Skip to content
Main Banner

Linh đạo của “Itinerarium” của thánh Bonaventure

BTT OFMVN 01
2024-02-09 07:35 UTC+7 535

LINH ĐẠO CỦA “ITINERARIUM” CỦA THÁNH BONAVENTURE [1]


Fr Joseph Tân Nguyễn, OFM


Tác phẩm “Itinerarium Mentis in Deum” được ra đời trong tâm trạng rối bời của Thánh Bonaventure lên núi La Verna để tìm kiếm sự bình an. Trong suốt bốn năm sau khi nhận ghế Giáo Sư và Giám học thay thế vị thầy của mình, Alexander of Hales đã mất, Bonaventure phải đương đầu với nhiều thử thách giữa những sinh hoạt trí thức sôi nổi tại Đại Học Paris. Trước các học giả, Bonaventure đã phải bênh vực cho linh đạo “khó nghèo” qua sáng tác “Defense of the Mendicants”. Trong Hội Dòng cũng có sự căng thẳng giữa các Anh Em muốn tuân giữ qui luật Cha Thánh cách tuyệt đối và các Anh Em chuộng cải cách cho thích ứng với hoàn cảnh bành trướng nhanh chóng của Hội Dòng.


ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN BẤT ỔN

Nhưng sự bất ổn thực sự bắt đầu với tin tức là có một số anh em và John of Parma, TPV đang bị tác động bởi tư tưởng lạc giáo của Joachim thành Fiore. ĐGH Alexander IV bí mật ra lệnh cho John Parma từ chức và đề cử Bonaventure lên thay thế. Thế là năm 1257, ba mươi mốt năm sau khi Thánh Phanxicô qua đời, ở cái tuổi bốn mươi, Bonaventure phải đảm nhận vai trò TPV thứ VII cho Hội Dòng. Dù chưa sẵn sàng để gánh vác trách nhiệm nặng nề được giao phó, nhưng ngài phó thác cho Chúa. Ngài dự tính đi kinh lược tại các nước Âu Châu, nhưng phải giải quyết vấn đề John Parma trước khi lên đường. Bị đặt vào thế khó xử, Bonaventure cuối cùng phải gởi John Parma, một vị bề trên đáng kính và được anh em yêu quí, đến sống những năm tháng còn lại trong bình an tại Greccio. Quyết định này đã làm cho nhiều anh em rất tức giận, xem đó như một hình phạt giam tù.

1695973039-itinerarium-mentis-in-deum-2.jpg

Vấn đề thứ nhì, sau khi đi kinh lược về, Bonaventure viết một thư cho Hội Dòng bắt đầu bằng những lời này: “Danh dự của Dòng chúng ta đang bị lu mờ vì hiện đang có một số các Anh Em sống không xứng đáng với lý tưởng cao quí của Cha Thánh...” Thêm vào đó, ngài liệt kê mười tệ nạn đang xảy ra trong đời sống Anh Em: (1) Nhiều cách anh em kiếm tiền mờ mịt đang xảy ra; (2) Sự biến nhát trong một số anh em; (3) Nhiều anh em lữ hành, lang thang nay đây mai đó; (4) Cung cách khất thực quá hồ đồ khiến cho nhiều người sợ gặp anh em như gặp một kẻ cướp; (5) Sự lộng lẫy và nguy nga của các tu viện; (6) Tình cảm quá thân mật của anh em đối với một số giáo dân, đặc biệt là giáo dân giàu, và có thế lực; (7) Cách trao chức ban quyền thiếu khôn ngoan trong Dòng; (8) Tham vọng về nơi chôn cất và tài sản kế thừa; (9) Thường xuyên tân trang chổ cư trú đơn sơ thành nơi đồ sộ; (10) Lối sống xa hoa phí phạm của một số cộng đoàn. Lá thư này cùng với sự tức giận của anh em về sự kiện John Parma đã đem lại nhiều phản ứng tiêu cực và lạnh nhạt đối với Bonaventure. Trong một tâm trạng rối bời và bất ổn, vào tháng Mười, năm 1259 Bonaventure “rút lên núi LaVerna, tìm nơi vắng vẻ thinh lặng, ao ước mong được sự thanh thản cho tâm hồn.” Chính nơi đây, Bonaventure đã sáng tác “Itinerarium”. 

Xuống khỏi núi LaVerna, tinh thần Bonaventure được bồi dưỡng và củng cố để chuẩn bị cho việc soạn thảo một Hiến Chương mới cho Tổng Tu Nghị được tổ chức năm sau đó tại Narbonne. Bonaventure được đề nghị viết lại một tiểu sử mới về Cha Thánh. Năm 1265, ngài từ chối đề cử làm Tổng Giám Mục cho thành York, lấy cớ phải phục vụ Anh Em. Công việc Atổ chức các tổng Tu Nghị ở Pisa (1263), Paris (1266), Assisi (1269), Lyon (1272) đã tổn hao sức lực ngài rất nhiều. Một ngày trong năm 1273, khi Bonaventure đang rửa chén thì có tin báo là ngài được chỉ định làm Hồng Y và mùa thu năm đó được triệu tập về Rôma. Năm sau đó, ngài dự Công Đồng Lyon và đứng ra tổ chức một Tổng Tu Nghị vào tháng Năm. Tại Tu Nghị này, viện lý do sức khỏe, Bonaventure từ chức và chị Chết đã viếng thăm ngài ngày 15, tháng Bảy, năm 1274, lúc năm mươi bảy tuổi. Bonaventure được Giáo hội tôn vinh lên hàng hiển thánh vào ngày 14 tháng Tư, 1482, và tuyên bố là Vị Tiến Sĩ Chí Ái (Seraphic Doctor) của Giáo hội vào ngày 14, tháng Ba, năm 1588.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt “Itinerarium” là hình ảnh thế giới mà con người đang sống như là sự thiện hảo tuôn trào từ Đấng Tối Cao. Vì thế, linh đạo là một cuộc hành trình hoán cải, trở về với Thiên Chúa Ba Ngôi, vốn là nguồn và là nguyên nhân của mọi hiện hữu. Ngài lấy lại thị kiến thiên thần sáu cánh của Phanxicô để tạo nên bố cục cho cuộc hành trình gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có 2 bước: đi vào và đi lên. Giai đoạn I gồm bước (1) quan sát các hoạt động của tạo vật vô tri, và bước (2) quan sát cách sự vật đi vào tâm trí con người, với mục tiêu biện phân các dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thụ tạo. Giai đoạn II gồm bước (3) quan sát cách lý trí nắm bắt sự hiệp nhất của các hoạt động của trí khôn, và bước (4) cách tri giác được soi sáng để nhận diện hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi qua tin, cậy, mến. Giai đoạn III gồm bước (5) biện phân các phẩm tính của Hữu Thể tinh tuyền, và bước (6) biện phân các phẩm tính của Sự Thiện tối cao. Cuối cùng linh hồn được an nghĩ trong Thiên Chúa, một trải nghiệm thần bí như đang bao phủ bởi đám mây vô tri.


LỘ TRÌNH BA CHẶNG

1695973164-itinerarium-mentis-in-deum-3.png

Trong tác phẩm này, Bonaventure xem cả thế giới “tự nhiên” lẫn “siêu nhiên” đều xuất phát từ Thiên Chúa. Chúng ta không bao giờ quan sát một vũ trụ tự tại độc lập, nhưng tất cả xuất phát từ Thiên Chúa; tạo thành chính là sự lan tỏa của Sự Thiện tối cao. Tạo thành là bước đầu và Nhập Thể/Cứu Độ là cao điểm hoàn tất của sự lan tỏa này. Bonaventure dùng triết học để khai triển tri thức của chúng ta về Thiên Chúa. Ngài kết nối học thuyết soi sáng của Augustine và thần bí học của Plotinus để bổ túc cho triết lý Aristote. Trí khôn có tri giác về vũ trụ bên ngoài là do ánh sáng thể lý, nhưng trí khôn cũng nhận thức những chân lý vĩnh cửu từ bên trong, đó là do ánh sáng Vĩnh cửu đang chiếu soi trên tâm hồn của chúng ta. Từ hai lộ trình từ ngoài vào trong, và từ dưới lên trên, lý trí con người nhận ra rằng thụ tạo là sự tuôn trào (fecunditas) của sự Thiện tối cao vốn là nguồn và là tác giả của mọi sự thiện trên trần gian. Trí khôn con người có thể nhận ra rằng thực tại như là sự lan tỏa của sự Thiện. Theo Bonaventure, có 2 phương thức “lan tỏa” của Sự Thiện: lan tỏa vĩnh hằng (Ba Ngôi Thiên Chúa), và lan tỏa trong thời gian (tạo thành & nhập thể). Sự lan tỏa của Sự Thiện trong thời gian có thể nhận thức được qua 3 cấp độ: “vết tích” (vũ trụ), “hình ảnh” (con người), và “bản sao hữu hình” của Thiên Chúa vô hình (Đức Kitô). “Itinerarium” là một cuộc hành hương tâm linh, qua đó tâm hồn lội ngược dòng chảy của lan tỏa của Sự Thiện, và nhận diện Thiên Chúa qua ba giai đoạn: thanh tẩy, soi sáng và kết hiệp.

Là một nhà thần học, Bonaventure bị lôi cuốn bởi viễn tượng và lòng sốt mến của Thánh Phanxicô, và không thể tách mình ra khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi ở nhiều cấp độ khác nhau trong thế giới. Ngài nhận ra tính phong nhiêu của vũ trụ: thực tại trở thành dấu vết, bảng chỉ đường, hình ảnh, và lộ trình mà chúng ta cần phải theo để kết hiệp với Thiên Chúa. Ba đôi cánh thiên thần trong thị kiến của Phanxicô biểu hiện cho ba mức độ ta có thể chiêm ngắm các hoạt động của Thiên Chúa từ: “bên ngoài” (thụ tạo tự nhiên), “bên trong” (tâm hồn), “bên trên” (qua tên gọi “Hữu Thể” và “Thiện Hảo”). Trong tiến trình “đi lên” này, hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi càng tỏ hiện rõ ràng và gần chúng ta hơn qua sự hoán cải và soi sáng của các ân sủng Tin, Cậy, Mến. Nếu thụ tạo là sự phát tỏa của sự Thiện, thì con người là công cụ để sự Thiện được liên tục phát tỏa. Đây là một linh đạo tự nguyện, gói ghém trong “Kinh Hòa Bình”, hạnh phúc con người được tìm thấy trong mức độ dấn thân và hành trình hoán cải của tâm hồn.

(1) Thanh Tẩy: tri giác con người như những tấm gương xuyên qua đó chúng ta nhìn thấy thế giới, và cũng là nơi phản chiếu hình ảnh của thế giới. Cả hai tấm gương này cần được lau sạch (thanh đạo) để chúng ta nhận ra dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi xuyên qua các loài thụ tạo, và trong mối tương quan giữa thế giới và tri giác con người. Muốn thế, cả 2 tấm gương cần được lau sạch khỏi những tổn thương hay đam mê (ngoài) và xung lực hay điểm mù (trong). Để phục hồi lại sự bình an, tâm hồn cần phải được thanh tẩy (carthasis), trút bỏ những ám ảnh và âu lo để được thảnh thơi nhận ra thực tại của sự thiện chung quanh chúng ta. Qua hành vi dọn sạch ngôi nhà, lo lắng nhu cầu tiếp đón khách của Marta vẫn muốn tiếp tục làm chủ các dự phóng của mình. Đức Kitô mời gọi Martha lau sạch tấm gương bên trong, đó là sự bực tức hay tâm tư bất ổn khi so sánh sự bận rộn của mình với tư thế ngồi lắng nghe Chúa của Mary.  

(2) Soi Sáng: Bên trong tâm hồn con người, tri thức là sự giao thoa liên tục giữa trí nhớ, trí năng và ý chí, vốn cho thấy hình ảnh Ba Ngôi đang hoạt động trong chúng ta. Kế tiếp, một khi các giác quan được soi sáng bởi các ân sủng Tin, Cậy, Mến, linh hồn có thể tiến lên cách thần bí để thấy, nghe, ngửi, nếm, và chạm vào mầu nhiệm Thiên Chúa đang lôi cuốn mình, qua tình yêu khổ nạn của Ngôi Hai. Khi đối diện với sự thông tri này, tâm hồn chỉ có thể ngồi yên, lắng nghe và chiêm ngắm Ngôi Lời đang hiện diện một cách khiêm hạ. Qua đó, tâm trí được soi sáng, các giác quan thể lý được cải biến, chúng ta sẽ ý thức và cảm nhận được sự thôi thúc của Thần Khí đang tác động bên trong tâm hồn mình. Hình ảnh của Mary đã “chọn phần tốt hơn” khi ngồi, say mê lắng nghe lời Chúa, nói lên hạnh phúc của người đang được tháp nhập vào các hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn. Ở giai đoạn này, con người khám phá ra Thiên Chúa Ba Ngôi thì gần gũi với mình hơn là sự nhận thức của mình. Không chỉ hoạt động của tâm trí mang hình ảnh Ba Ngôi mà chính sự thiện đó đã soi sáng, nâng tâm trí lên mức độ siêu việt hơn.

(3) Kết Hiệp: Ở giai đoạn cuối, tâm hồn bị cuốn hút vào sự kết hiệp thần bí, nhận ra Thiên Chúa là tất cả, đầu và cuối, nguồn và sự sống, tinh tuyền và tối cao, trung tâm hiệp nhất và chu vi của mọi sự hiện hữu. Con mắt tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa, giờ đây được chìm đắm và say mê với hình ảnh của hai Thiên Thần quỳ chầu trên nắp xá tội đang tôn thờ sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Hai Vị này cũng là biểu hiện cho hai tên gọi về Thiên Chúa, “Hữu Thể” và “Thiện Hảo” từ Cựu Ước và Tân Ước. Đây là điểm đến, nơi an nghĩ cho những con mắt đang mong mỏi tìm kiếm điểm tựa, và cho những tâm hồn đang khắc khoải tìm kiếm sự an nghĩ. Giờ đây, ý thức rằng tất cả tồn tại là sự lan tỏa của Sự Thiện Tối Cao, “summum unum”, tâm hồn tìm được sự bình an trong sự quan phòng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tâm hồn được nghỉ ngơi, phó thác cho đến khi được Chúa đánh thức dậy, cũng như Lazarô nằm nghỉ cho đến khi được gọi ra khỏi mồ. Nếu hạnh phúc tối hậu của con người là được kết hiệp với Thiên Chúa, thì đây là sự kết hiệp thần bí mà tâm hồn đang mong chờ.

1695973192-itinerarium-mentis-in-deum-4.png

[1] Itinerarium Mentis in Deum (Thánh Bonaventure, 1259). Works of St. Bonaventure Series, Volume II by Philotheous Boehner, O.F.M. and Zachary Hayes, O.F.M. Franciscan Institute Publications/.

Chia sẻ