Cái nhìn của Phanxicô về Thiên Chúa
(Quảng giải Huấn Ngôn 16)
"Nhìn Chúa" (videre Deum), chắc chắn đó là khát vọng lớn lao nhất của thánh Phanxicô. Vì thế thánh nhân đã dành một Huấn ngôn để quảng giải Phúc lộc 6 của Chúa Giêsu : "Hạnh phúc ai có lòng thanh sạch, vì sẽ thấy Thiên Chúa" (Mt 5,8).
Kiểu nói "nhìn Chúa" được Cha thánh dùng nhiều lần trong các Bút tích (Thư 2,3; Chúc thư 10); nguyên chỉ trong Huấn ngôn I, Cha thánh đã dùng 13 lần động từ "nhìn" (videre), cùng với các kiểu nói khác tương tự: "chiêm ngắm" (contemplari), "nhìn ngó" (intuitu). Sự kiện này gợi ý cho ta: "nhìn Chúa" là việc quan trọng mà mỗi anh em phải quan tâm. Hạnh phúc của chúng ta và của bao nghười khác lệ thuộc vào đó.I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHÌN THẤY CHÚA
Muốn nhìn thấy Chúa, phải có "lòng thanh sạch". Thế nào là lòng thanh sạch ? Cha thánh hiểu theo một nghĩa rất rộng rãi : "Người có lòng thanh sạch là người biết khinh chê những của thế gian, tìm kiếm những của trên trời...".
1) Khinh chê những của thế gian (qui terrena despiciunt):
Nói đến những "của thế gian", chúng ta thường nghĩ ngay tới tiền bạc và của cải vật chất. Điều đó đúng. Nhưng không phải chỉ có thế. Nếu ta nhìn vào kinh nghiệm của Cha thánh trong cuộc trở lại, ta sẽ thấy, điều mà Người phải từ bỏ đầu tiên là những dự định, những tham vọng, những ý riêng (2 Cel 6). Thiên Chúa đã cho thánh Phanxicô hiểu : "Ngươi hãy tự khinh dể mình, thích của đắng đót hơn sự ngọt ngào, nếu ngươi muốn nhận biết Ta" (2 Cel 9). Tự khinh dể mình là không tự cho mình là quan trọng, dẹp bỏ những khuynh hướng riêng và tự đặt mình vào địa vị tôi tớ để phục vụ tha nhân : đó là điều mà Phanxicô đã làm khi hôn một người phung, rồi từ đó dấn thân phục vụ những người xấu số ấy (2 Cel 9).
"Cái tôi", đó là cản trở lớn lao nhất mà con người phải thắng vượt để hỉeu biết và nhìn ngắm Thiên Chúa. Nhưng để tiến tới "lòng thanh trí sạch", theo kiểu nói mà Cha thánh dùng trong Huấn ngôn 16 này và nhiều chỗ khác (Thư 1,14.19; 2L 10,9) thì con người còn phải từ bỏ nhiều điều khác nữa : "(Satan) không muốn loài người đưa tâm trí về Chúa. Nên chi nó cứ quanh quẩn ưỡc ao chiếm lấy lòng người ta bằng mọi hình thức thưởng công hay giúp đỡ, và bóp nghẹn cùng xua đuổi Lời Chúa và giới răn Người ra khỏi trí nhớ; nó muốn lấy mọi công chuyện đời này và mọi nỗi lo lắng mà làm mù quáng lòng người để vào ở đấy... Trong "đức ái chí thánh là Thiên Chúa", tôi xin tất cả anh em, các vị phục vụ cũng như mọi anh em khác, hãy bỏ qua mọi ngăn trở và quên mọi nỗi lo lắng, áy náy để hết sức phụng sự, yêu mến, tôn thờ và sùng kính Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch (mundo corde et pura mente), vì đó là điều Chúa mong muốn hơn cả" ( 1 L 22,17...23). Nhìn bên ngoài, những ngăn trở mà Cha thánh nói ở đây là những bận rộn của cuộc sống hằng ngày : công việc tay chân, công việc học hành, của thù lao, của bố thí; nhưng sâu sắc hơn thế nữa, đó chính là con người "tự nhiên", "cái tôi" hời hợt, hiếu động, háo danh, tham lam, mà Phanxicô gọi là "thân xác" : đó là nguồn mạch của mọi tội lỗi (1L 22,5) vì sự dữ nằm ngay trong lòng con người (Hn 10). "Lòng thanh trí sạch" không những mang nghiã tiêu cực trên đây, nhưng còn hàm chứa một nghiã tích cực, đó là :
2) Tìm kiếm những của trên trời (coaelestia quaerunt)
Nếu chúng ta ghi lại những điều mà Cha thánh thường khuyên bảo anh em phải tìm kiếm, chúng ta sẽ có được một ý niệm cụ thể về "những của trên trời" :
- Các anh em sống trong ẩn viện "hãy chuyên lo giữ thinh lặng, lo đọc các giờ thánh tụng và thức dậy đọc kinh khai nhật. Và trước tiên họ hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người" (Đời sống tu hành trong ẩn viện, câu 5).
- "Xin anh em đừng tìm kiếm những bộ đồ quí giá ở trần gian để đáng được mang y phục bất diệt và sáng láng trên Nước Trời" (1 L 2,17).
- Khi quảng giải ý nguyện "Ý Cha dưới đất cũng như trên trời", Cha thánh cầu xin : "Chúng con nguyện yêu Cha hết tâm trí, nghĩa là điều khiển mọi ý hướng của chúng con về Cha và tìm kiếm vinh hiển cho Cha trong mọi sự (honorem tuum in omnibus quaerendo, xem Bút tích tr. 198, c.5).
Vài câu nói trên cũng đủ để ta hiểu rằng "những sự trên trời" tức là Nước Thiên Chúa, là Thánh ý của Người, là đời sống vĩnh cửu và sáng láng mà Người ban cho con cái Người.
II. NHÌN CHÚA nghĩa là gì ?
Những người có lòng thanh trí sạch "không ngớt thờ phượng, nhìn ngắm Chúa ..." (semper adorare et videre Dominum... non desistunt).
1. Ở đây tiếng "nhìn" đi liền với tiếng "thờ phượng" (adorare). Trong Huấn ngôn 1, tiếng "nhìn" lại thường đi với các tiếng "nhận biết" (cognoscere), "tin" (credere), "chiêm ngắm" (contemplari). Còn tiếng "thờ phượgn" lại thường đi kèm với những tiếng "Phụng sự" (servire), yêu mến (amare, diligere), tôn kính (honorare) (xem 1 L 22,23; Thư 1,19), "cầu nguyện" (orare) (1 L 22,27).
2. Như vậy "nhìn" ở đây không phải là động tác của đôi mắt xác thịt, nhưng là động tác của đức tin do Chúa Thánh Thần khơi dậy : "Bởi vì Thiên Chúa là Tinh thần, nên phải dùng Tinh thần (Spiritus) mới thấy được Người, vì chỉ tinh thần mới có sức nuôi sống, còn xác thịt chẳng ích lợi gì" (Hn 1,6-7).
3. Đàng khác, trong cái "nhìn"ấy, không phảr chỉ có lý trí hiểu biết (cognoscere, contemplari), nhưng là toàn diện con người tham dự vào động tác : bởi thế "nhìn" cũng đồng nghĩa với "thờ phượng", "cầu nguyện", "phụng sự", "yêu mến".
III. THIÊN CHÚA LÀ AI TRONG CÁI NHÌN CỦA THÁNH PHANXICÔ?
Thiên Chúa, Đấng mà thánh Phanxicô tìm kiếm và cung chiêm là "Thiên Chúa hằng sống và chân thật" (adorare et videre Dominium Deum vivum et verum).
1. Kiểu nói này thường được Cha Thánh dùng (Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa, câu 3; 1 L 23,15; Kinh Mãn nhật c.15; Hn 16). Nó phát xuất từ Tân Ước (1 Th 1,9) và được dùng trong Phụng vụ (Kinh nguyện Thánh Thể I). Chi tiết này gợi ý cho ta là : để tìm hiểu Thiên Chúa là ai, Cha Thánh đã dựa vào Lời Chúa trong Kinh Thánh, được Giáo Hội công bố trong Phụng vụ. Thiên Chúa của thánh Phanxicô là Thiên Chúa của Kinh Thánh, Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải.
Vai trò của Kinh Thánh luôn vẫn thế trong Giáo Hội : "Thánh Truyền đó, cũng với Thánh Kinh Cựu và Tân Ước,là như tấm gương mà Giáo Hội lữ thứ trên trần gian nhìn vào để chiêm ngưỡng Thiên Chúa"Giáo Hội Giáo Hội(Hiến Chế Mạc Khải 7, đoạn 2).
2. Các phẩm tính của Thiên Chúa hằng sống và chân thật được Cha Thánh kể ra một cách khá chi tiết trong Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa (Bút tích tr. 159). Đó là một thứ Kinh cầu (litania) và "kinh cầu là một hình thức suy gẫm và chiêm ngưỡng của người bình dân ("Os justi meditabitur sepientiem : miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan"). Người ta suy gẫm không chỉ bằng lý trí, mà còn bằng miệng.
Trong lời kinh ấy, chúng ta hãy dừng lại ở một số phẩm tính mà Cha Thánh cũng thường nhắc tới ở những chỗ khác :
- "Ngài là Đấng Tối Cao"
- "Ngài là Đấng khiêm hạ".
a) Ngài là Đấng Tối Cao (Tu es Altissimus) :
Tiếng Phụng vụ"Đấng Tối Cao"Phụng vụ được thánh Phanxicô dùng 24 lần trong các Bút tích (4 lần trong Bài Ca Anh Mặt Trời). Nó biểu lộ một nét độc đáo trong cái nhìn của Cha thánh về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng "duy nhất, thánh thiện, mạnh mẽ, lớn lao mà loài người không thể nói Tên được Bài Ca Mặt Trời và 1 L không thể diễn tả được. Bởi thế hình thức phủ định là hợp hơn cả khi nói về Thiên Chúa: "Người là Đấng vô thuỷ, vô chung, không hề thay đổi, chúng ta không thể thấy được, không thể hiểu được, không thể thấu đáo được... (1 L 23,34).
Cho dẫu thánh Phan-xi-cô có tiến xa trong đời sống huyền nhiệm, thì Thiên Chúa vẫn là Đấng bí ẩn nhiệm mầu. Những phẩm tính dưới hình thức phủ định vừa kể trên hé mở cho chúng ta thấy kinh nghiệm đức tin của thánh Phanxicô : đó là một cuộc hành trình trong đêm tối như thánh Grêgôriô thành Nysse ngày xưa đã khéo diễn tả. Lời kinh mà Cha thánh đọc trước cây thánh giá ở San-Damiano diễn tả phần nào cái kinh nghiệm ấy : "Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển, xin chiếu sáng cảnh tối tăm lòng con..." (Bút tích tr. 163).
b) Ngài là Đấng khiêm hạ ( Tu es humilitas).
Thiên Chúa tối cao cũng là Đấng rất gần với con người, vì Người là Đấng khiêm hạ. Tiếng khiêm hạ ở đây không phải là một thứ nhân đức, nhưng là một động tác qua đó, Thiên Chúa hiến thân cho loài người trong Đức Kitô. Chúng ta hãy lắng nghe Cha thánh nói "Oi cao sang kỳ diệu, ôi nhân hậu lạ lùng ! Khiêm hạ cách cao thâm, cao thâm cách khiêm hạ. Chúa tể càn khôn, là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa đã hạ mình xuống (se humiliat), ẩn náu trong hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta !Ânh em nên chiêm ngắm sự khiêm hạ của Thiên Chúa (Videte humilitatem Dei...) và bày giãi tâm tình anh em trước mặt Người và hãy hạ mình xuống để Người nâng anh em lên. Anh em đừng giữ lại chút gì trong bản thân anh em làm của riêng tư để cho Đấng đã hiến trọn mình cho anh em sẽ nhận lấy toàn thân anh em " (Thư 3,17-29, lưu ý cách Cha thánh nối kết các chữ tối cao và khiêm hạ).
Như ta thấy, tự hạ ở đây không có cái nghĩa luân lý là tự xem mình vô giá, nhỏ nhoi, nhưng có nghĩa là hiến thân mình. Như vậy, sự khiêm hạ biểu lộ động tác Thiên Chúa, Chúa Tể của vũ trụ (Dominus universitatis) đi xuống với con người qua mầu nhiệm Nhập thể, và mầu nhiệm này được nối dài qua bí tích Thánh The : "Này đây, mỗi ngày Người hạ mình xuống (quotidie humiliat se), như xưa Người rời ngai vàng xuống trong lòng Đức Trinh Nữ. Mỗi ngày Người đến với chúng ta dưới hình thức khiêm hạ (Hn 1,16).
Chúng ta có thể nói khiêm hạ là danh hiệu khác của Tình yêu :
- Tình yêu ấy nằm ở chỗ Chúa Cha trao ban Con của Người cho ta và chỉ những ai có Chúa Thánh Thần trong mình thì mới tiếp nhận được (Hn 1,13); bởi thế Thiên Chúa của Phanxicô không phải là một danh từ trừu tượng, nhưng là Ba Ngôi Vị cụ thể : Cha, Con và Thánh Thần.
- Tình yêu ấy được biểu lộ trong suốt lịch sử cứu độ mà 3 đỉnh cao là Sáng tạo, Cứu chuộc bằng cái chết của Đức Giêsu, và cứu độ một cách viên mãn trong ngày quang lâm; bởi thế, Thiên Chúa của Phanxicô thường mang các tước hiệu : Đấng Tạo Hoá, Đấng Cứu Chuộc, và Đấng Viên Thành (Creator, Redemptor et Salvator) : 1L 16,9; 23,27.33; Bài quảng giải Kinh Lạy Cha, câu 1).
c) Vì Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người một cách kỳ diệu như thế, nên Cha thánh còn chiêm ngắm Người qua danh hiệu "Đấng Tốt lành" (Bonum) : "Ngài là Sự Thiện, Ngài bao gồm sự Thiện, Ngài là Sự Thiện Tuyệt đỉnh..." (Kinh Ngợi khen Thiên Chúa, 1 L 17,17-19; 23,28)
Các tước hiệu của Thiên Chúa đến dồn dập trong các câu nói của Phanxicô có thể làm cho người đọc nhàm chán. Nhưng chúng ta đặt chúng vào trong môi sinh của chúng (trong Sitz im Leben), tức là trong cái kinh nghiệm đức tin, trong cái nhìn của một con người đang tìm kiếm Thiên Chúa, lúc ấy ta mới hiểu Thiên Chúa đối với Phanxicô không phải là một hình ảnh mơ hồ, lạt lẽo, nhưng là một AI đó, là "Đức Chúa, Thiên Chúa sống động và chân thật" (Dominum Deum vivum et verum).
IV. NHÌN CHÚA LUÔN LUÔN
Những người có lòng thanh trí sạch là những người "không ngớt thờ phượng và nhìn Chúa luôn luôn" (semper adorare et videre Dominum...non desistunt) (Hn 16). Lưu ý là trong câu này Cha thánh đã dùng chữ "luôn luôn" (semper), lại còn thêm chữ "không ngớt" (non desistunt).
Rõ ràng là Cha thánh muốn nhấn mạnh với anh em : việc "khinh chê những của thế gian" để tìm kiếm, thờ phượng và nhìn ngắm Thiên Chúa không phải là công việc của một ngày, nhưng là công việc của từng giây, từng phút và của suốt đời. Cha thánh còn nói trong Luật 1 (23,21): "Khắp mọi nơi, mọi lúc, và mọi thời đại, hàng ngày chẳng lúc nào nguôi, chúng ta hãy chân thành và khiêm hạ tin vào Người, chiêm ngưỡng và yêu mến Người trong lòng, tôn kính, thờ lạy và phụng sự, ca ngợi và chúc tụng, tôn vinh và tung hô, ngợi khen và cảm tạ Người là Thiên Chúa đời đời, Thượng Đế cao sang" (xem thêm 1 L 22,24-28).
Kết luận :
Khi anh Lêô phải trải qua một cơn thử thách nặng nề và ao ước được thánh Phanxicô tự tay viết cho ngài vài câu Kinh Thánh, để tìm một chút an ủi, Cha thánh liền viết kinh "Ngời khen Thiên Chúa" và kết thúc bằng một lời chúc lành, trong đó ta hãy chú ý đến các câu :
"Nguyện xin Người (Thiên Chúa) tỏ tôn nhan Người (Ostendat faciem suam) cho con và thương xót con".
"Nguyện xin Người ghé mặt lại (convertat vultum suum) cùng con và ban cho con bình an" (Bút tích, trang 161).
Và khi Lêô lãnh được tấm giấy Cha thánh trao, cơn cám dỗ liền tan biến (2Cel 49).
Quả thực Cha thánh thuộc vào hạng người như được nói trong Kinh Thánh :
"Đây giống nòi những ai tìm Chúa,
Tìm nhan thánh Chúa Trời Gia-cóp".
Chính vì Cha thánh đã ra công tìm kiếm và cung chiêm khuôn mặt tuyệt diệu của Thiên Chúa màNgười đã có thể chiếu giãi ánh sáng tình thương và an bình của Thánh Diện cho anh em mình.
-----------
Câu hỏi gợi ý :
1. Chúng ta phải làm gì trên bình diện cá nhân và cộng đoàn để phát huy việc "thờ phượng và nhìn ngắm Thiên Chúa" ?
3. Trong những cản trở cho đời sống thiêng luiêng mà Cha thánh đã nêu ra, anh lưu ý đến điểm gì hơn cả ?