẹp của “cái tôi” chúng ta. Đó là lời kêu gọi đón nhận Tin Mừng không phải một mình, nhưng như những người anh em. Tiếng kêu này đã vang lên trong những thời kỳ lịch sử khác nhau: Hãy để bản thân đụng chạm đến những chất vấn, những mâu thuẫn, những câu hỏi chưa được giải quyết, là điều đã giúp cho đời sống Phan sinh luôn mới mẽ trong suốt tám thế kỷ qua.

Nếu ơn gọi của tôi bắt đầu từ những khía cạnh mang nặng tính cá nhân, thì theo thời gian, tôi đã học cách mở ra để gặp gỡ những người khó khăn, những người dễ bị tổn thương, và từ đây tôi được dẫn đến những tương quan mới, ngay cả với anh em của tôi.

Thánh Phanxicô hiểu rằng chính bàn tay của lòng thương xót đã đưa ngài thoát khỏi sự nông cạn của một dự án phát xuất từ trực giác cá nhân, dù là một dự án hoàn toàn tâm linh. Chính những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người không thể cho chúng tôi điều gì để đổi lại đã giúp chúng tôi khám phá ra, gần như cảm nhận được trên da thịt mình, ý nghĩa của đời sống Phan sinh, và như vậy, cũng là ý nghĩa của đời sống nhân sinh.

Mở đầu cho cuộc gặp gỡ này là điều quan trọng đối với tôi và đã tạo động lực mới cho ơn gọi của tôi với tư cách là người Anh em Hèn mọn: Tôi khám phá ra rằng từ quan điểm hèn mọn này, việc lắng nghe Phúc Âm trở nên sống động hơn khi tiếp xúc với những người nghèo mà Chúa đặt trên hành trình của tôi.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi một khủng hoảng làm mất đi tình yêu thuở ban đầu của đời tu là việc cô lập bản thân khỏi những người khác, giới hạn việc phục vụ xuống mức tối thiểu để chấp nhận một đời sống tầm thường và lặp đi lặp lại, đến nỗi chỉ dừng lại ở một số việc phục vụ và công tác nhất định, có nguy cơ không còn tiếp xúc được với ngọn lửa đã tạo ra chúng.

Đây là lý do tại sao tôi tin rằng đời sống Phan sinh vẫn còn có thể nói với những người trẻ ngày nay, đang đắm mình trong một giai đoạn lịch sử khá phức tạp, lởm chởm và gắn liền với những cảm xúc tức thời, nhưng vẫn còn khả năng kiếm tìm chân lý. Chẳng hạn, lời cam kết bảo vệ ngôi nhà chung của các thế hệ hôm nay, chẳng phải đã truyền cho chúng ta điều gì đó rất lạc quan? Phản ứng của nhiều người trẻ trước những hạn chế do đại dịch gây ra, đôi khi vượt quá tầm kiểm soát, lại không cho thấy họ đang tìm kiếm sự gần gũi và đồng hành vốn là điều cơ bản của lứa tuổi đó sao? Và những hy sinh phục vụ của họ cho người già và người tàn tật, được thực hiện trong một thời điểm khó khăn như vậy, lại không phải là một thông điệp cần được lắng nghe cẩn thận? Trong hoàn cảnh vô cùng khác biệt so với thời chúng tôi đã từng bước đi, ý nghĩa của sáng kiến huynh đệ thậm chí còn hùng hồn và dễ thấy hơn biết mấy.

Trong cuộc hành trình liên tục của phong trào Phan sinh – thường xuyên bị căng thẳng giữa lý tưởng cao cả của Tin Mừng và khuynh hướng thích nghi tự nhiên – một yếu tố thiết yếu chính là sự quan tâm đến người khác và gặp gỡ mọi thụ tạo. Đây là nơi chúng ta có thể là những người đầu tiên lắng nghe và sau đó để cho Lời cứu rỗi vang lên một lần nữa.

Trong cuộc tìm kiếm những khát vọng cao đẹp, nhiều người trẻ bị thu hút bởi lý tưởng khó nghèo đích thực của đời sống Phan sinh, nhưng rồi lại thất vọng trước những thực tế họ nhìn thấy trong các cộng đoàn tu trì. Rủi ro là họ đã gặp những anh em và những huynh đệ đoàn đã chết, những người không còn giữ được ngọn lửa đoàn sủng và không còn để cho mình làm dấu chỉ của thời đại.

Nói tóm lại, chính sự chai cứng của trái tim và sự vô cảm trước những dấu hiệu mà Thần Khí khơi dậy trong chúng ta và xung quanh chúng ta, là trở ngại lớn nhất cho những người trẻ trong việc tìm kiếm chân lý; một cuộc tìm kiếm chân thành, dù đôi khi nhầm lẫn và không chắc chắn.

Chúng ta cùng trở lại suy tư ban đầu với câu trả lời của người anh em trẻ: “Tôi tìm một chỗ đứng”. Tôi muốn nghe thật kỹ từ này và không lập tức coi đó là cách diễn tả điển hình của một người trẻ hôm nay đang đi tìm một tổ ấm. Ước muốn như vậy đến từ đâu? Rất dễ dàng để trả lời.

Trong nhiều cộng đồng xã hội hôm nay, đặc biệt ở phương Tây, đang thiếu vắng trầm trọng những mối quan hệ và những nơi chốn gặp gỡ có khả năng làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Phải chăng cuộc khủng hoảng đại dịch vẫn chưa phá vỡ được bức màn vây kín cuộc sống hoàn toàn tập trung vào cá nhân và các nhu cầu vị kỷ? Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ rất nhiều lần, rằng không ai được cứu một mình? Chẳng phải chính trong hoàn cảnh bị cô lập và mất liên lạc với xã hội mà chúng ta ý thức được đâu là giá trị, ý nghĩa và điều cần thiết cho chúng ta?

Vì lý do này, kinh nghiệm Phan sinh có thể mở ra một không gian sống động và cụ thể của tình huynh đệ, một hình thức trân quý của tình bạn thiêng liêng. Trong đó, chúng ta nhận ra lời mời gọi trở nên những người anh em, nhân danh Thiên Chúa chúng ta, Đấng là Cha của tất cả mọi người. Như vậy, chất lượng của các mối tương quan huyng đệ trở thành tấm gương phản chiếu và loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa.

Khi đó, giá trị của đời sống tu trì có thể hình thành giữa “tổ ấm” (một nơi cụ thể mà cá nhân thuộc về, =huynh đệ đoàn) và “con đường” (=thế giới); con đường đó là cuộc sống hàng ngày, ‘giữa’ và ‘với’ những người mà chúng ta được gửi đến để trở thành dấu chỉ của Tin Mừng, qua đời sống chứng tá và - khi thích hợp - bằng lời rao giảng, như lời khuyên dạy của cha thánh Phanxicô.

Khi lịch sử loại bỏ khỏi chúng ta những hành trang cồng kềnh, chúng ta muốn trở lại trau dồi điều cốt yếu đã cam kết với tư cách là người môn đệ. Chúng ta muốn làm điều này với tất cả niềm vui và sự thúc đẩy của một người đang được yêu thương và biết mình được sai đi.

Đó chắc chắn là một lời mời gọi lớn hơn những gì chúng ta xứng đáng. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta vượt lên chính mình và ban cho chúng ta những năng lực không chỉ cho riêng ta.

Trong cuộc gặp gỡ với Ngài, chiều kích của hiện hữu được mở rộng và trở nên phong nhiêu.

Có lẽ ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, khá đơn giản, là tất cả ở đây.

Tu sĩ Massimo Fusarelli, ofm

Tổng Phục Vụ

(Nguồn: https://ofm.org/it/blog/tra-il-nido-e-la-strada-il-senso-della-vita-religiosa-e-francescana-oggi/)

Chia sẻ