Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

Duns scotus nhà thần bí: Lời kinh mở đầu của cuốn Luận Về Thiên Chúa Nguyên Nhân Đệ Nhất

BTT OFMVN 01
2024-02-09 07:24 UTC+7 965

DUNS SCOTUS NHÀ THẦN BÍ:

Lời kinh mở đầu của cuốn LUẬN VỀ THIÊN CHÚA NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT

 

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, England

 

Khoa thần bí không phải là cái chúng ta thông thường liên kết với Duns Scotus. Chúng ta sẽ liên kết nó với thánh Phanxicô, thánh Bonaventura và thánh Clara, hoặc với những vị thánh khác thuộc truyền thống thiêng liêng [tinh thần] Phan-sinh. Nhưng ta sẽ không dễ dàng coi Scotus như một nhà thần bí. Scotus được biết đến tiên vàn như một nhà siêu hình học. Ngài là một nhà SHH thuộc loại sâu sắc nhất và phức tạp nhất. Ngài dấn thân một cách mạnh mẽ và với sự tập trung cao độ vào nhiều cuộc tranh luận triết và thần học thời Trung Cổ. Những vấn đề tranh luận đó là:

* Bằng cách nào thọ tạo biết được Thiên Chúa [tính đơn nghĩa của ý niệm Hữu thể];

* Làm sao các sự vật có cùng một bản tính chung lại có thể được biết như những cá thể phân biệt với nhau [Haecceitas];

* Sự hiện hữu của một hữu thể làm nguyên nhân thứ nhất vô cùng là điều có thể được [Chứng cớ về Hữu thể Vô cùng].

Không những Scotus dấn mình vào trong các cuộc tranh luận như trên mà ngài còn định hình cho một số trong các cuộc tranh luận ấy và cung cấp những cái nhìn mới mẻ, sâu sắc, và đầy tính thách thức qua một lối phê bình sắc bén (“như tia la-de”) đối với những ý kiến có trước ngài và đối với những người đương thời với ngài. Ở đây chúng tôi sẽ không bàn tới những ý kiến cho rằng chính vì thế mà Scotus là một nhà phê bình tiêu cực, thích chê bai, còn phần đóng góp duy nhất của ngài cho cuộc tranh luận SHH là đả phá hơn là xây dựng.

Trong tất cả các nhà triết-thần học lớn thời Trung Cổ, Scotus là người dẫn đầu nhiều cuộc tranh luận này và tìm ra những cách thức mới mẻ và năng động để thảo luận chúng, phân tích chúng. Trong tư cách đó, ngài là nhà SHH lớn nhất trong các nhà SHH Trung Cổ là triết gia của triết gia. Nhưng liệu ngài có phải là nhà thần bí không? Đó không phải là điều chúng ta dễ dàng khẳng định về ngài. Theo tôi, [sự nghi ngờ] đó là một lỗi lầm lớn và một điều rất có hại cho Scotus.

Nhìn chung, sai lầm này là do bởi cách thức chúng ta hiểu về “thần bí thuyết, đặc biệt trong truyền thống Kitô giáo. Chúng ta có những định kiến về “thần bí” và về các nhà thần bí trong linh đạo Kitô giáo – đúng thế, có cái gì đó như là thói “hợm mình” [=kiêu căng coi mình là hơn hết] trong linhđạo Kitô giáo, cho rằng chỉ trong truyền thống Kitô giáo mới có một nền thần bí đích thực. Điều này thật đáng tiếc vì nó có nghĩa là toàn bộ những truyền thống văn chương ngoài Kitô giáo và kinh nghiệm thần bí ngoài Kitô giáo đều bị loại ra khỏi phạm vi của những gì chúng ta hiểu về thần bí. Thử nêu vài thí dụ.

Thiên anh hùng ca Gilmesh cũng sâu sắc, thiêng liêng và thần bí như có thể tìm thấy trong sưu tập văn chương Kinh Thánh. - Học thuyết của Plato về các Ý Tưởng [linh tượng] và huyền thoại ER trong tác phẩm Nền Cộng Hoà; rồi còn những cảm nghiệm thần bí của Plotinus như được ghi lại trong cuốn Ennéades; các nhà Phật giáo cổ thời, các nhà Sufi Hồi giáo; những thổ dân Bắc Mỹ, và ngay cả những nhà Ngộ Đạo tiên khởi như thánh ca về Hòn Ngọc, những bài thánh ca Manda.

Thần bí không phải là một hiện tượng tôn giáo đặc thù của KTG –nhưng là một hiện tượng chung của nhân loại. Đó là một hiện tượng chung bởi vì nó nêu bật những khát vọng sâu xa nhất của tâm trí con người vốn không chỉ hướng về một kinh nghiệm về Đấng Tuyệt đối Siêu việt, mà còn hướng về một sự hiểu biết Ngài. Theo nghĩa này, thần bí KTG là một trong những nền thần bí và linh đạo khác. Nói thế không phải là chủ trương một thuyết tương đối tiêu cực nhưng là đặt linh đạo và thần bí KTG vào trong những quá trình của thân phận con người tìm cách hiểu biết chính yếu tính của Thượng Đế.

Chính trong lãnh vực này mà Dusn Scotus có thể được đặt vào bên cạnh những nhà thần bí lớn khác của KTG trước ngài như Origen thành Alexandria, Athanasius thành Alexandria, Gregory Nyssa, Âu-tinh, Joh Cassian, Alsem, Phanxicô, Đa-minh, Thomas, Bonavenrura, Clara, Catherine Sienna và Thánh Cả Têrêsa và, tất nhiên ít lâu sau Scotus, còn có Master Eckhart vĩ đại và nhiều người khác nữa. Như vậy thì theo cách nào chúng ta có thể nhìn Scotus như một nhà thần bí theo nghĩa cổ điển thường hiểu?

Chắc chắn rằng sẽ không có việc mô tả về những cuộc xuất thần và những thị kiến, những trạng thái cảm xúc khác nhau và những hiện tượng thường được truyền thống liên kết với kinh nghiệm thần bí.

Cũng chắc chắn rằng Scotus không viết bản văn “thần bí” nào như mấy tác phẩm của Bonaventura: Triple Way (Con đường ba lối đi), Tree of Life (Cây sự sống), Mind’s journey into God (Hành trình của tâm trí tiến vào Thiên Chúa) –dĩ nhiên nếu cuốn Itinerarium (Hành trình) đúng là một tác phẩm thần bí.

Tuy nhiên, ngài đã viết tập Bình luận về cuốn Sentences [được soạn và in dưới đầu đề Ordinatio]; cũng như tập Reportata Parisensis, tập Quodlibetal Questions [Những vấn đề tranh luận], cuốn On the Metaphysics of Aristotle, và v.v. – đó là những tác phẩm mà bình thường chúng ta sẽ không bàn tới nếu muốn trình bày kinh nghiệm thần bí của Scotus. Song chúng ta sẽ nghiên cứu và xem xét những bản văn này nếu muốn hiểu sự đóng góp của ngài cho lịch sử tư tưởng và đặc biệt sự phát triển của nền Triết-Thần học Trung Cổ. Tuy nhiên ý kiến của tôi là: thần học triết lý (philosophical theology) hoặc triết lý thần học (philosophical theology) của Scotus có thể gọi là một nền Triết học “Thần bí” Kitô giáo (a Christian ‘Mystical’ Philosophy).

Nhà thần bí không nhìn cuộc gặp gỡ với thần linh (the divine) trong chiều kích “thần bí” của nó như một cái gì có thể đạt tới đơn giản chỉ bằng cách tìm kiếm một cuộc gặp gỡ như thế. Họ hiểu và cảm nghiệm những cuộc gặp gỡ thần bí đó, cũng như những thị kiến và xuất thần thường gắn liền với chúng như một chuyển động và quà tặng của ân sủng. Scotus không ghi chép lại những cuộc gặp gỡ hay kinh nghiệm kết hiệp của mình trong một cuốn sách chuyên đề liên quan tới những kinh nghiệm ấy. Nhưng tôi cho rằng các tác phẩm triết và thần học của ngài chứa đầy những thứ đó. Vậy Scotus có thể được coi là một trong những nhân vật lớn của truyền thống thần bí Phan-sinh cùng với Bonaventura, Clara, Angelo Clareno, Agnes thành Prague, David thành Augsburg, Francis Osuna. Các nhà thần bí không muốn biết các “thuộc tính” (attributes) của Thiên Chúa là gì, và theo một nghĩa hiện thực, họ không mong muốn “biết” Thiên Chúa như những gì họ có thể khám phá ra về Thiên Chúa trong các thuộc tính của Người.

Họ ao ước được biết và cảm nghiệm chính thực hữu của Thiên Chúa (the very being); chính thực chất (the very essence) của bản tính thần linh (the divine nature)- bản tính này không phải là thứ “bản tính” mà tự nó chỉ là một thuộc tính của CÁI mà không có gì có thể nói được một cách đầy đủ hay trọn vẹn là [có khả năng] định nghĩa hay xác định mình như là chính bản thân sự vật [hữu thể] đó. Trái lại sự gặp gỡ với thần linh phải nói lên được cái gì đó về bản chất (nature) và tình huống của cuộc gặp gỡ. Trong cuộc gặp gỡ thần bí, Đấng Siêu Việt được biết trong tính tuyệt đối của Người xét như là siêu việt, nhờ đó các giới hạn của tính nội tại được thọ tạo vượt qua, đến nỗi thọ tạo như xuất khỏi chính mình và nhìn thấy và cảm nghiệm toàn bộ “thực hữu” thần linh (the divine “being”) như cái gì trọn vẹn và tuyệt đối chân thật.

Nhà thần bí cảm nghiệm và “biết” cái thần linh (the divine) không phải như là “Thiên Chúa” nhưng như là Hữu thể mà danh từ “Thiên Chúa” (the word God) mô tả, và người ấy nhận ra rằng việc mô tả đó, rút cuộc, là vô ích.

Nhà thần bí “biết” không bằng trí tuệ, cũng không bằng tình cảm, nhưng trong bản chất (essentially). Họ trải nghiệm, trong tư cách là thọ tạo, bản chất (the essence) thần linh xét như là ban chất thần linh, và biết rằng bản chất ấy là thần linh một cách trọn vẹn và tuyệt đối. Như thế, việc gán các “thuộc tính” cho thần linh hoá ra là những cách thức thọ tạo dùng để diễn tả cái không thể diễn tả, đến nỗi trong mệnh đề “Thiên Chúa là tình yêu”, từ quan trọng nhất không phải là “Thiên Chúa”, cũng không phải là “Tình yêu” nhưng là động từ “là” (is).

Và “là” chính là từ xác định thần bí thuyết (quan niệm thần bí) của Duns Scotus. Có thể gọi ngài là “nhà thần bí của thực tại thần linh” (the Mystic of Divine Isness). Tác phẩm Một khảo luận về Thiên Chúa Nguyên lý Đệ nhất (A treatise on God as First Principle) chắc chắn là một cuộc khảo sát siêu hình học về chứng cớ cho sự hiện hữu của một Nguyên lý Đệ nhất tất yếu, nhưng chắc hẳn lời Kinh mở đầu trong đoạn 1.1 chứa đựng cách mô tả hay nhất về cái mà trí khôn và trái tim của một nhà triết-thần học thần bí khao khát. Scotus cầu nguyện:

“Ước gì Nguyên lý Đệ nhất của mọi sự khấng ban cho tôi tin và hiểu, và tỏ lộ cho tôi điều có thể làm đẹp lòng Ngài uy linh và có thể nâng tâm trí chúng ta lên chiêm ngưỡng Ngài”.

Đây là một lời cầu nguyện phát xuất từ lòng tin và là một lời khẩn xin khiêm nhường. Scotus được rèn luyện trong việc tìm kiếm sự hiểu biết rành mạch; công việc của cuộc đời ngài trong tư cách là một tu sĩ triết gia là tìm kiếm sự hiểu biết và sự sáng sủa, còn trong tư cách một giảng sư đại học tại Oxford và Paris, mục tiêu duy nhất của ngài là “tỏ lộ” cho thấy điều gì có thể “làm đẹp lòng Chúa uy linh”. Nhưng câu “nâng tâm trí chúng ta lên chiêm ngưỡngNgài” là một câu ít khi thấy trong các tác phẩm của Duns Scotus. Tuy nhiên, trong dòng mở đầu này chúng ta có ngay được chính cái cốt yếu trong quan niệm thần bí của Scotus. Ngài tìm cách tôn vinh Thiên Chúa không phải qua tri thức mình, không phải qua một sự hiểu biết thuần lý về bản chất [yếu tính] của sự “thực tại” (Isness) của Thiên Chúa.

Scotus tìm sự -hiểu- biết- trong- đức- tin (understanding in faith), để mình có thể chia sẻ sự hiểu biết ấy với kẻ khác, và qua việc chia sẻ ấy, ngài có thể đặt họ trên cùng một con đường đưa tới sự chiêm niệm mà chính ngài đã bước theo.

Scotus đã tìm thấy trong suốt cuộc đời và trong tác phẩm của mình, với tư cách là tu sĩ, giáo sư và nhà tư tưởng –điều “làm đẹp lòng Chúa uy linh”, va tâm trí ngài được nâng lên trong chiêm ngưỡng vì ngài ao ước biết chính “thực hữu” (the very “stuff”) của Thiên Chúa, nghĩa là chính “cái” (the thing) làm nên “hiện hữu” (being) của Thiên Chúa.

Và ở đây SHH và thần bí gặp nhau trong cùng một mục đích chung. Cả hai có cùng một chiều rộng, cùng một kết thúc, cùng một lối diễn tả như nhau. Scotus xem toàn bộ mục đích [và dĩ nhiên là mục đích duy nhất] của SHH là nghiên cúu Hữu Thể (Being). Và từ đó, ngài rút ra học thuyết về “tính Đơn nghĩa của Hữu thể” (Univocity of Being) – nghĩa là nếu phải nói về Thiên Chúa thì ta phải nói bằng những từ ngữ đơn nghĩa (univocal terms).

Đối với Scotus, điều đó có nghĩa là ta không nói về Thiên Chúa là “gì” (what), nhưng về chính cái “thực thể” đặc thù của Thiên Chúa (Isness) .Vì theo ngài, chính tính đơn nghĩa cho phép thọ tạo vừa biết và vừa nói về Thiên Chúa trong cùng một từ.

Trong học thuyết về Quyền Tối Thượng của Đức Kitô, Nhập Thể có thể được coi như khái niệm đơn nghĩa tiêu biểu.: “… lúc khởi đầu đã có “hữu thể” (the being) [Ngôi Lời] và ‘hữu thể” ở với Thiên Chúa và “hữu thể” là Thiên Chúa . Và “hữu thể” đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, -nếu ta được phép scotus-hoá đoạn Tin Mừng Gioan 1,1-3; 14. (xem Ghi chú 1)

Như tôi sẽ cố gắng cho thấy rõ, Nhập Thể trong tư tưởng của Scotus không chỉ là một khái niệm thần học và học thuyết- nhưng là trọng tâm của cuộc gặp gỡ mang tính siêu hìh và thần bí bởi vì Nhập Thể là “thực thể” (Isness) của Thiên Chúa, là “chất liệu (“stuff”) thần linh trở thành hữu hình.

Cũng như khoa thần bí gặp gỡ chính hữu thể là Thiên Chúa, SHH tìm hiểu hữu thể ấy, xem xét nó, làm cho nó khả tri đối với trí khôn đã được nâng lên tận những chiều cao của sự chiêm ngưỡng thần bí, nhờ hoàn toàn vào việc trí tuệ và con tim khao khát được biết, được bày tỏ, được thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa uy linh. Và Scotus lấy làm kiểu mẫu cho nổ lực tìm hiểu-trong-đức-tin của mình, -không phải là tác phẩm của các vị đi trước, cũng không phải những “chứng cớ” lớn về sự hiện hữu của thiên Chúa, như chứng cớ của thánh Anselm chẳng hạn, [mặc dù ngài cũng sử dụng chúng trong khảo luận], không phải “Ngũ Đạo” của thánh Thomas hay ngay cả các “chứng cớ” của các bậc tiền bối Phan-sinh là Alexander of Hales và Bonaventura – không!, Scotus lấy làm khởi điểm cho mình cuộc gặp gỡ huyền nhiệm [thần bí] mà Mô-sê trải qua trong cuộc mạc khải bản thể (thực thể) của Thiên Chúa [the divine Isness] dưới “danh tánh” (the “name” = tên gọi) như sách Xuất Hành 3,14 thuật lại. Danh tánh vừa là Tên Gọi vừa là Y Nghĩa; danh tánh làm sáng tỏ Thiên Chúa là “GÌ” (what =bản chất), và “RẰNG” (that) Thiên Chúa hiện hữu, cũng như làm sáng tỏ Thiên Chúa là “AI”; danh tánh chỉ về Thực thể [Isness], “Hữu thể” [Being]; danh tánh có thể diễn dịch ra thành kiểu nói sau đây:

Ta hiện hữu, Ta hiện hữu [hoặcTa hằng hữu, I AM]. Ta là Thực thể [Isness], là Hữu thể xét như là hữu thể [Being-as-being]; nếu có cái gì, thì nó có [hiện hữu] nhờ bởi Ta là Thực thể [Isness, hoặc: Ta hiện hữu]. Hiện hữu không phải là cái gì Ta sở hữu, không phải là cái gì làm một thuộc tính, không phải là “cái” gì đó [some “thing”= “cái” gì đó, “sự” gì đó], - nhưng đơn giản là: Ta hiện hữu [I am].

Đây là một trong những thời điểm lớn của cuộc kết hiệp mật thiết trong mạc khải của Kinh Thánh và Mô-sê là mẫu mực –dĩ nhiên rồi- cho mọi cuộc gặp gỡ của con người với Đấng Hiện Hữu là Thiên Chúa [the divine Isness] theo một nghĩa thần bí. Đối với người Do Thái, mặc khải về Thánh Danh Chúa (xem Ghi chú 2) tiên vàn không phải là một lời tuyên bố về tình trạng hữu thể học của Thiên Chúa [God’s ontological status], nhưng là một tuyên bố về Đấng Hiện Hữu [about He Who Is]. Chỉ như thế thôi, không có gì hơn. Đấng Thiên Chúa tỏmình ra trên Núi Sinai là Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu luôn luôn và mãi mãi (Hằng Hữu). Và trên ngọn Núi, Mô-sê cảm nghiệm điều cốt yếu của cuộc gặp gỡ thần bí: sự kết hiệp với thần linh trong chính bản thân của ngài cách toàn diện và đầy đủ.

Scotus biết rõ điều mà ngài dùng trí khôn tìm hiểu và nghiên cứu, khảo sát. Ngài viết: “Tồn tại (to be) có nghĩa là gì thi Chúa quả thật là như thế, hiện hữu (to exist) có nghĩa là gì thì Chúa trọn vẹn là như vậy”. Scotus đã leo lên tới đỉnh cao của sự kết hiệp và ngài công bố sự thật ngài đã tìm thấy trong cuộc vươn lên ấy: thực tại thần linh là thực tại tự thân và là nguồn của mọi thực tại khác. Ngài là Nền Tảng của mọi Thực Tại (Reality); là Phong Cảnh (Landscape) của mọi Hiện Hữu (Being) vì Ngài là Hiện Hữu tự thân. Vậy, như Scotus sẽ khảo sát trong phần các “siêu việt phẩm” sau này (transcendentals, xem ghi chú 3), Hiện Hữu không phải là một siêu việt phẩm tự thân mà là yếu tố xác định tất cả các siêu việt phẩm [Chân, Thiện, Mỹ, Đơn thuần, Duy nhất]. Khi Scotus nói “…Chúa quả thật là như thế…”, ngài ám chỉ bản tính siêu việt của Thiên Chúa xét như là Hiện Hữu, nhưng cũng muốn nói rằng Hiện Hữu xét như là “Thiên Chúa” là đúng –nghĩa là, điều ấy là đúng như nó là trong tự thân nó. Điều này còn hơn là một sự khảo sát trí thức hay siêu hình về từ ngữ: đó là Scotus trong sự kết hiệp thâm sâu.

Điều ngài sẽ viết về Thiên Chúa Nguyên lý Đệ nhất [đối với triết gia hay với sinhviên triết học] có thể là một cuộc khảo sát lớn lao [nếu không nói là cuộc khảo sát lớn lao nhất] về điều mà thần lý học có thể đạt tới, nhưng đó cũng là cuộc kảo sát về chính trung tâm của Hữu Thể mà ngài đã vươn tới, gặp gỡ và được kết hiệp vào.

Scotus chỉ đơn giản công bố chân lý về cái thực tại tuyệt đối, siêu việt của Hữu Thể thân linh. Và ngài hiểu rằng ngay cả tính vô cùng (infinity) của Hữu Thể cũng không phải là một thuộc tính (attribute): Thiên Chúa là Hữu Thể vô cùng; Người không phải là Hữu Thể vì Người vô cùng, nhưng vì Người là nguồn của mọi hiện hữu và tồn tại nên Hiện Hữu của Người là vô cùng.Như Scotus nói, “Hiện hữu có nghĩa là gì thì Chúa trọn vẹn là như thế”, Thiên Chúa đối với Scotus, là sự sung mãn của tất cả mọi thực tại hiện hữu khác dù là ở trong thê giới khả niệm hay thế giới khả giác. Như mọi nhà thần bí, Scotus đã gặp thấy Hữu Thể tự thân toàn vẹn và đầy đủ trong sự sung mãn của bản tính hữu thể ấy; gặp thấy Hữu Thể vốn không thiếu gì và không có gì được thêm vào từ bất cứ cái gì tất tất; HữuThể vốn tự ngã [self-subsistence = hoàn toàn hiện hữu mà không cần tới tùy thể nào], tự mình cậy dựa vào mình [self-reliance), tự mình thể hiện mình (self-realising.)

Scotus đắm mình trong chính thực tại của cái mà ngài tìm cách để hiểu và nghiên cứu một cách thuần lý qua mối kết hiệp thân tình phát sinh từ cuộc vươn cao không ngừng của nhà thần bí lên tới tận trung tâm của Huyền Nhiệm thần linh.

Nhưng ý hướng công khai của Scotus là xem xét Thiên Chúa như là Hữu Thể qua sự khảo sát bằng trí tuệ, qua điều mà “…lý trí tự nhiên có thể học hỏi được về thực tại đích thực của Chúa …” Va đối với ngài, chính là trong những thực tại bất tất của thọ tạo mà lý trí tự nhiên bắt đầu thoáng thấy Thiên Chúa là gì trong bản thân Người. Ở đây tôi không muốn suy nghĩ về SHH của Duns Scotus liên quan tới những thực tại bất tất, nhưng chỉ cần nói rằng –cũng như trong SHH của ngài về Hữu Thể-, Thiên Chúa là điều mà Người là và thể hiện điều mà Người là (xem ghi chú 4), thì cũng tương tự như thế đối với những hữu thể ngoài hữu thể vô cùng.

Những gì có sự hiện hữu ngoài hữu thể vô cùng và tất yếu, - tuy là bất tất nhưng chúng vẫn hiện hữu theo bản chất của chúng, và theo nghĩa đó chúng cũng “chân thật về mặt hữu thể” trong mức độ chúng thể hiện cái chúng là [bản tính]. Vậy, “hiện thực”(being) của một ngọn núi, một thân cây và một con cá mập, một con cọp, một bông hoa là gì? “Hiện thực” của chúng là cái mà chúng là và tính hiện hữu (existentiality) của chúng, đó là chúng thể hiện cái mà chúng là. Vậy một bông hoa, một con cọp thể hiện cái gì? Chúng thể hiện “bản tính hoa” (flowerness), “bản tính cọp” (tigerness), chúng thể hiện cái chúng là.

Đối với Scotus, cái thực tại siêu hình này được trình diễn qua toàn bộ bức tranh các tạo vật, chính nó tụ lại trên cái đặc tính không thể định nghĩa được song lại vẫn có thực, tức là cái Haecceitas, sở ngã tính, cá thể tính.

Tôi không muốn lặp lại những nghiên cứu về học thuyết của Scotus về haecceitas (sở ngã tính), một học thuyết mà người Phan-sinh đều biết đến ở cấp độ nào đó, nhưng có điều lý thú liên quan tới nguyên lý siêu hình này là nguyên lý, tự căn bản, chứa đựng một chân lý thiêng liêng và thần bí sâu sắc. Một chân lý mà Scotus chỉ có thể đạt tới được nếu ngài đã nghe từ miệng chính Thiên Chúa như lời nói ra với ngài trong cuộc kết hiệp thần bí. Haecceitas là từ ngữ Thiên Chúa dùng như một sự tự xác định thực tại của chính mình. Như Scotus viết trong lời nguyện của ngài “…biết được điều mà trí khôn loài người yếu đuối có thể nắm bắt [hiểu] về Ngài, nên Ngài đã đáp lại, ‘Ta là Đấng Hiện Hữu’ [I am who am, Ta là “Hiện Hữu”]. Nói cách khác: Ta là cái mà Ta là, Ta là chính bản chất [essence, yếu tính] của Ta: Ta là ‘Thế Này’ [THIS]. Không hơn. Không kém. Ta là chính cái xác định (nó) làm cho Ta là Ta.

Trong học thuyết của ngài về Haecceitas, Scotus không chỉ đơn giản xem xét những sự khác biệt [xem ghi chú 5] vốn có trong những bản tính chung để xác định tính duy nhất [độc nhất vô nhị] của mọi sự vật hiện có, ngài khẳng định rằng Haecceitas là một thực tại quy chiếu của Thiên Chúa và là một từ đơn nghĩa. Như Hữu Thể thần linh là cái Haecceitas của chính mình thế nào [dĩ nhiên Yếu tính thần linh không thể bị phân chia và không phải là một giống hay một loại và không cần phải được biệt hoá -‘differentiated’-, song ở đây chúng ta không nói theo cách học thuyết hay theo thần học mà nói theo cách thần bí] – thì tất cả mọi thực tại khác hiện có xét như là bất tất cũng có nguyên lý biệt hoá quy chiếu riêng của chính mình, nguyên lý đó làm cho chúng phân biệt với nhau và trở thành sự vật cá biệt, độc nhất vô nhị này so với sự vật khác [xem Ghi chú 6 ]

Giống như vị Thiên Chúa của núi Sinai là Đấng Hiện Hữu này (THIS) [nghĩa là Ngài là Ngài –duy nhất, độc nhất, Người dịch ghi chú], thì tương tự như vậy, mọi thực tại khác, vì hiện hữu trong Ngài là nguồn mạch, nên cũng là “cái mà chúng là” – THIS, [cái cá biệt này] -- trong những bản tính chung. Chúng là sự kết hợp của cái siêu việt trong cuộc gặp gỡ thần bí và trong sự phối hợp nội tại, hữu hình và khả nghiệm trong thế giới này.

Và cái Haecceitas (sở ngã tính) quyết định trong trật tự thụ tạo là Nhập Thể. Như Ngôi Lời trong tác phẩm của thành Bonaventura là tất cả những gì mà Thiên Chúa -trong sự tốt lành lan toả củaNgười- diễn tả về chính mình, thì sự Nhập Thể trong tư tưởng Duns Scot, là sự diễn tả của [mạc khải] “Ta Hiện Hữu” trong trật tự thọ tạo. Một lần nữa ta thấy học thuyết của Scotus về Quyền Tói Thượng của Đức Kitô trong vũ trụ là một học thuyết thần học nhưng bén rễ trong một kih nghiệm xuất thần mang tính thần bí mà ngài đã nghiên cứu một cách thuần lý, nhhư ngài đã nói trong lời cầu nguyện: “Con muốn biết bằng con đường chứng minh” (De Prin 1.2), vâng không phải chỉ nghiên cứu mà là chứng minh. Scotus đề cao trật tự thọ tạo như Tv 8, coi trật tự đó như một lòi diễn tả vinh quang và uy quyền của vị Thiên Chúa núi Sinai. Trong học thuyết của ngài về Quyền Tối Thượng của Đức Kitô, Scotus xin Thiên Chúa trả lời cho câu hỏi của mình –cùng một câu hỏi như thánh Phanxicô Assisi xưa: “Lạy Chúa, Ngài là ai và con là ai ?”, và Thiên Chúa chỉ vào Nhập Thể mà nói, Ta là thế này đây (this). Đức Kitô là chính Thực tại (Isness) được Thiên Chúa làm cho hiện diện và thành hiện thực trong thân phận con người và trong tất cả thực tế thô sơ của thân phận người. Và nguồn gốc của cái tất yếu [tất hữu] trở thành cái bất tất này nằm trong Tình Yêu bởi vì Ta Hằng Hữu có nghĩa là Tình Yêu. Hữu thể tất yếu vô cùng là Tình Yêu tất yếu vô cùng và Tình Yêu này là nguồn phát sinh mọi sự khác.

Như vậy, Nhập Thể trong sự phân tích tỉ mỉ của Scotus về Quyền Tối Thượng trở thành sự diễn tả của Ngôi Lời vốn ở cùng Thiên Chúa ngay từ đầu, Ngôi Lời vốn là Hữu Thể và Hữu Thể này đã đến trong thế gian trong con người Giêsu Nazareth. Hữu Thể-Tình Yêu là cá thể tính [hay sở ngã tính, Thisness] của chính mình nó nên ta có thể nói Đức Giêsu-Thiên Chúa [Đức Giêsu là Thiên Chúa], Giêsu-Ngôi Lời, Giêsu-Ân sủng, Giêsu-Chân lý. Chính Nhập Thể cho ta biết cái Siêu việt phẩm thứ nhất trong SHH của Scotus là gì: ấy là Hữu Thể-Tình Yêu vô cùng, chân thật và hiện thực (real). Và nếu tôi có thể dùng một từ ngữ của thánh Bonaventura, điểm chung cục (Omega) củasự tốt lành tựlan toả của Thiên Chúa là Hang Đá-Thập Giá. Trong cả hai thời điểm này của Biến Cố-Kitô, cái chuyển động vòng tròn trọn vẹn của trật tự thọ tạo đã khởi đầu trong sự xuất phát nhưng cũng bắt đầu trong sự trở về (“reductio”) của nó.

Vậy nơi Scotus, Thập Giá không phải chỉ là một thời điểm cứu độ, nhưng nó trở thành thời điểm thần bí quyết định: bở vì xét như là thời điểm cuối cùng của sự tốt lành của Thiên Chúa tự chia sẻ chính mình, nó là điểm “truất hữu” (sine proprio= không có cái riêng, của riêng, không giữ lại gì cho mình, Dịch giả) của Tình Yêu trọn vẹn cho đi mà không được đền đáp.

Học thuyết Scotus về Quyền Tối Thương là một tuyệt tác thần học và đạo lý kỳ diệu, nhưng cũnglà một tuyệt tác về tu đức thần bí tập trung vào cái chuyển động của Hữu Thể-Tíh Yêu đến với thân phận con người trong Tình Yêu và Ân Sủng vô điều kiện. Nhập Thể là hesed emet.

Scotus tiến sâu vào trong chính cái “chất liệu” (stuff) của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của ngài trong tập Luận về Thiên Chúa Nguyên lý Đệ nhất quá thường bị bỏ qua. Chắc chắn ngài là một trong những nhà SHH vĩ đại của mọi thời, và là một trong những bậc thầyvề đờisống thiêng liệng cùa Truyền thống trí thức và linh đạo Phan-sinh, nhưng ngài cũng là một trong các nhà thần bí của truyền thống này. Ngài không chỉ suy tư một cách thuần lý về điều ngài đề cập tới, ngài đã nhìn thấy nóvà đã tcảm nghiệm nó. Lời kinh nói trên là bản di chúc ở chiều sâu của nền inh đạo và những cao điểm thần bí của ngài. Tâm trí ngài đã được nhấc lên để “chiêm ngưỡng … và làm đẹp lòng Chúa uy nghi” Các tác phẩm của Scotus không phải chỉ đơn giản là chuyện tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ hay chuyện phô trương học thức, mà là những khảo luận về khoa thần bí giống như Bài ca các tạo vật, Những lời ngợi khen Thiên Chúa, Hành trình của trí khôn, Con đường ba lối đi (Triple Way, Ba con đường), Cây sự sống v.v. Và vào cuối cuộc hành trình của Scotus tiến lên các đỉnh cao thần bí trong cuốn Luận về Tiên Chua Nguyên lý đệ nhất,- lời cầu nguyện kết thúc của ngài cũng sâu sắc không kém, và xác định vị trí của Scotus như là một trong những nhà thấn bí Phan-sinh lớn:

Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con! Ngài là một [duy nhất] trong bản tính. Ngài là một trong số lượng. Quả thật Ngài đã phán ngoài Ngài ra không có Chúa nào hết. Vì mặc dù nhiều vị có thể được gọi là thần [gods] hoặc được nghĩ là thần [gods], nhưng chỉ mình Ngài, do tự bản tính, là Thiên Chúa [GOD]. Ngài là Thiên Chúa thật, mọi sự hiện hữu do từ Ngài, trong Ngài và qua Ngài: Ngài đáng được chúc tụng muôn đời. Amen. (Fr. Hồng Giáo, OFM)

 

Ghi chú của dịch giả:

(1) Ý muốn nhấn mạnh là: Đức Kitô vùa là Thực Tại (thực tại thần linh hay hữu thể thần linh – divine being), vừa là Lời -Word- lời diễn tả thực tại ấy.

(2) Nguyên văn là Sacred Tetragrammaton, tức là Tứ Tự thánh thiêng, bốn chữ Do Thái làm nên Danh Đức Chúa Giavê. Bốn chữ đó là: YHVH (ghi theo mẫu tự la-tinh), Yahvé

(3) Siêu việt phẩm là những đặc tính thiết yếu, phổ quát của hữu thể xét như là hữu thể, x. Giáo trình Hữu thể học.

(4) nghĩa là Thiên Chúa hiện hữu theo bản tính của Người <Người LÀ Hiện Hữu chứ không phải Người Có sự Hữu, bản tính của Người là hiện hữu, vì thế Người là hữu thể tất hữu> và Người thể hiện bản tính của Người.

(5) chính xác là: những sự biệt hoá, differentiations

(6) Nguyên lý Haecceitas (sở ngã tính, cá thể tính, cái này, thisness) cung cấp nền tảng triết học cho mọi thực tại thọ tạo được xác định cách riêng biệt – được nhận diện như những thực thể đặc thù. Haecceitas khẳng định một sự vật riêng lẻ là gì và phân biệt sự vấy ấy với mọi sự vật khác (có cùng một bản tính chung, ví dụ một con cọp trong giống cọp) mà qua bản tính chung ấy nó được so sánh.

Haecceitas nói đến cái tính cách không thể diễn tả -vì độc nhất vô nhị- nơi mỗi con người. Áp dụng vào con người, haecceitas diễn tả tính thiêng liêng, bất khả thay thế, bất khả xâm phạm của mỗi con người.

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM tổng hợp & biên soạn

1. THẦN HỌC VỀ BA NGÔI THEO Th PHANXICÔ: BỐI CẢNH CHO NỀN THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH BONAVENTURA

2. THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BONAVENTURA

3. BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN

4. THẦN HỌC VỀ CHÚA BA NGÔI CỦA THÁNH BONAVENTURA: VÀI ỨNG DỤNG THỰC TẾ

5. SIÊU HÌNH HỌC CỦA THÁNH BONAVENTURA: MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC

6. DUNS SCOTUS VÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

7. SCOTUS VÀ KHOA KITÔ-NHÂN-HỌC: Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô

8. DUNS SCOTUS NHÀ THẦN BÍ: Lời kinh mở đầu của cuốn LUẬN VỀ THIÊN CHÚA NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT

Chia sẻ