Skip to content
Main Banner

John Duns Scotus: Tạo dựng - Con người

BTT OFMVN 01
2024-02-06 15:19 UTC+7 416
“Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa cần nhớ tới; phàm nhân đáng là gì mà Chúa phải bận tâm”; “Hỡi con người, hãy nhìn xem Thiên Chúa đã đặt ngươi lên địa vị cao quý dường nào: Người đã tạo dựng và nắn đúc nên ngươi theo hình ảnh Con yêu dấu của Người về phần xác, và theo sự tương đồng với Con của Người về phần hồn.”

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+ Trật tự ý hướng

+ Tính ngẫu nhiên

+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+ “Vô Nhiễm Thai”

+ Tạo dựng – Con người

+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================


TẠO DỰNG – CON NGƯỜI


1. Tạo dựng và Nhập thể

Khi nói về tạo dựng theo Duns Scotus, -cũng là theo truyền thống Phan-sinh, - điều đầu tiên chúng ta cần khẳng định đó là tạo dựng, vũ trụ thì tốt đẹp, bởi vì chúng phát xuất từ sự tốt đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ con tim chan chứa yêu thương của vị Chúa sáng tạo.

“Các Thánh vịnh gia đã hát lên niềm xác tín hân hoan này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); và “vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,9). Toàn thể thực tại diễn tả Mầu Nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Do đó, chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng khi nhìn ngắm các thụ tạo (x. Kn 13,5; Rm 1,19-20) “Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu Nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần..... “Chính Người làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng ta, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô.” (2 Cor 4:6; qc.. Mt 16:17; Lk 9:29)    Mọi vật được tạo thành đều phát sinh ra từ Logos và đều mang dấu ấn không thể xóa nhòa của một Nguyên Lý tạo dựng vẫn truyền lệnh và hướng dẫn.” (x. Verbum Domini)

“Mọi vật được tạo thành đều phát sinh ra từ Logos” “Tất cả đều nhờ Đức Kitô mà có.” “Ngài là Trưởng tử mọi loài thọ sinh.” Như một nghệ thuật gia khi sáng tạo một tác phẩm, Chúa Cha, trong kế hoạch tổng thể của Người, nhìn đến nguyên nhân mục đích của tạo dựng được diễn tả trong Đức Kitô. Chúa Cha nhìn tất cả qua “lăng kính Kitô”: Kitô là bản thiết kế (blueprint) cho tạo dựng.

Như thế, vũ trụ được tạo thành là để cho Đức Kitô, chớ không phải Đức Kitô cho tạo dựng. Chính Ngài mở mắt chúng ta để chúng ta thấy và thưởng thức vẻ đẹp của công trình của Cha của Ngài. Nói cách khác có một liên hệ nội tại giữa mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm tạo dựng: Đức Kitô và vinh quang của Ngài tuyệt đối là nguyên do cuối cùng của mọi tạo dựng. Ngài là ý nghĩa và khuôn mẫu của tạo dựng, và mỗi thụ tạo được dựng nên theo hình ảnh của Ngài. Điều này có nghĩa là mặt trời, mặt trăng, cây cối, thú vật, con người…tất cả chỉ có sự sống trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô, vì Ngài là Ngôi Lời và “Nhờ Ngôi lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.”

Ý tưởng tất cả những gì trong tạo dựng đều mang dấu ấn, hình dạng của Đức Kitô này cũng đã được thánh Bonaventura đề cập đến: “Trong bản tính nhân loại của Ngài, Đức Kitô mang lấy (ôm ấp) một cái gì đó của mỗi một thụ tạo.” Nghĩa là Bonaventura xem toàn tạo dựng trong tương quan với mầu nhiện Đức Kitô. Đức Kitô không phải là một khái niệm trừu tượng, Ngài là Ngôi Lời nhập thể, bị đóng đinh và được tôn vinh, và tính sung mãn của Ngôi Lời nhập thể này bao trùm toàn tạo dựng.

Ubertino da Casale (1259-1329) nói rằng: “Lý do chính của tạo dựng là sự tỏ bày và thông hiệp của Sự Thiện tối cao...và trong khi đó là lý do chính của tạo dựng, một lý do khác có thể được thêm vào; cụ thể đó là: Thiên Chúa vô hạn, do lòng tốt kỳ diệu của Người, đã chọn kết hiệp chính Người với bản tính nhân loại bằng (qua, bởi, through) một sự kết hiệp thực thể nhân vị (through a hypostatic and personal union), và bản tính được kết hiệp đó, trong nhân-thần Giêsu Kitô, có thể có một kết hợp với bản tính được tạo dựng. Trong Ngài và qua Ngài, tất cả các thụ tạo có lý trí đều nếm cảm sự vinh quang khôn tả của sự kết hợp nhân vị (ngôi vị, personal) này qua các ân sủng tuôn chảy vào trong các chi thể của Ngài. Thiên Chúa đã muốn có sự kết hợp nhân vị này từ muôn đời. Và bởi vì nó ưu tiên ở trong trật tự ân sủng, một trật tự vượt quá và xa hẳn trật tự của tự nhiên, Thiên Chúa vĩnh cửu đã sắp xếp tất cả hướng về đó, để bất cứ cái gì tốt hoặc xấu đều có thể góp phần (redound to) cho Chúa và con người Giêsu Kitô.”

 

Thánh Lawrence of Brindisi (1559-1619) nói:

“Mỗi một vị thánh, mỗi một thành phần được chọn, đều mang nét giống Đức Kitô, vì thánh Phaolô viết: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.”(Rom 8:29) Điều này cần được hiểu theo cách sau: Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của chính Người (Gen 1: 27), có nghĩa là theo hình ảnh của Đức Kitô, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, trưởng tử của mọi thọ tạo (Col 1: 15). Chính vì lý do này, nhân tính của Đức Kitô, thụ tạo đầu tiên được hình thành trong trí của Thiên Chúa, là nguyên mẫu cho bản tính con người, không chỉ trong hữu thể tự nhiên của nó, nhưng còn trong hữu thể siêu nhiên của ân sủng và vinh quang.”

Tác giả Ilia Delio, một nhà Phan sinh học, thì nói: “Nhân tính của Đức Giêsu, chúng ta có thể nói, là điểm (point) mà Thiên Chúa hướng về khi Người tạo dựng mọi sự. Trực giác nguyên thủy của Phanxicô hệ tại ở sự chú ý đến các chi tiết của tự nhiên như là sự mạc khải của Thiên Chúa, và ngài để tâm đến những thụ tạo nhỏ bé nhất như “bí tích” (sacraments) của Thiên Chúa. Điều này cho chúng ta thấy sự tiếp cận của riêng Phanxicô với tạo dựng thì có tính chất huyền nhiệm (mystical). Khi đời sống của Ngài trở nên đắm chìm trong Đức Kitô, ngài khám phá ra rằng ngài đang ngâm mình trong tạo dựng, và liên quan với các sự vật của tạo dựng trong cùng cách mà ngài liên quan với Đức Kitô – như một người anh tràn đầy lòng mến thương …. Qua sự chú ý nhiều hơn đến các chi tiết của tự nhiên, ngài đi đến chỗ ý thức được rằng mỗi vật có một phẩm giá to lớn do bởi mối tương quan của nó với Đức Kitô, và ngài tiếp xúc, quan hệ với mỗi vật, và với mọi vật như là những đối tượng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt. Ngài nhận thấy sự tốt lành tràn đầy của Thiên Chúa trong các sự vật hay, đẹp của tạo dựng, và ngài ý thức rằng sự tốt lành này, nguồn của chính sự sống của ngài, cũng là nguồn của mọi vật hiện hữu. Qua sự thanh bần, tính khiêm tốn và lòng trắc ẩn, Phanxicô đi đến chỗ ở trong thế giới như ở trong một nội vi tu viện (cloister), vì ngài đạt đến ý thức thế giới là nội vi của Thiên Chúa.”

Nói tóm: Vũ trụ không phải là một sự kiện tình cờ, nhưng nó hiện hữu vì một cái gì. Trong sự nhập thể của Ngôi Lời và trong vận mệnh của Người (destiny), mục đích thần linh cho tạo dựng đã được hiện thực.

 

2. Tính ngẫu nhiên của tạo dựng

Như đã nói ở trước, theo Scotus, mọi hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa bắt nguồn từ hành vi ý chí của Người. Hành vi tạo dựng của Người vì thế không chỉ là một hành vi ngẫu nhiên (contingent), nhưng quan trọng hơn hết, đó là một hành vi tự do của sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa, nghĩa là một hành vi không có lý do nào khác ngoài lý do đó là cái mà Thiên Chúa muốn! Nếu đặt chân lý được khẳng định này vào trong bối cảnh lịch sử triết học của thế kỷ 13, điều này mang ý nghĩa một tuyên xưng đức tin, chống lại Aristote và các tư tưởng gia Á- rập có khuynh hướng bảo vệ tính tất yếu của thế giới được tạo dựng này. Nói thế giới tất yếu được tạo dựng tức là nói hành vi tạo dựng của Thiên Chúa là một hành vi bó buộc phải có, một hành vi tất yếu: Thiên Chúa không thể không tạo dựng, vì bản tính của Người đòi buộc một hành vi như thế! Theo họ, những gì Thiên Chúa tạo dựng, và sự việc Thiên Chúa tạo dựng thì tất yếu, do bản chất của Thiên Chúa. Hậu quả tự nhiên là vũ trụ này thì vĩnh cửu; giá trị của nó hệ tại ở chỗ nó hiện hữu cách cần thiết!

Như thế khi chúng ta nói tạo dựng là một hành vi tự do, điều đó có nghĩa là những gì hiện hữu thì được chọn lựa vì một mục đích, chớ không phải do tính cờ, may rủi, và chúng được sắp đặt ở trong một trật tự có ý hướng. Một lần nữa, chúng ta nhớ lại ý hướng (chương trình) và mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng: Đức Kitô là đối tượng đầu tiên ở trong ý định yêu thương của Thiên Chúa.

Và khi chúng ta nói, tạo dựng thì ngẫu nhiên, điều này có nghĩa là nó có thể đã không hiện hữu, nhưng trong thực tế, nó hiện hữu, hoặc nếu nó hiện hữu, nó có thể hiện hữu khác với cách đang hiện hữu hiện nay. Một hữu thể ngẫu nhiên thì lệ thuộc sự hiện hữu vào một hữu thể khác. Kể cả trường hợp giả dụ một hữu thể như thế (=ngẫu nhiên) là vĩnh cửu (eternal) đi nữa, nghĩa là luôn hiện hữu, nó vẫn lệ thuộc vào một hữu thể khác, như một hậu quả lệ thuộc vào một nguyên nhân. Trong chiều hướng này, toàn thể trật tự được tạo dựng và tất cả các hữu thể trong đó có thể đã không bao giờ hiện hữu (might not have ever existed) hoặc có thể đã hiện hữu khác với hiện trạng bây giờ của chúng. Trật tự của chúng ta là một trật tự ngẫu nhiên, nó hiện hữu (tồn tại) và qua đi chính bởi vì không có gì ở đó đòi buộc nó phải hiện hữu.

Khi chúng ta suy niệm trên chính sự hiện hữu của hữu thể ngẫu nhiên, chúng ta công nhận giá trị và vẻ đẹp của nó trong giây phút hiện tại; cả hai có thể được hiểu như sự thể hiện cụ thể ý định tự do và yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Diễn tả cách khác, sự nhìn nhận giá trị nghệ thuật của các thụ tạo (các hữu thể đã có thể không hiện hữu, hoặc hiện hữu không như hiện nay) làm con người khẳng định giá trị của sự lựa chọn đầy tính sáng tạo và nghệ thuật của Thiên Chúa.

Ngoài ra, cái nhìn về tính ngẫu nhiên triệt để của vũ trụ của Scotus còn góp phần vào việc bổ túc lý thuyết khoa học hiện nay nhấn mạnh đến các điều chưa hoàn tất của vũ trụ vật lý (qc. lý thuyết “hỗn độn”/ chaos). Bởi vì trong khi các luật vật lý chỉ có thể giải thích những gì xảy ra trong toàn thể (whole), chớ không thể giải thích giây phút khởi đầu của sự hiện hữu ngẫu nhiên của vũ trụ, không giải thích được sự hiện hữu của chính toàn thể, thì trong lý thuyết của Scotus, chúng ta khám phá học thuyết về sự tự do có lý trí của Thiên Chúa (divine rational freedom), một lý thuyết giải thích giây phút ngẫu nhiên đầu tiên khó hiểu như là hành vi có ý hướng, tự do của Đấng Tạo Dựng, giống như tác phẩm nghệ thuật ngẫu nhiên là hành vi có ý hướng và tự do của nghệ thuật gia.

Triết gia Heidegger đặt câu hỏi triết lý nền tảng: “Tại sao “có cái gì”, mà lại không phải là “không có cái gì?” Scotus (và các nhà thần học thời Trung cổ) đã trả lời rất đơn giản: có cái gì, thật sự, có cái này (this), bởi vì Thiên Chúa hiện hữu (=có Thiên Chúa) và Người tự do chọn tạo dựng thế giới này, đưa nó vào hiện hữu từ giữ muôn vàn khả thể khác.

Scotus có thể đồng ý với các khoa học gia hiện nay chủ trương nhìn vũ trụ như chưa hoàn tất, đang trong quá trình hoàn tất mục tiêu của nó, hoặc kiện toàn nó cách dần dần và bằng một cơ cấu nội tại (by an internal mechanism) Thật ra ngài lý luận rằng không có cái gì hiện hữu trong “không khí”, trong “chân không” cả (vacuum); mọi vật đều được sắp đặt trong trương quan với một vật nào khác. Tất cả thực tại (tạo dựng) đều có tính tương quan (relational), và do bởi ý muốn, đồ án (design) của Thiên Chúa. Ngài đề ra một nguyên tắc rất tuyệt vời: “Deus ordinate agens procedit de imperfecto ad perfectum”, không chỉ cho thấy quan niệm cởi mở, cái nhìn thoáng đạt của ngài, mà còn lưu ý những ai nghiên cứu thần học rằng: tất cả những gì xảy đến trong thế giới hôm nay phải được đặt vào trong bối cảnh của lời hứa của Thiên Chúa là sẽ hoàn tất mỹ mãn, toàn vẹn trong tương lai, vào trong một cái nhìn về tình yêu thần linh và sự tự do trong sáng tác nghệ thuật.

 

3. Con người trong ý nghĩ của Thiên Chúa

Thiên Chúa không biết chúng ta bởi vì chúng ta hiện hữu; chúng ta hiện hữu bởi vì Người biết chúng ta. Có thể chúng ta đã không quen với một cái nhìn như thế, bởi vì chúng ta nhìn sự vật ở bên trên (above) từ bên dưới (from below), tuy nhiên chính từ phía bên trên mà tất cả mọi sự được bắt nguồn, bởi vì thực tại được sinh ra, được hình thành từ trí óc sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta quên rằng chúng ta chỉ là một phản ánh và một dự phần vào đời sống của Thiên Chúa, rằng trí óc tạo dựng của Người là nguồn của sự hiện hữu của chúng ta, của ơn gọi của chúng ta, rằng nó xác định và cấu thành cái nhân của bản chất của chúng ta.

Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa cần nhớ tới; phàm nhân đáng là gì mà Chúa phải bận tâm”; Hỡi con người, hãy nhìn xem Thiên Chúa đã đặt ngươi lên địa vị cao quý dường nào: Người đã tạo dựng và nắn đúc nên ngươi theo hình ảnh Con yêu dấu của Người về phần xác, và theo sự tương đồng với Con của Người về phần hồn.” Tuy rằng cách diễn tả có khác nhau, cả thánh vịnh gia (Tv 8), lẫn thánh Phanxicô (Huấn ngôn 5) đều có chung một điểm, đó là khám phá ra sự quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa đối với thụ tạo là con người! Nếu đứng từ phía vật được tạo thành mà nói, thì cái tôi hiện hữu hiện nay là một ân huệ, một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa: mặc dù Người có nhiều khả thể chọn lựa, nhưng sự thật cụ thể là người đã chọn tôi hiện nay. Tôi là một độc đáo và là một giá trị cao, bởi vì chính Thiên Chúa muốn chọn tôi như tôi hiện nay là. Giá trị căn bản mà tôi, mà mỗi một thụ tạo có, không phải vì do tôi có hoặc nó có, hoặc do tôi hoặc do nó tạo nên, nhưng giá trị nền tảng (ontological) của tôi/nó đến từ Thiên Chúa. Tôi/ Nó là vật mà Thiên Chúa ưa thích và Người đã chọn, và vì Người ưa thích và chọn, nên tôi/nó có giá trị cao. Tạo dựng có một phẩm giá sâu xa là vì thế. Mỗi người chúng ta được Thiên Chúa đích thân chọn và cho hiện hữu -- Scotus gọi mỗi vật được Thiên Chúa chọn dựng nên như thế là một “haecceitas”, nghĩa là giá trị tuyệt đối và không thể thay thế được của mỗi hữu thể. Không có gì được Thiên Chúa tạo dựng là không có giá trị, cho dù nó có nhỏ bé và tầm thường bao nhiêu đi nữa. Thánh nữ Têrêsa nói: “Như mặt trời đồng thời chiếu sáng trên những cây tuyết tùng to lớn và trên mỗi một bông hoa nhỏ bé như thể chỉ có chúng là những hiện hữu duy nhất trên trái đất này, cũng giống như thế, Thiên Chúa quan tâm đến mỗi một linh hồn như thể không có những linh hồn khác như nó.”

Ở một vở kịch trong cuốn “The Screwtape Letters,” C.S. Lewis mô tả ma quỷ bàn cãi nhau giữa chúng là làm thế nào có thể xảy ra chuyện Thiên Chúa có thể thực sự (really) yêu “bọn sâu bọ là con người” đó được!? (“the human vermin”) Chúng nó quả quyết chắc chắn là điều đó không thể được…Đó phải là một sự lừa gạt, một trò gian trá, bịp bợm! Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, đối với chúng, là bí nhiệm của mọi bí nhiệm…. Về điểm này, xem ra ma quỷ có vẻ có lý! Thật vậy, tin vào tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta có lẽ là điều khó nhất cho cả chính chúng ta là những con người! Thử tự hỏi: Chúng ta thực sự tin Thiên Chúa yêu chúng ta ư? Nếu chúng ta tin, thì đời sống, chính con người chúng ta, các sự vật, các biến cố, sự đau đớn, tất cả có thể tức thời biến đổi trước mắt chúng ta. Chính ngay trong ngày đó, -ngày chúng ta thực sự tin- chúng ta sẽ ở cùng với Người trong thiên đàng, bởi vì thiên đàng không là gì khác ngoài: “tận hưởng tràn đầy tình yêu của Chúa.” Victor Hugo, nhà văn hào người Pháp, cũng từng nói: “Hạnh phúc tuyệt đỉnh của cuộc đời là sự xác tín rằng chúng ta được yêu thương.”

“Thiên Chúa không tạo nên thế giới này vì con người phổ thông (universal), nhưng vì những con người cá thể” Vì “một cá thể thì giá trị hơn tất cả những vật thể chung (all the universals) trong thế giới.”

Thánh Phanxicô đã dùng một danh từ khác để chỉ tính duy nhất độc đáo của các sự vật: anh, chị (brother and sister). Ngài không yêu tạo dựng nói chung, nhưng yêu mỗi thụ tạo; anh Mặt Trời, chị Mặt Trăng, anh Lửa, chị Nước. Tính duy nhất độc đáo của mỗi con người là cái mà thánh Phanxicô nhận biết trước tiên và yêu mến nó.

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý ở Matthêu chương 13 có thể cho chúng ta những gợi ý hữu ích: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mửng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” (c.44) Ở đây, Nước Trời là một kho báu mà chúng ta đi tìm và gặp được. Thánh Têrêsa nói: “Đức Giêsu là một kho tàng được chôn giấu mà ít tâm hồn có thể tìm thấy, bởi vì nó được giấu kín, và thế gian yêu những gì rạng rỡ, lóng lánh.” Tuy nhiên, ở câu 45 và 46: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy,” Nước Trời như một thương gia đi tìm các vật có giá trị cao. Trong trường hợp này, chúng ta là những viên ngọc, là kho tàng tìm được bởi Nước của Thiên Chúa. (x. Thiên Chúa không tiếc mạng sống Người Con để cứu lấy thụ tạo Người dựng nên).

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

"Quicumque audet docere, numquam desistat discere"

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện


Chia sẻ