Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Tìm Hiểu Bài Ca Anh Mặt Trời - Một Mối Dây Huynh Đệ Tìm Lại Được

BTT OFMVN 00
2025-02-06 13:29 UTC+7 50
Bài Ca Anh Mặt Trời có lẽ là sáng tác nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi. Bài ca diễn tả tầm nhìn, cảm nhận và kiến giải độc đáo của ngài về thiên nhiên và hiện vẫn đánh động tâm tư tình cảm của nhiều người.

TÌM HIỂU BÀI CA ANH MẶT TRỜI - MỘT MỐI DÂY HUYNH ĐỆ TÌM LẠI ĐƯỢC

Gioan-Phanxicô Nguyễn Gia Thịnh, ofm

Bài Ca Anh Mặt Trời[1] có lẽ là sáng tác nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi. Bài ca diễn tả tầm nhìn, cảm nhận và kiến giải độc đáo của ngài về thiên nhiên và hiện vẫn đánh động tâm tư tình cảm của nhiều người. Trước những thiệt  hại to lớn gây ra do việc khai thác cạn kiệt các tài nguyên của trái đất, phá hoại môi trường sống, người ta vui mừng gặp được một sáng tác đầy tình liên đới với thế giới tự nhiên như Bài Ca Anh Mặt Trời. Năm 1979, Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II tuyên bố Thánh Phanxicô Assisi là người bảo trợ sinh thái học. Năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một thông điệp về việc bảo vệ ngôi nhà chung của nhân loại, lấy nhan đề là Laudato Si'. Đây chính là cụm từ mở đầu Bài Ca Anh Mặt Trời (viết tắt BcMT).

BcMT đã trở thành đề tài của nhiều chiêm nghiệm sâu sắc từ phía những vị thầy dẫn đàng thiêng liêng, cũng như trở thành đề tài của nhiều công trình nghiên cứu từ phía những chuyên viên về linh đạo, về văn học Tây Âu thời Trung Cổ. Bài viết này không có tham vọng trình bày một kiến giải gì mới về BcMT nhưng chỉ đơn giản trình bày một số điều tâm đắc khi tìm hiểu về tác phẩm. Các thông tin có tính chất chuyên môn đều mượn từ các nhà nghiên cứu khác[2].

Bài này gồm có bốn phần, tạm gọi là đi từ ngoài vào trong. Trước hết sẽ tìm hiểu các bản văn của BcMT được các anh em Hèn Mọn thời đầu lưu giữ và truyền tụng. Tiếp đến sẽ xem các Tài liệu nguồn phan sinh[3] nói gì về hoàn cảnh sáng tác BcMT. Phần thứ ba sẽ xem một số đặc điểm văn chương của BcMT, ví dụ như cách Thánh Phanxicô bố trí tương tác giữa các bên trong bài thơ và cách ngài sử dụng “ngôn ngữ gia đình”[4]. Phần cuối cùng sẽ thử tìm hiểu xem đâu là nguồn cảm hứng của Thánh Phanxicô khi sáng tác BcMT, để tìm lời giải cho câu hỏi: “Ngôn ngữ gia đình” trong BcMT là một thủ pháp thi ca, một cảm nhận nghệ thuật, hay một cảm nhận thần bí?” Nói cách khác, khi gọi các vật thể và hiện tượng trong trời đất là anh và chị, Thánh Phanxicô chỉ đơn giản dùng một thủ pháp tu từ là nhân cách hóa, hay vì là một người có tâm hồn thi sĩ, Thánh Phanxicô đã cảm nhận có một mối dây liên lạc gần gũi với các vật thể và hiện tượng ấy đến mức có thể coi những vật vô tri ấy như những con người mình có thể tâm sự, hay Thánh Phanxicô thật sự cảm nhận được bản chất anh chị em của vạn vật trong ánh sáng thần linh? 

I.    Quá trình lưu giữ và truyền tụng bản văn Bài Ca Anh Mặt Trời

a.    Một số kinh được cho là của Thánh Phanxicô nhưng chỉ xuất hiện về sau. Nổi tiếng nhất phải kể đến Kinh Hòa Bình. Theo các chứng cứ sử liệu, Kinh Hòa Bình xuất hiện lần đầu tiên trong một tạp chí đạo đức bằng tiếng Pháp tên là La Clochette vào năm 1912 và không đề tên tác giả[5]. Còn về BcMT, tuy chúng ta không còn bản văn do chính tay thánh nhân viết và chỉ có những bản sao chép tay, nhưng bản sao cổ xưa nhất có ghi lại BcMT là Thủ bản số 338 lưu giữ tại Biblioteca communale Assisi (Thư viện thành phố Assisi). Thủ bản này thu thập các bản văn của Thánh Phanxicô và được thực hiện chỉ hơn hai mươi năm sau khi Thánh Phanxicô qua đời[6]. Trong Thủ bản số 338, BcMT được xếp vào phần Kinh nguyện và chép lại bằng tiếng Umbria, một phương ngữ Italia.

b.    Ngoài các bộ sưu tập ghi chép các bài viết của Thánh Phanxicô, BcMT còn được lưu truyền toàn phần hay một phần trong một số truyện ký biên soạn vào thời đầu. Tác phẩm Sưu tập Assisi (viết tắt SA)[7] có ghi lại hai khổ thơ của BcMT. Khổ thơ thứ nhất là khổ thơ nói về chị Chết, được chép ở số 7:

Laudato sie mio Segnore,
per sora nostra morte corporate,
dalla quale nullomo vivente po scampare…
[8] .

(Mong sao Người được ngợi khen, ôi Chúa của tôi
vì chị Chết phần xác chúng tôi,
không ai hiện đang sống thoát được chị…).

Khổ thơ thứ hai là khổ thơ nói về sự tha thứ và được chép lại ở số 84:

Laudato si, miu Segnore,
per quilli ke perdonano per lo tuo amore
e sustengu enfirmitate e tribulatione;.
[9]

(Mong sao Người được ngợi khen, ôi Chúa của tôi,
vì những ai tha thứ vì lòng mến Chúa,
vì những ai chịu đựng ốm đau và gian nan…).

c.    Sách Gương Trọn Lành[10] bản dài (viết tắt 2 GTl) ở cuối chương 119 cho biết Thánh Phanxicô có soạn những lời ngợi khen Thiên Chúa về các thụ tạo và đặt tên cho các lời ngợi khen ấy là Bài Ca Anh Mặt Trời[11], sau đó chép lại nguyên văn BcMT.

Cả hai khổ thơ chép trong SA lẫn toàn văn BcMT chép trong 2 GTl đều được ghi lại bằng phương ngữ Umbria trong khi các tác phẩm ấy được viết hoàn toàn bằng tiếng La Tinh.

d.    Tôma Celano, người anh em đầu tiên được chính thức giao nhiệm vụ viết hạnh tích Thánh Phanxicô, có nhắc đến BcMT dưới một tên gọi khác là Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa và không chép lại nội dung, nhưng đã trình bày cách Thánh Phanxicô yêu thương mọi thụ tạo vì lòng kính mến Đấng Tạo dựng với những lời lẽ rất giống BcMT. Chương 29 trong quyển “Tiểu sử đấng chân phúc Phanxicô”, tức 1 Cel (Hạnh Thánh Phanxicô, q.1), của Tôma Celano có đoạn viết:

“Ai có thể mô tả cho ta nỗi dịu ngọt tràn ngập hồn thánh nhân khi ngài chiêm ngắm sự khôn ngoan, quyền năng và lòng nhân hậu của Đấng Hóa Công trong các thụ tạo?  Quả vậy, khi thấy mặt trời, nhìn mặt trăng, hoặc quan sát các tinh tú và bầu trời, tâm hồn ngài thường tràn đầy một niềm vui lạ thường khôn tả …

“Bất cứ thụ tạo nào cũng được ngài gọi là anh, là chị. Một cách lạ lùng không ai hiểu được, ngài nhìn thấu những điều bí ẩn trong lòng các thụ tạo, giống như một người đã vượt lên đến sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa”[12].

Đây có thể coi là bài quảng diễn những tâm tình mà Tôma Celano cảm nhận được khi đọc hoặc nghe hát BcMT. BcMTcòn được Tôma Celano nhắc đến khi ghi lại lời căn dặn sau đây của Thánh Phanxicô:

“Khi biết giờ vĩnh biệt thế gian đã tới, ngài liền cho gọi hai anh em là những người con được ngài yêu quý cách riêng tới bên giường và truyền cho họ khi đến giờ ngài sắp chết hay đúng hơn khi đến giờ ngài sắp đi vào sự sống, họ phải lớn tiếng hát Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa với lòng hân hoan phấn khởi” (1 Cel 109, x. 2 Cel 217; ĐT 14/5).

e.    Giống như Tôma Celano, khi biên soạn hạnh tích Thánh Phanxicô, Thánh Bônaventura không trực tiếp nêu tên BcMT nhưng vẫn ghi nhận những tâm tình và những kiểu nói đặc thù Thánh Phanxicô dùng trong BcMT. Trong một bài nghiên cứu có nhan đề The Canticle Of Brother Sun: A Song Of Christ Mysticism (Bài ca Anh Mặt Trời: một bài ca của nền thần bí quy hướng về Chúa Kitô), Ilia Delio, O.S.F. viết:

Bài ca không được Bônaventura thuật lại mặc dầu ngài có gián tiếp nhắc đến trong hai chương Tám và Chín của quyển Đại Truyện (tức 1 Bon) do ngài biên soạn. Ngài đặt nhan đề cho chương Tám “Về tâm tình đạo đức sốt mến của thánh nhân và về việc các vật vô tri như được ngài thu hút” và viết:

‘Khi nhìn đến cội nguồn nguyên thủy của vạn vật, ngài [Thánh Phanxicô] được đầy lòng sốt mến, và thường gọi tất cả mọi thụ tạo, đến cả những loài nhỏ bé nhất bằng “anh” bằng “chị” vì biết rằng các thụ tạo ấy đều chung một nguyên lý xuất phát duy nhất như mình’  (1 Bon 8,6).

“Thánh Bônaventura còn quy chiếu cách minh nhiên hơn đến BcMT khi ngài viết:

‘Với một lòng sốt mến phi thường, ngài [Thánh Phanxicô] nếm hưởng nguồn suối Thiện Hảo nơi mỗi thụ tạo như nơi những dòng nước nhỏ… và theo cách của tiên tri Đavít dịu dàng mời gọi vạn vật cất tiếng ngợi khen Chúa’ (1 Bon 9,1)” [13].

f.     Qua những nhận định phê bình ngoại diện ở trên, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng Thánh Phanxicô thực sự đã có sáng tác một bài thánh ca được biết đến với các tên gọi là Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa (Laus Domino)[14], Bài Ca Anh Mặt Trời (Canticum fratris solis)[15] và bản văn của bài thánh ca được bảo tồn và lưu truyền cách tương đối toànvẹn.

Sau đây là nguyên văn BcMT bằng phương ngữ Umbria[16],

Altissimu, onnipotente, bon Signore,
Tue so’ le laude, la gloria e l’honore et onne benedictione.
Ad Te solo, Altissimo, se konfano
e nullu homo e`ne dignu Te mentovare.

Laudato sie, mi’ Signore, cum tutte le Tue creature,
spetialmente messor lo frate Sole,
lo qual è iorno et allumini noi per lui
Et ellu è bellu e radiante cum grande splendore:
de Te, Altissimo, porta significatione.

Laudato si’, mi’ Signore, per  sora Luna e le stelle:
in celu l’ài formate clarite e pretiose e belle
.

Laudato si’, mi’ Signore, per frate Vento
e per aere e nubilo e sereno et onne tempo,
per lo quale a le Tue creature dài sustentamento.

Laudato si’, mi’ Signore, per sor’Acqua,
la quale e` multo utile et humile e pretiosa e casta.

Laudato si’, mi’ Signore, per frate Focu,
per lo quale ennallumini la nocte:
et ello è bello e iocundo e robustoso e forte.

Laudato si’, mi’ Signore, per sora nostra matre Terra,
la quale ne sustenta e governa,
e produce diversi frutti con coloriti flori et herba.

Laudato si’, mi’ Signore,
per quelli ke perdonano per lo Tuo amore
e sostengo infirmitate e tribulatione.
Beati quelli ke ’l sosterrano in pace,
ka da Te, Altissimo, sirano incoronati.

Laudato si’, mi’ Signore,
per sora nostra Morte corporale,
da la quale nullu homo vivente po’ skappare:
guai a quelli ke morrano ne le peccata mortali;
beati quelli ke trovarà ne le Tue santissime voluntati,
ka la morte secunda no ’l farrà  male.

Laudate e benedicete mi’ Signore e rengratiate
e serviateli cum grande humilitate
.

Dịch sát:

1 Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Toàn năng và Tốt lành,
mọi lời ngợi khen, vinh quang, danh dự, và chúc tụng đều là của Chúa,
Tất cả là của riêng mình Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
và không người nào xứng gọi Danh Ngài.

2 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con, cùng với muôn loài Chúa dựng nên;
cách riêng ngài Mặt Trời là anh chúng con.
Anh là ngày, Chúa dùng anh để soi sáng chúng con.
Anh đẹp và tỏa sáng với ánh quang rạng ngời
,
Anh biểu thị Ngài, lạy Đấng Tối Cao.

3 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì chị Trăng cùng muôn sao
Chúa đã tạo dựng trên nền trời, trong sáng, cao quý và diễm lệ.

4 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì anh Gió
và vì khí trời lúc mây phủ và lúc thanh quang cùng mọi thời tiết
Chúa dùng để bảo tồn mọi loài Chúa dựng nên.

5 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì chị Nước;
Chị thật ích lợi và khiêm nhu, quý hóa và trinh trong.

6 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì anh Lửa;
Chúa dùng anh để sáng soi đêm.
Anh đẹp và vui tươi, tráng kiện và dũng mãnh.

7 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì Mẹ Đất, chị chúng con;
Chị đỡ nâng và cai quản
Chị sinh đủ loại trái trăng với cỏ hoa muôn sắc.

8 Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
      vì những người tha thứ bởi lòng yêu mến Chúa,
những người chịu bệnh tật và gian nan.
Phúc cho những ai chấp nhận trong bình an
vì họ sẽ được Chúa, lạy Đấng Tối Cao, ban thưởng triều thiên.

Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì chị Chết phần xác chúng con,
không ai hiện đang sống thoát được Chị;
bất hạnh thay ai chết trong tội trọng!
phúc cho ai Chị gặp thấy
ở trong ý muốn rất thánh của Ngài,
vì cái chết thứ hai sẽ không hại được họ

10  Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa của tôi[17],
hãy tạ ơn và phụng sự Ngài với hết lòng khiêm hạ”
.

II.    Hoàn cảnh sáng tác

a.      Hoàn cảnh sáng tác các khổ thơ đầu

Quyển Sưu tập Assisi[18] là tác phẩm cho chúng ta biết nhiều thông tin nhất về hoàn cảnh sáng tác của BcMT. Tuy nhiên các thông tin lại có vẻ hơi trái ngược nhau[19]. Theo số 83, BcMT được viết vào năm cuối cùng của cuộc đời Thánh Phanxicô, khi thân thể của thánh nhân đã được in năm dấu thánh, đồng thời cũng bị bệnh tật hành hạ. Tác giả của SA mô tả hoàn cảnh của Thánh Phanxicô lúc ấy như sau:

“Hai năm trước khi chết, khi đã lâm bệnh trầm trọng, đặc biệt là bệnh mắt, ngài đến cư ngụ tại địa điểm gần nhà nguyện Thánh Đamianô … Cả ngày lẫn đêm ngài bị chứng đau mắt hành hạ đau đớn đến mức về đêm ngài hầu như không thể nghỉ hoặc ngủ được một tí nào… Một đêm kia, suy nghĩ về biết bao nhiêu nỗi khốn khó mình phải chịu, đấng chân phúc Phanxicô tủi thân và tự nhủ: ‘Lạy Chúa xin mau giúp con trong cảnh bệnh tật, để con đủ sức kiên nhẫn chịu đựng!’… Đột nhiên có tiếng nói trong tâm trí ngài: ‘Này người tu sĩ, nói ta nghe, ngươi nghĩ sao nếu đổi các khốn khó bệnh tật của ngươi, có người tặng cho ngươi một kho báu?’ … Người tu sĩ, ngươi hãy hớn hở và vui mừng trong cơn khốn khó và bệnh tật, vì từ nay ngươi sẽ vững dạ an lòng như thể đã được ở trong vương quốc của Ta’.

“Sáng hôm sau khi thức dậy, ngài nói với các bạn đồng hành của mình: ‘Nếu được hoàng đế ban cho cả một vương quốc, người bề tôi sẽ chẳng vui mừng lắm sao? Nhưng nếu được ban cho toàn đế quốc, ông ta còn vui mừng biết chừng nào nữa?’ Rồi ngài nói với họ: “Vì thế tôi phải hết sức vui mừng trong các cơn khốn khó bệnh tật, tìm nguồn an ủi trong Chúa, và luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha cùng Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, và với Chúa Thánh Thần vì Chúa đã ban cho tôi một ân huệ và phúc lành lớn lao như thế.…Vì thế để ca tụng Chúa và để có được nguồn an ủi cho bản thân và để xây dựng tâm hồn cho tha nhân, tôi muốn soạn một bài tụng ca mới, ca ngợi Chúa vì các thụ tạo của ngài mà chúng ta vẫn dùng hằng ngày, những thụ tạo nếu thiếu đi chúng ta không thể nào sống.

“Nói xong ngài ngồi xuống, bắt đầu suy nghĩ rồi cất giọng xướng: ‘Altissimo, omnipotente, bon Segnore (Lạy Chúa chí tôn, toàn năng và tốt lành)’. Ngài đem các lời ấy phổ thành nhạc và dạy cho các bạn đồng hành hát theo. Tâm trí ngài lúc ấy chìm ngập trong một sự êm dịu và một nguồn an ủi lớn lao đến mức ngài muốn cho gọi anh Paxificô, người khi còn sống trong thế gian vẫn được xưng tụng là ‘Thi Bá’, và là một bậc thầy âm nhạc rất tài hoa, giao cho anh một vài anh em tốt lành thánh thiện để cùng anh đi khắp thế gian rao giảng và ngợi khen Thiên Chúa” (SA 83).

Tuy nhiên ở số 88, tác giả SA lại trình bày một hoàn cảnh sáng tác có phần hơi khác. BcMT không phải là tiếng kêu chiến thắng xuất phát từ những nỗi khốn khổ lớn lao, nhưng xuất phát từ “lòng yêu mến và kính trọng của Thánh Phanxicô đối với hết mọi thụ tạo”:

Khi rửa tay, ngài vẫn chọn chỗ nào chân mình không dẫm lên nước sau khi rửa. Khi đi trên những phiến đá, ngài bước đi với lòng sợ hãi và cung kính vì lòng mến đối với Đấng được gọi là “Đá Tảng’.

“Chính vì vậy mỗi khi đọc đến câu thánh vịnh: Ngài đã đặt con lên cao trên tảng đá, ngài đều lấy lòng cung kính và sùng mộ mà đọc trại đi là: Ngài đã đặt con lên cao, dưới chân tảng đá.

“Với người anh em đi đốn cây để chụm lửa, ngài căn dặn không được hạ hết cây, nhưng phải chừa lại một phần, chỉ chặt một phần, và ngài cũng truyền như thế cho một người anh em ở cùng chỗ với ngài. Ngài nói với anh làm vườn đừng trồng rau hết đất trong vườn, nhưng hãy chừa lại một phần để cỏ dại mọc, như thế khi đến mùa sẽ trổ nhiều hoa mà ngài coi là chị em của ngài. Ngài còn nói với anh làm vườn phải dành một góc vườn để trồng đủ mọi thứ dây leo và đủ mọi thứ cây có hoa đẹp, để đến thời những thứ cây ấy sẽ mời gọi mọi người ngợi khen Chúa khi thấy hoa đẹp, vì mỗi thụ tạo đều xưng tụng và nói lên: “Thiên Chúa đã dựng nên tôi cho bạn đấy, người ơi!”

Chúng tôi, những người từng sống bên ngài, luôn thấy ngài vui tươi cả bên trong lẫn bên ngoài khi tiếp xúc với hầu hết mọi thụ tạo, thích thú nhìn ngắm và đưa tay vuốt ve. Có thể nói tâm trí ngài không còn ở dưới đất nhưng đã ở trên trời. Rõ ràng và đúng thật là do biết bao nhiêu an ủi ngài nhận được từ các thụ tạo của Thiên Chúa, nên ít lâu trước khi chết, ngài đã soạn và sáng tác bài thánh ca Ngợi Khen Chúa vì các thụ tạo Chúa đã dựng nên, để khích lệ người nghe ca tụng Thiên Chúa và để Thiên Chúa được mọi người ngợi khen trong các thụ tạo của Ngài” (SA 88).

b.      Hoàn cảnh sáng tác hai khổ thơ cuối

Hai khổ thơ áp cuối của BcMT, tức khổ 8 và 9, không được sáng tác trong cùng một hoàn cảnh với phần chính của bài ca. Theo sách Sưu tập Assisi, khổ thứ 8 được viết khi xảy ra xung đột giữa các nhà chức trách dân sự và Đức Giám mục Assisi. Sách viết:

“Trong thời gian ngài [Phanxicô] nằm liệt giường, đức giám mục thành phố Assisi đã dứt phép thông công ngài thị trưởng. Đáp lại, người lúc ấy đang giữ chức thị trưởng đã nổi giận, và cho công bố rầm rộ khắp nơi trong thành Assisi một lệnh kỳ dị: không ai được phép mua bán hay ký kết văn kiện gì với giám mục. Bởi vậy hai bên đâm ra căm ghét nhau dữ dội.

“Mặc dầu bệnh rất nặng, đấng chân phúc Phanxicô vẫn thấy thương cho hai vị ấy, nhất là vì không có ai, tu sĩ hay người đời, đứng ra can thiệp để giảng hòa giữa hai bên. Ngài nói với các bạn đồng hành của mình: ‘Thật đáng hổ thẹn cho anh em là những bề tôi của Thiên Chúa, khi để cho đức giám mục và quan thị trưởng thù hận nhau như vậy mà không có ai đứng ra giảng hòa cho hai bên’.

Vì lý do ấy, ngài đã soạn thêm một câu cho bài hát Ngợi Khen Thiên Chúa:

Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì những ai tha thứ vì lòng mến Chúa
”… (SA 84).

Về hoàn cảnh sáng tác của khổ thứ 9 nói về chị Chết, sách Sưu tập Assisi cho biết như sau:

“Mặc dầu bị các chứng bệnh hành hạ, đấng chân phúc Phanxicô vẫn hết lòng ngợi khen Chúa trong niềm hân hoan cả thể chất lẫn tinh thần. Ngài nói với người anh em ấy: ‘Nếu tôi sắp phải chết, xin anh gọi anh Angiêlô và anh Lêô đến để hát cho tôi nghe về chị Chết’.

Các anh này đến đứng trước mặt ngài và nước mắt đầm đìa, cất tiếng hát bài thánh ca về Anh Mặt Trời và các thụ tạo khác của Chúa do chính thánh nhân soạn ra trong lúc ốm đau để ca ngợi Thiên Chúa và để an ủi linh hồn mình và linh hồn người khác. Ngài thêm vào trước đoạn cuối một khổ thơ nói về chị Chết:

Mong sao Người được ngợi khen, ôi Chúa của con,
vì chị Chết phần xác chúng con
…’” (SA 7).

III.    Phân tích bản văn

a.      Các bên tham gia vào lời ngợi khen

Xét về các mối tương tác bên trong bài thơ, trong BcMT có một hành động và ba bên tham gia vào hành động[20]. Hành động là việc ngợi khen. Ba bên tham gia vào việc ngợi khen là chủ thể thực hiện việc ngợi khen (Ai ngợi khen?), đối tượng nhận lời ngợi khen (Ai được ngợi khen?) và các chủ thể khác tham gia vào việc ngợi khen (Nhờ ai, cùng với ai, nhân việc gì, vì mục đích gì…?).

· Bình thường, chủ thể ngợi khen là người sáng tác BcMT, tức Thánh Phanxicô. Nhưng trong bài ca, không có câu nào nói: “Lạy Chúa, con xin ngợi khen Chúa”. Hầu như tất cả các câu của BcMT đều dùng một động từ là Laudato si. Động từ này ở thể thụ động (passive voice/voix passive): “Mong sao Người được ngợi khen”. Trong câu có động từ ở thể thụ động, chủ thể hành động có thể để trống[21], và qua đó tạo khả năng nới rộng để có thể bao gồm cả mọi người (“Mong sao Chúa được mọi người ngợi khen”), và toàn thể các thụ tạo (“Mong sao Chúa được muôn loài ngợi khen”)[22].

Tuy người sáng tác BcMT đã cố ý xóa tên mình khi viết: “không người nào xứng gọi Danh Người” và trình bày hành động ngợi khen ở thể thụ động, nhưng vẫn không xóa được hết dấu vết vì cái tôi của người sáng tác vẫn xuất hiện trong những cụm từ như meo Segnore (Ôi Chúa của con), hay sora nostra matre Terra (Mẹ Đất chị chúng con)

· Đối tượng của lời ngợi khen là Thiên Chúa như được khẳng định ngay từ câu đầu tiên: “Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Toàn năng và Tốt lành, mọi lời ngợi khen, vinh quang, danh dự, và chúc tụng đều thuộc về Chúa”.

· Các thụ tạo tham gia vào hành động ngợi khen như thế nào? Để diễn tả cách các thụ tạo tham gia vào việc ngợi khen, trong nguyên bản, Thánh Phanxicô dùng giới từ / “quan hệ từ” per và dùng đến 10 lần. Vấn đề là, theo các học giả, trong tiếng Ý thời xưa, từ per có thể có nhiều giá trị ngữ nghĩa: giá trị nguyên nhân hay lý do, giá trị cơ hội hay hoàn cảnh, giá trị tác nhân, giá trị phương tiện[23].

Tôma Celano, người đầu tiên được giao nhiệm vụ viết tiểu sử Cha Thánh, đã hiểu per theo nghĩa bởi (chỉ tác nhân). Trong quyển Tưởng nhớ trong tâm tình ước mong (tức quyển Hạnh thứ hai) ông viết:

“Chính lúc đó (lúc cảm nhận lời hứa ơn cứu độ của Chúa) Ngài đã sáng tác Bài ca các thụ tạo để mời gọi tất cả cùng ca tụng Đấng Tạo Hóa theo cách của mình” (2 Cel 213).

Hiểu theo nghĩa này, chính các thụ tạo dâng lên Thiên Chúa lời ngợi khen còn Thánh Phanxicô chỉ là người mời gọi. Khi ấy BcMT có ý tưởng và cấu trúc giống Bài ca của ba thiếu niên trong lò lửa: người viết bài ca (ngôi thứ nhất) ngỏ lời với các thụ tạo (ngôi thứ hai), kêu gọi các thụ tạo ngợi khen Thiên Chúa (ngôi thứ ba):

“Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận cao xanh,
Chúc tụng Chúa đi, mọi cơ binh thượng giới,
Chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng,
Chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú trên trời,

Chúc tụng Chúa đi, nào mưa sương tất cả,
Chúc tụng Chúa đi, mọi luồng gió cơn dông,
Chúc tụng Chúa đi, sức nóng với lửa hồng,
Chúc tụng Chúa đi, trời nồng và khí lạnh”… (Đn 3, 57-86).
[24]

Nếu cho rằng từ per có giá trị phương tiện, các thụ tạo không còn là chủ thể dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, nhưng lời ngợi khen sẽ được dâng lên Thiên Chúa qua trung gian các thụ tạo. Nhiều bản dịch hiểu giới từ per là “nhờ/qua trung gian”. Ví dụ bản tiếng Anh trong bộ Francis of Assisi: Early Documents[25], câu 4 của Bài Ca Anh Mặt Trời được dịch là “Praised be You, my Lord, through Sister Water / Ôi lạy Chúa của con, mong sao Người được ngợi khen qua trung gian chị Nước”. Lý do loài người phải nhờ trung gian các thụ tạo là vì:

“Ngay cả việc trực tiếp gọi tên Thiên Chúa, nhân loại cũng không xứng đáng, vì vậy con người dâng lên lời ca ngợi cách gián tiếp, thông qua các thụ tạo của Thiên Chúa. Giống như trong các nghi thức tại các đại thánh đường, cộng đoàn im lặng dâng lên sự thờ phượng thông qua tiếng hát của một dàn hợp xướng tuyệt vời” [26].

Các tạo vật có thể ca ngợi Thiên Chúa chỉ đơn giản bằng cách hiện hữu và làm những gì Ngài dự định cho chúng. Đấy là bản hợp xướng im lặng được phản ảnh trong các công trình kiến trúc và mỹ thuật thánh.

Nếu cho rằng từ per có giá trị lý do hay nguyên nhân, các thụ tạo là lý do khiến Thánh Phanxicô dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Đây là cách hiểu của tác giả bộ Sưu tập Assisi[27] và các tác phẩm viết dựa vào Sưu tập Assisi như Gương trọn lành. Sách Gương trọn lành viết:

“Lúc hừng đông, khi mặt trời mọc, mọi người đều phải ngợi khen Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên mặt trời để mưu ích cho chúng ta vì nhờ mặt trời mắt chúng ta được soi sáng lúc ban ngày. Khi chiều đến và lúc đêm về, mọi người phải ngợi khen Thiên Chúa vì anh Lửa. Nhờ anh mà mắt chúng ta được soi sáng lúc đêm tối… Chính vì thế chúng ta phải ngợi khen Đấng Tạo Hóa đặc biệt vì hai anh ấy cũng như vì các loài thụ tạo khác chúng ta dùng hằng ngày” (2 GTl 119).

Khi ấy BcMT có ý tưởng và cấu trúc giống Thánh vịnh 104: người viết bài ca (ngôi thứ nhất) dâng lời ngợi khen lên Thiên Chúa (ngôi thứ  hai) vì sự kỳ diệu thấy được noi các thụ tạo (ngôi thứ ba),

“Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả !…

Chúa khơi nguồn: suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thỏa thuê.

Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo.

Từ cao thẳm, Chúa đổ mưa xuống núi,
đất chứa chan phước lộc của Ngài.
Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc,
làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng…

Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết,
dạy mặt trời biết lặn đúng thời gian
…(Tv 104 1.9-19).

· Nhiều học giả cho rằng đây là một trường hợp đa nghĩa tích hợp (polysémie / polysemy) và giới từ per có thể mang tất cả những ý nghĩa trên cùng một lúc và không thể tách rời[28]. Tuy cũng nghĩ “các cách giải thích không loại trừ nhau, nhưng bổ túc cho nhau”, nhưng khi dịch BcMT sang tiếng Việt, N. Nguyễn Văn Khanh đã phải chọn một nghĩa. Anh viết: “Khi dịch thì phải chọn. Chúng tôi đã chọn dịch từ “per” là “vì”, theo lời giải thích của chính thánh Phanxicô mà anh Lêô ghi lại”[29].

Người viết bài này cũng dịch từ “per” là “vì”. Ngoài lý do khách quan đây là lời giải thích được anh Lêô ghi lại, xin thêm một lý do chủ quan. Theo cảm nhận riêng, sở dĩ Thánh Phanxicô đã cố tìm những nét đẹp tiêu biểu cho mỗi thụ tạo, đó là vì ngài muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thán phục của mình trước những điều kỳ diệu Chúa đã dựng nên. Giống như chúng ta muốn khen ngợi một tác giả nào đó, chúng ta sẽ nêu lên những cái hay, những cái tài tình trong các tác phẩm của người ấy.

Thánh Phanxicô kể ra những nét đẹp ấy để ngợi khen Thiên Chúa, không những vì Người là Đấng tạo dựng nên những thụ tạo đẹp đẽ như thế mà còn vì vẻ đẹp của các tạo vật phản chiếu vẻ đẹp của Đấng Tạo hóa. Không riêng anh Mặt trời “biểu thị Người, lạy Đấng Tối Cao”, biểu thị ánh quang rạng ngời của Thiên Chúa, nhưng chị Trăng cùng muôn sao, anh Gió, chị Nước đều biểu thị một nét đẹp nào đó nơi Thiên Chúa. BcMT ngợi khen Thiên Chúa Người đã dựng nên những tuyệt tác. Lời ngợi khen càng chân thực khi người ngợi khen đã cảm nhận và diễn tả được các vẻ đẹp của công trình sáng tạo.

b.      Bố cục bản văn

Dựa vào việc xuất hiện của cụm từ chìa khóa Laudato Si’, có thể chia BcMT làm mười khổ.

· Khổ thứ nhất là lời ngợi khen Thiên Chúa bằng cách nêu lên các phẩm tính của Người:

Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Toàn năng và Tốt lành,
mọi lời ngợi khen, vinh quang, danh dự, và chúc tụng đều thuộc về Chúa,

Tất cả đều thuộc riêng mình Ngài, lạy Đấng Tối Cao
và không ai xứng gọi Danh Người.

Chúng ta gặp cách mở đầu như thế trong một số các lời kinh khác của Thánh Phanxicô. Ví dụ như Kinh Suy tôn đọc vào mọi giờ kinh mở đầu như sau:

Thánh, Thánh, Thánh, Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng,
Đấng hiện có, đã có và sẽ đến:
Chúng ta hãy ca tụng và suy tôn Người đến muôn đời.

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Ngài xứng đáng lãnh nhận lời ngợi khen,
vinh quang và danh dự cùng lời chúc tụng:
Chúng ta hãy ca tụng và suy tôn Người đến muôn đời
(KSt 1-2).

Hầu như toàn bộ Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa Tối Cao chép trong Thủ bút gửi anh Lêô được dành để kể lên các phẩm tính của Thiên Chúa:

Ngài thánh thiện, là Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất,
duy mình
Ngài làm nên những điều kỳ diệu .

Ngài mạnh mẽ,,Ngài vĩ đại, Ngài cao cả,

Ngài toàn năng, lạy Cha chí thánh ,
Ngài là Vua thống trị trời đất.

Ngài là Ba Ngôi và là Một Thiên Chúa,
là Đức Chúa, Thần trên mọi chư thần.

Ngài là sự thiện, tất cả sự thiện, sự thiện tuyệt đỉnh,
là Thiên Chúa hằng sống và chân thật…
(KLeo 1-6)
[30].

· Các khổ từ 2 cho đến 7 lần lượt kể tên một số thụ tạo cùng với những nét đẹp , những đặc tính quý giá riêng. Khổ 2 nói đến Mặt Trời (Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
Anh biểu thị Người, lạy Đấng Tối Cao). Khổ 3 nói đến Mặt Trăng và muôn sao (trong sáng, cao quý và diễm lệ). Khổ 4 nói đến Gió và khí trời lúc mây phủ lúc thanh quang (Chúa dùng để bảo tồn mọi loài Chúa dựng nên). Khổ 5 nói đến Nước (thật ích lợi và khiêm nhu, quý hóa và trinh trong). Khổ 6 nói đến Lửa (đẹp và vui tươi, tráng kiện và dũng mãnh). Khổ 7 nói đến Trái Đất (đỡ nâng và cai quản, sinh đủ loại trái trăng với cỏ hoa muôn sắc).

Những sự vật đề cập ở đây  đều là những vật thể vô tri hay những hiện tượng tự nhiên. Không thấy BcMT kể đến tên một sinh vật nào, trong khi đó các truyện ký có rất nhiều giai thoại kể lại việc Thánh Phanxicô kết thân với mọi loài thú vật. Ngài nói chuyện với chim muông cầm thú, gọi các con vật là “anh”, “chị” hay “em”. Trong BcMT, Thánh Phanxicô gọi những vật vô tri là “anh, chị” nhưng không nhắc đến tên một sinh vật nào, ngoại trừ con người.

· Các khổ 8-9 đề cập đến con người. Dựa trên những gì được thuật lại trong SA 84, khổ 8 nói về sự tha thứ và được sáng tác để kêu gọi quan thị trưởng và Đức Giám mục của thành phố Assisi làm hòa với nhau. Tuy nhiên, nguyên văn SA 84 viết: “Et sic unum versum fecit” và phải hiểu Thánh Phanxicô chỉ thêm một câu, tức câu “Mong sao Ngài được ngợi khen, ôi Chúa của tôi, vì những ai tha thứ vì lòng mến Chúa[31]

Như thế chủ đề của khổ 8 sẽ không phải là sự tha thứ nhưng là việc chấp nhận chịu bệnh tật và gian nan. Tuy nhiên dù có hiểu là nói về sự tha thứ hay sự chấp nhận chịu đựng, thì khổ 8 và khổ 9 vẫn nói về những trải nghiệm đau thương của con người: tranh chấp bất hòa, bệnh tật gian nan và sự chết. Sở dĩ được đưa vào BcMT để làm đề tài ngợi khen Thiên Chúa, đó là vì các tranh chấp bất hòa đã được vượt qua trong tha thứ; bệnh tật gian nan và sự chết đã được vượt qua trong chiến thắng trước “cái chết thứ hai”.

· Khổ 10 nói lên ý hướng và mục đích của BcMT nói riêng và của toàn thể vũ trụ nói chung: ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn và phụng sự Thiên Chúa Tối Cao. Đây là câu kết của toàn bài và cũng có thể là điệp khúc hát trước mỗi khổ thơ .

c.      Cách gọi các vật vô tri là “anh, chị”

Trong Cựu Ước, nhiều Thánh vịnh đã đưa các thụ tạo vào trong lời kinh ngợi khen (hoặc để mời gọi cùng chung lời ngợi khen, hoặc được nêu lên như những đề tài để ngợi khen). Ví dụ như Tv 8, Tv 19, Tv 104, Tv 148, hay bài “Thánh ca của ba thiếu niên trong lò lửa”:

Chúc tụng Chúa đi, nguồn nước tận cao xanh,
chúc tụng Chúa đi, mọi cơ binh thượng giới,
chúc tụng Chúa đi, mặt trời với mặt trăng,
chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú muôn ngàn
” (Đn 3, 60-63).

Điểm độc đáo của BcMT là việc khi đưa các thụ tạo vào trong lời kinh của mình, Thánh Phanxicô gọi các loài ấy là fratresuor (“anh” và “chị”)[32].

Trước khi sáng tác BcMT, chính Thánh Phanxicô cũng đã từng gọi các sinh vật là “anh” là “chị” và mời gọi các anh chị ấy dâng lời ngợi khen Thiên Chúa. Chẳng hạn như việc sau đây được Tôma Celano thuật lại trong quyển Tiểu sử đấng chân phúc Phanxicô (tức 1 Cel): Một ngày kia, khi đang trên đường băng qua thung lũng Spoleto, thánh nhân gặp một bầy chim rất đông,  ngài liền đến gần chúng và nói:

“Này các anh chim, các anh có bổn phận phải luôn ca tụng và yêu mến Đấng tạo nên các anh. Người đã ban cho các anh lông vũ làm áo mặc, đôi cánh để bay, cùng tất cả mọi thứ các anh cần. Thiên Chúa đặt các anh ở một địa vị cao sang so với các thụ tạo, vì Người đã ban cho các anh khoảng không trung trong lành làm nơi ở. Các anh không gieo, không gặt, không phải lo lắng gì, nhưng chính Người che chở và chăm lo cho các anh” (1 Cel 21).

Chúng ta đều rất quen với chuyện Thánh Phanxicô đi gặp con sói ở Gubbio được thuật lại trong sách Fioretti di San Francesco (Những Bông Hoa Nhỏ) và tiền thân của nó là Actus b. Francisci et sociorum eius  (Các việc đức hạnh của đấng chân phúc Phanxicô và các bạn đồng hành của ngài). Thánh Phanxicô đi hai tay không đến gặp con sói dữ chuyên ăn thịt gia súc và tấn công cả người. Ngài nói với con sói:

“Này anh Sói, anh đã gây ra biết bao nhiêu thiệt hại trong vùng này. Anh đã gây ra biết bao tội ác kinh khủng khi tàn sát không thương tiếc các thụ tạo của Thiên Chúa” (CĐc 23; NBHn 2).

 

Trong BcMT, Thánh Phanxicô mở rộng mối quan hệ gia đình sang đến cả các vật vô tri (như trăng, sao, đất, nước) và các hiện tượng tự nhiên (như gió, lửa). Trong cách gọi của Thánh Phanxicô, chúng ta thấy có một vài điểm đáng lưu ý.

Điểm đáng lưu ý thứ nhất là ngài gọi một số thụ tạo là “anh” còn số khác gọi là “chị”. Có thể xem đây là điều bắt buộc trong ngôn ngữ ngài sử dụng. Trong tiếng La Tinh và trong các tiếng phát sinh từ tiếng La Tinh, đa số các danh từ đều được sắp xếp vào “giống đực” hay “giống cái”. Thông thường, việc sắp xếp theo giống đực hay giống cái dựa trên bản chất tự nhiên, như pater (cha) thuộc “giống đực”, còn mater (mẹ) thuộc giống cái. Nhưng cũng có khi chỉ theo quy ước thói quen. Tại sao trong tiếng La Tinh, tên các con sông đều thuộc “giống đực” trong khi tên các loài cây đều thuộc “giống cái”? Không có lý do logic, chỉ do quy ước. Trong tiếng La Tinh, tiếng Italia và phương ngữ Umbria, “mặt trời” (sol, sole) thuộc giống đực, “mặt trăng” (luna) thuộc giống cái. Đấy có thể là lý do đầu tiên thúc đẩy Thánh Phanxicô gọi mặt trời là “anh”, gọi “mặt trăng” là chị.

Tuy nhiên khi gọi các thụ tạo là “anh” là “chị” Thánh Phanxicô còn nêu lên những nét đặc thù của từng “anh”, từng “chị”. Anh Mặt trời thì “đẹp và tỏa ánh rạng ngời”, Chị Mặt trăng thì “trong sáng, cao quý và diễm lệ”. Chị Nước thì “thật lợi ích và khiêm nhu, quý hóa và trinh trong” còn Anh Lửa thì “đẹp và vui tươi, khỏe và dũng mãnh”. Việc sắp xếp vào “giống đực” hay “giống cái” vì thế không còn mang tính cách quy ước tùy tiện, nhưng phát xuất từ một cảm nghiệm sâu xa. Có thể là từ tiềm thức tập thể của con người, tức là từ một cảm nhận chung trong nhiều nền văn hóa về tính Âm và tính Dương của sự vật.

Trong tiếng Việt, danh từ không có giống đực, giống cái. Nhưng trong văn hóa Trung Hoa, các sự vật cũng được sắp xếp vào các loại mang tính Âm hay tính Dương. “Từ cái lớn như trời, đất, mặt trời, mặt trăng, đến cái nhỏ như con sâu, con bọ, cây cỏ, đều được qui vào âm dương. Ví dụ về thiên nhiên thuộc dương ta có thể kể: Mặt trời, ban ngày, mùa xuân, hè, đông, nam,  nóng, lửa, sáng. Thuộc âm ta có: Mặt trăng, ban đêm, thu, đông, tây, bắc, lạnh, nước, tối”[33].

Trong cách trình bày của BcMT chúng ta thấy có một sự quân bình về mặt Âm Dương. Khổ 2 nói về Mặt Trời (thuộc Dương), khổ 3 nói về Mặt Trăng (thuộc Âm). Khổ 4 nói về Nước (thuộc Âm), khổ 5 nói về Lửa (thuộc Dương).

Điểm đáng lưu ý thứ hai là khi gọi các loài thụ tạo và các hiện tượng tự nhiên là “anh” là “chị”, Thánh Phanxicô dành một vị trí riêng cho Mặt Trời và Trái Đất. Ngài không chỉ gọi Mặt Trời là “anh” nhưng còn gọi là “messer lu fratre sole” (ngài Mặt Trời là anh chúng con, BcMT c.2)[34]. Mặt Trời được nhắc đến cách trang trọng ở ngay đầu bài ca, được gọi bằng tước hiệu “messer”, lại còn được nói rõ là biểu thị chính vinh quang của Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, dù uy nghi cao trọng, dù đã có tước hiệu là “messer”, dù là “ngài Mặt Trời”, thì Mặt Trời vẫn là “anh Mặt Trời”, một thành viên của gia đình.

Thánh Phanxicô cũng dành một ví trí đặc biệt cho Trái Đất mà ngài gọi là “Mẹ Đất, chị chúng tôi”. Được gọi là “Mẹ Đất” vì Trái Đất có đầy đủ các phẩm chất của một người mẹ: Trái Đất “đỡ nâng và cai quản, sản sinh đủ loại trái trăng với cỏ hoa muôn sắc” (BcMT c.7). Được gọi là Mẹ, nhưng vẫn là chị, vì Mẹ Đất giống như một bà chị đã đi lấy chồng, con cái đầy đàn. Ở nhà mình, Mẹ Đất là mẹ, nhưng về nhà bố mẹ thì vẫn là Chị. Vì thế Thánh Phanxicô mới gọi bà chị lắm con ấy là “Mẹ Đất, chị chúng con”.

Về mặt từ vựng, trong hai khổ thơ cuối, Thánh Phanxicô không nói đến một sự vật hay một hiện tượng xảy ra trong thiên nhiên nhưng nói về những sự việc xảy ra nơi chính con người, đó là sự tha thứ và sự chết. Có điều lạ là, riêng trong đoạn nói về sự tha thứ, Thánh Phanxicô lại không dùng “ngôn ngữ gia đình”, không gọi ai là “anh” là “chị”, trong khi hòa giải là lúc thích hợp nhất để nhắc đến tình huynh đệ.

IV.    Nguồn cảm hứng

a.      Cảm hứng văn chương

Theo hồi ức của các tác giả biên soạn bộ Sưu tập Assisi, khi sáng tác BcMT, Thánh Phanxicô có ba mục đích: “để ca ngợi Thiên Chúa, để an ủi linh hồn mình và linh hồn người khác” (SA 7). Để ca ngợi Thiên Chúa hay để an ủi linh hồn mình có thể không cần nói thành lời hoặc chỉ dùng ngôn ngữ ở mức tối thiểu, nhưng để an ủi linh hồn người khác, tức là để chia sẻ cảm nghiệm của mình, Thánh Phanxicô buộc phải dùng đến phương tiện truyền tải là ngôn ngữ trong một quá trình gọi là “văn tự hóa” (literarization)[35].

Ngôn ngữ mà thánh nhân dùng để viết BcMT là phương ngữ Umbria, lúc ấy là một ngôn ngữ bình dân, chưa có hệ thống ký âm chính thức[36]. Nhưng nhờ có gốc là tiếng La Tinh nên vẫn có thể cung cấp cho tác giả BcMT một kho từ vựng và ngữ pháp phong phú. Ví dụ: theo ngữ pháp, danh từ sole (mặt trời) đã là giống đực, luna (mặt trăng) đã thuộc giống cái. Điều này giúp cho Thánh Phanxicô dễ hình dung và dễ gọi mặt trời là “anh”, và mặt trăng là “chị”.  Ví dụ thứ hai: Thánh Phanxicô dùng động từ “ngợi khen” ở thể thụ động và thức giả định (Laudato si’ – Ước gì/Chớ gì Người được ngợi khen). Dùng động từ ở thể thụ động và thức giả định giúp cho Thánh Phanxicô có thể bỏ lửng chủ vị.

Tuy nhiên Thánh Phanxicô lại không chỉ diễn tả cảm nghiệm bằng ngôn ngữ đời thường nhưng còn muốn diễn tả bằng hình thức thi ca nên có thêm một quá trình nữa, gọi là quá trình “văn chương hóa” (literaturization)[37]. Trong thi ca, người sáng tác được tự do hơn khi trình bày, không phải tuân thủ chặt chẽ các quy luật của lý luận hay các quy ước thông thường của ngữ pháp. Nhà thơ có thể cứ viết như mình cảm nhận mà không cần quan tâm đến điều mình viết có logic hay không.

Khi cảm nhận được có một sự đồng điệu nào đó với thiên nhiên, nhà thơ có thể dùng biện pháp tu từ “nhân cách hóa’ để nói với sự vật vô tri. Nhà thơ lãng mạn người Pháp tên là Lamartine đã sáng tác bài thơ Le Lac (Hồ ơi!) khi không gặp lại người yêu bên hồ Bourget như lời hẹn ước. Nhà thơ nói chuyện với hồ nước như với một người bạn để giãi bày tâm sự:

Năm gần trọn, bên sóng hồ yêu dấu
Vắng bóng nàng về thăm lại, hồ ơi!
Đây hồ xem mỏm đá xưa nàng ghé
Nay còn lại một mình ta trên đó!
[38]

Câu hỏi đặt ra là từ vựng, ngữ pháp và các biện pháp tu từ chỉ là phương tiện để Thánh Phanxicô diễn tả một cảm hứng tôn giáo hay các yếu tố ngôn ngữ và văn chương cũng ảnh hưởng đến việc hình thành cảm hứng nguyên thủy. Việc Thánh Phanxicô gọi vạn vật là “anh” là “chị” có phải hoàn toàn phát sinh từ cảm hứng thần bí hay cũng phát sinh từ cảm hứng thi ca hay chăng?

Theo phân tâm học, trong sáng tạo nghệ thuật, các nhà thơ, nhà văn, kể cả những người viết truyện phim, viết quảng cáo, viết cổ động, đều vận dụng đến những “hình ảnh nguyên mẫu” (archetypal images) có sẵn trong vô thức tập thể. Chính nhờ đó mà các sản phẩm của họ có thể đánh động nhiều người thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau[39]. Phải chăng, theo Daniel T. Lunney nhận xét, “Bài ca Mặt Trời tiếp tục có sức mạnh truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới và qua nhiều thế kỷ vì Phanxicô đã vận dụng được hình ảnh nguyên mẫu của chúng ta về gia đình của các thụ tạo để ca ngợi Đấng Tạo Hóa”[40]?

Các hình ảnh nguyên mẫu lại thường được lưu truyền qua các thần thoại của tín ngưỡng dân gian. Người ta gặp thấy rất nhiều truyện về thần sông, thần núi, thần mưa, thần gió, thần mặt trời, thần mặt trăng… trong thần thoại của các nền văn hóa khác nhau. Các truyện tích được dùng để làm nền cho việc thờ cúng các thần ấy. Tiếp nối Do Thái giáo, Kitô giáo là một tôn giáo độc thần tuyệt đối và mạnh mẽ chống đối việc thờ cúng bất cứ thần nào khác ngoài Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng trời đất. Tuy nhiên ngay trong những nền văn hóa Kitô giáo lâu đời, vẫn ngấm ngầm tồn tại những hình thức dị đoan, những hình thức thờ cúng các sức mạnh tự nhiên.

Việc BcMT chỉ được ám chỉ nhưng không được nêu tên cách minh nhiên trong các truyện ký của Tôma Celano cũng nhưtrong các truyện ký của Thánh Bônaventura có thể vì hai lý do ấy. Xét về mặt văn học, BcMT là một áng văn được sáng tác bằng phương ngữ Umbria trong khi ngôn ngữ chính thức của xã hội và của Giáo Hội thời ấy là tiếng La Tinh. Các truyện ký của Tôma Celano và Thánh Bônaventura lại là những tác phẩm chính thức do Đức Giáo Hoàng, do Tổng Phục vụ hay Tổng Tu nghị yêu cầu biên soạn[41].

Hơn nữa BcMT còn gọi các vật thể vô tri và các hiện tượng tự nhiên là “anh” là “chị”. Xét về phương diện tín lý, điều ấy dễ dẫn đến những cáo buộc cho rằng ngài rơi vào tín ngưỡng vật linh (animism), cho rằng mọi vật (người, động vật, thực vật, đá, sông, núi v.v), và mọi hiện tượng tự nhiên (sấm, chớp, mây, mưa) hay các thực thể khác trong môi trường tự nhiênđều có hồn thiêng. Thậm chí ngài có thể bị coi là theo tôn giáo phiếm thần (pantheism), cho rằng mọi vật đều có thần tính.

Trong bài nghiên cứu đã trích dẫn, Ilia Delio có nhận xét:

“Những hành động của Thánh Phanxicô đôi khi được cho là không chính thống, và điều này đã trở thành đề tài bàn luận giữa các học giả ngày nay. Ví dụ, Lynn White (Medieval Religion and Technology [Berkeley: University Berkeley Press, 1978]: 38) cho rằng cách Thánh Phanxicô giao tiếp với thiên nhiên là một sai lệch về căn bản so với giáo lý chính thống vì ngài rao giảng cho chim và hoa, qua đó gán cho chúng một tư cách đạo đức, thậm chí ngài còn làm cho con sói Gubbio ăn năn hối cải”[42].

Có lẽ để tránh các lời chỉ trích ấy, Tôma Celano đã trình bày BcMT như một sáng tác theo cảm hứng của Thánh ca ba thiếu niên trong sách Đanien. Nếu có khác thì cũng chỉ khác ở chỗ “nhân cách hóa” mạnh dạn hơn qua việc gọi các thụ tạo là “anh” là “chị”. Còn Thánh Bônaventura tránh các lời chỉ trích bằng cách không nhắc đến tên BcMT, nhưng vẫn duy trì và nhấn mạnh đến cảm nhận thần bí về tình huynh đệ đại đồng làm nền tảng cho bài ca.

b.      Cảm hứng tôn giáo

Cảm hứng của BcMT có thể bị cho là mang tính chất thi ca thuần túy hoặc chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng vật linh hay phiếm thần. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, ngay cả khi gọi Mặt Trời là “ngài”, và Đất là “Mẹ Đất” thì ngài Mặt Trời vẫn là “anh” và Mẹ Đất vẫn là “chị” chứ không phải một thần linh nào phải thờ phụng. Thánh Phanxicô xem thiên nhiên là cơ hội, là phương tiện, để ngợi khen Thiên Chúa.

Qua những thông tin liên quan đến hoàn cảnh sáng tác, nhận được từ những anh em tiên khởi của Thánh Phanxicô, chúng ta có thể thấy cảm hứng của BcMT không phải là cảm hứng thi ca thuần túy cũng phải cảm hứng mang tính chất tín ngưỡng vật linh.

Thông tin thứ nhất là việc Thánh Phanxicô sáng tác Bài Ca khi thân thể bị bệnh nặng, hai mắt gần như mù lòa, nằm co ro trong một căn phòng nhỏ tại địa điểm gần nhà thờ Thánh Đamianô (x. SA 83). Cảm hứng không đến với tác giả khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, trong một buổi bình minh rực rõ hay trong một khu rừng có thác đổ, có suối nước róc rách, có tiếng chim hót, có tiếng vượn kêu. Cảm hứng sáng tác đến với Thánh Phanxicô khi đang chịu đau đớn và được Chúa đoan chắc ban cho phần thưởng Nước Trời. Tâm trạng của Thánh Phanxicô khi sáng tác BcMT không giống với tâm trạng của Xuân Diệu khi sáng tác bài thơ Cảm xúc:

Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…
[43]

Thông tin thứ hai giúp chúng ta hiểu rõ cảm hứng của BcMT, đó là Bài Ca chỉ được Thánh Phanxicô sáng tác vào cuối đời. Trước đó là một cuộc đời đền tội, khắc khổ, liên tục từ bỏ, hãm mình phạt xác. Sau đây là một ví dụ điển hình:

Ngày kia “ma quỷ khiến ngài phải chịu một chước cám dỗ rất nặng nề về dâm dục. Nhưng ngay khi cảm thấy bị cám dỗ, vị Hiền Phụ chân phúc lập tức cởi áo, vừa lấy dây áo quất túi bụi vào mình vừa nói: “Anh Lừa ơi, anh phải chịu roi vọt như thế này là đúng quá rồi! Áo dòng là của người tu hành: anh không được phép lấy trộm mà mặc. Nếu anh muốn bỏ tu, thì cứ bỏ!” (2 Cel 82).

Trong giai đoạn này, gọi thân thể mình là “anh Lừa” đúng chỉ là một việc nhân cách hóa chứ không hề có một thiện cảm nào. Chỉ đến cuối đời, khi đã “đóng đinh tính xác thịt mình vào thánh giá với Chúa Kitô”, Thánh Phanxicô mới có thể gọi thân thể mình là anh cách thân thiện. Như Tôma Celano viết:

“Cuối đời, Thánh Phanxicô thú nhận với một trong những anh em  của mình rằng lương tâm ngài áy náy về việc chăm sóc cơ thể của mình, và vẫn sợ nuông chiều nó quá nhiều trong thời gian bệnh tật, lo lắng về việc cung cấp cho nó những món ngon hoặc thức ăn thêm.  Người anh em trả lời bằng cách hỏi Thánh Phanxicô rằng cơ thể của ngài đã vâng lời như thế nào qua nhiều năm và vị thánh thừa nhận rằng nó vâng lời trong mọi việc, " không ngại khó ngại khổ, không sợ phải thiệt thòi, cốt sao hoàn thành được nhiệm vụ.” Khi người anh em ấy hỏi lại: “Nếu như vậy thì thưa cha, cha để lòng quảng đại của cha ở đâu? Đấy có phải là cách trả công xứng đáng cho bạn bè chung thủy không?” thì Thánh Phanxicô đã là xin lỗi thân thể của mình: “Này Anh Thân Xác ơi, vui lên đi và tha thứ cho tôi, bây giờ tôi sẵn lòng làm theo ý anh, và vui vẻ mau chóng tìm cách cho anh đỡ than van” (2 Cel 160).

BcMT là kết tinh của một quá trình kiên trì “cùng chết với Chúa Kitô”, “đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” để cùng Người sống lại” (x. Rm 6,8; Gl 5,24). Chỉ khi đã được in năm dấu thánh và được đảm bảo ơn cứu độ, Thánh Phanxicô mới có thể gọi vạn vật là “anh, chị”, giống như chỉ khi đi đến cuối đời đền tội, Thánh Phanxicô mới có thể làm hòa với  thân thể mình và gọi thân thể của mình là “anh Lừa” một cách thân thương.

Thánh Phanxicô có thể là một người sẵn có tâm hồn nghệ sĩ, dễ đồng cảm với vạn vật, tuy nhiên tâm tính tự nhiên ấy đã phải tôi luyện trong lò lửa của đau khổ và BcMT chỉ có thể thành hình sau khi có lời Chúa hứa: “Này người tu sĩ, ngươi hãy hớn hở và vui mừng trong cơn khốn khó và bệnh tật, vì từ nay ngươi sẽ vững dạ an lòng như thể đã được ở trong vương quốc của Ta”. Trước đó chỉ là tủi thân và gần như tuyệt vọng.

Mối liên hệ gia đình giữa các loài thụ tạo đã có từ khi cùng được Thiên Chúa tạo thành. Nhưng cảm nhận về mối liên hệ lụi tàn dần sau khi loài người phạm tội. Đất vẫn đỡ nâng và dưỡng nuôi, nhưng “đất sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi; ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (St 2, 18-19). Người ta không còn sống nhờ đất và bảo tồn đất, nhưng là coi đất là đối tượng để khai thác, để cướp phá. Tình huynh đệ đại đồng trong BcMT không phải là một tình huynh đệ ngây thơ trong trắng của tuổi thơ hay của nhân loại trước khi sa ngã. Đấy là “tình huynh đệ tìm lại được” của những người “đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, … được sống lại như Người đã sống lại” (x. Rm 6,5).  

Bởi vì bản chất của vạn vật là đồng thụ tạo, nên mối dây huynh đệ vẫn tồn tại, cảm nhận về mối dây huynh đệ vẫn còn trong cảm hứng thi ca hay trong các thần thoại của các tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên chỉ sau khi cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc Vượt qua, Thánh Phanxicô mới tìm lại được cảm nhận về mối dây huynh đệ giữa những loài cùng một nguồn, “cùng một nguyên lý xuất phát”.

Thánh Bônaventura đã tóm tắt nguồn cảm hứng đã thúc đẩy Thánh Phanxicô sáng tác BcMT trong một câu: “Ngài thường gọi tất cả mọi thụ tạo, đến cả những loài nhỏ bé nhất bằng ‘anh’ bằng ‘chị’ vì biết rằng các thụ tạo đều chung một nguyên lý xuất phát duy nhất như mình” (1 Bon 8,6).

c.      Một vài thắc mắc

Khi tìm hiểu BcMT, có một số câu hỏi đã tạm trả lời được. Nhưng vẫn còn một số chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

· Thắc mắc thứ nhất: theo các dữ liệu sử học thì Thánh Phanxicô sáng tác BcMT để ca tụng Chúa khi được Chúa đoan chắc sẽ ban Nước Trời. Thế tại sao trong BcMT, thánh nhân không ca tụng Chúa vì công trình cứu độ mà lại ngợi khen Chúa vì những việc kỳ diệu Chúa làm khi sáng tạo trời đất vạn vật? Trong Tân Ước có nhiều thánh ca ca tụng công trình cứu độ của Thiên Chúa, ví dụ như thánh ca ở đầu Thư gửi tín hữu Êphêxô: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7). Nhưng “trong Bài ca Anh Mặt Trời, không có chỗ nào nói đến Chúa Kitô một cách minh nhiên”[44]. “Làm sao có thể không nhắc đến Chúa Kitô, Đấng đã lấp đầy cuộc đời của vị Thánh nghèo, trong chính bài ca mà ngài muốn nghe hát lên vào giây phút lìa đời?”[45]

Một số học giả cho rằng đúng là Chúa Kitô không được nhắc đến cách minh nhiên nhưng Chúa Kitô là điều kiện cần thiết, là nền tảng Thánh Phanxicô phải dựa vào mới có thể hát lên BcMT, vì BcMT trong căn bản là bài ca của một người đã được Chúa Kitô cứu chuộc, một người đã được làm hòa với thiên nhiên nhờ được làm hòa với Thiên Chúa, với đồng loại và với chính mình. Chính vì nhờ được làm hòa trong Chúa Kitô, Thánh Phanxicô mới có thể cảm nhận được vạn vật là anh chị em của mình. A. Vauchez viết:

“Đàng sau con người nghèo thành Assisi, người ta nhận ra tiếng nói của Chúa Kitô, phương thế của sự cứu rỗi– nhất là trong câu “Phúc cho những ai chấp nhận trong bình an…” nơi gặp thấy âm vọng của các Mối Phúc – và Đấng duy nhất có thể “gọi” Danh Thiên Chúa, nghĩa Đấng duy nhất có khả năng cho chúng ta tiếp cận Thiên Chúa và tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa”[46].

Ilia Delio O.S.F có viết hẳn một bài dài, nhan đề là The Canticle of Brother Sun : A Song of Christ Mysticism (Bài Ca Anh Mặt Trời: Một ca khúc của nền thần bí hướng về Chúa Kitô) đăng trên tạp chí Franciscan Studies. Dựa trên thần học của Thánh Bônaventura, Delio quả quyết:

“Theo cách nhìn của Bônaventura, một người như Phanxicô, trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, đã bước vào được sự hiệp nhất với vạn vật trong Chúa Kitô, Đấng làm đầu đích thực. Trong Chúa Kitô, chúng ta đứng ở trung tâm của sự sáng tạo. Do đó, việc kết hợp thần bí với Chúa Kitô chịu đóng đinh, dẫn người ta vào thiên đường mới trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô, Ađam mới. Đây là chìa khóa của Bài ca Anh Mặt Trời”[47].

Cũng có thể cho rằng bởi vì BcMT chỉ là một khúc ca, một bài thơ, không phải là một khảo luận, một trường thi, nên không thể nói hết những gì cần phải nói. Một khúc ca, một bài thơ chỉ cần diễn tả một trực giác, một cảm nhận, và chỉ cần diễn tả bằng hình ảnh, bằng ẩn dụ. Thật ra Thánh Phanxicô vẫn luôn ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa vì những việc Người làm trong lịch sử cứu độ trong các lời kinh của ngài[48]. Trong BcMT, Thánh Phanxicô chỉ nhắc đến các sự vật vô tri khi ngợi khen Chúa, phải chăng vì khi ấy ngài cảm nhận được cách mạnh mẽ mối dây liên kết với sự vật vô tri, điều trước đó ngài chưa “ngộ” ra hết?[49]

Lời kinh ở cuối Chương 23 của bản Luật không sắc chỉ cũng có một lời khẳng định về việc không ai xứng gọi tên Chúa và khi ấy Thánh Phanxicô đã kêu xin Chúa Giêsu Kitô đứng ra cầu giúp nguyện thay:

“Vì tất cả chúng con đều khốn nạn và tội lỗi, không đáng kêu cầu Danh Cha, nên chúng con tha thiết nài xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, là “Con yêu dấu của Cha, Đấng làm vui lòng Cha hết mực” để Người cùng với Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ, tạ ơn Cha về tất cả mọi sự, hợp theo ý của Cha và của Người, vì Người hằng làm toại lòng Cha trong mọi sự, và nhờ Người Cha đã làm bao việc cho chúng con. Alleluia!” (Lksc 23, 5).

Nếu hiểu chính Chúa Kitô là chủ thể thì BcMT sẽ là bài ca của Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập thể, trưởng tử của mọi loài thụ tạo (x. Cl 1,15; Rm 8,29), dâng lên Chúa Cha lời ngợi khen vì đã ban cho mình biết bao nhiêu là anh chị em trong vũ trụ rộng lớn bao la này.

· Thắc mắc thứ hai: tại sao trong khổ 8 nói về việc tha thứ và chịu đựng Thánh Phanxicô lại không sử dụng “ngôn ngữ gia đình”, không gọi ai là “anh” là “chị”? Không có câu trả lời rõ rệt. Chỉ có thể nhận định rằng, tuy khổ 8 không dùng “ngôn ngữ gia đình” nhưng lại làm rõ hơn bất kỳ chỗ nào khác bản chất của tình anh chị em đích thực. Trong một thế giới tội lỗi, chúng ta chỉ có thể là anh chị em của nhau nếu chúng ta biết tha thứ và chịu đựng lẫn nhau, cũng như trong một thế giới tội lỗi, chúng ta chỉ có thể là con cái Thiên Chúa nếu chúng ta được Thiên Chúa tha thứ. Cũng vậy, trong một thế giới tội lỗi, chúng ta chỉ có thể là anh chị em của các thụ tạo nếu chúng ta làm hòa với thế giới tự nhiên, tức là buông bỏ hết những ước muốn chiếm hữu và thống trị.

· Thắc mắc thứ ba: làm sao Thánh Phanxicô có thể dùng “ngôn ngữ gia đình” trong câu 9 khi nói về sự chết? Trước sự chết, người ta thường sợ hãi, trốn chạy. Kinh Thánh còn coi sự chết như kẻ thù[50]. Nếu hiểu được chết là một sự việc không thể tránh, người ta có thể bình tĩnh tiếp nhận sự chết. Thậm chí, trong hoàn cảnh quá đau đớn, người ta có thể mong cho được chết. Tuy nhiên ngay cả khi ấy, người ta vẫn coi chết là một giải pháp cùng bất đắc dĩ. Nhưng để có thể chào đón sự chết một cách thân tình và gọi là chị Chết giả thiết là, bằng một cách nào đó, đã vượt qua được nỗi sợ bẩm sinh trước sự chết và hơn thế nữa, đã chuyển hóa được sự thù địch thành sự thân thiện.

Nhờ đâu Thánh Phanxicô thực hiện được cuộc chuyển hóa ấy? Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ thánh nhân chỉ sáng tác được khổ thơ ấy vào lúc cuối đời, khi đã làm hòa được với một kẻ thù khác là chính thân xác mình. Ngài là một con người suốt đời chống trả lại các lôi kéo của xác thịt, và đã tha thiết nhắc nhở anh em mình: “Mỗi người có một kẻ thù dưới quyền mình: đó là thân xác…Bởi vậy phúc thay tôi tớ nào luôn kiềm chế kẻ thù thuộc quyền mình” (Huấn Ngôn 9). Làm hòa được với thân xác nghĩa là không còn sợ thân xác lôi kéo phạm tội. Mà “lương bổng tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,6). Khi nhờ ơn Chúa, Thánh Phanxicô đã kiềm chế được thân xác, khi dựa vào lời Chúa hứa, ngài đã tin tưởng nắm chắc sự sống đời đời, có lẽ khi ấy sự chết đối với ngài không còn là kẻ thù nữa, nhưng trở thành bà chị giúp ngài vượt qua sự sống trần gian.

· Thắc mắc thứ tư: BcMT là một bài ca, một khúc hát, thế nhưng vì sao chỉ còn truyền đến chúng ta phần lời mà không có phần nhạc? Trong khi đó các truyện ký thời đầu cho chúng ta biết Thánh Phanxicô là người rất yêu thích âm nhạc. Sưu tập Assisi kể lại việc Thánh Phanxicô đã cảm thấy được xoa dịu như thế nào giữa những đau đớn vì bệnh tật khi , “vào lúc nửa đêm, … từ chung quanh căn nhà ngài trú ngụ, vẳng lên tiếng đàn luýt. Đàn tấu lên một điệu nhạc du dương tuyệt vời, hơn bất cứ một điệu nhạc nào ngài đã từng nghe”[51].

Một lý do có thể giải thích việc giai điệu của BcMT không được ghi lại, đó là vì có nhiều khả năng Thánh Phanxicô không sáng tác một giai điệu mới nhưng dạy anh em hát theo một làn điệu đã được phổ biến rộng rãi trước đó. Giống như các bài bản có sẵn trong cải lương. Soạn giả khi soạn một bản vọng cổ sẽ nương theo những làn điệu có sẵn để soạn lời. BcMT có thể đã được sáng tác để hát theo các làn điệu phụng vụ dùng để hát thánh vịnh, ca vịnh hay thánh ca[52]. Có phải vì vậy mà không ai thấy cần phải ghi lại phần nhạc chăng?

Kết luận

Qua việc tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác và phân tích cách dùng câu chữ, có thể kết luận BcMT là một lời cầu nguyện, một lời kinh đồng thời là một bài thơ, một tác phẩm nghệ thuật. Cảm hứng của BcMT là một cảm hứng thần bí, theo đúng giáo lý chính thống. Thánh Phanxicô có thể mượn những yếu tố có sẵn trong ngôn ngữ ngài dùng để “văn tự hóa”, có thể mượn những hình thức tu từ để “văn chương hóa” cảm hứng của mình, có thể mượn những “hình ảnh nguyên mẫu” của tiềm thức tập thể. Nhưng cảm hứng và ngôn từ của BcMT vẫn là cảm hứng và ngôn từ Kitô giáo, bắt nguồn từ cả một cuộc đời đi theo Chúa Kitô khó nghèo và chịu đóng đinh mà đỉnh cao là việc nhận lấy trên mình Năm Dấu Thánh.  

 

 

CÁM ƠN

Bài viết đã được Anh P. Nguyễn Xuân Diệu, ofm, đọc và góp ý sửa chữa.

 

SÁCH VÀ BÀI BÁO THAM KHẢO

 

 

ARMSTRONG  REGIS J. et al., (eds.), Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1, New York, London, Manila, 1999.

CAROLI  E. (ed)., Fonti francescane, Nuova edizione, Padova, 2004

DALARUN  J. et al (eds,), François d’Assise, Ecrits, Vies témoignages. T.I et II, Cerf-EF, Paris, 2010.

DALARUN  J.,  Le Canticle de Frère Soleil, Paris, 2024

DELIO  I, O.S.F, The Canticle of Brother Sun : A Song of Christ Mysticism, Franciscan Studies, Volume 52, 1992.

MENESTÒ  E. et al. (eds.), Fontes Franciscani, Assisi, 1995.

N. NGUYỄN VĂN KHANH, OFM, Tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi, Tp. Hồ Chí Minh, 2015.

LUNNEY  D.T., Kinship in the Canticle of Brother Sun: A Socio-Spiritual Analysis, truy cập ngày 17/3/2023, trên https://www.academia.edu/6618061/ .

 

 



[1] Trong các Tài liệu nguồn phan sinh, bài thánh ca này được biết đến dưới tên gọi là Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa (1 Cel 109; SA 84), Bài ca các thụ tạo (2 Cel 213), Bài Ca Anh Mặt Trời (SA 7).

[2] Đặc biệt JACQUES DALARUN, Le Canticle de Frère Soleil, Paris, 2024.

[3] “Tài liệu nguồn phan sinh” là các bản văn, hạnh tích, chứng từ liên quan đến Thánh Phanxicô được viết lúc Thánh Phanxicô còn sống hay vào thời đầu của Dòng Phanxicô.

[4] “Ngôn ngữ gia đình” (Kinship language), khái niệm mượn của D.T. Lunney, Kinship in the Canticle of Brother Sun: A Socio-Spiritual Analysis, đăng trên https://www.academia.edu/6618061/, truy cập ngày 17/3/2023.

[5] x. Renoux, Christian. "The Origin of the Peace Prayer of St. Francis". The Franciscan Archive, trích dẫn trong bài The Prayer of Saint Francis, đăng trên https://en.wikipedia.org/wiki/Prayer_of_Saint_Francis, truy cập ngày 15/1/2025.

[6] x. J. DALARUN, Le cantique de Frère Soleil, Paris, 2024, tr. 34-37.

[7] Nhiều khả năng SA là do ba người bạn tiên khởi của Thánh Phanxicô (Lêô, Rufinô, Angiêlô) biên soạn.

[8] “Compilatio Assisiensis” 7, trong Fontes Franscicani, ed. Porziuncola, 1995, tr. 1477.

[9] “Compilatio Assisiensis” 84, op.cit., tr. 1600.

[10] 2 GTl là một tác phẩm được viết về sau và chủ yếu là biên soạn lại và bổ sung các thông tin đã có trong bộ Sưu tập Assisi

[11] “Speculum Perfectionis” 119, op.cit., tr. 2044.

[12] 1 Cel 80.81.

[13] ILIA DELIO O.S.F, The Canticle of Brother Sun : A Song of Christ Mysticism, Franciscan Studies, Volume 52, 1992, (Art.), tr.3.

[14] x. 1 Cel 109, 5.

[15] x. 2 GTl, 120.

[16] J. DALARUN, Le cantique de Frère Soleil, Paris, 2024, tr. 12-17. Bản văn này Dalarun chép lại từ Thủ bản 338 của Biblioteca communale của thành phố Assisi (x. ghi chú 4).

[17] Ở câu này, Thánh Phanxicô nói với các thụ tạo để mời gọi tất cả dâng lời ngợi khen “Chúa của tôi”.

[18] Các học giả biên soạn bộ François d’Assise, Ecrits, Vies témoignages cho rằng Sưu tập Assisi đã gom lại những hồi ức của anh Lêô và một vài người bạn đồng hành tiên khởi của Thánh Phanxicô, trong số đó anh Lêô là người góp phần chính. Vì thế Sưu tập Assisi cùng một số tác phẩm phụ thuộc (như Truyện ba người bạn, Gương trọn lành) được gọi chung là các “văn phẩm Lêô” (Éccrits léonins hay Corpus sociorum) và các thông tin do các tác phẩm này cung cấp có giá trị sử học tương đối chắc chắn.

[19] x. J. DALARUN, Le Cantique de Frère Soleil, Paris, 2024, tr. 38.

[20] Về việc phân tích phần đóng góp của mỗi tác nhân vào diễn tiến của một trình thuật, x. A. J. GREIMAS, Sémantique structurale,Larousse, 1966, tr. 129, trích dẫn trong ROLAND BARTHES, Introduction á l'analyse structurale des récits, đăng lại trên trang https://www.persee.fr/doc/comm_0588-8018_1966_num_8_1_1113#comm_0588-8018_1966_num_8_1_T1_0018_0000, truy cập ngày 5/1/2025. Có thể xem thêm N. NGUYỄN VĂN KHANH, Tín hiệu học, nxb. Đồng Nai, 2019.

[21] Giống nhiều câu tiếng Việt, chủ từ để trống. Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

[22] Việc không xác định chủ thể hành động bằng việc sử dụng động từ ở thể thụ động cũng có thể là một cách Thánh Phanxicô dùng để tránh không nói đến bản thân, đúng như ngài quả quyết ở đầu bài ca: “Không ai xứng gọi Danh Người”.

[23] x. J. DALARUN, Le Cantique de Frère Soleil, Paris, 2024, tr. 65. Cũng xem N. NGUYỄN VĂN KHANH, “Bài Ca Anh Mặt Trời”, trong Tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 97.

[24] Trong khổ thơ cuối của BcMT rõ ràng là Thánh Phanxicô mời gọi các thụ tạo dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: “[Các anh các chị] Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa của tôi”. x. Cước chú 16 ở trên.

[25] REGIS J. ARMSTRONG et al. (eds. et trans.), Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1, New York, London, Manila,1999, tr. 113. Bản tiếng Ý của CARLO PAOLAZZI trong Francisci Assisiensis Scripta, 2009, cũng dịch per là “nhờ phương tiện” (“per mezzo di”). x. N. NGUYỄN VĂN KHANH, op.cit., tr. 98,

[26] MOLONEY, Francis of Assisi, 51. Trích theo DANIEL T. LUNNEY, art.cit.,tr.3.

[27] Nhiều khả năng, tác giả đó là anh Lêô, người bạn đồng hành thân thiết và thư ký riêng của Thánh Phanxicô. x. SYLVAIN PIRON, “Les Écrits de Frère Léon”, trong J. DALARUN et al, (eds. et trans.), François d’Assise, Écrits, Vies témoignages. T.I, Cerf-EF, Paris, 2010, tr. 1163-1184; Sưu tập Assisi, Tp. Hồ Chí Minh, 2024, tr. 16.

[28] x. J. DALARUN, op. cit., tr. 65.

[29] N. NGUYỄN VĂN KHANH, op. cit. tr, 98.

[30] cx. Lksc  23,9: “Chỉ mình Người là Thiên Chúa thật, là sự thiện viên mãn, tất cả sự thiện, sự thiện vẹn toàn, sự thiện chân thật và cao cả; chỉ mình Người là tốt lành , khoan nhân, khả ái, ngọt ngào và dịu hiền; chỉ mình Người là thánh thiện, công chính, chân thật, và ngay thẳng; chỉ mình Người là nhân từ, vô tội, trong trắng”.

[31] x. J. DALARUN, op. cit., tr. 76-77.

[32] Cũng có thể là em trai, em gái. Nhưng chỉ gồm anh chị em ruột, không bao gồm anh chị em họ.

[33] TÂN VIỆT, “Thế nào là âm dương, ngũ hành?”, trong  Phong tục Việt Nam, đăng trên trang mạng https://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/phongtuc/cau_106, truy cập ngày 4/10/2023.

[34]Messer”, tiếng Pháp là ”messire”, tiếng Anh là “Sir”, tước hiệu dành để gọi các bậc vị vọng. x. NGUYỄN VĂN KHANH, op.cit. tr. 99, cước chú 83.

[35] CAVAZOS-GONZALEZ, "The Socio-Spiritual Method," 8., trích theo DANIEL T. LUNNEY, art.cit.,tr.10.

[36] Trong các thủ bản chép lại BcMT, có nhiều chỗ cùng một chữ nhưng cách viết khác nhau.

[37] Ibid.

[38] Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm, truy cập trên trang https://www.thivien.net/Alphonse-de-Lamartine/H%E1%BB%93-%C6%A1i/poem-4nOY3hWCSJuScw0vSv9Rxg, ngày 9/5/2023.

[39] THOMAS SINGER, M.D., Archetypes and Archetypal Images – The Essence and Differentiation, truy cập trên trang https://thisjungianlife.com/archetypal_images/, ngày 11/5/2023.

[40]  DANIEL T. LUNEY, art. cit., tr.10

[41] x. ILIA DELIO, O.S.F, art. cit., tr.4.

[42] Ibid., cước chú số 13.

[43] XUÂN DIỆU, “Cảm xúc”, trong Thơ thơ, 1938. tái bản, Sài Gòn, 1971.

[44] ANDRÉ VAUCHEZ, François d’Assise, entre histoire et mémoire, Paris, 2009, tr. 415, trích trong J. DALARUN, op.cit., tr. 91.

[45] J. DALARUN, Ibid.

[46] ANDRÉ VAUCHEZ, Ibid.

[47] ILIA DELIO O.S.F, art. cit., tr. 7-8.

[48] Đặc biệt phải kể đến Kinh Các Mầu Nhiệm Chúa Giêsu còn gọi là Thần tụng Thương Khó của Chúa, được ghi chú là “phải đọc vào mỗi giờ kinh ban ngày và ban đêm”, trong N. NGUYỄN VĂN KHANH, OFM, Tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr. 53-89.

[49] Chính Thánh Phanxicô cũng chỉ xem BcMT như diễn tả một phần tâm tình của mình vì theo 1 Cel 109-110, khi hấp hối, thánh nhân nhờ các anh Lêô và Angiêlô hát BcMT, sau đó ngài xướng lên Tv 141 (“Con cất tiếng kêu lên cùng Chúa, xin Ngài mau đến phù trợ con”) và cuối cùng nhờ anh em đọc bài Thương khó theo Thánh Gioan. x. J. DALARUN, op. cit., tr. 92 và ghi chú số 66.

[50] Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15, 25-26).

[51] SA 66.

[52] J. DALARUN, op. cit., tr. 93.

Chia sẻ

Chưa có Đánh giá/Bình luận nào được đăng.

Hãy trở thành người đầu tiên đóng góp nội dung cho Bài viết này.