Sáu cánh Thiên thần sốt mến
I. TỔNG QUÁT VỀ CÁC TÁC PHẨM THÁNH BONAVENTURA VIẾT VỀ ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Theo Cha Valentin-V. Breton, thánh Bonaventura là tác giả trong Giáo Hội Latinh thời Trung cổ đã viết nhiều nhất và viết hay nhất.
Các tác phẩm của thánh nhân được phân loại ra như sau
· Các tác phẩm chú giải Kinh Thánh
· Các bài giảng thuyết (Sermons)
· Các tác phẩm thần học
· Các tác phẩm về đời sống thiêng liêng
· Các bản văn liên quan tới Hội Dòng.
Riêng về các tác phẩm viết về đời sống thiêng liêng, ta thấy có các quyển :
- BA NẺO ĐƯỜNG (De Triplici via), viết sau quyển “Lộ trình của linh hồn đến với Thiên Chúa” cũng trong năm 1259. Đây là một quyển “Kim chỉ nam” về đời sống thiêng liêng, một tổng luận về đời sống thiêng liêng. Theo Cha Jacques Guy Bougerol, đây là một hòn ngọc có màu sắc thần học thần bí trong công trình của Thánh Bonaventura (Introduction ...p.216; cf. V-V Breton, St Bonaventura, p. 45 sq.).
- LỘ TRÌNH CỦA LINH HỒN ĐẾN VỚI THIÊN CHÚA (Itinerarum lentis in Deum) : tác giả nhằm đưa linh hồn gặp được Chúa Giêsu chịu đóng đinh, để Người đưa linh hồn vào cuộc sống bình an của Ba Ngôi Vinh phúc. Tác phẩm được viết tại Alverna vào tháng 10 năm 1259.
- ĐỜI SỐNG HOÀN HẢO VIẾT CHO CÁC NỮ TU (De perfections vitae ad sorores) viết vào cuối năm 1259 hoặc đầu 1260 cho chân phước Isabelle, chị vua thánh Lu-y là Đan viện mẫu Longchamp. Tác phẩm gồm 8 chương mô tả sự hoàn thiện trong đời sống tu trì : 1/ biết mình thật ; 2/ khiêm nhường chân thành ; 3/ nghèo khó trọn vẹn ; 4/ thinh lặng tĩnh niệm ; 5/ yêu thích cầu nguyện ; 6/ thường xuyên nhớ tới cuộc tử nạn của Chúa Kitô ; 7/ yêu mến Chúa hết lòng ; 8/ bền chí tới cùng.
- ĐỘC THOẠI VỀ BỐN LINH THAO (Soliloquim de quartuor mentalibus exercitilis) : đây là tuyển tập các bài suy niệm nhằm đáp ứng chương trình của “Ba Nẻo đường” được trình bày dưới dạng một cuộc đối thoại giữa linh hồn hỏi (học hỏi chân lý) và con người bên trong (tức tiếng Thiên Chúa trả lời).
- HƯỚNG DẪN LINH HỒN (De regimine animae) viết theo yêu cầu của Hoàng hậu Blanche de Castille. Theo tác giả, muốn làm chủ được linh hồn, ta phải học biết Thiên Chúa cho cao sâu, với cả lòng đạo đức, thánh thiện. Sau đó, phải diễn tả hiểu biết này ra bằng sự khiêm nhường, lòng sốt mến và trong sạch. Đau đớn về các tội lỗi đã qua, ước ao được Thiên Chúa ban ơn, thực thi các nhân đức, các việc này sẽ giúp linh hồn chiến thắng được chính mình và tận hiến cho Đức Kitô chịu đóng đinh.
- LÁ THƯ GHI 25 ĐIỀU ĐÁNG NHỚ (Epistola continens XXV memorabilia) viết cho 1 tu sĩ Phan sinh tên là Phêrô (khoảng 1268).
- CÂY SỰ SỐNG (Lignum vitae) : trình bày cuộc đời Chúa Giêsu trong 48 chương, diễn ra theo hình một cây, chia thành ba phần nói về mầu nhiệm nguồn gốc, mầu nhiệm khổ nạn và mầu nhiệm tôn vinh, mỗi mầu nhiệm được chia thành 4 bông hoa, mỗi bông hoa có 4 trái : như vậy ta có 48 bài suy niệm, mầu nhiệm trung tâm là mầu nhiệm cứu chuộc. Mục đích tác phẩm : thúc đẩy người đọc noi gương Chúa Kitô.
- CÂY NHO BÍ NHIỆM (Vitis mystich) : có lẽ là một bài giảng được trình bày tại Đức, theo đề tài của Yoan 15 về Cây nho. Tác giả mô tả các đặc điểm của cây nho và những việc phải làm để cây nho sinh hoa trái.
- NĂM LỄ CỦA CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG (De quinque Festivitatibus Pueri Jesu), viết sau “Độc thoại”, là một tác phẩm giải thích các mầu nhiệm thời thơ ấu Chúa Giêsu theo cách ẩn dụ : Chúa Giêsu được cưu mang, sinh hạ, chịu phép rửa, thờ lạy, và dâng trong đền thờ (Linh hồn có thể cưu mang, sinh hạ đặt tên, thờ lạy và dâng con Thiên Chúa).
- LÁ THƯ NÓI VỀ VIỆC NOI GƯƠNG CHÚA KITÔ (Epistola de imitations Christi) viết cho Hội Dòng. theo tác giả, bắt chước Chúa Kitô là phương cách duy nhất để nên một với Người và nhờ Người, hiệp nhất với Ba Ngôi.
- THẦN VỤ VỀ CUỘC KHỔ NẠN CHÚA (Officium de Passions Domini), viết khoảng 1242-1247) theo yêu cầu của vua thánh Lu-y, giúp suy gẫm về cuộc Khổ nạn.
- SÁU CÁNH THIÊN THẦN SỐT MẾN (De sex aliis Seraphim).
II. TÁC PHẨM “SÁU CÁNH THIÊN THẦN SỐT MẾN” HAY “KHÁI LUẬN VỀ CÁC NHÂN ĐỨC CẦN THIẾT ĐỐI VỚI CÁC BỀ TRÊN ”
1. Giới thiệu tổng quát :
Tác phẩm SÁU CÁNH THIÊN THẦN SỐT MẾN là một khảo luận ngắn, nhưng lại là một tác phẩm quan trọng về đời sống thiêng liêng, và phải được đặt ngang hàng với “Ba nẻo đường”, “Lộ trình”, “Độc thoại” . Thánh Bonaventura đã viết tác phẩm này vào tháng 4 năm 1263, không phải cho các tín hữu thông thường, nhưng cho các Bề Trên tu viện, để huấn luyện hướng dẫn và nâng đỡ các ngài trong trách nhiệm cao quí, đẹp đẽ, hữu ích, nhưng cũng là trách nhiệm đầy khó khăn, có khi đầy ảo tưởng, nguy hiểm,lầm lạc với những dịp sai lỗi, có khi đi đến chỗ làm hư hỏng các tâm hồn và suy sụp các tu viện nữa. (Les six ailes du Séraphim, trad, du RP V-V Breton, Bibliothèque Bonaventurienne 2, Paris Ed. Francisc. 1951, Introduct. P.11).
Tác giả đã dùng hình ảnh Thiên Thần Sốt Mến 6 cánh đã hiện ra với thánh Phanxicô trên núi Alverna, hai cánh giơ lên phía đầu, hai cánh giang ra để bay và hai cánh che thân. Trong tác phẩm này, mỗi cánh tượng trưng một nhân đức mà vị Bề Trên cần phải có trong đời sống cá nhân, trong tương quan với các Bề Trên khác và trong việc hướng dẫn các bề dưới.
Tác phẩm này vừa phong phú về thần học vừa đầy tràn kinh nghiệm, nên đã được các dòng tu, rõ ràng nhất là Dòng Tên, quí chuộng. Cha Julie Nigronie dòng Tên người Ý đã nói : “Quyển sách này phù hợp với tinh thần của Dòng (Tên), về cách thức điều hành, đến nỗi Cha Claude Aquaviva là Bề Trên cả, đã muốn in ra và cho phổ biến trong các Tỉnh Dòng. ta biết Cha Aquaviva là Bề Trên Cả thứ 5 sau thánh Inhaxiô, ngài đã viết quyển “Thủ bản của các Bề Trên ”.
2. Phân tích
Tác phẩm này có 1 tiền ngôn và 7 chương
¨ Tiền ngôn :
Mục đích của tác phẩm : trợ giúp các anh em mới làm Bề Trên chưa có kinh nghiệm.
¨ Chương I : Sự cần thiết của vai trò Bề Trên .
· Những người mới làm lần đầu thì đều cần có thầy chỉ vẽ, để họ biết:
- Các điều cần thiết và hữu ích cho phần rỗi và sự tiến bộ của riêng mình.
- Tránh những điều xấu, điều dữ.
- sống theo điều thiện.
· Để không cần đến thầy, thì phải :
- có khả năng và kiến thức
- có lòng sốt sắng đạo đức
- có lòng khiêm nhường và cương quyết.
· Tuy nhiên không có mấy ai có được một sự hoàn hảo như thế. Do đó, chỉ cần có 6 nhân đức căn bản, được tượng trưng bằng “6 cánh Thiên Thần Sốt Mến”.
¨ Chương II : Cánh thứ nhất : Nhiệt thành đối với sự ngay lành.
· Nhiệt thành đối với sự ngay lành là không thể chấp nhận một điều gì bất xứng, không ngay lành, nơi mình và nơi người khác.
· Lòng nhiệt thành này được áp dụng với 4 hạng người “tốt lành” :
- Tốt lành tiêu cực : sống bình an với người khác, không gây vấp phạm, nhưng không làm các việc lành.
- Tốt lành tích cực nhưng không cố gắng : không làm điều xấu, có làm chút ít việc thiện, có sự tiết độ, thanh sạch, khiêm nhường, bác ái, cầu nguyện đều đặn, nhưng không cố gắng vươn lên cao.
- Tốt lành tích cực, nhưng không nhiệt thành ; chỉ lo cho mình, không lo giúp người khác.
- Tốt lành tích cực, nhiệt thành, thao thức chuyện đưa người khác cùng với mình đến với Chúa.
· Mọi bạn hữu của Chúa phải có lòng nhiệt thành bác ái như thế, phương chi một vị Bề Trên .
· Lòng nhiệt thành đó phải được diễn tả qua việc tuân giữ 4 điều sau :
- Luật Chúa;
- Luật Giáo Hội ;
- Các lời khấn ;
- Kỷ luật của Tu viện.
· Lòng nhiệt thành phải hợp tình hợp lý : biết cân nhắc điều nặng, điều nhẹ.
· Trước hết, phải tuân giữ các điều quan trọng : giới răn và lời khấn.
· Rồi thăng tiến lòng đạo đức nội tâm.
· Cùng lưu tâm đến kỷ luật bên ngoài, nhờ đó, trợ giúp đời sống đạo đức.
· Kết luận : Một người nhiệt thành với sự ngay lành phải để ý :
- Không làm hay dạy một điều xấu nào ;
- Không cho phép hay đồng ý để xảy ra một điều xấu nào, dù gặp phiền toái hay được tâng bốc.
- Không được ủng hộ hay trợ giúp vào điều xấu, dù người ta vi phạm vào điều xấu ấy khi Bề Trên vắng mặt, không biết.
- Không được giấu sự bất tán thành của mình, không được im lặng, phải khuyên răn, làm cho người ta sợ mà không dám tái phạm.
- Phải trừng phạt mọi điều xấu.
· Khác biệt giữa Cộng đoàn sốt sắng và Cộng đoàn buông thả : Không phải là trong cộng đoàn sốt sắng thì không còn phạm lỗi, nhưng là không có lỗi nào lại không được lưu ý, sửa chữa, trừng phạt.
· Tuy nhiên, sự hiện diện của những người phạm lỗi cũng có ích cho những người sốt sắng tốt lành, vì những người này sẽ thêm công phúc nhờ :
- Biết để ý canh phòng chính mình hơn ;
- Có lòng trắc ẩn đối với những người kia ;
- Biết nhiệt thành sửa dạy họ.
· Dù thế, những người có lỗi cần phải được nhắc nhở, sửa dạy, trừng phạt.
· Vị Bề Trên sao nhãng bổn phận này sẽ phải trả lẽ với Chúa và đền bù :
- Sự sơ suất của mình
- Những tội không trừng phạt nơi các bề dưới.
- Tội lạm dụng danh dự và quyền lực Thiên Chúa ban cho : thay vì dùng để tôn vinh Chúa và mưu ích phần rỗi anh em, thì lại dùng để lo cho cá nhân mình.
Với lòng nhiệt thành, bề trên chứng tỏ mình yêu mến Thiên Chúa.
¨ Chương III : Cánh thứ hai : Lòng trắc ẩn đối với anh em :
· Sự cần thiết của lòng trắc ẩn : diễn tả tình huynh đệ.
· Đối tượng : những người yếu nhược về thân xác và linh hồn.
Có 3 loại đau yếu về thể xác. Bề trên phải tùy loại mà lo liệu :
- Đối với người đau ốm bệnh tật : lo săn sóc thuốc men
- Đối với người mới khỏi bệnh : lo cho được nghỉ ngơi và có chế độ ăn uống bồi dưõng.
- Đối với người yếu ớt (tật nguyền, già nua, yếu ớt bẩm sinh) : chế độ ăn uống bồi dưỡng và nghỉ ngơi, bớt những luật buộc...
Như vậy, Bề trên phải đáp ứng nhu cầu của mỗi người.
· Đối với mọi người, bề trên hãy có lòng thông cảm (sympathie)
· Chứ không phải là một thái độ nghi ngờ hay cứng rắn...
· Có 3 lý do khiến bề trên phải săn sóc những người đau yếu :
- Để nâng đỡ họ trong thử thách
- Để giúp họ phục hồi sức khỏe
- Để an ủi họ.
· Bề trên phải xử sự theo lòng bác ái chứ không theo lợi nhuận.
· Có 3 loại đau yếu về linh hồn :
- Những người yếu nhược (pusillanimes) : rất dễ sa ngã
- Những người mỏng dòn : có thiện chí, đạo đức, nhưng chán nản ngay dù chỉ hơi bị khiển trách.
- Những người thiếu kiên tâm (inconstants) : luôn thay đổi quyết định...
· Các phương dược :
- Đẩy xa họ những dịp gây vấp phạm,
- Khuyên răn thường xuyên
- Chịu đựng sự bất toàn cách bĩnh tĩnh.
· Bề trên hãy làm sao để anh em yêu mến, chứ không sợ hãi mình.
¨ CHƯƠNG IV : cánh thứ ba : Sự kiên nhẫn hay là lòng quảng đại bền bỉ.
· Hình ảnh : những tấm da dê che bụi bậm, mưa gió, che nhà tạm (Xh 26,7)
· Ba lý do cho thấy sự kiên nhẫn cần thiết :
- Vì trách nhiệm khiến Bề trên rất bận bịu và mệt mỏi,
- Vì sự chậm chạp ù lì của bề dưới. Nếu có tình trạng này là do :
· Hoặc nhận các ứng sinh cách cẩu thả vào Dòng,
· Hoặc cho nhận các trách nhiệm quá sớm, thiếu chuẩn bị,
· Hoặc do bày ra nhiều công việc không cần thiết.
- Vì sự vô ơn của bề dưới : càm ràm, giải thích sai ý bề trên, chống đối.
· Có sự kiên nhẫn, Bề trên như được một cái thuẫn che mình, sẽ tỏ ra bằng :
- Sự tự chủ : luôn ôn hòa, chín chắn, diu dàng.
- Thái độ hòa bình : không hiềm thù đối với những người xúc phạm đến mình.
- Sự hăng say chu toàn trách nhiệm .
· Hoa trái của sự kiên nhẫn :
- Bề trên được tinh luyện khỏi tội lỗi
- Bề trên được bảo vệ khỏi tính kiêu ngạo,
- Bề trên đạt nhiều công trạng, do chính công việc chứ không do kết quả.
¨ CHƯƠNG V : Cánh thứ tư : Đời sống gương mẫu
· Bề trên phải là một bản Luật sống động cho anh em : sống gương mẫu, tỏ ra bằng :
- Giữ luật chung với anh em
- Khiêm nhường trong phong cách
- Khả ái đối với mọi người
· Để tỏ gương khiêm nhường, bề trên hãy biết từ bỏ và sống nghèo khó.
· Bề trên phải có thái độ trang trọng xứng hợp với chức năn, tỏ ra bằng :
- Ý tứ trong tư cách (lời nói, cử chỉ, giải trí)
- Đứng đắn về tình cảm
- Kiên quyết trong những dự phóng, bền bỉ trong những lời khuyên.
· Hãy học biết đồng nhất mình với Đức Kitô :
- Trong việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa
- Trong cách sử dụng quyền năng Thiên Chúa trao cho
- Trong cách dùng gương sáng để chứng tỏ mọi người có thể bắt chước Chúa Giêsu..
¨ CHƯƠNG VI : Cánh thứ năm : Sự cẩn trọng
· Cần thiết : Không cẩn trọng, sự thiện cũng có thể biến thành sự dữ.
· Đối tượng : a) biết làm việc gì b) biết làm (việc ấy) cách nào.
· Có bốn hoàn cảnh trong đó Bề trên phải tỏ ra cẩn trọng :
Biểu tượng : “Túi ngọc của Vị Thượng tế” (Xh 28,15tt) có 4 hàng ngọc, mỗi hàng có 3 viên ngọc quí. Vị thượng tế vào thánh điện tượng trưng cho vị Bề trên lo cho linh hồn anh em. Bề trên phải suy niệm về 4 loại bổn phận do chức năng (tượng trưng bằng 4 hàng ngọc)
· Hàng thứ 1 : Biết các bề dưới để hướng dẫn họ cho tốt. Khi đó, có 3 trình độ giữ luật mà bề trên phải đưa anh em tới :
- Viên ngọc 1 : buộc giữ (không thì phạm tội, để được cứu thoát),
- Viên ngọc 2 : giữ một cách hoàn hảo : bề trên hãy khích lệ bằng lời khuyên, nhắc nhở, gương sáng.
- Viên ngọc 3 : Giữ kỷ luật, tập tục đạo đức (ăn chay, thinh lặng, cử hành PV trang trọng).
· Hàng thứ hai : Sửa sai những người phạm lỗi :
- Viên ngọc 1 : Đối với những người sa ngã đã chỗi dậy,, hãy củng cố họ trong đường ngay với lòng nhân hâụ.
- Viên ngọc 2 : Đối với những người giấu tội : phải cầu nguyện, nhắc nhở chung tránh những dịp tội.
- Viên ngọc 3 : Đối với những người phạm tội trọng, công khai, ngoan cố, gây gương xấu : khai trừ.
· Hàng thứ ba : Điều hành công việc bên ngoài :
- Viên ngọc 1 : Giao cho người khác điều hành một số công việc vật chất.
- Viên ngọc 2: bề trên lo việc chính : vấn đề thiêng liêng, linh hồn.
- Viên ngọc 3 : Loại bỏ một số công việc : những việc không cần cho đời sống cộng đoàn hay cho phần rỗi, cho sự hoàn thiện của anh em (Vấn đề : viết sách, xây nhà, kiện tụng).
· Hàng thứ bốn : Hạnh kiểm của cá nhân Bề trên
- Viên ngọc 1 : lương tâm bề trên phải ngay thẳng và chắc chắn.
- Viên ngọc 2 : Phong cách và cử chỉ, phải có sự đoan trang chừng mực.
- Viên ngọc 3 : Lưu ý đừng ỷ lại vào kinh nghiệm của mình, biết hỏi ý kiến.
· Nhờ đó được 3 điều lợi :
- Bảo đảm không sai lầm ;
- Nếu hỏng việc, không phải gánh toàn trách nhiệm;
- Chúa hay tỏ mình cho người khiêm nhường
· Nhưng phải tránh xa những người tâng bốc và bôi nhọ kẻ khác.
Thường thường, Bề trên cần lời khuyên trong 3 trường hợp :
- Để tự đào luyện mình về những gì mình chưa chắc chắn.
- Để củng cố uy quyền của mình, khi biết quyết định chắc chắn nhờ đã được góp ý.
- Để bảo vệ sự an hòa, không ai còn có lý để càm ràm.
¨ CHƯƠNG VII : Cánh thứ sáu : Lòng sốt mến đối với Chúa.
· Đây là cánh quan trọng nhất, vì không có cánh này, những nhân đức được tượng trưng bằng các cánh kia, sẽ không đạt mức hoàn hảo. Nhờ gắn bó với Thiên Chúa mà lòng nhiệt thành đối với sự ngay lành nên nóng bỏng, lòng trắc ẩn đối với anh em được Chúa ban cho, sự kiên nhẫn trở nên vững vàng, gương sáng có hiệu quả, sự cẩn trọng sẽ nên sáng suốt.
· Vậy lòng sốt mến này tô điểm, củng cố và thần hóa chúng ta.
· Do đó, là trung gian giữa Thiên Chúa và anh em, Bề trên phải ước ao có lòng sốt mến, nhờ đó biết việc phải làm, được trợ giúp trong khi làm, và được hướng dẫn không sai lầm.
· Lòng sốt mến của Bề trên phải :
- Có tính cách cộng đoàn : trung thành với những việc đạo đức chung, đặc biệt là PV giờ kinh.
Khi cử hành giờ kinh phụng vụ, Bề trên phải lưu tâm :
- Trước tiên, cho mọi sự được chu toàn có trật tự, không lộn xộn, hay ngập ngừng, mỗi người chu toàn chức năng cách xứng hợp.
- Chu toàn cách sống động, không uể oải, buông thả.
- Cuối cùng, cho chu toàn với lòng cung kính, rõ ràng chăm chú.
· Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Giáo Hội lập Kinh phụng vụ vì 5 lý do :
- Để bắt chước triều thần thánh ca tụng Thiên Chúa cách chuyên chăm.
- Để giúp ta nhớ những ân huệ Chúa ban, mà cám ơn, ca ngợi, cầu xin vào những giờ phù hợp.
- Để thúc đẩy chúng ta thêm sốt mến và thêm yêu mến Chúa.
- Để giúp các tín hữu quen với việc cầu nguyện theo giờ giấc, bớt thấy giờ cầu nguyện là dài.
- Để nâng cao công việc phụng tự Kitô giáo.
- Có tính cá nhân : phải cầu nguyện riêng, thầm thì trong lòng, kết hợp với Chúa.
- Chuyên chăm : bền bỉ, thường xuyên
- luôn luôn nhớ tới Thiên Chúa hiện diện,
- luôn luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa,
- luôn luôn chạy tới Chúa trước khi hành động.
¨ KẾT LUẬN
I. Trước Nhan Chúa, một Bề trên có 6 cánh, tức 6 nhân đức đối với Chúa, với Anh em và với chính mình : cặp cánh thứ nhất giơ trên đầu, cặp cánh thứ hai che thân và chân, cặp cuối cùng giang ra hai bên để bay :
· Lòng nhiệt thành không suy yếu vì lời khen của người đời và lòng trắc ẩn đối với anh em không suy yếu vì một tình cảm nhân loại. Trái lại, BỀ TRÊN luôn được nâng lên cao nhờ có 1 ý hướng ngay lành và vững vàng nhờ bác ái huynh đệ.
· Sự kiên nhẫn và đời sống gương mẫu che chở mình khỏi những thử thách và khỏi trần trụi vì thiếu công phúc.
· Sự cẩn trọng bay lượn để thấy việc phải làm và cách làm, còn lòng sốt mến thì nâng lên tới tận Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
II. Không phải tất cả các Bề trên đều có các nhân đức này ở mức viên mãn, nhưng tuyệt đối mọi Bề trên cần phải có không được thiếu sót một nhân đức nào, để vừa có thể xây dựng cho bề dưới vừa mưu ích phần rỗi cho chính bản thân Bề trên .
III. Tuy nhiên, các nhân đức này cần thiết cho mọi tu sĩ, vì ai cũng có bổn phận phải điều khiển chính mình, và phải trả lẽ với Chúa về điểm này. Do đó, họ phải nhiệt thành với sự ngay lành, thông cảm với anh em vì Chúa, kiên nhẫn trong gian truân, dùng gương sáng xây dựng cho người khác, cẩn trọng trong tư cách, và trên hết, gắn bó mật thiết với Chúa bằng cầu nguyện.
Fr. Vũ phan Long giới thiệu