Skip to content
Main Banner

Đối thoại giữa một Nhà Khoa học và một Chuyên viên Kinh Thánh

Administrator
2017-09-12 00:00 UTC+7 212

Trang Thường Huấn xin gởi đến quý Độc Giả phần I trong tác phẩm Đối Thoại Giữa Một Nhà Khoa Học và Một Chuyên Viên Kinh Thánh của Gabriel M. Allegra, OFM, dịch giả Alexis Trần Đức Hải, OFM, tr. 57-82

 

Teilhard: Tôi đang chờ cha. Xin mời cha ngồi, và chúng ta hãy bắt đầu ngay với việc bàn luận chủ đề của chúng ta, chủ đề mà tôi muốn diễn đạt rõ ràng và chính xác bằng các hạn từ sau: vũ trụ được sắp xếp quy hướng về Đức Kitô; đó là Viên Mãn của Đức Kitô. Cha đã nói với tôi rằng các khẳng định này chứa đựng một sự thật vĩ đại và tuyệt vời, tuy nhiên cha chưa hoàn toàn đồng ý với tôi về cách diễn đạt chúng. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là tôi không nói như một nhà thần học, hoặc như một nhà triết học. Tôi chỉ quan tâm đến những ai foris sunt (ở bên ngoài), các nhà khoa học. Thánh Phanxicô Xaviê, như cha biết, có những người Ấn để truyền giáo; còn tôi, các người Ấn của tôi là các khoa học gia hiện đại. Một số lượng to lớn những tâm hồn đi tìm kiếm Thiên Chúa! Giá mà có người nào đó đến giúp họ và chỉ cho họ con đường đến với Người (“quaerunt Deum, si forte attractent eum” – qc. Tv 17:27). Tôi cảm tưởng như đang nghe tiếng kêu mời thống thiết của họ: “Transi et adjuva nos” (Hãy đến và giúp chúng tôi – qc. Cv 16:9) Cho đến bây giờ tôi thấy cách rõ ràng sứ mạng của tôi, tuy nhiên tôi không phải là một thần học gia, và vì thế tôi hết lòng vui mừng khi có dịp nghe một thần học gia có lòng muốn khẳng định xác tín của tôi và lòng yêu sốt mến của tôi đối với Đức Kitô Vĩ Đại. (Le Grand Christ)

Allegra: Thưa cha, tôi lấy làm tiếc nói với cha rằng, người đang ở trước mặt cha đây không phải là một nhà thần học, nhưng đúng hơn, là một người con khiêm tốn của thánh Phanxicô Atxisi, Đấng mà, giống như cha, bị nét hùng vĩ vũ trụ của Đức Kitô thu hút - Rex totius universitatis, Vua của toàn vũ trụ - Sự hùng vĩ này vốn không gì khác hơn là hệ luận lô gích của học thuyết của trường phái Phan sinh, và cách đặc biệt của John Duns Scotus, nhà thần học vĩ đại về tính ưu việt tuyệt đối và hoàn vũ của Đức Kitô. Như ngài, tôi hầu như không hiểu được làm sao người ta có thể nói về Ngôi Lời Nhập Thể như Hữu Thể vĩ đại nhất, cao cả nhất, và thánh thiện nhất trong tất cả mọi hữu thể, và đồng thời xác nhận rằng tội là duyên cớ cho sự Nhập thể của Ngài. (“occasioned” by sin)

 Như tôi đã nói với cha trước kia, lời khẳng định quan điểm của cha đã gây một ấn tượng sâu đậm trong tôi: “Đức Kitô của các Tin mừng, được cưu mang và được yêu mến theo quy mô của thế giới Địa Trung Hải”. Lời khẳng định này làm tôi nghĩ rằng, xét từ một số quan điểm nào đó, toàn bộ cố gắng truyền giáo có vẻ như thất bại. Nhưng dù sao tính lạc quan bền bỉ của tôi không hề bị lay động do bởi  hai giáo thuyết nền tảng của Tạo dựng và Nhập thể, hoặc, nói cách chuyên biệt hơn, của giáo thuyết về Ngôi Lời Nhập Thể “per quem omnia facta sunt et in quo omnia constant” (nhờ Người, tất cả mọi sự được tạo thành và trong Người tất cả đều được nối kết lại - qc. Col 1: 16-17). Có lẽ cha sẽ thấy điều này kỳ lạ, nhưng cha có thể sẽ hài lòng khi biết rằng một nhà luật học người Ý nổi tiếng, Ngài Alberto De Stefani, khi nói với tôi về các hậu quả đáng buồn và gây đổ vỡ của cuộc chiến tàn nhẫn này, đã kết luận bằng những từ sau: “Cuối cùng, chúng ta phải luôn luôn duy trì niềm hy vọng, bởi vì chúng ta tin vào tạo dựng, nghĩa là tin vào một Thiên Chúa Đấng Tạo thành, và bởi vì chúng ta tin vào mầu nhiệm Nhập Thể.”

Teilhard: Đây là một khẳng định đầy thuyết phục và đúng sự thật nhất. Xin cha tiếp tục nói cho tôi nghe bằng cùng sự thẳng thắn và nét khả ái mang tính chất phan sinh này. Nầy cha Allegra, cha thấy không, mặc dù tôi bắt đầu từ những cơ sở khác, các cơ sở của khoa học, nhưng tôi đạt đến cùng những kết luận như cha. Điểm bất đồng duy nhất là tôi diễn tả tư tưởng của tôi bằng một từ vựng khác. Như tôi đã nói với cha trước kia, tôi cố gắng làm cho những người ngày nay hiểu, những người mà mỗi khi vừa nghe nói đến thuyết hình chất, hoặc bất cứ học thuyết nào của Aristote hay kinh viện, thì lập tức chau mày. Cha phê bình tính hàm hồ của thuật ngữ của tôi, và có lẽ cha làm như thế là do nhiều lý do tốt đẹp. Nhưng đó lại là mục đích chính xác - một mục đích mà tôi muốn hoàn thành - bắt tôi sử dụng một từ vựng như thế. Để trở về lại với đề tài “Đức Kitô Vĩ Đại,” tôi biết, từ các cuộc trao đổi của tôi với Hales,[1] de Grandmaison,[2] Lebreton[3] - tôi tin chắc là cha quá quen với các tên tuổi này - rằng, cùng với học thuyết về Ngôi Lời trở thành Người hầu như là chỉ để Cứu chuộc con người, còn có một học thuyết khác về Nhập Thể hoàn toàn độc lập khỏi tội lỗi của trường phái Phan sinh. Tiếc rằng loại công việc của tôi không cho phép tôi dồn toàn tâm lực vào việc nghiên cứu đề tài hấp dẫn này. Tuy nhiên, thánh Phaolô, cả qua giáo thuyết của ngài về Đức Kitô Viên Mãn lẫn trong các thư của ngài gởi cho tín hữu Côlôsê và Êphêsô, dạy tôi và làm tôi ý thức sự việc Đức Kitô là Alpha và Ômêga, là trung tâm và là kết thúc của toàn thể vũ trụ thì đúng là ngần nào! Xin cha nói cho tôi biết, ngày nay giới thần học đón nhận học thuyết này như thế nào? Có những người theo nó, hoặc có lẽ nó được bàn đến như một đề tài có tính lý thuyết, nếu không nói là hoàn toàn bị bỏ quên không?

Allegra: Thưa cha, còn hơn cả bị bỏ quên nữa! Học thuyết này hoặc bị các vị -vốn tầm thường- soạn sách giáo khoa thần học tín lý tấn công, hoặc, còn tệ hại hơn nữa, bị đề cập đến với một thái độ kiểu như “thấy tội nghiệp mà thương hại”, một thái độ thực sự gây tổn thương, xúc phạm.

Teilhard: Oh, les professeurs! Il y en a des myopes! (Ồ, các giáo sư! Có những vị thiển cận là ngần nào!)

Allegra: Trong những tác phẩm thần học nghiêm chỉnh và sâu sắc hơn, học thuyết này thường được trình bày bên cạnh và so sánh với học thuyết thường được đa số chập nhận là: Nhập Thể là để Cứu Chuộc. (Nd. nghĩa là mục đích chính của Nhập Thể là để chuộc tội). Cũng có những vị, theo chân của Suarez, cố gắng điều hợp hai học thuyết xem ra xung khắc này.[4] Theo ý tôi, một giải thích rõ ràng và mang tính học thuật cao của toàn bộ vấn đề được tác giả Michel trình bày trong cuốn “Tự điển thần học công giáo[5] Tuy nhiên, nếu tôi không lầm thì các anh em Phan sinh bị bỏ rơi hầu như một mình trong chiến tuyến bảo vệ sự ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô, hoặc học thuyết chủ trương rằng Nhập Thể không bị tội của con người tác động. Mấy năm trước, vị Tổng Phục vụ tiền nhiệm của chúng tôi, Leonard M. Bello, ofm, gởi một thư chung cho toàn thể Anh em trong Dòng, trong đó ngài trình bày học thuyết đẹp đẽ này, và nghiêm chỉnh kêu mời các anh em ngài dạy, phổ biến và bảo vệ nó.[6] Trong phần trình bày rất hay văn kiện này, cha Bello chỉ cho thấy rằng, cùng với giáo huấn của các thủ bản thần học, trong Giáo hội luôn có, như hiện đang có hôm nay đây, những tư tưởng gia vĩ đại, những nhà thần bí, và những vị thánh chấp nhận và bảo vệ vương quyền của Đức Kitô, hoặc tính ưu việt tuyệt đối. Thật là thích thú khi thấy một số nhà chú thích Anh giáo, ví dụ nổi tiếng như Westcott,[7] hết lòng ủng hộ cùng một học thuyết này và đặt nền tảng của việc giảng dạy của họ trên Kinh Thánh, đặc biệt các lá thư của thánh Phaolô.

Teilhard: Xin cha nói thêm cho tôi về các Giáo phụ và các người bảo vệ học thuyết này, mặc dù tôi không có giờ để đọc nhiều, tôi nghĩ rằng giáo huấn của thánh Phaolô thì đã quá đủ. Nếu tôi nhớ không sai thì, mấy năm về trước, Giám mục Herbigny đã nói với tôi rằng kể cả các người Liên xô và Chính thống, nói chung, họ tin vào học thuyết này.[8]

Allegra: Cha Teilhard, trong mức độ liên quan đến các nhà thần học, hoặc đúng hơn các vị thuộc Chính Thống giáo, tôi có thể nói cho cha hay điều này đã có trong tài liệu của lá thư của cha Bello. Do bởi giáo thuyết của họ về sự thần hóa của bản tính nhân loại qua Nhập thể, họ, hoặc minh nhiên hoặc mặc nhiên, đặt Cứu Chuộc lệ thuộc vào Nhập Thể. Chính Nhập Thể, trên thực tế, vinh danh Thiên Chúa trong một cách đặt biệt và thần hóa vũ trụ. Tổng Giám mục Chính thống của Bắc Kinh, Ngài Victor, và thần học gia của ngài, giáo sư Zeiseff, không quen với thần học phương Tây, nhưng các ngài biết rằng, trên điểm này, trường phái Phan sinh gần với học thuyết của họ hơn, và - họ nói với tôi như thế - họ rất hãnh diện về điều này. Cùng một ý tưởng đó đã được bà Varaschini, một học giả uyên bác và là một tín hữu đạo đức người Nga, từ Giáo hội Chính Thống chuyển qua Công giáo, không ngừng biểu đạt với tôi.

Liên quan đến tư tưởng của các Giáo phụ, tôi có thể quy chiếu về các kết quả nghiên cứu của một trong những người anh em người Pháp của tôi, cha Chrysostome Urrutibéhéty - tôi nghĩ cái tên là ở xứ Basque - trong tác phẩm Christus, Alpha et Omega của ngài, phân tích ý kiến của các Giáo phụ Hy lạp và La tinh mãi cho đến thời phục hưng của Kinh viện của thế kỷ thứ 16 và 17.[9] Ngoại trừ một số nhỏ chi tiết thiếu chính xác của khoa phê bình lịch sử, tác phẩm, xét như toàn bộ, đem lại cho độc giả một ấn tượng dứt khoát rằng học thuyết về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô không có lý gì xa lạ và cực đoan như các thủ bản thông thường của thần học tín lý xem ra nói đến. Ngược lại, học thuyết này được bén rễ sâu trong truyền thống to lớn của Giáo hội xưa. Nó đã được các Giáo phụ có thế giá chấp nhận, chẳng hạn như thánh Irênê, thánh Athanasius, thánh John Chrysostom, thánh Cyril thành Alexandria, Anastasius xứ Sinai, và Isaac xứ Ninenê, đó là chỉ nêu lên một số tên.[10] Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, rất nhiều chứng nhân nổi tiếng cho Truyền thống này - và tôi bao gồm trong các vị này một vị vĩ đại hơn hết là thánh Augustinô - trong thực tế, đã không để tâm cố gắng làm một tổng hợp liên can đến giáo huấn của Nhập Thể độc lập khỏi tội, và giáo huấn về Nhập Thể Cứu Chuộc. Trường hợp ngoại lệ duy nhất nỗ lực làm theo hướng này là Rupert of Deutz, một trí óc đầy năng lực. [11]

Tiếc rằng, sau Rupert, người ta có thói quen trình bày học thuyết về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô không như một chân lý mạc khải nũa, mà lại trình bày nó đơn giản như một giả định: Nếu Ađam không phạm tội, Ngôi Lời có nhập thể không? Trước một câu hỏi như thế, các vị lãnh đạo lớn của học phái Kinh viện như thánh Tôma và thánh Bônaventura, đều trả lời không, và khi làm như thế, các ngài đã đi ngược lại với chính các vị thầy của họ là thánh Albertô Cả và Alexander of Hales. Tuy nhiên, cần phải công bằng mà nói là cả hai vị đều bảo vệ một số nguyên tắc mà nếu đi tới cùng các kết luận lô-gích của chúng, có thể đưa đến học thuyết về tính ưu việt tuyệt đối. Có thể là các động cơ đàng sau các học thuyết của họ, cũng như các động cơ đàng sau cái nhìn của thánh Augustinô, phát xuất trước tiên từ sự lo sợ chọn một lập trường xem ra có vẻ đi ngược lại với nhiều khẳng định rõ ràng của Kinh Thánh; kế đến, quan điểm của họ sẽ đơn giản hơn nhiều khi trình bày giáo thuyết Nhập Thể như đơn thuần, hoặc ít là một cách chính yếu, hướng về Cứu Chuộc; và sau cùng, một chọn lựa quan điểm như thế sẽ gợi lên cách tức thời trong tâm hồn của các tín hữu những tâm tình sùng kính, mộ đạo. Bây giờ, nếu người ta suy nghĩ trong chốc lát về ảnh hưởng mà giáo huấn của các vị Tiến sĩ này đã có trên các trường phái Công giáo, thiết nghĩ sẽ khó mà chờ đợi ở các nhà biên soạn sách giáo khoa một sự quan tâm dành cho học thuyết về tính ưu việt của Đức Kitô như nó đáng được. Ngược lại, cách mà các vị này đề cập vấn đề thường cho người ta cảm tưởng rằng họ không những xem đây chỉ là một loại sùng kính, một việc đạo đức, mà họ còn không hề nghĩ rằng đây là một cái gì liên can đến vinh quang lớn nhất của Đức Kitô, và hầu như - đối với tôi thì chắc chắn - là một dữ liệu cùa mạc khải được tìm thấy trong Kinh Thánh và ở nơi các Giáo phụ và các Tiến sĩ Hội thánh.

Teilhard: Cha Allegra, chắc cha biết trường hợp của Galilêô. Ngay ngày nay, còn biết bao nhiêu người - và không phải tất cả họ đều là Công giáo - từ chối, kể cả bàn luận về các khẳng định của bậc thiên tài này, và nhìn lên trời qua kính thiên văn của ông, bởi vì dụng cụ thăm dò và quan điểm này sẽ có thể lật nhào toàn hệ thống thiên văn của Ptolemaic Aristotêlian. (Nd. Xem “The universe of Aristotle and Ptolemy”, trong Google.) Sự lười biếng trí thức và thái độ bảo thủ quá đáng trong lãnh vực khoa học, của tất cả các khoa học, thường là một trở ngại cho tiến bộ, cho đến khi nổi dậy một tư tưởng gia thật sự, một người nhìn thấy cách trực giác, như một tia sáng, toàn bộ sự thật và trình bày các yếu tố của nó trong một tổng hợp hài hòa. Xin lỗi đã ngắt lời cha; xin cha tiếp tục và nói cho tôi nghe thêm về sự Viên Mãn của Đức Kitô.

Allegra: Cha Teilhard, tôi không thích nói đến sự Viên Mãn theo nghĩa mà cha gắn cho chữ này, bởi vì hạn từ này, ở nơi thánh Phaolô, bao hàm một số ý nghĩa, và tự nó có thể đưa đến chỗ hàm hồ. Tôi thích dùng từ ngữ “tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô” hoặc “vương quyền phổ quát của Đức Kitô” hơn. Để trở về lại với mạch câu chuyện của chúng ta, tôi muốn lưu ý cha về sự kiện là, mặc dù học thuyết này bị đa số các thủ bản thần học coi thường, nó vẫn còn tỏ ra hấp dẫn đối với một số lớn các học giả kiệt xuất của Giáo hội. Tôi nghĩ không cần thiết nêu lên ở đây tất cả các vị đại diện của trường phái Phan sinh, những vị mà, về điểm này, không trừ một ai là không theo người lãnh đạo của họ, John Duns Scotus. Tuy nhiên tôi không thể quên nhắc ở đây tên của một vài khuôn mặt chính trong quá khứ, như thánh Bernadine thành Sienna[1] và thánh Lawrence xứ Brindisi,[2] và một nhóm chọn lọc các học giả, và những nhà thần học nhiệt thành trong những thời gian gần đây hơn. Trong số các vị thuộc nhóm sau này, có rất nhiều vị là người Pháp, chẳng hạn như cha Déodat de Basly,[3] cha Chrysostom, đã nói ở trước, cha Valentin Marie Breton,[4] cha Marie Bonaventure,[5] cha Jean F. Bonnefoy,[6] cha Jean Marie Bissen,[7] cha Ephrem Longpré, người Canađa,[8] cha Charles Balíc, người Croatia, chủ tịch ủy ban ấn bản phê bình các tác phẩm của Scotus,[9] Hiệu trưởng trường đại học Thánh Tâm ở Milan, cha Agostinô Gemelli,[10] và nhiều vị khác. Trong số những người bảo vệ học thuyết này, còn có những vị không thuộc Dòng Phan sinh. Tôi có thể kể ra đây một số vị, như Hồng Y Pierre de Bérulle,[11] Bậc đáng kính Jacques Olier,[12] Giám mục Bougaud,[13] Giám mục Bonomelli,[14] cha Frederick W. Faber,[15] Giám mục Westcott, nhà chú giải Anh giáo đã được nhắc đến,[16] và, nếu tôi hiểu đúng tư tưởng của ngài, nhà thần học xuất chúng Matthias Scheeben,[17] triết học gia người Ý Carmelo Ottaviano,[18] và nhất là thánh Francis de Sales.[19]

Teilhard: Thưa cha, cha đã nêu lên nhiều tên tuổi, tuy nhiên, chỉ có ba người trong họ là đặc biệt gây hứng thú cho tôi: Scotus, thánh Francis de Sales, và Gemelli, người mà tôi đặc biệt ngưỡng mộ. Tôi muốn biết thêm về họ.

Allegra: Cha Teilhard, liên quan đến Scotus, lần tới gặp nhau, tôi sẽ mang đến một bài thơ ngắn của một người anh em cùng dòng với cha, người Anh, Gerard Manley Hopkins, có tựa đề là “Duns Scotus’ Oxford”, mà bà de Margerie đã tìm thấy trong thư viện của Alliance Francaise, và đã có lòng tốt chép lại bằng tay cho tôi một bản.[20] Tôi tin chắc rằng cha sẽ thích nó, và nó sẽ tạo cho chúng ta cơ hội bàn đến một lần nữa Hiệp sĩ của Vô Nhiễm Nguyên Tội, như Scotus được gọi như thế. Thánh Francis de Sales trình bày tư tưởng của ngài trong khảo luận On the Love of God của ngài. Trong khảo luận này, ngài sử dụng những hạn từ làm người đọc thấy các bản văn của Scotus trở nên “dễ chịu”, những bản văn, thật ra, là khá khó đối với những người có trình độ trung bình.[21] Về phần cha Gemelli, ngài không dấn thân vào trong bất kỳ cuộc tranh luận nào: ngài chỉ đơn giản trình bày tư tưởng của ngài với toàn năng lực và sự nhiệt tình của ngài. Ngài cho tôi cảm tưởng là ngài đã đọc rất nhiều, tuy nhiên ngài suy nghĩ còn nhiều hơn thế nữa trên chủ đề về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô. Để hoàn toàn trung thực, tôi phải nói rằng cảm tưởng tôi có về ngài giống hệt như cảm tưởng tôi có về cha vậy. Ngài xem ra như nắm bắt được học thuyết này bằng một thứ trực giác khi đọc thánh Phaolô và thánh Gioan. Ngài cố gắng cảm nghiệm Đức Kitô như thánh Phanxicô đã trải nghiệm, và ngài bảo vệ tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô bằng các luận chứng của Scotus.[22]

Có lẽ cha sẽ ngạc nhiên khi nghe tôi nhắc tới một cái tên khác, cái tên mà vừa rồi tôi chưa nhắc đến: Don Luigi Sturzo[23] Vị linh mục rất chân thực và nhiệt thành này, một nhà xã hội học có tầm cỡ quốc tế, cũng là một người bảo vệ nhiệt tâm học thuyết về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô.[24]

Teilhard: Thật tình mà nói, tôi không hoàn toàn ngạc nhiên, vì tất cả các khoa học, giống như tất cả mọi hữu thể, đòi hỏi một nguyên lý, một tâm điểm, và một mục đích, Alpha và Omega, và cái này chỉ có thể là Đức Kitô mà thôi, Ngôi Lời Nhập Thể, “Đức Kitô Vĩ Đại” in quo omnia constant (trong Người tất cả đều tồn tại qc. Col. 1:17). Tuy nhiên tôi không chối sự kiện là tôi thích nhất khi nghe cha Gemelli và Don Sturzo nghĩ theo chiều hướng này. Bây giờ xin cha nói cho tôi nghe về tư tưởng của Scotus. Cha có đem theo các bản văn của ngài không?

Allegra: Tôi đem theo đây cuốn Summula Scotistica của cha Scaramuzzi và cuốn Tân Ước bằng tiếng Hy lạp, theo như ý cha đã muốn.

Teilhard: Vậy tôi có thể xin cha tóm tắt cho tôi cách rõ ràng, trong mức độ có thể được, cette grande doctrine (học thuyết tuyệt vời này). Lần sau chúng ta sẽ đọc các bản văn, và cha sẽ giải thích chúng cho tôi nhé!

Allegra: Cha à! Đây không phải là một công việc dễ dàng, nhưng tôi sẽ cố gắng. Thánh Kinh dạy về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô, cũng như dạy rằng có một mục đích khác cho Nhập Thể, cụ thể là sự Cứu chuộc nhân loại. Các Giáo phụ đã khẳng định cả hai điều, tính ưu việt và sự Cứu chuộc, mà không cố thử tìm một tổng hợp cho hai giáo thuyết này, nghĩa là không nối kết chúng lại trong một hệ thống hài hòa, hoặc như cách nói của cha, toàn bộ chân lý thánh Tôma và thánh Bônaventura đã dạy rằng mục đích đầu tiên của Nhập Thể là Cứu Chuộc, và uy tín của họ, - đặc biệt của thánh Tôma, - đã đưa đến việc nhìn nhận giáo thuyết này hầu như là giáo thuyết chính thức. John Duns Scotus lấy một lập trường chống lại hai vị Thầy vĩ đại này, cũng như ngài đã làm như thế khi liên quan đến giáo thuyết Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài đã nỗ lực tổng hợp lại hai giáo thuyết về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô và sự Cứu Chuộc của Người. Theo ý kiến của tôi, không có bất cứ một ai theo chủ trương của ngài đã thực sự thêm vào một điều gì mới vào các luận chứng mà ngài đã đề ra, mặc dù tôi hoàn toàn muốn nhìn nhận là trường phái linh đạo của Pháp đã rút ra những hệ luận tột bậc của câu nói sắc sảo của Scotus, “Deus voluit ab alio summe diligi” (Thiên Chúa muốn được yêu bởi một người khác trong một mức độ cao nhất),[25] cũng giống như thánh Francois de Sales đã rút ra những kết luận của một nguyên tắc khác của Scotus, “Deus est formaliter caritas” (Thiên Chúa là Tình Yêu bởi chính bản tính của Người.)[26]

Nếu tôi không lầm thì các suy niệm của cha Marie Bonaventure về Bí tích Thánh Thể, và một số suy gẫm thiêng liêng của Bậc Đáng Kính Olier, Gay, và Faber, -chỉ nhắc một vài tên tuổi -[27], cũng dựa trên học thuyết của Scotus. Điều này đúng cách đặc biệt trong trường hợp của khuynh hướng chính của trường phái Phan sinh trong thế kỷ 16 và 17, theo đó, kể cả sự hiện diện cách bí tích của Đức Kitô trong Thánh Thể và việc Đức Maria Vô Nhiễm Thai đều được Thiên Chúa muốn, Tình Yêu Đầu tiên (The First Love), mà không quy chiếu gì về tội lỗi. Khá ngạc nhiên là giáo huấn này được khẳng định trong vài tác phẩm của các Giáo phụ và của các nhà thần bí.

 Tôi xác tín rằng, cha Teilhard thân mến, “thần học thánh” (sacred theology) hôm nay phải nỗ lực làm một tổng hợp mà tôi vừa nhắc tới, và có lẽ hòa nhập nó với học thuyết của riêng cha. Lẽ dĩ nhiên điều này đòi hỏi những “đầu óc” đầy năng lực và những con tim tràn đầy tình yêu Thiên Chúa, Đấng duy nhất có khả năng làm xuất hiện những con người như thế trong Giáo Hội của Người. Sự hiểu biết kém cỏi của tôi làm tôi nói nhiều điều dại dột, tuy nhiên tôi không nghĩ là tôi ở xa quá sự thật khi tôi nói rằng cái được gọi là triết lý khoa học chưa được, - trong mức độ hiểu biết của tôi, - hội nhập vào trong học thuyết thần học tổng quan. Tôi đã trọn vẹn chia sẻ với cha tất cả tâm tư của tôi về vấn đề này, và tôi đã tỏ bày cho cha bằng giấy bút các phản ứng của tôi đối với tác phẩm Le Milieu divin của cha. Bởi vì cha đã giải thích cho tôi khái niệm siêu vật lý (hyperphysics) và Omêga của cha, tôi đã suy nghĩ nhiều trên đó, và đi đến kết luận là khuynh hướng tư duy mới và mạnh mẽ này có thể thực sự đóng góp cho việc canh tân nền thần học Kitô giáo và đem lại cho nó một sức sống mới.

Trong thời Trung cổ, thần học thánh có một sức hấp dẫn đối với các tín hữu; ngày nay, tôi sợ rằng nó làm cho mọi người buồn ngủ, kể cả các chủng sinh. Tình trạng đáng buồn này phải có một lý do. Tôi nghĩ rằng gia sản thánh thiêng của chúng ta thiếu lực sống và sáng tạo, hoàn toàn thụ động. Có lẽ điều này phát sinh do sự việc thần học bị cắt đứt khỏi triết lý khoa học vốn là bộ môn không ngừng tiến bộ và phát triển. Cũng có thể bởi vì thần học bị phân chia thành quá nhiều lãnh vực chuyên môn như hiện nay, hoặc bởi vì nó được quan niệm như một gia sản cần được bảo toàn hơn là một tài năng Phúc âm cần được sử dụng và phát huy. Để đem lại sức sống mới và tươi mát cho nền thần học mà chúng ta cần, nói theo Dante, “fuochi tutti contemplanti, cuori saldi, cupidi ingegni” (- những con người chiêm niệm, những tâm hồn vững mạnh và những trí óc nhiệt tình - Paradiso, XXII, 46, 51), nghĩa là những tâm hồn khao khát “Bánh bởi Trời” và “i dolcissimi veri” (những chân lý ngọt ngào nhất), như nhà thơ vĩ đại này thường dùng để chỉ khoa học. Nói tóm, chúng ta cần một người nào đó, hoặc có thể nhiều người, như Pascal, vùa là khoa học gia vừa là tư tưởng gia xuất chúng. Nhưng phải chăng chúng ta đòi hỏi quá nhiều ở nơi đa số các nhà thần học của chúng ta hôm nay không?

Teilhard: Tôi phải ngắt lời cha. Câu hỏi cuối của cha rất quan trọng, và là một câu hỏi không dễ gì trả lời. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng bằng cách tổ chức công việc theo nhóm (en équipe), công việc có thể được làm xong. Việc cha nhắc đến Dante và Pascal thì rất đúng chỗ. Liên quan đến Pascal, tôi đồng ý với cha rằng việc một linh mục Công giáo và một công dân nước Pháp như tôi đây phải biết ông ta thì hầu như đó là một bổn phận; còn đối với Dante, người bạn thân của tôi và là người anh em trong Dòng của tôi, cha Valensin, [28] đã có công rất nhiều trong việc làm cho tôi tán thưởng và ngưỡng mộ Dante, kể cả khi tôi, - vì do có một số hoạt động cấp bách khác phải thực hiện, - không bao giờ có cơ hội nghiên cứu ông một cách sâu xa. Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với cha rằng điều mà Giáo hội hôm nay cần, đó là một tổng hợp thần học, một thần học vũ trụ. Chúng ta phải ngưng lại việc áp đặt lên trên Đức Kitô Vĩ Đại các mô thức của thế giới Địa Trung Hải của chúng ta.

Allegra: Cha Teilhard à, sự cảm phục không một mãy may nghi ngờ của cha đối với Dante làm tôi nhớ lại một trực giác đáng lưu ý của nhà thiên tài vĩ đại này. Tôi có thể đi ra ngoài đề một chút được không?

Teilhard: Chắc chắn rồi thưa cha, tôi rất vui khi nghe cha nói.

Allegra: Trong bầu trời của thái dương, thi sĩ thấy hai vòng tròn các linh hồn mà ông mô tả giống như những ngọn lửa nhảy múa và ca hát. Vòng tròn đầu tiên được dẫn đầu bởi thánh Tôma, và vòng thứ hai bởi thánh Bônaventura. Cả hai vòng tròn các “bậc tiến sĩ lớn” này bao gồm một số khuôn mặt nhỏ hơn, trong đó có hai vị đặc biệt nổi bật, một nhà tư tưởng và một nhà tiên tri, những vị mà các bậc thầy thần học chính thức của thế kỷ 13 đã không bao giờ có thể tin là đạt được một vinh quang như thế trong những cánh đồng vĩnh cửu của thiên đàng. Trong vòng tròn của thánh Tôma có “la luce eterna di Sigieri” (ánh sáng vĩnh cửu của Siger of Brabant – Paradiso, X, 136), trong khi ở trong vòng của thánh Bônaventura có “il calavrese abate Gioacchino di spirito profetico dotato” (viện phụ có thiên phú nói tiên tri, Joachim of Calabria – Paradiso, XII, 140-141). Thánh Tôma đã chiến đấu chống lại vị đầu tiên trong hai vị tiến sĩ này, và thánh Bônaventura chống lại vị thứ hai. Đây là một sự kiện cực kỳ có ý nghĩa, bởi vì nó cho thấy tính cao thượng của tâm hồn của Dante. Nhưng, còn điều hay hơn nũa: đó là Dante nói trước, và diễn tả ước muốn xuất hiện một trường phái tư tưởng thứ ba; trường phái này sẽ tổng hợp hai trường phái trước, tức là Đa minh và Phan sinh. Ông hình dung và mô tả trường phái thứ ba này như một vòng tròn thứ ba:

Và hãy xem, một nguồn sáng không kém sắc màu

Chiếu dọi những gì ở đó

Như một chân trời dần dần rực sáng.

Và, như lúc chiều về, các ngôi sao

Xuất hiện mờ nhạt trên bầu trời,

Để chúng có vẻ như thật

Và như không thật,

Để tôi hình như thấy những sự vật mới

Làm thành một vòng tròn bên ngoài

Hai vòng tròn đồng tâm khác.

Ồ, ánh lấp lánh chân thật của Thánh Linh,

Bỗng nhiên trở nên chói lòa ngần nào

Vượt sức của đôi mắt tôi

Không thể chịu đựng nó được nữa!

(Paradiso, XIV, 67-77) [29]

Tôi không biết cha Valensin, bạn của cha, nghĩ gì về điều này, nhưng tôi, cùng với rất nhiều học giả nổi tiếng chuyên về Dante, tin rằng vòng tròn thứ ba này giống như một biểu tượng và môt tiên báo về một nền thần học toàn diện hơn, một thần học vũ trụ, như tôi có thể gọi nó như thế vào thời buổi này, một nền thần học có thể dung hợp hài hòa, trong một tổng hợp, tư tưởng của Platon và của Aristote, tư duy của các người Á rập và của tất cả các dân tộc khác bên ngoài thế giới Hy lạp và La mã, và các cái nhìn tiên tri của các đấng thánh, giống như cái nhìn của viện phụ Joachim.

Teilhard: Thưa cha, tất cả các điều này quả là đúng và đẹp ngần nào! Ồ, tâm hồn cao cả của Dante! Tôi không thể nói cho cha biết cha Valensin nghĩ gì về đề tài đặc biệt này, tuy nhiên tôi nhớ có lần ngài nói với tôi rằng tâm hồn cao thượng của Dante còn lớn hơn cả chính thiên tài vĩ đại của ông ta nũa.

Thôi, hôm nay khá muộn rồi. Tôi hy vọng gặp lại cha Chúa nhật tuần tới. Xin cha đừng quên đem theo cuốn Tân Ước bằng tiếng Hy lạp và các tác phẩm của John Duns Scotus, cũng như bài thơ ngắn của Gerard Manley Hopkins nhé! Bây giờ chúng ta đi qua phòng bên cạnh đi. Tôi muốn thể hiện lời hứa của tôi và giải thích cho cha khu vực cư trú của những động vật linh trưởng, của các thủy tổ có dạng người (anthropoids, hominoids) trong “Cây sự sống” (Tree of Life). Đây cũng là thần học, phải không cha?

Allegra: Tôi thấy trong đó mầu nhiệm của Đấng Tạo hóa, và vì thế, tôi cảm thấy cách này hoặc cách khác chúng ta đang đối phó với thần học. Sự tiến hóa có mục tiêu, cái mà, nếu tôi không lầm, cha gọi là trực sinh (orthogenesis), thì được quy hướng về vinh quang của “Đức Kitô Vĩ Đại”. Vậy, còn có thể gọi đó là gì khác ngoài thần học? Cha Teilhard thân mến, tôi xác tín rằng trực giác này của cha sẽ mãi mãi là một đóng góp cho các thần học gia Kitô giáo và các nhà triết học, với điều kiện là họ là “fuochi tutti contemplanti” (những ngọn lửa chiêm nghiệm cháy sáng) và có “il cuor saldo” (một tinh thần kiên cường).

 

 


[1] Qc. St. Bernadine of Siena, ‘De universali regno et dominio Jesu Christi,” Opera omnia (Quaracchi: Typographia Collegii S. Bonaventura, 1950-1965), II, 340-352.

[2] Qc. St. Lawrence of Brindisi, “Sermo I super: Missus est, n. 4, Opera omnia (Padua: Ex Officina Typographica Seminarii, 1928), I, 80. Cũng xem: Dominic J. Unger, ofm, Cap, “The Absolute Primacy of Christ and his Virgin Mother according to St. Lawrence of Brindisi,” Collectanea franciscana, XXII (1952), 113-119.

[3] Cha Déodat Marie de Basly, ofm, là một người bảo vệ mạnh mẽ học thuyết quy tâm Kitô của Scotus, và được biết đến nhiều do bởi tác phẩm Pourquoi Jésus Christ? của ngài (Paris: Descleé de Brouwer, 1903). Tác phẩm này đã được tái bản nhiều lần.

[4] Cha Valentin Marie Breton, ofm (1877-1957) là tác giả của nhiều nghiên cứu về linh đạo Phan-sinh. Có thể tìm thấy các bài sau bằng tiếng Anh: Franciscan Spirituality, trans. by F. Frey, ofm, (Chicago: Franciscan Herald Press, 1957); In Christ’s Company, trans. by Michael D. Meilach, ofm, (Chicago: Franciscan herald Press, 1961).

[5] Cha Marie Bonaventure (Pasquier), ofm, xuất bản cuốn L’eucharistie et le mystère du Christ d’après l’Ecriture et la Tradition (Paris: Poussielgue, 1897), một nghiên cứu sâu rộng trong đó Đức Kitô được bàn luận trong tương quan với Thánh Thể.

[6] Cha Jean Francois Bonnefoy, ofm, (1897-1958), là tác giả của nhiều nghiên cứu học thuật, bao hàm tác phẩm Christ and the Cosmos (xem cước chú 10, đoạn 3) và The Immaculate Conception in the Divine Plan, trans. by Michael D. Meilach, ofm, (Paterson, N.J: St. Anthony Guild Press, 1967).

[7] Cha Jean Marie Bissen, ofm, (1890-1939), xuất bản rất nhiều bài báo về tính ưu việt của Đức Kitô, trong đó đáng được nhắc đến là “De praedestinatione absoluta Christi secundum Duns Scotum expositio doctrinalis,” Antonianum, XII (1947), 3-36.

[8] Cha Ephrem Longpré, ofm,(1890-1965) viết rất nhiều và sâu rộng trong lãnh vực thần học Phan sinh, và là một trong những vị đề xướng mạnh mẽ nhất học thuyết tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô. Có thể kể ra một số nghiên cứu chính của ngài như: Le Bx. Duns Scot, Docteur du Verbe Incarné,” France Franciscaine, XVII (1934), 1-36; The Kingship of Jesus Christ according to Saint Bonaventure and Blessed John Duns Scotus, trans, by D. J. Barry, ofm. (Paterson, N.J: St. Anthony Guild Press, 1944); ‘La primauté du Christ,” Lumieres d’Assise, I (1947), 27-38.

[9] Cha Charles Balic, ofm, một chuyên gia về Scotus và Thánh mẫu học nổi tiếng thế giới, đã đóng góp nhiều hơn ai hết trong việc phát huy các nghiên cứu về Scotus ở trong 30 năm cuối này. Ngài là người tổ chức chính của Hội nghị Quốc tế về Scotus, tại Oxford và Edinburg tháng 09 năm 1966. Các bài phát biểu và tham luận được xuất bản trong bốn tập lớn dưới đầu đề: De Doctrina Ioannis Duns Scoti (Rome: Commissio Scotista, 1968)

[10] Cha Agostinô Gemelli, ofm, (1878-1959) là người sáng lập Đại học Thánh Tâm ở Milan, Ý, và được cử làm Hiệu trưởng suốt đời. Là một thẩm quyền được nhìn nhận trong lãnh vực tâm lý, ngài dành phần lớn hoạt động của ngài vào việc nghiên cứu Phan sinh và trở thành người đề xướng chính của học thuyết Vương quyền của Đức Kitô, được Giáo hội Công giáo chính thức nhìn nhận. Một trong các tác phẩm nổi bật của Gemelli là cuốn The Franciscan Message to the World, trans. and adapted by Henry Louis Hughes (London: Burns Oates and Washbourne, 1934).

[11] Pierre de Bérulle (1575-1629) là người sáng lập Tu hội Oratory của Đức Kitô cho các linh mục ở Pháp, và là một nhân vật quan trọng hàng đầu trong trường phái linh đạo Pháp. Giáo hoàng Urban VIII gọi ngài là “Tông đồ của Ngôi Lời Nhập Thể”.

[12] Jean Jacques Olier (1608-1657) là người sáng lập Hội St. Sulpice. Mục đích chính của hội là chuẩn bị các người trẻ trở thành linh mục. Ngài cũng là một nhà lãnh đạo trong trường phái linh đạo Pháp.

[13] Louis Victor Emile Bougaud (1823-1888), Giám mục người Pháp, nhà giảng thuyết, và nhà viết văn, tác giả của tác phẩm Le Christianisme et les temps présents, 5 vols. (8th ed; Paris: Poussielgue, 1901).

[14] Geremia Bonomelli (1831-1914), Giám mục ở Cremona từ 1871 cho đến lúc qua đời, là tác giả của rất nhiều bài báo và sách thuộc đủ loại đề tài, bảo vệ học thuyết của Scotus, cho rằng sự Nhập Thể của Ngôi Lời là biến cố trung tâm trong chương trình hiện nay của Thiên Chúa.

[15] Frederick William Faber (1814-1863) là thành viên của tu hội Oratory Anh quốc, và là một tác giả tu đức được ưa chuộng. Một trong những tác phẩm cuối cùng của ngài là Bethlehem (New ed; Philadelphia; Reilly, 1955), là một nghiên cứu về Nhập Thể theo hướng tư tưởng của Hồng Y Berulle.

[16] Xem cước chú 17 ở trên.

[17] Matthias Joseph Scheeben (1835-1888) tỏ bày thái độ ủng hộ của ngài đối với thuyết tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô của Scotus trong tác phẩm The Mysteries of Christianity, trans. by Cyril Vollert, sj, (St. Louis: Herder, 1946). Xem phần nói về “The Mystery of the God-man and His Economy,” trg. 311-465.

[18] Giáo sư Carmelo Ottaviano, tốt nghiệp đại học Thánh Tâm, Milan, là người sáng lập Sophia, một tạp chí triết học, và là tác giả của rất nhiều bài nghiên cứu trong triết học và lịch sử triết học.

[19] St. Francis de Sales (1567-1622) nhấn mạnh đến tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô, trong chuyên luận On the Love of God, trans. by John K. Ryan (Garden City, N. Y: Double-day, 1963), Vol. I, Book 2, Chaps. IV và V, trg 111-116.

[20] Gerard Manley Hopkins (1844-1889), một người trở lại đạo Công giáo và là một thành viên của Dòng Tên. Ngài là một thi sĩ nổi tiếng người Anh, rất thích thú với tư tưởng của Duns Scotus, và cách đặc biệt với thần học về Nhập Thể của ngài. “Duns Scotus’Oxford” (Oxford của Duns Scotus) là số 44 trong The Poems of Gerard Manley Hopkins, xuất bản bởi W.H. Gradner and N.H. MacKenzie (4th ed; London: Oxford University Press, 1967). Nghiên cứu về ảnh hưởng của Scotus trên Hopkins, xem Robert R. Boyle, sj, “Duns Scotus in the Poetry of Hopkins,” in Scotus Speaks Today: 1266-1966. Seventh Centenary Symposium (Southfield, Mich: Duns Scotus College, 1968) trg. 297-319.

[21] Xem cước chú 40 ở trên

[22] Cha Allegra quy chiếu về tác phẩm của Gemelli The Franciscan Message to the World, đã nói đến trong cước chú 31 ở trên.

[23] Trong tác phẩm The True Life: Sociology of the Supernatural, trans. by Barbara B. Carter (Paterson, N.J: St. Anthony Guild Press, 1943), Don Luigi Sturzo (1871-1959) phác họa một trật tự vũ trụ trong đó Nhập Thể mang lấy trọn vẹn ý nghĩa lịch sử của nó.

[24] Một nhà thần học hiện đại xuất chúng ủng hộ học thuyết của Scotus về mục đích đầu tiên của Nhập Thể là Karl Rahner, sj, Xem tác phẩm của ngài: Theological Investigations, trans, by E. Ernst, op, (Baltimore, Md.: Helicon, 1961), I, 164-166. Vấn đề này được Hans Urs Von Balthasar trong cuốn: A Theology of History (New York: Sheed and Ward, 1963), pp. 61-63, và Charles David, trong cuốn: Theology for Today, (New York: Sheed and Ward, 1962) xem như loại có tầm quan trọng vào bậc nhất.

[25] Đây là một trích dẫn tự do từ John Duns Scotus, Reportata Parisiensia III, dist. 7, quaest. 4, n.5 (Vives edition, XXIII, 303b)

[26] Qc. John Duns Scotus, Opus Oxoniense, I, dis. 17, quaest. 3, n. 31 (Vives edition, X, 93a). Cũng xem cước chú 65 bên dưới.

[27] Về thông tin liên can đến cha Marie Bonaventure, Olier, và Faber, xem cước chú 26, 33 và 36, theo thứ tự trên. Charles Louis Gay (1815-1892) là một nhà thần học người Pháp và là một văn sĩ thuộc trường phái tu đức dòng Oratory. Cũng như Faber, ông theo những hướng chính của tư tưởng của Pierre de Berulle.

[28] Xem cước chú số 6

[29] Bản dịch tuyệt tác “Paradiso” (Thiên Đường) này của Dante được trích từ Dante Alighieri, The Divine Comedy: A New Prose Translation, with an introduction and notes by H.R. Huse (New York-Toronto: Rinehart, 1954).

 


[1] Adhémar d’ Halès, sj, (1861-1938) là một nhà thần học và giáo phụ học người Pháp, người đã cùng với cha Bainvel khai mào tạp chí định kỳ Bibliothèque  de théologie historique, và đã phục vụ như người điều hành chính cuốn Dictionnaire apologétique de la foi catholique, 4 vols. (Paris; Beauchesne, 1911-1922).

[2] Léonce de Grandmaison, sj, (1868-1927) là người sáng lập chính tạp chí định kỳ Recherches de science religieuse và là tác giả, giữa nhiều cuốn khác, của cuốn sách Jésus Christ: His person, His message, His credentials, do Dom Basil Whelan, Ada Lane, và Douglas Carter dịch, 3 tập (New York: Sheed and Ward, 1930-1934). Ngài là một trong số ít các nhà thần học được Teilhard ngưỡng mộ, và thường có thói quen gọi ngài là “Léonce thần thánh” (“divine Léonce”) Xem Claude Cuénot, Teilhard de Chardin: A Biographical study (Baltimore, Md.: Helicon, 1965), trg. 13.

[3] Jules Lebreton, sj, (1873-1956) là một nhà thần học và sử học Giáo hội, cùng với Léonce de Grandmaison, sáng lập tạp chí định kỳ Recherches de science religieuse.

[4] Francisco Suarez (1548-1617), một lãnh tụ trong lĩnh vực thần học và triết học, thuộc dòng Tên, đề xướng học thuyết có hai lý do cho Nhập Thể: một lý do tuyệt đối, đó là sự tuyệt hảo của chính Nhập Thể; và một tương đối, là sự Cứu Chuộc nhân loại chịu tác động của tội của Ađam.

[5] Qc. A. Michel, “Incarnation,” Dictionnaire de théologie catholique, Vol. VII (2), cols. 1445-1539.

[6] Qc. Leonardo M. Bello, ofm. “Litterae encyclicae de universali Christi primatu atque regalitate,” Acta Ordinis Fratrum Minorum, LII (1933), 293-311.

[7] Brooke Foss Westcott (1825-1901), một học giả chuyên về Kinh thánh và Giám mục Anh giáo, là tác giả của nhiều cuốn sách và tiểu luận. Trong các cuốn sách nổi tiếng của ngài, có cuốn: A General Survey of the History of the Canon of the New Testament (7th ed, London: Macmillan, 1896); An Introduction to the Study of the Gospels (7th ed, London: Macmillan 1888).

[8] Giám mục Michel d’ Herbigny, sj, được Đức Giáo hoàng Piô IX đặt làm Chủ tịch Ủy ban giáo hoàng về Liên xô, sau khi Ủy ban này tách ra khỏi Thánh bộ về Giáo hội Phương Đông ngày 06 tháng 04, năm 1930. Ngài cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự Viện nghiên cứu giáo hoàng về học thuật Phương Đông.

[9] Cha Chrysostome Urrutibéhéty, ofm, dùng hầu như hết cả cuộc đời của ngài để quảng bá học thuyết về tính ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô và lòng sùng kính Đức Kitô Vua. Tác phẩm chính của ngài là Christus, Alpha et Omega, seu de Christi universali regno (2nd ed; Lille: Girard, 1910)

[10] Giáo huấn của các Giáo phụ này về tính ưu việt của Đức Kitô đã được Dominic J. Urger, ofm. Cap, bàn luận, trong nhiều tiểu luận xuất hiện trong Franciscan Studies, giữa những năm 1945 và 1949, mỗi bài viết đề cập đến một vị.

[11] Rupert (d. 1135), viện phụ của Deutz, gần Cologne, Đức quốc, trình bày tư tưởng của ngài về động cơ của việc Đức Kitô Nhập Thể trong tác phẩm của ngài De gloria et honore Filii Hominis, lib. 13 (Migne, Patrologia latina, Vol. CLXVIII, cols. 1624-1629).

 

 

Chia sẻ