Skip to content
Main Banner

John Duns Scotus Và Mầu Nhiệm Thiên Chúa

BTT OFMVN 01
2024-02-09 07:04 UTC+7 434

DUNS SCOTUS VÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

 

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Cantebury, England

 

Trong bản Luật không sắc dụ năm 1221, chương 23, thánh Phanxicô viết bài kinh ca ngợi, cảm tạ Thiên Chúa, và tự đáy lòng, từ trung tâm bản thân mình, đã thốt lên những lời sau đây:

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, cao cả, là Chúa Cha thánh thiện và công minh, là Đức Vua, Chúa tể trời đất, chúng con xin dâng lời cảm tạ chỉ vì chính Cha mà thôi… Vậy chúng ta đừng để điều gì ngăn cản, tách biệt và chia lìa chúng ta với Chúa.

Khắp mọi nơi, mọi lúc và mọi thời buổi, hằng ngày chẳng lúc nào ngơi, tất cả chúng ta hãy thực sự và khiêm tốn tin kính, ghi nhớ trong lòng, yêu mến, tôn kính, thờ phượng, phụng sự, ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh, tán dương, dâng lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vĩnh cửu, chí thánh, chí tôn, một Thiên Chúa và là Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Đấng Tạo Dựng và Cứu Độ tất cả những ai tin kính, trông cậy và yêu mến Người; Người là Đấng vô thuỷ vô chung, thường hằng bất biến, người ta không thể thấy được, không thể nói ra được, không thể diễn tả được, không thể hiểu được, không thể truy tầm được; Người đáng chúc rụng, ca ngợi, tôn vinh, tán dương; Người sâu thẳm, cao vời, ngọt ngào, khả ái, chan chứa hoan lạc, đáng khát khao trên hết mọi sự cho đến muôn đời. Amen” (x. L Ksd, 23, 1 và 10).

Điều rõ ràng có thể rút ra từ những lời kinh này là Phanxicô đã nắm bắt được cảm thức cơ bản về mầu nhiệm do Tân Ứơc mạc khải. Tôi muốn khởi đi từ những lời kinh này để suy niệm về linh đạo của Scotus liên quan tới vị Thiên Chúa của đức tin chúng ta – một đức tin chân thật, khiêm nhường, tin vào “sự uy linh bất khả khám phá” của Thiên Chúa (theo cách nói của Karl Barth, Chú Giải Thư Roma, tr. 31), Đấng khôn ngoan vô tận và đầy yêu thương, đã muốn tự mạc khải chính mình cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô.

Tôi không chú mục vào các luận cứ do khoa siêu hình học cung cấp cho chúng ta để khẳng định sự hiện hữu của Thiên Chúa như là Đệ Nhất Nguyên Lý, tôi cũng không để ý đến cả cách xuất sắc nhất Scotus đã chứng minh sự hiện hữu của một Đệ Nhất Nguyên Lý bằng lý luận sắc bén của ông. Khi nhìn vào những thành tựu của các triết gia Hy Lạp, chúng ta cảm thấy trào dâng trong mình sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn. Và chắc hẳn những nỗ lực, những khát vọng của một Thalès, một Anaximander, một Anaxagores, một Heraclitus cũng xuất hiện trong tất cả chúng ta, khi chúng ta tập trung lòng trí suy niệm về mầu nhiệm không thể hiểu được của Phúc Âm.

Tuy nhiên, Hiện Thể Thuấn Túy (the Pure Act) mà triết học đề cập tới là một mầu nhiệm, vì ý niệm đó nói lên quá ít về Thiên Chúa, về Thiên Chúa là Ai, và về Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu (nói cách khác: về sự hiện hữu và chân tính của Thiên Chúa). Thiên Chúa của triết học là một Thiên Chúa vô ngã. Tôi không có ý gạt bỏ chính điều mà lý trí tìm kiếm. Chúng ta bị ép buộc tìm kiếm cho ra một cách lý giải sự hiện-hữu-trong-không-gian-và-thời-gian (chính Scotus đã tìm ra được cách lý giải đó trong học thuyết của ông về tính đơn nghĩa của Hữu Thể -- the univocity of Being --) và qua đó khám phá ra nền tảng của mọi Hữu Thể là chính Hữu-Thể-Tự-Thân. Vì lý do đó và theo nghĩa đó, tất cả chúng ta đều là triết gia.

Nhưng, ai không đặt bất cứ điều gì vào chỗ ưu tiên hơn sự khát mong đời sống vĩnh cửu, thì được Phanxicô coi như một triết gia đích thực. Đó chắc chắn là điều Scotus đã làm, bởi vì tất cả mọi sinh họat của ông trong tư cách thần học gia, triết gia và một người anh em hèn mọn đều theo đuổi một định hướng là khám phá cho được vị trí trung tâm tuyệt đối của mầu nhiệm Thiên Chúa và ý nghĩa của mầu nhiệm này đối với chúng ta tại đây vào lúc này. Và Scotus nhận thức được rằng: Dù Thiên Chúa hiện ra trong bụi gai rực lửa, nhưng Thiên Chúa không phải là lửa; dù Thiên Chúa di chuyển trên nước, nhưng Thiên Chúa không phải là nước; dù Thiên Chúa là Hiện Thể Thuần Túy và Hữu Thể Thuần Túy, Hiện Thể ấy lại là Hữu Thể Thuần Túy trong Ba Ngôi, Hữu Thể ấy lại là Một-trong-Ba.

Mầu nhiệm Thiên Chúa tự bản chất vượt xa trí tuệ thụ tạo đến nỗi, ngay cả khi mầu nhiệm ấy đã được mạc khải trong Kinh Thánh và được đức tin đón nhận, thì chính đức tin ấy vẫn giữ mầu nhiệm Thiên Chúa trong vỏ bọc của một sự tăm tối nào đó, bao lâu chúng ta đang mang thân phận lưu vong xa Chúa trong kiếp sống phàm nhân, bởi vì, như thư gửi giáo đòan Côrintô nói, “chúng ta bước đi trong đức tin, chứ không phải trong sự hưởng kiến”. Chính trong ánh sáng của những lời này, chúng ta có thể tiếp cận mầu nhiệm khôn tả của Thiên Chúa từ một góc độ tích cực hơn. Tôi xin được trích dẫn mấy lời sau đây từ một nguồn ít ai để ý, đó là Công Đồng Vaticanô I.

“Thật đúng là, nếu lý trí con người biết dựa vào sự soi dẫn của ánh sáng đức tin mà tìm kiếm một cách nghiêm túc, nhiệt tình và cẩn trọng, thì do lòng quảng đại của Thiên Chúa, nó đạt được một sự hiểu biết nào đó về mầu nhiệm Thiên Chúa, và đó là một sự hiểu biết rất hữu ích. Lý trí đạt được thành quả ấy, một mặt do sự tương tự với những chân lý mà nó biết được một cách tự nhiên và mặt khác cũng do những mối tương quan qua lại giữa các mầu nhiệm với nhau và những mối tương quan giữa các mầu nhiệm với cứu cánh của dự phóng nhân sinh”.

Chắc hẳn Scotus sẵn sàng tán đồng những suy nghĩ như thế, bởi vì trí tuệ con người, một quà tặng của lý trí, bằng cách sử dụng những ân huệ do Tâm Trí của Thiên Chúa ban cho, thì có thể tìm ra được ý nghĩa của Hữu Thể như là Hữu Thể tự tại, và đó là chính Hữu Thể mà chúng ta có thể nói: Thiên Chúa không phải là hư vô, nhưng là mầu nhiệm Hữu Thể, một mầu nhiệm trong sự tự thể hiện, một mầu nhiệm của sự tự thể hiện chính mình.

Giáo Hội tuyên xưng niềm tin không gì lay chuyển nổi rằng: các tín điều trải qua một tiến trình phát triển. Điều đó có nghĩa là Giáo Hội càng tiến bước trong thời gian, càng đi sâu vào mầu nhiệm đã được ban cho mình một cách dứt khóat. Phanxicô, Alexander thành Halès, Bonaventura, Scotus, Occam và những tên tuổi khác nữa của truyền thống trí thức Phan sinh giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm ấy qua những nỗ lực của các ngài trong việc đào sâu linh đạo, thần học và siêu hình học.

Điều này không có nghĩa là không có sự tăng trưởng trong đối tượng chất thể (tức nội dung) của đức tin, và sở dĩ có người nghĩ rằng không thể có sự tăng trưởng đó là vì Thiên Chúa, vào thời sau hết này, đã phán Lời nói cuối cùng của mình – qua Người Con Nhập Thể để nói thay cho mình. Và bất cứ điều gì Giáo Hội dạy, đang dạy lúc này hay sẽ dạy mai sau, chỉ có thể là một khía cạnh khác trong sự hiểu biết sâu sắc hơn của Giáo Hội về Mầu Nhiệm Thiên Chúa được mạc khải cho ta trong Đức Kitô.

Cảm nghiệm được Mầu Nhiệm ấy trong linh đạo như Phanxicô, suy tư thần học về Mầu Nhiệm ấy như Bonaventura, lý luận bằng triết học siêu hình về Mầu nhiệm ấy như Scotus, đó là tạo lập một khởi điểm mới vậy. Những định nghĩa (về Mầu Nhiệm ấy), dù là dưới góc độ linh đạo, thần học, siêu hình học, giáo thuyết hay tín lý, không phải là chủ nghĩa giáo điều. Khẳng định rằng tín điều (tức nội dung đức tin) trải qua tiến trình phát triển, là xác định rằng chúng ta không bao giờ ngừng lĩnh hội thêm thực tế của Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Bởi thế, có thể nói: Mầu Nhiệm là điều chúng ta không ngừng tìm hiểu và không bao giờ hiểu thấu.

Khi tâm trí chúng ta nhận thức rằng lý trí con người, dưới sự soi dẫn của ánh sáng đức tin, đạt được một sự hiểu biết nào đó về Mầu Nhiệm Thiên Chúa, và lý trí thành công trong việc này bằng con đường đối chiếu với những chân lý mà nó biết được một cách tự nhiên (thuộc khoa thần học tự nhiên), thì chúng ta có thể tiếp tục tiến xa hơn trong việc suy niệm của chúng ta về Mầu Nhiệm Thiên Chúa.

Cuộc sống đặt chúng ta trực diện với mầu nhiệm khắp mọi nghẽ ngóc chúng ta đặt chân tới. Trong tất cả các mầu nhiệm mà chúng ta đối diện trong thế giới, (điều tôi đặc biệt quan tâm) không phải là mầu nhiệm của cái vũ trụ đang từng ngày mở rộng ra đối với chúng ta; cũng không phải mầu nhiệm liên quan tới các khởi đầu của chúng ta trong thời gian và không gian; đúng hơn, chính là mầu nhiệm hữu thể hoặc sự hiện hữu: sự hiện hữu của Thiên Chúa và của chính chúng ta, sự hiện hữu của mọi sự vật như chúng là chúng. Wittgenstein đã từng nói:” Thế giới là gì, điều đó không quan trọng, nhưng điều quan trọng là sự kiện có thế giới”.

Trong suốt cuộc đời mình, Scotus đã khảo sát và thám hiểm mầu nhiệm. Mầu nhiệm là cơ sở chống đỡ tòan bộ nỗ lực suy tư thần học và triết học của ông, trong lúc Bonaventura tìm cách thấy cho được mầu nhiệm tự biểu lộ ra như thế nào trong các vật thể mà chúng ta quan sát trong thế giới thụ tạo, với luận điểm xác định rằng: công trình tạo dựng là kết quả của sự tự tràn lan, tự thông ban của Sự Thiện, còn Phanxicô thì chỉ có thể diễn tả sự hiểu biết và cảm nghiệm của mình về mầu nhiệm bằng thi ca.

Lời sấm ở Đen-phi thời Hy Lạp cổ nói với những ai đến xin một lời khuyên rằng:” Bạn hãy biết rõ chính mình trước khi tìm biết những gì khác”. Tự biết mình quả là trách nhiệm đầu tiên của mỗi người, và sự mong muốn tự biết mình ấy đã dẫn đến hậu quả là sự bùng nổ đến chóng mặt của những nhóm-tự-lực, của khoa tư vấn, khoa tâm lý trị liệu dành cho mọi tầng lớp, mọi hạng người – ngay trong linh đạo Kitô giáo, chúng ta tham gia vào các phương pháp hoặc kỹ thuật giúp tự biết mình như phương pháp Enneagram, Myers-Briggs, Nhật ký Progoff (Progoff Journaling), linh hướng. Tuy nhiên tự biết mình là một công việc khó khăn và gay go. Biết Thiên Chúa dễ hơn nhiều!

Những nỗ lực được vận dụng cho công việc đó chỉ hữu dụng để chứng minh rằng đáp ứng trách nhiệm tự-biết-mình là một nhiệm vụ hầu như bất khả thi. Ai có thể biết được mình? Thiên Chúa mà dễ biết hơn – bởi vì cuối cùng Ngài đã mạc khải chính mình cho chúng ta, còn chúng ta, chúng ta đâu có tự mạc khải mình cho mình! Càng lặn sâu vào trong chính bản thâ, chúng ta càng thấy con người mình đầy bí ẩn. Sách Sáng Thế đã nói: Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài.

Thêm vào đó, truyền thống Kitô giáo giải thích rằng: Vì con người được dựng nên giống hình ảnh của Vị Thiên Chúa khó hiểu, nên cuối cùng con người trở nên khó hiểu với chính mình. Henri de Lubac cũng nêu vấn nạn: “Ai có thể thực sự đi vào trong bản thân mình để tìm thấy ở đó một chút hiểu biết về minh?” Còn Augustinô thì nói (trong sách De Symbolo): Thiên Chúa đã pha trộn vào linh hồn chúng ta vốn mang hình ảnh Ngài, một cái gí đó khó hiểu. Tôi là một mầu nhiệm mà chính tôi không thể xâm nhập và không thể hiểu được.

Như thế là đã rõ: chúng ta là một mầu nhiệm đối với chính mình, tuy nhiên một điều khác cũng rõ ràng không kém: chúng ta không ngừng khám phá, và khám phá liên lỉ, một điều gì đó mới mẻ về chính mình, miễn là chúng ta tìm kiếm một cách chân thành và nghiêm túc để biết chúng ta là gì. Vì chưng, mầu nhiệm của cuộc hiện hữu thì không thể múc cạn, nhưng nếu chúng ta lĩnh hội được trong từng khỏanh khắc rằng chúng ta đang hiện hữu, thì chúng ta đạt tới được cái mầu nhiệm mà nội dung là: chúng ta là một hữu thể nhân bản (nói đơn giản là một con người đang sống giữa đời), nghĩa là chúng ta đạt tới được mầu nhiệm cuộc nhân sinh. Và đây chính là điều đã làm nên bối cảnh cho tòan bộ nỗ lực suy tư của Scotus trong lãnh vực thần học và triết học – Bằng cách nào chúng ta hiểu được Thiên Chúa và chính bản thân chúng ta? Câu trả lời của ông là: qua hữu thể, qua cuộc hiên hữu của con người, nghĩa là qua cuộc nhân sinh (tôi sẽ trở lại với đề tài này một lúc nào đó trong tuần lễ tập huấn này).

Nếu điều này đúng cho chúng ta, thì lại càng đúng cho những người khác mà chúng ta đang thiết lập những mối tương quan với họ trên cơ sở chung là: họ cũng như chúng ta đều là những con người. Lúc này tôi đang nghĩ tới yếu tố then chốt của mọi mối tương quan giữa chúng ta, ví dụ: khi chúng ta đem lòng yêu ai, thì chúng ta cùng một trật khám phá ra chiều sâu của một mầu nhiệm và rơi tõm vào đó. Ai có thể biết và yêu trọn vẹn một người khác? Chúng ta chạm trán với mầu nhiệm ngay trong bản thân chúng ta và chung quanh chúng ta, nơi mọi ngóc ngách của cuộc sống. Và tình yêu là một mầu nhiệm rất lớn, một mầu nhiệm có sức biến chúng ta thành khó hiểu nhất, bí ẩn nhất đối với chính mình.

Tình yêu là sự vươn tới một người khác vì chính người đó (nghĩa là với ý hướng vị tha, chứ không vị kỷ), là một hành động đi ra khỏi chính mình, và hành động ấy phát sinh từ sự tự do đích thực (chứ không do bị cưỡng ép). Không ai có thể viết một luận văn về tình yêu, chí ít là là về tình yêu như nó đang diễn ra trong những tình huống cụ thể của cuộc sống cá nhân người đang yêu. Chỉ tình yêu mới biết đựợc chính mình và biết được mình như mình đang yêu, và tình yêu tự giải thích cho mình tại sao mình yêu (nghĩa là tình yêu có lý lẽ riêng của nó). Theo ghi nhận của Bonaventura, tình yêu là một sự giao lưu, hay thông truyền (a communication) và tình yêu tỏa lan, tràn lan sang hữu thể (nghĩa là những ngôi vị hay vật thể đang hiện hữu).

Trong Kinh Thánh, chính Thiên Chúa được mệnh danh là Tình yêu. Với sự đơn giản của thực tế, Gioan nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là Tình Yêu”, điều này có nghĩa, như Scotus nói trong tác phẩm Tường Trình, Phần III, rằng Thiên Chúa là Tình Yêu theo nghĩa chính xác và chính yếu (nghĩa là Tình Yêu làm nên yếu tính của Thiên Chúa), chứ không chỉ là Tình Yêu nhìn dưới góc độ các hiệu quả do Tình Yêu của Thiên Chúa tạo ra (tôi sẽ còn đề cập tới khía cạnh này). Những gì tâm trí yếu ớt và hạn chế của con người khám phá được nơi tình yêu trong đời sống lòai người, nói cho nó biết đôi điều về Tình Yêu của Thiên Chúa (về mầu nhiệm Thiên Chúa Tình Yêu).

Scotus, trong các Vấn Nạn ông nêu ra về khoa Siêu hình học của Aristoteles, cũng chỉ ra rằng: Thiên Chúa là Hữu Thể, là Hữu Thể thuấn túy, hòan hảo, và Hữu Thể đó là Tình Yêu vô biên và vĩnh cửu. Mặc dù Thiên Chúa là Tình Yêu vô biên vượt xa thứ tình yêu mà chúng ta biết – vì yếu tính và bản thể của Ngài là Tình Yêu --, chúng ta vẫn chiếm hữu được Ngài, chiếm hữu được Tình Yêu của Ngài tại đây vào lúc này. Bởi vì Tình Yêu cũng tự tỏa lan, -- và đây là một ý niệm chìa khóa trong tác phẩm của Bonaventura --, Tình Yêu tự thông truyền, và như thế Tình Yêu trong Thiên Chúa là sự tự thông truyền của yếu tính thần linh. Và trong sự tự thông truyền của bản thể Ngài, một bản thể được đánh đồng với Tình Yêu, Thiên Chúa đã thông truyền một điều gì đó có khả năng biến đổi đời sống và tòan bộ lịch sử thế giới.

Khi hướng tầm nhìn vào mầu nhiệm Thiên Chúa như Mạc Khải Kitô giáo cho chúng ta biết, chúng ta trực diện với Thiên Chúa Ba Ngôi. Tin Mừng đến từ Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Như thế bản thể của Thiên Chúa là Hữu Thể, là hiện hữu (phản nghĩa của hư vô), và như thế chính Ngài đã mạc khải cho chúng ta biết rằng “cái cảm thức cơ bản về Mầu Nhiệm trong Tân Ước là một đối tượng, một nội dung của mạc khải thần linh. Sự thông truyền một chân lý, dù lớn lao, dù bé nhỏ -- (thực ra không có chân lý nào liên quan tới Thiên Chúa là tầm thường cả) --, nếu nó được nói ra trong tình yêu, thì đều mạc khải Đấng nói ra chân lý ấy.

Với Hữu Thể Thần Linh là như thế đó. Từ chiều sâu vô tận của Lòng Tốt, của Tình Yêu, của Lòng Thương Xót và Lòng Nhân Từ vô biên, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đến với chúng ta và thì thầm vào lỗ tai tâm hồn chúng ta rằng Ngài là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Scotus cho rằng đó là “Tình-Yêu được hiểu như là sự-hiệp-thông-trong-Tình-Yêu”.

Khi những lời này được thốt ra, thì cả một thế giới xuất hiện trước mắt chúng ta, thế giới ấy là mầu nhiệm Đấng Duy Nhất Thánh Thiện, vĩnh cửu, vô tận, không thể giải thích được, nhưng đáng tôn thờ. Danh Ngài là Thiên Chúa. Ngài là Đấng Hiện Hữu. Scotus khi suy luận về Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, đã nói: Dựa vào lời Thiên Chúa tự mạc khải trong sách Xuất Hành (Xh 3, 14: “Ta là Ta”), chúng ta biết RẰNG Thiên Chúa Hiện Hữu (đó là một dữ kiện hữu thể học đối với chúng ta), và chúng ta biết NỘI DUNG của chữ “LÀ” ấy là Tình Yêu (đó là dữ kiện thần học đối với chúng ta).

Rồi đối với những gì còn lại phải nói, thì chúng ta chỉ có thể thân thưa, thường là âm thầm trong lòng rằng:” Con, một người tội lỗi, con yêu mến Ngài. Con, một người tội lỗi, con cần đến Ngài”. Và với những lời ấy, một thế giới trải ra trước mắt Thiên Chúa, và thế giới ấy chính là tôi. Đối với những người không ở trong cụộc và những người chẳng màng gì tới câu chuyện đang bàn đây, thì câu chuyện này có vẻ buồn cười. Nhưng mà hãy biết vậy đã. Thật ra, nói về tình yêu cho một người không liên quan gì tới tình yêu, là nói một điều vô nghĩa.

Trong tác phẩm của Scotus, điều mà mầu nhiệm Thiên Chúa dạy chúng ta là chúng ta phải tiến tới cái nghịch lý của tương lai chúng ta: một tương lai mà chúng ta biết và đồng thời cũng không biết. Tháng năm cuộc đời chúng ta càng qua đi, tình yêu càng trở nên bí ẩn và mầu nhiệm; không có giới hạn cho sự trao ban. Đó là điều Scotus nhẩm đi nhắc lại trong học thuyết của ông về Mầu Nhiệm Nhập Thể. Điều Scotus nói với chúng ta trong thần học linh đạo của ông, trong cuộc thám hiểm của ông về Mầu Nhiệm Thiên Chúa, là: người ta càng yêu, thì càng muốn yêu. Thiên Chúa càng yêu, bởi vì đó là yếu tính của Ngài, thì Ngài càng ước ao yêu, bởi vì bản chất của Ngài là ước ao tự trao ban, tự thông truyền chính mình.

Và trên hết mọi sự, đây là Mầu Nhiệm Hữu Thể, mà lại là Hữu Thể Thần Linh, bởi vì chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta yêu Thiên Chúa bằng chính tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chính mình Ngài. Scotus nói với chúng ta điều đó khi ông bàn luận về Chúa Kitô như là người-yêu-được-tạo-dựng để yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Con người ấy yêu Thiên Chúa Ba Ngôi bằng tình yêu mà Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho con người ấy. (Và tôi cũng sẽ trở lại với đề tài này).

Kêu Tên Thiên Chúa là tiến lại gần Ngài hơn, yêu Thiên Chúa là biết bản chất Ngài là gì; và Ngài là một Ai đó đang hiện hữu, Ngài chính là Hữu Thể; Ngài là nền tảng tuyệt đối của hiện hữu, vì Ngài là Hữu Thể -- Khi hiểu được điều này, tôi bắt đầu hiểu được chút gì về bản thân tôi. Nói rằng Thiên Chúa là Hữu Thể, mà Hữu Thể ấy lại là Tình Yêu, là nói rằng tình yêu là lý lẽ của chính tình yêu (tình yêu tự giải thích, tự biện minh cho chính mình, không cần một lý lẽ nào khác giải thích cho tình yêu) – cũng chính Scotus đã làm rõ điểm này trong học thuyết của ông về “Chúa Kitô chiếm địa vị Thủ Lãnh” hoặc “Vị Trí Tối Thượng của Chúa Kitô” (Primacy of Christ) – Vì lý do gì Thiên Chúa phải hoặc muốn trở thành một người phàm như chúng ta, nếu không phải là vì tình yêu Ngài dành cho chúng ta?

Yêu nhau là cần đến nhau. Đành rằng Scotus giải thích rõ trong học thuyết của ông về Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Ba Ngôi không cần bất cứ cái gì hoặc bất cứ ai khác biết hoặc yêu Ngài.Thật ra, Scotus cũng nói rõ rằng Chúa Cha, trong tư cách là nguồn mạch của hai Ngôi vị kia trong Thiên Chúa Ba Ngôi, không cần đến Chúa Con và Chúa Thánh Thần để là mình, bởi vì điều này sẽ bao hàm một sự thiếu thốn. và nếu thiếu thốn một điều gì, thì không còn là hòan hảo nữa, nếu trong Thiên Chúa Ba Ngôi mà có sự bất tòan, thì Thiên Chúa không sở hữu hết tất cả mọi sự hòan hảo thuần túy và như thế Thiên Chúa không hiện hữu nữa -- ngay cả như là một ý niệm.[1] Như thế, theo Scotus, Thiên Chúa không cần đến bất cứ cái gì nhìn trên bình diện yếu tính của Ngài và dưới góc độ hữu thể luận.

Nhưng chả lẽ không có một cách nào cho phép chúng ta nói rằng Thiên Chúa cần đến chúng ta sao? Thiên Chúa tự đủ cho mình, Ngài là tất cả, như được vọng lại trong lời kinh của Phanxicô:” Lạy Thiên Chúa của con, Ngài là Tất Cả”. Nếu Thiên Chúa cần đến chúng ta, thì đó là vì Đức Kitô. Chúng ta hãy suy nghĩ chốc lát về bản thể Thiên Chúa: Thiên Chúa LÀ gì – chí ít, theo mức độ chúng ta có thể làm được điều đó.

Thiên Chúa là Hữu Thể. Là cái NAY vĩnh cửu. Là sự Tự Thể Hiện Chính Mình thuần túy. Không có quá khứ, hiện tại, tương lai theo bất cứ một nghĩa thời gian nào. Không có sự quá độ từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Không có sự chuyển tiếp từ tiềm thể sang hiện thể. Thiên Chúa hiện hữu một cách đơn thuần, không bị phân chia. Theo Scotus, Thiên Chúa là Hữu Thể trong chính yếu tính của mình.

Thiên Chúa biết chúng ta và yêu thương chúng ta trong cái NAY thần linh. Và dù rằng cái vực thẳm cách ly hữu thể vô biên với hữu thể hữu hạn, cách ly cái có-muôn-thuở với cái-đã-có-đang-có-và-sẽ-có, cách ly cái vĩnh cửu với cái tồn tại trong thời gian, cách ly cái tất yếu với cái bất tất, cách ly cái đại dương Hữu Thể vô tận với những mảnh vụn hữu thể hữu hạn, dù rằng cái vực thẳm ấy có lớn lao đến mấy, thì sự thật vẫn là Thiên Chúa yêu ta.

Nếu đem ứng dụng vào đây học thuyết Scotus về tính đơn nghĩa của hữu thể (the univocity of Being), chúng ta có thể nói: Thiên Chúa hiện hữu và Thiên Chúa là Tình Yêu, và Thiên Chúa thế nào, chúng ta cũng thể ấy – vì rằng Thiên Chúa hiện hữu và yêu thương chúng ta, thì như vậy chúng ta có thể nói: do Ngài yêu thương ta, nên Ngài chọn cần đến ta không? Nếu thực sự Ngài cần đến ta, thì chính là vì Đức Kitô. Như sẽ thấy khi tôi mổ xẻ học thuyết Scotus về Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa không cần đến cái gì cả để Ngài là Ngài trong toàn bộ hữu thể của Ngài. Không gì được thêm hoặc có thể được thêm vào cho Ngài, vì Ngài sở hữu mọi sự thiện hảo tinh tuyền.

Tuy nhiên, khi nhìn sang quan niệm của Phanxicô về Chúa Kitô, bức tranh trên đây có thay đổi đôi chút, chí ít là trên bình diện linh đạo và có thể là thay đổi một cách có ý nghĩa cả trên bình diện Thần học nữa. Phanxicô viết:

“Ôi, thật là điều thánh thiện và đáng quý mến biết bao, khi có một Người Anh (và một Người Con) hiền lành, khiêm hạ, an hoà, ngọt ngào, đáng mến và đáng ước ao trên hết mọi sự: Người Anh (và Người Con) đó thí mạng sống mình cho đoàn chiên” (T Th, câu 56).

Đối với Phanxicô thành Assisi, đó là điều Phúc Âm muốn nói với ngài: Thiên Chúa đã trở nên một người như chúng ta -- Đức Giêsu, và đó là điểm then chốt của Phúc Âm. Đức Giêsu là con đường dẫn tới Chúa Cha. Luât và đời sống của Anh em hèn mọn là tuân giữ Phúc Âm, và Phúc Âm chính là Thiên Chúa Nhập Thể. Thế nên, tuân giữ Phúc Âm là tuân giữ và noi gương Đức Giêsu và đến cùng Chúa Cha.

Xuyên suốt lịch sử triển khai dự phóng của nhân loại, con người đã tìm cách tạo ra những hình tượng của sư hiện diện bí ẩn lảng vảng quanh nó và thế giới của nó, và tìm cách nắm bắt sự hiện diện bí ẩn ấy bằng trí tuệ, trái tim và óc tưởng tượng của mình. Có người gọi Gió là Thần minh, kẻ khác gọi Mặt Trời là Chúa tể, kẻ khác nữa gọi Đấng Bí Ẩn ấy là Kiến Trúc Sư, là Nhà Khoa Học Vĩ Đại, là Gia-vê, hoặc thậm chí Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nhưng đối với người Kitô hữu, chỉ có một hình tượng duy nhất, một ý niệm có khả năng làm thỏa mãn tâm trí, và hình tượng ấy mang tính nhân văn. Đó là chính Đức Giêsu thành Nadarét, với chân tính là Thiên Chúa Làm Người. Cho dù Thiên Chúa vượt quá và tách biệt khỏi chúng ta rất xa, nhưng có một chân lý sống động với nội dung như sau: khi nghĩ tới và hình dung ra con người hoàn hảo nhất, là nghĩ tới và hình dung ra Thiên Chúa. Đó là Giêsu, Đức Chúa uy linh đã phục sinh, được tôn vinh và siêu thăng, nay đang sống và chuyển động trong một kiếp sống mới. Đây là đề tài chủ yếu trong khoa Kitô học của Scotus mà chúng ta sẽ xem xét.

Chúng ta không bao giờ có thể suy niệm cho đủ về chân lý trọng tâm này, là chính Tin Mừng về Thiên Chúa Làm Người. Phúc Âm không dạy chúng ta rằng Thiên Chúa đã đến trong một vỏ bọc là một con người, hay mang dáng dấp một con người. Thiên Chúa đã trở thành một con người thực sự, như chúng ta thực sự là những con người.

Thiên Chúa đã trở thành một con người trong thế giới của tội lỗi và chết chóc này. Điều đó biểu lộ sự tự khiêm và hạ cố của Ngài sâu thẳm biết chừng nào! Việc Thiên Chúa đã trở thành một con người không đơn thuần giải thích điều Phaolô khẳng định rằng “Thiên Chúa đã trút bỏ chính mình hoặc tự huỷ ra không” (x. Pl 1, 7), nhưng cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã trở thành một con người trong thế giới đầy dẫy tội lỗi và bị xâu xé bởi sự chết chóc, một thế giới bị chế ngự bởi lo âu và sự tàn phá.

Mặc dù Scotus đã muốn cống hiến cho chúng ta một lối trình bày tuyệt diệu về mầu nhiệm Thiên Chúa Làm Người, nhưng ông không trốn tránh cái thực tế hiện sinh thô bạo trong đó cuộc Nhập Thể đã diễn ra giữa lịch sử.

Ngôi Lời vĩnh cửu đã trút bỏ vinh quang của mình và trở thành như chúng ta với tất cả sự yếu đuối cúa chúng ta. Sự tự hạ của Đức Kitô xuất phát từ thân phận làm người của Con Thiên Chúa đến sống giữa một bối cảnh đang trong tình trạng thiếu vắng Thiên Chúa như là hậu quả của tội lỗi thế gian. Thực ra, Đức Giêsu đã đón nhận tình trạng vong thân này từ Thiên Chúa. Đó là sự tự hạ, tự huỷ của Ngài.

Sách Phúc Âm thứ tư chỉ rõ cho thấy Đức Giêsu là một con đường đến từ Chúa Cha, cần Vượt Qua cái chết để trở về với Người. Giống như Dân Do Thái, Đức Giêsu đã phải nếm trải thân phận lưu vong và nô lệ trước khi đến được với Chúa Cha. Đức Giêsu là một người đã được mời gọi nếm trải thân phận lưu vong xa cách Thiên Chúa giữa loài người chúng ta.

Mối tương quan của chúng ta với Vị Thiên Chúa của lòng tin không phải là tương quan với một Thiên Chúa của các triết gia. Chúng ta không đi vào mối tương quan với một nguyên lý triết học, và cũng chẳng phải với một nguyên lý thần học. Chúng ta tạo mối tương quan với Chúa Cha, mà Con của Người đã trở thành Anh Cả của chúng ta. Trong truyền thống Phan sinh, Thiên Chúa đối với tôi vừa là Cha, vừa là Anh. Đức Kitô đã biến chúng ta thành những người em của mình và Ngài thật sự là người phàm bởi vì Ngài là thật sự là Thiên Chúa.

Bởi thế, càng đến gần Đức Kitô, chúng ta càng được biến đổi nên giống Ngài hơn, hoặc nói theo cách của Bonaventura, càng nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài, chúng ta càng thành người hoàn hảo hơn. Như Bonaventura đã chỉ cho chúng ta thấy, nhân tính của chúng ta được xây trên nền tảng là Thiên Chúa, căn bản của mọi hữu thể (thụ tạo), thì Scotus cũng sẽ chỉ cho chúng ta thấy rằng, qua tính đơn nghĩa của hữu thể, chúng ta thông dự vào Hữu Thể Tự Tại là chính yếu trính của Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần, theo quan niệm của Scotus mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong khoá bồi dưỡng tiếp theo, là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Tình Yêu ấy đã được trút đổ vào lòng chúng ta để chúng ta được biến đổi nên giống Chúa Con và bằng cách đó chúng ta được đến gần với Chúa Cha hơn. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thực tế chứa đựng trong những từ ngữ này mở ra trước mắt tôi cái thế giới của Hữu Thể là chính Thiên Chúa, nền tảng, nguyên do lý giải và làm viên mãn mọi thực tại.

Trong khoa siêu hình học của mình, Scotus chỉ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là Hữu Thể siêu việt trong bản thể Ngài và như là chính Ngài, với đặc tính vô biên, vượt xa chúng ta trong kiếp sống này, tuy nhiên dù vượt xa chúng ta đến mấy đi nữa, thì Ngài đã luôn luôn có ý muốn đến gần chúng ta. Đây là trọng tâm của nền thần học Nhập Thể do Scotus triển khai, mà chúng ta sẽ trình bày sau.

Nếu rà lại lịch sử các mối tương quan của Thiên Chúa với chúng ta, chúng ta sẽ tìm được đầy đủ bằng chứng cho điều vừa nêu. Ngài luôn luôn hiện diện bên cạnh những loài do Ngài tạo dựng. Và trong thời đại cuối cùng này Ngài lại càng đến gần thụ tạo tuyệt tác cao nhất của Ngài, mà Ngài đã muốn có trước cả khi tạo dựng nên vạn vật để làm mẫu cho tất cả mọi vật đang hiện hữu.

Trước cuộc đản sinh trọng tâm và thánh thiện tại Bêlem, loài người đã tiếp cận với mầu nhiệm Hữu Thể rồi: chúng ta đã khám phá ra Thiên Chúa trong các công trình của Ngài; trong sự khôn ngoan của Ngài; trong các thụ tạo của Ngài. Riêng đối với Dân Israel, Ngài hiện diện trong các giao ước, trong cột lửa và đám mây.

Nhưng bây giờ, nếu chúng ta bắt đầu mổ xẻ ngôn ngữ của Scotus, sẽ thấy rằng: chính cái thường hằng là bộ phận của thời gian. Hữu Thể như là Hữu Thể nay là hữu-thể-trong-thế-giới, một hữu-thể-trong-thời-gian, một cuộc-hiện-hữu-với (nghĩa là sống-chung-với) những người khác cũng mang thân phận con người và có nhiều hạn chế.

Một điều không thể nghi ngờ là, Truyền thống Phan sinh giải thích cho chúng ta thấy rõ rằng: khi tiếp cận Đức Kitô là chúng ta tiếp cận mầu nhiệm bất khả tiếp cận. Nhưng điều nghịch lý là: chính mầu nhiệm ấy (tức là Đức Kitô) hoàn toàn giống chúng ta, những anh em của Ngài. Các mục đồng đã tiếp cận mầu nhiệm ấy tại Bêlem, và họ đã không có một chút sợ hãi nào, ngoại trừ thứ sợ hãi mà chúng ta gọi là sự kinh hoàng pha lẫn kinh ngạc trước một cái vỏ bé bỏng và mong manh nhưng lại chứa đựng sự sống: đó là sự vĩ đại của Hữu Thể trong một hài nhi -- thật là quá kỳ diệu để có thể là có thật.

Đức Maria, thánh Gioan và Maria Magđala tiếp cận mầu nhiệm ấy tại Núi Sọ, và họ cũng không sợ hãi; bởi vì một người đang chết không gây nên sự sợ hãi, mà chỉ tạo ra nỗi buồn. Sự vĩ đại của Thiên Chúa hiển hiện trong một con người đang giẫy chết. Và đó là chân lý mà cuộc thám hiểm của Scotus trong lãnh vực siêu hình học và thần học đã phát hiện: mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu như là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đặc biệt mầu nhiệm Đức Giêsu thành Nadarét. Nói cách khác, từ khi có lời mạc khải “Ta là Ta”, “Ta là Đấng Hằng Hữu” – thì không có một mầu nhiệm nào khác ngoài mầu nhiệm đã nhập thể trong Đức Giêsu thành Nadarét, và khi nhìn vào mầu nhiệm ấy, chúng ta chỉ có thể thốt lên “Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta”.

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM tổng hợp & biên soạn

1. THẦN HỌC VỀ BA NGÔI THEO Th PHANXICÔ: BỐI CẢNH CHO NỀN THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH BONAVENTURA

2. THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BONAVENTURA

3. BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN

4. THẦN HỌC VỀ CHÚA BA NGÔI CỦA THÁNH BONAVENTURA: VÀI ỨNG DỤNG THỰC TẾ

5. SIÊU HÌNH HỌC CỦA THÁNH BONAVENTURA: MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC

6. DUNS SCOTUS VÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

7. SCOTUS VÀ KHOA KITÔ-NHÂN-HỌC: Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô

8. DUNS SCOTUS NHÀ THẦN BÍ: Lời kinh mở đầu của cuốn LUẬN VỀ THIÊN CHÚA NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT

=============

[1] [Theo giáo lý công giáo, thì Chúa Cha không thể hiện hữu mà không có Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xem Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 254-255. 267. Hình như lập luận của Scotus chỉ đúng cho tương quan “đối ngoại” – ad extra, nghĩa là Thiên Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Duy Nhất sở hữu nơi chính mình hết tất cả mọi sự hoàn hảo thuần tuý, nên không cần bất cứ cái gì hoặc bất cứ ai khác biết hoặc yêu mình. Nhưng dưới góc độ tương quan “đối nội” – ad intra, thì Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện hữu trong vĩnh cửu, và bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất là Tình Yêu, nên Ba Ngôi cần đến nhau, cần có nhau để yêu nhau thì mới là hiện thân của Tình Yêu hoàn hảo và vĩnh cửu].

Chia sẻ