Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện
JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)
Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm
+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus
+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp
+ Trật tự ý hướng
+ Tính ngẫu nhiên
+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus
+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus
+ “Vô Nhiễm Thai”
+ Tạo dựng – Con người
+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện
=============================
ĐÓNG GÓP CỦA JOHN DUNS SCOTUS CHO TRIẾT HỌC KINH VIỆN
Chân phước John Duns Scotus là một nhà triết học Kinh viện chính hiệu, đã khởi đi từ các ý tưởng của triết gia Aristote, thánh Augustinô, và các nhà kinh viện thời trước ngài, để xây nên một hệ thống triết học cho riêng mình. Thật vậy, sống trong một thời kỳ ở đó người ta nghiêm túc phê bình các trào lưu triết học mới và những khả năng ứng dụng của chúng vào các lĩnh vực khác nhau của hoạt động con người, Scotus nỗ lực suy nghĩ lại mối tương quan giữa triết học và thần học, một mặt nhằm để bảo vệ các yếu tố chính của mạc khải Kitô giáo, mặt khác nhằm để đào sâu hơn sự hiểu biết về triết học Aristote.
Ngài đã từng khẳng định: “
Trong quá trình phát triển của nhân loại, kiến thức về chân lý luôn luôn gia tăng.”
Với một quan điểm khoáng đạt, một tâm trí cởi mở như thế, ngài đã trở thành một gương mặt dễ thương của đối thoại, không chỉ đối với các người trí thức thời đại của ngài, mà còn với những người của thời hiện đại vốn là những người quan niệm rằng sự hiểu biết về thực tại thì luôn tiến hóa, năng động và đột phá. Và xem ra, ngày nay, thế giới dường như cần có một nền nhân học mới, nghĩa là một quan niệm mới về cái gì làm thành con người. Trong phạm vi này, quan niệm của Scotus về thế giới như một tổng thể nhất quán có thể cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc giúp dung hợp khoa học với tôn giáo, lý trí và tâm linh.
Các từ căn bản: Kinh viện, thời trung cổ, hội nhập văn hóa, thần học và triết học, nhân chủng học, tổng thể nhất quán, Duns Scotus, dòng Phanxicô.
Copleston, một sử gia triết học có thẩm quyền, giới thiệu Duns Scotus như sau: “Triết học của Scotus nhìn về phía sau cũng như nhìn về phía trước. Xét như một hệ thống tích cực và xây dựng, nó thuộc về thế kỷ mười ba ..., tuy nhiên, nếu xét đến các yếu tố phê bình mà hệ thống này hàm chứa trong nó, cũng như đến các yếu tố duy ý chí của nó, - mặc dù các yếu tố duy ý chí này gắn liền với truyền thống Augustinô-Phanxicô,- nó nhìn về thế kỷ mười bốn. Là một thành tựu của kỹ năng biện chứng và của một suy tư thận trọng và kiên nhẫn, triết học của Scotus là công trình của một tư tưởng gia mạnh mẽ, kiên định và độc đáo, -mặc dù sống trong bầu khí thấm nhuần truyền thống,- Do đó, Scotus là một con người thực sự thuộc về kỷ nguyên kết thúc của “triết học tín điều”, nhưng đồng thời là người tiên phong cho một phong trào mới” .
Nhà khoa học và triết gia người Mỹ, Charles Sanders Peirce, xem Scotus là nhà tư tưởng lớn nhất thời Trung Cổ và là một trong các “nhà siêu hình học sâu sắc nhất từ trước đến nay”. Do đó, Scotus “gây nguồn hứng trong nhiều thế kỷ sau khi ngài qua đời”, đến nỗi ảnh hưởng của ngài trên thời hiện đại sâu đậm hơn người ta nghĩ tưởng nhiều.
Bên cạnh các đánh giá cao nói trên, trong khi nghiên cứu một người thời Trung cổ, người ta nên lưu tâm đến các đặc điểm vốn tạo sự khác biệt giữa người thời Trung cổ và người thời hiện đại. Heidegger đưa ra một nhận định xác thực và hữu ích về sự khác biệt này như sau:
“Triết lý Trung cổ khái niệm hóa những gì mà con người thời kỳ Trung cổ trải nghiệm, và kinh nghiệm ở thời kỳ Trung cổ thì bám chặt vào “một giây tương quan siêu nghiệm và căn bản của linh hồn với Thiên Chúa.” Con người ở thời Trung cổ không đắm chìm trong thế giới khả giác, nhưng nó luôn nhìn thế giới này trong quan hệ với, và như lệ thuộc vào, một trật tự cao hơn của hữu thể. Ngược lại, con người hiện đại bị vướng vào trong một giòng chảy của “bất an và mất định hướng.” (FS 2 409).
Sử gia Bérubé càng mô tả chi tiết hơn: “Hình ảnh mà con người của thời kỳ Trung cổ có về chính mình thì được đặt trên nền tảng trung tâm là Thiên Chúa…Ngược lại, hình ảnh hiện đại của con người bây giờ là kết quả của năng lực mới và không giới hạn của nó trong chế ngự các sức mạnh của thiên nhiên. Một hình ảnh như thế lấy chính con người làm trung tâm, bởi vì con người đem lại cho vũ trụ ý nghĩa thật của nó khi làm chủ nó, thống trị nó…Các thần học gia thời kỳ Trung cổ sử dụng cách rộng rãi nền triết học cổ đại để đẩy mạnh sự hiểu biết đức tin Kitô giáo, trong khi các triết gia ngày nay, do không ý thức, hoặc không màng quan tâm đến sự nhận thức về Thiên Chúa và giá trị tâm linh, đi theo những con đường song song với sự tiến hóa của các khoa học.”
Nhận thức được phần đóng góp của Scotus trong lịch sử triết học, và được tông thư của Đức Thánh Cha Phaolô VI nhắc nhở, chúng ta thử cố gắng trình bày một số đặc điểm của Scotus, cũng như các đóng góp của ngài cho sự phát triển của triết học kinh viện.
1. Tinh thần cởi mở
Người ta có thể tìm thấy thái độ tinh thần này của Scotus qua nguyên tắc được ngài diễn tả trong tác phẩm “Ordinatio” như sau: “Trong quá trình phát triển của nhân loại, kiến thức về chân lý luôn luôn gia tăng.”
Quan niệm của ngài về sự thật thì rất năng động: sự thật luôn như nhau, không thay đổi, tuy nhiên “tri thức về sự thật” (notitia veritatis), nghĩa là, sự cảm nhận và nắm bắt sự thật của con người thì có thể biến động, hoặc tăng hoặc giảm. Con người có thể mắc sai lầm (qc. “errare humanum est”), và trong thực tế, như thánh Augustinô đã khẳng định, không hiếm xảy ra nhiều trường hợp các triết gia nói sai, kể cả Aristote. Do đó, thẩm quyền, uy tín của họ được đánh giá tùy theo giá trị của lập luận mà họ chứng minh được.
Ngoài ra, Scotus còn đưa ra nhiều lý do khác làm cho con người không có khả năng nắm bắt toàn bộ các vấn nạn: sự lười biếng, “Fuga questionis” (tránh câu hỏi), hoặc thậm chí sự thiếu khả năng, làm cho con người không có thể thông minh trong tất cả mọi chuyện. Đây chính là tinh thần khiêm nhượng cần có cho bất cứ ai chân thành muốn tìm kiếm sự tiến bộ trong sự thật.
Scotus nêu ra nguyên tắc đẹp này trong cuốn Ordinatio của ngài: “Thật là nguy hiểm khi đưa ra những trích dẫn cách nguỵ biện (để bảo vệ đức tin), bởi vì việc này sẽ dẫn đến việc đem đức tin ra làm trò cho sự chế nhạo ... thật ra, tốt hơn hết là nên ý thức và nhìn nhận sự vô tri hoặc sự thiếu hiểu biết của chính mình, hơn là tự lừa dối mình, cho rằng mình biết điều gì đó qua sự ngụy biện do mình đưa ra.”
Bởi vì sự khôn ngoan của con người bắt đầu với việc nhìn nhận sự thiếu hiểu biết của mình, Scotus ý thức sâu sắc các giới hạn của lý trí con người, và do đó, tôn trọng một số sự thật nhất định (các sự thật được mạc khải... sự bất tử của linh hồn).
Hơn nữa, ngài giải thích một cách thiện cảm và đầy hiểu biết các triết gia cổ đại, bằng cách đọc các văn bản gốc, cố gắng khởi đi từ đó, tìm được ý nghĩa hợp lý nhất: “Người ta không nên gán một ý kiến sai, hoặc vô lý cho một tác giả nào đó, ngoại trừ trong trường hợp khi các mâu thuẫn phát sinh hoặc đi theo một cách rõ ràng từ những gì người ấy nói.” Điều này làm cho Bettoni, một chuyên gia về Duns Scotus, nhận xét: “Người đọc sẽ tìm thấy nơi Duns Scotus một nhà nghiên cứu kiên trì, không dễ dàng cảm thấy thỏa mãn, tuy nhiên ngài luôn giữ lòng tôn trọng người khác, kể cả khi các giải pháp mới được họ đề ra, đi theo một con đường mới và khác biệt.”
Bên cạnh đó, trong quá trình tìm kiếm chân lý, Scotus không để cho bản thân bị các nhận định phê bình ảnh hưởng: “Scotus chắc chắn đã không chỉ trích chỉ vì chỉ trích... ngài chỉ làm như vậy để bảo vệ, như ngài tin, sự khách quan của kiến thức”, hoặc bởi tinh thần phe phái: chẳng hạn, nếu xét theo truyền thống gia đình (thiêng liêng), ngài đáng lý phải đi theo trường phái Plôtin-Augustinô, giống như người anh cả của ngài là Bonaventura đã làm, tuy nhiên, ngược lại, ngài đã có một lập trường khác với vị huynh trưởng này.” .
Thái độ tâm hồn này của Scotus cho thấy ngài thực sự sở hữu tinh thần mạnh mẽ của một nhà nghiên cứu, tìm tòi, mở lòng ra hơn với các giá trị nhân bản như tính cao thượng và phẩm giá của con người, do đó, phù hợp với đối thoại đại kết, cũng như với đối thoại giữa nền văn hóa hiện đại và thần học Trung cổ. Những cái nhìn sâu sắc của ngài về sự thật “đưa ngài vào thế giới hiện đại, và là bằng chứng cho thấy rằng trong quá trình đi tìm kiếm chân lý, con người, cho dù ở vào các thời đại khác nhau, vẫn có một tính nhất thống.”
2. Tính duy nhất của cá nhân
Đặc điểm rõ ràng nhất của Scotus là lý thuyết của ngài về nguyên lý cá nhân hoá: mỗi cá nhân có đặc tính riêng biệt của nó, không thể trùng lặp với bất cứ ai khác, là yếu tố quyết định cho riêng cá nhân đó, điều này có nghĩa là mỗi cá nhân là duy nhất và không thể có bản sao, được gọi là “sở ngã tính, haecceitas.” Nói cách khác, đây là tính duy nhất, là sự hoàn hảo tích cực, tính độc đáo, đem lại cho mỗi vật, mỗi người giá trị nội tại và vĩnh cửu của nó. Điều này làm cho mỗi người trở thành đối tượng của sự nhận biết và yêu thương của người khác trên thế giới này.
Đặt trong bối cảnh của thời Trung cổ, việc Scotus nhấn mạnh đến tính ưu việt của cá nhân như thế có nghĩa là đi ngược lại xu hướng chung của thời đại ngài, là chống lại việc Aristotle nhấn mạnh quá mức về thiên nhiên và tri thức phổ quát. “Con người thời Trung cổ nghĩ và sống trong quỹ đạo của một ý thức tập thể sâu sắc; nó bị cuốn hút vào trong một cấu trúc xã hội mạnh mẽ, ở đó nó dễ dàng đánh mất đi sự nhận thức về tính cá nhân, và trách nhiệm cá nhân của nó.” Chính cá nhân là hữu thể thật sự và duy nhất. Điều này có nghĩa là việc nhấn mạnh đến phẩm giá của con người xét như một cá vị thì rất cần thiết, nhằm tránh xu hướng tư duy theo nhóm, theo loại, tránh thứ tâm lý học đám đông. Triết gia Gabriel Marcel có lý khi nói: “Điều tồn tại và đáng kể tới, chính là cá nhân này, cá nhân thực sự là chính tôi.”
Hơn nữa, theo Garcia, khái niệm haecceity của Scotus, nhờ Leibniz chuyển tải, đã được một số lớn các triết gia hiện đại chú ý tới, trong số đó có Heidegger là người đã xem việc Scotus lưu tâm tới tính trực giác của sở ngã tính (haecceitas) như một nỗ lực phục hồi khả năng hiểu biết ban sơ của lịch sử tính, chống lại sự nhai đi nhai lại các công thức cũ, đến nỗi ông gọi là “haecceitas” của Scotus là “tính duy nhất và dịp duy nhất có thể hiểu được” (the understandable oneness and onceness) của sự sống trong lịch sử. Cá thể hóa là một chức năng của thời gian tính; haecceitas cho thấy sự hiện hữu tại một thời điểm đặc biệt. Ngay cả nhà thơ dòng Tên nổi tiếng, Gerard Manley Hopkins (1844-1889), đã bị nguyên tắc cá thể hoá này của Scotus ảnh hưởng mạnh mẽ, đến nỗi trong thi ca của ngài, ‘sở ngã tính’ trở thành ‘nội dạng’ (inscape), hoặc tính đặc biệt và khác biệt của sự vật.
Hơn nữa, trong bối cảnh của niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, quan niệm này về cá nhân tính của Scotus làm nổi bật tình yêu sáng tạo của Chúa, Đấng muốn con người này, hoặc thụ tạo này hiện hữu. Do đó, phẩm giá của mỗi người và mọi người phát sinh từ tính độc nhất mà con người có như là quà tặng tình yêu của Chúa: “Một cá nhân thì có giá trị hơn tất cả các điều phổ quát trên thế giới ... Thiên Chúa đã không tạo ra thế giới vì lợi ích của con người phổ quát, nhưng vì lợi ích của từng cá nhân.” Theo cách này, Thiên Chúa muốn tình yêu duy nhất của mỗi người, và chỉ có mỗi người mới có thể trao ban tình yêu của mình, không ai khác có thể thay thế được. Do đó, giá trị của tự do và trách nhiệm của mỗi người hệ tại ở sự đáp trả của nó với Chúa.
Sự hiểu biết cơ bản này về giá trị của bản tính con người và của mỗi người rõ ràng loại trừ bất cứ hệ thống độc tài toàn trị nào, và đồng thời cung cấp một sự xác đáng đặc biệt cho việc thảo luận về đạo đức ngày nay. Thật thế, tính ưu việt của cá nhân và quyền tự quyết cá nhân thực sự là những vấn đề trọng yếu trong bối cảnh xã hội và chính trị đương đại.
“Không có ai có “quyền thần thánh” để cai trị bất kỳ người nào khác, cho dù địa vị xã hội của người đó như thế nào đi nữa… Càng không thể có chuyện một cá nhân có quyền khai thác người khác, hoặc một quốc gia gồm nhiều cá nhân có quyền khai thác một quốc gia khác kém phát triển, để mở rộng lãnh thổ của mình.”
Có lẽ sẽ thích hợp khi lưu ý ở đây là: trong quan điểm nền tảng của Scotus, “mỗi người là một cá nhân trong mối quan hệ. Sở ngã tính không phải là một thực tại độc lập, nếu độc lập được hiểu là hoàn toàn tách rời khỏi những người khác.” Đối với Scotus, con người không thể là một hòn đảo, theo như kiểu diễn tả một cách tuyệt vọng và cay đắng của triết gia Jean-Paul Sartre “Hỏa ngục là tha nhân” (L’enfer, c’est les autres). Sự “cô đơn tối hậu”, mầu nhiệm của mỗi cá nhân không phải là sự cô lập; tính duy nhất không thể nhầm lẫn với tính ích kỷ, tính duy ngã (egocentricity), hoặc chủ nghĩa biệt lập. Không cá nhân nào có thể là một người đầy đủ mà không có những người khác. Đó là sự mở lòng ra đến với người khác, để cho đi, hoặc tùng phục. “Chỉ ở trong sự tự hiến, một tự hiến phát sinh từ tình yêu tự do trọn hảo, mà tính độc nhất của mỗi người được thể hiện cách trọn vẹn nhất.”
3. Một sự hiểu biết thích đáng về thực tại
Thiên Chúa tạo dựng một cách ngẫu nhiên, nghĩa là Chúa tạo dựng bằng một hành vi ý chí. Đây là điểm khởi đầu cơ bản của Scotus trong việc hiểu biết thực tại được tạo dựng. Bởi vì sự tự do của Thiên Chúa trong việc tạo dựng là một hành động của lựa chọn tự nguyện, do đó sự hiện hữu và cấu trúc của thế giới thì ngẫu nhiên, trong ý nghĩa là chúng đã có thể không hiện hữu. Tính ngẫu nhiên như thế của mọi vật hiện hữu mở ra khả năng cho một sự giải thích mới về thế giới, bởi vì thế giới đã có thể được sắp xếp một cách khác hơn cách hiện nay. Cách Scotus quan niệm về tính sáng tạo của Thiên Chúa phản ánh quan niệm của ngài về tính sáng tạo của con người, nghĩa là, trong cấu trúc của ý chí của con người, cũng có một khả năng chọn lựa điều ngược lại với điều đã chọn, và đây là cái làm cho con người đầy năng lực trong sáng tạo. “Lối nhìn này là một lối nhìn mang tính quyết định cho việc hiểu biết bản chất của vũ trụ và lịch sử của nó…” Diễn tả cách khác, lý thuyết “cấu trúc luận lý học-hữu thể học của các khả thể” này cung cấp một cơ hội cho sự đối thoại với “khoa học,” dựa trên một sự hiểu biết chính xác hơn về thực tại vật lý, như David Deutsch tuyên bố: “Thuộc tính có giá trị nhất của một học thuyết là thuộc tính giải thích được cơ cấu của chính thực tại.”
Ngày nay, cái nhìn về thế giới đã thay đổi: chúng ta đang chứng kiến một nhận thức khoa học mới về một vũ trụ đang còn hình thành, một suy tư trong bối cảnh của cái mà khoa học đã chứng minh như là tình trạng chưa hoàn thành của vũ trụ vật lý. Cách giải thích mới về vật chất trong “mô hình thông tin” nêu lên một một vấn đề quan trọng của phương pháp luận: tương quan giữa tri thức luận và hữu thể học. Điều này phát sinh do “tính không thể tiên đoán, -vốn là một thuộc tính của tri thức luận-; tính không thể tiên đoán này đơn giản nói với chúng ta rằng chúng ta không thể biết cách chi tiết sự vận hành của lượng tử, hoặc của hỗn độn […] Trên bình diện luận lý, không có con đường đi từ tri thức luận đến hữu thể học, từ những gì chúng ta biết về các thực thể đến những gì mà các thực thể này là. Tuy nhiên, trừ khi chúng ta tin rằng chúng ta lạc mất trong đám sương mù của Kant, chúng ta phải giả thiết có một tương quan nào đó giữa hai cái. Bản chất tương quan này là gì? đây phải là một câu hỏi trọng yếu cho triết học và có lẽ, là vấn đề quan yếu cho triết lý về khoa học.”
Điều này là để nói rằng quan điểm của Scotus về chiều kích ngẫu nhiên của trật tự vũ trụ không chỉ phù hợp với trọng tâm của tư duy khoa học đương đại, nhưng cũng còn đề xuất một sự giải thích về tính ngẫu nhiên của tất cả những gì hiện hữu, trong tất cả các đặc thù của chúng, bởi vì cho đến nay, “lý thuyết về sự hỗn mang” hướng sự chú ý cả về những điều kiện giáp ranh ngẫu nhiên, lẫn các luật ngẫu nhiên như là phần của cấu trúc thực tại…Các định luật của vật lý không thể cung cấp một sự giải thích khoa học đầy đủ cho giây phút hiện hữu ngẫu nhiên đầu tiên của vũ trụ xét như một tổng thể. Chúng giải thích những gì xảy ra bên trong tổng thể, nhưng không giải thích chính sự hiện hữu của tổng thể. Cũng tương tự như thế, các định luật ngẫu nhiên bên trong tổng thể chỉ cho thấy sự kiện có những luật hay thay đổi trong vũ trụ, nhưng cho đến nay, chưa có một lý thuyết nào giải thích đầy đủ sự kiện này.”
Hơn nữa, nhận thức này rất phù hợp với nguyên lý về sự tiến hoá của Scotus: Thiên Chúa Đấng sắp xếp mọi sự trong trật tự, đi từ bất toàn đến hoàn hảo. (Deus ordinate agens procedit de imperfecto ad perfectum)
Thật vậy, “Ngày nay, thiên nhiên được hiểu là tiến hóa, năng động và đột phá... Tính lịch sử là một đặc tính cơ bản của thiên nhiên, và bản thân khoa học cũng lệ thuộc vào các điều kiện trong lịch sử. Thay vì tin vào thuyết tất định như trước kia, người ta nhìn nhận một kết hợp phức tạp của các định luật và may rủi, trong nhiều lãnh vực khác nhau như vật lý lượng tử, nhiệt động lực học, lý thuyết hỗn mang, vũ trụ học, và sự tiến hóa sinh học. Đặc trưng của thiên nhiên hệ tại ở cả cấu trúc, lẫn ở tính khai mở của nó. Tương lai không thể được dự báo cách chi tiết từ quá khứ, hoặc trên nguyên tắc, hoặc trong thực tế.”
Một quan niệm như thế về thiên nhiên, -nghĩa là một thiên nhiên đạt đến cùng đích của nó, hoặc sự hoàn thiện của nó một cách tiệm tiến và bởi một cơ cấu nội tại, - xem ra không xa lạ, hoặc không phù hợp với quan niệm về Thiên Chúa của Scotus.
“Ngài có thể đồng ý với các nhà khoa học đương đại là: lý thuyết về hỗn mang (chaos theory) có thể là một mô tả thực tại thích hợp hơn so với các cách giải thích khác, tuy nhiên ngài đồng thời vẫn biện hộ cho một trật tự của những gì hiện hữu. Thật vậy, Scotus lập luận rằng không có gì tồn tại cách không không; mỗi một sự vật được sắp xếp trong tương quan với các sự vật khác. Mọi thực tại đều có tương quan với nhau, và mối tương quan này thì do Thiên Chúa thiết kế”.
Đây là một lý do giải thích tại sao nền thần học hiện nay ngày càng ý thức rằng tất cả những gì xảy ra trong thế giới hôm nay nên được đặt trong bối cảnh lời hứa của Thiên Chúa về một sự hoàn tất viên mãn trong tương lai, bên trong một cái nhìn về tình yêu của Thiên Chúa và sự tự do của nghệ thuật.
“Một nền thần học toàn bộ, nghĩa là hòa hợp với tinh thần Thánh Kinh về lời hứa, cũng như với khoa vật lý thiên văn, địa chất học, sinh học tiến hóa và sinh thái học, đòi hỏi chúng ta, giờ đây, cần nhìn xem toàn bộ vũ trụ, từ lúc nó mới bắt đầu cho đến bất kỳ kết thúc nào đang chờ đợi nó.”
Do đó, một cái nhìn toàn bộ về vũ trụ và sự phát triển của con người, sẽ giúp tránh hoặc chủ nghĩa duy vật khoa học, hoặc thuyết nhị nguyên tôn giáo. Cách tiếp cận đầy sáng tạo của Scotus về thực tại dường như nhận được sự cảm thông đáng kể từ các nhà khoa học vật lý, và sinh vật, là những người “tập trung sự chú ý của họ trên tiến trình của thế giới (đặc biệt là quá trình tiến hóa của sự phát triển sự sống trên trái đất), và ít quan tâm đến các vật lý cơ bản nằm bên dưới tiến trình này”.
4. Tầm nhìn đầy đủ về thế giới
Là nhà tư tưởng tôn giáo và thiêng liêng, Scotus nhìn thế giới mà ngài đang sống trong đó, như một tổng thể đẹp và cố kết mạch lạc, một thế giới mà người ta có thể dùng lý trí truy cập và hiểu được các bí mật của nó, tuy nhiên, một cách không thấu đáo, không tường tận. Chính đức tin Công giáo giúp Scotus “biết cách đọc thế giới vật chất, một thế giới chứa đựng trong đó những tín hiệu của ý định của Thiên Chúa.”
Nói một cách cụ thể hơn, trong truyền thống Phan sinh, Scotus chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các thư của thánh Gioan và Thánh Phaolô: Ga 1: 1-18, và Ep 1: 3-14; Cl 1: 15-20, trong đó thánh Tông đồ nhấn mạnh đến sự Tiền định của Chúa Kitô, tính Ưu việt Tuyệt đối của Ngài, và, như một hệ luận của các điều trên, đó là động cơ của mầu nhiệm Nhập Thể bắt nguồn từ quyết định yêu thương và tự do của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tóm lược học thuyết của Scotus như sau:
“Ngài chủ trương rằng mầu nhiệm Nhập Thể không phải là kết quả trực tiếp của tội lỗi Ađam, nhưng là một phần của kế hoạch sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa, trong đó mọi thụ tạo, trong và qua Chúa Kitô, được mời gọi trở nên hoàn thiện trong ân sủng, và để tôn vinh Thiên Chúa mãi mãi. Trong cái nhìn quy tâm Kitô cao cả này, Ngôi Lời Nhập Thể xuất hiện như là trung tâm của lịch sử và vũ trụ.”
Từ một nhận định về tình yêu của Thiên Chúa, Scotus đi đến kết luận rằng Chúa Kitô là người được tiền định đầu tiên như là “summum opus Dei” (tác phẩm tuyệt đỉnh của Thiên Chúa). Do sự ưu việt tuyệt hảo và mang tính cứu cánh của Ngài, Đức Kitô là đối tượng đầu tiên trong ý định của Chúa Cha, là nguyên thủy, là trung tâm và cùng đích của toàn vũ trụ. Chính vì thế mà người ta không thể nào quan niệm tạo dựng mà không có Đức Kitô, là đỉnh cao và là sự hoàn tất của nó: Ngài là Alpha và là Omega (Kh 1:8). Thật ra, vũ trụ và tất cả các hữu thể có lý trí đang tồn tại trong đó, đều được liên kết với Đức Kitô, bởi vì chúng được tạo dựng cho Ngài, và đều lệ thuộc vào Ngài, như Thánh Phaolô nói một cách dứt khoát: “Trong Ngài, mọi vật được tạo thành”.
Tương tự như thế, một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng thế giới của thế kỷ trước, linh mục Teilhard de Chardin, Dòng Tên (SJ), tin rằng, theo quan điểm của ngài, sự tiến hóa là hướng tới Đức Kitô. Vũ trụ được sắp xếp vì Đức Kitô, “Đức Kitô vĩ đại, le Grand Christ”, Đức Kitô hoàn vũ. Học giả Wildiers thấy rằng thật là thú vị khi các văn bản mà Teilhard trích dẫn, để chứng thực quan điểm của ngài về Đức Kitô, thì rất phù hợp với các văn bản được trích dẫn bởi các người biên soạn về chủ đề tính ưu việt của Đức Kitô của Scotus. Trong thực tế, qua các cuộc trao đổi với cha Allegra (ofm), cha Teilhard khẳng định rằng: “Mặc dù tôi đã khởi đầu từ các tiền đề khác, các tiền đề của khoa học, tôi vẫn có thể đạt đến các kết luận tương tự như Cha, về “Tính ưu việt của Đức Kitô”. Điểm dị biệt duy nhất, đó là tôi diễn bày suy nghĩ của tôi bằng một từ vựng khác với Cha.” Do đó, tôn giáo và khoa học, thay vì xung khắc với nhau, lại bổ sung cho nhau; đường lối của Thiên Chúa, như chúng ta biết chúng qua sách Khải Huyền (Kh), và các đường lối của con người, được biết đến với chúng ta qua các ngành khoa học, phải gặp nhau. Nhà triết học người Ý, Carmelo Ottaviano, minh họa như sau nguyên tắc của Scotus: “Summum bonum non potest esse occasionatum” (Sự Thiện trọn hảo không thể tùy tiện, ngẫu nhiên):
“Nếu chúng ta đi tìm mục đích cuối cùng của thiên nhiên và đi sâu vào trong chính thiên nhiên để tìm kiếm, chúng ta không thể không khám phá ra siêu nhiên, trong đó thiên nhiên trọn vẹn là chính nó như trong nguyên nhân tác thành của nó, và chỉ như thế mà thôi, bởi vì đó là do chính bản chất của hữu thể của nó.”
Về phần mình, Teilhard nói rằng:
“Sự nghiên cứu khoa học, xét như một mạc khải của Đấng Tạo Hóa, là sự ý thức rằng: có mối quan hệ thiết yếu giữa sự khởi đầu vũ trụ (cosmogenesis), sự khởi đầu sự sống (biogenesis), và sự trổi sinh tâm trí (noogenesis); rằng: giữa chúng có sự tương thuộc lẫn nhau và có cùng cứu cánh; và rằng: vì thế, chúng ta có thể nói về sự phát triển có định hướng (orthogenesis)…Với khí quyển (noosphere), một thời đại mới bắt đầu trên trái đất. Đó là thời đại của homo sapiens (con người thông minh), có khả năng khái quát hoá, tiên đoán và dự phòng. Con người lớn lên và phát triển trong một quá trình thăng tiến hướng về một sự tổng hợp hóa (totalization) …Đến lượt nó, sự tổng hợp hóa này sẽ dẫn tới sự “nhất thống hoá” (unanimization), cũng giống như hàng triệu năm trước, các yếu tố địa chất dẫn đến “nhân hoá” (homonization). Trong tiến trình đi lên này, con người vừa là trục của bánh xe, vừa là nan bánh xe, và trong cả hai chức năng đó, con người hướng tiến về điểm Omega, là Đức Kitô, “Đức Kitô vĩ đại.”
Nói tóm, đối với Teilhard, sự khởi đầu vũ trụ (cosmogenesis), sự trực sinh (orthogenesis), sự khởi đầu của con người (anthropogenesis), tất cả đều hướng về “Kitô hoá” (Christification)
Sự tương đồng, hoặc nói đúng hơn, sự hội tụ quan điểm giữa một nhà thần học thời Trung cổ và một khoa học gia hiện đại, Scotus và Teilhard, chứng tỏ rằng sự hòa hợp giữa khoa học với tôn giáo, trí thức và thiêng liêng là điều có thể được. Nó ngăn chặn một sự ly khai giữa con người với thiên nhiên, tránh được sự độc lập khỏi một trật tự được tạo dựng.
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa, cùng với Teilhard, tin vào sức mạnh tinh thần của vật chất. Nền văn hóa này cũng là nền văn hóa, cùng với Scotus, rất coi trọng các giá trị nhân bản như tính cá thể, sự tự do, phẩm giá con người. Loài người là phần của thiên nhiên, con người là một thụ tạo mà bản chất của nó là cởi mở và có tính lịch sử. Như thế,
“Học thuyết Scotus về sự Ưu việt tuyệt đối của Đức Kitô chính là sự khẳng định bản chất tốt đẹp của vật chất, giá trị của lao động, và ý nghĩa của lịch sử nhân loại và lịch sử vũ trụ ... Vật chất, lịch sử và toàn bộ tạo dựng không bao giờ được xem như là cái gì phụ thuộc cho tinh thần, cho sự vĩnh cửu và sự tồn tại trên trời, hoặc chỉ được coi như là một phông nền không hơn không kém, trong đó chúng ta sống cuộc sống của chúng ta như một sự chuẩn bị cho vĩnh cửu. Cuộc sống của chúng ta trong thế giới không phải là một cái gì đó đơn thuần được chấp nhận, y như thể chúng ta thuộc về thế giới này mà không hề có liên can gì đến Thiên Chúa. Đức Kitô là sự kết hiệp của Thiên Chúa và Con Người, một kết hợp được Thiên Chúa muốn cách tuyệt đối trong một hiện tại tự do và vĩnh cửu.”
Kết luận:
Như các nhà tư tưởng khác của thời đại ngài, sự đóng góp của Scotus cho trào lưu kinh viện hệ tại ở nỗ lực cơ bản hòa hợp giáo lý mạc khải và triết học thế tục, “liên kết lòng đạo đức với nghiên cứu khoa học, với sự khéo léo tinh tế và sâu sắc của ngài trong thâm nhập vào các bí mật của những chân lý tự nhiên và mạc khải.” Tuy nhiên, chính quan điểm lấy Đức Kitô làm trung tâm là nền tảng cho toàn bộ học thuyết của ngài. Thật vậy, “một trong những đặc điểm thiết yếu làm cho ngài có một chỗ đứng riêng, và làm cho ngài nổi bật, đó là sự khẳng định dứt khoát về điều có thể được gọi là tính chất lịch sử của quan điểm Kitô giáo về vũ trụ. Tạo dựng, nhập thể, công nghiệp của Đức Kitô, đây là ba hành vi tự do về phía của Thiên Chúa, trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ ngữ, nghĩa là: chúng là những hành vi có thể đã không xảy ra, và là những hành vi lệ thuộc vào sáng kiến của Thiên Chúa, Đấng không có lý do hành động nào khác ngoài chính ý muốn của Người.”
Quan điểm này của Emile Bréhier đã được Paul Vignaux, một sử gia triết học và là một chuyên viên thời Trung cổ, mãnh liệt ủng hộ. Ông này tìm thấy trong học thuyết của Scotus “đặc tính lịch sử của cái nhìn về vũ trụ như là đặc tính căn bản”, và bên dưới “trật tự học thuyết” (ordo doctrinae) có sự hiện diện của một yếu tố được coi như là căn bản: “trật tự lịch sử” (ordo historiae).
Điều này nhằm để nói rằng một cái nhìn về vũ trụ được tạo dựng, trong đó các tương quan giữa đức tin và lý trí phải được xem xét dưới góc độ lịch sử, là điều cần thiết. Trong thực tế, “Scotus tìm cách đưa các quan điểm chính của ngài vào một cái nhìn toàn bộ về lịch sử, về hành động của Thiên Chúa và cuộc sống của con người bên trong lịch sử ngẫu nhiên.” Đặc tính lịch sử của quan điểm Kitô giáo về vũ trụ của Scotus, với cái nhìn lạc quan của nó, có thể dọn đường cho đối thoại, không chỉ với các triết gia hiện đại, nhưng còn với các nhà khoa học nữa.
Nói tóm, người ta có thể nói: Đóng góp lớn lao của Scotus cho triết học kinh viện là làm chứng rằng trào lưu triết học thời Trung cổ này, - mặc cho các thiên kiến của các nhà nhân văn thời Phục hưng và các học giả đương đại khác về nó-, đã và đang là một trào lưu triết học tinh hoa, đến nỗi một sử gia triết học hiện đại, Jorge J.E. Gracia, đã phát biểu như sau: “Xét về cường độ, tính chất tinh tế, và thành tựu, thì nền triết học trong thế kỷ thứ mười ba,- công bằng mà nói-, có thể được so sánh với thời vàng son của triết học Hi Lạp ở thế kỷ thứ tư trước Công nguyên”
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021
"Quicumque audet docere, numquam desistat discere"
Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus
Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp
Bài III. Trật tự ý hướng
Bài IV. Tính ngẫu nhiên
Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus
Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus
Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”
Bài VIII. Tạo dựng – Con người
Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện