Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

BTT OFMVN 01
2024-02-06 15:03 UTC+7 670

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+ Trật tự ý hướng

+ Tính ngẫu nhiên

+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+ “Vô Nhiễm Thai”

+ Tạo dựng – Con người

+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================

 

CHỖ ĐỨNG CỦA ĐỨC KITÔ TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA CHA, THEO DUNS SCOTUS.

Trong lá thư gởi cho toàn thể Anh em trong Dòng, anh Tổng Phục vụ, Leonard M. Bello, ofm, đã trình bày học thuyết cao đẹp này của chân phước John Duns Scotus, và tha thiết kêu mời các anh em của ngài học hỏi, quảng bá, và gìn giữ học thuyết gia sản này.


1. Các bản văn quan trọng:

Hai bản văn quan trọng nhất cho việc suy nghiệm học thuyết này là: Col. 1: 13-20 và Eph. 1: 3-14.

Dựa vào giáo lý trong Kinh Thánh nói về Thiên Chúa là Tình yêu, và sự việc Nhập thể, Scotus đã lấy “sự tiền định về Đức Kitô” như khởi điểm suy tư của ngài. Học thuyết này về “sự tiền định Đức Kitô hưởng ân sủng và vinh quang,” thường được gọi là “học thuyết về tính ưu việt của Đức Kitô trong vũ trụ,” có lẽ là thành tựu cao nhất của sự nghiệp của ngài ở bình diện thần học và thiêng liêng. Chính ở trong học thuyết về tính ưu việt này mà chúng ta nắm bắt được cái nhìn sâu sắc về linh đạo của ngài, một linh đạo bám rễ sâu vào trong truyền thống Kinh Thánh và trong tinh thần của thánh Phanxicô Assisi, cũng như qua đó, chúng ta khám phá Duns Scotus, một anh em Phan sinh bình dị, với một tâm hồn tràn đầy tin-yêu.


2. “Tiền định” và Nhập thể

2.1 Tiền định

Khởi đi từ khẳng định của thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma: “Đức Kitô đã được đặt làm Con Thiên Chúa” “Factus est ex semine David qui praedestinatus est esse Filius Dei in virtute.” (1: 3-4), Scotus đặt câu hỏi: ‘Utrum Christus praedestinatus fuerit esse Filius Dei?” (Ordinatio. III d. 7, q. 3 (ed. Vives XIV 348-9, 354-5); “Utrum Christus sit praedestinatus esse Filius Dei?” (Reportata parisiensia III d. 7, q. 4 (ed. Vives XXIII 301-4)

Trong tác phẩm Ordinatio ngài đã viết:

Tôi đặt câu hỏi sau: Phải chăng Đức Kitô đã được tiền định là Con Thiên Chúa?

Tôi trả lời: “Sự tiền định (prae-destinatio) cốt ở trong việc sắp xếp trước (prae-ordinatio), trước tiên, cho một ai đó hưởng vinh quang, và kế tiếp đó, sắp xếp các phương cách để đạt vinh quang đó. Nay, bản tính nhân loại trong Đức Kitô được tiên liệu hưởng vinh quang, và để được vinh quang, nó phải được tiên liệu kết hợp với Ngôi Lời, một vinh quang lớn như thế sẽ không được ban cho bản tính nhân loại nếu nó không được kết hiệp (với Ngôi Lời)… Và như được định trước là: bản tính này phải được kết hợp với Ngôi Lời, cũng thế, đã được định trước là: Ngôi Lời là người, và người này là Ngôi Lời. Tính hợp lý của hai suy luận cuối này có thể được chứng minh như chúng ta đã làm [trong câu hỏi trước, ở đó chúng ta chứng minh: bởi vì sự kết hiệp nhị tính không luôn luôn hiện hữu, do đó, cả hai cách nói sau đều đúng: “Thiên Chúa trở thành người” và “và người trở thành Thiên Chúa.”]

Nền thần học về các công trình bên ngoài của Scotus xuất phát từ cùng nguyên tắc là Thiên Chúa hành động một cách có lý trí, trước tiên muốn cùng đích, kế đến các phương tiện để đạt được các mục đích này, theo nguyên tắc primum in intentione, ultimum in executione. Từ nguyên tắc này, phát sinh nền Kitô học của Scotus, theo đó Đức Kitô, “người đầu tiên được tiền định”, là con đường qua đó thụ tạo quay trở về cùng Đấng Tạo dựng.

Ngài lý luận rằng:

a/ Lý trí tự nhiên cho phép chúng ta có được một vài hiểu biết về quá trình hoạt động của Thiên Chúa trong quyết định của Người,

b/ Đức Kitô cũng vẫn nhập thế bất chấp sự sa ngã của con người.

Scotus đã sử dụng hai nguyên tắc sau, tuy khác nhau, nhưng có liên hệ với nhau trong việc xác lập kết luận của ngài:

(a) trong bất cứ hành vi nào được suy nghĩ và sắp xếp kỹ càng, mục đích (thì) được muốn trước phương tiện. = (mục đích > phương tiện)

(b) trong bất cứ hành vi nào được suy nghĩ và sắp xếp kỹ càng, cái tốt lớn hơn (thì) được muốn trước cái tốt kém hơn. = (đại hảo > tiểu hảo)

Sử dụng hai nguyên tắc này, Scotus thiết lập trật tự sau đây trong các hành động của Thiên Chúa:

(1) Thiên Chúa nghĩ trước (sắp xếp đầu tiên, “tiền định” (predestine) việc linh hồn của Đức Kitô hướng về quang vinh (i.e. về hưởng thiên kiến)

(2) Thiên Chúa an bài bản tính con người của Đức Kitô lệ thuộc vào Ngôi Lời

(3) Thiên Chúa an bài một số thụ tạo hưởng quang vinh

(4) Thiên Chúa thấy trước sự sa ngã của Ađam

(5) Thiên Chúa an bài cho Đức Kitô cứu độ nhân loại sa ngã.

Thiên Chúa phải quyết định “nghĩ trước tiên” (“predestine”) đến bản tính nhân loại của Đức Kitô trước bất cứ thụ tạo nào, bởi vì vinh quang của bản tính của Đức Kitô là một cái tốt lớn hơn vinh quang của bất cứ thụ tạo nào khác, và do đó, bởi (b: đại hảo>tiểu hảo) nó được muốn trước.

Cũng vậy, việc sắp xếp trước linh hồn Đức Kitô hưởng quang vinh thì đi trước (prior) việc sắp xếp bản tính nhân loại của Đức Kitô hướng về sự lệ thuộc ngôi vị (hypostatic dependence), bởi vì sự lệ thuộc ngôi vị là phương tiện mà Thiên Chúa chọn để hoàn thành mục đích của Người là quang vinh linh hồn của Đức Kitô; và do đó, bởi (a: mục đích > phương tiện) cùng đích được muốn trước phương tiện.

Nhưng, sự lệ thuộc ngôi vị là một cái tốt lớn hơn sự vinh quang của các thụ tạo khác; do đó, bởi (b: đại hảo>tiểu hảo), việc sắp xếp bản tính nhân loại của Đức Kitô về sự lệ thuộc ngôi vị thì đi trước việc Người muốn các thụ tạo khác vinh quang. (Lưu ý: Ở đây, Scotus không hề có gợi ý là sự kết hợp ngôi vị là điều cần thiết để các thụ tạo khác được vinh quang)

Cả việc “tiền định” (=sắp xếp trước của) bản tính nhân loại của Đức Kitô lẫn việc tiền định cho bất kỳ thụ tạo nào khác được vinh quang đều không lệ thuộc vào sự sa ngã của Ađam, bởi vì điều này sẽ vi phạm (b: đại hảo>tiểu hảo)

[Lưu ý là Scotus chỉ cần lý luận đến đây để chứng minh lý luận của ngài là: Đức Kitô nhập thể mà không lệ thuộc gì vào sự sa ngã của Ađam] Cũng thế, quyết định của Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại tội lỗi thì tiếp theo (nghĩa là: sau) quyết định của Người là “tiền định”các thụ tạo hưởng vinh quang, bởi vì sự cứu chuộc là -căn cứ vào sự sa ngã- phương tiện mà Thiên Chúa chọn để đến quang vinh, và vì thế, bởi (a: mục đích > phương tiện), nó được muốn sau mục đích.

Ở nơi khác, Scotus viết: “Tôi nói rằng sự nhập thể của Đức Kitô đã không được nhìn thấy trước như một sự việc được sinh ra do bởi tội, nhưng đã được Thiên Chúa nhìn thấy trước, một cách trực tiếp, từ muôn thuở như là một điều tốt gần với cùng đích hơn. Như thế, Đức Kitô, trong bản tính nhân loại của Ngài, đã được nhìn thấy trước như gần hơn với cùng đích [mà Thiên Chúa có trong trí Người khi tạo dựng] hơn các người khác – nói đến những ai đã được tiền định, bởi vì mỗi một người trong họ đã được sắp xếp trước hưởng ân sủng và vinh quang trước khi nhìn thấy sự sa ngã của nó.”

Theo Scotus, Thiên Chúa muốn tôn vinh bản tính nhân loại, và Người thực hiện điều này qua Nhập thể. Việc bản tính nhân loại của Đức Kitô được tiền định kết hiệp với Con Thiên Chúa không liên can gì đến sự sa ngã của Ađam. Đức Kitô là ý định yêu thương đầu tiên của Thiên Chúa. Thiên Chúa trở thành người trong Đức Giêsu vì do tình yêu (hơn là vì do tội), bởi vì Thiên Chúa muốn diễn tả chính bản thân Người trong một thụ tạo kiệt xuất, và có khả năng yêu đáp trả Người cách tuyệt hảo. Chính vì thế mà Đức Kitô là tác phẩm tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa, “summum opus Dei,” và Nhập thể là cách thức hay nhất mà nghệ nhân thần linh đã nghĩ ra từ muôn thuở và một cách tự do, trong đó sự viên mãn của vinh quang của Người được chia sẻ: thông qua nhân tính của Đức Giêsu, Thiên Chúa diễn tả một cách tuyệt đối tự do ước muốn của Người là thông ban tình yêu thần linh ở trong một thế giới ngẫu nhiên và hữu hạn. Diễn tả cách khác, cái mà Thiên Chúa nhắm đến đầu tiên là nhân tính của Đức Giêsu, là việc kết hiệp với Người, là vinh quang của thân phận con người sau cuộc đời trần thế, là sự chia sẻ hạnh phúc vào đời sống bên trong của các Ngôi vị thần linh. Và đây là một quà tặng nhưng không từ phía Thiên Chúa.

Qua đoạn trên, Scotus đã muốn thử vạch lại tiến trình các giai đoạn trong trí của Thiên Chúa và của kế hoạch của Người – xét theo cách thức nói và diễn tả của con người-:

1/ Trước hết Thiên Chúa nhìn ngắm Người như là sự Thiện tối cao. Người yêu chính mình Người một cách toàn hảo, nghĩa là không phải bằng một tình yêu ghen ghét, đố kỵ. Người là Tình yêu.

2/ Tiếp đó, Người yêu chính mình Người trong các đối tượng khác, và tình yêu này thì có trật tự trước sau (ordered) và thánh thiện. Tình yêu này thì tự khuếch tán, tràn ra, và sôi sục. Người muốn có một người bạn tình có thể yêu Người ở mức độ cao nhất, có thể gần với Người hơn hết (propinquius, proximus), yêu Người giống cách Người yêu chính mình Người.

3/ Người tiên liệu sự kết hiệp giữa Người và Đức Kitô, Đấng yêu Người với mức độ cao nhất. Nói cách khác, Thiên Chúa tiên liệu linh hồn của Đức Kitô hưởng vinh quang.

Thiên Chúa là một hữu thể hành động trong một cách thức có trước có sau, do đó, trước tiên Người chọn thực tại gần với cùng đích của nó nhất, và đó là Đức Giêsu Kitô, linh hồn của Ngài; và vì thế Người muốn linh hồn của Đức Kitô hưởng vinh quang trước bất kỳ đối tượng nào khác. Trong các công trình hướng ngoại của Người, linh hồn của Đức Kitô chiếm vị thế đầu tiên; đối tượng đầu tiên được tiên liệu hưởng một vinh quang to lớn như thế. Nói cách khác, vinh quang cao trọng nhất được dành cho Đức Kitô. Việc này đi trước việc kết hiệp hai bản tính thần-nhân (hypostatic), vì nó là mục đích, mà mục đích, trong trật tự ý hướng, thì đi trước phương tiện.

4/ Thiên Chúa tiên liệu bản tính nhân loại của Đức Kitô lệ thuộc vào Ngôi Lời. Đây là thời điểm của sự tiền định, tiền định cho hưởng vinh quang và ân sủng. Và sự kết hiệp được tiên liệu dành vinh quang cho Ngôi Lời này sẽ không được trao ban nếu nó không được thể hiện như thế, nghĩa là bản tính nhân loại được hưởng vinh quang.

5/ Thiên Chúa tiên liệu vài thụ tạo khác hưởng vinh quang.

6/ Người thấy tất cả những ai sa ngã qua Ađam

7/ Người thấy và tiên liệu một phương thế cứu chữa việc sa ngã này, bằng cách dự kiến và tiền định Đức Kitô nhập thể và tất cả mọi người được chọn được hưởng ân sủng và vinh quang, trước khi dự kiến cuộc khổ nạn của Đức Kitô như là phương thuốc cho sự sa ngã, giống như thầy thuốc muốn sức khỏe của con người trước đã rồi mới cho thuốc để chữa lành họ: “Sự tiền định một ai hưởng vinh quang thì, xét theo lẽ tự nhiên, đi trước sự thấy trước tội lỗi của người đó, hoặc sự kết án người đó.”


2.2 Nhập thể:

Khi phân tích như trên, Scotus đã có câu trả lời cho câu hỏi truyền thống, đã được thánh Anselmô nêu lên: ‘Cur Deus homo ? Tại sao Thiên Chúa làm người ? Và câu trả lời truyền thống nặng ký cho rằng Nhập thể là một đáp trả lại sự công chính của Thiên Chúa, nhằm để đền bù và cải thiện hiện trạng gây ra do tội của Ađam và Evà. Tội này được xem như một hành vi bất tuân vô vàn. Một hành vi bất tuân vô vàn như thế chỉ có thể được đền đáp bằng một hành vi tuân phục vô hạn. Cứu chuộc trở thành hành vi xóa bỏ món nợ của sa ngã, hoặc của tội. Sự công bằng đòi buộc một sự đền đáp như thế, và điều này đòi buộc Nhập thể, cuộc khổ nạn và cái chết. Do đó mà có lời hát “Ôi tội hồng phúc !” (felix culpa). Giả sử nếu không vì Ađam và Evà, Đức Giêsu đã chẳng bao giờ được sinh ra để cứu chúng ta! Nhờ tội của các tổ phụ của chúng ta mà chúng ta nhận được sự cứu rỗi ! Nhờ họ bất tuân phục mà bây giờ chúng ta được cả hai chuyện, vừa có Đức Giêsu vừa được cứu độ!

Ngược lại với quan niệm trên, Scotus tách rời Nhập thể ra khỏi bất kỳ bàn luận nào liên can đến tội nguyên tổ. Vì để giải trình việc Nhập thể, theo ngài, không cần thiết phải nại đến và dựa vào sự kiện tội nguyên tổ. Điều này sẽ làm cho tội trở thành một yêu cầu đòi Thiên Chúa phải biểu lộ một sự hiện diện cao độ nhất của Người trong thế giới của chúng ta, nghĩa là Nhập thể! và như thế, hoạt động của Thiên Chúa (một tình yêu thần linh không bị điều kiện nào chi phối) phải có hành vi phản ứng lại với hành vi của con người ! Nói cách khác, tự do hành động của Thiên Chúa bị giới hạn bởi hoạt động của con người !

Tội không chiếm một vị trí trung tâm trong quan điểm của Scotus về thân phận con người. Chính ân sủng và vinh quang là những chìa khóa giúp chúng ta hiểu được chỗ đứng của chúng ta trong trật tự tạo dựng. Món nợ của chúng ta đối với việc Nhập thể không phải là một món nợ dựa trên nền tảng là tội của con người, nhưng là một món nợ mà nền tảng là chính sự hiện hữu của chúng ta. Ngay cả trong trường hợp bản tính con người của chúng ta không vướng tội đi nữa, chúng ta vẫn cần Đức Giêsu Kitô để làm trung gian thực hiện sự kết hiệp cơ bản của chúng ta với Thiên Chúa: bản tính nhân loại, nhờ sự kết hiệp nhị tính của Đức Kitô, được nâng cao để có thể kết hiệp với Thiên Chúa.

Ngoài ra, mục đích của Nhập thể không phải để loại bỏ cái gì đó xấu xa; nó nhằm để tạo điều kiện cho một sự hoàn thiện cao hơn. Scotus đã quy chiếu về trật tự ý hướng --những gì diễn tiến trong trí của Thiên Chúa--, khi ngài khẳng định rõ ràng như sau: “Sự tiền định một ai hưởng vinh quang thì, xét theo lẽ tự nhiên, đi trước sự thấy trước tội lỗi của người đó, hoặc sự kết án người đó.” Thiên Chúa dự kiến vinh quang của cả Đức Kitô lẫn của bản tính của con người, trước (prior) tội của Ađam. Hành vi bất tuân phục đầu tiên không có ảnh hưởng quyết định nào trên quyết định Nhập thể của Thiên Chúa, và như thế có nghĩa là cứu chuộc xảy ra cách tình cờ (by chance), chớ không phải do ý định của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đã khẳng định lại học thuyết của Scotus như sau: “Ngài chủ trương rằng mầu nhiệm Nhập Thể không phải là kết quả trực tiếp của tội lỗi Ađam, nhưng là một phần của kế hoạch sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa, trong đó mọi thụ tạo, trong và qua Chúa Kitô, được mời gọi trở nên hoàn thiện trong ân sủng, và để tôn vinh Thiên Chúa mãi mãi. Trong cái nhìn quy tâm Kitô cao cả này, Ngôi Lời Nhập Thể xuất hiện như là trung tâm của lịch sử và vũ trụ.” Lập trường này của Scotus về Nhập thể đã ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều tác giả quan trọng sau này (ví dụ: Thánh Francis de Sales, Gerad Manley Hopkins, Teilhard de Chardin...), và ngày càng được nhiều nhà thần học hiện đại ưa thích.

Tóm lại, “Thiên Chúa là Tình yêu,” và vì Người là Tình yêu, mọi sự đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, mọi sự đều xuất phát từ tình yêu. Tạo dựng, nhập thể, công nghiệp của Đức Kitô, đây là ba hành vi tự do về phía của Thiên Chúa, nghĩa là: chúng là những hành vi có thể đã không xảy ra, và là những hành vi lệ thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng không có lý do hành động nào khác ngoài chính ý muốn của Người.

Và Đức Kitô đã được muốn vì tình yêu lớn nhất của Thiên Chúa. Chính Người là lý do và là cứu cánh của công cuộc tạo dựng…. nhờ Người tất cả quay trở lại với Chúa Cha cho tình yêu lớn nhất của Thiên Chúa. Cái nhìn hùng vĩ này về ý định của Thiên Chúa đôi khi được người ta gọi là “tính lạc quan Phan sinh.” Bởi vì nếu vai trò chính của Đức Kitô không phải tiên vàn là để đền tội thay, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa, bằng cách hoàn thành vũ trụ, khi đem tới cho con người khả năng đạt tới cứu cánh của mình, nếu thế thì hành vi tôn giáo đầu tiên không phải là chịu đau khổ để đền tội, nhưng là thờ phượng và chiêm ngắm thán phục đối với vị trí của Đức Kitô trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa sáng tạo, cũng như hy vọng tin tưởng vào kết quả của công cuộc tạo thành, mà con người được mời tham dự vào đó trong sự tiếp nối chức vị tư tế của Đức Kitô.”

Chính quan điểm lấy Đức Kitô làm trung tâm -nền tảng cho toàn bộ học thuyết của Duns Scotus- đã làm nổi bật tính chất lịch sử của quan điểm Kitô giáo về vũ trụ, và đã làm cho nhà cổ sinh vật học nổi tiếng của thế kỷ thứ 20 – Teilhard de Chardin- thốt lên đầy thán phục: “Đây là nền thần học vũ trụ, nền thần học của tương lai!

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện


Chia sẻ