Skip to content
Main Banner
Các Thánh Nam Nữ (01/11) - Cầu cho TÍN HỮU QUA ĐỜI (02/11)
Ngôn ngữ

John Duns Scotus: Tính ngẫu nhiên

BTT OFMVN 01
2024-02-06 14:49 UTC+7 398

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

 

+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+ Trật tự ý hướng

+ Tính ngẫu nhiên

+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+ “Vô Nhiễm Thai”

+ Tạo dựng – Con người

+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================


TÍNH NGẪU NHIÊN

Ghi chú: Theo Antonie Vos Jaczn, một chuyên gia về Duns Scotus, tính ngẫu nhiên đồng thời (synchronic contingency) là phát minh và đóng góp độc đáo của Duns Scotus cho triết học và khoa học.

 

1. Tính ngẫu nhiên

Từ thời Cổ đại, lập trường đối nghịch nhau của hai triết gia Hy lạp là Parmenides và Heraclitus đã khơi lên một vấn đề căn bản mà con người phải đối mặt và tìm giải đáp thỏa đáng: làm sao trong vũ trụ vừa có sự thay đổi vừa có sự trường tồn? Làm sao giải thích vừa có cái “Một” vừa có cái “Nhiều” ?

Triết gia Platô đề ra thuyết mô thức, cho rằng có hai thế giới: thế giới khả tri và thế giới khả giác. Thế giới khả tri mới là thế giới chân thật và bất biến; thế giới khả giác là thế giới bất toàn và biến đổi.

Aristote tìm cách dung hợp lập trường của Parmenides và Heraclitus khi bác bỏ học thuyết hai thế giới của thầy ông là Platô, và cho rằng trong thế giới cụ thể và hiện tại này, vừa có biến đổi vừa có trường tồn.

Duns Scotus chia sẻ quan điểm trên của Aristote, tuy nhiên, khi đi vào phân tích cách chi tiết, lập trường của ngài lại mang nhiều nét đặc thù, thậm chí thoát ra khỏi quan điểm truyền thống của các vị tiền bối của ngài, nhất là liên quan đến tính bất biến và tính ngẫu nhiên của các sự vật trong vũ trụ. Để thấy rõ sự chuyển đổi quan điểm này, chúng ta nhìn lại lập trường của Parmenides và của Aristote về hữu thể (being):

 

a. Lý thuyết về tính bất biến của Parmenides:

Theo Parmenides, hữu thể thì bất biến và tất yếu, không có biến đổi. Sự biến đổi và tính ngẫu nhiên chỉ là hiện tượng phát sinh do bởi sự lầm lẫn của giác quan. Như thế, đối với Parmenides, nếu p là một sự vật, hoặc một sự việc, thì sẽ không có p’, nghĩa là không có bất cứ sự vật, hoặc sự việc nào đối nghịch (opposite) nó. Nói cách khác,

p thì bất biến, và tất yếu: p là p, không thể có p’.

 

b. Lý thuyết về tính ngẫu nhiên của Aristote:

Aristote đồng ý với Parmenides ở chỗ: tính bất biến và tính tất yếu thì tương đương như nhau. Tuy nhiên, vì ông cũng đồng thời cho rằng có sự biến đổi trong vũ trụ, do đó, ông đi đến kết luận là còn có một sự tương đương khác: tương đương giữa tính đổi thay và tính ngẫu nhiên. Nếu nhìn kỹ lý thuyết về tính ngẫu nhiên của Aristote, chúng ta sẽ thấy là:

p (= một sự vật, hoặc sự việc), chỉ là ngẫu nhiên, hoặc tạm thời, khi p’ (= sự vật, hoặc sự việc đối nghịch với nó) ở vào một thời điểm khác với thời điểm mà p đang ở:

Nếu t chỉ thời điểm, chúng ta có công thức sau:

p. t = ngẫu nhiên, khi p’ ở điểm t. 1

Song, nếu p’ không có thể có (=hiện hữu) ở vào cùng thời điểm với p, người ta phải kết luận rằng: p. t cũng như p’. t. 1 đều phải là tất yếu (=hiện thể, hoặc cần thiết) vào thời điểm mà chúng hiện hữu. Như thế, dựa theo lối lập luận của Aristote, tính ngẫu nhiên không là gì khác ngoài sự thay đổi theo thời gian: lúc này có p, vào lúc khác có p’. Thay đổi có nghĩa là sự vật liên tục kế tiếp nhau hiện hữu trong thời gian, và không những mỗi hiện hữu của nó trong mỗi thời điểm đều tất yếu, chính sự thay đổi tự nó cũng là cần thiết, tất yếu.

Nếu p chỉ, chẳng hạn, ‘tôi” hiện hữu vào năm 2010, p’ sẽ là ‘tôi” hiện hữu ở vào năm 2011, hoặc p’’ ở vào năm 2012….Nếu dùng ngôn ngữ triết học để diễn tả, thì cái tôi hiện hữu cụ thể vào năm 2010 là “không thay đổi được và tất yếu” (immutable and necessary): “Tôi là tôi, chớ không thể không là tôi!”; và cái tôi ở năm 2011 cũng thế! Ngay cả sự thay đổi trong thời gian từ năm 2010 qua năm 2011 cũng là một cái gì cần thiết, “không thay đổi được và tất yếu”!

Chung cuộc, chúng ta nhận thấy Aristote chỉ khác với Parmenides ở chỗ ông chủ trương có thay đổi trong thế giới này, và thay đổi chính là sự vật biến đổi trong thời gian. Ngoài ra, một khi chúng ta nhìn nhận có hữu thể, có sự vật hoặc sự việc, hiện hữu, thì sự hiện hữu của chúng thì “bất biến và tất yếu”, y như quan điểm của Parmenides.

Đến đây, chúng ta sẽ thấy điểm độc đáo của Duns Scotus, khi ngài đề ra một học thuyết về tính ngẫu nhiên khác với quan niệm của Aristote và của đa số các triết gia khác. Ngài trình bày học thuyết này trong cuốn Lectura I 39 của ngài:

 

c. Lý thuyết về tính ngẫu nhiên theo Duns Scotus:

Trong khi tính tất yếu được định nghĩa như là một cái gì không những chỉ có thể hiện hữu, mà còn phải hiện hữu, bó buộc phải hiện hữu, thì từ ngữ tương quan với nó là tính ngẫu nhiên lại là một khái niệm, trên bình diện luận lý, khá phức tạp. Nếu nó quy chiếu về một cái gì hiện có thực (actual), thì nó có nghĩa là: cái đang thực sự hiện hữu bây giờ, không bó buộc đã phải hiện hữu như bây giờ, và một cái gì khác nó đã có thể hiện hữu thay vào chỗ bây giờ của nó.

Công thức của Scotus sẽ là:

p. t = ngẫu nhiên, khi có p’ cũng ở điểm t

Khác với quan điểm của Parmenides và của Aristote, Scotus chủ trương: trong thực tại, có những khả thể (possibilities) mà trong quá khứ, chúng đã không được hiện thể hóa (actualised), hoặc trong tương lai, chúng cũng sẽ không được hiện thể, tuy nhiên chúng là những khả thể chân thực (real). Trong bất cứ thời khắc nào, thực tại vẫn có thể khác với cái và cách mà nó có hiện nay. Như thế, “chỉ ở trong mô hình tư duy Kitô hữu của Scotus mà nguyên tắc viên mãn mất đi tính xác thực của nó, bởi vì không phải tất cả các khả thể chân thực đều đã được hiện thể hóa.”

Học thuyết về ngẫu tính này của Scotus hàm chứa điều sau đây: tính bất biến và tính tất yếu (immutability and necessity), cũng như tính thay đổi và tính ngẫu nhiên (mutability and contingency) được tách rời nhau.

Như vậy: Một sự vật (sự việc) không biến động (immuable) có thể là một sự vật (sự việc) ngẫu nhiên, bất tất (contingent), không bó buộc phải là tất yếu. Một ví dụ về một sự việc không biến động, và không tất yếu, đó là sự việc Thiên Chúa biết thực tại ngẫu nhiên, thực tại thay đổi. Việc Thiên Chúa biết các sự kiện xảy ra trong tương lai (contingent future) là một cái gì bất biến, không hề thay đổi, tuy nhiên sự hiểu biết này của Người thì không tất yếu.

 

2. Ứng dụng:

Đã từ lâu, tồn tại trong triết học và thần học một vấn đề cụ thể và khó khăn sau đây: Thiên Chúa biết hay không tương lai ngẫu nhiên? - (God’s knowledge of contingent future)- Làm sao giải thích thỏa đáng tương quan giữa sự hiểu biết toàn diện, bất biến của Thiên Chúa với sự tự do của con người!?

Để giải đáp vấn nạn này, thiết nghĩ trước tiên cần lưu ý điểm sau:

Hữu thể đầu tiên không chỉ là một hữu thể tất yếu, nhưng còn là một hữu thể ngôi vị (personal being), với các khả năng hiểu biết và yêu thương, có một ý chí, và như vậy người ta có thể giải thích làm sao, -- mặc dù sự hiện hữu của hữu thể này thì tất yếu--, hữu thể này không tương quan với các hữu thể khác trong một cách thức tất yếu: ở bên trong Thiên Chúa, bản tính Thiên Chúa được quy hướng về chính nó một cách tất yếu, và quy hướng về những cái khác một cách ngẫu tính (contingenter) Sẽ không đúng khi nói rằng Nguyên Nhân Tác Thành Đầu Tiên yêu mến một cách tự nhiên những gì khác với chính nó (nghĩa là không phải là nó), lý do là vì nó không cảm thấy bó buộc hướng về cái gì bên ngoài nó, nó tự đủ cho nó mà không cần bất cứ thứ gì khác. Nói cách khác, tương quan của Thiên Chúa với chính Người thì tất yếu (naturaliter); tương quan của Người với những cái gì khác thì ngẫu nhiên (contingenter, non naturaliter): Thiên Chúa yêu chính Người cách tất yếu (Kết luận 6 DPP), vì Người không thể từ chối yêu mến cái gì là tuyệt đối đáng yêu. Người yêu một cách ngẫu tính tất cả những gì mang tính chất ngẫu nhiên (Kết luận 5 DPP): tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa. Vũ trụ tạo dựng, con người... lệ thuộc vào hữu thể này như kiểu một tác phẩm nghệ thuật lệ thuộc vào nghệ nhân: chúng ta là kết quả của một sự lựa chọn tự do về phía hữu thể ngôi vị này.

Như thế, theo Scotus, tương quan giữa sự hiểu biết của Thiên Chúa và trật tự tạo dựng, là một tương quan ngẫu nhiên, hơn là một tương quan tất yếu. Thiên Chúa biết các biến cố ngẫu nhiên qua ý chí của Người, nghĩa là dựa trên nền tảng tình yêu. Thật vậy, Người biết các biến cố ngẫu nhiên tương lai xuất phát từ sự lựa chọn tự do của con người thâu qua ý chí của Người, hiện diện với biến cố khi nó xảy ra. Theo cách này, như Đấng Tạo dựng toàn năng, Thiên Chúa, một cách tự do, hiện diện trong tình yêu trong tất cả những gì xảy ra trong thế giới của chúng ta. Sự hiểu biết này của Thiên Chúa về trật tự ngẫu nhiên không khác gì với loại hiện diện trợ sức (sustaining presence) của Người.

Tóm lại, nhìn vào cách Scotus bố trí lập luận của ngài qua Lectura I 39, chúng ta có thể nói: đối với ngài, câu hỏi chính yếu sẽ không phải là câu hỏi: Thiên Chúa có biết tương lai ngẫu nhiên không? Ngài bắt đầu lập luận vấn đề bằng việc giả thiết Thiên Chúa có biết. Vì thế, câu hỏi chính yếu sẽ như sau: tính ngẫu nhiên của các sự vật thì phù hợp (compatible) hay không phù hợp với sự hiểu biết của Thiên Chúa về chúng? Nghĩa là ngài không đặt câu hỏi Thiên Chúa biết các biến cố tương lai như thế nào (how), nhưng điểm quan trọng mà ngài đề ra cho lý thuyết của ngài về tri thức của Thiên Chúa là: tính phù hợp luận lý của bản chất ngẫu nhiên của thực tại (tương lai) với các đặc tính chủ yếu của sự hiểu biết của Thiên Chúa về thực tại ngẫu nhiên này (những đặc tính như: tính chính xác, tính không thể sai lầm, tính bất biến.)

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện


Chia sẻ