Suy niệm của anh Massimo - Tháng 03 - 2025
Tháng trước, tôi đã trải qua thời gian nằm viện tại Bệnh viện Đa khoa "Agostino Gemelli" ở Rôma để phẫu thuật hệ thần kinh. Khoảng thời gian mong manh này giúp tôi có cái nhìn khác hơn về ý nghĩa của việc trở thành "những người lữ hành của niềm hy vọng", đúng như tinh thần Năm Thánh mà chúng ta đang sống.
Bệnh viện là một thế giới thu nhỏ của nhân loại, nơi những câu chuyện về đau khổ và chữa lành đan xen nhau. Tôi đã cùng chia sẻ những hành lang và phòng chờ với những người đang chịu thử thách cả về thể xác lẫn tinh thần. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt một số anh chị em sự khó khăn khi phải đối diện với những chẩn đoán nghiệt ngã, ở một số khác là sự cam chịu có thể dẫn đến tuyệt vọng.
Thế nhưng, chính trong môi trường nhuốm màu đau thương này, tôi lại nhận ra những dấu hiệu sáng ngời của một cuộc hành trình chung. Những cử chỉ nhỏ bé hằng ngày trở nên phi thường: một bàn tay nắm lấy một bàn tay khác, một lời an úi thì thầm giữa các bệnh nhân, một người thân kiên trì túc trực bên giường bệnh, một người cha ân cần chăm sóc con mình, và một người khác tận tình với người vợ của anh ấy.
Tôi rất ấn tượng trước sự tận tụy của đội ngũ y tế. Họ không chỉ dừng lại ở chuyên môn nghiệp vụ mà còn biết cách thể hiện tính nhân văn, biến việc chăm sóc thành một hành động của lòng thương xót đích thực, ngay cả khi công việc của họ đầy vất vả. Tôi đã thấy những bác sĩ bên cạnh việc chữa trị còn quan tâm đến tình cảnh bệnh nhân, những y tá dành thời gian để thăm hỏi.
Ở những nơi mà đau khổ tưởng chừng như có tiếng nói cuối cùng, tôi đã thấy những dấu chỉ nhỏ bé của tình liên đới nảy nở: những bệnh nhân nâng đỡ lẫn nhau, những người thân dù đang chịu thử thách vẫn biết cách an úi người khác, những tình nguyện viên khiến khoảng thời gian bệnh tật trở nên nhân văn hơn.
Chính bản thân tôi cũng đã cảm nghiệm được dòng chảy của lòng tốt bao quanh mình trong những ngày khó khăn nhất. Tôi đã nhận được những cuộc thăm hỏi, những tin nhắn, những lời cầu nguyện khiến tôi cảm thấy mình thuộc về một tình huynh đệ rộng lớn hơn. Tôi hiểu rằng niềm hy vọng không phải là một cảm giác trừu tượng, mà được nuôi dưỡng bằng sự cụ thể của các mối quan hệ và những cử chỉ gần gũi.
Để trở thành "những người lữ hành của niềm hy vọng", chúng ta không cần những tuyên bố to tát, mà chỉ cần sự gần gũi hằng ngày, biết cách biến cả những nơi đau thương thành không gian của tình người. Chính sự ân cần đó, dù không loại trừ đau khổ, nhưng vẫn cùng đồng hành với chúng ta.
Khi dần trở lại với các hoạt động thường ngày, tôi mang theo bài học này: hy vọng không phải là sự vắng bóng của khó khăn, mà là sự chắc chắn rằng chúng ta không bước đi một mình. Đó là thứ ánh sáng không làm chói mắt nhưng đủ để soi đường.
Trong thời gian Năm Thánh này, chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào để chúng ta có thể trở thành những người mang lại niềm hy vọng cụ thể trong những hoàn cảnh đau khổ? Làm thế nào để chúng ta biến môi trường của mình thành những nơi chan chứa lòng nhân ái và thương xót?
Niềm hy vọng Kitô giáo không phải là một sự lạc quan ngây thơ, mà là một sự kiên trì mỗi ngày, biết nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ngay cả trong những thung lũng tối tăm nhất. Đó là sự tín thác giúp chúng ta cùng nhau bước đi, nâng đỡ nhau, hướng về phía chân trời mà Người mở ra trước mắt chúng ta.
OFMVN/Nguồn ofm.org (29/03/2025)
Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.
Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.